Tôi sinh ra do một ngẫu nhiên nào đó của tạo hóa, không phải sự mong muốn chờ đợi của những người đã sinh ra tôi. Chính sự mở đầu này đã ám lấy cuộc đời tôi một nỗi cô đơn và tăm tối. Nơi tôi ở là một thung lũng chật chội, nằm trong sự bao vây ráo riết của những mỏm núi tai mèo cao ngất, nơi chỉ có những loài chim lớn sinh sống. Đó là một làng cũ của những người hủi. Nếu không có cách mạng, không có bộ đội vất vả hàng năm trời xẻ núi thành đèo làm một đường đi, kiên trì đẩy lui bệnh hủi, thì có lẽ nơi đây mãi mãi là thung lũng của sự chết chóc. Người ta vẫn giữ cái tên Thung Phong làm kỷ niệm, nhưng bây giờ lại hàm nghĩa là một mảnh đất phong phú. Làng không có trường học, trẻ con phải đi bộ bốn cây số ra học ngoài xã, mùa nước to thì phải đi thuyền. Người quê tôi vẫn luôn có một khoảng cách so với người ngoài xã - tất cả là do cái sự thất học sinh ra cái sự nghèo và cái sự hèn. Trước khi lấy mẹ tôi, cha tôi là một người đàn ông góa có 4 con trai. Hồi đó mẹ tôi, theo người làng kể, là một người đàn bà lỡ thì ở cạnh nhà ông. Những đêm trăng bà ra giếng tắm, giội nước ào ào. Da thịt đàn bà dưới trăng như men sứ, ngon lành như miếng lê, bất cứ người đàn ông nào không loại trừ ông già lục tuần như cha tôi cũng cảm thấy rung động. Bà đã đốt lên ngọn lửa thèm khát trong ông sau chuỗi tháng năm vò võ nuôi con. Họ đi lại với nhau cho tới khi tạo thành một lối mòn nho nhỏ ở bờ rào thì cũng là lúc hình hài tôi được định hình. Cha tôi đi bước nữa trong sự đàm tiếu của xóm làng và sự phản đối gay gắt của bầy con. Tôi đã lớn lên trong âm thầm và vất vả nhưng không hiểu một sức hút nào đó khiến tôi cảm thấy rất yêu mảnh đất này, nơi có những mái nhà lợp rạ xác xơ, những vườn cây còi cọc được bao quanh bởi những bờ rào sơ sài và lở lói. Thanh niên bỏ làng đi kiếm ăn tha phương Tết mới có dịp tụ họp về, do vậy quanh năm làng chỉ hiện diện hình ảnh của người già ốm yếu, của đám trẻ con gầy nhẳng, quần áo vá víu, mái tóc đỏ hoe màu râu ngô. Tôi từ nhỏ đã phải lăn lộn ngoài đồng chăn trâu cắt cỏ, tát vớt kiếm con cá, mớ tép. Những vụ cấy thuê tháng ba rét tím da, ăn bữa cơm trưa ngay tại đầu bờ ruộng trong tiếng gió núi hú gào. Mùi rạ cháy của cánh đồng chuẩn bị vào vụ đọng mãi trong ký ức tôi thơm suốt những tháng năm dài... Vụ gặt mùa luôn là nỗi ám ảnh trong nhiều giấc mơ của tôi sau này. Đồng nước mênh mông, những nơi mà vụ chiêm lúa còi cọc vì khô hạn thì nay khi gặt phải dìm người đến tận cổ. Chỉ có lúa nếp dâu mới đủ cao để thích nghi được nơi này. Lá lúa, râu lúa cọ vào mặt rát rạt. Cắt được ít nào thả vào lòng thuyền rồi đẩy thuyền đi và lại cắt tiếp. Tới khi lên bờ những con đỉa trâu đốt qua hai lần xà cạp căng mọng to như ngón chân cái lăn ra đất. Máu ròng ròng trên bờ, loang cả trên mặt nước. Trong vất vả vẫn le lói những niềm vui nho nhỏ. Mùa nước lên là lúc hoa súng nở tím đầm lầy. Tôi mê những bông súng ấy từ khi còn bé xíu. Đã có lần vì bị màu tím hoang dại hút hồn, con bé 5 tuổi là tôi đã lẫm chẫm bước xuống mặt đầm với ước muốn đi trên thảm hoa huyễn hoặc ấy. Cũng may có người phát hiện vớt tôi lên, xách ngược tôi vác chạy quanh làng cho đến khi nước từ bụng ộc hết ra khỏi miệng... Sự giàu duy nhất của làng tôi là giàu người. Trẻ con sinh ra đông đúc tưởng như không đếm xuể. Mẹ tôi bị bệnh, sinh đẻ sáu bận chỉ được hai. Điều này khiến bà khóc lóc và suy sụp tinh thần một thời gian dài. Bà cảm thấy thua kém thiên hạ, vì mới chỉ có một đứa con trai, nó lại không bằng người. Giời sinh ra đàn bà ở cái xứ này chỉ để đẻ. Thím Sáu tôi đẻ tới mười lăm bận, cố để được một mụn con trai. Cán bộ dân số tháng nào cũng hai lượt cuốc bộ vào làng, đến vận động từng nhà. Họ đi rồi, trẻ con trong làng lại tha hồ thổi "bong bóng", tung tăng mang những chùm bóng chạy khắp làng. Làng đông như vậy nhưng khi đám trẻ được mười sáu tuổi, hơi có lông có cánh là lại tìm cách bay khỏi thung lũng. Thất học, kiếm ăn bằng đủ mọi nghề lao động chân tay. Cứ Tết đến làng lại chật ních người, đông vui như có hội. Trẻ con chạy đôn chạy đáo học điệu bộ và cả những câu chửi thề của các bậc đàn anh đi xa về. Có một thời bọn trẻ chúng tôi rất khoái câu "đù mẹ tụi bay" của anh Thành tôi. Anh làm thợ xây ở tận miền Nam về, tóc dài lút gáy, lại loe ngoe đỏ. Anh mặc bộ rằn ri, đội bô sắt (cái thứ mũ sắt mà bọn tôi đã từng đi ăn cắp tại kho chứa mũ của một trại bộ đội ngoài xã về cho mẹ đựng nước giải tưới cây), đi đôi ghệt trông đến ngộ. Mới đầu bọn tôi bò ra cười, sau thấy thật hay. Khi đám trẻ con bám lẵng nhẵng theo sau làm phiền quá anh liền tung kẹo cho chúng nhặt, như thể vãi thóc cho gà ăn và bảo: "Đù mẹ tụi bay, đi chỗ khác chơi nghe". Cái giọng lơ lớ chết cười của anh khi đó rất được bọn trẻ chúng tôi bái phục. Bố tôi ghét cái bộ đồ dở tây dở ta của anh. Ông bảo, trông như thằng giặc! Anh Thành chỉ dám diện bộ đó đi chơi tối, nhưng mặc khi đã ra đường và cởi ra trước khi vào nhà... Ở cái xứ heo hút này, khi mà đến đường điện không bò vào nổi, người dân vẫn phải giã gạo, nghe đài bằng pin... thì cũng không thể bàn chuyện máy móc, nên con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp. Nhà tôi cũng nuôi trâu. Con trâu ấy là niềm vui của tuổi thơ tôi. Vào vụ rét, tôi thường cùng đám bạn đắp một bếp lò bằng đất trên lưng trâu, để sưởi và lùi những củ khoai hoặc bắp ngô lấy trộm ở bãi hoa màu trong thung Láng. Có hôm, mải chơi trò đánh trận với lũ con trai, tôi để quên bếp lò trên lưng trâu. Củi cháy to làm nóng lò, trâu lồng lên như điên dại, cố gắng thoát khỏi chiếc lò lửa trên lưng. Nó quần nát một ruộng khoai, bọn trẻ dạt hết vào một xó núi, sợ hãi trước cơn điên của con trâu đực sung mãn nhất làng... Sau vụ ấy không đứa nào dại gì mà chơi trò đó nữa, lưng trâu bỏng rộp thì sẽ bị ăn đòn nhừ xương như tôi. Vào mùa nước lên, đêm nằm nghe tiếng chim bìm bịp kêu tôi sống trong sự bải hoải khi nhớ câu chuyện cha kể về sự tích con chim bìm bịp là hóa thân từ một người phụ nữ đi tìm con, vượt qua nhiều núi đèo, những miền đất lạ, cuối cùng chết đi vẫn tiếp tục đi tìm. Tôi thắc mắc, bao giờ người mẹ đó mới tìm được con. Mẹ tôi phát cáu: "Vớ vẩn, rỗi hơi mà đi thương vay cho một con chim!". Bà quay sang bố tôi cằn nhằn: "Ông không có việc gì tốt hơn là nhồi vào đầu bọn trẻ những thứ tầm bậy đó sao?". "Sao lại tầm bậy? Việc bà rước lũ thầy đồng về nhà lập bát hương lớn bát hương nhỏ, nhảy nhót loạn xạ thì không tầm bậy?". "Này, ông chớ có báng bổ đức tin! Đúng là bố nào con nấy!". Mẹ tôi ám chỉ anh Thành, người mà làng cho là làm chuyện đại nghịch. Chùa làng có một tiểu mới. Ngôi chùa nghe nói rất thiêng. Những ngày chủ nhật anh Thành thường vào chùa hái hộ hoa quả ở vườn chùa để tiểu Vân đem đi chợ bán. Mỗi khi hái ổi, anh cứ nhằm đầu tiểu Vân ném xuống, rồi xin lỗi rối rít. Chẳng hiểu bằng tài nghệ gì mà anh đã làm tiểu Vân phá giới, đem chị ra phố chợ buôn bán kiếm ăn. Tiểu Vân vào chùa cũng vì một uẩn khúc tình ái. Cả họ phản đối anh Thành, mỗi bố tôi là không ngăn, ông bảo, đó cũng là một việc thiện. Chị Vân về làm vợ anh Thành ít tháng thì sinh con. Người làng cười mãi về cái thứ lúa ngắn ngày ấy. Anh khoe với tôi: "Anh đánh quả nhất ăn nhất tịt đấy. Mà mày xem, anh bây giờ vợ đẹp con khôn, lại thoát khỏi cái làng ấy. Thật là ba việc hỷ". Mẹ tôi thù ghét những đứa con chồng. Bà thù ghét cả tôi. Tôi biết điều này do linh cảm. Có phải vì tôi được các anh quý mến hay vì tôi là con gái? Thú vui duy nhất của bà là bói toán, nhảy đồng. Tôi cũng không nhớ mẹ tôi mê cúng bái từ khi nào, chỉ biết từ rất xưa trong nhà tôi đã có bát hương lớn bé, bàn thờ nhang khói quanh năm. Mẹ tôi xem bói cho thiên hạ. Nhiều người từ phương xa cũng khăn gói vào. Mẹ tôi xem cho thanh niên nam nữ, đôi nào cũng đẹp hết. Thỉnh thoảng phán cho một vài đôi trắc trở, nhưng "chỉ cần chịu khó đi lễ thần thành hoàng là sẽ yên ổn". Những đôi trai gái từ nhà tôi ra về trong lòng vui phơi phới. Tiếng tăm của mẹ tôi bay xa, vượt qua nhiều đường đất nhiều dãy núi. Đến khuya mẹ tôi ngồi đếm tiền, mặt mày hỉ hả. Một hôm nào đó bà như chợt nhớ ra là có tôi, bèn nhìn tôi đăm đăm rồi bảo với bố tôi: "Con Xuyến nhà mình đem gả chồng được rồi đấy ông nhỉ". Bố tôi xua tay: "Vớ vẩn! Cả làng này có ai học hành tốt như nó không?". Mặt mẹ tôi sưng phồng lên: "Học để thi đỗ trạng nguyên chắc? Con gái học nhiều thì hỏng đời thôi. Lấy chồng sau này tôi truyền lại nghề, tha hồ hót bạc". Nói xong mẹ tôi cười khanh khách. Bà mới lên đồng, hai má bôi son đỏ choét, tôi liên tưởng tới vai dì ghẻ trong vở chèo Tấm Cám. Dù sao đó cũng là mẹ tôi, mà sao xa lạ thế. Tôi lớn lên như cỏ cây, không có sự chăm sóc vun xới. Chưa khi nào được mẹ dạy nên làm hay không nên làm một việc gì. Tai họa xảy ra với gia đình tôi hết sức bất ngờ. Đó là một ngày mùa đông, tôi ra đồng mót lúa. Bố đi củi còn mẹ tôi sửa lễ đem lên chùa. Bỗng dưng từ phía làng ầm ầm nổi trống. Chúng tôi hớt hải chạy về. Mới hay nhà tôi bị cháy. Người ta phá cửa, khuân ra được một ít đồ đạc. Căn nhà lợp rạ, không thể cứu vãn nổi. Chỉ ít phút sau nó đã thành một đống tàn lửa khổng lồ. Lúc này tôi mới sực nhớ tới cu Ti, hốt hoảng tìm kiếm nhưng không thấy. Mẹ tôi ngất lịm. Khi tỉnh dậy, bà nhè đầu tôi mà đánh và chửi rủa. Bà cho rằng ngôi nhà cháy là do tôi. Tôi đã thiêu sống đứa con trai thừa tự của bà. Người làng xúm lại lôi bà ra, trong tay bà vẫn cầm một nắm tóc rứt từ mảng đầu tôi. Hàng xóm bảo, lửa đã cháy lên từ gian nhà giữa, chắc hẳn do đèn nến hay vụ hóa vàng của mẹ tôi từ sáng. Tội nghiệp cu Ti! Nó sống lay lắt như một con vật trong gia đình, lặng lẽ hơn cả một con chó. Không biết cười cũng không biết khóc, nó thường bị mẹ nhốt trong buồng mỗi khi bà đi vắng. Cái chết của em tôi khiến cho không khí gia đình nặng nề. Mẹ tôi không tiếp tục hành nghề được nữa. Điều đó càng làm mẹ tôi tức tối. Bà đổ mọi tội lỗi lên đầu tôi. Bà lo rằng nếu bố tôi chết thì cơ ngơi này sẽ rơi vào tay anh cả. Trong những tháng ngày tăm tối ấy, bố tôi là một chiếc lá chắn mỏng manh cho tôi. Tôi chúi mặt vào trong những cơn mơ khóc thầm. Mùa nước to tôi ngồi trên bờ đầm mênh mông nhìn sang bên kia, phía chân núi có ngọn đèn leo lét cháy. Tôi đã yêu người con trai nơi đó - mối tình đầu đơn phương và tuyệt vọng. Người con trai ấy thật bình thường. Nhưng sự cô đơn, u buồn nơi anh đã đánh thức trái tim trinh nữ tuổi mười sáu của tôi. Chúng tôi lớn lên cùng lứa, từng có thời cả bọn cởi truồng vượt lũ đến trường, cùng đánh nhau tóe máu mũi với lũ trẻ làng khác để bảo vệ đám con gái chúng tôi. Nhưng hình ảnh của anh thực sự ghi khắc trong tâm hồn tôi ấy là vào một buổi sáng tinh mơ khi tôi ngồi bên bờ đầm rửa mặt. Hoa súng tím ngát, tôi còn nhìn rõ những giọt sương tinh khiết đọng trong những bông hoa ở gần. Tôi nghĩ về giấc mơ đêm qua, một người con trai đã mang cho tôi một đóa hoa súng tím. Nhưng tôi không hình dung ra khuôn mặt của anh... Và người đó đã xuất hiện. Anh cưỡi trên con thuyền nan nhỏ, vừa đi vừa nhấc đó. Anh lướt đi nhẹ nhàng như thể không phát ra tiếng động. Mũi thuyền có một đóa hoa súng nhỏ. Những chiếc đó sũng nước được ném vào khoang thuyền, cá trong khoang quẫy đành đạch. Mùi cá tanh tan vào sương loãng. Tôi nhìn chăm chăm vào cánh tay trần rắn chắc của anh rồi nhìn sang bó hoa súng lớn, tươi rói trên mũi thuyền. Những bông hoa đẹp nhất của đầm lầy đã được chàng trai lựa và kết thành một bó lớn. Tôi buột miệng: "Đẹp quá!". Anh nhìn tôi, mỉm cười dịu dàng. Nụ cười như làm tan đi lớp sương giá bao phủ trên mặt đầm. Người tôi nóng ran như có lửa. Con thuyền trôi từ từ vào bến nơi tôi ngồi. "Tôi tặng cô đấy!". Bó hoa được ném vút vào lòng tôi, những giọt sương bắn lên mi mắt mát lạnh. Tôi ôm hoa vào lòng, ngượng ngùng. Tiếng mẹ tôi bất thần vang lên khiến tôi giật mình sực tỉnh, quay đầu chạy vào nhà. Cảm giác nuối tiếc như vừa trải qua một cơn mơ đẹp đẽ... Anh học cao nhất làng - là người duy nhất học hết trung học. Anh nhà để bảo vệ mẹ khỏi bàn tay hành hạ của người cha nát rượu và độc ác. Chính vì điều đó khiến cho anh trong tôi trở nên vĩ đại. Nếu con gái trong làng thích anh mà không dám giao du, thì tôi lại thấy mình đủ dũng khí để bước chân vào ngôi nhà tranh mục nát ấy. Miễn là anh đến mang tôi đi! Nhiều đêm tôi ngồi khóc trên bờ đầm, với điều khẩn cầu anh xuất hiện trên một chiếc thuyền và chúng tôi sẽ lướt đi trên mặt đầm lặng lẽ nở đầy hoa súng tím. Mẹ tôi không chịu nổi việc đồng áng nữa. Một chiều bà ngã lăn trên mảnh ruộng đang cấy dở. Người ta vừa khiêng bà lên bờ thì bà cười khanh khách. Mọi người phát hoảng bởi những điều bà nói. Té ra mẹ tôi bị hồn ma ông nội nhập vào người. Ông chửi mắng bố tôi không chịu lễ bái. Chửi anh cả tôi không chịu hương khói. Chửi những người hàng xóm xấu bụng. Cả làng xôn xao vì sự kiện này. Tháng sau, bà lại bị ma nhập. Lần này là Thành hoàng làng. Thành hoàng bảo, sẽ cho mẹ tôi phép tiên tri để cứu người. Rồi quay sang chửi anh cả về tội định làm nhà mới trên đất lẽ ra chỉ để thờ cúng. Anh cả tôi lúc đó đang lấy phân để mang ra đồng. Hai lần bị lôi ra chửi, anh tức điên lên, bốc luôn một bãi phân, vừa xấn xổ chạy tới bên vị Thành hoàng, vừa chạy vừa thét: "Được! Để xem! Tao sẽ cho thành hoàng làng này ăn cứt!". Con ma trợn mắt, mặt đỏ phừng phừng: "Thằng này láo!". Ma xắn tay áo lên, hoa chân múa tay. Anh tôi vẫn phăng phăng lao tới. Đột nhiên, con ma bỏ chạy. Anh tôi đuổi kịp, một tay túm tóc, một tay sẵn sàng... Lúc đó, Thành hoàng kêu rối rít: "Thôi, dì xin con! Xin con, hãy tha cho dì!". Sau vụ nực cười đó, mẹ tôi nằm bẹp ở nhà suốt cả tháng trời. Sự nghèo túng, sa sút và mất thể diện làm bà muốn phát điên. Bằng mọi cách bà phải thoát ra khỏi tình trạng này. Bà quyết định gả chồng cho tôi. Tôi được gả vào một nhà giàu có trong làng. Một gia đình chuyên cho vay lãi, có một đứa con gái vượt biên sang Đức, thỉnh thoảng gửi tiền về. Người chồng tương lai của tôi là một kẻ dở người. Hắn không biết làm gì, suốt ngày theo đám trẻ con thả diều, đánh đáo. Mọi lời can ngăn của bố tôi, mọi lời van xin của tôi cũng chẳng làm mẹ động lòng. Bà đã nhận tiền của người ta. Bố tôi càng già càng nhu nhược. Việc tôi đỗ vào trường đại học y theo nguyện vọng của bố cũng chẳng thay đổi được gì. Tôi muốn chết. Tôi ra bờ đầm. Trong nỗi tuyệt vọng, người con trai mà tôi mong mỏi trong nhiều đêm chợt xuất hiện. Anh đã cứu cuộc đời tôi. Tôi bàng hoàng như trong mơ: anh bơi thuyền dọc bờ đầm. Anh đang đi đổ đó. Lũ cá trong lòng thuyền quẫy mạnh, mùi cá tanh tan vào sương loãng. Anh giật mình khi thấy có người. Chúng tôi chào nhau. Câu chào đầu tiên trong đời tôi dành cho anh. Nghe thật tha thiết. Anh hỏi tôi: "Nghe nói cô đỗ đại học và sắp lấy chồng?". "Anh nghĩ sao về chuyện này?". Anh ngập ngừng: "Cô là người có học thức... Tôi luôn nghĩ cô có thể làm được nhiều việc". "Em đang muốn chết!". Đêm hôm sau tôi đã bỏ nhà xuống chiếc thuyền câu để anh chèo đi khỏi làng. Theo đường sông ngoằn ngoèo xuyên lòng núi, đi hàng chục cây số mới ra tới ngã ba sông. Nơi đó là bến đi vào thị xã. Tôi hạnh phúc đến ngộp thở trong những giây phút được bên anh. Đóa hoa súng tôi hái dọc đường đi tỏa hương nhè nhẹ, mát rượi. Mùi cá tanh trong lòng thuyền sau này đã trở thành một thứ mùi của kỷ niệm. Tôi lên bờ, nhận ở tay anh một chút tiền. Anh tần ngần bảo: "Không biết khi nào gặp lại được nhau... Hãy bảo trọng...". Tôi rụt rè trao anh một hộp giấy. Trong ấy giấu kín món tóc thiếu nữ vừa kịp đen của tôi. Như một lời thổ lộ về mối tình câm lặng. Tôi đã bỏ làng ra đi như thế đó. Tôi làm nhiều nghề. Lăn lộn, bươn bả. Có lúc tưởng chừng sắp rơi xuống đáy của sự tuyệt vọng thì mùi tanh của cá đêm nào đã đánh thức tôi, cho tôi một sức mạnh lạ thường. Nhiều lúc nhớ làng tới quắt lòng nhưng tôi không còn đường trở lại. Một đứa con gái bỏ nhà đi, người ta không tin vào sự lương thiện của cô ta nữa. Trong những giấc mơ tôi mơ thấy mình cùng anh đi trên chiếc thuyền câu, lướt trên mặt đầm lặng lẽ nở đầy hoa súng tím. Cá trong lòng thuyền quẫy mạnh, mùi tanh loãng vào không khí. Anh bảo: "Nơi này cần có những thay đổi. Thay đổi là việc của lớp trẻ chúng ta...". Dường như nơi ấy đã cầm nắm một phần linh hồn và trái tim thiếu nữ đầy thơ dại của tôi.