Sau bao nhiêu khát khao mong ước, lần đầu tiên trong đời, tôi đến được Cao Lãnh viếng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng Tháp xanh cây trái, mênh mông như một hồ sen lớn. Con đường từ ngã ba An Hữu chợt hóa một cuống hoa khi tôi bất ngờ nhìn thấy một bông sen lớn lồng lộng giữa trời xanh - biểu tượng của thị xã ven bờ sông Tiền êm ả này.Xe xuôi đường Nguyễn Huệ về phía phà Cao Lãnh. Phần mộ cụ phó bảng nằm giữa hai cây cầu xi măng vắt ngang hai con kinh nhỏ, cách trung tâm thị xã khoảng trên dưới ba ki lô mét. Chúng tôi rẽ trái, xuống xe đi bộ... Con đường nhỏ dẫn tới một hồ nước. Bên trái là phần mộ cụ phó bảng, qua một con cầu nhỏ, bên phải là căn nhà sàn (cất theo mẫu nhà Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch) thấp thoáng sau những rặng dừa. Một người bạn văn của tôi bảo hồ nước ( trông rất giống bản đồ nước ta) là ao cá Bác Hồ. Đành là thế rồi! Nhưng mà tôi thấy ngạc nhiên quá: Hồ nước có tới tám cạnh không đều nhau. Tôi chưa kịp nhớ ra đã gặp biểu tượng này ở đâu thì bạn tôi đã thốt lên, tỏ vẻ thán phục: "Hình bát quái! Cậu có nhớ hình bát quái vẽ trên tường đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo ở Tức Mạc không?". Tôi nhớ. Càn đầu, khôn cuối, gói trọn cả đoài, li, chấn, tốn, khảm, cấn. Quá khứ liền với hiện tại, xem xưa thấy nay... Trưa, mặt trời chính ngọ. Lọc trên mặt hồ ánh nắng tan trong sóng gợn xanh. Hồ như một vầng trán trầm tư...Cái thâm sâu Nho giáo hiện trong chất thơ tinh tế của cấu trúc hồ nước khiến tôi cảm nhận khá dễ dàng quần thể các biểu tượng trong phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Đài sen trắng mọc giữa hồ nước hình sao năm cánh gợi tôi nhớ đến lá cờ đỏ sao vàng, Tổ quốc ta thu nhỏ lại và hiện hình qua một nét đặc trưng nơi miền quê nhiều ao hồ, sông suối, kinh rạch... Hai dãy nhà ngang chứa các vật lưu niệm như nhắc lại cách kiến tạo nhà ở của mỗi gia đình người Việt. Và kia, mộ cụ phó bảng sáng rực lên như một viên ngọc minh châu đang được nhả ra từ một cái miệng rồng. Tôi ngước nhìn lên mái che của phần mộ. Chín con rồng như đang bay lên hay đó là dòng Cửu Long chín khúc thiêng liêng! Hình tượng này ta thường bắt gặp trong các truyền thuyết dân gian, thấy trong các kiến trúc thờ thánh, thờ thần có tính chất tín ngưỡng của người Việt từ thuở xa xưa. Lúc bước lên miệng rồng để tới thắp hương nơi viên ngọc quý, tôi giật thót người khi đếm bậc đi lên vừa đúng số năm, số hòa hợp của âm và dương, trời và đất trong Kinh Dịch. Mộ xây hai bậc. Cộng lại vừa đủ số bảy, số dương trẻ, tượng trưng cho sự bất tử...Tôi đã thắp cả chín nén nhang dâng trời đất, thánh thần và tiền nhân. Cụ phó bảng khoa Tân Sửu (1901) - người đã từng làm Hành tẩu ở bộ Lễ (Huế), làm tri huyện ở Bình Khê (Bình Định), người dám chống cả viên cộng sự Pháp ở Bình Định nên bị chúng cách chức và buộc phải định cư vĩnh viễn ở Nam Kì, người mà lúc bị giặc quản thúc vẫn làm thuốc cứu dân nghèo, tiếp tục liên lạc với các chí sĩ yêu nước khác như Dương Bá Trạc, Võ Hoành, Nguyễn Quyền, Trương Gia Mô, người được dân nghèo Cao Lãnh coi như vị thánh nhân - nhìn tôi và như nở nụ cười. Nụ cười của một người ông. Nụ cười nhân ái đã truyền trọn trong đôi mắt Bác Hồ. Như lửa, truyền từ đời này qua đời khác... Tôi chợt nhớ đến đôi câu đối trên báo Đồng Tháp Xuân Canh Ngọ (1990) của Bắc Hà (Trần Quốc Toàn) và đọc lên, thay lời khấn: "Đôi mắt sắc nhìn bốn phương trời dẫn lối con từ Kim Liên cứu nước - Tấm lòng thành nhớ trăm tuổi Bác thay chân Người tới Cao Lãnh thăm cha".