áng hôm nay đang ngồi viết với nhau, chẳng biết cái ý nghĩ lan man nào dã xui anh Sen đột ngột bảo tôi:
- Này! Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thực không chơi được!
Tôi ngửng đầu lên. Anh đang cười mủm nhìn tôi. Tôi cười gượng. Và tự nhiên tôi buồn. Tôi nhớ đến cái lần đầu tiên tôi được gặp anh Đa. Sen giới thiệu chúng tôi, chúng tôi bắt tay nhau. Câu chuyện rất chóng trở nên thân mật. Bởi anh Đa và tôi là người đồng quận. Nhất là tôi đã được xem những bức vẽ của anh ngay từ hồi tôi chưa ra khỏi trường.
Tôi mến anh ngay. Anh nói chuyện rất có duyên. Cũng như tất cả những người đã chịu nhiều đau khổ quá, anh có tài làm cho người nghe chuyện anh phải cười. Cười không nhịn được. Nhưng cười rồi mà ngao ngán lòng. Chẳng biết những người khác được nghe chuyện anh Đa có thế không! Tôi thì tôi đã thấy buồn. Tôi cứ nghĩ đến ba cái buồn của đời anh, cái buồn thứ nhất, làm thế nào mà nói được ra đây? Mà có nói sợ người ta cũng chỉ cười anh Đa, hoặc cười tôi là thích làm bộ điệu. Cái buồn thứ hai dễ nói hơn bởi người ta hiểu được hơn: ấy là cái buồn cảnh nhà nghèo. Cái buồn thứ ba khi nhàm tai, ấy là một cái buồn mà người ta phải nghe nói đến đã nhiều quá mất rồi: cái buồn nhân tình đi lấy chồng. Cái buồn nhân tình đi lấy chồng! Tôi đã cười và có lẽ bây giờ tôi cũng còn cười, nếu anh Đa, nếu anh Đa chỉ là một cậu học trò mới lớn lên. Đằng này anh đã ngoài tam tuần. Mà không vợ không con. Chao ôi! Có thể rằng cái buồn kia âm ỉ ở trong lòng anh những từ ngày anh chưa hai mươi tuổi. Một cái buồn dằng dặc. Và tôi thấy tôi thương lắm: thương anh, thương tôi, thương cho đời hai ta. Tôi lại càng mến anh thêm nữa. Mến như một tâm hồn khao khát gặp một tâm hồn khao khát. Nhưng có bao giờ anh hiểu thế hỡi anh Đa mà đời có những ba mối buồn!...
Anh không hiểu thật. Cách đây ít lâu, một hôm đi chơi phố anh Sen bảo tôi:
- Tôi vừa gặp anh Đa. Tôi rủ anh Đa đến chơi với anh. Nhưng Đa từ chối. Anh ấy bảo tôi: anh ấy sợ Tri lắm. Trông cái mặt Tri... không chơi được. Đa hỏi tôi mãi: Tri làm sao thế? Hay là Tri không thích đùa? Mặt hắn có một cái gì khó tả!
Khó tả? Đó là một cách nói. Tôi thì tôi hiểu rồi. Tôi hiểu anh muốn bảo: cái mặt tôi lạnh như nước đá và ngượng nghịu và vô duyên, và lố bịch và đủ hết. Tôi cười gượng và tôi buồn... Chao ôi là buồn!
Hỡi Thượng đế mà người ta đồn là rất công bình và chỉ làm toàn những điều nhân, sao Ngươi lại cho tôi một cái mặt tai hại cho tôi đến thế? Một cái mặt... nó thế nào! Ai chỉ gặp tôi có một lần cũng phải có một cảm tưởng khó chịu về tôi, mặc dù tôi gặp ai cũng cố làm mình không đến nỗi là một thằng đáng ghét. Tôi lễ phép, tôi nhã nhặn, hay thân mật tùy từng trường hợp. Tôi lựa ý mỗi người để chiều người. Thật công toi! Bởi rồi người ta cứ phải ghét tôi, ghét tôi tuy không có cớ để mà ghét mới khổ cho tôi chứ. Tôi khinh khỉnh ư? Tôi ngạo nghễ ư? Tôi lèo lá quá ư? Hay trái lại tôi khúm núm, tôi đê tiện quá. Hay là tôi thô tục. Không, không, họ không nói thế. Họ biết tôi không có một tí gì như thế. Nhưng, cái mặt tôi trông... làm sao ấy. Chao ôi, chao ôi thế thì tôi còn biết làm sao bây giờ! Sinh ra cái mặt tôi là giời.
Hồi còn nhỏ tôi phải xa nhà từ khi mới bảy tám tuổi đầu. Tôi ra tỉnh học. Tôi trọ tại một nhà bà dì. Cả một căn gác mông mênh chỉ có tôi và Đức người con trai của dì tôi. Đức xấp xỉ tuổi tôi và học cùng một trường với tôi. Thế mà chẳng bao giờ cùng đi học với tôi. Anh thích đi sớm hơn hoặc muộn hơn. Và bao giờ anh cũng đi với Kình con ông đội Thảo bên hàng xóm. Dì tôi thấy tôi cứ lủi thủi một mình, ý chừng nghĩ cũng thương. Một hôm dì gọi Đức vào mắng Đức:
- Mày hư quá! Sao đi học không bảo em đi với? Nhà có hai anh em cũng đứa đi trước, đứa đi sau. Từ mai còn thế rồi tao bảo!
Rồi dì tôi dịu dàng bảo tôi:
- Cháu cứ đi với nó. Nếu nó không chịu đi với cháu hay bắt nạt cháu thì cháu cứ bảo dì. Dì trị cho nó biết.
Tôi cúi đầu. Tuy còn bé tôi đã hiểu rằng: dì tôi làm thế chẳng ích gì. Mà lại có hại cho tôi là khác nữa. Sự yêu hay sự ghét cũng như những ý nghĩ của người ta không thể dùng quyền mà ép buộc. Không thích đi với tôi thế nào Đức chẳng sinh hờn oán tôi. Nghĩ thế nên khi chỉ có một mình tôi với Đức, tôi phải bảo:
- Dì nói thế nhưng anh không muốn đi với tôi thì cứ đi một mình. Dì chẳng biết đâu mà sợ.
Không biết nghĩ thế nào mà Đức bảo:
- Sợ thì tao không sợ. Nhưng từ mai tao cứ đi với mày cũng được. Chúng ta gọi thằng Kình nữa. Cả ba thằng cùng đi.
Tôi rất mừng. Tôi mua kẹo về đãi Đức. Chúng tôi vừa nhai kẹo vừa cười cười nói nói, vui như ngày tết mặc cái áo kép mới và cái quần trúc bâu còn sột soạt chạy thi nhau trên đường để đến mừng tuổi ấy.
Sáng hôm sau chúng tôi dồn sách vở của cả hai vào một cái cặp. Đức đi trước, tôi cắp cặp theo sau. Chúng tôi đi từ nhà trong ra. Dì tôi trông chúng tôi mỉm cười. Mặt tôi hớn hở! Nhưng thú thật cũng có hơi ngường ngượng. Thì cũng như một cô con gái mặc cái áo mới mình chưa quen. Chúng tôi sang nhà bên cạnh gọi Kình. Kình còn đang ăn xôi, miệng phúm phím chạy ra. Chúng tôi mỉm cười và gật đầu chào nhau. Kình hỏi:
- Cả Tri cũng đi đấy à?
Đức gật đầu. Kình có vẻ nghĩ ngợi một loáng. Rồi anh bảo:
- Thôi hai đứa chúng mày đi trước. Tớ ăn rồi đi sau.
Tôi vội bảo:
- Anh cứ ăn chúng tôi đứng đợi.
Anh xua tay và lắc đầu lia lịa:
- Không, không. Tớ ăn còn lâu lắm. Chúng mày cứ đi. Cứ đi đi nhé.
Kình chạy tọt vào nhà trong. Đức bảo tôi:
- Mày đứng đợi đây một tý. Tao vào nhà xem sao.
Anh vào nhà. Hai anh nói chuyện với nhau đến hơn mười phút. Rồi Đức chạy ra kéo tôi đi.
- Thôi kệ nó. Chúng mình đi đi.
- Anh ấy chưa ăn xong kia à?
- Xong rồi. Có một nắm xôi vừa bằng quả sung...
- Thế thì ta đợi anh ấy một lát.
- Không đợi. Nó bảo: chúng mình đi trước.
Đi được một quãng, Đức buột miệng bảo tôi:
- Nó không thích đi với mày.
Tôi sửng sốt:
- Vì sao vậy? Tôi xấu chơi đến thế?
- Không phải. Không phải.
- Hay là tôi vô ý mếch lòng anh ấy điều gì?
- Cũng không phải nốt. Nhưng nó bảo trông mày... làm sao ấy. Nó không thích mày.
*
Một chục năm sau. Chỉ còn vài ba năm nữa là tôi đã hai mươi - Đức cũng thế. Tôi thấy chúng tôi thay đổi. Tiếng nói khác đi. Mặt hơi trứng cá. Đức thích loăng quăng đi chơi phố. Còn tôi đột nhiên sinh đãng trí và rất lắm lúc thành vẩn vơ. Một người nữa cũng thay đổi như Đức và tôi ấy là cô Nhung. Nhung con bà Thụy Thành, bạn của dì tôi. Nhà Nhung ở liền bên. Trước kia những ngày nghỉ Nhung vẫn sang nhà dì tôi đánh ô hay đánh rải gianh với Đức. Tôi không được rủ chơi bao giờ cả. Tôi chỉ lẳng lặng đứng nhìn họ chơi. Bây giờ Nhung cũng nhớn vọt lên. Tóc bỏ rơi óng ánh như tơ và đã khá dài. Mắt long lanh. Má ửng hồng. Tiếng nói mềm hơn cũng như quần áo đã sửa sang hơn trước. Tuy vậy Nhung vẫn qua lại nhà dì tôi một cách tự nhiên như thường. Nhung qua lại để nhờ Đức giảng cho một cái tính khó, hay giúp cho một vài ý để làm một bài luận văn. Nhung nghĩ hàng buổi chưa ra câu nào. Tôi ngấm ngầm ghen với Đức. Và tôi thầm mong cho có khi nào Nhung đem sách sang mà không gặp Đức để tôi được giúp Nhung một lần. Nhưng không khi nào cả. Bởi Nhung có chắc chắn là có Đức ở nhà thì mới sang.
May cho tôi, một lần Nhung sang thì Đức đang bận học bài thi. Tôi thì học xong rồi, đang tập vẽ. Đức bảo Nhung:
- Tôi mải quá. Chú Tri ấy rỗi. Cô đưa sách chú ấy giảng cho mà làm. Tôi thấy tim đập mau thon thót. ấy là tôi sung sướng. Tôi cố tươi cười, ngừng bút vẽ ngửng đầu lên lóng đợi. Nhung ngập ngừng một chút. Rồi Nhung kêu lên:
- À thôi em nghĩ ra được rồi. Em về làm đây.
Tôi toan mếu, tôi đau đớn lắm. Nhưng cũng chưa đau đớn bằng hôm sau Đức vừa cuời hi hí vừa khoe với tôi.
- Cô ả Nhung hôm nay phải phạt. Cái tính đố hôm qua chưa làm. Lúc bấy giờ kêu nghĩ ra rồi. Kỳ tình thì cô ả có nghĩ ra được cái năm kia. Nó oán tôi ghê lắm nhé...
Tôi sầm mặt. Tôi còn đang tìm một cái gì để nói lảng cho đỡ ngượng thì Đức bảo:
- Cho đáng kiếp. Ai bảo hỏi Tri không chịu hỏi.
Rồi anh nhìn tôi nói tiếp:
- Này Tri ạ. Không hiểu sao Nhung nó sợ Tri lắm nhé. Nó bảo nó không dám hỏi Tri. Trông Tri... thế nào!
- Vâng, vâng! Tôi biết rồi!...
*
Năm sau tôi đỗ bằng tốt nghiệp thành chung. Nhà nghèo như nhà tôi mà được học hành đến bậc ấy cũng là may lắm. Kể tốn kém có đến nửa cơ nghiệp rồi. Tôi bỏ học. Tôi nghĩ đến Nhung, trái tim rơm rớm máu. Tôi nghĩ đến những thiếu nữ khác đẹp hay xấu mà tôi đã gặp. Tôi nghĩ đến sự ơ hờ của bao người. Lòng tôi buồn như một con chim lạc vào cái lúc chiều thẫm cho đất trời thành mênh mông.
Nhưng ở những người trẻ tuổi nhà nghèo những cái buồn thường phải sớm nhường chỗ cho những cái lo. Toàn là những cái lo tầm thường mà đến làm ta bực mình. ấy là cái lo không có gạo ăn, không có tiền mua thuốc cho một người mẹ ốm hay mua một bát canh để cúng cha, không có áo cho thằng em trai vào vụ rét sắp tới này, hay không tìm được chỗ gả chồng cho một đứa em gái nhan sắc kém lại không có vốn. Những cái lo nhỏ nhặt, tủn mủn hơn nữa thế nhưng vẫn là phải lo.
Một hôm tôi xách một cái va-li nhỏ và cũ kỹ đáp xe lửa một mình vào Nam. Lần đầu tiên tôi được đi xe. Lòng tôi phấp phới bao nhiêu là hy vọng. Tôi hy vọng kiếm được cơm ăn và kiếm được tiền. Tôi hy vọng được nhìn rộng biết xa. Hy vọng có thể mua sách để học thêm, đọc báo chí cho thỏa thích, cọ xát cái trí óc thô sơ của tôi với trí óc người thiên hạ. Cũng có cả cái hy vọng gặp mặt một người đàn bà không thờ ơ với tôi. Người ta bảo vào Nam Kỳ, là đất bị ảnh hưởng nhiều của Tây phương. Tình cảm ở đấy bồng bột, những cử chỉ bề ngoài ít khép nép rụt rè; đàn ông đàn bà giao thiệp tự do hơn; những tâm hồn không thiếu sự nồng nàn cũng như trời có nhiều mầu rực rỡ. Như thế thì những cuộc trao duyên phải dễ dàng. Lo gì tôi không tìm được bạn.
Tôi sa vào một hiệu thợ may. Công việc của tôi rất linh tinh. Tôi giữ sổ sách và viết thư từ. Tôi cắp cặp đến những nhà người Pháp, đến các trại lính các tàu binh để nhận hàng và giới thiệu hàng. Tôi lại đạp máy hoặc làm khuy. Tối đến tôi dạy mấy người thợ học để kiếm thêm một tháng vài chục bạc. Hồi ấy tiền, tôi không thiếu thốn quá như trước nữa, nhưng mà tình...
Bao nhiêu lần thất bại, khiến bây giờ tôi sợ những thiếu nữ đi đường. Những nữ sinh nhí nhảnh không còn hợp với lứa tuổi tôi và nghề nghiệp của tôi. Và tôi rất trọng những tâm hồn trong trắng. Những cô bán hàng dành riêng cho những kẻ mua hàng và những cậu có nhiều thì giờ để phất phơ. Gái giang hồ thì bẩn thỉu. Tôi phải lánh xa tất cả những hạng người vừa mới kể. Tôi định tìm những người gần gũi hơn, gần gũi tôi hơn. Tôi để ý đến những cô gái làm khuy nút. Sau khi đã quan sát rõ tình hình xưởng thợ tôi tính với tôi như thế này: Thợ gái có năm cô thì cô Tám đã có chồng. Còn lại bốn cô. Thợ trai có bảy người nhưng may mắn cho tôi là đã có đến bốn người có vợ. Nếu còn những bốn người chưa có vợ thì tôi đành là không có phần. Phúc mà lại còn thừa một cô thợ gái, tôi sẽ cố chiếm lòng cô Tư Bình. Giá tôi yêu tôi hơn chút nữa thì tôi phải tả Bình với một cái dáng hình mộng thơ hơn. Nhưng tôi yêu sự thật thà. Mà muốn thật thà thì phải nói là Bình không đẹp lắm. Bảo cô xấu cũng được. Mặt thiếu vẻ dịu dàng. Đôi mắt xếch quá. Cái mũi lại to, còn cái miệng thì lại cứ dẩu ra đàng trước. Tai hại nữa là cô lại có một chiếc răng bọc vàng. Đã thế người trông lại thưỡn thườn thườn. Uốn éo chẳng ra uốn éo. Cứng nhắc chẳng ra cứng nhắc. Chính ra thì tôi muốn chữa cái nọ bằng cái kia. Tôi an ủi tôi bằng cách bảo tôi rằng: bàn tay cô dáng thon thon và tiếng nói của cô nghe rất ấm. Thế là được, cần gì đẹp, miễn là có duyên. Vậy tôi nhất định cho là cô có duyên lắm lắm. Và tôi lợi dụng từng dịp để có thể ngồi gần cô, chuyện trò cùng cô. Những lúc không bận đi đâu cũng không bận coi hàng tôi thích làm khuy. Cô Bình dạy tôi làm. Tôi sướng run người mỗi khi tôi có thể chạm tay tôi vào tay cô một cái. Trời đất ơi, một cái tay đàn bà. Những buổi sáng thấy cô đến, tôi mỉm cười để chào cô. Những buổi chiều lúc cô về, tôi cũng mỉm cười để chào cô. Những ngày cuối tháng được thay chủ phát lương tôi hay bảo nhỏ với câu này:
- Cô Tư đấy hả? Tôi đã phải đếm sẵn để riêng cho cô trong túi tôi đây rồi.
- Dậy hả?
Và cô nhếch mép để hở ra cái răng bọc vàng. Tôi phải cố bảo tôi rằng; đấy là một nụ cười. Rồi tôi mơ màng... Như thế được nửa năm, tôi sốt ruột. Tôi thấy cần phải nói. Nhưng nói ra thế nào? Tôi ngập ngừng lâu lắm. Cứ nhất định nói rồi lại nhất định để thủng thỉnh rồi hãy nói. Rồi lại nhất định là phải nói. Mỗi lần tôi nhất định là một lần tim tôi nhảy chồm lên như một mụ đàn bà ghen tuông. Nó mệt. Nó bị đau không biết chừng. Thôi thì tôi nói đi cho nó rồi!...
Một buổi trưa tôi nghĩ thế. Tôi hồi hộp đi vào xưởng thợ. Bọn thợ ăn cơm xong chạy sang hiệu cà-phê cả. Chỉ còn vài anh ngủ mệt, không đáng ngại. Tôi rón rén lại gần cô Tư. Cô ngồi tựa lưng vào cái tủ đang cầm chiếc kéo cắt móng tay. Tôi ngồi xuống trước mặt cô. Người tôi sốt rét lên. Có lúc tôi thấy váng vất như đứng lơ lửng trên không khí. Một lúc lâu tôi mới run run gọi khẽ.
- Cô Tư à!
Cô vẫn nhìn cái kéo.
- Gì dậy anh?
Tôi không nói nữa. Tôi nhìn cô tròng trọc. Tôi có ý dùng cái nhìn của tôi thay lời nói. Cô ngước mắt lên. Cô sửng sốt hiện ra nét mặt. Tôi choáng váng người khi thấy cô kêu lên rằng:
- Trời ơi! Ăn Ba ngó gì mà kỳ dậy? Chà! Coi sợ góa!
Rồi cô lay Bảy Huế nằm ngủ ngay gần đấy:
- Ăn Bảy, ăn Bảy! Nè. Dậy coi ăn Ba Trí, ăn ngó tôi nè! Coi kỳ góa heng!
Mặt tôi nóng rực. Tôi chạy trốn. Cô Tư cười rú lên... Ngay chiều hôm ấy tôi đến nằm ở nhà một người bạn. Tôi sợ gặp cô Tư và bọn thợ nơi tôi làm quá. Có lẽ bấy giờ họ vẫn còn bàn chuyện tôi mà cười. Tôi thẹn chết. Mười giờ khuya hôm ấy tôi về thu xếp quần áo và xin với chủ cho tôi không làm nữa. Sáng sớm hôm sau tôi khuân hòm ra đi.
*
Tôi đã tưởng suốt đời tôi chẳng gặp tình. Nhưng mà tôi đã gặp. Và gặp một cách giản dị không ai ngờ.
Tôi về Bắc. Mẹ tôi bảo tôi nên lấy vợ. Tôi lấy vợ. Vợ tôi là một cô gái nhà quê không đẹp, có lẽ xấu nhưng được cái cũng là đàn bà mà lại thuộc cái hạng đặt đâu ngồi đấy. Hình như y cũng nhận thấy cái mặt tôi làm sao ấy. Bởi mấy tháng đầu tôi thấy y buồn bã. Tôi cũng buồn. Nhưng rồi cũng quen đi. Cái gì lâu mà lại chẳng quen? Kể cả một cái mặt không chơi được.
Một hôm tôi thấy y nhìn tôi mỉm cười. Tôi gần ngất đi. Tôi lảo đảo. Thiếu một chút nữa tôi ngã lộn từ trên giường xuống đất. Y sợ hãi và đỡ lấy đầu tôi.
- Ô hay! Làm sao thế, làm sao thế?
- Không, không...
- Thế sao đảo đồng đảo địa? Hay say rượu?
Tôi mỉm cười:
- Say em!
Và tôi nắm lấy bàn tay y lại. Y vội rụt bàn tay. Y đỏ mặt. Y đập tay vào đầu tôi bảo:
- “Nợ” lắm!
Tôi muốn vừa chạy vừa kêu lên như nhà bác học:
- Tôi đã thấy! Tôi đã thấy, tôi đã thấy người tình của tôi đây rồi.
Tiểu thuyết thứ BảySố 427, ngày 22-8-1942