Người của người

Khu đền Thượng xanh um tùm quanh năm bởi tán lá rậm rạp của những cây lim cổ thụ trồng từ xa xưa. Phía bên dưới, gần làng là đền Hạ, nay đã bị cải tạo thành trường phổ thông cấp I. Khuôn viên chẳng còn cây cối nữa, người ta đã hạ hết lấy gỗ, xẻ ra đóng bàn ghế học sinh. Lũ trẻ làng tôi ít đứa dám bén mảng lên chơi đền Thượng vì sợ uy Đức Ngài. Người già bảo, Ngài là một danh tướng đời Trần có công chinh phạt Chiêm Thành mở mang bờ cõi, khi về già được vua ban lộc đất này. Ngài mất, làng tôi lập đền Thượng thờ làm Thành Hoàng. Đức Ngài thiêng lắm, khi cãi vã nhau, lắm kẻ hay đem Ngài ra thề để chứng minh sự trung thực và đúng đắn của những lời lý sự. Thề độc thế nhưng chưa thấy ai bị Ngài vật cho hộc máu, chỉ thấy cãi không xong thường đánh nhau bươu đầu mẻ trán. Kết cục lại bị dân quân mang súng áp giải lên chính quyền.
Mùa gió Lào, khắp làng khô không khốc, bờ tre xao xác bởi cái nóng hầm hập thiêu đốt. Sự yên tĩnh, mát mẻ bên trong khuôn viên đền Thượng càng làm tăng thêm vẻ trầm mặc thiêng liêng.Lẫn trong hương thơm của hoa cỏ và mùi ngai ngái của lá rụng lâu ngày trên lớp đất ẩm mục còn cảm thấy thoang thoảng vị thơm nồng của khói trầm từ trong điện thờ len ra khỏi mái ngói rêu phong. Vì có lai lịch tốt nên đền Thượng không bị cải tạo mà thành nơi quy tập thần thánh. Bao nhiêu đồ thờ cúng, câu đối, hoành phi, tượng gỗ sơn son thếp vàng của đền Hạ đều dồn về đây, để chật cứng ba gian hạ điện. Tuy vậy đất trong khuôn viên vẫn được giao cho các cụ phụ lão lập trại trồng dứa. Đất dưới tán cây lim chỉ cây dứa mới sống nổi. Mùa dứa chín, hương thơm theo gió bay lan ra khắp vùng. Ban ngày chim tu hú tụ về kêu inh ỏi. Ban đêm lũ dơi đập cánh bay loạn xạ. Muốn vào cổng đền Thượng phải qua năm nhịp cầu đá xanh, hình cánh cung, hai bên trồng hai tấm bia thấp lè tè có khắc chữ " Hạ Mã ". Bây giờ không có ai cưỡi ngựa đi ngang nữa, mỗi khi từ chợ về, bà tôi vẫn cởi nón và cúi đầu bước cho nhanh, đi xa đền rồi mới đội nón lên đầu. Phía sau đền, gần bên cổng hậu là căn nhà tranh cũ kỹ của người coi vườn dứa. Từ khi nhận bé Rớt làm con nuôi, ông Thuộc không đi về dưới làng xin ở hẳn tại đây.
Trưa hè tiếng ve sôi rộn rã từng hồi rồi tự dưng im bặt. Từ trong căn nhà cùng với tiếng võng kẽo kẹt là tiếng hát non nớt của con bé Rớt lảnh lót vang theo:
" Trông kìa con công nó múa
nó múa làm sao
chụm chân vào
xòe cánh ra... "
Tiếng hát làm những con ve ngái ngủ bừng tỉnh. Bầy ve hòa âm không biết chán và con Rớt hát đi hát lại chẳng biết mỏi mồm. Nó là con bé hồn nhiên, hát suốt ngày, từ lúc gà gáy ban mai tới lúc chim bay về tổ. Hôm nào không nghe tiếng hát lại thấy ông Thuộc sang trạm xá tìm cô y sỹ Tâm:
- Con bé làm sao?
- Thưa cô, đêm qua cháu nó bị sốt. Người nóng như hòn than, mê sảng luôn miệng.
- Không sao đâu. Lợn đến kỳ trở máng đấy. Trẻ con có vậy sẽ mau lớn. Bác nấu cháo với nắm hành tăm, bỏ thêm cái lòng đỏ trứng gà, ép cho ăn là khỏi ngay thôi. Mấy viên thuốc hạ nhiệt này lúc sốt cao mới cho nó uống nhé.
Cô y sỹ nói thế vì biết ông Thuộc nuôi con bé mát tay chẳng kém gì người ta nuôi lợn gà. Cô còn bảo với người làng:
- " Canh tập tàng dễ kiếm, con tập tàng dễ nuôi ". Con bé càng lớn, nhìn càng thích mắt. Sau này biết đâu ông Thuộc lại có phận nhờ.
Ông Thuộc vốn là cán bộ miền Nam tập kết, một người thích sống cô độc, chẳng hề muốn phiền lụy ai. Ngoài tiêu chuẩn hưu mất sức, mỗi quý còn có thêm tiền trợ cấp thương binh chống Pháp nên cuộc sống của ông cũng tàm tạm đủ. Riêng công điểm làm bảo vệ trại dứa, hợp tác xã trả bằng lúa, ông không nhận, thường đem tặng cho nhà trường để các thầy cô làm quỹ phần thưởng cho học sinh giỏi. Hội đồng hương tập kết thỉnh thoảng vẫn cử người đến thăm, gợi ý mai mối cho ông vài đám con gái lỡ thì, đàn bà quá lứa nhưng ông chỉ cười trừ. Bị ép qúa, ông từ chối thẳng thừng. Ông vẫn chung thủy với người vợ bên kia giới tuyến cho dù bao nhiêu năm bặt tin tức. Ngày thống nhất nước nhà rất xa vời mà ông thì cứ đơn chiếc một mình mãi, dân làng tôi lấy làm lạ sinh nghi, hay ông này bị thương vào đúng " chổ ấy " nên chẳng thiết chi đàn bà...
Con Rớt là đứa trẻ hoang bị người mẹ vô danh nhẫn tâm đem bỏ nơi cầu đá cổng đền trong một đêm mưa gío. Tiếng khóc oa oa vọng tới căn nhà tranh khiến ông thức giấc trở dậy đi tìm. Ông đem sinh linh bé bỏng ấy về ở với mình và nuôi bộ bằng đủ thứ có thể dành dụm. Ai cũng ái ngại thay cho ông nhưng ông lại bảo:
- Người là của người mà. Bà con cứ tin tôi. Chắc là có cơ duyên, tôi mới có đứa con này.
Khi hết đường sữa, ông cho con bé ăn tạm nước cháo pha với mật ong, bí quá thì bế ra cầu đá đón các bà chị đi chợ về xin cho bú chực để nó đỡ thèm hơi mẹ. Người làng rất cám cảnh hai cha con ngồi thu lu chờ đợi trước cổng đền. Mẹ tôi vẫn thường hay cho Rớt bú chực. Nó tạp ăn vô kể, mồm ngoạm vào bầu vú táp lia lịa như lợn táp. Mẹ tôi cứ nhè cái mông núng nính phát bôm bốp rồi mắng yêu. Nó nghe thấy nhưng vẫn hì hục bú, khi đã no căng bụng mới nhả vú ra, nhoẻn miệng cười, đưa mắt tìm cha nuôi đòi bế. Thế nhưng Rớt vẫn mủm mỉm mau lớn và không hề bị sài đẹn như lũ trẻ ở làng, da dẻ trắng hồng, mắt đen láy, đôi môi xinh đỏ mọng. Chắc là con bé được Đức Ngài phù hộ độ trì... Tục làng tôi con nít khó nuôi hoặc dễ nuôi, người ta thường đem lên đền Thượng xin bán cho Ngài, khi đã lớn mới dám sửa lễ xin chuộc...
Tình bạn của tôi và Rớt thực sự bắt đầu từ hôm làm lễ xin chuộc tại đền Thượng. Bà tôi đội cái mâm gỗ trên đó là cái đĩa đựng bảy vắt cơm và ba cái trứng vịt luộc tượng trưng ba hồn bảy vía con trai. Còn ông Thuộc bưng chiếc khay sắt tráng men đựng chín vắt cơm và ba cái trứng gà luộc tượng trưng cho ba hồn chín vía con gái. Hai người kính cẩn đặt lễ lên trước điện rồi thắp hương khấn rất lâu. Tôi và con Rớt phải quỳ hai bên, quỳ lâu đến mức chân tê tưởng có hàng trăm con kiến đang tranh nhau cắn. Thỉnh thoảng con Rớt lại quay sang tôi:
- Anh Chó Mực ơi, em hơn anh những hai vía đấy.
- ừ thì mày nhiều vía hơn tao! Tôi cáu nhưng không dám quát. Nó gọi tôi Chó Mực, là gọi theo bà và mẹ, tên đi học của tôi là Minh. Tên đi học của nó là Đào.Nó không khó chịu khi người ta gọi là Rớt, cái đồ con rơi con rớt. Tôi thì rất bực, khi có ai dám gọi mình là Chó Mực. Lễóxin chuộc xong, từ nay tôi và nó không còn phải làm con nuôi Đức Ngài nữa. Chúng tôi phải ăn hết cơm vắt và trứng luộc để Ngài chứng dám. Tôi nhai trọn bảy vắt cơm và ba cái trứng. Con Rớt ăn uể oải, nó nhai hồn vía nó một cách khó khăn. Thỉnh thoảng mắc nghẹn, ho sặc mặt đỏ bừng, ông Thuộc vội ghé bi- đông nước cho uống và vuốt ngực nó để cơm mau trôi. Rớt nhăn nhó:
- Cha ơi, con no lắm rồi, không ăn nữa đâu.
- Gắng lên con, ăn hết để Đức Ngài còn phù hộ cho. Ăn không hết, hồn vía đi lạc thì khốn khổ. Bà tôi vỗ về. Đây, con nhìn anh Chó Mực ăn giỏi không này.Ông Thuộc lo lắng hỏi bà:
- Tại tôi vắt nắm cơm to quá. Để đem về, tối cháu lửng dạ, cho ăn tiếp có được không bà?
Con Rớt cầu cứu tôi:
- Hay là anh ăn hộ em với. Em chịu thôi, ngán lắm rồi.
- Không được. Bà tôi ngăn lại. Hồn vía ai nấy giữ. Ông cứ đem về bắt ăn cho bằng hết nhé.
Tôi thấy buồn cười. Không hiểu sao, tôi lại rất khoái cảnh con Rớt bị mắc nghẹn, cổ vươn ra như cổ con gà tham ăn thóc ở sân phơi.
Tôi thường lên đền Thượng chơi. Rớt thấy tôi mừng ra mặt, rủ đi hái dứa chín về gọt ăn với chuối xanh chấm muối ớựt. Ông Thuộc lấy những thanh tre ghép lại thành cái bàn dưới gốc lim để hai đứa học bài chung. Có một hôm Rớt dẫn lối, đưa tôi chui vào trong gian thượng điện. Tôi nhìn thấy pho tượng Đức Ngài uy nghi đang ngồi trên bệ thờ mà lòng đầy kinh sợ. Đôi mắt ngài rất to, nhìn tôi trừng trừng như muốn hỏi: " Mày con ai? Vào đây làm gì? " Người tôi bủn rủn. Rớt thì thào bên tai:
- Anh đừng sợ. Ngài thương người lắm. Đừng chỉ ngón tay, Ngài quở. Tôi thấy hãi hùng nhưng không dám bỏ chạy ra ngoài, sợ con Rớt chê nhát gan. Nó thông thạo hết mọi ngõ ngách trong điện.Sang bên gian hữu, ở góc hơi khuất là pho tượng một người đàn bà khỏa thân trắng toát được tạc bằng đá ngọc bạch.Tôi ngỡ ngàng nhìn như bị thôi miên. Lần đầu tiên trong đời được thấy toàn bộ thân thể một người đàn bà trần truồng. Hình như bên trong những đường cong của hai bầu vú tròn căng, đang phập phồng hơi thở sự sống con người chứ không phải là đá. Gương mặt người đàn bà thoáng nét cười hiền dịu riêng đôi mắt hơi buồn nhìn vời vợi xa xăm. Con Rớt quỳ xuống chắp hai tay lên miệng khấn lầm rầm. Nó nói với tôi:
- Đây là tượng Bà Hoàng xứ Chiêm Thành. Bà là vợ Đức Ngài, ngày xưa có công lao dạy dân múa hát nên khi chết cũng được thờ ở đây.Tôi đã được nghe kể chuyện Bà Hoàng nhưng nay mới thấy tận mắt. Mỗi năm Hội đền Thượng, người ta làm lễ tắm tượng Bà. Kẻ nào cười sẽ bị Bà giật cho méo miệng, kẻ nào ghé mắt nhìn trộm thì bị Bà chọc cho đui mắt. Tôi hỏi Rớt:
- Mày khấn với Bà điều gì thế?
- Em xin Bà phù hộ cho anh học giỏi thành tài, xin Bà phù hộ cho em xinh đẹp múa giỏi hát hay để đi văn công. Nào, theo em sang bên này, có tượng ông Phổng buồn cười lắm.
Nó dắt tôi sang bên tả, sau tượng con ngựa gỗ màu hồng đứng cúi đầu là tượng ông Phổng đá ngoác miệng cười. Ông Phổng mình trần trùng trục, bên dưới háng lòi ra nguyên bộ đủ cả chim với hai hòn cà bị mạng nhện chăng đầy. Thú thực, tôi sợ quá không dám cười, con Rớt bưng miệng lại, chắc nó cũng đang muốn cười. Ông Phổng này vốn là kẻ chăn ngựa của Đức Ngài. Dẫn ngựa xuống sông tắm, mãi lo cho ngựa mà để trôi mất khố nên phải ở truồng...
Hai đứa chui ra khỏi gian thượng điện, tim tôi vẫn còn đập loạn nhịp, mồ hôi ra đầm đìa. Con Rớt nhìn bộ dạng của tôi như hiểu được nỗi băn khoăn:
- Cha em bảo, thần thánh cũng bắt đầu là con người. Người tốt biết lo cho người khác chết đi sẽ thành thần thánh. Người xấu chết đi sẽ thành ma quỷ. Ma quỷ sợ thần thánh. Ơ, anh không tin à? Tôi vội gật đầu. Người tốt như mẹ anh, khi già rồi chết đi cũng sẽ thành thần thánh đấy.
- Mày nói bậy! Tôi gắt nó.
- Thật mà! Mẹ anh tốt, cho em bú nhờ. Mẹ lại đẻ ra anh, cho em chơi chung vơí anh...
- Thế mẹ mày bỏ rơi mày chắc sau này thành ma quỷ chứ?
Nó lắc đầu, mặt xị xuống rồi òa khóc:
- Em không biết...
Thấy Rớt khóc,tôi bỗng ân hận, tại sao mình lại hỏi đến mẹ nó làm gì để nó tủi thân...Rớt à, anh xin lỗi nhé.
Trong khuôn viên xanh mát đến kỳ thú của đền Thượng, tuổi thơ của chúng tôi trôi đi êm ả. Bỗng dưng một dạo có đôi chim công bay về làm tổ trên ngọn lim. Cha con ông Thuộc mừng lắm, chim công xuất hiện là báo điềm lành. Tôi và Rớt nấp kín trong bụi hàng giờ rình xem công múa. Con trống lượn quanh con mái rồi tự nhiên xòe bộ lông đuôi rực rỡ thành tán rộng, hai cánh giương lên, ngực ưỡn ra kiêu hãnh. Con mái đứng e lệ quay đầu nghiêng ngó nhìn bạn tình âu yếm. Đôi chim đang thời kỳ hạnh phúc, sáng cùng bay đi kiếm mồi, chiều bay về quấn quýt bên nhau rồi thay nhau ấp trứng. Một hôm không thấy chúng trở về tổ. Nghe nói mấy tay bảo vệ đập thủy lợi Quản Hài đã rình bắn chết cả hai con công, vặt lông quay lên nhắm rượu. Ông Thuộc vội vã tìm đến nơi hỏi thăm hư thực. Bọn người dã man đem ra bốn chiếc cánh còn nguyên lông định phơi khô làm quạt cùng một nắm lông đuôi con trống dài cả thước. Ông bật khóc quay về, bảo tôi trèo lên tổ lấy hai quả trứng xuống bỏ vào ổ gà đang ấp. Hai con công non nở ra nhờ hơi ấm của mẹ gà. Chúng ăn khỏe, lớn rất mau, suốt ngày cứ bám lẳng nhẳng quanh chân người đòi ăn. Khi ăn xong chúng bay lên đậu trên mái tranh.Hai con công bước tới đâu tàn tranh rụng lả tả đến đó. Ông Thuộc phải dự trữ mo nang để dói lại mái nhà phòng khi trời mưa giột. Có người tới gạ mua, ông không dám bán vì sợ con Rớt khóc dỗi bỏ cơm. Rớt đã thành thiếu nữ nhưng hay làm nũng bằng cách tuyệt thực. Mấy cụ phụ lão tổ trồng cây bảo ông:
- Gà trống nuôi công! Gà nuôi công lớn, công bay về ngàn...
Lần đầu tiên trái tim tôi xao xuyến vì nhận ra vẻ xinh đẹp của Rớt là đêm ở trường có Hội diễn văn nghệ. Em bước từ cánh gà vào giữa quầng sáng sân khấu múa điệu chim công. " Trời ơi, con gái nhà ai thế?" Mọi người reo lên kinh ngạc. Mặt tôi nóng bừng, Rớt múa đẹp quá, thân thế mơn mởn uốn lượn nhịp nhàng uyển chuyển theo tiếng nhacù réo rắt. Em đang hóa thân thành chim công, ánh mắt long lanh, đôi môi hé nở nụ cười mê hồn.
Tan buổi diễn, tôi đưa Rớt về nhà trong im lặng... Tôi không biết nói gì với em. Hình như đường làng đêm nay trăng rất sáng. Em vẫn mặc nguyên bộ đồ lóng lánh của điệu múa, gương mặt bồi hồi vì những lời khen tặng. Em bổng nắm lấy bàn tay đang run rẩy của tôi:
- Anh làm sao thế? Ơ kìa, sao chẳng nói gì với người ta?
Tôi mỉm cười ngượng nghịu, nhìn chằm chặp vào bộ ngực phập phồng dưới làn áo mỏng. Rớt thẹn thùng ấp hai bàn tay che lại. Tôi cố nhìn, em càng quay đi.
- Anh thấy ngực em hôm nay sao mà nhọn thế?
- Người ta mặc "áo con " rồi đấy. Đồ ngốc ạ! Em cốc vào trán tôi rồi bỏ chạy...
Đêm ấy tôi mơ một giấc mơ kỳ lạ... thấy mình vào trong đền Thượng. Tượng Bà Hoàng xứ Chiêm thành có gương mặt không phải tạc bằng đá ngọc bạch mà là gương mặt của Rớt tươi trẻ, hồn nhiên trong vầng sáng cầu vồng bảy sắc. Còn pho tượng ông Phổng cởi truồng vì đi tắm ngựa để nước cuốn trôi mất khố lại có cái đầu của tôi. Tôi há miệng cười không thành tiếng... Rớt xấu hổ bỏ chạy để lại sau lưng chuỗi cười trong vắt như tiếng chim hót ban mai...
Trường nghệ thuật về huyện tuyển sinh, có lẽ Rớt được Bà phù hộ, em là thí sinh duy nhất trúng tuyển diễn viên múa. Lúc tiễn em lên đường, tôi dặn:
- Nhớ gửi thư về cho anh, Rớt nhé.
- Từ nay cấm gọi là Rớt đấy. Phải gọi em là Anh Đào nhớ chưa?
- ừ thì... anh Anh Đào!
Tôi làm bộ vui vẻ bên ngoài thôi, trong lòng buồn héo hắt. Ông Thuộc lại bắt đầu những ngày lủi thủi một mình trong căn nhà tranh, mái dói nham nhở vì dấu chân công đạp lên. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm và hỏi tin tức của Rớt. Ông chỉ lắc đầu buồn bã. Rớt không gửi thư, hình như em đã quên tôi, quên những tháng ngày vui đùa vô tư dưới bóng mát những cây lim già. Ông Thuộc càng buồn hơn khi đôi chim công bổng nhiên rủ nhau bay đi mất. Chúng bay về hướng đại ngàn mênh mông, một dải xanh xanh phía chân trời. Bà tôi thương ông Thuộc lắm, hình như bà cũng thương cả Rớt nữa, bà nói trong tiếng thở dài:
- Khổ thân con bé! Nó là người có tướng hồng nhan.
Riêng mẹ thì nói để an ủi tôi:
- Gắng học hành đi con ơi. Má văn công mông bộ đội, hay hớm gì...
Chẳng hề bị ai đâm chém cả, trong lòng tôi vẫn có một vết thương đau âm ỉ suốt thời trai trẻ...

*

Suốt một ngày lội bộ leo núi rã rời, tôi mới tìm ra cái cốc nhỏ ở lưng chừng Hòn Mộc, nơi ông Thuộc đang ẩn dật. Miền Nam giải phóng, ông vội vã trở về quê hương Đà Nẵng tìm gặp vợ. Hai mươi mốt năm đằng đẵng ép xác thủy chung với vợ, khi gặp lại mới biết bà đã đi bước nữa. Chồng bà là sỹ quan chế độ Sài Gòn, trong cơn hoảng loạn đã nhảy lên tàu chiến di tản, không kịp đón gia đình đi theo. Bà và các con ở lại, chưa biết bấu víu vào đâu thì ông Thuộc xuất hiện như chiếc phao cứu sinh lúc đắm đò. Hàng ngày, nhìn những đứa con riêng của vợ, nhìn căn nhà không hề có dấu ấn nào của chính mình, ông cảm thấy mình là một kẻ xa lạ. Bà vợ cũng chẳng biết làm cách nào để an ủi ông, bà đã có cuộc đời khác, thân phận khác. Tủi thân, có lúc bà quỳ xuống trước mặt người chồng cũ tội nghiệp, gào lên:
- Trời ơi, giá chi ra ngoài Bắc, ông lấy vợ có con thì tôi đâu có đau đớn như thế này... Ông Thuộc ơi là ông...
Không thể chịu đựng nổi tình cảnh ấy, ông tìm lên núi Ngũ Hành Sơn xuống tóc đi tu. Hai mươi mốt năm sống ở trại dứa đền Thượng là hai mươi mốt năm ngày Bắc đêm Nam. Bây giờ ngồi thiền trong cốc nhỏ lưng chừng Hòn Mộc, cái tâm nào yên tĩnh, cứ vơ vẩn đâu đó ngoài Bắc. Nơi có căn nhà tranh bình yên dưới bóng cây lim già, nơi có đứa con nuôi từ ngày đi văn công bỗng dưng bặt tin. Ông nhớ Rớt như cào xé ruột gan. Nào ngờ về quê lại bắt đầu một quãng đời nhọc nhằn sống trong cảnh ngày Nam đêm Bắc. Đêm đêm, giấc mơ lại đưa ông vượt đèo Hải Vân trở ra miền Bắc đi thăm đền Thượng, thăm các cụ phụ lão trại dứa. Rất nhiều lần ông đã gặp đứa con nuôi trong cơn mơ chập chờn thức ngủ của tuổi già...
Ông Thuộc nhìn tôi, gương mặt già nua khắc khổ bỗng rạng rỡ:
- Phật Tổ ơi, thằng Chó Mực, thằng cháu Minh! Cháu còn nhớ đến lão già này?
- Cháu nào ngờ bác gặp nông nỗi này. Tôi nghẹn lời. ở làng ai cũng nhắc bác. Nhân chuyến theo nhà trường vào đây tham quan, mẹ cháu bảo phải tìm thăm bác.
- Mô phật! Bác biết lấy chi đền ơn trả nghĩa bà con. Giá như có con Rớt bác sẽ trở ra ngoài đó, cháu ạ.
Tôi dè dặt hỏi:
- Thế bây giờ em Đào lưu lạc phương nào hở bác?
Ông Thuộc òa khóc thành tiếng. Một ông lão tu hành vướng duyên nghiệp trần thế còn quá nặng mà khóc thì đó là điều kinh hoàng nhất của kiếp người. Tôi không dám nhìn ông, quay mặt ra phía cửa cốc. Ngoài xa kia, thấp thoáng bóng một con tàu lẻ loi, bé bỏng nơi đường chân trời xanh ngắt. Giọng ông Thuộc bùi ngùi qua tiếng nấc:
- Nó thất tình, hóa điên hóa dại rồi không nhớ đường về nữa. Có người gặp nó ở chợ cá tận trong Phan Thiết. Bác già yếu rồi, không thể đi tìm. Nghĩ đến con mà đứt ruột đứt gan...
Chia tay ông Thuộc, tôi quyết định thay đổi hành trình, xin phép ông Hiệu trưởng rời đoàn tham quan, mua vé tàu đi vào Phan Thiết. Đó là chuyến đi đầu tiên dài nhất trong đời. Con tàu chạy qua suốt dải miền Trung dằng dặc đèo dốc, dằng dặc cát trắng. Tâm tư của tôi cũng dằng dặc rối bời, tưởng chừng có ngọn lửa vô hình đang thiêu đốt nơi lồng ngực. Không, tôi không tin là em không còn nhớ đường tìm về làng quê nơi em đã lớn lên. Tôi không tin là em đã quên người cha nuôi miền Nam tập kết phải tần tảo nuôi nấng em. Tôi không tin là em đã quên tôi, quên những ngày tháng hồn nhiên trong trẻo tuổi ấu thơ... Rớt ơi...
Tôi lùng sục khắp thị xã Phan Thiết, từ chợ Cá với những dãy hàng hải sản tanh tưởi đến những lò nước mắm để mênh mông bể chượp oi nồng mùi hôi. Đến đâu tôi cũng chìa tấm ảnh của Rớt ra dò hỏi. Những người đàn bà xúm lại trầm trồ:
- Chu cha, người đẹp như vầy thì chui vô mấy chỗ này làm chi cho cực.
- Tui có con cỡ này, tui cho nó vô Sài Gòn làm nghệ sỹ, sướng một đời.
Khi đã thất vọng hoàn toàn, tôi bỗng có ý nghĩ vào Đồn công an biên phòng hỏi thăm, nếu không có tin tức đành quay về. Viên sỹ quan đồn trưởng tiếp tôi rất lịch sự. Anh mời tôi uống trà, chăm chú lắng nghe kể lại nguồn cơn. Cầm tấm ảnh xem hồi lâu, anh ta bỗng chợt nhớ ra:
- Tôi có gặp người này rồi. Cô ta bị bắt trong một vụ vượt biên trái phép. Chắc là do bị sốc nặng, cô ấy hóa điên, ngẩn ngơ chẳng nhớ nổi điều gì. Thương tình, chúng tôi gửi lại một gia đình ngư dân ở Mũi Né. Cô ấy tuy không tỉnh táo nhưng lao động khỏe, biết nghe lời, bảo gì làm nấy, có thể tự nuôi thân được.
Thế là tôi đã lần ra đầu mối mớ tơ vò của lòng mình. Vì đâu mà đời em lại phiêu bạt mãi tận nơi cuối đất cùng trời này.Nhìn những trảng cát mênh mông bất tận, trắng lóa mắt dưới nắng mà xót xa cho số phận của em tôi...

*

Nơi bến Cá nhốn nháo người mua kẻ bán, tôi nhận ra em đang quẩy gánh đi ra phía cồn cát. Đào có vẻ khỏe mạnh, dáng người hơi đẫy đà, làn da trắng hồng nổi bật hẳn so với những người dân biển. Gánh nặng thế mà gương mặt vẫn vui vui như vừa bước ra khỏi đám hội. Mấy gã ngư phủ dừng tay gỡ lưới, lên tiếng trêu ghẹo:
- Người ở đâu, đẹp quá ta?
- Người của người... Đào trả lời chỏng lỏn, cất tiếng cười lanh lảnh. Tôi bước theo, cát lún chân nóng dẫy. Phía trước, em vẫn chạy thoăn thoắt vì biết có kẻ đang bám đuôi. Lên tới đỉnh động cát, Đào bỗng đặt gánh xuống, cầm ngang đòn triêng thủ thế chờ.
-Đồ đàn ông thối tha! Em quát lớn, ánh mắt căm hờn nhìn thẳng vào tôi.
- Kìa, Rớt... Đào ơi, anh đây mà. Không nhận ra anh sao?
Chiếc đòn triêng rơi xuống cát, em đứng ngây nhìn tôi, đôi mắt dại hẳn, bàng hoàng. Trong cơn xúc động bồi hồi, tôi nhìn rõ ngực áo em căng tròn ướt đẫm vì tức sữa của người mới nằm ổ.
- Ôi, anh Chó Mực... Anh đi đâu đây?
Lòng tôi nhói đau vì câu hỏi của em nhưng vẫn cố trấn tĩnh:
- Anh đi mua cá. Có con nào to không, bán cho anh nào.
Đào xăng xái lật cái nón đậy một đầu gánh lên. Trời ơi, trong chiếc rổ là một đứa trẻ chừng dăm tháng đang ngủ ngon lành. Đào bế nó dơ ra phía trước:
- Em chỉ có con cá to nhất đây. Không bán đâu! Để làm vốn! Người là của người mà. Ôi con gái mẹ ơi, dậy đi nào...Chào bác Chó Mực đi nào...
Rất tự nhiên, Đào vạch vú cho con bú ngay trước mặt tôi. Nước mắt tôi trào ra, tôi khóc lặng người. Đứa bé cứ hì hục bú, thỉnh thoảng nhướng mắt nhìn lên mặt mẹ nhoẻn cười.
... Đào bế con đi trước, tôi quẩy gánh cá lê bước theo sau, băng qua trảng cát. Hình như cuộc hội ngộ với tôi đã làm em hồi tỉnh và nhớ lại. Em cúi mặt khóc rấm rức. Khóc đi em, khóc cho vơi bớt buồn đau... Trời biển Mũi Né xanh thăm thẳm sau lưng. Gió thổi từng cơn, cát bay rần rật trước mặt.
Đứa bé đưa cặp mắt đen lay láy nghiêng ngó nhìn tôi qua vai mẹ. Lâu lâu nó lại chun đôi môi nhỏ xíu lên hóng chuyện. Đó là gương mặt ngày xưa nhưng chưa hề trôi vào dĩ vãng... Vẫn còn đó khu trại dứa xanh mát trong khuôn viên đền Thượng... Vẫn còn mái nhà tranh ấm áp tình người một thuở... Vẫn còn người cha nuôi miền Nam tập kết giàu lòng nhân hậu mỏi mòn mong nhớ em... Vẫn còn những người dân làng sống chan hòa mộc mạc đang chờ ta... Vẫn còn có anh đây, Đào ơi! Em nói đúng đấy. Người là của người mà! Người của người...
1998