Anh chị đều là bác sĩ. Nặng lòng quê, cứ 29 Tết, cả nhà lại ra sân bay Tân Sơn Nhất, về quê ăn Tết. Họ về tới Vị Xuyên vào đêm 29. Ăn Tết ở Nam Định đến hết mồng một, trưa mồng hai, cả nhà lên Hà Nội, ăn Tết bên ngoại, trên đường Láng. Mới chiều mồng 8, anh chị và các cháu đã ở Sài Gòn. Nghe kể về chuyến du quê, nghĩ mà thèm! Chỉ cách đây vài năm thôi, chuyện đi Bắc về Nam như vậy quả là chuyện trong mơ...Và, theo lời mời từ trước Tết, giờ lại được mời lần nữa qua điện thoại, chúng tôi - những người bạn cũ của anh chị - tự động đến con đường mới mở sau cư xá Ngân hàng, nơi nhà anh tọa lạc, dự tiệc gặp gỡ đầu xuân.Qua đường Nguyễn Tất Thành đang mở rộng, hai bên đường còn ngổn ngang đá cát, ống cống, ống nước, vút qua cầu Tân Thuận mới được sơn màu xanh nhạt nổi bật trên làn nước kinh Đôi đang lên triều, xuống hết dốc cầu thì quẹo phải, chạy dọc đường Trần Xuân Soạn chừng 400m, chúng tôi rẽ vào con đường mới mở chạy suốt từ bờ sông vào Tân Quy Tây. Mới hồi hè tôi có ghé qua đây, thế mà giờ đây vẫn cảm thấy giật mình. Căn nhà hai lầu của anh giờ đây lọt thỏm giữa những căn nhà hai ba lầu bề thế sơn trắng toát mới cất còn thơm trong gió xuân mùi hồ, mùi vôi mới...Xe Cub đời cũ, đời mới để chật cả sân. Mới nhất là một chiếc ô tô bốn chỗ của S. Năm rồi công ty TNHH "Nông dân" của anh buôn bán khá phát đạt... Thấy tôi đến, đám bạn thơ reo lên: "Văn xuôi đã tới!", "Đầu xuân đã cày cuốc, đào bới gì mà giờ này mới tới?". Tôi nói tôi phải dạy ca chiều, tan trường mới có thể đi được... Tất cả cười và vỗ tay ran lên. Chắc mọi người hoan hô ông giáo có xe Dream?... "Ông giáo lên hương rồi đấy nhỉ". Nhà thơ T gỡ kính, hướng mắt nhìn vào tay tôi, ngón kế út: "Thằng này có vàng? Giàu nhỉ? Nhà giàu đi trễ! Chắc nặng túi...". "Chả nặng thì sao! Đây này...". Tôi nói và giúi cái cặp chứa toàn bài kiểm tra vào tay anh. Anh ôm bụng cười rũ rượi, khen cho sự mẫn cán của anh giáo công chức đầu năm đã gõ đầu trẻ sức bài.... Bữa tiệc được dọn lên.Những tếng cười ồn ào dần lắng xuống.Tôi nhìn lướt qua bàn tiệc. Tuyệt đối không có sơn hào hải vị gì. "Tiệc rau xuân" như lời bạn tôi mời, chỉ cốt để chúng tôi, những người Tết không có điều kiện về quê, được hưởng sắc xanh quê... Kìa, ở hai đầu bàn là hai đĩa rau muống mùa đông cằn xào lẫn với tỏi tía. Thứ rau muống này trồng trên vườn, mùa nào cũng xanh non mơn mởn, cọng nhỏ, lá nhỏ và chỉ cần luộc chấm tương Vĩnh Tường, ăn mười năm sau còn nhớ vị. Su hào nếp chợ Chùa, hình dáng dẹp như bánh xe, ruột trắng như tuyết, luộc lên nước ngọt như có pha đường, được chủ nhà xắt thành những bông hoa nhỏ, đảo qua nước sôi rồi vớt vội ra, chấm với nước mắm cốt Hải Hậu. Và kia, vài tô canh cà chua vùng Láng hay Nghĩa Đô đỏ au chen trong màu vàng trứng gà ri Đông Ngạc đang bốc khói. Xà lách, húng, răm, thì là, cần tây, hành tây vùng Láng, thứ thì non tơ mơn mởn, mỡ màng, thứ thì cằn cỗi thu sức sống trong những cọng tưởng đã hóa già... bày dọc theo bàn... Bàn dự trữ (nói thế vì lúc dự tiệc chúng tôi có thói quen tự đứng dậy lấy thêm thức ăn nào mình thích để ở bàn bên cạnh) xếp những tấm bánh chưng Vị Xuyên xanh cả đỗ, những chồng bánh giầy giò trắng tròn nõn nà hé qua những mảnh lá chuối lá vẫn còn xanh màu chợ Chùa... Đất Bắc, quê hương yêu dấu của chúng tôi như tề tựu trong các loài rau cỏ... như có hồn kia. T chớp chớp mắt ngó lên trần nhà...Tôi bồi hồi như đang sống cảnh quê. Chai rượu Kiên Lao nút lá chuối đã được nhà thơ T thay mặt chủ nhân bật nút. Hương nếp đồng Bắc Bộ lan tỏa mùi nắng sông Hồng. Chúng tôi cùng cụng ly, chúc cho đất nước thanh bình, mọi người hạnh phúc trong cuộc sống mới của năm mới... Rồi tất cả cùng uống cạn ly rượu quê cay nồng, lòng chợt nhớ về những miền quê xa xưa đói nghèo giờ đã đổi thịt thay da theo bước đi lên của cả nước trong thời vận mới... "Rượu cay, báo những điềm may...", T nói.Khuya, chúng tôi chia tay nhau. Bạn tôi không quên bỏ vào bịch ni-lông các thứ rau quả, bánh trái và cả một "cút" rượu nếp để chúng tôi đem về cho người không có điều kiện dự tiệc rau đầu xuân. Không hiểu sao, ai cũng có một bó mùi già...