Chương 2

CON đường đá đỏ như pha son chạy theo bờ một con sông quanh co xanh biếc. Thỉnh thoảng có một chiếc cầu gỗ ván bắc qua con suối hay con rạch chảy từ trong rừng trong ruộng ra sông. Hai bờ suối, cây rừng, tre gai nối ngọn nhau che phủ dòng nước. Hai bên đường, những mái nhà ngói, nhà tranh thấp thoáng sau vườn cây trái. Ngang qua những cái đình, chùa hay qua “nhà việc” của làng thường gặp những cái cổng gạch cao rộng. Con đường mát rượi dưới những bóng dừa, xoài, mít, bưởi. Đi trên đường, khách bộ hành có thể thấy một trái xoài mới rụng trên đường đá đỏ như mặt trời mọc. Đôi nơi lại bị một quả dừa khô bất ngờ rơi xuống ngay bên cạnh làm giật mình, nổi da gà. Vào mùa xuân khi bưởi ra hoa, ai đi qua đây cũng hít đầy lồng ngực mùi hoa bưởi ngọt ngào, thơm ngát. Vườn nhà này nối tiếp vườn nhà kia. Nhà nào cũng có bưởi, không có một vườn thì cũng được năm ba gốc. Thỉnh thoảng có những đám ruộng nằm sát đường. Đám thì trồng mía, đám thì trồng khoai trông như những cái cửa sở nhìn từ sông Đồng Nai ra bên đường này, hoặc nhìn tận bìa rừng bên kia đường. Dòng sông rộng lớn luôn biến đổi. Nước lớn thì chảy lên, nước ròng chảy xuống. Hôm nào mưa to gió lớn hay vào mùa lũ, dòng sông chảy cuồn cuộn như lòng người sôi sục căm thù, lúc yên tĩnh nó lại phẳng như mặt hồ trầm ngâm suy nghĩ. Rừng nhìn xa như một vành móng nhựa khổng lồ màu ngọc biếc bao quanh hết hướng đông-đông bắc của xóm làng, đồng ruộng vùng này. Màu xanh của rừng giáp với chân mây, mỗi ngày mặt trời như từ cánh rừng xa nhô lên chầm chậm, khó nhọc, đỏ mặt tía tai. Xóm làng ruộng vườn dường như đứng dừng lại trước bìa rừng, con đường đá đỏ dài vài chục cây số cũng dừng lại đó như một tội nhân kiệt sức và đuối lý trước vành móng ngựa.
Quê ương Tân Uyên rừng thẳm sông dài của tôi đó. Dân làng tôi từ đời nào tới nay đã quen với tiếng khỉ ho cò gáy, tiếng cọp thét beo gầm và tiếng thác Trị An đồ ầm ầm trong những đêm thanh vắng. Củi thì lên rừng kiếm, nước thì xuống sông gánh, nhưng gạo thì dân làng tôi chỉ đủ ăn một năm có mấy tháng mà thôi. Rừng thiêng sông dữ luôn luôn đe dọa cuộc sống của người dân. Ngơi tay cày cuốc là cây rừng cỏ dại trở về. Ngủ quên một giấc có thể mất cả một mùa vì bị voi dày, bị heo rừng phá sạch. Mỗi năm một mùa nước lũ, hồi hộp lo sợ từng phút từng giờ. Dân làng tôi lam lũ làm ăn, chỉ còn biết chắp những bàn tay đã chai sạn vì cầm cán cuốc, chuôi cày lại mà vái Trời, vái Phật. Những đêm tối trời, nhìn về phía nam cũng thấy được ánh đèn điện của thị xã Biên Hòa, của thành Sài Gòn ửng đỏ một góc trời. Đó là ánh sáng của văn minh, hay là ánh mắt diều hâu của các quan cai trị đang dòm ngó làng quê tôi một cách thù hằn đánh ghét. Vùng sáng ấy cùng với vệt thẫm đen của rừng thiêng xô tới như muốn bóp bẹp xóm làng đồng ruộng quê tôi đến nghẹt thở.
°
Năm tôi lên 10, mỗi lần nghe chị tôi hỏi mẹ:
- Sao mà mình nghèo khó, đói rách, nợ nần mãi vậy má?
Mẹ tôi thường trả lời:
- Tại Trời, tại Phật, tại phận má nghèo.
Nhưng cũng có khi mẹ tôi nói một câu nghe khó hiểu:
- Tại tụi Tây, tại mình mất nước!
Tây là ai, mất nước là như thế nào? Từ ngày biết chạy chơi tôi đã đi khắp hết làng Tân Tịch này rồi. Tôi còn theo mẹ đi khắp các làng lân cận Tân Hòa, Mỹ Lộc, Trường Lang trong lúc mẹ tôi gánh hàng đi bán cau khô, vải, mắm. Tôi còn được bà cho theo đi chợ Tân Uyên, chợ Cây Đào, chợ Lợi Hòa trong huyện để mua hàng. Nào tôi có thấy thằng Tây nào đâu? Ngay cả ma Tây, quỉ Tây người ta nói ở vùng này nhiều lắm vì ngày xưa giặc Pháp bị giết ở đây rất nhiều, mà tôi cũng không thấy tên nào. Mẹ tôi dặn hễ gặp ma Tây thì nắm chặt hai ngón tay cái lại rồi hô lớn: “nghĩa quân” là ma Tây sẽ biến mất. Thường khi trời tối, đi đâu chơi trong làng tôi cũng thường nhớ lại lời mẹ dặn, nắm chặt hai tay chờ xem gặp ma Tây là hô lên. Nhưng tôi chưa có dịp nào thực hiện được mong muốn hét lên cho ma Tây hoảng sợ. Ở làng tôi có bà Ba Thôn da trắng tóc vàng mũi cao, mắt đục như nước trong vũng trâu đằm. Người ta bảo bà giống Tây như hệt. Nhưng bà dễ thương lắm, thường đến nhà tôi ăn trầu nói chuyện với mẹ tôi cũng như người mình vậy. Mẹ tôi nói bà Ba Thôn cùng một tuổi Thìn với mẹ tôi, sanh vào năm nước lụt và nghĩa quân thất trận, mất đồn Mỹ Lộc đó, mẹ của bà là một cô gái làng bị tụi Tây bắt được hãm hại làm cho mang thai và sinh ra bà. Sinh con xong người mẹ nhảy xuống sông tự tử. Bà con nuôi đứa trẻ lớn lên như nuôi lớn một mối hận thù. Bà Thôn lớn lên như mọi người khác trong làng, cũng biết cấy gặt, rồi cũng có chồng có con và cũng nghiện trầu như mẹ tôi vậy.
Vậy nếu tụi Tây có thì chắc là ở xa và chắc ít hơn người mình. Vậy sao mẹ tôi lại nói mình nghèo khổ là do tụi Tây, tại mình bị mất nước. Điều ấy dần dần lớn lên tôi mới lý giải hết được.
°
Một hôm tôi nghỉ học, đang chơi lò có với em tôi ngoài sân thì nghe chó sủa om từ xóm dưới lan dần lên xóm trên. Ở làng tôi mỗi lần chó sủa lan như vậy là ai cũng biết là có một trong hai người đang đi tới, đó là anh Hai Tán và người thứ hai là hương quản Chinh.
Anh Hai Tán rất hay ăn thịt chó. Ở làng tôi nhà nào muốn bán chó hay làm thịt chó đều nhờ đến anh. Anh bắt chó, cắt tiết, làm lông rất tài mà nấu đồ nhậu bằng thịt chó cũng ngon. Dần dà mấy con chó trong làng hễ thấy mặt, thậm chí nghe hơi anh là chúng sủa rùm lên, inh ỏi từ làng trên đến xóm dưới. Chắc tụi chó ghét và sợ anh lắm, còn tôi thì thương anh lắm vì anh là bạn thân của cha tôi. Anh thường gọi cha tôi là chú Hai. Đi cưa gỗ mướn thì cha tôi và anh cưa chung một cặp. Cha tôi làm thợ chính đứng trên. Anh làm thợ phụ ngồi phía dưới. Mẹ tôi thì không thích anh lắm vì anh thường ăn thịt chó và hay bỏ việc đi nhậu làm cha tôi cũng phải nghỉ theo.
Còn người thường bị chó sủa thứ hai là hương quản Chinh. Thằng cha này cái mặt khó thương lắm. Mặt thằng chả mập phì, lấp cả hai mắt. Bộ râu lúc nào cũng mướt rượt vuốt ngược lên hai gò má. Đi đâu nó cũng đội một cái nón lông, tay xách một cây ba ton để dọa chó. Hôm nào hương quản Chinh xách theo cây súng hai nòng thì trẻ con chạy theo coi thành đàn như coi múa lân. Mỗi lần vậy hương quản Chinh tỏ vẻ bực bội, thỉnh thoảng lại đưa súng dọa:
- Tao bắn chết hết.
Bọn trẻ con và chó bỏ chạy tán loạn.
Tôi ghét hương quản Chinh còn hơn cả chó. Nó là chủ nợ của cha tôi. Mới hôm qua vợ nó sang nhà tôi đòi nợ. Mẹ tôi mới đẻ em nhỏ còn nằm trong ổ vậy mà con vợ hương quản ngồi chồm hổm trên bộ ván giữa nhà tôi, xỏ mồm vào buồng đòi nợ chèo chẹo nghe nhức cả xương. Nó têm trầu ăn, xỉa thuốc của mẹ tôi không biết bao nhiêu mà kể, lại còn nhổ cốt trầu ra bẩn cả nhà. Ra về nó còn quơ chiếc chiếu mới nhất của nhà tôi xách đi. Chị Sáu tôi phải chạy theo khóc lóc năn nỉ mãi nó mới quăng trả.
Tiếng chó sủa đồn lan đến xóm tôi rồi. Con chó vàng nhà tôi cũng đã chạy ra đường. Tiếng con vàng sủa khác hẳn tiếng chó của xóm này. Nó vừa sủa vừa tru rất dài. Mẹ tôi thường bảo nhà nào có chó sủa như vậy làm ăn không khá. Cha tôi thương tài săn thỏ đêm của nó nên cứ muốn giữ nuôi mãi đến bây giờ. Con chó đã chạy về đến sau nhà, vừa thụt lùi vừa sủa. Nhất định là nhà tôi có khách.
- Nhà có ai không đánh chó cho tôi vô coi!
Đúng là cái giọng hống hách của hương quản Chinh rồi. Cha tôi biết không tránh mặt kịp, đành lên tiếng trả lời:
- Mời chú hương quản cứ việc vô, đồ chó này chỉ giỏi ăn hiếp mấy con thỏ đế chớ không làm gì nổi ai đâu.
Trong lúc cha tôi lấy cái áo mặc vào, hương quản Chinh chống cây ba ton đứng giữa nhà ngó quanh ngó quất. Chị tôi lưỡng lự một hồi mới chịu lấy chiếc chiếu trải lên bộ ván mời nó ngồi. Hôm qua trời mới mưa, đầu cây ba ton của nó còn lấm sình, vậy mà nó để cây ba ton lên chiếc chiếu mới của nhà tôi. Con chó đã thôi không sủa nữa. Không khí trong nhà tôi bỗng yên lặng đến đáng sợ. Cha tôi chờ hương quản Chinh lên tiếng đòi nợ và nghĩ cách trả lời cho trôi. Hương quản Chinh dường như muốn giữ vẻ quan trọng nên chưa thèm nói. Chắc nó muốn cha tôi phải thưa gửi nó trước.
- Bớ đò... qua rước giùm... Bớ đò. Hú... ú...
Tiếng gọi đò bên kia sông đã phá tan sự im lặng nặng nề trong nhà. Cha tôi bảo chị Sáu.
- Con Yển chèo đò qua rước người ta con. Thằng Ngộ dắt em xuống nhà nấu nước. Nước sôi thì kêu tía xuống pha trà cho chú... ờ... cho thầy hương quản uống.
Thường này thế nào tôi cũng giành chèo đò để chị tôi nấu nước. Nhưng hôm nay, cảm thấy có chuyện quan trọng tôi cũng muốn ở nhà nghe xem hương quản Chinh nói chuyện gì. Chị Sáu tôi cũng chần chừ mãi, đợi cho người bên kia sông gọi giục mấy lần nữa mới xách nón xuống bến. Gần xuống tới nơi, chị còn trở lên ghé tai tôi nói nhỏ:
- Ở nhà nếu em thấy nó lấy chiếc chiếu của mình đi thì phải khóc lên giựt lại cho được nghen. Tối nay mưa lạnh lắm, chỉ có một chiếc chiếu để đắp đó. Đợi chị về mới được đi chơi đó đa...
Chị tôi đi rồi tôi dán mũi vào vách nhìn lên nhà coi chừng chiếc chiếc, quên cả chụm lửa nồi nước.
Hương quản Chinh ngồi xếp bằng trên bộ ván, vuốt râu hồi lâu rồi mới bắt đầu nói:
- Anh tưởng hôm nay tôi đến đòi nợ anh nữa hả?
Cha tôi chưa kịp trả lời, nó đã nói tiếp:
- Chuyện đòi nợ là chuyện nhà, để đàn bà nó lo. Tôi còn phải lo việc dân, việc quan, việc làng, việc nước chớ.
Hương quản nói tới đó híp mắt cười, tự tán thưởng cho câu giáo đầu có vẻ văn chương của nó. Được dịp tốt, cha tôi không bỏ qua việc hẹn nợ, ông nói:
- Việc nợ nần thì hôm qua vợ tôi đã nói hết với thím hương quản rồi. Thật là chưa có một đồng một cắc nào trả nợ lúc này được. Hôm nay nếu chú có đòi nữa thì cũng mất công vô ích mà thôi. Còn có chuyện gì quan trọng mà chú tới nhà bữa nay thì chú cứ nói.
- À, chuyện này không quan trọng lắm, nhưng nếu anh chịu làm thì có lợi cho anh, cho tôi, cho cả làng mình nữa. Thôi, vòng vo cũng vậy. Tôi thay mặt Ban hương chức tới đây chỉ bảo cho anh nghe để anh ra lãnh chức hương tuần ở làng mình đó. Ban đầu thì làm nhỏ nhỏ vậy, sau lần lần lên. Nhứt là có tôi làm hương quản, anh giúp việc cho tôi thì anh lên thay tôi... mấy hồi. Ở đời này “nắng bề nào che theo bề nấy”, phải có chút chức phận trong làng trong xóm, thì làm ăn mới được, chớ cứ như anh thì nghèo khó hết đời...
Cha tôi dường như hết muốn nghe, ngắt lời nó:
- Tưởng việc gì chớ việc đó thì tôi đã nói với chú nhiều lần, mà chú cũng biết ý tôi từ lâu rồi. Tới chết tôi cũng không thể nào làm lành, làm lính cho Tây đâu.
Hương quản Chinh đổi giọng dọa nạt:
- Trước đây anh làm thầy dạy võ. Nhà nước cấm anh vẫn lén lút dạy đến đỗi bị bắt giam mấy lần. Nếu không nhờ tôi can thiệp thì anh ở tù rục xương rồi. Bây giờ anh không dạy võ nữa, nhưng cái nạn nghề võ do anh gây ra vẫn còn. Bọn thanh niên ngang đầu cứng cổ, du côn, ăn cướp, chống làng chống lính ở đây đều là học trò cũ của anh. Anh không chịu làm làng để trị nó nghĩa là anh dung dưỡng xúi giục nó. Rồi thì anh sẽ cùng với cả bọn nó vào tù, nghe chưa?
Biết cha tôi không thể chịu đựng nổi giọng xấc xược và những lời đe dọa của thằng hương quản, mẹ tôi từ trong buồng lên tiếng gọi:
- Tía nó ơi, vô đây tôi mượn cái này...
Cha tôi hiểu ý, không vào buồng mà cố gắng trả lời một cách bình tĩnh:
- Chú hương quản nghĩ lại mà coi. Tôi thôi dạy võ từ lâu rồi. Mà lúc dạy cũng dạy côn, đao, quyền, kiếm gì đó thôi chớ đâu có dạy ai ngang đầu cứng cổ, chống lính chống làng du côn ăn cướp gì đâu. Cái đó bà con xóm làng đều biết rõ, ai muốn vu oan cho tôi cũng không được. Nhiều làng khác không ai dạy võ cũng có du côn, ăn cướp, chống lính chống làng vậy. Có nhiều thầy nghề võ đã ra làm lính làm làng cho Tây mà cũng có trị được du côn ăn cướp đâu. Tôi nói hết lời với chú rồi: Tôi đã thề với cha mẹ ông bà tôi ngày trước rằng đời tôi sẽ không khi nào làm lính làm làng cho Tây được. Tôi đã già rồi muốn giữ trọng lời thề đó cho tới chết.
Mẹ tôi từ trong buồng nói với ra:
- Làng mình thiếu gì người làm hương tuần được mà Ban hương chức phải cần đến chồng tôi. Nhà nghèo thế này làm không đủ ăn còn thời giờ đâu nữa mà...
Hương quản Chinh ngắt lời ngay với vẻ bực tức:
- Thôi tôi biết rồi, đi dạy võ lén không lấy tiền như hồi trước thì có thời giờ còn đi làm việc làng việc nước thì bận lo nghèo, lo đói đủ thứ.
Hương quản Chinh hậm hực, nhưng bỗng lại dịu giọng xuống:
- Tôi thương anh chị, thấy việc phải quấy thì nói thế thôi chớ còn anh chị có nghe hay không thì tùy. Sau này có chuyện gì thì đừng có trách tôi. Tôi tưởng “ăn theo thuở, ở theo thì” thì là phải hơn chớ. Ông bà mình ngày trước giỏi biết bao nhiêu mà còn đánh không lại Tây, mình còn chống nó làm gì. Không làm cho nó thì thiệt thân mình mà thôi.
Cha tôi nghe ghét đến không muốn nhìn mặt nó nữa. Cố trấn tĩnh, ông nói sang chuyện khác:
- Ờ quên mất, Ngộ ơi, nước sôi chưa con?
- Chưa...
Tôi giật mình quay lại thì bếp lửa đã tắt tự hồi nào và em tôi cũng đã lén đi đâu mất. Vừa lúc đó chị Sáu tôi từ dưới bến sông bồng nó lên và mắng tôi:
- Mày coi em như vậy đó hả? Để nó xuống bến chơi một mình. Tao về không kịp thì nó té xuống sông chết chìm ròi.
Tôi còn cố cãi lại:
- Chị biểu em coi chừng chiếc chiếu chớ có biểu coi chừng em đáu?
Chị Sáu tôi lật đật bụm miệng tôi lại:
- Thôi, mày đi đâu thì đi cho rồi, đồ quỉ, chỉ có hai chuyện chụm lửa với coi em mà không được chuyện nào. Ờ, mà mày vào xem má có mượn chuyện gì không đã.
Tôi đi ngang qua nhà trên để vào buồng mẹ tôi. Trông thấy tôi, thằng Chinh liền hỏi cha tôi:
- Thằng này mấy tuổi rồi?
- Sắp mười một tuổi rồi đó, mà trốn học như toi, muốn đi chăn trâu lắm.
Nghe cha tôi trả lời như vậy, tôi xấu hổ chạy nhanh vào buồng mẹ. Nhưng ngồi trong buồng tôi lại nghe thằng hương quản nói:
- Hay là anh chị cho nó về ở chăn trâu cho tôi?
Tôi nghe mà tưởng hương quản Chinh thương tôi, hiểu hết mong muốn từ lâu của tôi và giúp tôi đạt được niềm ao ước ấy. Tôi mà khỏi phải đi học, được đi chăn trâu như tụi thằng Liễng, thằng Cò ở Mỹ Lộc thì còn gì sung sướng bằng. Ngồi trên lưng trâu thổi sáo, thả cho trâu ăn cỏ còn mình đi bắt ổ chim, bắt cá, bắt cua, hái trái rừng tha hồ mà ăn. Rồi cùng nhau chơi đánh trỏng[1]. Cha tôi mà chịu ừ một tiếng thì sung sướng biết chừng nào. Sao chờ hoài không nghe ông trả lời? Hay tại chị tôi đang bưng nước chè Huế lên? Thấy cha tôi vẫn làm thinh, uống nước xong hương quản Chinh giải thích:
- Đó cũng là một cách để anh chị trả nợ cho tôi đó. Nhà bớt một miệng ăn, mỗi tránh khỏi phải trả tiền lời cho tôi cũng được. Chừng nào nó thôi ở thì trả vốn thôi. Nhà anh đã có thằng Thọ, anh nó đi học là đủ rồi... mình nghèo thì lo phận nghèo, tranh đua với người ta sao được. Anh tính sao.
Tôi thì mê chăn trâu mà ngán học lắm nên nghe nó nói có lý quá, tưởng thế nào cha tôi cũng chịu mà thôi. Nhưng sao vẫn chưa nghe cha tôi trả lời. Sao mẹ tôi lại buồn như vậy. Bà đưa tay nắm chặt tay tôi, rơm rớm nước mắt. Đứa em mới sanh của tôi không lo ngại gì cho số phận của anh nó nên vẫn ngủ ngon lành. Nó mặc chiếc áo cũ của tôi hồi mẹ mới sanh tôi. Cái áo này đứa em kế tôi cũng đã mặc qua. Mẹ tôi nói nhờ cái áo ấy mà tôi dễ nuôi chóng lớn nên giữ lại tới giờ cho mấy đứa em tôi. Ngoài nhà nghe tiếng cha tôi trả lời thằng Chinh:
- Lúc vợ chồng tôi còn sống dưới ghe, trận bão ở vàm sông Bao Ngược đã cuốn hết gia tài sự sản và hai đứa con đầu của tôi. Lên bờ ở, vì nghèo quá mẹ nó không nghe lời tôi cho con đường chị thằng Ngộ, đi ở đợ cho dì ruột của nó. Mới tám tuổi mà họ bắt nó làm không thua gì người lớn. Một hôm đi chăn trâu về mệt lả rồi mà họ còn bắt nó trèo hái cau, con tôi xây xẩm mặt mày rơi từ ngọn cau xuống mà chết. Từ đó tụi tôi thề rằng nghèo quá thì cạp đất mà ăn với con chứ không cho con đi ở đợ nữa. Càng nghèo tụi tôi càng thương con, càng muốn cho nó được ăn học để sau này đỡ khổ hơn cha mẹ. Thằng Thọ thì học được rồi, ráng lo cho nó vài năm nữa thì nó làm thầy giáo. Chỉ tiếc con Yển, em nó phải chịu dốt. Từ thằng Ngộ trở đi tôi sẽ cho đi học hết...
Cha tôi đang nói bằng một giọng buồn buồn như kể lể sự đời, bỗng nhiên ông xúc động và nổi nóng một cách bất ngờ:
- Chú đừng thấy tôi nghèo mà khinh rẻ tôi nghe không? Nợ của chú tôi sẽ trả hết bằng cách khác, chớ còn dở giọng khuyên tôi theo Tây hay bán vợ đợ con nữa thì... coi chừng.
Mẹ tôi hốt hoảng tụt xuống giường bước ra. Nhưng cha tôi vẫn ngồi yên trên ván vì hương quản Chinh đã xách ba ton vội vã chạy ra khỏi nhà rồi. Từ ngoài ngõ nó nói với lại:
- Ờ, để rồi coi ai phải coi chừng ai cho biết!
Con chó nhà tôi chạy theo sủa, đưa nó ra tận con đường đá đỏ. Bầy chó xóm tôi đưa nó lên xóm trên, và có bầy chó khác đưa nó về tận nhà.
°
Tôi nhìn mãi trên bàn thờ đình làng tôi mà không thấy ông thần nào cả. Vậy mà người ta bảo hôm nay cúng đình thì có thần về chứng kiến. Chỉ có một cái mão cũ xì giống như mão của gánh hát bộ để giữa bàn thờ, hai bên là hai hàng bài vị sơn son thếp vàng có khắc những chữ Nho ngoằn ngoèo khó hiểu. Hai bên bàn thờ chính có hai cái giá để dựng vũ khí của thần: nào côn, siêu, đao mác, nào gươm, chùy búa, v.v... nhưng toàn là đồ giả, bằng gỗ sơn lại. Dường như không có một cái nào có thể chịu nổi một nhát côn của cha tôi mà không gãy ra làm ba làm bốn. Vậy mà thứ vũ khí đó được thờ ở giữa đình còn cây côn hết thời của cha tôi thì phải dắt trên mái tranh nhà tôi từ lâu.
Hai hàng “học trò lễ” đứng hầu thần hai bên bàn thờ. Họ mặc áo thụng xanh, mão đen, hia đen, đứng yên như tường đá. Khói đèn, khói nhang làm chảy nước mắt cũng không dám lau, ruồi bu trên mặt cũng không đám đuổi. Xôi, thịt của dân làng góp cúng thần bầy chật các bàn thờ, bầy cả dưới đất. Mâm xôi bằng gỗ mít của mẹ tôi cũng có ở đó nữa. Cả nồi xôi nhà tôi chỉ đơm vừa đầy mâm đó. Mẹ tôi bảo để đem cúng thần, tôi và em tôi chỉ được gặm mấy miếng xôi cháy vét nồi. Người ta mặc áo dài, đội khăn đen đến vái lạy, vái cho thần ăn xôi thịt. Nhưng tôi cũng không thấy thần ăn. Chị Sáu tôi nói rằng thần không ăn thì mấy ông làng cũng sẽ ăn hết chỉ trả mâm không lại cho mình thôi. Nếu nhà ai có người làm làng thì tùy chức to chức nhỏ mà khi cúng xong người ta sẽ kiến lại nhiều xôi hay ít xôi. Có người được kiến cả mâm đầy lại thêm một khúc thịt to tướng nữa. Nhưng nhà tôi không có ai làm làng cả, vậy thì mâm xôi của nhà tôi chắc là tiêu luôn rồi.
Chị tôi nói không sai. Dưới nhà khách, bọn làng xúm nhau ăn thật, không thiếu mặt một ông hương nào. Tôi thấy nào Cả Bột, hương chủ Báo, chủ trâu của thằng Cò, hương thân Quyền có các lò đường ở xóm Chợ, trại cưa nơi ba tôi và anh Hai Tấn thường đi cưa mướn, hương quản Chinh... Còn nhiều người mặc áo dài khăn đóng nữa mà tôi không quen biết, hoặc biết mặt mà không biết làm hương gì. Đó là những người tôi thường thấy trong xã, còn nhiều người trên tổng trên huyện hay ở tỉnh, ở Sài Gòn được mời về dự tiệc nữa. Xã tôi có nhiều người làm lớn lắng. Như ông Phủ Ngôn, ông Đốc Các là từ học trò nghèo xã tôi học lên rồi làm quan. Hôm qua họ mướn xe hơi về làng, đi tới đâu bóp kèn inh ỏi tới đó. Cũng có người đi lính mã tà cho Tây làm đến chức Bếp, chức Cai như Bếp Nhạc, Cai Huỳnh mặc quần áo ka-ki vàng đang ngồi đó. Ba Ưu đi lính Pháp, sau chiến tranh Đức - Pháp trở về được làm thầy ký ở Sở mật thám Sài Gòn và em nó là Bảy Tăng làm mật thám cũng về đó. Hai anh em đều mang kính đen, mặc quần áo theo lối “xá xẩu” của người Hoa kiều bằng lãnh láng như da rắn lục.
Đó là những người “cha mẹ dân” của xã tôi. Cái nhà khách của đình làng tôi thường ngày thấy rộng mênh mông mà hôm nay chật ních những bọn người “nắng chiều nào biết che chiều đó” ấy. Khăn đóng áo dài đen, chen lẫn với “xá xẩu” Hoa kiều, ka-ki vàng. Chữ Nho pha lẫn với tiếng Tây bồi, tiếng Việt. Chúng nó đang dựa thế Tây để ăn xôi, ăn thịt, uống rượu của đồng bào góp cúng thần nghĩa quân. Rượu vào lời ra, kẻ thì khoe chức phận, khoe tiền của, lên mặt ta đây. Người thì khúm núm, co ro, vuốt ve, nịnh hót. Rồi chúng còn xoi mói, ganh tị, tranh giành địa vị với nhau.
Trên sông Đồng Nai thỉnh thoảng có một con trâu chết sình trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Bầy quạ, kên kên từ rừng xanh bay về xúm nhau rỉa thịt, cũng say sưa và ồn ào như đám lễ cúng đình này vậy.
Nhà bếp nằm cách nhà khách chừng một trăm thước cũng lợp ngói nhưng lâu ngày đã dột nát và đóng khói đen xì. Khói bếp bay mù mịt. Tiếng dao thớt, tiếng đĩa bát chạm nhau hòa với tiếng bửa củi, tiếng nước sôi ùng ục trên lò, tiếng gà heo bị cắt tiết, tiếng cười nói thành một bản nhạc rất vui tai. Những người nào “được lãnh” bổn phận nấu dọn cho “bề trên” ăn thì ở trong bếp. Anh Hai Tấn nổi tiếng về tài làm đồ nhậu trong xã nên cúng đình kỳ nào cũng có mặt ở đó. Anh chỉ huy cả nhà bếp như một tay thợ cả. Vào đây cha tôi cũng phải nghe lệnh anh. Bửa củi, xách nước, chụm lửa, cạo heo, làm gà, xắt thịt, chiên xào, nấu nướng, dọn mâm, đến rửa chén, rửa nồi đều có con mắt anh dòm ngó vào, có tay anh chỉ vẽ thêm, có tiếng anh động viên hay đùa cợt cho vui.
- Bưng cái mâm này để trên... đầu... ông cả.
Giọng anh nghiêm như lệnh của ông tướng. Vậy là người ta cười vang như pháo nổ trong nhà bếp.
Bỗng từ trên nhà khách có tiếng hương quản Chinh la lớn:
- Bắt nó, bắt nó, bắt cột đầu nó lại.
Mọi người ngơ nhác nhìn nhau, rồi nhìn về phía nhà khách. Ở trong nhà khách mọi người đều bỏ đũa và nhìn về phía nhà thờ. Từng đám con nít ngoài sân chạy dồn về phía nhà thờ. Tôi cũng cắm đầu chạy theo. Trước bàn thờ thần có một người đang múa võ. Tôi mừng rỡ tưởng là cha tôi. Nhưng tới gần té ra là anh Tám Phát. Anh Tám Phát làm nghề chèo thuyền mướn ở xóm Chợ. Mỗi năm thuyền đi buôn bán đường, mắm, kẹo suốt ba bốn tháng mùa lúa ở Sóc Trăng, Rạch Giá, Cần Thơ. Trong lúc chủ thuyền lo buôn bán thì anh dạy võ kiếm ăn. Anh vừa là một tay chèo khỏe, vừa là người bảo vệ cho thuyền khỏi bị cướp dọc đường. Nhưng khi về đến nhà thì anh không có nghề làm ăn nào khác, chỉ ăn chơi, cờ bạc, rượu chè cho đến chuyến đi sau. Anh thương cha tôi lắm vì anh là học trò cũ của cha tôi. Ông bảo gì anh cũng nghe, nhất là đã bỏ được cái tật cờ bạc. Nhưng mỗi khi anh có uống vào một chút rượu thì anh hay chửi làng, chửi lính, chửi Tây công khai và còn dọa đánh người này người khác. Có lần cha tôi bị bắt về tội dạy võ lén, anh đã đến dọa hương quản Chinh:
- Thầy tôi mà có bề gì thì giữa ông với tôi phải có một người đi xứ khác mà ở. Không phải một mình tôi, mà mấy anh em tôi đã thề như vậy. Ông nịnh Tây vừa vừa để mà còn sống với vợ con chớ...
Nhờ vậy mà làn đó cha tôi được tha về yên ổn. Không biết anh Tám Phát ra đây hồi nào mà bây giờ múa võ giữa đình như vậy. Cây đao bằng gỗ sơn cán đỏ lưỡi trắng của thần đang quay tít trong tay anh như chong chóng, sánh loáng như đao thật. Hương quản Chinh ra lệnh bắt trói mấy lần mà anh vẫn múa say sưa như không nghe tiếng gì ngoài lưỡi đao quay. Người anh cao to như cây cột đình mà lúc múa võ nhanh nhẹn như sóc. Mấy anh học trò lễ hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Tụi trẻ con nhìn không chớp mắt còn reo lớn: “Hay, hay quá!”. Trong nhà khách, đám “kên kên” - người làm việc cho làng cho Tây đang ăn nhậu, bị phá đám bực tức la ó. Cai tổng hét hương quản Chinh:
- Thằng phá miễu, phá chùa nào đó? Sao mày không bắt nó lại.
Hương quản Chinh thì biết rõ là Tám Phát rồi. Nó phải cầu cứu tới tụi lính mã tà và mật thám có mặt:
- Nhờ các thầy giúp sức, tôi không làm nổi nó đâu.
Không ngờ mấy thầy mật thám của nó cũng từ chối:
- Tụi này đi dự cúng đình chớ có phận sự gì đâu mà mang súng theo. Chỗ này là phận sự của làng.
Hương quản Chinh đâm ra lúng túng, nó chạy mấy bước về phía nhà thờ la hoảng.
- Mấy người, mấy người sao đứng đó, áp lại, xông vào bắt nó.
Miệng la nhưng chân hương quản lại chạy thụt lùi ra phía sau nhà khách. Không ai nhúc nhích cả. Ban hương chức kéo nhau chạy lên nhà thờ cũng chỉ mắt la mày lét đứng ngó. Đường đao của Tám Phát cứ mỗi lúc càng nhanh, càng mạnh lên. Nhát cuối cùng anh chém vào cây cột đình nghe một cái rộp. Nhà thờ rung rinh. Cây đao gỗ gãy làm hai, bị anh vứt luôn xuống đất. Hay tay chống nạnh, chiếc áo bà ba đen đứt mất cái nút để lộ ra bộ ngực nở nang vun tròn chắc như mâm xôi. Đưa mắt nhìn qua đám hương chức, quan quyền, anh bình tĩnh nói:
- Tôi múa đao cho thần xem, có tội gì mà la bắt tôi. Tay không đây, đứa nào muốn bắt thì vô. Tao nói trước, đứa nào đụng tới tao thì sẽ gãy làm hai như cây đao này. Giờ tao đứng đây chờ thằng nào khi nãy đòi bắt cột đầu tao tới lạy xin lỗi thì tao mới ra khỏi chỗ này.
Cả đình xôn xao bối rối. Trong đám hương chức có mấy người len lén rút về. Hương quản Chinh mặt tái mét đứng núp sau một cây cột, bộ râu xuôi xuống như đuôi chó cụp lại khi bị cọp rượt.
Cha tôi từ dưới nhà bếp mới lên, chen giữa đám đông bước vào. Đầu quấn chiếc khăn lông cũ, mặt còn dính đầy lọ. Ông gỡ cái khăn xuống lau qua mặt, rồi vất khăn lên vai, ông chắp tay lại nói với đám hương chức:
- Thưa Ban hương chức, thưa các quan lớn, quan nhỏ. Em tôi nó thèm tập võ như người ta ghiền rượu vậy. Hôm nay nhân dịp cúng đình, nó múa đao cho thần và quí ngài xem. Thiết tưởng chuyện đó đánh thưởng rượu chớ đâu có lỗi gì. Nhưng vì nóng giận nên nó lỡ dại có nói vài lời xúc phạm đến bề trên. Nếu Ban hương chức không cố chấp mà tha thứ thì tôi xin dẫn em tôi về.
Nói rồi không đợi trả lời, cha tôi quay lại nói với anh Tám Phát:
- Thôi xuống nhà bếp chơi với anh một chút rồi về, em Tám.
Tám Phát mỉm cười, bước theo cha tôi đi ngang qua nhà khách rồi xuống nhà bếp. Đám hương chức - bầy kên kên, lúc nãy ăn uống hả hê bao nhiêu, bây giờ nhìn theo mấy người dân “bất trị, cứng đầu” một cách hằn học, bực tức bấy nhiêu.
Xem cúng đình mãi đến khuya tôi mới về tới nhà. Chỉ có mình mẹ tôi còn thức. Vào nhà, tôi vội khoe với mẹ:
- Con đem về được nửa mâm xôi và một khúc thịt lớn lắm.
Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ở đâu? Mày làm sao mà có?
- Con để ngoài bụi chuối. Con sợ tía còn thức, tía rầy nên vô trước.
- Để đó coi chừng chó ăn mất, con ra lấy đem cất đi rồi sẽ hay.
Đem cất thịt và xôi xong, tôi đến nằm bên mẹ. Tôi nói khe khẽ sợ cha tôi nghe nhưng cũng cố kìm mình kể chầm chậm cho có vẻ quan trọng.
- Má biết không ở trên đình của làng mình có một ông thần rất tốt và dễ thương lắm. Ông là ông Thần Nông. Ông không ngồi trong nhà thờ chung với các ông thần khác, mà chỉ thích ở ngoài đồng không sợ gió mưa gì hết. Vì vậy người ta phải dọn nhang đèn xôi thịt trên một tảng đá ngoài sân để cúng ông. Ông lại thương trẻ con nhà nghèo nên khi cúng xong thì mấy ông làng ông xã không được ăn xôi thịt của ông, phải để dành cho trẻ con thôi. Nhưng không phải đứa nào cũng được ông cho ăn đâu. Ông chỉ cho đứa nào giỏi võ và gan dạ nhất thôi. Nghĩa là ông biểu mạnh đứa nào đứa nấy giựt. Đứa nào giỏi, giựt được nhiều thì ăn nhiều, đứa nào giựt được ít thì ăn ít, không được thì nhịn, kỳ sau ông lại cho nữa. Sau ba hồi mõ khuya thì ông cho phép giựt cả mâm xôi và khúc thịt trên bàn thờ ông. Người ta nói là mấy năm trước đây năm nào cũng có đứa bị lỗ đầu, chảy máu mũi hay trặc chân, trặc tay vì đánh lộn để giựt mâm xôi Thần Nông. Không có đứa nào lấy được nguyên mâm cả. Vì mạnh đứa nào đứa nấy giựt nên mỗi đứa chỉ được một nắm xôi, còn bao nhiêu rớt hết xuống đất. Kỳ này có tụi thằng Liễng, thằng Cò bày mưu con bưng được nguyên mâm cúng hay lắm.
- Tụi bây làm sao mà lấy được? - Mẹ tôi hỏi.
- Tụi nó biểu phải hùn nhau lại. Bốn năm đứa đồng mưu mới lấy được nguyên mâm xôi và khúc thịt rồi đem về chia. Con rủ thêm thằng Dứng con chú Sú bán rượu nữa là đủ bốn đứa. Ba đứa kia đánh giải vây và chặn tụi nó cho con bưng nguyên mâm xôi và khúc thịt chạy. Thấy tụi con đông, tụi nó sợ và chịu thua hết. Lẽ ra con chỉ được phần tư mâm xôi và phần tư khúc thịt thôi, nhưng thằng Dứng sợ mang về bị đòn, và vì ở nhà nó cũng có rồi nên nó cho con phần của nó. Vậy là ba khỏi cần làm làng cho hương quản mình cũng có xôi ăn phải không má. Ông Thần Nông biểu rằng xôi của ông phải chiên lại ăn mới ngon, phải vậy không má.
- Ờ phải rồi, vì xôi để ngoài trời sương gió lại dơ vì giành giựt nhau nữa nên không chiên lại thì ăn đau bụng chết. Thôi con ngủ đi, mai má chiên lại cho mà ăn. Nhưng mà sau này thì còn đừng đi giựt xôi Thần Nông nữa. Mình làm mình ăn mới ngon con à.
°
Một hôm tôi đi học về tới nhà thì thấy chị Sáu tôi khóc hu hu như nhà có người chết. Mẹ tôi gánh hàng đi bán chưa về. Hai đứa em tôi cũng níu lấy áo chị tôi mà khóc. Hỏi riết chị tôi mới nín được mà nói:
- Tía bị bắt rồi, người ta giải tía về quận hồi chiều. Hai tay tía bị còn lại...
Tôi ngơ ngác không hiểu vì sao, muốn hỏi chị tôi nữa nhưng chị tôi đã lại khóc làm cho tôi phát bực mình. Cho tụi tôi ăn cơm xong, đợi hai đứa em ngủ hết, chị tôi mới giảng giải cho tôi biết vì sao người ta bắt cha tôi.
Nhà tôi dột nát không còn một chỗ lành. Trong nhà nhìn lên nóc thấy nhiều mo cau hơn là tranh. Trời mưa phải chui xuống ván, xuống bàn thờ mà trú. Cha tôi tính lợp lại mấy lần mà không có tiền mua tranh. Mùa này tính lên rừng cắt tranh về lợp thì chủ đất là hương hào Hãng lại đuổi. Nó bảo phải dỡ nhà đi để nó cất trại đóng hòm. Nó cũng là chủ trại cưa, cha tôi cũng từng cưa mướn cho nó tử trước tới giờ. Cha tôi than nghèo chưa thể dỡ nhà đi chỗ khác được vì kèo đã mục, cột đã đứt chân hết rồi. Để vậy lợp lại ở đỡ được một hai mùa, chớ dỡ ra thì chỉ còn có chụm lửa. Nhưng hương hào Hãng không chịu cho ở thêm một mùa nào nữa hết, bắt cha tôi phải dỡ nhà đi ngay. Hắn còn dọa nếu để chậm người ta sẽ chất hòm đầy nhà. Không có tiền mua kèo cột, cha tôi phải trốn lên tận trên rừng Sông Bé, Hàng Dài đề đốn gỗ, tre, cắt tranh, bứt mây về để làm nhà mới. Vật lộn với rừng rú, sông nước cả nửa tháng trời cha tôi mới đưa được một mớ gỗ, tre và tranh về tới bến nhà. Ông cẩn thận thả bè về ban đêm rồi lặn lội giấu gỗ dưới sông, giấu tranh trên bờ để trốn thuế. Tính chờ cho tranh cũ bớt đi rồi sẽ dùng. Hương hào Hãng biết được, đi báo cho đồn kiểm lâm ở Tân Uyên để lập công. Đồn cho lính kiểm lâm lên lục lọi mò tìm được một mớ tranh và gỗ, bán rẻ lại cho Năm Hãng (hương hào Hãng thứ năm mà) và rồi bắt cha tôi giải về Tân Uyên.
Kể cho tôi nghe tỏ tường rồi chị tôi lại khóc, kêu trời kêu đất oán trách xóm giềng “ăn ở thất nhân thất đức”. Chắc là chị nói ai đó đã đi mét với Năm Hãng chuyện cha tôi giấu gỗ, giấu tranh.
Đến khuya mẹ tôi mới về tới nhà. Thấy mẹ tôi, chị Sáu lại òa lên khóc làm tôi đã ngủ giật mình thức dậy. Chị tôi tính kể lề nhiều lắm, nhưng mẹ tôi nói:
- Thôi, ngủ đi con, má biết hết rồi, má đã lo rồi, ít bữa nữa tía mày về thôi.
Rồi tôi nghe mẹ tôi nói nhỏ nhỏ với chị Sáu. Tôi nằm nhắm mắt giả vờ ngủ nhưng nghe không sót một tiếng:
- Anh Hai Tán gặp má ngoài đường rồi. Hai thím cháu nói chuyện lâu lắm. Hai Tán nói còn có mười ngày nữa là tới lễ hội đua ghe bơi. Lễ năm nay làng mình phải tham gia lễ đua ghe dưới tỉnh. Anh em sẽ đòi phải có ba mày cầm lái họ mới chịu bơi. Họ sẽ đòi thả tía mày về. Má tin thế nào cũng được, vì cả tổng Chánh Mỹ Hạ này chỉ có ghe xã mình là đua giỏi nhất.
Tôi nghe tới đó khoái quá, quên là đang giả đò ngủ, la to:
- Mê quá, mê quá, sắp được coi đua bơi rồi...
Mẹ tôi rầy:
- Thằng quỉ, chưa chịu ngủ hả? Mày không được nói với ai hết nghe không! Má đánh chết đa!
Mẹ tôi đoán thiệt tài. Hai hôm sau thì cha tôi được tha về. Ông còn đòi Ban hương chức xử vụ đuổi nhà trước ông mới chịu nhận đi lái thuyền đua. Bọn hương chức phải buộc hương hào Hãng đình việc đuổi nhà tôi đến tháng giêng năm sau. Thế là cũng đủ thời giờ cho cha tôi đi kiếm lại đủ số gỗ tranh bù vào số bị lấy mất và đi mướn đất khác để cất nhà mới.
Hôm nay là lần tập bơi cuối cùng cho đồng bào trong xã xem trước khi đi xuống tỉnh. Thuyền đua của xã tôi đẹp lắm. Mẹ tôi nói thuyền này được đóng từ gỗ của những chiếc thuyền chiến ngày xưa của ông bà mình dìm giấu hay bị chìm ở dưới sông Đồng Nai. Vì vậy mà thuyền này linh thiêng lắm. Mỗi lần từ trên đình đẩy xuống sông phải có nhang đèn cúng vái nghĩa quân thì chuyến đi đua ấy mới an toàn, nếu có thua cũng đi tới nơi về tới chốn. Mũi thuyền và lái thuyền được chạm trổ giống như đầu rồng và đuôi rồng. Hai chục người bơi ngồi thành hai hàng mặc áo may ô đỏ, quần cụt đen. Mỗi người cầm một cây dầm sơn trắng. Nhìn chiếc thuyền lướt sóng băng băng người ta dễ tưởng thấy một con rồng đỏ dang cánh trắng đang bay trên mặt sông. Tám Phát và Năm Chà là hai tay bơi giỏi nhất xã ngồi trước mũi thuyền. Anh Hai Tán mặc áo vàng, quần cụt trắng, tay cầm phèn la đứng giữa thuyền làm đốc chiến. Cha tôi mặc áo dài xanh, thắt lưng bằng lụa đỏ, cầm xà bát đứng sau lái. Chưa lúc nào tôi thấy ông đẹp và oai nghiêm như hôm nay. Hầu hết các tay bơi dưới thuyền đều là học trò cũ của ông. Từ này bị cấm học võ tới giờ, ít có lần nào tụ họp được đông đủ như vậy. Nhìn những bộ ngực nở nang, những bắp thịt trên vai, trên tay của họ nổi lên cuồn cuộn, ai cũng tin tưởng được rằng thuyền này không thể thua trong cuộc đua sắp tới được.
- Hè bơi, hố bơi...
Sau mỗi tiếng hô như vậy là một tiếng phèn gõ nhịp đều đều. Hai mươi cây dầm sơn trắng chém xuống nước rồi rút lên một lượt. Hai mươi cái đầu người cúi chồm tới trước rồi ngửa ra sau đều như trong một cái máy. Chiếc thuyền lướt tới trước như muốn cất cánh bay. Mặt nước bị con thuyền rẽ làm hai như một cây tre xanh bị chẻ bởi một lưỡi rựa bén ngọt. Người đốc chiến vừa hô vừa gõ phèn la, vừa làm điệu bộ cũng khom xuống nước lên như người bơi vậy. Mắt đăm đăm nhìn về phía trước, người lái thuyền điêu khiển cây xà bát to một cách gọn gàng trong tay. Hai đầu của chiếc thắt lưng bằng lụa đỏ của ông bay về phía sau dài như đuôi phượng. Nước sông reo mừng vỗ sóng lách tách vào bờ. Hai bên sông người xem trầm trồ khen ngợi, hò reo mỗi khi thuyền qua ngang một xóm nào, hoặc lúc thuyền quanh gấp mà không bị lật chìm. Trẻ con trong làng từng đám chạy lên chạy xuống trên bờ sông như đua với con thuyền.
Sau hai vòng bơi tập từ bến đò Bà Miêu xuống bến đò dưới, con thuyền ngừng lại để làm lễ xuất hành và từ giã để lên đường. Một bàn nhang đèn và trái cây được dọn trên bãi cát tại bến đò trước nhà tôi. Lão Cả Bột đóng khăn đen, mặc áo dài chắp tay trước bàn thờ lạy ba lạy. Ba hồi trống vừa dứt, cha tôi dõng dạc hô:
- Anh em!
Một tiếng “dạ” vang rền mặt sông như từ đời xưa còn vọng lại làm nổi da gà cả những người đứng xem.
- Phen này đi “quyết chiến” đem danh dự về cho làng ta, nghe không!
- Dạ!
Tiếng dạ của toán thuyền trả lời, ngân dài mãi trong tai tôi. Mẹ tôi nói ngày xưa mỗi lần nghĩa quân xuất trận cũng làm lễ như vậy, chỉ có khác là không kêu “Anh em!” mà người hô lệnh kêu “nghĩa quân”. Nhìn cảnh xuất phát của chiếc thuyền đua hôm nay, tôi cứ tưởng như thấy một chiếc thuyền của nghĩa quân xưa đang xuất trận. Dù chiếc thuyền đua đã đi khuất tự lâu rồi mà lòng tôi cứ hồi hộp, xôn xao như mặt sông gợn sóng.
°
Giờ đua thuyền đã đến. Dân trong thị xã Biên Hòa như dồn hết ra hai bên bờ sông Đồng Nai. Các cuộc chơi khác như liếm chảo, nhảy bao, leo cột chỉ còn lơ thơ một ít người xem.
Sông ở đây rộng và đẹp hơn khúc sông ngang qua nhà tôi nhiều. Bề ngang mặt sông rộng gần năm trăm thước. Đầu trên và đầu dưới có hai cái cù lao như hai chiếc tàu khổng lồ đậu giữa sông. Đó là Cồn Gáo và cù lao Hiệp Hòa. Sông rộng cầu to, nhà cao phố lớn, thuyền bè xe cộ dập dìu, người đông như kiến cỏ. Biên Hòa là thị xã của tỉnh tôi đó, cách làng tôi có chẵn mười hai cây số, mà hơn mười tuổi tôi mới được tới lần đầu. Nhưng mọi điều mới lạ đều không hấp dẫn tôi bằng cuộc đua thuyền sắp tới.
Dân thì ngồi dưới thuyền, bè, hay đứng hai bên bờ sông mà xem. Trẻ con đứa nào trèo được như tôi thì leo lên cây ngồi hay đeo trên cột đèn. Có mấy đứa trẻ còn được cha mẹ anh chị cõng trên vai. Những người được mời thì được vào trong khu Tòa Bố có lính gác cửa và có hàng rào sắt chung quanh. Trong khu này cũng đông lắm: đại diện hương chức, hội tề các làng các tổng, công chức, nhà binh, v.v... Các quan chức ăn mặc chỉnh tề đi xem hội nhưng cũng chỉ đứng xúm xít trên bãi cỏ gần bờ sông mà xem. Chắc là lão hương cả và hương quản xã tôi cũng ở trong đám đó. Kia rồi, tôi đã nhìn ra chúng đang đang đứng gần cái đầu cầu gỗ bắc từ bờ ra cái nhà sàn trên sông. Đó là cái nhà mát của thằng Tây chủ tỉnh, nhằm ngày lễ được dùng làm khán đài chính để xem đua thuyền. Chừng vài chục “ông Tây”, “bà đầm” và cả “Tây con” nữa, có lẽ là khách mời từ Sài Gòn qua, đang ngồi quanh mấy bàn tiệc đầy rượu thịt và trái cây. Nhìn đám Tây mắt xanh mũi lõ này no nê phè phỡn mới thấy đám hương chức hội tề đang khúm núm trên bờ giống như bầy chó chực xương.
Có 20 chiếc thuyền đại diện cho các tổng các xã ven sông tham dự cuộc đua. Mỗi chiếc thuyền đua được sơn một màu khác nhau rất đẹp. Chiếc sơn màu xanh là của xã Tân Trạch ở cù lao, có tiếng bơi giỏi từ trước tới nay. Thuyền trắng hình con phượng là của cù lao Hiệp Hòa. Thuyền vàng, hình con lân là của xã Tân Ba. Thuyền trắng hình con cá là của xã Long Điền chuyên nghề chài lưới. Thuyền sơn màu tam sắc là của thị xã Biên Hòa. Đội thuyền này cũng mặc ba màu áo: ở trước mũi mặc màu xanh, ở giữa màu trắng và phía sau lái các tay bơi mặc màu đỏ. Trông xa như một lá cờ Pháp đang nổi trên sông. Thuyền này đáng sợ nhất vì tập hợp toàn lính làm các tay bơi. Chúng được nghỉ một tháng để tập bơi, nếu về nhất còn được nghỉ một tuần xả hơi nữa. Những kỳ đua trước mấy thuyền muốn qua mặt chúng đều bị chúng đánh bằng dầm đến chảy máu đầu, máu mũi. Có thuyền còn bị chúng nhận chìm giữa sông để chúng qua mặt. Mấy con thuyền khác thì ít được để ý hơn. Con rồng đỏ cánh trắng của xã tôi nằm giữa có vẻ hiên ngang nhất.
Hàng ngàn người đang hồi hộp chờ xem, mà các “ông Tây bà đầm” còn đang nói chuyện đùa giỡn chưa cho lệnh bắt đầu. Tôi bị lính đuổi phải tuột khỏi cây này leo lên cây khác ba lần mà thuyền đua vẫn chưa được bơi. Cuối cùng mới thấy một tên đội mã tà hai tay bưng một cái hộp như cái khay đựng trầu đến dâng trước thằng Tây chủ tỉnh. Thằng Tây đứng dậy mở hộp, lấy ra một khẩu súng nhỏ như súng lục và bước lên một bước ra ngoài. Nó giơ súng lên trời và đếm:
- Une, deux,... trois![2]
Tiếng súng lệnh vừa nổ “đoàng” thì đoàn thuyền tranh nhau phóng tới như tên bắn. Chỉ còn một chiếc đứng yên tại chỗ như không nghe tiếng súng lệnh. Trời đất, đó lại đúng là con rồng đỏ cánh trắng của xã tôi. Dân hai bên bờ la ó:
- Làng nào đó? Bỏ cuộc rồi! Chịu thua rồi!
Bọn Tây cũng la:
- Forfait! Forfait![3]
Tôi thất vọng đến đổ mồ hôi trán. Nhìn thấy tụi Cả Bột, Quản Chinh cúi đầu xuống. Chắc chúng muốn chui xuống đất mà trốn.
Bỗng tiếng của cha tôi dõng dạc thét lên vang dội khắp hai bờ sông:
- Anh em!
- Dạ!
- Phen này “quyết chiến” đem danh dự về cho làng mình nghe hông!
- Dạ!
Tiếp liền theo là tiếng phèn la của anh Hai Tán. Con rồng đỏ uốn mình. Hai cánh trắng của nó như hai con dao khổng lồ chém xuống nước rồi khoát nước tung bay đuổi theo đoàn thuyền trước mặt. Tiếng hoan hô như sấm dậy hai bên bờ sông. Hàng ngàn cặp mắt chăm chú theo dõi chiếc thuyền đỏ lạ lùng ấy. Nó đã đuổi kịp rồi vượt qua một, hai rồi ba chiếc thuyền của đám đua. Bị Cồn Gáo che khuất nên tôi không thấy được nữa, chỉ phập phồng chờ đợi. Qua khỏi Cồn Gáo, chiếc thuyền đỏ chỉ còn thua năm chiếc lợi hại nhất là Tân Trạch xanh, Hiệp Hòa trắng, Tân Ba vàng, thuyền tam sắc của thị xã và một chiếc nào đó nữa. Nhưng con rồng đỏ mỗi lúc một bay nhanh trông thấy. Cả Bột, Quản Chinh mừng rỡ ra mặt. Người xem bắt đầu xôn xao đoán coi thuyền nào về trước và đánh cá.
- Ghe đỏ sẽ về nhứt.
- Làm vì nhứt nổi. Ghe xanh lẹ như gió kìa.
- Nước bơi của ghe vàng bền hơn.
- Nhưng không ghe nào dám qua mặt ghe tam sắc đâu, cá mười ăn một tôi cũng dám cá nè.
Một thằng lính mã tà đứng dưới gốc cây tôi ngồi nói một cách quả quyết như vậy. Trong lúc đó con rồng đỏ đã vượt lên đứng thứ ba rồi. Đến chân cầu Gành, nhờ quanh gấp một cái nó đã bỏ một chiếc nữa ra sau và đang đuổi theo chiếc thuyền tam sắc để về đích của cuộc bơi ở trước khán đài chính.
Nhìn thấy chiếc thuyền tam sắc đang dẫn đầu cuộc đua bọn lính mã tà nhảy nhót tưng bừng. Dân thị xã cũng mừng lắm phất khăn, phất mũ hò reo. Bọn Tây trong nhà mát cũng reo lên:
- Vive la France![4]
Nhưng người ta thất vọng dần dần. Con rồng đỏ cánh trắng vẫn đuổi gấp theo như bay lên trên mặt nước. Chỉ còn năm chục rồi hai chục thước nữa là bắt kịp thuyền trước. Anh Tám Phát, đúng là anh Tám Phát rồi, đứng hẳn lên mũi thuyền dùng cây dầm để múa đao. Cây dầm trắng trong tay anh quay thành những vòng loang loáng trước mũi thuyền càng làm cho con thuyền của làng tôi thêm vẻ linh thiêng thần thánh. Chỉ còn 19 tay bơi mà con thuyền đỏ cũng bắt kịp thuyền trước. Người ta hồi hộp chờ một cuộc xô xát xảy ra giữa hai con thuyền. Nhưng không, con rồng đỏ vẫn lướt qua khỏi thuyền tam sắc một cách bình yên và về tới đích trước nhất trước sự kinh ngạc và tiếng hoan hô vang dậy của dân chúng hai bên bờ sông. Trong lúc Cả Bột và Quản Chinh được thằng Tây chủ tỉnh đến bắt tay khen ngợi và thưởng cho hai cốc rượu thì dưới thuyền đỏ anh em trong đội thuyền bụm từng bụm nước sông Đồng Nai mà giải khát.
Cha tôi cho tôi theo thuyền trở về xã. Ngồi trên thuyền, tôi nghe anh Hai Tán nói:
- Nhờ vong hồn nghĩa quân phù hộ, mình không thèm theo súng lệnh của thằng Tây mà vẫn về nhất như thường.
Con thuyền chiến thắng bơi ngược con sông dài trở về làng tôi nơi rừng thẳm
°
- Bớ đò! Đò ơi! Hú... ú... u...
Tôi đang ngủ say sưa bỗng nghe tiếng gọi đò văng vẳng bên kia sông. Mơ màng tôi nghĩ: “Kệ, mệt quá, ngủ thêm chút nữa rồi qua rước người ta cũng được”. Để cho người ta khỏi gọi phá giấc ngủ, tôi cố gắng ngóc đầu lên, mắt vẫn nhắm nghiền, ú ớ trả lời cho bên kia sông:
- Nghe rồi! Tôi còn mắc ăn cơm.
Một loạt tiếng cười phá lên như một tràng pháo nổ kế bên tai tôi. Tôi giật mình mở choàng mắt. Cả lớp học đang nhìn tôi, cười sặc sụa, có đứa cười lăn cười bò dưới gạch như đang lên cơn không kìm chế được. Tôi cũng tỏn tẽn cười, đưa tay lên đầu gãi gãi. Nhưng tôi không cười được lâu. Thầy giáo Hứa đứng ngay sau lưng tôi đã kéo vành tai tôi đau điếng. Ông dùng bàn tay xách tai tôi mà kéo tôi đứng dậy, lôi ra khỏi bàn, đẩy tôi đứng trước bảng đen, dằn tôi ngã xuống gạch rồi mới chịu buông tai tôi ra. Tôi lấy tay rờ lên lỗ tai bị kéo, cảm tưởng như nó bị rứt rời theo mấy ngón tay như càng cua kẹp của thầy. Biết mình đã bị bắt quả tang ngủ gật trong lớp, tôi lẳng lặng co hai tay lên lót dưới mặt, nằm úp xuống gạch chờ đòn.
Đúng là con không đẻ, không thương. Năm roi của thầy giáo Hứa như năm đòn côn của người thù người oán. Tôi chỉ có một cách trả thù là không thèm khóc. Hai tay xoa hai bên mông đau rát, tôi đứng dậy thật lẹ làng và nói tỉnh khô:
- Xin thầy cho phép tôi về chỗ.
- Quỳ xuống đó.
Tôi quỳ, hai tay khoanh trên ngực quay mặt xuống lớp như mọi lần khác. Hơn ba chục cặp mắt của học trò lớp nhỡ trường Mỹ Lộc đang nhìn tôi. Nhiều đứa vẫn còn bụm miệng cười như chưa bao giờ được coi một vở hài kịch hay như vậy. Sau này tôi mới biết là khi đang dạy toán, thầy Hứa thấy tôi kê đầu lên bàn ngủ ngon lành. Biết nhà tôi chèo đò ngang, thầy nhẹ nhàng đến sau lưng tôi, ghé tai lên tiếng gọi đò. Đó là tiếng gọi đò hồi nãy tôi nghe được. Tôi ngỡ đang ngủ ở nhà và có người gọi đò thật bèn trả lời còn bận ăn cơm. Và rồi màn kịch kết thúc là tôi bị quỳ trên bảng này.
Người có vẻ thích chí nhất là trò Cương, học trò giỏi nhất lớp, con của Xã Đác ở xóm tôi. Nhà của Cương lợp ngói, có nhiều ruộng, nhiều trâu. Quần áo của nó lúc nào cũng lành lặn và sạch sẽ chớ không rách hay dính sình lầy như quần áo tôi. Nó thuộc dòng họ có vai vế trong vùng. Bác nó làm Hội đồng, nó còn có hai ông chú là Phủ Ngôn và Đội Các. Thầy Hứa rất ưu ái nó, không biết vì nó học giỏi hay vì dòng họ nó có nhiều ông lớn. Thầy thường giao cho nó trông chừng học trò nào ngủ gật thì báo cho thầy. Đôi lúc nó còn được thay thầy cầm thước kẻ bằng cẩm lai khẻ tay đứa nào tới lớp mà mặc đồ rách, bẩn, hay không thuộc bài. Một lần tôi cũng bị nó thay mặt thầy đánh ba roi về tội đánh nhau với thằng Lộ, con của Hội đồng Giác, bác ruột nó. Nhưng nó không dám đánh tôi đau vì nó biết tôi sẽ không tha cho nó khi ra đòn hay về tới xóm. Nhưng tôi sợ nhất là cái cười của mấy đứa con gái lớp tôi. Chỉ có ba đứa đó là Huệ con thầy giáo Hứa, Sứ con thầy phó Kề ở xóm Đèn và Lan ở Tân Hóa. Sứ và Huệ thì lần nào tôi bị đòn cũng cười tôi như tụi con trai khác. Hai đứa ngồi ngay bàn đầu nên thấy rõ những lỗ rách của quần áo tôi, vì vậy tôi ngán cái cười có vẻ khinh bỉ của chúng nó hơn ai hết. Chỉ có Lan là ít cười tôi nhất. Mỗi lúc bị đòn tôi thấy cặp mắt của Lan nhìn tôi đầy vẻ thương cảm y hệt như mắt mẹ hay mắt chị tôi khi tôi bị cha tôi đánh đòn. Một lần bị phạt, bị làm nhục như thế này, tôi vẫn lấy cặp mắt của Lan làm chỗ nương tựa, an ủi cho mình.
Thầy Hứa tiếp tục giảng bài tự bao giờ tôi cũng không hay. Đầu óc tôi cứ mông lung bao nhiêu ý nghĩ. Không biết sao thầy tôi ác thế. Áo rách một chút cũng đánh, đuổi về thay, mất cả một buổi, một ngày học. Có đứa không có áo lành thay nữa phải ở nhà đi chăn trâu luôn như thằng Liễng, thằng Cò. Không thuộc bài cũng đánh, ngủ gục cũng đánh... Hình như hũ gạo của thầy là chiếc roi mây và cây thước bảng, không xài nó hàng ngày là thầy không sống được. Mỗi lần đánh phạt học trò thầy cũng nheo một con mắt, méo cái miệng làm như thầy cũng đau lắm nhưng thầy cứ đánh hoài, xách tai hoài. Đặc biệt thầy Hứa không bao giờ kêu tên tôi mà biết nhà tôi chèo đò ông cứ chế nhạo bằng cách mỗi lần gọi tôi lên bảng là kêu: “Bớ đò!” làm tụi bạn trong lớp cười rúc rích. Chắc tại nhà tôi không có trâu có ruộng, không có người làm quan, lại không có gà thiến, gạo mới tới biếu thầy nên tôi không thể học giỏi như tụi thằng Cương con Sứ được. Có lần tôi bị phạt vì mặc áo rách đi học, về nhà tôi nói mẹ tôi cho tôi nghỉ học thì bà nói:
- Phủ Ngôn, Đốc Các ngày trước cũng là học trò nghèo như con. Nhờ ráng học mà làm nên. Anh Thọ con cũng nhờ bắt chước họ mà học giỏi, sắp được làm thầy giáo cho má nhờ rồi đó. Chừng đó nó có lương, nhà mình cũng đỡ nghèo, áo con đỡ rách.
Không biết Phủ Ngôn, Đốc Các và anh Thọ học thầy giáo nào chớ thầy giáo Hứa ghét học trò nghèo lắm, khó mà theo học được. Thầy như là người của Tây vậy. Thà trốn học đợi anh Thọ về làm thầy rồi học luôn. Anh Thọ tôi dứt khoát không phải người của Tây rồi vì anh có dự đám tang cụ Phan Chu Trinh nào đó mà. Kỳ đó anh tôi cũng bị đuổi học, nhưng nhiều người bị đuổi quá, các trường bỏ học, bãi khóa nên lại được cho đi học lại. Chỉ khi mấy người trong ban hương chức đến nói và hăm dọa cha tôi phải dạy dỗ con cái chu đáo, không được chống lại Tây thì ở nhà mới biết. Tôi mà trốn học thể nào về nhà cũng bị đòn. Nhưng thà bị đòn ở nhà dù sao cũng ít nhục hơn ở trường. Hôm qua chị Sáu tôi bịnh, tôi phải thay chị chèo đò suất một ngày chủ nhật nên mệt đừ. Năm roi lằn đít mà hình như tôi cũng chưa hết buồn ngủ. Mải suy nghĩ như vậy, cặp mắt tôi lại nhắm nghiền từ lúc nào không biết. “Trót!”. Một roi nữa lại quất vào mông làm tôi giật bắn mình. Cả lớp lại cười ầm nên một lần nữa. Thầy Hứa ra lịnh:
- Trở về chỗ!
Tôi đứng dậy ngó thầy Hứa và mấy đứa đang há miệng cười một cách bực tức. Nhưng liếc thấy cặp mắt buồn buồn của Lan, tôi như người sắp chết đuối vớ được mảnh ván trôi, yên trí trở về chỗ ngồi. Vừa lúc đó tiếng trống bãi học trưa cũng được đánh lên như một khúc nhạc báo giờ giải phóng.
°
Trốn học thì rất dễ. Quần áo nào cũng được, khỏi phải coi rách hay lành. Nghe trống tựu trường thì ôm sách vở ra đường đá đỏ đi lững thững về phía trường. Đi chậm thôi, làm như mắc tìm một vật gì ở dọc đường. Đợi tụi học trò chăm học vượt qua mặt mình hết. Ngó trước trông sau nếu không thấy ai để ý thì tạt nhanh vào đám mía hay bụi cây bên đường. Khúc đường thuận tiện nhất là ngang cầu Rạch Rớ cách trường khoảnh chừng một cây số. Chui nhanh xuống gầm cầu là thoát. Đừng vội giấu sách vở, phải thận trọng một chút: cứ tuột cái quần xuống, ôm sách vở ngồi chồm hổm dưới gầm cầu như người đau kiết vậy. Người đi bộ, xe ngựa chở khách, xe bò chở đường, chở bưởi qua cầu đi chợ Tân Uyên. Bụi, đất, cứt ngựa, nước đái bò có thể lọt qua kẽ ván cầu mà rơi lên đầu mình. Mặc kệ nọ, cứ ngồi im như thầy chùa ngồi hương vậy. Nghe ba tiếng trống vô học là xong. Học trò vào lớp là mình ra khỏi gầm cầu. Tụi nó đang bị thầy Hứa già xét quần áo, sách vở. Có mấy đứa bị đánh đuổi về, còn lại sẽ bị lùa vào lớp như lùa trâu vào chuồng vậy. Còn mình, chui ra khỏi gầm cầu rồi thì tha hồ muốn đi đâu thì đi như cá dưới suối, như chim trong rừng, như mấy đứa chăn trâu vậy. Trốn học vui lắm. Kiếm một chỗ giấu sách vở rồi cứ đi chơi xả giàn. Chim dòng dọc lót ổ trên ngọn mía, lủi kiếm một hồi cũng được bao nhiêu là trứng. Trứng chim này cứ nuốt sống cũng nghe béo béo thơm thơm. Tát vũng bắt cá, móc hang bắt cua, rồi nổi lửa giữa đồng nướng ăn. Ngon hết biết. Bù cho những lúc nhìn mấy đám quà bánh bán cho tựu học trò giàu mà chảy nước miếng. Gặp đám ma hay đám cưới nào liệu không có mặt cha mẹ mình ở đó thì tha hồ đứng coi. Trống hồi một nổi lên ở nhà việc, mình có thể tới đó coi người ta bất ăn trộm, ăn cướp, bắt thuế, bắt xâu, hay xử vợ chồng hàng xóm đánh lộn nữa. Chỗ nào có phát mía nấu đường mà mình đến được thì chỉ ăn đường dính chảo cũng đủ no. Cùng với tụi chăn trâu chơi đánh trỏng, đánh đu, đánh trận giả, tắm suối, bắn bia bằng giàn thun, lội sông hay hái trái gùi, trái bứa trong rừng. Chơi suốt ngày nhưng phải trông chừng mặt trời, nghe chừng tiếng trống trường. Nghe tiếng trống bãi học thì chạy u về chỗ giấu sách vở mà lấy. Tay chân lấm sình thì rửa cho sạch rồi mặc áo vào. Nhìn trước ngó sau cho kỹ lưỡng không ai để ý thì phóng nhanh ra đường đá đỏ đi về. Thường là tôi đi trước hay sau đám học trò tan học cỡ ba bốn trăm thước.
Ở nhà không ai kiểm soát nổi tôi. Mẹ tôi thì dốt không được học hành. Cha tôi chỉ biết chữ Nho, mỗi lúc ăn cơm mà có uống thêm hai xu rượu thì lại đem ra lòe vợ con:
- Di nhơn nan, di nhơn nan, tố tố di nhơn nan...[5]
Cha mẹ lại thường vắng nhà. Chị Sáu tôi cũng không biết chữ lại thương tôi lắm. Dù có biết tôi trốn học cũng chỉ rầy sơ sơ chớ không dám méc với cha mẹ tôi. Tôi mà bị đòn thì chị khóc còn nhiều hơn tôi. Muốn làm cho chị tưởng tôi chăm học, có lúc tôi cũng đem mấy câu tiếng Tây ra đọc:
- La mer se lève, le bane de sable, le banc de poissons...[6]
Nhiều khi tôi còn mang cả mía, đường, cua, cá về cho chị và hai em mà vẫn tìm cách nói dối chị tôi được kia mà.
Còn mình có đến trường hay không đối với thầy giáo Hứa không ăn thua gì. Vắng tôi thì lớp thầy bớt đi một đứa học trò ngỗ nghịch, rách rưới lại học đở. Như vậy càng đỡ cho thầy mỗi khi có ông đốc học hay thầy Cai tổng tới kiểm tra. Thầy lại rảnh rang để dạy cho tụi con nhà giàu hay có quà biếu. Nhưng mỗi khi bắt được học trò trốn học thầy cũng đánh dữ lắm. Chắc thầy sợ mang tiếng là dạy học trò không nghiêm.
Trốn thầy, gạt cha mẹ được vài lần là quen, cứ muốn trốn hoài. Mà muốn đi học lại cũng khó. Quần áo đã rách ngày cành rách thêm, học dở càng dở thêm. Nếu có ăn năn đi học lại thì cũng bị đánh, bị đuổi, bị phạt, làm trò cười cho tụi bạn cùng lớp thôi.
°
Tôi trốn học rất nhiều lần mà rất ít khi bị bắt quả tang. Thầy giáo Hứa có một đứa con trai tên là Huê học trên tôi hai lớp. Anh Huê là con người vợ trước của thầy. Bị mẹ ghẻ ghét bỏ quá nên nhiều lần anh cũng bỏ học trốn đi chơi với tụi chăn trâu như tôi. Một hôm tôi, Huê và mấy đứa chăn trâu đang chuẩn bị chơi trò đánh trận giả ở hầm than cách trường Mỹ Lộc một cánh đồng khô mới gặt. Băng ruộng mà đi thì tới trường chừng một cây số. Tụi tôi chừng hai chục đứa, đang chia làm hai phe. Một bên làm “nghĩa quân”, một bên làm “Tây”. Hai bên núp vào hai cái hầm đất sét cách nhau chừng mười thước. Hai bên sẽ “chiến đấu” bằng những viên đạn làm bằng đất sét ướt. Bên nào bị đánh bật ra khỏi hầm thì phải chịu thua chớ không được ném nhau bằng thứ đạn khác. Ai phạm luật sau này không cho chơi chung nữa. Chúng tôi đã chia làm hai phe đang sửa soạn rút thăm để chọn hầm thì bỗng thấy phía trường Mỹ Lộc có một toán học trò đang tiến về phía chúng tôi. Huê biết ngay là thầy Hứa đang dắt học trò lớp lớn đi vây bắt anh như mọi lần trước liền bỏ chức “chỉ huy mặt trận nghĩa quân” mà chạy ngay vào rừng. Tôi được anh em bên “mặt trận Tây” cho qua thay thế anh Huê vì bên “Tây” thừa người. Bỗng chợt nhớ là mình cũng là học trò trốn học. Thầy Hứa mà thấy tôi thì cũng bắt về phạt cho coi. Tôi liền đề nghị với anh em cả hai bên:
- Thôi, tụi mình không chia hai phe nữa mà cùng nhau làm “nghĩa quân” đánh lại đám học trò kia. Tụi nó đang tới đây tính bắt anh Huê, tôi cùng với đứa nào hay chơi với tụi tôi đó. Bây giờ tụi mình kể như tụi nó là “Tây” đi. Tụi mình làm nghĩa quân. Phải chuẩn bị đánh thật gắt tụi nó mới thua vì nó đông hơn mình đó.
Cả đám chăn trâu thích chí reo hò ầm ĩ. Nhất là mấy đứa nãy giờ phải ở bên “Tây” vì khỏi phải làm “Tây” nữa mà được làm “nghĩa quân”. Tụi tôi vò thêm đạn đất sét, tìm chỗ ẩn nấp trong hầm đất hay đọc theo bờ ruộng làm thành một hàng ngang quay mặt lại phía đoàn học trò đang tiến tới. Tôi cùng bốn đứa khác lập kế nghi binh giả đò khoát nước tắm cho trâu và đùa giỡn với nhau. Tôi lấy bùn, đất sét trét thêm lên mặt mũi tay chân, lên cả mình mẩy đang ở trần cho lấm lem hết. Thầy giáo Hứa đẫn đầu đoàn học trò. Thầy mang mắt kính, cầm cây ba ton chỉ trỏ về phía tụi tôi. Tụi “Tây” chừng độ năm chục đứa, đi ào ào trên ruộng khô trơ gốc rạ không thành hàng ngũ gì cả. Chúng nói chuyện râm ran như một bầy két. Được nghỉ học để đi bắt giùm thầy đứa con trốn học, chắc tụi nó cũng vui lắm. Tôi nghĩ thầm: Rồi tụi bây sẽ biết thế nào là mùi đạn đất sét.
Tới cách tụi tôi chừng hai mươi thước thì đám học trò dừng lại. Thầy Hứa gọi hỏi mấy đứa tôi đang “tắm trâu”:
- Ê, mấy thằng kia, bây có thấy trò Huê ở đâu không?
Mấy thằng chúng tôi giả bộ không nghe, cứ tiếp tục khoát nước tắm cho trâu. Thầy Hứa kéo đám học trò tiến lên mấy bước nữa, vừa đi vừa la lớn:
- Tao hỏi bây có thấy trò Huê ở đâu không? Bây điếc hả?
Chờ đám “Tây” tới gần hơn tôi mới đứng thẳng lên miệng hầm, ở trần, quần cụt ướt, người đầy bùn đất sét. Không để bọn “Tây” kịp nhận ra tôi là ai, tôi dõng dạc tuyên chiến:
- Ở đây không có trò Huê nào hết. Chỉ có “nghĩa quân” thôi. Muốn bình yên thì quay trở về ngay, còn bằng bước tới nữa thì đừng có trách... đầu lìa khỏi nón à à...
Tôi còn ráng nhớ thêm một vài câu của mấy gánh hát bộ để ra oai. Nhưng trong đám học trò đã có thằng nhận ra tôi:
- Thằng Ngộ! Thằng Ngộ đó!
- Bắt nó! - Thầy Hứa la lên, chỉ vào tôi.
Bọn “Tây” ồ ạt xông lên, vừa đúng tầm đạn thì bị một trận “mưa đạn” đất sét chặn đứng ngay lại như người đi đêm va phải mũi vào tường. Chúng nó bỏ chạy tán loạn như bầy vịt, nón mũ rớt đầy ruộng, quần áo bê bết đất sét. Nhiều đứa khóc, vấp gốc rạ ngã lăn, bò càng rồi đứng dậy chạy nữa. Thầy giáo Hứa cũng bị trúng một viên đạn ngay sống mũi. Một tay ôm mũi, một tay xách ba ton chạy xổ cả đầu tóc. “Nghĩa quân” khoái trá cười nôn ruột, hăng tiết nhảy ra khỏi hầm đất đuổi theo, vừa la vừa ném.
Thấy chúng tôi đã rời xa hầm đất chỉ còn đuổi bằng tay không, thầy giáo Hứa bèn ra lịnh cho tụi học trò “bên Tây” quay lại đánh với chúng tôi. Một số “thằng Tây” đã nhanh chân chiếm được hầm “vũ khí” đất sét của tụi tôi. Thấy ra được sai lầm thì đã quá muộn rồi. Bị dồn vào thế bí giữa đám ruộng khô, phe “nghĩa quân” phá vòng vây chạy thoát gần hết, còn lại ba đứa tử thủ là tôi và thằng Liễng, thằng Cò thì bị bắt sống. Thầy Hứa dùng cây ba ton đánh chúng tôi túi bụi. Rồi thì đám học trò trói tay chân chúng tôi lại, xỏ đòn vào khiêng đi như khiêng ba con nai bị người ta săn được Tôi mệt lả, thả cái đầu lòng thòng xuống đất, mặc nó lắc lư theo nhịp bước của hai người khiêng. Thầy Hứa định khiêng tụi tôi lên xóm cầu Rạch Rớ cho đồng bào xem, giao thằng Liễng, thằng Cò cho nhà việc Mỹ Lộc đóng trăn lại rồi mới khiêng tôi về trường. Nghĩ tới cảnh về tới trường, tôi xấu hổ chỉ muốn chết quách cho xong. Nhưng may quá nhờ đầu tôi có hai vết thương do thầy đánh đang còn chảy máu nên đến cầu Rạch Rớ, thầy giáo Hứa đổi ý cho thả tôi về nhà xức thuốc. Anh Ba Tôn, nhà ở gần gốc cây sộp, nhai lá ổi lấy xác đắp lên đầu tôi hai miếng để cầm máu. Tôi đứng dậy, còn chóng mặt, bước đi nghiêng nghiêng như người say rượu, quay lại nói với thằng Cò, thằng Liễng.
- Đừng sợ, cứ nói là tại tao xúi tụi bây đó!
°
Một chiều, vừa nghe tiếng trống tan học, tôi chạy như bay về đám mía mà tôi giấu sách vở ở đó. Tìm mãi hồi lâu không thấy đâu cả. Thật là nguy to. Nhưng không sao, tôi sẽ nói là thầy cho góp sách vở để thầy chấm bài.
Khi về đến nhà, vừa bước qua cửa tôi đã thấy mấy cuốn tập của tôi nằm chình ình cùng với một bó ngọn mía to tướng trên bộ ván giữa nhà. Ông Tư Thưởng, chủ trâu của thằng Liễng, cũng là chủ đám mía đang ngồi đó, mặt hầm hầm giận dữ. Mẹ tôi mặt buồn xo, ngồi trên góc ván phía trong bàn thờ. Câu chuyện vẫn đanh tiếp tục. Tư Thưởng nói:
- Nó ăn bao nhiêu mía đó thì còn gì là đám mía của tôi. Đồ chết thèm chết khát. Mía còn non vậy mà đạp xuống ăn, không biết thương xót. Bây giờ thì thím phải đền cả đám cho tôi. Tôi giao cho thím đó, muốn làm sao thì làm.
Mẹ tôi nhỏ nhẹ năn nỉ:
- Anh Tư à, tội nghiệp cho tôi. Lấy đâu ra tiền mà đền cho anh bây giờ. Dù anh có không thương mà lên làng kiện thì cũng vậy thôi. Nó có thèm khát lắm thì cũng ăn trộm của cô bác nó một hai cây là cùng chớ bụng đâu mà ăn nhiều dữ vậy. Mà anh bắt được nó trốn học quả tang vì giấu sách vở trong mía nhà anh chớ có bắt được nó đang ăn trộm mía đâu. Anh suy nghĩ lại mà coi. Làng tổng mà có xử tôi phải thường cho anh đám mía thì cũng là xử oan, xử ép mà thôi. Bà con xóm giếng làm vậy thì mích lòng nhau, chớ có ích gì, phải không anh Tư?
Tôi nghe mẹ tôi nói có lý quá. Nhưng ông Tư Thưởng vẫn còn hằn học:
- Không đền tiền cho tôi thì tôi kiện ở tù cả nhà đó. Đừng có tưởng cố lì ra mà xong. Nhưng thôi, tôi không bắt đền thím nữa, nhưng mà nó phải gác đám mía cho tôi. Từ giờ tới lúc phát mía nấu đường nếu có đứa nào ăn trộm một cây mía của tôi thì tôi bắt nó lên nhà việc đóng trăn.
Thấy ông chủ mía đã dịu đi phần nào, mẹ tôi tôi tiếp tục tấn công:
- Anh giận thì nói vậy thôi, chớ anh cũng biết rằng người lớn còn không gác nổi một đám mía, nó thì giữ sao được. Con tôi cũng là cháu của anh, nó còn phải đi học...
Bỗng bà quay sang tôi:
- Còn cái thằng mắc dịch mắc toi đó! Đứng ngó hả? Cúi xuống!
Tôi ngoan ngoãn nằm dài xuống đất. Mẹ tôi đi lấy cây roi mây đưa cho ông Tư Thưởng:
- Hôm nay anh bắt được nó trốn học quả tang vậy nhờ anh đánh nó giùm tôi năm roi cho nó chừa.
Thấy chắc không đòi hỏi gì hơn được với người đàn bà này, ông Tư Thưởng cầm lấy chiếc roi mây. Rồi dồn hết tức giận và lòng tiếc của, ông ta quất vào đít tôi.
- Một, hai, ba, bốn, năm, thôi, thôi chớ! - Chị Sáu tôi không biết ở đâu đâu chạy ra đếm từng roi một. Vậy mà ông ta cũng đánh quá hết hai roi, tới lúc chị tôi giật cây roi lại mới chịu thôi.
Tôi tức quá, quên hết cả đau, phủi đít đứng dậy ngó vào mặt ông ta mà nói:
- Bác ăn cướp của tôi hết hai roi quả tang đó, có ba người làm chứng, không chối được đâu!
Thấy mẹ tôi giơ cây roi lên, tôi vụt chạy mất.
---
[1] đánh khăng
[2] Một, hai,... ba!
[3] Bỏ cuộc! Bỏ cuộc!
[4] Nước Pháp muôn năm!
[5] Làm người khó, làm người khó, làm người rất khó...
[6]  Mặt biển dậy sóng, một bãi cát dài, một đàn cá...