Chị đã trở về thành phố của mình. Cái cách chị trở về như là cuộc gặp gỡ của hai người bạn lâu ngày không thấy nhau, vừa lạ vừa quen, muốn lại gần nhưng chưa thể, xa thì không đành lòng. Những hờn giận vu vơ chẳng thể nói. Những nhớ nhung nấp kín trong lòng dễ gì mà lôi ra. Chị muốn bắt đầu được làm lành với con đường ngày xưa chị thường qua, làm lành với cơn gió đông mùa này hay đổ về bất chợt, làm lành với tiếng ồn ào phố phường... Chị muốn tất cả chuyện đó diễn ra chậm rãi như thể ta ngồi nhấm nháp ly rượu lưu niên. Bởi thế chị đã đáp xuống sân bay lặng lẽ. Bởi thế chưa một người quen nào biết chị trở về này. Về đến Hà Nội, chị thuê căn phòng nhỏ của một khách sạn nằm ở con phố vắng hoe. Căn phòng lạnh và âm u. Mái nhà bên cạnh đã cắt ngang ngọn nắng quét ngang cửa sổ, chỗ kê chiếc giường nằm. Nếu không vén tấm màn gió ngó ra thì chị cứ tưởng trời không có nắng, tưởng bình minh trái đất đã không tìm được chị, đã quên căn phòng nhỏ bé này. Cái nắng hanh hao vàng nhạt chỉ cốt làm duyên chứ không đủ để xua hơi lạnh tan đi, nhưng dễ mời gọi người ta đổ ra đường. Chị sửa soạn định ra phố, nhưng lại bất ngờ đổi ý, đến bên điện thoại gọi điện cho chồng. Nghe chị nói đã trở về, anh lặng đi rất lâu tưởng như họ không có gì để nói với nhau. Anh đồng ý đến gặp chị ở khách sạn. Anh đến. Đã già đi rất nhiều, cái già còn đi nhanh hơn cả thời gian tám năm qua, với vẻ thờ ơ không muốn giấu. Phải rất lâu mới lôi ánh mắt anh trở về câu chuyện mà chị muốn nói với anh. - Con lớn lắm rồi phải không? - chị hỏi. - Nó đã là chàng trai mười tám tuổi. Nó rất đẹp trai, có nhiều nét giống ông ngoại. Mọi người bảo thế. Chị im lặng. Chị không muốn cho anh biết nỗi xúc động đang cuộn trong lòng khiến gương mặt tái đi. - Em về chơi à? - Không, em về hẳn. Anh nhìn ra chỗ khác. - Hai bố con sống ra sao? - Sống như mọi người thôi. - Em xin lỗi vì đã hỏi như vậy. Thật lòng em luôn muốn biết con sống ra sao nhưng em đã không đủ can đảm viết thư cho nó. - Nó vừa thi đỗ Đại học Kiến trúc. Đã nhập trường được mấy tháng nay. Nó học đúng cái ngành chị đã từng ao ước, nhưng lại rời bỏ nó chỉ vì sự sắp đặt của bố mẹ. Họ lại im lặng khá lâu. Nỗi đau đã tan vào khí trời quen thuộc mà họ hít thở suốt tám năm qua, đến nỗi niềm vui chỉ còn là cơn gió lạnh bất thường thoảng lướt qua. Thậm chí làn gió hội ngộ cũng không gom đủ sự cuốn lướt để cất lên một tiếng cười ấm áp. - Em vẫn bình an chứ? - anh nhìn chị, ánh mắt từ đâu đó đã trở lại trên gương mặt mỏi mệt. - Em đã trở về. Nhìn cũng biết là anh hiểu ý chị. Họ nhìn nhau bằng cái nhìn từ bên trong, dù có nhắm mắt lại vẫn hình dung được rõ ràng ánh mắt ấy, nụ cười ấy, cả cái nhăn trán kia nữa. Chị không chờ mong anh tha thứ. Bây giờ chị thấy sợ tất cả những gì dễ dãi. Có lẽ đó là dấu hiệu của tuổi già chứ không phải là sự trưởng thành. Chẳng thú vị gì khi người ta có quá nhiều kinh nghiệm không phải của lứa tuổi mình. - Anh có thể cho em gặp con được không? - Anh chưa nói gì với nó sự trở về của em. Anh không muốn con bị sốc vì nó là đứa nhạy cảm. Khi anh chuẩn bị ra về, chị rụt rè đưa ra lời đề nghị: Em muốn tặng quà cho con. Anh lặng đi một lúc. Gương mặt anh thoảng một bóng mây lướt qua. - Anh hãy cho phép em làm điều đó. - Tưởng anh tìm cách từ chối, chị nài nỉ. - Biết nói với em thế nào nhỉ? - anh nói giọng buồn bã, vẻ bình thản tuột mất khỏi gương mặt. Những nếp sóng tê tái xô tới tấp nơi khoé mắt anh. - Bấy lâu nay con vẫn phải nằm cái giường tủ ngày trước. Anh là người bố hết sức tồi tệ, không mua nổi cái giường mới cho con trai mình. Chị quay mặt nhìn đi nơi khác. Anh cũng ngồi lặng đi. Trước đây cuộc sống của họ nghèo lắm. Cả nhà chỉ có một cái giường đôi. Khi con trai lên sáu tuổi thì anh xin được ít gỗ thông của những người nhận hàng biển gửi từ Liên Xô về, đóng một cái hòm chứa đồ. Tiếc của nên xin được bao nhiêu anh đóng hết bấy nhiêu, thành cái hòm to gần bằng cái giường một. Ngày đóng xong, thằng bé leo nên nằm thử. Nó sung sướng hét to rằng đây là cái giường của riêng nó. Ngay tối hôm ấy nó ngủ riêng. Nó bảo lần đầu tiên được nằm thoải mái như thế. Cho đến ngày chị ra đi, năm nó mười tuổi, nó vẫn chỉ nằm trên cái giường tủ ấy. Tám năm qua anh khước từ tiền chị gửi về. Anh nói rằng bố con tự xoay xở được. Anh im lặng, đầu cúi xuống thấp như chờ án chém. Chị bỗng thương anh đến thắt ruột. Anh vẫn thế. Ngơ ngác, xô dạt trong dòng đời trôi đi. Chỉ bầu trời đầy sao mà anh đã đặt cược cả cuộc đời để nghiên cứu về nó mới có thể khiến anh cất mình bay lên. Còn tất cả những gì ngoài cái đó thì đều xa lạ với anh, xa lạ đến mức dường như nó không tồn tại. Sự đam mê của anh không những hút hết tâm hồn và sức lực của anh, mà còn vắt kiệt sự kiên nhẫn chịu đựng của chị. Vậy là chị ra đi sau một đêm chị chợt hiểu ra rằng, chị có thể thay đổi cuộc đời mình, thay đổi số phận mình mà không cần có anh. Họ thoả thuận với nhau là cuộc gặp mặt sẽ diễn ra ngay tại căn hộ tập thể tồi tàn của họ. Chọn đúng ngày con trai xin phép về quê đứa bạn cùng lớp thăm mẹ bạn ốm, chiều tối mới ra lại Hà Nội để dành cho con sự bất ngờ. Anh giúp chị mua chiếc giường nhỡ, kiểu dáng giản dị nhưng vừa mắt. Họ kê chiếc giường vào đúng chỗ chiếc giường tủ cũ kỹ, mòn vẹt. Chị đã đứng rất lâu trong gian hàng để chọn bộ ga gối mới, buồn bã khi không đoán nổi ý thích hiện giờ của con trai ra sao? Chuẩn bị xong xuôi, anh nói là phải đến nhà bạn để bàn công việc. Chị cũng không giữ lại mặc dù biết anh nói thác để chỉ hai mẹ con gặp gỡ nhau. Anh đi khỏi, chị mới có dịp nhìn kỹ căn phòng mà trước đây chị thuộc từng vết ố bẩn trên tường. Có vết ố vẫn nguyên như cũ. Nhiều vết đã loang ra, thẫm màu hơn như những đám mây tã ra. Đối diện với bộ salon gỗ cổ lỗ là chiếc giường đôi. Khỏi phải nói đến chiếc giường đó nữa, bởi nhìn đâu cũng thấy tàn tích của thời gian. Tuy nhiên, cũng có thời chị rải hạnh phúc và niềm đam mê của mình lên đó hằng đêm. Sao rất lâu trước đó chị không nhận ra sự mòn mỏi của đời sống túng quẫn, để rồi chỉ sau một đêm ở khách sạn, với người đàn ông không phải chồng mình... Trời đã tối, vậy mà con trai vẫn chưa về. Định bụng rủ con đi ăn bữa cơm chiều ở tiệm nên chị không chuẩn bị đồ ăn. Nhưng chị không thấy đói, chỉ cồn cào nỗi chờ mong. Đã chín giờ tối. Gió mùa rào rào thổi ngoài đường. Chẳng biết nó có mặc đủ ấm không? Thằng bé rất ngại mặc nhiều áo. Cũng may ít khi nó bị ốm vặt. Chỉ bị một trận ốm nặng tưởng như sẽ mất nó. Nó bị sốt xuất huyết năm lên tám tuổi. Suốt mấy ngày mê man. Bạn bè của anh chị đã vào viện thăm nó thầm như để vĩnh biệt, nhưng cố giấu chị. Chị cảm nhận điều đó trong cái nhìn xót xa của họ ve vuốt cái thân hình bé nhỏ còm cõi nằm trên giường. Thế rồi một buổi sáng nó tỉnh dậy gọi "mẹ" bằng cái giọng run run yếu ớt khiến người chị như vỡ oà ra vì hạnh phúc. Nó đòi ăn. Nó vòi vĩnh. Có lúc chị phải nằm xuống bên cạnh, ấp tay nó trong tay mình để nó yên tâm thiếp đi. Mấy ngày sau chị thường bế nó ra ngồi ở ghế đá nấp dưới gốc cây lim già xanh thẫm, vòm lá rậm rạp che kín những tia nắng tò mò lấp ló trên các tán lá. Nó hồi phục rất nhanh, nhưng sau đó hình như không bao giờ còn mạnh khoẻ như khi còn nhỏ. Giá mà hồi đó có tiền như bây giờ thì có lẽ sức khoẻ thằng bé sẽ tốt hơn. Thôi đừng nghĩ đến những điều "giá mà" ấy nữa... Chị đi ra bàn học của con. Trên đó có một bức ảnh chụp ba người ngồi trên bãi biển. Con trai ngồi phía trước anh chị, hai chân choãi rộng, cười toe toét. Phía cổ chân phải có một cái bớt to bằng ngón tay cái màu chàm. Nó bảo nó ghét cái bớt ấy lắm. Sau này lớn lên, nó sẽ xẻo thịt chỗ ấy vứt đi. Chị cười, gí ngón tay vào trán nó nói, cái ngữ cắt móng tay còn sợ đau thì đừng có nói thánh nói tướng. Nó thề là năm hai mươi tuổi sẽ thực hiện lời hứa. Bây giờ nó mười tám tuổi, chắc câu chuyện xưa đã bị lãng quên. Lát nữa gặp, thế nào chị cũng phải nhắc lại lời thề ấy. Cu cậu sẽ ngượng cho mà xem. Anh về lúc mười một giờ đêm. - Con vẫn chưa về à? Đây là lần đầu như vậy đấy. Bao giờ nó cũng về nhà trước mười giờ đêm nếu có việc phải đi đâu. Nhưng thôi, đừng lo, có thể nó ở lại nhà bạn, có thể mẹ bạn nó đã bị ốm rất nặng. Nó là một chàng trai nghiêm túc, em đừng nghĩ lung tung. Nghe anh nói, chị cảm thấy lòng nhẹ nhõm nhiều. Họ ngồi ở phòng ngoài trò chuyện. Những câu chuyện thừa thãi còn sót lại trong trí nhớ của hai người mà ngày thường họ không dùng đến, hoặc đã quẳng vào sọt rác của ký ức. ... - Em có lỗi trong chuyện này. - Ai có lỗi đây? Ai có lỗi nhiều hơn trong chuyện này? Cái lỗi ít may mắn nhất là sinh ra anh lại là một thằng đàn ông. Cái lỗi ngu ngốc thứ hai là anh đam mê khoa học từ rất sớm. Cái lỗi vĩ đại thứ ba là anh đã lấy vợ và sinh con khi anh không có khả năng đam mê nhiều thứ cùng một lúc. Cuối cùng anh là kẻ bất lực và thất bại. - Không phải thế. Chị kêu lên, nước mắt chút nữa chảy giàn trên mặt. Ngồi để tự thú như thế này có gì đó thật ngớ ngẩn, thậm chí là lố bịch nữa. - Thôi anh, ta đừng nói đến chuyện này nữa. Em chỉ muốn nghe anh nói về con, nó đã học hành ra sao, sức khoẻ nó thế nào? - Lát nữa con về, em sẽ thấy. Nó ít nhắc đến em vì sợ anh buồn, nhưng anh biết là nó nhớ em nhiều lắm. Nó không oán trách chúng ta. Nó là một chàng trai mà anh không dám đòi hỏi gì hơn. Chị nhìn đồng hồ. Đã hai giờ sáng. Chị không thấy cồn cào trong bụng nữa. Lòng chị trải rộng bởi tình yêu với con trai. Chị yêu nó như thể nó đã đi trọn cả cuộc đời cùng với chị, chia sẻ đầy đủ cùng chị những bất trắc trên đường đời. Nó tan biến trong máu thịt chị rồi lại từ từ dồn về tim với nỗi thổn thức ngọt ngào. Nó gom góp tình yêu của chị từ thuở mới là giọt máu bé bằng hạt đậu, cuộn tròn nằm yên ngủ trong bụng chị. Chị như cảm thấy rõ ràng cái cơ thể bé bỏng lớn lên từng ngày vẫn còn đâu đó trong con người chị, chưa phút nào rời xa. Cả chị, cả nó đều không muốn cái ngày họ bị tách ra thành hai con người khác biệt. Dù thế nào chị cũng không để con tuột khỏi tay mình một lần nữa. Tám năm xa cách chia đều cho cuộc đời của họ cũng đã quá thừa. Giờ thôi đành cố san lấp hố bom đau buồn trong ký ức của mỗi người để cuộc sống nhẹ cất bước. Gian nan thế nào chị cũng không đầu hàng. Không bao giờ... Có tiếng rao từ dưới đường vọng lên đến tầng năm, nơi căn hộ của họ. Tiếng rao mệt mỏi như còn đang ngái ngủ. Không nhìn đồng hồ, chị cũng biết khoảng năm giờ sáng. - Có lẽ anh đến nhà cậu bạn thằng bé hỏi xem sao? Hôm qua chúng đi cùng với nhau. Anh vừa nói vừa dụi mắt. - Cho em đi với. - Em có ngại ngồi sau xe đạp không? - Chả lẽ em tồi tệ đến thế sao? Họ bật cười. Anh bỗng đứng lên: Ta đi thôi nhỉ? Họ đi ra đường lớn. Xe cộ bắt đầu tấp nập đổ về thành phố. Tiếng còi thất thanh, tiếng máy gầm rú xé rách cả ban mai. Chị ngồi phía sau xe đạp, không dám nhìn ngang, mắt luôn phải ngước lên bầu trời để khỏi bị làn xe cộ làm cho chóng mặt. Mới đi khoảng cây số thì phía trước có một đám khá đông người tụ tập. Lạ thế, người ta thích tụ tập bàn tán bất cứ chuyện gì, miễn không phải chuyện của mình. - Ôi dào, có mỗi vụ tai nạn... tưởng gì. - Một thanh niên lách đám đông đi ra. - Nghe nói tai nạn từ chiều qua, nhưng chưa có ai đến nhận nên còn để đấy. Anh xuống dắt xe, lách qua đám người vượt ra ngoài. Nhưng không hiểu sao chị bỗng thấy trong lòng quặn thắt, cồn cào. Nó thôi thúc chị không thể cất bước bỏ đi. Mặc anh đang vẫy tay gọi, chị rẽ đám đông để vào trong. Sát vệ đường có hai cái chiếu rách phủ kín hình hài hai người nằm. Từ trong mép chiếu, một đôi chân mảnh dẻ, trắng nhợt thò ra ngoài, ở cổ chân bên phải có một cái bớt chàm to bằng ngón tay cái. Đôi mắt chị như bị kéo bật tung ra, nhức nhối, đau buốt. Cái bớt chàm cứ lớn dần, lớn dần, nhuộm đen cả bầu trời đang ửng hồng trong buổi bình minh