Đã hăm ba Tết rồi mà tôi vẫn còn ở ngoài đảo đèn Hòn Gió. Đó là bởi tôi không về cùng đoàn, muốn nán lại vài hôm nên lỡ chuyến. Chiều nay, người coi đèn là ông Hai Hồ, một người đàn ông mới có năm lăm nhưng trông già cứ ngỡ phải đến sáu mươi, bảo tôi giọng thờ ơ:- Anh cứ ráng đợi, chắc chỉ đôi ba bữa nữa là có ca nô ra. Công ty họ không bao giờ bỏ thí tụi tôi đâu, chỉ trừ..Câu nói bị bỏ lửng. Dường như ông còn tính nói thêm câu gì nữa nhưng lại không nói, đưa bàn tay luồn vào mái tóc hầu như đã bạc trắng, bù xù do lâu ngày không cắt nên chờm phủ cả gáy. Tôi đưa mắt nhìn ông, lấy làm khó hiểu. Tôi đã lưu lại ba ngày nơi ngọn đèn biển này, nhưng đối với ông, có cái gì đó thật làm tôi khó hiểu. Một con người trống về trí thức nhưng không chút khí sắc và tuồng như chẳng phải sinh ra để làm phận gác đèn. Ngoài ông, còn có hai người nữa, một là bộ đội chuyển ngành, một là thanh niên xung phong. Hai anh này còn trẻ, chưa vợ con, tánh tình cởi mở, dễ hiểu hơn ông nhiều. Thật ra, ông Hai Hồ chẳng làm phiền gì tôi, thậm chí còn trân trọng ưu ái khi biết tôi là một người viết, nhưng tất cả chỉ biểu lộ bằng những cử chỉ lặng lẽ chứ không vồn vã bằng lời nói. Tôi được ông xếp ở chung một gian với ông, trong ngôi nhà trệt nằm dưới chân tháp. Ngôi nhà này được xây từ thời Pháp, có số năm ghi 1936, đã quá cũ kỹ, song vẫn còn chắc chắn. Tựa như mọi ngôi nhà ở các đảo đèn, nó được xây có tính toán kỹ càng: nền tường đúc, mái thấp, và nằm nép mình sau những ghềnh đá lớn để tránh bớt gió dữ từ biển thổi vào.Cái lý do mà tôi nán lại đảo Hòn Gió rất đơn giản. Từ lâu tôi có ý định muốn viết một thiên ký sự xâu chuỗi về đời sống của những đảo đèn bao gồm các yếu tố: gió và sóng, đá và rêu, biển cả và con người trong sự thử thách trước cô đơn. Nhưng lần này tại đây ý định đó của tôi đã mọc thêm làm đôi, nghĩa là tôi phải làm thêm một việc khác. Bởi vì sau câu nói của ông Hai Hồ, đêm hôm ấy vào khoảng chín giờ, sau khi ghi chép chút ít, tôi đến đứng bên khung cửa mải mê ngắm nhìn luồng ánh sáng cực mạnh của đèn pha đều đặn rọi quét ra biển khơi, thì chợt nghe ông Hai Hồ nói ở sau lưng:- Bữa nay anh uống với tôi một miếng rượu.. Lâu lắm rồi tôi đã bỏ dứt, nhưng chai rượu vẫn còn..Tôi với ông Hai Hồ ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nền nhà. Bên cạnh là chiếc hỏa lò mà mấy đêm trước, ông Hai Hồ thường dậy sớm, nhóm lửa khan, rồi ngồi im dòm ngọn lửa cho tới sáng. Giờ đây, ông đặt lên lò những con khô cá hố mỏng dẹt. Trong chốc lát, mùi khô nướng thơm lừng. Những ly rượu đế được rót ra từ một cái chai sẫm màu, bám đầy bụi bậm. Cuộc nhậu giữa tôi và ông diễn ra hầu như trong im lặng. Tôi chờ ông thổ lộ với tôi chuyện gì. Tới lúc rượu đã hết, ông cầm cái chai dốc ngược xuống nền nhà, xua tay bảo:- Thôi, anh đi ngủ đi!Bảo tôi như vậy, nhưng khi tôi dợm đứng lên, ông lại kéo tay tôi lại:- Khoan, anh khoan ngủ, đêm nay anh có thể thức khuya với tôi một chút không? Anh sẽ còn có biết bao đêm để ngủ, cả tôi nữa. Tôi cần kể cho anh nghe chuyện của tôi.. Cũng không dài dòng lắm đâu.Thế rồi, sau đó ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện dưới đây."Tôi tham gia cuộc sốn Pháp từ khi mười bốn tuổi, ban đầu làm chân chạy vặt ở cơ quan dân chính, về sau, vào bộ đội chiến đấu, đánh nhiều trận, bị thương sơ sơ vài vết không đáng kể. Năm 1954, tôi cùng đơn vị tập kết ra Bắc, rồi chuyển ngành, đi học văn hóa. Nhờ có vốn văn hóa cũ hồi Pháp, tôi chỉ vất vả buổi đầu, sau cũng đuổi kịp chương trình, học hết đại học kinh tế. Trong thời gian học, tôi có quen với một cô sinh vinh bên sư phạm. Chúng tôi yêu nhau. Khi cả hai tốt nghiệp, tôi đi làm và cô ấy đã đi dạy, mấy năm sau mới cưới nhau. Cái đám cưới của chúng tôi tổ chức giản dị, vì cả hai đều nghèo. Nhờ bà cụ mẹ cô ấy và bạn bè giúp đỡ thêm, chớ riêng tôi chỉ có trăm rưỡi bạc. Phía bên gia đình cô ấy không khá giả, lại neo đơn, chỉ còn mỗi bà mẹ già ở ngoại ô Hà Nội, sống trong ngôi nhà nhỏ nằm ven hồ Tây mạn Nghi Tàm. Ngôi nhà đó là tài sản duy nhất mà vợ tôi thừa kế sau ngày bà cụ mất. Không, còn một thứ nữa, là một miếng đất nhỏ trồng rau.. Nhờ miếng đất đó nên cụ đã trồng trọt, gánh rau đi bán hàng ngày trên dốc đê Yên Phụ, nuôi vợ tôi ăn học. Cũng may, vợ tôi được bổ về dạy trên Chèm, thành ra cũng gần gũi, ngày nào dạy xong cũng đạp xe về. Nói thật với anh tôi là một thằng tập kết thuộc vào loại tốt số. Tuy hồi ấy, lương hai vợ chồng gộp lại chỉ được non trăm bạc, nhưng chúng tôi sống hạnh phúc, có một mái nhà ấm ở giữa một làng đầy hoa và rau tươi, nằm kề bên một cái hồ bát ngát rất đỗi thơ mộng. Mẹ vợ tôi lâm bệnh. Trước lúc mất, cụ cầm tay tôi dặn vợ chồng ở lại ráng bảo bọc thương yêu nhau, và câu cuối cùng của bà là: 'Em nó nay sẽ chỉ còn có mỗi mình con.."Chúng tôi lấy làm tiếc xót, vì sau khi cụ mất, vợ tôi có thai: Mà đứa con của chúng tôi lại là con trai. Đó là nỗi ước ao ngóng đợi từ lâu của cụ, nhưng cụ lại không kịp nhìn thấy. Từ lúc có con, vợ chồng tôi cực hơn. Lương phần thì chỉ nhích lên chút đỉnh. Khi Mỹ mở rộng chiến tranh, đánh phá ra tận miền Bắc, chúng tôi lại càng vất vả, vì cháu phải đi sơ tán. Riêng cái chuyện hai vợ chồng đèo nhau trên chặng đường ba bốn chục cây số mỗi tuần cũng đủ mệt. Nhưng lúc đó ai ai cũng đều như vậy, vả lại mỗi khi nghĩ tới máu xương đổ ở quê Nam thì thấy chẳng thấm gì. Tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi lại có thêm một cháu gái. Trong nỗi vui mừng chung và riêng ấy, tôi bàn với vợ việc về Nam. Đó là lẽ tất nhiên, vợ tôi cũng thấy như vậy là phải. Nhưng vì mới sinh con, cả mẹ lẫn con đều hãy còn yếu, chúng tôi đành phải về chậm hơn những người khác. Dây dưa gần cả năm, vợ chồng con cái mới đi được. Bởi tuy đã nhất trí với nhau rồi, nhưng việc cô ấy rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, rời bỏ ngôi nhà cũ không phải chuyện dễ dàng, nhất là khi tính tới bán nhà, thì bỗng dưng đâm do dự, hoang mang. Cuối cùng rồi cũng bán. Vợ tôi ôm con ngồi khóc. Tôi cùng thằng con trai lên sáu khuyên giải mãi, vợ tôi mới tạm nguôi. Thế là chúng tôi về Sài Gòn. Do về trễ, nên cơ quan tôi không còn nhà phân phối, chỉ cho ở tạm trong một buồng hẹp. Chờ đợi, chạy vạy mãi không được, sẵn có chỗ tiền bán nhà ngoài đó, chúng tôi mua phứt một căn phố, tuy không khang trang lộng lẫy gì, nhưng cũng khá. Vợ tôi lấy làm thích, vì dù sao cũng là nhà mình sở hữu. Ngặt nỗi, được đằng này lại kẹt đằng khát.. Số tiền bán nhà ngoài kia dồn vô mua nhà này coi như trụm gói. Mấy năm sau, đời sống bắt đầu khó khăn. Năm 78, 79, gia đình tôi hết sức cực khổ, thiếu hụt. Nào nói ngay, cũng nhờ vợ tôi chắt bóp chi tiêu, nhường nhịn đến cả từng miếng ăn cho chồng con, nên cũng tạm đủ ăn. Mấy năm cả nhà tôi không ai biết tới bát phở. Vậy mà có lần, riêng tôi lại được ăn..Người đàn ông tên là Hai Hồ kể tới đây chợt dừng lại, ngó lơ đâu đâu ra phía biển tối. Tôi có cảm giác ông không dám nhìn tôi. Giữa đêm, tiếng sóng của đại dương vẫn ầm ào bất tận. Qua một khung cửa kính rạn vỡ, tôi nhìn thấy những cánh chim đến lao vút ngang luồng sáng của ngọn đèn biển. Trong khi chờ đợi, tôi bỏ thêm vài gộc củi vào bếp. Mãi lâu sau ông Hai Hồ mới tiếp, giọng nghèn nghẹn, như là ông phải rặn ra:- Phải, trong cái năm khó khăn ấy, chỉ có tôi được ăn bát phở. Chuyện rất nhỏ, nhưng lại không nhỏ một chút nào, đến tận giờ nó luôn gây nhức nhối tâm can tôi. Chẳng là dạo đó, người tôi cũng hơi rạc đi. Mỗi buổi tối, tôi đèo vợ đạp xe ngang đường Pasteur, chỗ có nhiều cửa hàng phở nổi tiếng. Thình lình tôi chép miệng bảo ngó thấy phở mà thèm. Vợ tôi ngồi sau không nói gì. Tôi đạp xe đi quá một quãng, bỗng vợ tôi kêu dừng lại. Tôi hỏi cái gì. Vợ tôi cười, lỏn lẻn móc túi đưa tôi một tờ năm chục, bảo: "Anh lại đó ăn phở đi, em đứng đây chờ anh!". Tôi nài cô cùng vào ăn, nhưng cô bảo còn no. Vậy là tôi đã đi vào quán, ăn một bát phở, trong khi cô ấy đứng dưới gốc me, vịn chiếc xe đạp chờ tôi..Nghe Năm Hồ nói chuyện đó với vẻ đau khổ, tôi chen vào:- Tôi nghĩ chuyện này đâu đến nỗi, vợ nhường nhịn cho chồng là chuyện thường tình..- Vâng, nếu chỉ có vậy thôi thì nói làm gì. Đằng này.. đằng này sau đó tôi đã tồi tệ, hư hỏng, đã phản. Kể lại hết thì dài, sợ làm tốn thì giờ anh, tôi chỉ nói vắn tắt: sau vài năm khó khăn, bỗng nhiên tôi bắt đầu khá lên. Trong khi vợ tôi vẫn chỉ là một cô giáo đi dạy với đồng lương ít ỏi, thì tôi được thăng chức từ trưởng phòng lên phó giám đốc công ty. Tự nhiên thấy dễ thở lần, do những nguồn thu nhập ngoài lương, không hiểu sao cứ đổ tới cho mình. tôi loại bỏ dần thuốc lá Vĩnh Hảo, Đà Lạt, thường xuyên hút Ba con Năm, phở phiếc thoải mái, tuần nào hầu như cũng có ăn nhậu tiệc tùng. Tôi tự nhủ: "Đời mình chịu cực đã nhiều, tội gì không hưởng, kệ cha, một đời ta ba đời nó!". Nhưng tôi lại không tự hỏi: nó đây là ai? Nếu nó là nhân dân thì sao?. Kế đến, tôi được điều về làm giám đốc một xí nghiệp làm hàng xuất khẩu, bấy giờ lại càng rộng chân cẳng. Cái thói đời, hễ càng rộng chân rộng cẳng thì càng dễ gặp tai họa. Tại xí nghiệp này, mức thu nhập ngoài lương, nói thẳng ra là thu nhập bất lương, còn tăng hơn trên công ty gấp bội. Rồi tôi liên tục đi nước ngoài, lúc đi úc, lúc đi Singapore, Phiilipin, Đài Loan. ở xí nghiệp, tôi có một cô thư ký, về thực chất như là một trợ lý cho tôi. Cô này trạc trên ba mươi, đẹp cách sắc sảo, lại nói giỏi tiếng Anh. Thú thật, tôi giàu lên là nhờ những chuyến xuất ngoại, ký kết những hợp đồng mua bán: bán thành phẩm mua máy móc, nguyên liệu. Về phần bán thì bán rẻ, về phần mua thì mua mắc, cái dáng mua thì không mua, cái đã cũ hoặc sắp hỏng thì lại mua. Nhà nước mất, nhưng tụi tôi được, nhất là bọn công ty nước ngoài được lợi lớn. Họ cho tụi tôi hưởng khoản tiền không hề có chứng từ ký nhận. Tất cả đều do cô trợ lý đó gợi bày, xếp đặt. Thoạt tiên tôi đâu có chịu nghe theo, nhưng rồi tôi phải chịu, vì vướng phải cô ta, trong một khách sạn ở Singapore. Bây giờ tôi có thể nói chắc với anh rằng tiền và tình bao giờ cũng đi đôi, và tình là thứ dây trói chặt không cho cục cựa. Cái mánh mung nầy đâu phải là mới, nhưng trong mỗi một tình huống, nó lại diễn biến rất khác nhau, khiến cho ta rất khó cũng đã mời mọc mình nhảy vô vòng tội lỗi, mà khi đó mình lại luôn có một lập luận ngụy biện để tự củng cố rằng đấy chẳng qua là chuyện vặt dại gì không chơi cho biết. Huống chi ở những chốn ấy khách sạn sang trọng nằm bên vịnh biển, sau một bữa ăn tối thỏa thuê ngon lành, mình cùng cô ta ngồi nơi ban công hóng mát. Rồi kế đến, mọi sự diễn ra không sao cưỡng nổi, cứ như la mình phải đi vô hướng đó chớ không thể khác. Khi về nhà, tụi tôi kỹ hơn, gặp gỡ nhau hạn chế, lén lút. Dần dần, sẵn có nhiều tiền, cô ta bàn nên mua nhà. Một căn phố không lớn, nhưng có đầy đủ tiện nghi, ấm cúng và khuất nẻo. Bắt đầu có những buổi trưa tôi không về nhà ăn cơm với vợ con, viện cớ ăn luôn tại xí nghiệp để làm luôn buổi đứng, nhưng kỳ thực là tôi ghé lại căn phố ấy, hú hí với con thơ ký ấy. Giờ nghĩ lại mới thấy trong cơn mê muội, tôi không còn tính tới hậu quả. Tôi đã nói với anh, cái con đó kém tôi tới hai chục tuổi, nhưng nó cũng đã trên ba mươi, chín muồi và điệu nghệ, vô song trong nghệ thuật yêu đương ân ái. Nó báo hại tôi từng bước, lần lần tôi ở lại đêm với nó. Có trên một năm, mà vợ tôi thật thà không biết, vì từ khi đổ đốn, tôi trở thành một kẻ nói dối tài tình. Nhưng sự việc rồi cũng vỡ ra. Vợ tôi khóc lóc buồn giận, can ngăn. Thằngcon trai tôi năm ấy đã mười tám, nghe mẹ kể, nó gặp tôi với thái độ rất căng, yêu cầu tôi phải chấm dứt. Riêng con gái còn nhỏ không biết mấy, vẫn trìu mến bình thường với tôi, bởi lâu nay vốn cưng nó. Từ khi biết rõ việc này, vợ tôi từ chối những xấp tiền tôi đưa về, trừ số lương. Phần tôi ngày càng rấn sâu với con nhỏ đó, tới cái mức nhìn lại vợ mình thấy già, thấy xấu, và tin rằng nếu bứt khỏi cô ấy để sống với con nhỏ kia thì tôi mới có được một đời đáng sống, mới xứng với vị trí của người giám đốc, xe rước xe đưa. Ngày nọ, trong lúc cãi vả, tôi lợi dụng thời cơ, nói ra ý đó. Vợ tôi lặng đi, nhưng không nói gì. Một tháng sau, cô ấy nói với tôi rằng nếu tôi quyết định muốn như thế thì cô ấy đồng ý. Bây giờ thì tôi lại hơi phân vân, vì dù sao nghĩ cũng thương vợ thương con. Khổ nỗi, tới khi gặp lại con kia, thì ý muốn ly dị quay lại. Và sự thể đã diễn ra như thế. Cái buổi ra tòa để làm thủ tục, thật là một cú đích đáng cho tôi. Vào lúc gần tám giờ sáng, tôi đi ô tô tới đó bỗng nhác thấy vợ tôi đang lủi thủi dắt xe đạp vào cổng. Thằng lái xe cho tôi bóp còi bin bin. Vợ tôi vội lôi xe đạp nép người vào cánh cổng sắt. Chiếc xe đẹp đẽ của tôi chạy ngang người vợ bị tôi ruồng bỏ bây giờ cố né sát hơn vì sợ bị quẹt. Chợt cô đưa mắt nhìn vào xe, nhận ra tôi. tôi phải giả bộ ngó thẳng tới trước làm như không thấy. Nhưng tôi đã thấy, tôi thấy một ánh mắt vừa khốc liệt vừa đau đớn. Trong ánh mắt đó không chỉ chứa chất nỗi căm uất vì mình bị phụ bạc mà còn lộ ra nỗi kinh hoàng trước sự đổi thay từ con người cho tới cái phương tiện đi lại cụ thể sờ sờ là chiếc Toyota trắng toát bóng lưởng của tôi và chiếc xe đạp cũ kỹ đem từ ngoài Bắc về mà giờ đây cô ấy đang rung run níu vịn.Lúc ra tòa, lại xảy ra thêm mấy chuyện nữa. Riêng sự ăn mặc của tôi và vợ tôi cũng đã là một tố cáo hùng hồn. Tôi thì quần gin áo pun ngoại. Vợ tôi trong cơn buồn khổ, vẫn chiếc áo ngà ngà xưa cũ. Thay mặt tòa là một nữ thẩm phán trạc tuổi vợ tôi, chỉ hỏi vợ tôi có chịu ly dị không, chớ không hỏi tôi. Vợ tôi gật đầu, nước mắt lưng tròng. Tới mục phân chia tài sản, tôi bảo cho hết cô ấy. Tôi làm vẻ cao thượng, nhưng thật ra đó là nỗi điếm nhục, vì có gì đâu đáng gọi là cho. Riêng ngôi nhà, cũng chính là của cô ấy. Về con cái và trợ cấp nuôi con, tất nhiên tòa buộc tôi phải gánh vác theo quy định. Nhưng vợ tôi nói "Tự tôi sẽ nuôi con, và không để tách chia một đứa nào hết". Vợ tôi nói một cách bình tĩnh, kiên quyết, và đó là câu nói duy nhất của cô ấy trong suốt buổi họp. Người nữ thẩm phán tỏ vẻ cực kỳ đắc ý. Bà ta nhìn tôi không chút giấu diếm sự khinh bỉ: "Anh kia nghe rõ chưa? Anh có chấp nhận như vậy không?"Bấy giờ tôi chỉ có nước gật đầu, mong sao sớm xong, để bướ ra khỏi cửa. Kể tới đây, ông Hai Hồ thở mạnh, như thể ông vừa vượt qua truông ải.Ly dị vợ chưa tới nửa năm, ông kể tiếp, tôi bị phát giác tội lạm quyền, tham ô và làm tổn thất tài sản Nhà nước, bị khai trừ khỏi Đảng, bị cách chức và đưa ra khỏi xí nghiệp. Con tình nhân xinh đẹp của tôi cũng tức thời biến mất, sau khi bán ôm ngôi nhà nó đứng tên. Nghe nói nó vượt biên.. May mà tôi không bị ở tù, chỉ phải cái trắng tay, sạch sẽ không còn thứ gì, kể cả gia đình, vợ con. Từ vị trí giám đốc một xí nghiệp có cỡ, tôi bị đẩy xuống hàng một công dân hạng bét, thậm chí còn tệ hơn một công dân hạng bét.. Tôi không còn đường để đi, không còn nơi để ở. Cùng quá, tôi mò tới nhà một thằng bạn cũ là Bảy Chức, phó giám đốc công ty bảo đảm hàng hải, tức là cái chỗ quản lý những thứ như phao tiêu, hải đăng. Nhờ Bảy Chức, nên tôi đã ra đây. Hơn ba năm qua, tôi chôn mình giữa đảo vắng, tứ bề sóng vỗ này. Cứ nửa tháng mới có một chuyến ca nô chở thực phẩm ra.. Nhưng anh đừng lo, lần này cận Tết, nay mai họ sẽ ra thôi. Chắc có Bảy Chức, vì Tết nào y cũng ra thăm coi tôi chết chưa..Ông Hai Hồ nói thế, và cười- Tôi còn hy vọng sẽ có thư của con gái tôi nữa.. Phải, chỉ có nó viết cho tôi, chớ mẹ và anh nó thì..Người đàn ông luống tuổi có một thời đi mây về gió kia đã ngừng kể chuyện đời mình. Đêm cuối năm càng về khuya càng lạnh. Những cơn gió từ biển khơi liên tiếp thổi vào. Các khung cửa kính chợt như rùng mình, rên rĩ. Ông Hai Hồ ngồi xổm dậy đưa đôi bàn tay hơ trên bếp lửa đã vạc, chỉ còn hơi ưng ửng dưới lớp tro.Ngồi nán thêm một lát, tôi lên giường. Tôi nằm hoài không ngủ được, cứ thao thức suy nghĩ về chuyện ông Hai Hồ. Sự tha hóa kiểu ấy gần đây thật nhiều, mức độ gia tăng đến phát chóng mặt và tính chất còn nghiêm trọng gấp bội phần, nhưng chuyện của Hai Hồ lại có những chi tiết rất nhỏ mà lại gây nên nổi bất nhẫn rất lớn, như chuyện về bát phở, chuyện chiếc xe đạp cũ của người vợ đáng thương. Riêng Hai Hồ, ông ta quả là người đáng tội, còn việc ông ta trù tính tự vùi chôn quãng đời còn lại của mình, tôi cho rằng điều đó không đúng mà chắc gì sự việc lại diễn ra như thế. Linh cảm của tôi do cuộc sống mách bảo rằng chuyện này có thể sẽ đi tới một kết cục khác.Và điều đó đã xảy ra như một điềm ứng.Hai hôm sau, vào lúc chúng tôi sắp ăn cơm trưa thì ca nô tới. Trên ca nô, ngoài người lái và Bảy Chức, còn có một cậu thanh niên chừng hăm hai với một đứa con gái độ mười lăm trông hết sức dễ thương: "Trời ơi, hình như hai đứa nhỏ tôi! Ông Hai Hồ la lên, run run trao chiếc ống nhòm cho tôi. Như không còn tin ở mình, ông đứng sững bất động. Trong khi ông bắt đầu nhảy qua các phiến đá dẫn xuống bãi, thì cô bé từ mũi ca nô đã bước xuống cát. Tôi nhìn nó, mơ hồ hình dung ra khuôn mặt người mẹ hẳn cũng hao hao như thế, rồi nghĩ rằng việc chị cho hai con mình ra đảo gặp cha chúng trong những ngày giáp Tết là dấu hiệu cho thấy cơn giận dữ nơi chị đã lắng. Còn như sau đó liệu có dẫn tới một cái gì nữa hay không, thật tôi chưa thể biết.1983