eVăn: Chitra Banerjee Divakaruni sinh năm 1957 tại Calcutta, Ấn Độ, di cư sang Mỹ năm 1976, lấy bằng thạc sĩ về tiếng Anh tại Đại học Wright State tại Dayton, Ohio, và bằng tiến sĩ tại Đại học California ở Berkeley. Hiện bà sống cùng gia đình tại Sunnydale, California, dạy viết văn tại trường Foothill College ở Los Altos Hills. Năm 1991, bà sáng lập MAITRI, một đường dây nóng dành cho các phụ nữ Nam Á là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình hoặc lạm dụng tình dục.
Tác phẩm của Divakaruni thường lấy bối cảnh ở cả Ấn Độ và Mỹ, khắc họa những phụ nữ gốc Ấn bị giằng xé giữa những giá trị của Thế giới cũ và Thế giới mới. “Bằng cái nhìn sắc bén của nhà phẫu thuật, cách sử dụng cốt truyện khéo léo và nghệ thuật miêu tả trữ tình điêu luyện, bà đưa độc giả vào thế giới đa tầng của các nhân vật và thế giới của họ, những thế giới tràn đầy nỗi sợ, niềm hy vọng và khám phá” (Doubleday). Hầu hết tác phẩm của bà đều mang tính tự thuật, hoặc dựa trên cuộc sống của những người Ấn di cư mà bà đã gặp.
Sáng tác của bà thường xuyên xuất hiện ở trên 50 tạp chí có uy tín, tiêu biểu là The Atlantic Monthly và The New Yorker, và được đưa vào trên 30 hợp tuyển. Sách của bà đã được dịch ra 11 thứ tiếng trong đó có tiếng Hà Lan, Hebrew và Nhật.
Bà giải thích lý do mình cầm bút: “Có một tính tâm linh nào đó - không nhất thiết mang sắc thái tôn giáo, vốn là cốt lõi của tính tâm linh - trong sâu thẩm tâm hồn của mỗi người Ấn Độ, khiến họ tìm thấy cái thánh thiêng trong mọi vật. Điều quan trọng đối với tôi là viết về thực tại của tôi và thực tại của cộng đồng tôi” (Doubleday).
Tác phẩm chính: Arranged Marriage (Hôn nhân sắp đặt, 1995, tập truyện ngắn, giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ năm 1996), The Mistress of Spices (1997, tiểu thuyết, được tờ Los Angeles Times chọn là một trong những cuốn sách hay nhất năm 1997 và lọt vào chung khảo Giải thưởng Orange của Anh), Leaving Yuba City (Rời thành phố Yuba, 1997, tập thơ), Sister of My Heart (tạm dịch: Người chị của lòng tôi, 1999, tiểu thuyết), The Unknown Errors of our Lives (tạm dịch: Những lỗi lầm chưa ai biết của cuộc đời chúng ta, 2001, tập truyện ngắn), The Vine of Desire (Dây nho khát vọng, 2002, tiểu thuyết), Queen of Dreams (Nữ hoàng của những giấc mơ, 2004, tiểu thuyết). 
Mi tập nói trước gương trong phòng tắm nhiều ngày, những lời mi sẽ dùng để nói cho mẹ mi biết mi đang sống chung với một người đàn ông. Đôi khi chúng là lời thú tội ăn năn. Đôi khi chúng giận dữ, thách thức. Đôi khi chúng tan chảy vào một tiếng thở dài. “Tình yêu”. Mi mở nước chảy để chàng không nghe thấy và hỏi những câu ngoại quốc mà mi lặp đi lặp lại có nghĩa gì. Mi không muốn phải giải thích, không muốn cãi vã như lần trước.
“Tại sao em làm khổ mình như vậy?”, chàng vừa hỏi vừa quẳng mấy cuốn sách xuống bàn khi đi học về thấy mi cuộn tròn trong một góc chiếc ghế nệm dài đã nhão mà hai người mua chung tại một garage sale ở Berkeley. Mi rửa mặt rồi, nhưng chàng biết ngay mi đã khóc. Quanh mi, những nắm giấy vò chặt cứng như những viên đá. (Lúc ấy mi nghĩ viết thư là tốt nhất.) “Anh không ưa thấy em như thế này.” Rồi chàng thêm, giọng tối lại: “Em làm như anh là tội phạm không bằng.”
Mi nhìn tựa đề lật ngược của những cuốn sách của chàng ngổn ngang trên bàn. Kỹ thuật hệ thống điều khiển. Chỉ nam vận hành nồi hơi. Sổ tay chấn động và rung. Bí ẩn như những con bài Tarot, chúng dường như đang nói điều gì đó với mi. Phải chi mi có thể giải nghĩa được.
“Không phải tại anh”, mi vừa nói vừa gom mấy cuốn sách với vẻ có lỗi, vuốt thẳng lại bìa. Ôm chặt chúng vào người. “Dù là ai đi nữa, em cũng sẽ có vấn đề.”
Mi cố kể cho chàng nghe về mẹ mi, chuyện mẹ mi nhìn thấy mặt chồng lần đầu tiên trong lễ cưới như thế nào. Chuyện khi ông chết (lúc đó mi hai tuổi), bà tháo hết nữ trang, mặc đồ trắng góa phụ và hiến quãng đời còn lại cho việc nuôi mi lớn. Chúng ta chỉ có nhau thôi, bà thường bảo mi.
“Rồi sao chứ?”
“Mẹ em sống trong một thế giới khác. Anh không thấy sao? Bà chưa bao giờ đi xa hơn khỏi làng xóm nơi bà sinh ra một trăm dặm; bà chưa bao giờ đụng đến thuốc lá hay rượu; mặc dù bà ở Calcutta, bà chưa bao giờ xem phim”.
“Em nói thật đấy à!”
“Em yêu mẹ, Rex ạ.” Mình sẽ không cảm thấy hối lỗi, mi tự bảo. Mi muốn chàng biết khi mi hình dung khuôn mặt bà, những góc cạnh cứng cỏi dịu đi với nụ cười hiếm hoi, mảng tóc bạc hai bên thái dương của bà phản chiếu ánh nắng chiều dưới cây lựu sau vườn, nỗi yêu thương khiến mi nghẹn thở, như thể có ai đâm xuyên qua ngực mi. Nhưng chàng cắt ngang:
“Thế thì đừng nói cho bà ấy biết rằng em đang sống trong tội lỗi”, - chàng nói. “Lại còn với một người ngoại quốc khoái thịt bò chiên và Budweiser nữa chứ. Lại còn đôi khi dùng thuốc khi cảm thấy chán đời. Có khi bà ấy bị chấn động mà đi luôn không chừng.”
Mi ghét khi chàng nói như thế, gằn giọng vào âm cuối của chữ. Mi cố tự bảo rằng chàng muốn gây tổn thương cho mi chỉ vì chính chàng đang tổn thương, vì chàng ghen với tình thương mi dành cho bà. Mi cố nhớ những giờ phút dễ thương. Buổi sáng chàng đến ngoài cửa lớp Shakespeare của mi với bó hoa violet cùng màu với mắt chàng. Buổi tối hai người lái xe đến Grizzly Peak ngắm hoàng hôn đỏ ối trên bầu trời vùng Bay trong khi chàng kể cho mi nghe về thời thơ ấu của chàng, những năm bị đẩy qua lại giữa cha mẹ đã ly dị cho đến lúc chàng đủ lớn để dọn ra ở riêng. Mi đã ôm chàng như thế nào. Buổi tối ở căn hộ chung cư của chàng (chỉ mới ba tháng thôi sao?) khi chàng giữ tay mi trong hai bàn tay mạnh mẽ ấm áp của chàng, xin mi dọn vào ở chung với chàng, làm ơn đi nhé, vì chàng thật sự cần mi. Mi cố dập tắt giọng nói thì thầm ở phía sau nỗi đau trong mắt mi, giọng nói bắt đầu khi mi nói vâng và chàng hôn mi, sôi nổi.
Lầm lẫn, giọng nói bảo, thì thầm bằng âm sắc của mẹ mi.
Đôi khi giọng nói khác đi, không phải của bà. Nó là một hơi thở vào vội vã, như trước khi người nào hỏi một câu có thể thay đổi cuộc đời mi. Mi không muốn nghe câu hỏi, có thể là làm sao mi du mình vào chuyện rắc rối này?, hay có lẽ tại sao, cho nên mi cắt ngang với chữ kỳ diệu đó. Tình yêu, mi tự bảo tìnhyêutìnhyêutìnhyêu. Nhưng trong thâm tâm, mi biết từ ngữ không giải quyết được chuyện gì.
Và như thế mi không còn cố giải thích cho chàng tại sao mi phải cho mẹ mi hay. Mi chỉ đứng  trong phòng tắm trước tấm gương lệch, cạnh hoen ố mà tập nói. Mi cố không để ý rằng đôi mắt trong gương thật giống đôi mắt bà, cũng đường thẳng dọc ấy giữa đôi mày. Hàm của mi xếch lên cùng một góc độ như của bà lúc bà nghiêng tới trước để hôn từ giã mi trước cửa. Ngoài kia một gã không nhà say sưa hét lên điều gì đó. Tiếng thủy tinh vỡ, và sau đó, còi hụ cảnh sát. Nhưng mi đang nghe người bán rong rao lên momphali, momphali, mới làm nóng hổi, và bà mỉm cười, đưa mi đồng tiền cắc và nói: được rồi, bé ạ, con có thể mua một ít. Miệng mi đầy đậu phộng rang dòn mằn mặn, nước trong phòng tắm chảy ra, chảy ra, không dứt như nỗi phiền muộn, tuần lễ mập mờ trôi qua, và đột nhiên lại là sáng thứ Bảy, giờ bà gọi mỗi tuần.
Bà nói cho mi nghe bệnh thấp khớp của Dì Arati không khá lên, dù đã có mấy thứ cao nghệ. Calcutta năm nay trời lạnh lắm, hoa shiuli chết cả. Mi lắng nghe,  bám lấy âm o uốn tròn, âm e du dương, âm s lướt qua má mi mềm như những nụ  hôn buổi tối. Bà đang cố giàn xếp hôn nhân cho chị họ  Leela sắp xong đại học năm tới, nhớ không? Bà nhớ mi. Mi có thích căn chung cư mới không? Còn bao lâu nữa mi mới xong bằng tiến sĩ và về ở luôn? Giọng bà mi và xa xôi, lạo xạo với âm nhiễu. "Con im lặng quá... con khoẻ không, shona? Có chuyện gì làm con phiền lòng?" Mi muốn nói cho bà nghe, nhưng trái tim vật vã trong lồng ngực mi như con chim mắc lưới, và những chữ mi tập bao lâu biến đâu mất.
“Con vẫn khỏe Mẹ à”, mi nói. “Mọi chuyện vẫn bình thường.”
°
Điều trước tiên mi làm khi dọn vào chung cư của chàng là treo tấm batik lên, những đóa hoa đỏ thẫm uốn quanh một vòng tròn đen. Mặt trời cuối hè rọi qua khung cửa sổ mở. Mùi hoa kim ngân trong không gian, radio nhà bên đang chơi nhạc Mozart. Chàng bước vào, nheo mắt, ngừng lại ngắm. Mi chờ đợi, đinh ghim trong tay, những núm vải đập nhịp dưới lòng bàn tay mi, không đều như trái tim. "Được đấy," sau cùng chàng nói, và mi thở ra trong một chuỗi cười nhẹ nhõm.
“Mẹ em cho em”, mi nói. “Quà-đi-học-đại-học-xa, tấm bùa...”. Mi bắt đầu kể cho chàng nghe chuyện bà mua nó ở hội chợ Maidan trong một ngày đẹp trời như hôm nay, những mầm lộc non mới nhú trên cành xoài, những con chim sơn ca ngực đỏ trở về phương Bắc. Nhưng chàng giơ tay lên, "chốc nữa". Chàng nhấc mi khỏi chiếc ghế ọp ẹp và bế mi đến giường. Nằm trên người mi, giữ mi xuống. Mắt chàng là những viên sapphire. Tóc chàng chiếu ánh nắng, lấp lánh như đá sa thạch ấm. Luồng điện (tình yêu hay sợ hãi?) chạy ngược lên sống lưng mi, làm mi run rẩy, làm mi quên mất điều muốn nói.
Ban đêm sau khi ân ái, mi nằm lắng nghe tiếng thở say ngủ của chàng. Cánh tay chàng rơi ngang người mi, ấm áp, chở che, mi tự bảo. Ngoài kia, gió rung những tấm kính cửa sổ. Một cơn gió khô. (Đã từ lâu không có mưa). Mình được nâng niu.
Nhưng rồi ký ức đến.
Lúc còn học đại học có lần mi đi xem một cuốn phim Hindi nổi tiếng với mấy đứa bạn gái. Lén lút, vì Mẹ nói phim ảnh là phù phiếm, xấu xa. Nhưng không có gì bí mật ở Calcutta. Khi mi từ lớp về nhà hôm sau, một chiếc vali đầy quần áo của mi nằm trên bậc cửa. Một tấm giấy nằm trên, nét chữ của mẹ mi. Thà không có con gái còn hơn có con gái hư, điếm nhục của gia đình. Đến bây giờ mi vẫn nhớ mi cảm thấy như thế nào, nỗi sợ hãi choáng váng làm héo úa những góc cạnh của ngày, những cái gõ tuyệt vọng vào cửa làm đốt ngón tay mi rát đau. Mi ngồi trên bậc cửa suốt buổi chiều, và người qua lại tò mò liếc nhìn mi. Đến tối trời đã lạnh. Nỗi tê dại lan dần từ hai bàn chân bao phủ lấy mi. Khi cuối cùng bà mở cửa lúc quá nửa đêm, trong một thoáng mi không thể đứng được. Bà kéo mi lên, và mi ngã vào cánh tay bà, cả hai mẹ con cùng khóc. Sau đó bà ngâm chân mi trong nước nóng với boric soda. Mi vẫn còn nhớ cảm giác mềm mại của khăn lông bà dùng lau chân cho mi.
Tại sao mi luôn chú tâm vào những chuyện buồn rầu, mi tự hỏi. Có phải đó là khuyết điểm của mi, một mối chạm dây nào trong những sợi dây bạc mỏng mảnh của óc mi? Rất nhiều điều tốt đẹp cũng xảy ra nữa. Bà ngồi ở hàng ghế đầu trong buổi lễ tốt nghiệp trung học của mi, mặt sáng rỡ như đóa hoa thược dược trên nền trắng của áo sari. Hai mẹ con đi tắm ở sông Hằng, vệt nước nâu bám vào quần áo, mặt trời ấm ngái ngủ khi mi ngồi trên bờ ăn khoai tây cà ri gói trong puris nóng. Và trước hơn nữa, bà dạy mi viết, đường cong mềm dịu của tay bà trên tay mi, giúp mi cầm viên phấn, mùi tóc bà mới gội quanh mặt mi.
Nhưng những hồi tưởng này như dè chừng, né tránh. Mi phải dụ chúng ra khỏi những góc tối của chúng. Chúng tan đi, như sương mù, ngay khi mi đang nhìn. Và đột nhiên cánh tay chàng thấy nặng nề quá sức. Mi đang ngạt thở dưới sức nặng của nó, dưới cái nam tính đầy bắp thịt và lông lá. Mi luồn ra và vào phòng tắm. Gió đập vào hàng sen cạn mọc lộn xộn mi trồng trên khoảng ban công mi hẹp. Mi sẽ nhớ gì về chàng khi mọi chuyện đã qua? Giọng nói mỏng mảnh trong óc mi thì thầm. Ánh sáng từ phòng tắm chém trên sàn trong khi bức treo rực đỏ như lửa trên bức tường tối.
Tháng đầu tiên mi dọn vào với chàng, mỗi lần điện thoại reo, sợ hãi và tội lỗi đập thình thịch trong đầu mi. Mi vội vã băng ngang căn phòng để nhấc nó lên trong lúc chàng nhìn mi từ chiếc ghế dựa ngả ra sau, một bên mày nhướn lên. (Mi đã bắt chàng hứa không nhấc diện thoại). Ban đêm mi ngủ kế bên chiếc điện thoại cạnh giường. Mi nhấc nó lên từ tiếng reo đầu tiên, chống chọi để vượt khỏi những lớp giấc ngủ nặng như nước để  thì thầm một câu "chào" hụt hơi, chữ kế tiếp sẵn sàng, mẹ. Nhưng không bao giờ là bà. Đôi khi đó là người bạn của mi trong chương trình cao học. Đa số là của chàng. Phụ nữ. Bồ cũ, chàng giải thích với nụ cười hồn nhiên, nhấn mạnh chữ cũ. Rồi chàng quay về phía cửa sổ, giọng chàng hạ thấp xuống thành tiếng thì thầm nho nhỏ trong khi mi vờ ngủ và tự ghét mình vì cảm thấy ghen tức.
Bà luôn luôn gọi vào buổi sáng thứ Bảy, tối thứ Bảy ở nhà. Việc cuối cùng trước khi bà đi ngủ. Mi hình dung bà ngồi trên chiếc giường gỗ gụ to nơi mi cũng từng ngủ khi còn bé. Hay khi mi đau ốm hay sợ hãi. Bên ngoài, mấy con dế đều giọng. Người gác đêm đi vòng quanh theo bổn phận, kêu lên báo giờ. Người ayah già (bà đã ở đó từ trước khi mi sinh ra) đứng sau bà, chải mái tóc dài của bà phất phơ trong làn gió nhẹ từ cái quạt, màu bạc trong tóc lấp lánh như nụ cười. Đó là mái tóc đẹp nhất thế giới.
Và thế rồi mi bớt cẩn thận hơn. Đôi khi mi gọi từ phòng tắm bảo chàng trả lời điện thoại. Và chàng sẽ trêu mi (Em chắc đấy chứ?) trước khi nhấc điện thoại lên. Buổi tối, sau nụ hôn cuối, người mi trượt khỏi thân hình chàng bóng ướt - mi không cần biết phía nào của giường miễn là mi còn có chàng để ôm lấy. Hay đó là mi muốn bà, bằng cách nào ấy, biết ra? Giọng nói hỏi. Nhưng mi đang học cách không để ý đến giọng nói, cách đong đầy tâm trí với cảm giác (lõi khuỷu tay chàng vừa khít lòng bàn tay cụp lại của mi như thế nào, hơi thở say ngủ của chàng làm rung những sợi lông măng trên cánh tay mi ra sao) cho đến khi những tiếng vọng của giọng nói tan mất.
Bởi thế khi điện thoại reo rất sớm buổi sáng thứ Ba ấy mi không nghĩ gì đến nó. Mi kéo giấc ngủ như tấm chăn mềm quá đầu mi, và ngay khi mi thoáng nghe giọng nói chàng, đột nhiên trịnh trọng, nói xin chờ một chút, mi không hiểu gì. Cho đến khi chàng lay vai mi, đưa điện thoại cho mi, miệng nói những chữ thầm lặng: mẹ em.
Sau đó mi cố nhớ mi nói gì với bà, nhưng mi không thể nhớ đúng hoàn toàn những chữ ấy. Cái gì đó về một người đàn ông tuyệt vời, sắp thành hôn (mặc dù lần duy nhất mi bàn chuyện hôn nhân là lúc chàng bảo mi rằng hôn nhân không thích hợp với chàng). Bà gọi mi để báo cho mi biết đám cưới của chị họ Leela đã thu xếp xong - một chàng trai Brahmin tốt, một nhân viên cao cấp đang lên của một công ty kế toán. Tháng sau ở Delhi. Cả gia đình sẽ đến đó. Bà mua vé cho mi rồi. Nhưng giờ đây dĩ nhiên mi không cần đến nữa. Giọng bà là lưỡi giáo bằng đá lạnh. Mi có kêu to lên, Mẹ ơi, xin mẹ đừng giận? Mi có cầu xin tha thứ? Mi có thì thầm (lại chữ ấy) tình yêu? Điều mi biết chắc là: mi cứ nói mãi, ngay cả sau khi điện thoại đã cắt. Khi cuối cùng mi nhìn lên, chàng đang ngắm mi. Mắt chàng đục, như những viên sỏi.
 Suốt tháng sau mi cố liên lạc với bà. Mi gọi điện thoại. Người ayah trả lời. Giọng bà có vẻ sợ hãi khi bà nghe tiếng mi. Memsaab bảo bà không được nói chuyện với mi, nếu không bà sẽ mất việc.
“Bà gọi luật sư đến hôm qua để thay đổi chúc thư. Mi đã làm gì tệ như vậy, Missybaba?”
Mi nghe tiếng mẹ mi phía sau.
“Bà đang nói chuyện với ai đó, Ayah? Cái gì? Làm sao là con gái tôi được. Tôi không có con gái. Cúp điện thoại ngay.”
“Mẹ...”, mi khóc. Chữ mẹ dội quanh căn chung cư làm cho tấm treo rung lên trên tường. Phía giữa màu đen của nó lượn sóng như cái giếng không đáy. Điện thoại cắt. Mi gọi lần nữa. Những ngón tay mi run rẩy. Không dễ thấy mặt số qua nước mắt. Đầu gối mi cảm thấy như bị gãy. Điện thoại reo cạnh tai mi như con côn trùng mắc bẫy. Không ai nhấc điện thoại. Mi gọi suốt tuần lễ. Cuối cùng một cái máy bảo mi số điện thoại đã đổi. Không có số mới.
Đây là một câu chuyện mẹ mi kể khi mi đang lớn:
Có một cô bé mẹ thỉnh thoảng chơi với cha làm nghề lợp mái nhà ở làng ông ngoại cô. Họ sống gần hồ phụ nữ. Cô ta là con một, xinh xắn theo lối da sậm. Cô có mẹ, vì thế cha cô rất chiều cô. Ông để cô chạy rong, trèo cây, lội sông. Để cô đến trường học, ngay cả sau khi cô ta đến tuổi lúc con gái con nhà nền nếp ở nhà, đợi lấy chồng. (Mi đã biết đây là câu chuyện có kết cục không vui, một bài học khuyên răn đạo đức.) Ông ta cười khi các bà già trong làng cảnh cáo ông rằng con gái không chồng như khúc gỗ cháy trên đồng lúa chín. Nó là cô gái ngoan, ông nói. Nó biết phải trái. Ông tìm ra một mối tốt cho cô, một anh thợ mộc vững tay nghề ở làng bên. Nhưng vài ngày trước đám cưới, người ta tìm thấy xác cô ta ở hồ phụ nữ. Mọi người ai cũng nghĩ đó là tai nạn cho đến khi nghe kể về những viên đá cô ta cột vào áo sari. (Bà ngưng lại, đợi câu hỏi mi không muốn nhưng phải thốt ra). Ai biết vì sao? Người ta xầm xì rằng cô ta đã mang thai, rằng họ thấy cô ta một đôi lần với một người đàn ông, một anh kép hát dạo đến làng trước đó ít lâu. Cha cô ta đau lòng lắm, thanh danh tan nát. Ông ta phải rời làng, từng đó cặp mắt, từng đó cái lưỡi mà. Bỏ lại căn nhà tổ tiên ông ta rất yêu quý. Không, không ai biết chuyện gì đã xảy ra với ông.
Nhiều tháng sau đó, ban đêm mi nằm thức và nghĩ đến căn nhà bỏ hoang, móng chân chuột nhắt chạy lăng xăng trên sàn, cái trườn mình khô mỏng của rắn, cánh loài dơi.
Khi thiếp ngủ, mi mơ thấy một cô gái da sậm xinh đẹp buộc những viên đá vào palloo của cô và bơi ra giữa hồ tối. Nước lạnh trên khuôn ngực nặng dần, trên cái bụng đang lớn dần của cô. Nước gợn sóng và rẽ lối cho cô. Trước khi cô chìm xuống, cô quay về phía mi. Đôi khi mặt cô là một hình bầu dục trống không đường nét. Đôi khi nó là khuôn mặt mi.
°
Mọi chuyện không suông sẻ với mi. Trong trường mi không thể tập trung vào các lớp học, chúng dường như không liên hệ chút nào đến phần còn lại của cuộc sống mi. Bà giáo sư cố vấn gọi mi vào văn phòng nói chuyện. Mi nhìn chăm chăm hàng sách ngay ngắn phía sau đầu bà ta. Bà đang nói về những thời hạn bị lỡ, nghiên cứu thiếu sáng tạo. Mi để ý răng bà, to và trắng và đều, như răng con ngựa. Bà ngưng lại, hỏi mi có khỏe không.
“Ồ, vâng,” mi nói, bằng giọng kính trọng mi luôn được dạy dùng với thầy mi. “Em khỏe.”
Nhưng ngày hôm sau, dậy mặc quần áo đến lớp thật khó quá. Có khác biệt gì nếu mi bỏ một bài phê bình phân tích về mấy bài sonnets? Mi tự hỏi. Mi nằm trong giường cho đến khi ông phát thư đến.
Mi đã viết một lá thư cho Dì Arati giải thích, nhờ dì làm ơn nói lại với mẹ mi rằng mi xin lỗi. Cháu sẽ về nhà ngay nếu bà muốn. Mỗi ngày mi kiểm hộp thư tìm thư trả lời của Dì, nhưng không có gì cả. Bệnh thấp khớp của dì trở nặng, mi tự nhủ. Chuyện chuẩn bị đám cưới. Thư đã lạc mất.
Mọi chuyện giữa mi và chàng cũng không suôn sẻ. Đôi khi chàng nói, những từ không có nghĩa gì. Mi nhìn miệng chàng cử động như thể chàng là một nhân vật trong cuốn phim ngoại quốc mà ai đó đã quên lồng tiếng. Chàng hỏi mi một câu. Mi biết nó là câu hỏi vì giọng chàng cao lên, nhưng mi không biết chàng muốn gì nơi mi. Chàng hỏi lại, lớn hơn:
“Cái gì?”, mi nói.
Chàng bước ra, đóng sầm cửa lại.
Mi cũng viết cho mẹ mi một lá thư. Thư bảo đảm, để không thể mất. Mi chạy ra ngoài mỗi ngày khi nghe tiếng xe thư. Không có gì. Mi liếc người đưa thư, một phụ nữ da đen, ngờ vực. “Bà có chắc không?”, mi  hỏi. Mi tự hỏi liệu bà ta có bỏ lầm thư vào hộp của người khác không. Sau khi bà ta rời khỏi, mi dán mắt vào kẽ kim loại hẹp của mấy hộp thư khác, cố nhìn thấy.
Lúc đầu chàng thông cảm. Chàng ôm mi khi mi nằm thao thức trong đêm. “Khóc đi,” chàng nói. “Khóc cho nhẹ bớt”. Rồi: “Chuyện đó không sớm thì muộn phải xảy ra. Em phải biết rồi chứ. Không chừng như vậy là tốt nhất”. Sau đó: “Cố nhìn vào mặt tích cực. Em phải cắt cuống nhau một lúc nào đó”.
Mi lùi ra xa khi chàng nói những lời như vậy. Chàng biết gì chứ, mi nghĩ, về gia đình, về (vâng) tình yêu. Chàng rời nhà ngày chàng 18 tuổi. Chàng chỉ gọi mẹ chàng vào ngày lễ Mẹ và sinh nhật của bà, nếu chàng nhớ. Khi chàng nói cho bà nghe về mi, bà nói, "Tốt quá, con. Hai con mau mau thu xếp đến ăn tối với mẹ nhé”.
Gần đây chàng nổi cáu nhiều. “Em trách anh vì chuyện lộn xộn giữa em và mẹ em,” chàng hét lên ngày hôm kia trong bữa ăn tối mặc dù mi không nói gì. Chàng lắc đầu. “Em đang tự làm cho em phát điên lên. Em cần một tên bác sĩ tâm thần”. Chàng đẩy đĩa ăn ra và lại đóng sầm cửa rời khu chung cư. Giọng nói khô, khàn khàn ấn vào hai bên thái dương mi nhắc mi nhớ chàng đã nhìn cô hầu bàn tóc đỏ ở tiệm ăn Mễ tuần qua như thế nào, chàng cười ra sao, tay chàng đặt trên vai cô ta, khi mi ra khỏi phòng vệ sinh. Chuyện có nhiều cú điện thoại khuya hơn gần đây.
Khi chàng trở lại, rất trễ, mi vẫn ngồi ở bàn. Nhìn đăm đăm tấm treo. Chàng nắm lấy hai cánh tay mi, đưa mặt sát vào mặt mi.
“Em yêu,” chàng nói, “anh muốn giúp em nhưng anh không biết làm sao. Em đã bị chuyện này ám ảnh mất rồi.Lúc nào em cũng ủ ê quá sức anh không còn nhận ra em nữa. Thì mẹ em cư xử không hợp lý. Em không thể làm theo như vậy”.
Mi nhìn quá đầu chàng. Chàng có giọng nói ngọt ngào, mi xa vắng nghĩ. Giọng nói quyến rũ. Giọng nói của kép hát.
“Thậm chí em cũng không buồn nghe nữa”, chàng nói.
Mi cố vì mi biết chàng cũng đang cố gắng. Nhưng sau đó trên giường, ngay với đôi môi chàng áp vào mi nóng bỏng, một phần của mi tiếp tục đếm ngày. Bao nhiêu rồi từ ngày mi gửi thư? Chàng rời ra với tiếng kêu giận dữ và quay đi hướng khác. Mi đưa tay ra để vuốt ve những đốt xương sống chàng. Em xin lỗi. Nhưng mi tiếp tục nghĩ, phải có chuyện gì không ổn. Thư trả lời lẽ ra phải đến tay mi rồi.
Lá thư đến hôm nay. Mi bước ra dưới bầu trời thấp xám nặng và người đàn bà đưa thư ở đó, giơ nó lên, mỉm cười - lá thư bảo đảm gửi cho mẹ mi, với dấu mực đỏ ngang địa chỉ. Không nhận. Trả lại người gửi.
Giờ đây mi đang quỳ trong phòng tắm, lục tìm trong tủ phía sau dụng cụ lau nhà. Khi mi tìm ra mấy cái chai, mi xếp chúng trên mặt bồn rửa. Mi mở từng chai ra và nhìn những viên thuốc: đỏ, trắng, hồng. Mi tìm thấy chúng một ngày kia trong khi dọn dẹp. Mi nhớ mi đã kinh ngạc biết bao, cuộc cãi vã xảy ra giữa hai người. Chàng nhún vai và xoè ngửa bàn tay ra. Giờ đây mi ước sao mi đã hỏi chàng thuốc nào là thuốc ngủ. Không sao. Mi có thể uống hết, nếu đó là điều mi quyết định làm.
Mi cầm lá thư trong tay rất lâu, cho đến khi nó trở thành nhẹ bỗng, trong suốt. Mi có thể nhìn xuyên qua nó tới một lá thư khác, lá thư chưa viết. Lá thư của chàng.
Mi biết lá thư sẽ nói gì.
Trước khi đến lớp sáng nay, chàng đã nhìn mi vẫn rũ rượi trên chiếc ghế dài nơi mi qua đêm. Chàng nhìn rất lâu, như thể trước kia chàng chưa bao giờ thực sự thấy mi. Rồi chàng nói, rất khẽ, “Không bao giờ là anh, phải không? Chẳng bao giờ là tình yêu. Luôn luôn chỉ là em và bà ta, bà ta và em”.
Chàng không đợi câu trả lời.
Gió sập cánh cửa đâu đó, làm mi giật mình. Trời đang mưa, lần đầu trong mấy năm. Những hạt mưa lớn, rồi những tấm màn mưa dầy màu bạc. Mi bước ra ban công. Mưa chảy xuống má mi, những giọt lệ mi không thể  khóc. Những cành hoa sen cạn, rửa sạch, rực đỏ lên. Mùi đất ẩm. Mi hít vào một hơi dài, quyết định đi dạo thật lâu.
Trong khi đi mi cố nghĩ xem phải làm gì. (Và có lẽ ý nghĩa của những gì mi đã làm). Những viên thuốc có đó, dĩ nhiên. Mi hình dung: những chai thuốc trống không bên giường, thân hình mi rơi ngang mặt nệm, một tay thõng xuống bên cạnh. Lá thư ngắn để lại. Chàng có sẽ áp những nụ hôn hối hận trên lòng bàn tay nhợt nhạt của mi?  Bà có sẽ bay qua đại dương để dùng nước mắt rửa đôi mi cứng đờ của mi?
Hay - cái gì? cái gì? Chắc chắn phải có một sự lựa chọn khác. Nhưng mi không thể tìm những chữ để hình thành nó. Khi mi nhìn dọc con đường vắng, những chiếc lá rực rỡ của hàng cây phong mới gột rửa làm mắt mi xốn xang.
Thế nên mi tiếp tục đi. Giày mi thẫm màu lại, thành nặng nề. Nước xoay tròn trong ống cống, mang đi bụi bậm bao nhiêu tháng trời. Một cô gái che dù tiến về phía mi. Vai co lại, cô ta nhón chân qua những vũng nước, cố giữ cho khỏi bị ướt. Nhưng một cơn gió mạnh bật chiếc dù ra sau và xối ướt cô ta. Cô ta kinh ngạc một thoáng, giận dữ. Rồi cô ta bắt đầu cười. Và mi cũng cười, vì mi biết cảm giác đó như thế nào. Những chuỗi cười ngắn bật ra không kềm được, rồi dịu lại, hít hơi thở vào sâu trong người. Mi nhìn cô gái ngừng giữa lối đi và quăng cây dù bị hư vào thùng rác. Cô gái giang tay và để mưa chiếm lấy mình: tóc, áo hoa, váy xanh dương đậm. Sấm và chớp. Sẽ là cơn bão ghê gớm đấy. Mi nhớ những mùa mưa dầm của thời thơ ấu. Không có ai trong ký ức này, chỉ có bầu trời, gợn lên những tia sáng phấn chấn.
Mi biết, lúc đó, rằng khi mi về căn chung cư mi sẽ thu xếp đồ đạc. Vài bộ quần áo, mấy đĩa nhạc, một cuốn sách ưa thích, tấm treo. Không, không có tấm treo. Mi sẽ không cần đến nó trong cuộc sống mới, cuộc sống mi sẽ sống cho riêng mình.
Và một chữ đến với mi từ bầu trời mở rộng. Chữ yêu. Mi thấy rằng trước kia mi chưa bao giờ hiểu nó. Nó như mưa, và khi mi ngước mặt về phía nó, như mưa nó gột rửa đi những thứ không cần thiết, để lại mi trống rỗng, không bợn nhơ, sẵn sàng bắt đầu.
Hồ Như dịch từ tiếng Anh The Word of Love
In trong tập truyện ngắn đầu tay của Divakaruni, Hôn nhân sắp đặt (Arranged Marriage), NXB Anchor Book/Doubleday, 1995

Xem Tiếp: ----