Buổi sinh hoạt đạo lý này, chúng tôi nói về những trở ngại trên bước đường tu tập của chúng ta. Trong công phu tu, dĩ nhiên không khi nào ta được như ý trăm phần. Chỗ này nếu người nào chưa nhận định được chính xác có thể dễ nản lòng, thoái tâm Bồ-đề. Vì vậy hôm nay chúng tôi sẽ đưa ra những cách Khắc phục bệnh tật để tiến tu. Nhiều vị có thời gian học đạo, tu đạo lâu dài nhưng rồi cũng bị thoái tâm. Vì quá trình thực hiện công phu đòi hỏi nhiều công sức, nhiều quyết tâm và nhất là phải có trí tuệ sáng suốt đi đúng đường. Có trí tuệ mới thấy rõ các bệnh tật làm ngăn trở bước tiến đạo của mình, từ đó ta khắc phục loại trừ nó. Trong huynh đệ chúng ta chưa ai dám đảm bảo mình tu một năm, hai năm hay năm mười năm thành đạo cả. Tại sao? Vì trong công phu ai cũng nếm trải quá nhiều điều bất như ý, những cay đắng không ngờ trước được. Cho nên nhiều người đã tủi lòng khóc than trước Phật, Bồ-tát hoặc thầy mình, với những lời bộc bạch tức tưởi vì nghiệp chướng chưa chịu buông tha. Thật là khổ. Khi nghe những lời trình bạch ấy, các bậc thầy lại cười. Vì sao? Vì không phải nghiệp chướng chưa chịu buông tha mình, mà là tại mình chưa chịu buông nghiệp chướng. Trong trường hợp như thế, các Ngài cũng không làm sao hơn. Bởi vì Phật, Bồ-tát còn chẳng thể đưa chúng ta lên Niết-bàn, huống là các bậc thầy. Thầy cũng không có pháp thuật nào đảm bảo cho quá trình tu tập của chúng ta được an toàn. Chúng ta có thầy bạn, có pháp, chuẩn bị đầy đủ tiện nghi rồi mà những ưu tư phiền não không buông được là lỗi tại mình thôi. Nhiều người than rằng, không biết phiền não là cái gì mà nó hiện đủ thứ hình ảnh quấy rầy tôi. Thì hôm nay chúng ta sẽ điểm mặt một vài tên phiền não ấy, xem thử nó là gì? Đã nhiều lần tôi nói “Phiền” giống như một loại lửa nóng bức, thiêu đốt trên đầu chúng ta. Phiền làm cho mình không yên, buồn dàu dàu hoặc cay cú khó chịu, không bình thường. Quí vị thử tưởng tượng cái đầu bị lửa đốt, làm sao chịu được. Huống là lửa này đốt ở trong tim, trong gan, trong phổi của mình, không bất an bất ổn sao được! “Não” là gì? Là bồn chồn xốn xang, khó chịu. Hôm nào ta la lên “tôi bực bội quá”, đó là hiện thân của não. Người biết tu không ai dại gì nuôi chứa phiền não. Nhưng khắc phục nó thì ta chưa khắc phục được, nên rồi cứ phiền não. Nói nghe như lẩn quẩn, song đó là những vấn đề hiện thực trong sinh hoạt tu tập hằng ngày của chúng ta. Phiền não có hai loại: căn bản phiền não và tùy phiền não. Nói căn bản tức là gốc gác, gốc gác này có là do chúng ta không tỉnh sáng. Thế nên khi nào ta sống không tỉnh, không sáng là đã làm sai lời Phật dạy, nên chuốc phiền não. Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy quả thực phiền não là do tự mình thôi. Thế nên muốn trị phiền não chúng ta phải tỉnh, phải sáng, phải tích cực phấn đấu loại trừ nó. Một trong những cách phá tan phiền não là sự xả bỏ, buông hết, tha thứ hết thì phiền não sẽ không còn. Lẽ thật như vậy. Chúng ta để ý xem thái độ của người đang phiền não ngộ lắm, hễ buồn là cúi gầm mặt xuống. Như mình đang giận ai đó, gặp họ không muốn ngó, thành ra ta ngó xuống. Phải chi khi buồn ta ngó lên cười, mở con mắt to ra, mở rộng lòng tha thứ thì nhẹ nhàng biết mấy. Việc tu như thế đâu có khó khăn gì! Đằng này ta buồn là cúi xuống, rút lại, đóng cửa rào, khóa cửa phòng, rồi nằm thui thủi một mình, thế là buồn lại thêm buồn. Rõ ràng tự mình thôi, chớ có ai làm gì mình đâu? Bao giờ chúng ta còn vui buồn, tức giận khi đụng chạm những cảnh bên ngoài là biết mình chưa tỉnh, nhất định căn bản phiền não sẽ nổi lên. Căn bản phiền não là gì? Là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Bọn này trồi lên một lúc thì chúng ta hoàn toàn thất thế, giống như tướng lãnh ra trận không có quân lính vậy. Bấy giờ chỉ còn nước nạp mình cho nó muốn làm gì thì làm. Vì vậy khi tham sân tật đố kéo đến, hiện hình của mình bấy giờ là ma quái. Mặt đỏ, môi run, tay chân quơ quào, miệng há hốc la lối… Còn đâu là hình bóng từ bi, trí tuệ, giác ngộ, giải thoát? Chúng ta vẫn biết khi phiền não nổi lên thì dở lắm, nhưng vẫn không đủ sức mạnh thắng nó, nên rồi cuối cùng cũng hiện hình theo nó. Có thể nói phương pháp hữu hiệu nhất để thắng phiền não là “phải tỉnh”. Trong công phu tu thiền, tỉnh giác luôn được xem là tướng tiên phong của thiền sinh. Chữ “Tỉnh” là tự tỉnh, chữ “Giác” là sáng suốt. Tự mình tỉnh táo, sáng suốt. Tất cả sáng suốt từ ngoài đem vô, do người khác chỉ vẽ chưa phải là sự sáng suốt của mình, nên ta không thể đương đầu với hiện cảnh trước mắt. Học hỏi kinh nghiệm từ những bậc trưởng lão đi trước là điều cần thiết, nhưng cuối cùng người quyết định vẫn là mình. Được hay không, nên hay hư, tốt hay xấu, thành công hay thất bại đều do chúng ta hết, chớ không phải ở người khác. Như mình tu không được là tại mình, không thể đổ thừa tại Phật, tại Bồ-tát, tại ông thầy… Rõ ràng như vậy. Có tỉnh giác mới được an ổn. Tỉnh thường đi chung với định mới đúng. An ổn ở đây là làm chủ được mình, khắc phục, loại bỏ những lăng xăng không cần thiết. Cho nên người xuất gia, đệ tử Phật nên có thời gian nhập thất, để tránh bớt duyên, tránh tiếp xúc mới dễ lặng tâm lăng xăng của mình được. Người thế gian thấy như thế là tiêu cực, trốn đời nhưng thật ra không phải. Đây là những người can đảm, dám ngồi nhìn lại thật rõ những lăng xăng điên đảo của mình. Để từ đó quật ngã nó bằng sự tỉnh giác, bằng trí tuệ của chính mình. Tóm lại, muốn trị được phiền não trước phải tỉnh giác, muốn không bị vọng tưởng kéo lôi phải có sức định. Vì vậy người xưa nói có định mới có tuệ. Quả thật nếu tâm chúng ta yên tĩnh, trí tuệ mới sáng suốt. Như khi đang ở chỗ đông người ồn náo, mình nghĩ điều gì cũng khó thông suốt, bấy giờ ta tìm nơi vắng lặng, ngồi yên định tâm sẽ bừng sáng ra vấn đề. Đó là gì? Là từ sự yên lặng, tâm được định nên trí tuệ phát sáng. Thiếu thiền định, thiếu sự yên lắng, là không có nền tảng để phát huy trí tuệ sáng suốt. Bởi vì sự sáng suốt này không phải từ ngoài đem vô được, mà từ bên trong của chúng ta phát ra. Lắng được, yên được, tỉnh được, buông bỏ được thì tự nhiên mình sáng suốt. Điều này rõ ràng như vậy. Khi ta ngồi thiền, tiếp khách, ăn cơm, tụng kinh, làm những công việc bình thường mà lòng yên lắng thì việc làm rất sâu sắc, khéo léo, tinh nhuệ. Bởi vì lúc đó ta làm với một tâm định tỉnh, có trí tuệ ngự trị thì phiền não không phá rối, nhiễu loạn được. Giống như sáng với tối, hễ có ánh sáng thì bóng tối phải lui; còn đầy bóng tối thì biết không có ánh sáng. Ai tu mà không muốn tỉnh sáng, ai tu mà không ngán phiền não, cho nên nhiều người đã cất cốc riêng để khỏi phiền não. Nhưng càng trốn tránh phiền não chừng nào nó càng bám sát chừng ấy. Vì phiền não không phải do cảnh bên ngoài, mà nó nằm trong tâm ta. Không dám nhìn thẳng nó, không dám ruồng tận hang ổ của nó thì dù ta có chui xuống đất hay bay lên trời, nó vẫn rượt theo như thường. Quan trọng là biết nhận diện phiền não và biết cách khắc phục nó. Chỉ có tỉnh sáng là phương pháp thẳng tắt nhất để trị liệu phiền não mà thôi. Khi thấy mình còn phiền não thì cố gắng tỉnh, chớ không thể khóc lóc cầu Phật, Bồ-tát dẹp phiền não giùm mình được. Nó nằm trong ta, làm sao các Ngài vào đó dẹp được? Cho nên chúng ta có an lạc, có sáng suốt hay không là từ công phu, từ sự thể nghiệm của mình, chớ không từ đâu cả. Không thể mỗi ngày chỉ ngồi thiền hai tiếng đồng hồ là thấy ta tu ngon rồi, xả thiền xong đi vòng vòng nổ lốp bốp. Tu kiểu đó không thể nào sáng được việc của mình, không thể nào thành Phật được. Điều này huynh đệ chúng ta cần phải ý thức rõ, để có con đường thoát. Miễn sao trong công phu không có phiền não, không có sở đắc là được an lạc. Như chúng tôi đã nói, ngoài căn bản phiền não còn có tùy phiền não nữa. Đám tùy phiền não này mới rắc rối. Tuy nó không quan trọng như căn bản phiền não, nhưng nó xúi giục, hỗ trợ cho căn bản phiền não dấy loạn. Một khi căn bản phiền não dấy khởi thì đám phụ thuộc này hùa theo, nên thế lực chúng rất mạnh, nhiễu loạn ta đủ cách. Nếu mình không khắc phục được cội gốc phiền não thì ngọn ngành cũng chịu thua. Trong cuộc sống hằng ngày những ngọn ngành đó biết bao nhiêu mà kể. Ra ngoài chợ mua đồ không vừa ý cũng bực bội... Ngọn ngành này cộng với căn bản phiền não thì sanh chuyện lớn. Đám tùy phiền não này ở đâu ta không biết, nhưng nó âm ỉ thầm thầm bên trong, xúi bảo rất hay. Như buổi chiều mình định đi bách bộ một chút rồi tụng kinh, tọa thiền. Nhưng khi gặp người bạn tâm đầu ý hợp, họ đề nghị gì đó ta ưa thích. Thế là giờ tụng kinh cho qua, vuột mất cổng thứ nhất. Đến giờ tọa thiền, con ma vọng tưởng, ma tùy phiền não vẫn len lén rủ rê nữa, vậy là qua luôn cổng thứ hai. Có khi ta chạy theo nó tới nửa đêm, công phu đã hụt hẫng mà còn mỏi mệt luôn cả trong giấc ngủ. Từ những hình thành nhỏ như thế, lâu ngày tồn đọng thành lớn, rất trở ngại cho việc tu hành của chúng ta. Người xưa khi hạ thủ công phu rất sợ những thứ tạp nham này, mới nhìn nó không ra gì, nhưng lần lần thành vấn đề không hay. Huynh đệ chúng ta cần phải lưu ý điều này. Thành ra, đối với phiền não gốc như tham sân tật đố, dĩ nhiên chúng ta phải đề cao cảnh giác, việc đó đã đành rồi. Nhưng đối với những thứ phụ thuộc, những anh trợ lý của căn bản phiền não, chúng ta cũng phải dè dặt, không thể xem thường. Nhìn chung, đối với căn bản phiền não hay tùy phiền não, lúc nào ta cũng cảnh giác, tỉnh táo thì mới đủ sức đương đầu với nó. Bằng không thì thôi, buông trôi. Đã buông trôi thì công phu bao nhiêu năm cũng không thể sáng được việc của mình. Chúng ta tu hành có một điều rất tủi hổ, tại sao người xưa khi nhận ra được lý đạo rồi, thời gian sáng đạo, thành tựu đạo của các Ngài rất mau. Còn chúng ta lại mênh mang không biết chừng nào, không biết bao giờ, vô định. Đó là điều tôi thấy rất xấu hổ. Cũng con người, cũng có tất cả phiền não, cũng biết tu hành như nhau, nhưng tại sao người xưa tu được, tới mình lại không tu được? Chúng ta có thể đặt ra vấn đề này để tự khắc tỉnh, chỉnh đốn lại công phu của mình. Đó là tôi nói về hai thứ, căn bản và tùy phiền não. Bây giờ còn một loại nữa là nội trước phiền não và ngoại trước phiền não. Chữ “Nội” là bên trong, chữ “Trước” là dính mắc, nắm chặt. Nội trước phiền não là những thứ chấp, những thứ dính mắc trong lòng mình. Dính mắc cái gì? Hình như cái gì ta cũng dính mắc được cả. Chúng như những chất keo, khởi lên cái gì mình dính cái ấy, làm cho ta hoàn toàn mất hết chủ lực. Trong cuộc sống này, nhà cửa, bạn bè, ăn uống, ngủ nghỉ, cây cảnh… cái gì mình cũng dính được hết. Chính vì thế mà chúng ta không giải thoát được. Giải thoát là mở ra, mà nội trước là trói lại, trói chặt lại ở bên trong. Giống như cái còng, càng cục kịch càng nhúc nhích nó càng siết mình lại. Ta có thể hình dung nội trước phiền não tương tợ như vậy. Những chấp thủ của chúng ta nhiều quá đi, không biết bao nhiêu mà kể. Ví dụ mình nhớ lại, hồi năm sáu tuổi còn đi học tiểu học, dần dần lên trung học, rồi đại học. Thế là không hiểu ai bảo mà tự nhiên mình thấy ta là người có văn hóa, văn minh, ta khôn hơn thiên hạ, ta có địa vị, danh vọng, quyền lực v.v… thế là những thứ chấp trước lòi ra. Ngộ vậy! Có lần tôi nói chuyện với một huynh đệ, gần như ông khẳng định trong gia đình mình, tất cả mấy anh chị em đều có mái tóc đẹp. Đó là mái tóc đen, tóc dày, tóc to v.v… tóc sao đó tôi cũng không biết nữa. Nhưng ông bảo người được mái tóc như thế là người thông minh. Chẳng những nó đẹp mà còn biểu trưng cho một sức khỏe tốt, một trí óc thông minh, nhớ dai, học giỏi, giàu sang… Do khẳng định như vậy nên nói chuyện với huynh đệ khác một hồi là có gây cấn. Bởi thấy gia đình mình được như vậy, những gia đình khác ít được, nên ông rất tự hào về mái tóc nhiều đạm tố của mình. Nhiều người nghe thế, họ nói thiếu chi kẻ trán trợt lớt, tóc đâu mất hết trơn mà vẫn thông minh học giỏi hơn người, thì sao? Cho nên lý lẽ của ông bị lung lay, bị chỏi lại. Nhưng ông cứ khẳng định như vậy. Tôi nói đó là một loại nội trước hay còn gọi là định kiến. Con người dễ sanh sự bởi những cố chấp lạ như vậy. Có những vấn đề thông thường như đồ chơi, nhưng nếu ta không tỉnh giác, nó sẽ trở thành cái nôi phát sinh phiền não. Giống như ổ vi trùng ban đầu rất nhỏ, nhưng khi nó sinh trưởng rồi thì trở thành bệnh nặng khó có thể trị được. Nội trước phiền não tuy độc hại như vậy, nhưng nhà thiền nói nó không thật. Với người có tu tỉnh, có công phu liên tục thì không sợ nội trước phiền não. Ở đây tôi nhấn mạnh công phu chớ không nói thời khóa tu tập thông thường. Công phu là sức nội hàm, nội tỉnh của từng người, cái này mới trị được nội trước phiền não. Nếu chúng ta không lo trị loại phiền não này, nó sẽ trói buộc siết chặt mình, không làm sao giải thoát được. Ngay bây giờ không giải thoát thì đến lúc chết làm sao giải thoát được? Khi gần chết sợ nhất là cận tử nghiệp, tức những năng lực dồn lại trong cả đời của chúng ta. Năng lực đó sẽ quấy động, làm cho mình không buông được thân hư giả, cảnh hư giả, tâm hư giả này. Bà con, quyến thuộc, tài sản, địa vị… đều buông không được. Nếu nặng phần nào thì theo phần ấy mà thọ sanh, tiếp tục chịu khổ đau nữa. Tôi nhớ câu chuyện thế này. Hoàng Đình Kiên là một ông quan Thái sử ở Sơn Cốc. Tuy làm quan nhưng ông không bị danh vị, tiền tài khống chế, thường lui tới với các Thiền sư, các bậc tôn túc để học đạo. Nhưng vì văn hay chữ tốt, tuy học thiền mà văn chương lúc nào cũng trào dâng. Ông bị vướng vào cái vòng ấy. Ông đến với một Thiền sư lỗi lạc đương thời. Biết bệnh của ông, nên Thiền sư quở: “Ông tu thiền học đạo mà cứ mê văn chương, dùng văn chương ma mị người ta, làm sao sáng đạo, làm sao giác ngộ giải thoát được?” Thiền sư liền dẫn chuyện Lý Bá vẽ ngựa để khuyên nhắc Hoàng Đình Kiên. Lý Bá có tài vẽ ngựa siêu lắm, người xem có cảm tưởng như thấy ngựa thật. Nhưng do đam mê vẽ đến nỗi nhập tâm, cuối cùng Lý Bá bị sanh vào trong bào thai ngựa. Hoàng Đình Kiên nghe thế nói: “Chẳng lẽ Ngài lại đem tôi để trong bụng ngựa sao?” Thiền sư bảo: “Tôi nói thế để nhắc ông. Nếu dùng văn chương trau chuốt, ủy mị làm động lòng dâm của người trong thiên hạ, chẳng những bị sanh trong bụng ngựa mà còn rớt vào trong điạ ngục, chịu khổ vô lượng nữa kìa”. Hoàng Đình Kiên nghe lời cảnh cáo này đâm hoảng mới xin sám hối. Từ đó giảm bớt việc văn chương, chuyên tâm học đạo, sống khổ hạnh cầu giác ngộ giải thoát. Trên con đường tu hành, nếu chúng ta gặp được các vị thầy sáng như thế, luôn dìu dẫn nhắc nhở, nói thẳng cho ta biết những bệnh tật của mình để thức tỉnh sửa đổi, đó là cơ hội rất tốt, rất quí. Cho nên người học đạo chân chính không sợ bị chỉ lỗi, mà còn cần cầu được thầy bạn nhắc nhở để ta biết bệnh của mình mà trị liệu. Có thế việc học đạo, tu đạo mới đi đến kết quả tốt đẹp. Tôi xin nhắc lại, định kiến tức là sự cố chấp, bám víu của chúng ta, nếu vin vào đó, kẹt trong đó thì nhất định phải chuốc quả khổ trong tương lai. Như một họa sĩ tài danh chuyên vẽ ngựa và chấp vào tài năng của mình, để cuối cùng nhận lấy kết quả sanh vào trong bụng ngựa, thật đáng sợ! Từ những đắm trước, những vướng mắc không giải thoát được nên chúng ta phải chuốc quả khổ. Nghiệm lại bản thân dường như cái gì chúng ta cũng đắm trước được. Như thiên hạ chửi mình một câu thô tục gì đó, nó có đáng để ta đắm trước đâu, nhưng mình vẫn cứ đắm trước, bỏ không được. Người ta chửi mình, mình liền chửi lại. Rõ ràng chúng ta mắc míu, không có giải thoát tí nào cả. Nếu là người có đời sống nội tỉnh vững vàng, chúng ta sẽ không như thế. Nghe, biết đây là những lời thô tục, có đáng gì đâu liền bỏ, tự nhiên mình yên. Còn đằng này, nghe lời chửi thô xấu chừng nào, mình càng đắm trước, càng móc moi những lời chửi độc hại hơn để trả lại. Ta tự đặt mình thành đối tượng, giống như cái trống để cho người đánh, mỗi khi đưa dùi vô là nghe thình thình. Ít có ai dám tỉnh táo, xem thường những lời chửi mắng lắm. Nếu ta đừng đặt đối tượng nào cả, như không có trống thì người ta đánh chỉ như đánh vào hư không, đâu có vấn đề gì. Nói thế nhưng chỗ này rất khó, không phải đơn giản. Nội trước phiền não rất khó trừ. Vì nó thuộc về thói quen, chủng tử, tập khí của chúng ta. Có người cho rằng đắm trước về văn chương, văn hóa có tội lỗi gì đâu. Dĩ nhiên chúng ta phải học, phải nhớ, phải có đời sống văn hóa. Đồng ý là như thế, nhưng người học cho biết, cho có cuộc sống tốt đẹp khác với người đắm trước. Cho nên đắm trước là có sự trói buộc, mà trói buộc là mất tự do, là đau khổ, dù là đắm trước một thể loại, một hình thức nào. Khi nó đã thành vết hằn thì gây trở ngại trên bước đường thực hiện đạo lý giải thoát của chúng ta. Ở đây đứng trên lập trường giải thoát mà nói, thì tất cả mọi sự đắm trước đều không hay. Bởi không hay nên Phật dạy người tu phải buông bỏ tất cả chủng tử thiện cũng như ác. Buông để chi? Buông để được giải thoát, buông nhiều thì giải thoát nhiều, buông sạch sẽ hết thì giải thoát hoàn toàn. Sau này Hoàng Đình Kiên đến học đạo với ngài Hối Đường, cũng là một vị Thiền sư nổi tiếng đương thời. Ông thỉnh cầu: “Xin Hòa thượng chỉ cho con con đường thẳng tắt”. Ngài Hối Đường dẫn lời Khổng Tử nói với học trò: “Ta có giấu giếm gì các ngươi đâu!”. Khi đã nắm được đạo lý rồi, không còn nghĩ ngợi gì nữa, bây giờ ông chỉ muốn có một đường thẳng tắt để sáng được việc lớn thôi. Thiền sư dẫn lời Khổng Tử nói tức là đã chỉ thẳng. Bởi chỗ ấy nằm ngay trong tất cả động dụng hằng ngày của chúng ta, đâu có giấu giếm bao giờ. Một hôm ngài Hối Đường lên núi, Hoàng Đình Kiên được đi theo. Thấy hoa quế rụng đầy dưới đất, thơm ngào ngạt, Ngài hỏi: “Ông có nghe mùi thơm hoa quế chăng?”. Ông thưa: “Dạ nghe”. Ngài Hối Đường bảo: “Ta không giấu giếm gì ông cả!” Bấy giờ Hoàng Đình Kiên có chỗ tỉnh liền sụp xuống lạy: “Hòa thượng đối với con thật là tâm lão bà tha thiết”. Thiền sư cười nói: “Chỉ cần ông về đến nhà thôi”. Chỗ này thật hay, nhưng nếu không khéo chúng ta sẽ không nhận ra được. Như bây giờ có loại hoa nào rơi rụng đầy trước mắt chúng ta, mùi thơm của nó, ai cũng thưởng thức được hết. Người ngồi trên cao cũng thưởng thức được, kẻ ngồi dưới thấp cũng thưởng thức được, vì tất cả chúng ta đều có lỗ mũi, đều có khả năng ngửi được các mùi. Lại nữa mùi hương kia đâu có nói dành riêng cho ai. Cho nên Thiền sư nói “Ta không giấu giếm gì cả”. Phật, Tổ và chúng ta không khác nhau cái đó. Nếu chúng ta nhận lại và sống được với nó thì không còn bị ràng buộc, không còn cố chấp vào định kiến riêng tư của mình. Như vậy là giải thoát rồi. Chỉ khi nào ta không nhận như vậy, không sống như vậy thì mới bị cột trói, bị nội trước nên không thể đi trên con đường thẳng tắt. Như vừa nghe mùi thơm, ta liền suy nghĩ phân biệt đây là mùi thơm gì, đáng thích hay không đáng thích, mùi thơm này của ai v.v… Cứ lao theo một chuỗi phân biệt hư giả như thế, nên ta đánh mất đi cái hiện tại, tức là cái đang ngửi mùi thơm đây. Có một vị tăng suốt đời đi học đạo khắp nơi nhưng vẫn không được gì. Khi lớn tuổi, sức khỏe mỏi mòn kiệt quệ, bệnh hoạn sắp chết, vị tăng này hết sức buồn khổ, than khóc suốt ngày. Chúng tăng thấy thế đưa vào nhà Niết-bàn, tức bệnh xá để chữa trị. Đứng trước tình cảnh đó, chư tăng trình lên Hòa thượng đường đầu. Hòa thượng nói: “Ngày mai tôi sẽ xuống thăm”. Khi tới nhà Niết-bàn, Hòa thượng nói: “Ta nghe ngươi bệnh hoạn nặng, trong lòng buồn khổ lắm phải không?”. Nghe tới đó, vị tăng kia mũi lòng khóc thôi là khóc: “Con cả đời tu hành trôi suông, chẳng ra làm sao. Giờ này sắp chết, đạo lý không sáng, không biết nghiệp sẽ dẫn đi đâu?” Để vị tăng giải bày hết nỗi lòng của mình xong, Hòa thượng chỉ cái lồng đèn hỏi: “Ngươi thấy không?” Tăng thưa: “Bạch thầy, thấy”. Hòa thượng bảo: “Cái thấy đó của ngươi, của ta, của Phật không khác”. Ngay đó vị tăng ngộ đạo, liền xuất mồ hôi hạn, hết bệnh. Các Thiền sư bao giờ cũng chỉ thẳng cái bất sanh bất diệt của mình. Nó nằm ngay nơi sáu căn của chúng ta, chớ đâu phải ở đâu xa xôi. Cái đó nhà thiền gọi là bản lai diện mục, là ông chủ v.v… rất nhiều tên, nhưng đều để chỉ cho cái sẵn có nơi mỗi chúng ta. Như vị Hòa thượng đã nói: “Cái thấy của ngươi, của ta, của Phật không khác”, vị tăng kia nghe xong liền ngộ đạo. Chúng ta cũng thấy chứ, như cái quạt đang quay ở đây, tôi thấy, quí vị thấy, có ai không thấy đâu. Nhưng mình thấy mà chạy theo nó, chớ không nhận lại tánh thấy hằng hữu của ta. Vừa thấy cái quạt liền khởi nghĩ cái quạt này sản xuất tại Đồng Nai hay ở Thành phố, quạt nội địa hay ngoại nhập, tốt hay xấu, bền hay không bền v.v… Bởi nghĩ như thế nên lao lự, mắc míu cái quạt, thành ra không thấy đạo. Mỗi chúng ta đều có tánh giác. Khi căn tiếp xúc với trần, ta không ngược xuôi dong ruổi theo các trần cảnh bên ngoài, mà quay về nhận lại, sống lại với tánh giác của mình. Sống lại với cái biết, cái nghe của mình, đó là liễu liễu thường tri. Sống như vậy mới không bị trần cảnh bên ngoài cũng như vọng tưởng điên đảo bên trong quấy rầy, gây phiền não cho chúng ta. Đó là ta đã chiến thắng được phiền não nội trước. Đến loại thứ hai là phiền não ngoại trước. Ngoại trước tức là kẹt đắm bên ngoài. Vừa thấy sắc liền dấy khởi nghĩ, vừa nghe tiếng liền dấy khởi nghĩ… Ví dụ chúng ta nghe người bạn nói đến một người thân của mình gặp nạn hay quê nhà bây giờ tao loạn, bà con tứ tán hết, ta buồn ngay. Người nói cũng bên ngoài, người thân gặp nạn cũng bên ngoài, cảnh quê cũng bên ngoài nhưng ta lại thấy đau buồn, tức là kẹt nơi ngoại trước. Một loại phiền não do chạy theo các cảnh duyên bên ngoài mà ra. Đối với người thế gian, chuyện đau buồn do tức cảnh sanh tình như thế không có gì quan trọng, nhưng với người tu hành thì khác. Vì buồn là phiền não, mà phiền não loại nào cũng làm chướng đạo. Một chúng sanh còn phiền não là không thể nói đến chuyện ngộ đạo, không thể nói đến chuyện giải thoát được. Phiền não gốc cũng không được, mà phiền não ngọn cũng không được, nhánh lá ngọn ngành gì của phiền não cũng cột trói cả. Phải dẹp sạch sẽ phiền não mới sống được với cái liễu liễu thường tri. Sống được với cái thường thấy thường biết không phân biệt, không chạy theo ngoại cảnh thì mới hết khổ, hết phiền não. Kế đến là tùy miên phiền não và hiện hành phiền não. Tùy miên tức là ngủ ngầm, hiện hành tức là hiện ra. Tùy miên phiền não là phiền não ngủ ngầm bên trong chúng ta, nó không thể hiện ra ngoài. Hiện hành phiền não thể hiện ra ngoài rất rõ khi các giác quan chúng ta tiếp xúc với trần cảnh hoặc thuận hoặc nghịch. Thuận thì vui vẻ ưa thích, nghịch thì bực bội khó chịu. Trong kinh kể lại thời đức Phật còn tại thế, một hôm Thế Tôn cùng các vị đại đệ tử lên cõi trời. Bấy giờ các thiên nữ, thiên tử trỗi các âm nhạc vi diệu nhất để cúng dường đức Phật và hội chúng. Trong số các đại đệ tử có Tôn giả Ca Diếp, Ngài nghe nhạc trời tấu lên thì thân liền uyển chuyển nhịp nhàng theo các nốt nhạc. Các vị đại đệ tử kia thấy lạ, vì bình thường Tôn giả Ca Diếp tu hành rất nghiêm chỉnh, khổ hạnh, có uy đức nhất trong hàng đệ tử của Thế Tôn, không hiểu tại sao hôm nay lại lạ lùng như vậy. Thế nên các Trưởng lão thưa hỏi nguyên do trên với đức Thế Tôn. Phật bảo đó là chủng tử ngủ ngầm từ thuở trước của Ca Diếp. Thuở quá khứ, Ngài là một nhạc công nổi tiếng, nên bây giờ gặp duyên chủng tử ấy khởi dậy. Nhà Phật gọi đó là “tùy miên”, nó thuộc về tập khí ngủ ngầm sâu bên trong. Khi gặp duyên trúng tần số nó hiện ra, nhưng trúng loại thường nó không hiện ra đâu, phải loại đặc biệt mới được. Ví dụ người giỏi về thơ, gặp người biết làm thơ nhưng là thơ thẩn thì không ăn thua gì, họ chê toàn là thơ tào lao. Nhưng nếu gặp đại thi hào, nói câu nào xuất thần nhập thánh câu đó, tự nhiên động tới hồn thơ họ, bấy giờ nó mới trào tuôn lai láng. Cho nên phiền não ngủ ngầm bên trong quan trọng ghê lắm! Đối với phiền não tùy miên, phải có năng lực công phu, trí tuệ tròn đầy mới làm chủ nổi nó. Bởi nó ngủ ngầm sâu bên trong, gặp đúng duyên nó mới xuất hiện nên ta khó khám phá, khó diệt trừ. Về loại phiền não này, không ai giống ai hết. Nên có những cảnh, những sự việc hay hình ảnh nào, ta không chút khởi niệm, nhưng người khác bị kích động. Có lần, tôi cùng một số huynh đệ thời học tăng đón xe lam đi đâu đó. Trên đường cũng có người đón xe như chúng tôi, trông họ có vẻ lam lũ nghèo khổ. Khi thấy mấy thầy, chủ xe mời lên, nhưng ông lại không rước số bà con nghèo khổ kia. Tôi lên xe cũng không để ý gì, nhưng đến tối về tới chùa mới hay trong số mấy anh em, có một thầy bất bình chuyện hồi sáng. Suốt đêm anh không ngủ, làm hàng chục bài thơ thán oán, trách móc cuộc đời đen bạc, xã hội bất công, vì anh thương các bà con nghèo khổ kia đón xe không được. Tôi thật không ngờ anh đã cảm xúc tới như vậy. Thật ra thầy này rất dễ cảm xúc. Có lần thầy kể cho chúng tôi nghe. Hồi trước một vị Phật tử gần nhà thường hay cúng dường tiền cho thầy đi học. Lúc đầu thầy cũng vui vẻ nhận. Nhưng một hôm thầy bỗng gặp người Phật tử đó đang bươi bọc nilon trong những đống rác lớn của thành phố để kiếm tiền sinh sống. Thấy thế rồi, thầy về khóc suốt đêm, cũng làm hàng chục bài thơ. Sau này anh trở thành thi sĩ, chớ không phải tu sĩ nữa. Một người hay xúc động như thế làm sao tu được! Hiện tượng đó là do có chủng tử ngủ ngầm bên trong. Với người tu chúng ta đối trị phiền não tùy miên như thế nào? Có thể nói nếu đạo lực không có, trí tuệ không hoàn bị, công phu tu hành không chuẩn, thì khó trị được tùy miên phiền não. Cho nên phải có đạo lực, có trí tuệ, công phu miên mật mới trị được phiền não này. Nó làm chúng ta hơi buồn, hơi lo, lòng không yên, ăn không ngon, ngủ không được, xanh xanh mét mét, rồi đau bao tử. Đi đứng nằm ngồi đều không yên, làm sao tu được. Người nào vướng phải loại phiền não thì công phu rất khó tiến. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên phiền não gây chướng ngại bước tu đạo, mà cũng chính ngay nơi phiền não, chúng ta thành tựu quả vị giác ngộ giải thoát. Trong nhà thiền có câu chuyện của Thiền sư Huệ Nam. Trước kia Ngài là một thiền tăng rất lanh lợi, từng đi tham vấn nhiều nơi, nhưng chưa triệt ngộ. Một hôm Ngài đến hội của Thiền sư Từ Minh. Từ Minh nghe danh Ngài nên hỏi thử vài câu, Ngài trả lời không thông, Từ Minh bảo: “Tưởng ta không thể làm thầy ông, nhưng bây giờ thì ta đủ tư cách làm thầy ông rồi. Hãy đảnh lễ đi”. Ngài đảnh lễ cầu pháp với Từ Minh. Một hôm Ngài y áo lên thưa hỏi đạo lý bị Từ Minh mắng cho một trận. Buồn tủi quá, Ngài khóc sướt mướt và cuối cùng thưa với Thiền sư Từ Minh: “Chính vì chưa hiểu nên con mới thưa hỏi Hòa thượng cầu quyết nghi. Mắng chửi đâu phải là quy củ thí pháp, sao Hòa thượng lại mất lòng từ bi đối với kẻ hậu sinh như vậy?” Ngài Từ Minh trợn mắt nói: “Những lời ấy là mắng chửi sao?” Ngay đó Huệ Nam ngộ đạo đảnh lễ ngài Từ Minh, thưa: “Tới bây giờ con mới nhận ra được yếu chỉ của Thầy”. Sau khi ngộ đạo rồi Ngài thay đổi hẳn, trở nên thâm trầm, sâu sắc, không bồn chồn lanh lợi như thời trước nữa. Đó là từ phiền não mà thành tựu đạo nghiệp. Cho nên ta cũng không nên buồn nếu có phiền não, nhưng phải biết cách sử dụng, phiền não mới trở thành Bồ-đề, Niết-bàn. Ngược lại nếu không biết cách sử dụng thì phiền não sẽ phá tan tành đạo nghiệp của chúng ta. Cho nên người tu quan trọng nhất là phải biết khắc trị phiền não, tức khắc trị các chứng tâm bệnh. Ngay nơi phiền não gắng gổ phấn đấu chiến thắng nó, đừng để nó nhiễu loạn lôi kéo làm chướng ngại việc tu hành của mình. Được vậy hy vọng tất cả chúng ta sẽ thành công trên con đường tu hành. THIỀN TÔNG VIỆT NAM