Lời giới thiệu của dịch giả: Thẩm Tòng Văn (Shen Congwen) sinh năm 1902, thuộc tộc người Miêu tại khu vực phía tây tỉnh Hồ Nam. Gia đình ông theo nghiệp võ, năm 13 tuổi ông vào học võ bị, ra trường phục vụ trong quân đội, rồi sau đó làm cảnh sát và nhân viên thuế vụ, và thường di chuyển nên có dịp tiếp xúc với đủ hạng người để sau này mang họ vào các tác phẩm của mình.
Năm 20 tuổi ông đọc một tờ tạp chí Thượng Hải mới biết còn có một nước Trung Hoa không theo Khổng học, khác hẳn với xứ Hồ Nam và Tứ Xuyên của mình. Vì thế ông xin thôi việc để lên Bắc Kinh học và viết văn kiếm sống, được nhóm Hồ Thích, một học giả chịu ảnh hưởng Âu Mỹ, để ý đăng bài trên các báo của họ, và làm bạn với vợ chồng Đinh Linh, một nhà văn nữ khuynh tả. Dù ít học, ông tạo được chỗ đứng trên văn đàn, và sau này trở thành giáo sư đại học và học giả về phong tục của dân tộc miền núi. Khác với nhiều nhà văn cùng thời, tình yêu mến những con người giản dị đã giúp thể hiện trong các truyện của ông một lòng nhân đạo và trìu mến, không oán hận hay gay gắt. Sau 1949, ông thôi viết và chuyên tâm nghiên cứu lịch sử, nhưng vẫn bị chính quyền đả kích dữ dội. Đến năm 1957 ông lại được nhận vào hội nhà văn, và một số truyện của ông còn đuợc nhà xuất bản Văn học Nhân Dân in thành tuyển tập. Ông mất năm 1988.
Tiêu Tiêu (Xiaoxiao - 1929), Eugene Chen Eoyang dịch sang Anh ngữ, trích trong The Columbia Anthology of Modern Chinese Literature, nhà xuất bản Columbia University Press ấn hành năm 1995 tại New York.
Hầu như ngày nào vào khoảng tháng Chạp dân quê dường như cũng thổi sáo trúc mừng đám cưới.
Theo sau dàn sáo là chiếc kiệu cô dâu trang hoàng xán lạn, lướt đi trên vai hai phu cáng. Cô gái ngồi khóa chặt bên trong, và tuy mặc lễ phục xanh đỏ ít thấy thường ngày, cô vẫn không thể không thổn thức cho mình. Vì trong lòng thiếu nữ biết rằng trở thành cô dâu và rời mẹ để đến ngày thành mẹ một kẻ nào đó nghĩa là phải đối diện với một loạt những vấn đề mới không ngờ. Gần giống như bước vào mê hồn trận, ngủ chung giường với một kẻ mình chẳng rõ mấy để duy trì nòi giống. Tất nhiên nghĩ đến những điều này có phần đáng sợ, vì vậy nếu ai khóc trong hoàn cảnh như thế, như bao nhiêu người đi trước đã khóc, thì có gì ngạc nhiên?
Dĩ nhiên có người không khóc. Tiêu Tiêu không khóc khi lấy chồng. Nó mồ côi và được người chú ở quê nuôi dưỡng. Suốt ngày đội nón lá nhỏ rộng vành, nó phải nhặt cứt chó bên vệ đường và dưới mương. Đối với nó, lấy chồng chỉ có nghĩa là chuyển từ gia đình này sang gia đình khác. Vì thế, đến hôm cưới, nó chỉ cười mà không có cảm giác ngượng ngùng hay sợ hãi. Nó chẳng biết mình sẽ gặp gì, chỉ biết mình sắp trở thành cô dâu mới của ai đó.
Tiêu Tiêu lấy chồng năm mười một, và Tiểu Phu Quân chưa tới hai tuổi - nhỏ hơn gần mười tuổi và trước đó không lâu vẫn còn bú mẹ. Khi về gia đình chồng, nàng gọi nó là “Tiểu Tử” theo phong tục địa phương. Công việc hàng ngày là chơi với “Tiểu Tử” dưới cây liễu trước nhà hay bên dòng nước; cho nó ăn khi nó đói; dỗ nó khi nó quấy; hái hoa bí và cỏ gà làm mũ cho Tiểu Phu Quân, hay hôn hít dỗ dành nó:
- Tiểu Tử, này này, nín đi, đây đây.
Rồi nàng hôn khuôn mặt bụi bẩn của nó, thằng bé sẽ toét miệng cười. Khi vui vẻ trở lại, đứa bé sẽ quấy nữa, những ngón tay tí hon của nó cào tóc Tiêu Tiêu, mái tóc nâu gần như lúc nào cũng rối tung không chải. Đôi khi nó kéo mạnh bím tóc làm tuột nút len đỏ, Tiêu Tiêu phải tát nó mấy cái, thế là nó chửi. Tiêu Tiêu lúc này cũng gần khóc, chỉ vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của thằng bé:
- Nào, nào, đồ hư, mày thôi chưa.
Bằng mọi cách, mỗi ngày nàng bế “chồng” làm chuyện vặt vãnh quanh nhà mỗi khi cần. Thỉnh thoảng nàng xuống suối giặt áo quần, giũ tã lót, nhưng vẫn tìm lúc nhặt các con ốc vằn nhiều màu sắc để cho thằng bé thích khi nó ngồi cạnh. Lúc đi ngủ nàng mơ những giấc mơ một cô gái ở tuổi nàng mơ; nàng mơ thấy chỗ giấu xu đồng ở cổng sau hay đâu đó, và được ăn ngon; nàng mơ mình trèo cây; nàng mơ là cá trôi nổi tự do trong dòng nước; nàng mơ mình nhẹ nhàng uyển chuyển đến nỗi bay lên các vì sao, nơi không có ai, nhưng chỉ thấy một tia chớp trắng vàng, và nàng khóc lớn gọi mẹ - rồi thức dậy, tim vẫn còn đập. Người ở buồng bên la:
- Đồ ngớ ngẩn! Nghĩ gì thế? Cả ngày chơi tễu rỗi nghề, Đến khi nằm ngủ đêm về sợ ma.
Nghe thế Tiêu Tiêu không đáp mà chỉ khúc khích một mình, nhớ tới những giấc mơ đẹp mà tiếng khóc của chồng đôi khi làm gián đoạn. Nó ngủ cạnh mẹ nó để bà dễ cho bú, nhưng có khi nó bú nhiều quá và đau bụng. Rồi nửa đêm nó tỉnh dậy khóc, Tiêu Tiêu phải dậy mang nó đi cầu. Chuyện này xảy ra thường. Chồng nàng khóc nhiều, mẹ chồng không biết phải làm gì, vì thế Tiêu Tiêu bò ra khỏi giường, mắt nhắm mắt mở rón rén vào - dụi ghèn khỏi đôi mắt ngái ngủ - bế thằng bé lên tay và chỉ ngọn đèn hay các vì sao lấp lánh cho nó quên. Nếu không xong, nàng sẽ hôn vội và huýt sáo, làm bộ đóng tuồng cho đứa bé, nói tía lia như trẻ con “ê ê xem kìa, xem con mèo kìa” đến khi chồng nàng toét miệng cười. Cả hai chơi như thế một hồi, rồi đứa bé buồn ngủ nhắm mắt. Khi nó ngủ, nàng đặt nó vào lại giường, trông chừng một lúc, và nghe tiếng gà gáy lập đi lập lại xa xa nàng không thể không nghĩ đã mấy giờ rồi khi rúc vào chiếc giường nhỏ của mình. Đến lúc hừng đông, tuy cả đêm không ngủ, nàng sẽ chớp chớp mắt nhìn những đóa hướng dương ngoài cửa dần dần nở ra ngay trước mắt mình thật thú vị.
Khi Tiêu Tiêu lấy chồng, để trở thành “tiểu phụ” của đứa bé bằng cái kẹo, nàng cũng chẳng lớn gì hơn; cứ nhìn thân thể nàng thì biết. Nàng như cây non không đáng để ý trong vườn, đâm chồi ra những cành lá to sau những ngày mưa gió. Cô gái bé nhỏ - như thể không màng đến người chồng tí hon của mình – càng ngày càng lớn lên.
°
Nói đến những đêm hè là mơ mộng. Thiên hạ tìm buổi tối mát mẻ sau cơn nóng hè. Họ ngồi giữa sân phe phẩy quạt cói nhìn lên những vì sao trên trời hay bầy đom đóm trong các ngóc ngách, lắng nghe lũ dế “Trinh nữ thợ dệt” trên mái lán bí ngô đập “khung cửi” của chúng không ngừng. Tiếng xa gần chan lẫn vào nhau như tiếng mưa, và khi gió mùi cỏ khô phả đầy lên mặt là lúc người ta thích kể chuyện khôi hài.
Tiêu Tiêu trổ mã rất cao, và nàng thường leo lên mép dốc đụn cỏ khô, bế chồng đã ngủ trên tay, dịu dàng hát những khúc dân ca tự ứng khẩu. Càng hát càng buồn ngủ - đến khi nàng cũng gần ngủ theo.
Ở giữa sân, cả nhà chồng, ông bà nội, và hai tá điền tùy tiện ngồi trên những cái ghế đẩu nhỏ.
Khoanh thuốc cỏ đặt cạnh ông nội quấn quanh chân ông như một con rắn đen, đốm hồng ửng lên trong bóng đêm để đuổi lũ muỗi chân dài. Thỉnh thoảng ông nội nhặt khoanh thuốc lên phe phẩy.
Nghĩ về bữa ngoài đồng, ông nội nói:
- À, hôm kia tôi nghe Già Tần nói có mấy đứa nữ sinh ghé qua huyện.
Mọi người cười ồ.
Chuyện gì mà cười thế? Mọi người có ấn tượng rằng bọn nữ sinh không thắt bím, để tóc kiểu đuôi chim sẻ làm chúng trông giống mấy bà đi tu, nhưng chả hiểu sao lại không như đi tu. Chúng mặc áo quần kiểu ngoại nhân, nhưng trông chả giống ngoại nhân. Chúng ăn uống, cư xử trong một phong cách… ôi dào, nói vắn tắt, mọi thứ hình như chả đâu vào đâu, và chỉ hơi nhắc đến bọn nữ sinh là đủ gây trận cười.
Tiêu Tiêu không hiểu nhiều mấy chuyện đó, vì thế nàng không cười. Ông nội lại kể tiếp:
- Tiêu Tiêu, chừng nào lớn lên cháu cũng sẽ là nữ sinh.
Nghe thế mọi người lại cười.
Lúc này Tiêu Tiêu chẳng dại với người ta, và biết đây không phải là lời khen, vì thế nàng nói:
- Ông nội, cháu sẽ không làm nữ sinh đâu.
- Nhưng cháu giống nữ sinh. Không làm đâu có được.
- Không đâu, cháu nhất định không.
Người ngoài cuộc khai thác làm trò cười và bẫy nàng:
- Tiêu Tiêu, ông nội nói đúng đấy. Không làm nữ sinh đâu có được.
Tiêu Tiêu bối rối không biết chuyện gì:
- Được rồi, nếu phải làm thì làm.
Thật ra, Tiêu Tiêu không biết làm nữ sinh có gì sai quấy.
Toàn bộ khái niệm về nữ sinh luôn luôn được xem như kỳ quặc trong cái vùng này. Mỗi năm cứ đến tháng Sáu, khi cái gọi là đầu mùa “nghỉ hè” rốt cuộc lại đến, từng toán nhỏ nữ sinh từ các châu thành xa xôi tới tìm chỗ nghỉ ngơi hẻo lánh, chúng sẽ ghé qua làng. Dưới mắt dân địa phương, hầu như bọn này rơi từ một thế giới hoàn toàn khác xuống, ăn mặc những kiểu kỳ lạ nhất, phong cách còn đâu đâu hơn nữa. Vào những ngày bọn nữ sinh này ghé qua, cả làng đặt hết chuyện cười này tới chuyện cười khác.
Ông nội là bô lão trong vùng, ông nghĩ giục Tiêu Tiêu làm nữ sinh là khôi hài, vì ông nghĩ về tính nhẹ dạ của bọn nữ sinh ông biết ngoài châu thành. Ngay sau câu nói đùa, ông không thể nhịn cười, nhưng ông cũng để ý xem Tiêu Tiêu nghĩ sao, vì thế câu nói đùa không hẳn là hoàn toàn vô thưởng vô phạt.
Bọn nữ sinh ông nội biết thuộc một loại: chúng mặc áo quần mà không để ý đến thời tiết, ăn không biết đói hay no, ngủ trễ, ban ngày không làm chút gì ngoại trừ ca hát và chơi banh hay đọc sách nước ngoài. Chúng biết tiêu tiền, số tiền chúng xài một năm có thể mua ít nhất mười sáu con trâu. Ở thủ phủ của tỉnh, mỗi khi muốn đi đâu chúng chẳng bao giờ nghĩ tới đi bộ, thay vào đó leo vào cái “thùng” lớn đưa chúng đi khắp nơi. Trong các thành phố có đủ loại “thùng” lớn nhỏ, tất cả đều có máy. Ở trường, con trai con gái học chung lớp, và khi quen nhau, tụi con gái ngủ qua đêm với con trai mà không nghĩ tới một người trung gian hay mai mối, hay ngay cả của hồi môn. Chúng gọi đó là “tự do”. Đôi khi chúng làm công chức quận hạt và mang gia đình vào; người ta vẫn gọi chồng chúng là “Ông chủ” và con cái chúng là “Tiểu chủ”. Chúng không nuôi trâu bò, nhưng uống sữa bò và sữa cừu như nghé và cừu non; sữa chúng uống đóng hộp. Khi rảnh rỗi, chúng đi rạp hát, rạp xây như cái đình khổng lồ, và móc túi lấy một tờ bạc (một tờ bạc của chúng có thể mua năm con gà mái đẻ ở đây). Với tờ bạc chúng mua một mẩu giấy hình cái vé đem vào trong để ngồi xuống xem ngoại nhân trình diễn chiếu bóng. Khi bị bực tức, chúng sẽ không chửi hay khóc lóc. Có đứa hai mươi bốn vẫn chưa lấy chồng, trong khi mấy đứa khác ba bốn mươi tuổi vẫn ngắm nghía hôn nhân. Chúng không sợ đàn ông, nghĩ đàn ông không thể xử tệ với chúng, vì nếu không, chúng sẽ đưa bọn đàn ông ra tòa đòi quan tòa phạt họ. Đôi khi chúng tiêu hết tiền phạt, đôi khi chia với quan tòa. Dĩ nhiên, chúng không giặt giũ áo quần hay nấu nướng bữa ăn, và chắc chắn chúng không nuôi heo gà. Khi có con, chúng mượn người làm trông con chỉ năm sáu đồng một tháng để cả ngày đi rạp hát và đánh bài, hay đọc mấy thứ sách vô bổ đó.
Tóm lại, mọi thứ về chúng đều kỳ quái, hoàn toàn khác với đời sống nhà nông, và một số hành vi của chúng không tin nổi. Khi Tiêu Tiêu nghe ông nội kể tất cả những chuyện này, giải thích hết mọi thứ, nàng mơ hồ cảm thấy khuấy lên một nỗi bồn chồn, và tưởng tượng mình là một “nữ sinh”. Liệu nàng có cư xử như “nữ sinh” ông nội đã kể không? Dù sao đi nữa, mấy “nữ sinh” này không có gì đáng sợ, và vì thế những khái niệm đó khởi sự xâm chiếm suy nghĩ của cô gái đơn giản này lần đầu tiên.
Vì hình ảnh ông nội vẽ về “nữ sinh”, đôi khi Tiêu Tiêu khúc khích cười một mình. Nhưng khi trấn tĩnh lại, nàng nói:
- Ông nội, ngày mai khi “nữ sinh” tới, nhớ bảo cháu. Cháu muốn xem.
- Coi chừng, nếu không họ bắt làm người ở!
- Cháu không sợ.
- Ồ, nhưng họ đọc mấy sách nước ngoài, tụng kinh, và cháu vẫn không sợ?
- Họ cứ tụng Quan Thế Âm bồ tát cứu khổ cứu nạn hay kinh Thiên Hầu Gieo Tai mặc kệ. Cháu không sợ.
- Họ ăn thịt người như các ông quan ấy; họ chỉ ăn thịt người chất phác; họ nhai cả xương rồi nuốt hết. Có chắc là cháu không sợ không?
Tiêu Tiêu kiên quyết đáp:
- Không, cháu không sợ.
Lúc đó Tiêu Tiêu đang bế chồng, chồng nó chẳng vì lý do gì bỗng bật lên khóc mơ. Nàng con dâu dùng giọng người mẹ, nửa vỗ về, nửa quở trách, nói:
- Tiểu tử, Tiểu tử, đừng khóc, tụi nữ sinh ăn thịt người đến đấy!
Chồng nàng cứ khóc, và không có cách gì khác ngoài việc phải đứng lên đưa nó dạo chơi. Tiêu Tiêu bế nó ra, ông nội ngồi lại tiếp tục kể chuyện khác.
Từ đó Tiêu Tiêu nhớ “nữ sinh” nghĩa là gì. Khi mơ, nàng thường mơ là nữ sinh, là một trong số họ. Mơ như mình cũng đã ngồi trong mấy cái hộp có máy đó, dù nàng thấy chúng đi chả nhanh hơn nàng nghĩ lắm. Trong giấc mơ, cái hộp hình như giống vựa thóc, và lũ chuột xám tro mắt lợn đỏ ti hí chạy khắp nơi, đôi khi len lỏi qua khe, đuôi nhầy nhụa thò ra sau.
Với đà này, lẽ tự nhiên ông nội không gọi nàng là “tiểu hầu” hay “Tiêu Tiêu” nữa, mà gọi là “tiểu nữ sinh”. Khi bị gọi bất ngờ, Tiêu Tiêu vô tình quay lại.
Ở thôn quê, một ngày như bao ngày trên đời, chỉ đổi theo mùa. Thiên hạ lãng phí từng ngày trôi qua, như Tiêu Tiêu và những người như nàng; mỗi người có phần mình, mọi thứ như vẫn thế. Trong khi đó rất nhiều thị dân tinh tế tiêu mùa hè của họ trong lụa là mềm mại, thoả mãn trong thức ngon của lạ, không kể các thú vui khác. Nhưng đối với Tiêu Tiêu và gia đình nàng, mùa hè nghĩa là việc nặng, sản xuất mười cuộn gai dầu hoặc hơn và hai ba chục xe dưa mỗi ngày.
Cô dâu nhỏ Tiêu Tiêu vào một ngày hè vừa phải săn sóc chồng vừa quay bốn cuộn gai dầu. Tháng Tám, khi tá điền thu hoạch dưa, nàng thích xem các dãy dưa bí ngô bụi phủ chất cao trên mặt đất, mỗi quả to như cái nồi. Đã đến lúc thu hoạch vụ mùa, và giờ đây trong sân đầy những lá lớn đỏ và nâu từ các cành cây trong vườn sau nhà thổi đến. Tiêu Tiêu đứng cạnh đám dưa lấy một cái lá to làm nón cho chồng chơi.
Một tá điền tên Hoa Cẩu khoảng hai mươi tuổi dắt chồng Tiêu Tiêu ra hái chà là. Anh ta lấy gậy tre quất đám chà là bị đất phủ đầy.
- Anh Hoa Cẩu đừng hái thêm. Nhiều quá anh ăn không hết đâu.
Dù có lời báo trước này, Hoa Cẩu vẫn không chuyển, như thể vì chồng tí hon của Tiêu Tiêu thèm chà là nên hắn không nghe. Vì thế Tiêu Tiêu cảnh cáo chồng mình:
- Tiểu Tử, Tiểu Tử, tới đây, đừng ăn nữa. Ăn trái sống đó bị đau bụng cho coi!
Chồng nàng vâng lời. Nó vốc một nắm chà là đem đến cho Tiêu Tiêu.
- Chị, ăn. Trái này lớn nè.
- Không, chị không ăn.
- Một hạt thôi.
Nàng đang bận tay làm sao có thể dừng lại để ăn? Nàng bận đan nón, và ước gì có người giúp.
- Tiểu Tử, sao không đút vào miệng chị một hạt?
Chồng nàng làm theo, nghĩ như thế là vui nên bật cười.
Nàng muốn nó bỏ chà là xuống để phụ giữ nón trong khi nàng đan thêm mấy lá nữa.
Chồng nàng nghe lời, nhưng ngồi không yên, cứ hát ậm ừ. Trẻ con cứ như con mèo, khi vui có khuynh hướng nghịch.
- Tiểu Tử, hát gì đó?
- Hoa Cẩu dạy em bài sơn ca này.
- Hát cho rõ để chị nghe.
Chồng giữ vành nón và hát lời bài hát nó nhớ.
Mây lên trời, mây thành hoa
Trong cuống bắp, hạt động lòng trắc ẩn
Hạt làm cuống bắp hao mòn
Và trinh nữ nghẹn ngào tuổi xuân
Mây lên trời, từng cụm theo nhau
Dưới đất đào huyệt mộ, huyệt mộ
Nàng trinh xinh xắn rửa bát hoài
Và mang bọn bất lương lên giường
Chồng nàng không bắt được nghĩa bài hát, khi hát xong, nó hỏi nàng thích không. Tiêu Tiêu nói nàng thích, và hỏi bài hát từ đâu ra, tuy biết Hoa Cẩu dạy, nàng vẫn muốn nó nói.
- Hoa Cẩu - anh ấy dạy em. Anh ấy biết nhiều bài lắm, nhưng em… phải lớn lên anh ấy mới dạy.
Khi nàng rõ Hoa Cẩu biết hát, Tiêu Tiêu nói:
- Anh Hoa Cẩu, anh Hoa Cẩu, sao anh không hát một bài hợp với em?
Nhưng Hoa Cẩu, mặt hắn thô như tấm lòng, tính tình lỗ mãng, biết Tiêu Tiêu muốn nghe hát và thấy nàng sắp đến tuổi hiểu, hắn hát một khúc ca về cô dâu mười tuổi cưới chú rể một tuổi. Chuyện kể cô vợ lớn tuổi đi hoang vì chồng còn thơ ấu chưa cai sữa, vì thế để nó lại bú vú mẹ. Dĩ nhiên Tiểu Phu chẳng hiểu gì bài hát này, nhưng Tiêu Tiêu thoáng mơ hồ. Nghe xong nàng làm bộ như hiểu hết. Nàng giả vờ giận nói với Hoa Cẩu:
- Anh Hoa Cẩu, thôi ngay! Bài đó không tốt.
Nhưng anh Hoa Cẩu phản đối:
- Nhưng nó hay.
- Không, không hay. Bài đó không hay.
Hoa Cẩu ít khi nói nhiều, hắn đã hát xong bài hát của mình; nếu ai không thích, hắn sẽ không hát nữa, thế thôi. Hắn biết nàng hơi hiểu bài hắn hát, và sợ nàng mách với ông nội hắn sẽ gặp rắc rối, vì thế hắn đổi đề tài sang bọn nữ sinh. Hắn hỏi Tiêu Tiêu đã bao giờ thấy nữ sinh tập thể dục nơi công cộng và hát các bài hát tây chưa.
Nếu Hoa Cẩu không nhắc đến, Tiêu Tiêu đã quên chuyện nữ sinh từ lâu. Nhưng bây giờ hắn gợi lại, nàng tò mò muốn biết hồi này hắn có gặp họ không. Nàng rất muốn thấy họ.
Vừa chuyển dưa từ lán ra góc vườn rào Hoa Cẩu vừa kể chuyện nữ sinh hát các bài hát nước ngoài, toàn những chuyện hắn nghe từ ông nội. Trước mặt nàng, hắn khoác lác đã thấy bốn cô học trò trên đường lớn, mỗi cô cầm cờ trên tay vừa đi vừa toát mồ hôi và hát như lính diễu hành. Chả cần phải nói, tất cả những chuyện nhảm nhí này hắn bịa ra. Nhưng câu chuyện kích thích trí tưởng tượng của Tiêu Tiêu. Và tất cả vì Hoa Cẩu mô tả họ như những thí dụ của “tự do”.
Hoa Cẩu là một đứa thô lỗ, đểu cáng và phàm tục. Khi nghe Tiêu Tiêu nói với vẻ khâm phục:
- Chao ôi, anh Hoa Cẩu, cánh tay anh to nhỉ.
Hắn nói:
- Ồ, có to lớn gì lắm đâu!
- Anh vạm vỡ thế.
- Anh to từ trên xuống dưới.
Tiêu Tiêu chẳng hiểu gì; nàng chỉ nghĩ hắn vớ vẩn, vì thế nàng bật cười.
Sau khi Tiêu Tiêu bế chồng đi khỏi, gã hái dưa với Hoa Cẩu, tục danh Ú Ớ (hắn không nói được nhiều), bình phẩm:
- Hoa Cẩu, mày cứ hết sức nói. Cô ấy là con gái mười hai, còn mười hai năm nữa mới làm lễ cưới!
Lầm lì không nói, Hoa Cẩu đi tới tát gã tá điền, rồi đi lại cây chà là nhặt những hạt rơi trên đất.
Tới vụ dưa thu có thể coi như Tiêu Tiêu đã ở với chồng được một năm rưỡi.
Thời gian trôi qua - những ngày băng giá và tuyết đổ, nắng và mưa - và mọi người đều bảo Tiêu Tiêu lớn trội. Nàng được trời đãi: uống nước lạnh, ăn cháo đặc, thế mà quanh năm chả bao giờ đau ốm. Nàng lớn lên và nảy nở. Mặc dù bà nội như nữ thần báo ứng cố giữ nàng đừng lớn quá nhanh, Tiêu Tiêu phát triển trong bầu không khí thôn quê trong sạch, không sợ gian nan và thử thách.
Năm mười bốn tuổi, Tiêu Tiêu có thân hình người lớn, nhưng trái tim vẫn vô tư và tự nhiên như con trẻ.
Càng lớn lên người ta càng phải gánh vác việc nhà nặng nhọc hơn. Ngoài việc xoắn gai dầu, se sợi, giặt giũ, trông nom chồng, nàng còn làm các việc vặt như cho heo ăn hay xay cối, quay tơ và dệt lụa. Người ta muốn nàng học mọi việc. Họ hiểu rằng ai cố lên một tí cũng sẽ khớp vào việc mới: những sợi gai thô và lụa Tiêu Tiêu gom góp trong hai ba năm sẽ đủ làm nàng bận bịu ba tháng với con thoi trong phòng nàng.
Chồng nàng cai sữa đã lâu. Mẹ chồng mới sinh đứa nữa, vì thế đứa con năm tuổi của bà - chồng Tiêu Tiêu - trở thành bổn phận của riêng nàng. Bất kể chuyện gì, bất cứ nơi đâu, chồng nàng theo nàng khắp nơi. Chẳng rõ vì sao chồng hơi sợ nàng, như thể nàng là mẹ nó, vì thế nó ngoan. Nói chung, chúng khá hoà thuận.
Dần dần, vùng quê tiến bộ hơn, ông nội đổi câu nói đùa thành: “Tiêu Tiêu, vì tự do, cháu nên cắt cái bím đi”. Tiêu Tiêu nghe câu đùa này hồi mùa hè, lúc nàng thấy cô nữ học trò đầu tiên. Dù không xem lời phiếm của ông nội là nghiêm trang, mỗi khi đi ngang cái ao sau khi ông đùa, nàng lơ đãng nắm chóp bím tóc giơ lên để xem không có bím có đẹp không và mình sẽ cảm thấy thế nào.
Để cắt cỏ cho heo, Tiêu Tiêu dắt chồng lên dốc tối núi Ốc.
Đứa bé chả biết gì hơn, vì thế mỗi khi nghe hát, nó sẽ bật ra tiếng ca. Và ngay lúc nó mở miệng, Hoa Cẩu xuất hiện.
Hoa Cẩu bắt đầu nuôi dưỡng những ý nghĩ khác về Tiêu Tiêu, nàng dần dần hiểu ra và lo lắng. Nhưng Hoa Cẩu là kẻ có đủ mưu mô và phương chước của một gã đàn ông vạm vỡ và nhanh nhẹn có thể làm vui lòng và quyến rũ một cô gái. Hắn tìm những cách lẻn tới Tiêu Tiêu và làm tiêu tan sự nghi ngờ của nàng về hắn bằng cách lấy lòng chồng Tiêu Tiêu.
Nhưng một người so sao được với núi đồi? Cây cối khắp nơi khó tìm ra Tiêu Tiêu. Vì thế mỗi khi muốn tìm Tiêu Tiêu, Hoa Cẩu đứng thẳng lên hát để chồng tí hon bên cạnh Tiêu Tiêu hát trả. Ngay khi Tiểu Phu hát, Hoa Cẩu sẽ xuất hiện đối diện Tiêu Tiêu sau khi hắn chạy vội lên dốc xuống đèo.
Khi đứa bé thấy Hoa Cẩu, nó vui mừng. Nó muốn Hoa Cẩu lấy cỏ làm hình con bọ, hoặc cắt cho nó ống sáo tre, nhưng Hoa Cẩu luôn luôn có cách đuổi nó đi tìm vật liệu để hắn có thể ngồi cạnh Tiêu Tiêu hát cho nàng những khúc ca để nàng bớt cảnh giác và làm gò má nàng ửng đỏ. Nhiều lần nàng lo có thể xảy ra chuyện gì, và không để chồng đi xa; những lần khác hình như nên tống khứ đứa bé đi để nó đừng thấy Hoa Cẩu có ý định gì. Cuối cùng, một hôm nàng để Hoa Cẩu chiếm đoạt lòng nàng, và hắn biến nàng thành đàn bà.
Hôm đó, Tiểu Phu chạy xuống núi hái dâu, và Hoa Cẩu hát nhiều khúc ca cho Tiêu Tiêu:
Trinh nữ ơi, lên dốc núi đến nhà nàng
Nếu người đi một, anh bước đi hai
Dép anh đã sờn, rách thành mảnh vụn
Nếu không vì nàng, xinh ơi, thì vì ai?
Khi hát xong hắn nói với Tiêu Tiêu:
- Tối anh không chợp mắt được vì em.
Hắn thề lên thề xuống sẽ không kể với ai. Nghe thế Tiêu Tiêu hoang mang, nàng không thể không nhìn cánh tay rắn chắc của hắn, và không thể không nghe điều hắn vừa nói. Thậm chí khi ra nhà xí hắn cũng hát cho nàng. Nàng bối rối, nhưng bảo hắn thề với Trời, và sau khi hắn thề - dường như thế là đủ bảo đảm - nàng buông mình cho hắn. Khi Tiểu Phu trở lại, tay nó bị sâu lông chích sưng tướng. Nó chạy đến Tiêu Tiêu. Nàng véo tay nó, thổi lên chỗ chích và mút để bớt sưng. Nàng nhớ tư cách nhẹ dạ của mình mới rồi, và mơ hồ biết rằng mình đã làm điều không đúng lắm.
Khi Hoa Cẩu chiếm đoạt nàng, lúc ấy tháng Năm, lúa nâu vàng. Tháng Bảy, mận chín - nàng thích mận làm sao! Nàng thấy cơ thể mình biến đổi, vì thế khi tình cờ gặp Hoa Cẩu trên núi, nàng kể cho hắn nghe trạng thái của mình và hỏi nàng nên làm gì.
Họ nói mãi, nhưng Hoa Cẩu không biết phải làm gì. Dù đã thề với trời đất, hắn vẫn không có ý niệm nào. Xét cho cùng, hắn to xác nhưng nhỏ gan. To xác dễ dẫn mình gặp rắc rối, nhưng nhát gan làm luống cuống khi muốn tìm lối thoát.
Một hồi sau, Tiêu Tiêu mân mê bím tóc đen như rắn của nàng và nghĩ đến cuộc đời nơi thành thị:
- Anh Hoa Cẩu, sao mình không ra châu thành nơi mình được tự do và tìm việc ở đó? Anh nghĩ sao?
- Không được. Ở đó chẳng có gì cho mình.
- Bụng em đang lớn cũng không được.
- Mình tìm thuốc, có ông lang bán thuốc ngoài chợ.
- Anh phải tìm nhanh lên. Em nghĩ -
- Chạy tới “tự do” ngoài phố vô ích. Ở đó chỉ có người lạ. Ngay cả ăn mày cũng có luật lệ; không ai có thể đi đây đi đó theo ý thích đâu.
- Anh thật vô ích, anh đáng ghét. Ô, ước gì tôi chết đi.
- Anh thề không bao giờ phản bội em.
- Ai cần phản bội hay không. Em chỉ muốn anh giúp. Lấy cái đang sống này ra khỏi bụng em ngay! Em sợ.
Hoa Cẩu không nói nữa, một lúc sau hắn bỏ đi. Lát sau, Tiểu Phu từ chỗ nhặt quả đỏ về ngang. Thấy Tiêu Tiêu ngồi một mình trên cỏ, mắt đỏ vì khóc, Tiểu Phu ngạc nhiên. Một lúc sau nó hỏi:
- Chị, chuyện gì vậy?
- Không có gì. Mạng nhện vào mắt chị nhức quá.
- Để em thổi cho.
- Thôi, đừng lo.
- Nè, xem em nhặt được nè.
Nó lôi trong túi ra những vỏ sò và hòn sỏi nhỏ vơ được từ dòng suối cạnh đó. Tiêu Tiêu nhìn chúng, mắt nàng tràn trề, và gắng gượng cất tiếng cười:
- Tiểu Tử, mình thật ăn cánh với nhau nhỉ. Đừng nói với ai chị khóc. Họ buồn đấy.
Và thật vậy, không ai trong gia đình biết một chút gì.
Nửa tháng sau, Hoa Cẩu mang theo tất cả đồ dùng của hắn bỏ đi không nói một lời. Ông nội hỏi Ú Ớ sống chung phòng với Hoa Cẩu có biết tại sao Hoa Cẩu bỏ đi. Hắn trôi giạt vào núi hay đăng lính? Ú Ớ lắc đầu và nói Hoa Cẩu còn nợ mình hai trăm đồng; hắn bỏ đi không viết một chữ. Hắn đúng là đồ tồi tệ. Ú Ớ nói xong ý mình, nhưng không cho manh mối Hoa Cẩu có thể đi đâu. Thế là cả gia đình rì rầm suốt ngày về chuyện bỏ đi này đến tối. Nhưng xét cho cùng, gã tá điền không lấy trộm thứ gì và không trốn tránh điều gì; vì thế một thời gian sau mọi người quên hết về hắn.
Tuy nhiên, Tiêu Tiêu không khá hơn. Nếu nàng quên được Hoa Cẩu cũng tốt, nhưng bụng nàng cứ mỗi lúc mỗi lớn, và có cái gì trong đó bắt đầu cử động. Nàng cảm thấy hốt hoảng, và không ngủ đêm này sang đêm khác.
Nàng trở nên càng ngày càng cáu kỉnh; chỉ có chồng nàng rõ, vì lúc này nàng khe khắt với nó hơn.
Dĩ nhiên, chồng nàng lúc nào cũng ở bên cạnh. Thậm chí nàng không chắc chính mình đang nghĩ gì. Đôi khi nàng tự nghĩ nếu mình chết thì sao? Rồi mọi việc sẽ ổn thỏa. Nhưng rồi tại sao mình phải chết? Nàng muốn hưởng thụ cuộc sống, muốn tiếp tục sống.
Mỗi khi người trong gia đình nhắc đến chồng nàng, hay em bé, hay Hoa Cẩu, ngay cả họ tình cờ, nàng cảm thấy như ngực bị đánh mạnh.
Khoảng tháng Mười nàng lo ngày càng nhiều người sẽ biết. Một hôm, nàng dẫn chồng ra đình khấn nguyện, và nàng nuốt một nắm tro hương cúng. Nhưng khi nàng đang nuốt, chồng nàng bắt gặp và hỏi nàng làm gì. Nàng bảo để khỏi đau bụng. Dĩ nhiên nàng phải nói dối. Mặc dù nàng cầu xin Bồ tát giúp mình, đấng Bồ tát không nhìn sự việc như nàng; đứa bé trong nàng vẫn cứ càng lúc càng lớn.
Nàng làm cả chuyện uống nước suối lạnh, và khi chồng hỏi, nàng nói chỉ khát nước thế thôi.
Nàng thử mọi thứ, nhưng chả thứ nào lột được cái gánh nặng khủng khiếp đang mang trong mình. Chỉ có chồng biết chuyện đau bụng của nàng. Nó không dám mách với cha mẹ. Vì chênh lệch tuổi tác và những năm tháng gần gũi giữa chúng, chồng nàng nhìn nàng vừa yêu thương lẫn sợ hãi, thậm chí sâu đậm hơn cả tình cảm giữa nó với cha mẹ đẻ.
Nàng nhớ lời Hoa Cẩu thề cũng như những chuyện khác. Lúc này đã là mùa thu, lũ sâu bướm đang biến thành nhộng đủ loại đủ màu khắp quanh nhà. Chồng nàng như thể cố tình chế nhạo nàng nhắc lại sự việc bị sâu lông chích – nhắc nàng nhớ tới ký ức không vui. Từ đó, nàng ghét sâu bướm, và bất cứ khi nào gặp nàng phải giẫm lên nó.
Một hôm, người ta kháo nhau bọn nữ sinh lại đến. Tiêu Tiêu nghe được, mắt đăm đăm vô hồn, như mê mụ, cái nhìn đăm đăm của nàng dán lên chân trời phía đông một lúc lâu.
A, nàng nghĩ, Hoa Cẩu bỏ trốn, mình cũng bỏ trốn được. Vì thế nàng gói ghém ít món, định nhập bọn với đám nữ sinh trên đường đi đến thành phố lớn để tìm tự do. Nhưng nàng bị khám phá trước khi thực hiện. Đối với dân quê, đây là tội nghiêm trọng, vì thế họ trói tay nàng, nhốt nàng trong lán, và bỏ đói nàng suốt một ngày.
Xét kỹ nguyên nhân định bỏ trốn bất thành của nàng, họ nhận ra rằng Tiêu Tiêu, trong mười năm nữa sẽ sinh một đứa con trai với chồng để nối dõi tông đường, nay lại có mang với kẻ khác. Việc tai tiếng này chấn động cả nhà, sự thanh bình và yên tĩnh trong dinh cơ hoàn toàn bị xáo trộn. Cơn giận nổ bùng, khóc lóc, chửi mắng: mỗi người có lý do để bất mãn riêng. Treo cổ, chết trôi, uống thuốc độc, Tiêu Tiêu đau khổ bao lâu nay đã có lần thoáng nghĩ đến hết cả, nhưng rốt cuộc nàng còn quá trẻ và vẫn muốn bám lấy sự sống, vì thế nàng không thực hiện. Khi ông nội nhận ra tình huống, ông tìm được một kế sách khôn ngoan. Ông nhốt Tiêu Tiêu trong buồng có hai người đứng gác. Ông mời gia đình nàng đến hỏi họ cho ý kiến nên dìm nước hay bán nàng đi. Nếu muốn không mất mặt, họ sẽ khuyên dìm nước; nếu không nỡ thấy nàng chết, họ sẽ bán nàng. Tiêu Tiêu chỉ có người chú làm việc trên cánh đồng gần đấy. Khi được mời, thoạt tiên ông nghĩ mình được mời tới dự tiệc. Chỉ sau khi nhận ra danh dự gia đình đang lâm nguy, người đàn ông chân thật và thiện ý này luống cuống không biết phải làm gì.
Bụng Tiêu Tiêu là chứng cớ thì còn gì để nói. Đúng lẽ ra, nàng đáng bị dìm nước, nhưng chỉ những gia trưởng đã đọc sách Khổng mới làm điều ngu xuẩn đó để bảo vệ danh dự gia đình. Nhưng ông chú này không đọc Khổng nho, ông không thể hy sinh Tiêu Tiêu, và vì thế ông chọn cách gả bán nàng.
Dường như đó cũng là một hình phạt, và hợp lẽ tự nhiên. Thông thường gia đình chồng được xem như bên bị tổn thương, và tiền thu trong đám cưới thứ hai sẽ là khoản bồi thường. Người chú cẩn thận giải thích mọi thứ cho Tiêu Tiêu, lúc ông sắp rời, Tiêu Tiêu bám lấy áo ông lặng lẽ khóc không để ông đi. Người chú chỉ lắc đầu và ra đi không nói một lời.
Dạo đó không gia đình đáng kính nào muốn Tiêu Tiêu. Nếu muốn tống khứ nàng phải có người mua, vì thế tạm thời nàng tiếp tục ở nhà chồng. Khi vấn đề này giải quyết xong, theo luật, không ai được làm rầy thêm nữa. Không có gì khác ngoài việc đợi, nên mọi người hoàn toàn thoải mái về vấn đề này. Thoạt tiên, Tiểu Phu không được phép bầu bạn với Tiêu Tiêu, nhưng sau đó chúng gặp nhau như trước, cười chơi với nhau như chị em.
Tiểu Phu hiểu Tiêu Tiêu có mang. Nó cũng hiểu trong tình trạng của nàng, Tiêu Tiêu sẽ bị gả bán cho một kẻ ở xa. Nhưng nó không muốn Tiêu Tiêu bị đưa đi xa, về phần Tiêu Tiêu cũng không muốn. Mọi người gặp cảnh khó xử, nhưng tập quán và tình huống qui định việc phải làm, không có cách nào khác. Sau nữa, nếu hỏi ai làm ra luật lệ và tập quán, ông gia trưởng hay bà chủ, chả ai có thể trả lời đúng.
Họ đợi người chồng tương lai, đến tháng Mười Một vẫn không có ai. Người ta quyết định Tiêu Tiêu có thể phải ở lại đến Tân Niên.
Đến tháng thứ hai của năm mới, nàng trở dạ sinh đứa con trai, mắt to, đầu tròn, thân hình cứng cáp, và tiếng lớn. Mọi người săn sóc cả hai mẹ con. Gà luộc và rượu đế theo phong tục cho bà mẹ mới sinh ăn để có sức khoẻ, tiền vàng mã đốt để cầu xin thần thánh. Mọi người mê đứa bé trai.
Bây giờ hoá ra đứa bé là con trai, Tiêu Tiêu không phải bị gả bán đi nữa.
Nhiều năm về sau, họ làm đám cưới cho Tiêu Tiêu và chồng nàng, khi đứa con nàng đã lên mười. Nó có thể làm nửa việc người lớn, nó có thể chăn bò và cắt cỏ - một tá điền giúp việc bình thường. Nó gọi chồng Tiêu Tiêu là Bác; Bác sẽ luôn luôn đáp lời.
Người ta gọi đứa con trai là “thằng bé chăn trâu”. Lên mười một nó đính hôn với cô gái lớn hơn sáu tuổi. Vì cô ta đã lớn nên có thể giúp một tay và rất có lợi cho gia đình. Khi những ống sáo trúc mừng đám cưới thổi lên ngoài cổng trước, cô dâu bên trong kiệu thổn thức đáng thương. Cả ông nội và ông cố đều quýnh lên.
Hồi này, Tiêu Tiêu sinh xong, đứa bé đã ba tháng. Nàng bế đứa bé sơ sinh nhìn cuộc rối và đám rước cạnh hàng rào dưới cây du, nhớ lại mười năm trước lúc nàng bế chồng. Bây giờ con nàng đang quấy, vì thế nàng hát nhỏ, cố dỗ nó:
- Nào, kìa, kìa, xem! Kiệu cưới đẹp tới kìa. Nhìn áo cô dâu đẹp kìa! Cô dâu đẹp không kìa! Xuỵt! Xuỵt! Đừng quấy nào. Ngoan không mẹ giận. Nhìn kìa, nhìn kìa! Nữ sinh họ cũng ở đây đấy! Hôm nào con lớn lên, mẹ cưới vợ nữ sinh cho con.
 Xiao Xiao, trích trong The Columbia Anthology of Modern Chinese Literature, Nxb. Columbia University Press, New York, 1995; Eugene Chen Eoyang dịch sang tiếng Anh.

Xem Tiếp: ----