Ha! Tiếng con gái cất lên giữa đám đông người trên phố thị! Tiếng ấy trong như tiếng châu rơi trên mâm bạc, cộng thêm một chút nhõng nhẽo dỗi hờn! Chao ôi, sao mà giống thế!
Trung giật mình, nháo nhác nhìn nhanh vào đám đông, như cố tìm ra một gương mặt quen thuộc! Không chẳng có ai quen thân chàng cả, có lẽ là mơ tưởng. Chàng cúi xuống và buồn. Ừ thì âm thanh đó quen thuộc với chàng lắm, nó ngắn ngủi vụt qua như tia chớp, nhá lên trong đêm đen ký ức. Nhất là ký ức của chàng trong những tháng năm sau này, luôn rậm rực như những buổi chiều mùa hạ oi bức, nức nở chờ mưa; luôn thăm thẳm như những ngày đông trĩu nặng mây mù, đợi cơn trút tuyết. Vâng, cuộc đời chồng chất trên đôi vai ấy, chàng đã về hưu, nên ngày rộng tháng dài, gợi cho chàng nhớ những kỷ niệm ngày xưa.
Sài Gòn vào những năm đầu 70 đầy biến động. Phong trào hippi tràn ngập thành phố. Đám thanh niên thời ấy thường có xu hướng sống hiện sinh, sống vật vã với các cơn ói mửa lai Tây, sống nhanh, sống vội để quên đi khói lửa đang hoang hoang ngoài chiến tuyến, quên đi giải khăn tang trên xứ Huế vào dịp tết Mậu Thân, rồi những trận đụng độ kinh hồn trên đường Chín Nam Lào hay cổ thành Quảng Trị. Những chàng sinh viên lo âu cho tương lai đất nước, cho tương lai của chính mình. Những cô sinh viên thường để nước mắt tuôn rơi giữa sân trường đại học, vì người yêu của nàng mới khoác áo chinh phu, vì tình phu nàng vừa gục ngã trên trận địa... ôi thương xót, tình yêu trong chiến tranh. Sự kết hợp giữa oai hùng và lãng mạn, hay sự kết hợp giữa chia cắt và đau thương... dù gì cũng là nỗi niềm chất ngất khôn nguôi.
Trung thả bộ trên con đường Tự Do vào buổi chiều thứ bảy, hàng cây cao vút hai lê đường như ẩn náu tiếng chim ca. Chàng đếm từng bước chân trong khúc điệu miên man nghĩ đến tương lai và đong đầy quá khứ. Chàng đang học Y Khoa năm thứ 5 nên đã phải đi thực tập trong bệnh viện. Thương binh từ chiến trường chở về ùn ùn. Tiếng rên la giữa những đôi môi bầm tím, gương mặt xanh xao mất máu, tay chân sứt mẻ tàn tạ của những gương mặt tuổi chàng, khiến chàng thường đau thương bật khóc. Nước mắt chàng bao lần rơi trên những vết máu bết khô, trên quân phục của những con người vừa để lại một phần thân mình để đền nợ nước. Các bác sĩ quân y hướng dẫn thường cười chê chàng, cho chàng là mít ướt, con gái... vì nếu chàng cứ nhỏ nước mắt như vậy thì chàng sẽ chết khô, khi phải ra chiến địa cứu thương. Nhưng kệ họ, chàng học y khoa vì đó là nghề truyền đời của gia tộc chàng. Lại nữa, chàng luôn có hạnh nguyện chữa trị cho những con người đang bị bệnh khổ hành hạ. Cho nên, nghành y khoa đã trở thành một phần đời của chàng, chàng thảng thốt bật lên những vần thơ khi chàng mổ xác. Vì ngoài học đường khoa học, Trung còn có tâm hồn thi sĩ với những vần thơ u viễn diệu kỳ:
"Mi xanh mắt biếc nơi nào
Bóng hình ai đó khát khao đợi chờ
Lưỡi dao bén ngọt khơi bờ
Thủy tinh thể rực nỗi ngờ nhớ thương!"
Hay
"Tim rực lửa nhớ trong nỗi nhớ
Tim cho anh và tim để hàm thơ
Tim hé mở, đường dao xẻ vội
Ảnh anh đâu, em mãi đợi chờ?"
Vậy đó, chàng khóc cười với các bệnh nhân thương binh của chàng, và đã từng chứng kiến những trái ngang ngỡ ngàng, khi một người yêu bé nhỏ xinh đẹp Sài Gòn ghé qua bệnh viện thăm người yêu Thiếu Úy Pháo Binh, người mới để lại chiến trường đôi chân chàng. Hai người nhìn nhau, lẳng lặng không nói trong suối lệ tràn ra. Nói gì đây, thực trạng quá phũ phàng!? Chàng Thiếu Úy muốn kêu lên, xua đuổi người yêu, để nàng đừng nhìn thấy cảnh tượng đau lòng khổ cực ấy. Làm sao anh dắt em dạo phố mùa xuân, làm sao còn đuổi nhau trên bãi vắng, làm sao còn dìu nhau trong suốt cuộc đời... khi đôi chân của chàng không còn nữa? Chàng bặm môi để không bật lên tiếng nấc, mắt chàng nhắm lại như suy tư hồi tưởng. Thời gian nặng nhọc từng phút trôi qua, cuối cùng chàng Thiếu Úy mở miệng nói câu duy nhất:
- Thôi em về đi, ráng quên anh. Giá anh chết nơi chiến địa, chắc em đỡ khổ hơn và anh sẽ sung sướng nhận những giọt nước mắt nhớ thương của em trong vài chục ngày... rồi sẽ qua đi!
Nói xong câu ấy, chàng Thiếu Úy nằm xuống và quay mặt vào vách, để mặc người yêu chàng đứng đó với đôi vai run rẩy. Nàng đứng lâu lắm, rồi nàng quỳ xuống bên cạnh giường nói từng câu nức nở:
- Anh Hiếu, xin anh đừng đắng cay thốt lên lời ấy! Vì em yêu anh là chấp nhận tất cả, duyên và nghiệp của ta ra sao, em chịu hết anh ơi! Em đã cầu nguyện mười phương chư Phật độ trì cho anh, để chúng ta còn gặp được nhau sau cơn khói lửa, song hình như nghiệp của chúng ta quá nặng, nên nay ta gặp nhau trong cảnh anh đau đớn nhường này. Xin anh hãy tin em, em sẽ mãi mãi bên anh, sẽ cùng anh đi hết đoạn đường đời...
Nàng khóc ngất bên giường, nhưng chàng quân nhân tàn phế không quay lại, mái tóc cắt ngắn còn xanh của chàng mãi rung rinh trên tấm gối trắng tinh.
Hai đêm sau, y tá phát hiện ra Thiếu Úy Hiếu đã cắt ống huyết thanh (dùng để truyền nước biển) tự vẫn. Đã quá trễ để cứu sống được chàng. Bên gối chàng để lại phong thư dán kín, hàng chữ rắn rỏi đề: Thân gửi bác sĩ Huỳnh Duy Trung.
Khi Trung vào bệnh viện buổi sáng lúc 8 giờ, bác sĩ Hòa, trưởng nhóm cứu thương, đưa cho chàng lá thơ của Hiếu và tóm tắt cho chàng câu chuyện. Trung lặng người, cảm giác đau đớn dội lên trong tâm trí. Vậy là chàng Thiếu Úy đau khổ kia đã ra đi. Thôi cũng khỏe cho chàng. Nhưng anh ta muốn Trung làm gì đây, mà để lại thơ cho chàng? Bác sĩ Hoà khẽ dục: Cậu xem Thiếu Úy Hiếu để lại lời cuối ra sao, lo chu toàn cho anh ta!
Trung bóc phong thư đã được dán bằng mấy hạt cơm bệnh viện:
"Mến gửi bác sĩ Huỳnh Duy Trung,
Tôi cũng có người anh tên Trung, nhưng anh ấy đã đền nợ nước 4 năm về trước. Anh Trung của tôi là bác sĩ quân y, có vóc dáng rất giống anh. Nên ngay ngày đầu nhập viện, được anh chăm sóc, tôi đã ngỡ là anh Trung của tôi chăm sóc cho mình. Sự tận tụy của anh đối với anh em thương binh, chúng tôi chỉ biết nói lời tri ân hoặc im lặng nhận lãnh. Chúng tôi cảm nhận được sự chia sẻ cơn đau của anh đối với chúng tôi. Cho nên bản thân tôi đã nhanh chóng tin tưởng ở anh và giờ đây tôi lại có việc gửi gắm anh đây.
Anh Duy Trung thân,
Tôi quyết định ra đi vì tôi hèn nhát, tôi sợ phải lâm vào cảnh bẽ bàng sau này. Và tôi cũng không còn đủ nghị lực để sống nữa, khi tôi biết người yêu bé nhỏ của tôi sẽ suốt đời chịu khổ, khi nàng phải trói buộc đời mình vào con người tàn phế như tôi. Nàng quá thánh thiện tốt lành. Nàng phải có cuộc sống hạnh phúc hơn những gì tôi sẽ bắt nàng chịu đựng....
Nàng tên Vũ Hoàng Thùy Giang, chúng tôi đã quen nhau trong đại học, trước khi tôi nhận sự vụ lệnh tổng động viên. Tôi học Khoa Học, còn nàng học Văn Khoa. Ngày tôi lên đường nhập ngũ, chúng tôi có đính ước về sau. Khi đất nước thanh bình, tôi sẽ trở về học tiếp và chúng tôi sẽ lập gia đình. Nhưng ước vọng ấy nay không còn nữa.
Thùy Giang là người con gái thủy chung, đằm thắm và hoàn hảo. Tâm hồn nàng thơ ngây như trẻ thơ, nhưng cũng chẳng thiếu bề sâu tinh tế. Ngày mới quen nhau chúng tôi thường đàm đạo văn thơ. Nàng say mê thơ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa và văn học Tây Phương. Cuốn tiểu thuyết mà chúng tôi đã cùng nhau thuộc từng hàng từng chữ là cuốn Le Petit Prince của văn hào Antoine de Saint-Exupéry. Sau này nhà thơ Bùi Giáng chuyển ngữ thành tiếng Việt lại càng tuyệt diệu. Chúng tôi đã "Tuần Dưỡng" nhau qua chữ HA ngắn gọn và tha thiết diễm tình....
Tôi tản mạn về những chuyện này, để anh hiểu thêm về quan hệ giữa chúng tôi anh ạ.
Nay tôi ra đi, nàng sẽ buồn khổ vô cùng, nhưng thời gian sẽ chữa lành tâm bệnh cho nàng, cuộc sống mai sau của nàng sẽ sung sướng hơn, khi nàng có được người chồng lành mạnh. Đó là suy luận của tôi.
Nay tôi xin có lời trăn trối này để lại thỉnh cầu anh. Xin anh vui lòng giúp đỡ tôi, thỉnh thoảng đến thăm nàng, an ủi nàng và nói với nàng là nàng phải sống. Sống tốt đẹp như những dự định toan tính của nàng.
Anh giúp tôi, anh nhé! Dù ở thế giới nào, tôi cũng ngậm cười và biết ơn anh.
Tôi cũng có một bức thư tạ tội với Ba Mẹ tôi và vài hàng vĩnh quyết với nàng trong bức thư nhỏ ở đây. Xin anh vui lòng chuyển tới cho họ. Nhà nàng ở số xy, đường Tự Do, Sài Gòn I.
Mến chúc anh ở lại, có được cuộc sống như ý và nhiều thành công trong hạnh nguyện cứu nhân độ thế của mình.
Sài gòn, Thu 1972
Đỗ Khắc Hiếu."
Trung đọc xong lá thư tuyệt mệnh của Thiếu Úy Hiếu, mắt chàng rưng rưng suối lệ. Thương cho một con người đã biết sống và biết chết... trong tinh thần hoà ái vô ngã. Mà chỉ nghĩ đến người thân thương.
Trung chưa tìm tới nhà Thùy Giang, thì nàng đã trở lại bệnh viện thăm người yêu, nay đã ra người thiên cổ. Cuộc tiễn đưa Thiếu Úy Hiếu vào Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà là cả trời mưa gió đau thương. Thùy Giang khóc ngất, chết đi sống lại bao lần.
Trung vì lời ủy thác của Trung Úy Hiếu (chàng thêm lon giữa hai hàng nến), đến thăm Thuỳ Giang vài lần. Họ trở thành đôi bạn thân. Nhưng Thùy Giang không bao giờ không nhắc đến Hiếu. Trung an ủi nàng và cùng nàng đàm đạo văn chương cho nàng khuây khỏa. Đôi khi chữ HA chợt trở về trong câu chuyện của nàng. Trong như tiếng ngọc rơi trên mâm bạc!
Trung yêu và trân quý chữ HA. Chàng cũng dùng chữ này không biết từ lúc nào! HA!
Thùy Giang quả thật là người con gái tuyệt diệu. Nàng luôn biết lắng nghe, chia sẻ, dịu dàng. Nhưng đôi mắt nàng mãi thăm thẳm nỗi buồn. Trung trân trọng nàng lắm. Quen nhau đã hơn một năm, song chàng chưa bao giờ rời khỏi vị trí người bạn chân thành và người anh bảo bọc người em.
Chàng ra trường và cũng vào phục vụ cho quân y viện ở miền Trung. Một buổi chiều mùa Hạ năm 1974. Sau khi từ quân y viện trở về, chàng nhận được bức thư của Thùy Giang, chàng vội vã bóc xem:
"Anh Duy Trung thân quý
Đã hơn một năm nay, em được anh chăm sóc tận tụy. Anh đã làm trọn lời trăn trối của anh Hiếu để lại. Lòng em vô cùng cảm kính cho tình yêu và tình đời tuyệt bích. Em là người con gái bất hạnh may mắn nhất. Bất hạnh vì lời thề non hẹn biển với anh Hiếu em không bao giờ thực hiện được. Anh Hiếu yêu em biết chừng nào, nhưng anh ấy cũng ích kỷ không thể tả. Hồi xưa em vẫn nói với anh ấy rằng, người ta nói: "Yêu nhau, có thể chết cho nhau" song em thấy câu ấy sai, vì theo em phải đổi lại câu ấy thành: "Yêu nhau là phải sống vì nhau!" Vâng, anh Hiếu đã không dám sống vì em. Còn em may mắn vì đã có cơ hội cảm nhận được tình yêu một cách cao thượng nhất, ít phụ nữ trên đời có được cơ hội này. Và may mắn được anh theo lời uỷ lạo của anh Hiếu, mà chăm sóc cho em hơn một năm qua. Ân tình này em xin lãnh.
Mùa hè này em quyết định đi xa 3 năm để quên đi tất cả những đau buồn trên quê hương đất nước này. Em sẽ xuất ngoại qua Pháp để theo học chương trình cao học về văn chương cổ điển. Tháng 7 trước mùa Ngâu em sẽ lên đường. Nếu anh nghỉ phép được ít ngày, xin anh về Sài Gòn đưa tiễn em nhé.
Em chúc anh thật nhiều sức khỏe, an tường và cứu được nhiều người theo tinh thần Bồ Tát Đạo.
Sài Gòn, 19 tháng 6 năm 1974.
Em
Vũ Hoàng Thùy Giang"
Chàng thu xếp được ba ngày phép đi Sài Gòn để tiễn Thùy Giang đi du học. Trước khi Thùy Giang check in máy bay, Trung khẽ bảo nàng:
- Anh chúc em nhiều nghị lực sức khỏe để học hành thành công. Anh mong 3 năm sau em trở về với một trái tim nguyên vẹn.
Thùy Giang cúi đầu rơi nước mắt và khe khẽ kêu: HA!
Chiến sự kết thúc vào tháng Tư năm 1975. Bác Sĩ Trung 37 tuổi, Trung Úy Quân Y, bị đi học tập cải tạo 3 năm hai tháng. Chàng lạc mất liên lạc với Thùy Giang từ mùa Xuân nghiệt ngã ấy.
Vài tháng sau khi được trả tự do, chàng vượt biển tới Paula Bidong, rồi đi định cư tại Hoa Kỳ. Chàng học lại và có văn bằng hành nghề y khoa trở lại. Vào những năm đầu 1990, chàng đã theo quân đội Hoa Kỳ viễn chinh vùng Vịnh.... và cuộc đời cứ trôi, cứ trôi. Xuân qua thu lại và chàng quên lập gia đình. Đến ngày 65 tuổi về hưu, chàng mới giật mình vì chợt nhận ra mình vẫn đợi chờ tin nhạn phương xa.
Hôm nay trên phố thị dìu hiu, chợt nghe lại tiếng HA, chàng cố tìm lại một dĩ vãng khi xưa! Âm điệu bản nhạc do ca sĩ Ngọc Lan trình bày: "Trời vừa bắt đầu mưa khi người không đến nữa... năm tháng vẫn rầu rầu bên cuộc tình bối rối... Bao nhiêu dòng kỷ niệm trôi giết dưới cơn mưa..." như phong kín phố Việt và tâm hồn người lữ khách.
Giáng Mi

Xem Tiếp: ----