Tôi đến Lê Văn Sỹ xem tranh.Bức tranh sơn mài thực thực hư hư. Bố cục tranh khá lạ. Trên nền nâu sẫm dân dã thẫm dần từ trên xuống dưới, giữa bức tranh là một vầng tinh vân quầng vàng le lói. Giống như nhật hoa lơ lửng trong khoảng không mênh mông lãng đãng, lạ thay, điểm vào chính tâm một chấm bạc của nhũ. Mặt trời hay mặt trăng? Con mắt thao thức nỗi niềm hay một mảnh hồn treo keo lại? Bên dưới vầng tinh vân kia, hình ảnh một bàn chân quá khổ như nói ai vừa bước qua đây. Màu bạc của nhũ ảo mờ lẫn vào nền sơn nâu tím sẫm. Tôi ngỡ ngàng nhớ dấu chân Giao Chỉ, năm ngón tõe ra bám chặt vững vàng trên nền châu thổ sông Hồng trơn nhẫy phù sa. Bóng bàn chân còn to hơn. Nó làm thẫm gần một nửa chiều dài tranh. Bầu trời, mặt đất, con người như tan ra rồi tụ lại trên bề mặt một không gian mà ta chẳng nên phân định...Tôi như bị hút hồn vào bốn chữ Hán viết theo lối chữ Nôm bay bướm, cân đối, dọc theo chiều rộng hai mép tranh. Bên trái "Khán khán", bên phải: "Nhân phong". Mở mắt ra mà nhìn đời, nhìn người... Ai mở mắt? Thế thái nhân tình chăng?... Nỗi day dứt này thành một ma lực ám ảnh tôi đến mấy ngày. Thú thật, cho đến bây giờ, tôi đã cố hiểu bức tranh theo rất nhiều nghĩa, song vẫn tự biết, đó chỉ là cách tự an ủi mình mà thôi. Dưới lớp sơn màu cánh gián thếp bạc vàng kia, một mảnh hồn vẫn còn đang động cựa, nói những điều thông thái và ngu ngơ của người vẽ nó trong những giây phút xuất thần đầy hứng khởi...Người bạn lớn tuổi của tôi, anh Nguyễn Công Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng hương Nam Định, thấy tôi ngẩn ngơ trước bức tranh, bảo: "Chú cảm nhận tranh theo lối cảm thơ văn. Tôi kể cho chú chuyện này, có thể chú sẽ đổi ý...". Nói xong, anh lẳng lặng vào buồng, lúc trở ra, anh mang theo một tờ bìa cứng, bọc trong nhiều lớp giấy dó. Rồi cũng lặng lẽ, anh đặt tấm bìa lên mặt bàn, chậm rãi mở những nuột dây gai... Anh không mở tiếp mà kể. Giọng hơi run. Mắt anh nhìn vào mắt tôi, lúc bừng lên, lúc ươn ướt, dịu dàng.Anh kể: "Tôi nhớ hôm ấy là một buổi chiều. Trời tự nhiên tím sẫm lại. Aà, chú hẳn biết anh em Bàng Bá Lân, Bàng Thúc Long, Bàng Sĩ Nguyên người quê ta chứ nhỉ?".Tôi nói tôi chỉ biết các ông khi xem tranh của họ ở đâu đó. Riêng Bàng Sĩ Nguyên, tôi còn đọc khá nhiều bài thơ trên báo Văn nghệ, riêng bài Vợ chồng xuống núi thì tôi thuộc từ hồi còn bé. Anh Quỳnh nói các nghệ sĩ này người Hà Nam ra Hà Nội đã lâu. Nhớ hồi gặp nhau ở Sài Gòn, hỏi quê nhau, ôm chầm lấy nhau mà khóc rồi thành thân... Anh tiếp: "Chiều ấy, Bàng Sĩ Nguyên đến tôi chơi, buồn buồn báo tin tác giả Điêu tàn bệnh nặng, đang nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy. Anh rủ tôi đi thăm Chế Lan Viên... Chúng tôi đến, Chế Lan Viên vẫn còn đang đọc sách thiền. Tôi không nhớ anh đang đọc Giác ngộ hay Chứng minh. Chỉ thấy ánh hoàng hôn lọt qua cửa sổ tím thẫm cả trang sách vừa gấp lại. Mắt anh vẫn còn sáng lắm. Anh hỏi han sức khỏe từng người rồi chuyển qua chuyện đời, chuyện văn, thơ... Lúc chia tay, Chế Lan Viên gọi Bàng Sĩ Nguyên lại, thì thầm riêng một vài câu. Tôi không nghe rõ, chỉ thấy Bàng tỏ vẻ xúc động lắm... Sáng hôm sau, gặp tôi, anh Nguyên cầm tờ bìa này tên tay, khoe mới vẽ xong một bức tranh. Tôi xem xong, hỏi: "Có phải những chữ này anh Hoan nói với anh hôm qua phải không?". "Phải, phải...". "Và anh đã vẽ theo ý tưởng ấy?". Tôi chăm chú nhìn bạn, nhưng anh chỉ gật đầu thay cho câu trả lời. Tôi nói bức tranh này làm thành sơn mài thì tuyệt. Anh Nguyên cho là phải... Iít lâu sau, tôi đến chơi, anh Nguyên cho xem cả hai bức và bảo: "Có lẽ anh nên giữ tranh này. Nó là kỷ niệm chung về chiều ấy... Cái buổi chiều lóe những niềm tin". Chú thấy đấy, bức sơn mài là bản sao thôi. Còn đây..."Anh chậm rãi mở từng lớp giấy. Dưới bóng chiều xuân nghiêng qua phòng khách, tôi thót người khi thấy những đường nét hoang sơ mà thâm trầm trên nền tối sẫm bởi sơn dầu lộ trên mặt tờ bìa cứng cũ mép đã bị sờn... Hình như họa sĩ đã vớ được tờ bìa ở đâu đó, trong lãng đãng men và cảm hứng, dồn cả nỗi thổn thức nơi cõi lòng sâu thẳm tình đời, tình bạn vào ngọn bút, tãi màu lòng sẫm nâu non pha sắc tím nắng tà lên mặt giấy... Là nhà thơ, lúc không tìm được chữ, được vần, hoặc thấy chữ và vần... không chở hết được sức nặng tình người, Bàng Sĩ Nguyên đành bất lực và hóa thành họa sĩ... Bức tranh tôi nói trên chỉ là một trong hàng trăm trường hợp như vậy. Tôi có lầm lẫn không khi gọi đó là những bức thi họa, những bức tranh như vẽ để làm thơ. Những Bến Đục, Trâu tắm suối ở Phù Vân, Rừng Mơ, Phố, Nhớ về Hà Nội, Thiếu nữ... Cảnh và người đều gợi một mối tình non nước đằm thắm, máu thịt... Nắm bắt được cái thần chông chênh trong mỗi bức tranh kia cần chăng những tâm tình đồng điệu đến tri âm, tri kỷ?Hơi may đâu đó bất chợt về...Tôi bỗng thấy trong lung linh vô định giọt nước mắt tình đời nơi vầng tinh vân ngầm tỏa sáng. Chỉ có bàn chân kia là không vô định. Nó đang đi về phía mặt trời mọc! Như Chế Lan Viên bước ra từ Điêu tàn để đến với Aánh sáng và phù sa... Như dân tộc Việt vững tin bước vào Xuân lúc thiên thời và địa lợi...