Vậy là tôi phải viết thư cho ông Khắc sớm, không thể đợi đến lúc có dịp đi ra Bắc được. Đây là lần đầu tiên tôi viết thư gởi cho một người tôi chưa hề quen biết. Nhưng đó lại là một bức thư mà khi viết tôi thấy mình đang làm một bổn phận rất đỗi thiêng liêng. Bức thư này sở dĩ được viết là do một câu chuyện xảy ra trong chiến tranh, nhưng sau ngày giải phóng về thăm mẹ, tôi mới được biết. Mẹ và em gái út tôi sống tại một ngôi nhà nhỏ, trong khu vườn xưa cũ mà bên ngoại cho đứt khi cha mẹ tôi cưới nhau. Tôi trở lại mảnh vườn ấy sau tháng tư năm bảy mươi lăm, cái tháng khó quên, cái tháng đã cho phép những người ra đi chúng ta được trở lại. Tôi sẽ không kể những xúc động gì đã đến với tôi trong buổi sáng đầu tiên tôi đi quẩn quanh trong khu vườn đó, khi tôi đứng trước mộ cha tôi hay anh tôi, mà tôi muốn nói rằng trong buổi sáng hôm đó, tôi ngạc nhiên nhìn thấy ở bên cạnh anh tôi còn có một ngôi mộ khác, và tên tuổi ghi trên tấm bia mộ cũng hoàn toàn xa lạ. Trần Nguyên Dũng, hy sinh ngày 5-1-1968. Thấy tôi ngạc nhiên, mẹ tôi cho biết đấy là mộ của một chiến sĩ miền Bắc. Anh đã chiến đấu tại đây, bị thương nặng và hy sinh. Ngày ấy mẹ và em tôi chôn anh kín đáo, không dám đắp nấm mộ. Vì ở đây còn thuộc vùng tranh chấp, bọn địch ra vào sẽ tra hỏi rất lôi thôi. Tôi về chơi nhà được năm ngày rồi đi. Mẹ tôi thiết tha căn dặn nếu khi nào tôi có dịp ra Bắc thì ráng tầm kiếm gia đình anh Dũng, báo cho cha mẹ anh hay, để cha mẹ anh có thể vào thăm nơi anh yên nghỉ.
Tôi chưa có dịp ra Bắc sớm. Do đó tôi viết thư gởi ra trước, cho gia đình anh Dũng yên tâm. Thư tôi gởi cho cha anh, theo địa chỉ của anh để lại, do em gái tôi cất giữ khi anh mất. May mắn là anh còn để lại một tấm ảnh chụp chung với gia đình. Trong ảnh gồm cha mẹ anh và em gái.Tôi sợ gởi tấm ảnh theo thư rủi thư thất lạc mất luôn, nên đi phóng thêm, rồi mới bỏ một tấm vào bao thư. Địa chỉ cha anh là: Ông Trần Nguyên Khắc - ủy ban công tác nông thôn của Trung ương. Cứ theo địa chỉ ấy mà suy đoán, thì tôi chắc cha anh là một cán bộ lâu năm của Đảng.
Tôi cẩn thận đem thư gởi bảo đảm tại bưu điện thành phố Hồ Chí Minh. Đúng bảy hôm sau, tôi nhận được thư trả lời của chính ông Khắc. Ông nói ông hết sức cảm động được biết mẹ tôi đã chôn cất con trai ông, và nhờ tôi chuyển tới mẹ lời biết ơn sâu xa của ông, ông bảo là ông sẽ đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh vào tháng tới, kết hợp với chuyến đi, ông sẽ đến gặp tôi rồi nhờ tôi chỉ dẫn ông đi thăm mộ con ông.
Tháng sau ông Khắc vào tới thật. Ông tìm đến đúng nhà ở của tôi vào một buổi chiều muộn, lúc thành phố đã lên đèn. Khi nghe tiếng gõ cửa, tôi ra mở thì thấy một cán bộ đã luống tuổi, dáng người khắc khổ, nhưng có cặp mắt sáng ánh lên vẻ trầm tĩnh, tươi vui. Đó là ông Khắc. Ông nói:
- Cảm ơn, cảm ơn anh lắm!
Tôi đi pha trà mời ông, thì ông đã giơ một ngón tay lên:
- Anh định pha chè gì đấy? Pha chè này đi, chè Thái mộc đây...
Ông đưa một gói chè phong bao rất kỹ, và lấy ra một gói thuốc lá Điện Biên. Tôi nói lâu lắm tôi mới thấy lại gói Điện Biên. Ông hỏi:
- Thế thì anh về trong này sớm lắm nhỉ?
- Thưa bác vâng, tôi về từ đầu năm 62.
- Thằng con tôi thì mãi tới 1967 mới vào. Anh ạ, tôi nhận được tin cháu mất từ năm ngoái. Chỉ biết tin vẻn vẹn như vậy, còn trường hợp cháu chiến đấu hy sinh ra sao thì không rõ. Tôi không biết cháu hy sinh ở đâu mà tìm. Tình hình này cũng dễ hiểu thôi, cuộc chiến đấu của chúng ta đã đưa đến nhiều trận đánh rộng khắp và ác liệt, nên có biết bao tử sĩ chưa thể tìm ra mồ mả, là vì có anh biết chỗ thì sau đó lại hy sinh...
- Bác nói rất đúng.
- Tôi hiểu điều ấy, và tuy tôi có áy náy nhưng tôi vẫn yên tâm, là vì sự thật dù cháu nó có ngã xuống ở đâu thì cũng là ở trong lòng đất nước. Chỉ có điều chưa biết đích xác ở chỗ nào, trận chiến đã diễn ra sao thì còn áy náy thôi. Tội nghiệp bà nhà tôi, cứ khổ tâm về chuyện đó, hoặc như con gái tôi, nó vẫn thường nói: "- Ba ơi, con rất muốn biết trận đánh mà anh con đã hy sinh!". Nó nói đúng chứ anh, đó là cảnh quan trọng nhất đấy!
- Rồi bác sẽ được biết một phần, má tôi sẽ kể cho bác nghe. Nhưng mà sao bác không đưa bác gái và con gái của bác cùng đi!
- Hiện nay thì chưa vào được, bà nhà tôi là phó chủ nhiệm hợp tác xã, còn con cháu đang bận đi dạy. Nhưng sẽ vào, thống nhất rồi, lo gì!
Tôi và ông Khắc bàn tới chuyện về dưới quê mẹ tôi. Ông đề nghị tôi chỉ đường đất để ông đi. Tôi lắc đầu:
- Không, tôi đi với bác, tôi sẽ đưa bác đến tận nơi. Má tôi đã giao phận sự này cho tôi, bác khỏi lo lắng gì cả. Ta có thể đi vào sớm mai, nếu bác muốn?
- Vậy thì tốt quá, tranh thủ mấy ngày hội nghị chưa bắt đầu. à, tôi có xe đấy!
Vừa nói "- Tôi có xe đấy!", ông lại cười hóm:
- Nhưng ta có cần thiết đi xe riêng không. Tôi nghe nói xe đò trong này đi tốt, hay là ta đi xe đò?".
Tôi nói:
- Đi xe đò tốt, chỉ ngại cấp trên có trách cứ chi về vấn đề bảo vệ cho bác không?
Ông Khắc cười:
- ồ không đâu, không có phiền gì đâu. Tôi muốn đi thăm cháu như mọi người khác. Ta cứ đi xe đò nhé!
Chúng tôi ra đi từ lúc thành phố vừa rạng sáng. Quãng đường từ nhà tôi ra xa cảng Miền Tây cũng khá xa, nên tôi nhờ ô tô của cơ quan đưa. Tới xa cảng, tôi dẫn ông Khắc và kiếm xe chạy Cần Thơ. Trong lúc đợi xe chạy, ông Khắc ngó nhìn phụ nữ, trẻ con bán quà bánh chạy tới chạy lui đông ken tất cả thì lắc đầu:
- Cái vụ này không tốt!
- Tốt làm sao được mà tốt, lần lần rồi phải tính...
Xe bắt đầu chạy. Trên đường, ông Khắc chăm chú nhìn những cánh đồng bát ngát ở bên đường. Lúa đã đâm bông. Ông Khắc buột kêu:
- Lúa tốt quá!
Rồi lát sau, ông day hỏi tôi, nụ cười nở trên môi:
- Bà con nông dân mình trong này nghĩ gì về con đường hợp tác hóa?
Câu hỏi quá rộng khiến tôi rất khó trả lời, nhưng tôi nhìn ông, cười đáp:
Thì cũng như người nông dân ngoài Bắc hồi sắp biết vô con đường đó. Ai cũng thấy là phải đi con đường đó, nhưng lòng riêng ai cũng ray rứt. ở trong này đã chớm mầm sự ray rứt như vậy!
Ông Khắc bật cười:
năm mười năm sau, anh ta lại nở ruột bởi vì ruột anh ta vẫn còn nguyên chớ có đứt đâu!
Ông Khắc cười khà khà. Xe đi qua "Bắc" Mỹ Thuận, ông nhìn sông Cửu Long một cách bỡ ngỡ, say mê. Rồi ở từng chặng đường, xe liên tiếp qua cầu, vì có vô số con rạch cuộn chảy đưa nước phù sa từ sông cái Cửu Long vào ruộng vườn. Ông Khắc kêu lên:
- Cứ như đất và nước thế này mà biết làm ăn đúng mức thì nước ta rồi sẽ giàu nứt đố đổ vách chứ không à?
Đến quãng lộ giữa Vĩnh Long và "Bắc" Cần Thơ, tôi nói với ông rằng chính ở quãng lộ này anh em đồng chí ta đã đổ rất nhiều máu, vì địch phục kích thường lắm. Mà ai ở trên rừng căn cứ địa Miền Đông xuống Miền Tây đều phải qua lộ này. Nghe tôi nói, ông Khắc ngó nhìn xuống mặt lộ. Mắt ông nhòa đi.
Xe tới gần Cần Thơ vào lối mười một giờ, tôi dắt ông Khắc tới một chiếc xe lam. Bà con ngồi khít lại, nhường chỗ cho chúng tôi. Xe chạy chừng năm cây số thì tới một chợ vườn nhỏ, tôi nói tài xế cho xuống. Tôi cùng ông Khắc đi qua một cây cầu ván, cây cầu mà ngày nhỏ tôi thường ra đây cùng lũ bạn leo lên thành cầu, sắp hàng nhảy đứng sựng xuống sông từng đứa một. Qua khỏi cầu, tôi trỏ vô miệt vườn xanh um nói:
- Mình ráng đi bộ vô đó chừng non một cây số là tới. Bác có mệt không?
Ông lắc đầu, lặng lẽ quan sát con đường dẫn vô vườn. Có lẽ ông đang cố gắng ghi nhớ kỹ từng cây cau, tàu chuối, nghĩa là mọi cảnh vật từ giờ trở đi ông biết rằng có một dạo con ông đã đi qua, đã đóng quân và chiến đấu. Tôi giải thích cho ông những cái cây mà tôi thấy ở ngoài Bắc không có, như cây gòn, sầu riêng, mận hồng đào ở vườn các nhà sát đường đi. Nhờ có báo trước, khi tôi với ông Khắc về tới, mẹ và em tôi đã chuẩn bị đón sẵn. Có cả cậu Năm tôi ở đó. Mẹ tôi cúi đầu chào ông Khắc, rồi nói:
- Bác vô được để thăm cháu tôi rất mừng.
Mẹ tôi mời ông Khắc ngồi nghỉ ăn trái cây vườn nhà đã bày như cam, quít. Em gái út tôi pha trà bằng cái bình trà lớn. Tôi kéo em tôi lại:
- Cho uống trà đậm đi em, lấy cái bình Mạnh Thần ấy! Có trà ngon bác đem ở ngoài vô đây!
Chúng tôi ngồi nghỉ uống nước, ăn trái cây một lúc thì mẹ tôi ngỏ lời xin đưa ông Khắc ra vườn. Lúc bấy giờ đã giữa trưa, khu vườn im mát, tỏa hương nhè nhẹ. Ngoài sáu bảy cây cau cụt ngọn vì miểng pháo và những thân cây chi chít vết đạn, khu vườn nhà tôi vẫn tồn tại qua bao cơn bão lửa, khác nào như được một phép lạ chở che. Ngôi mộ của anh Dũng nằm cạnh mộ anh tôi. Cả hai ngôi mộ đều được mấy cây cam trĩu quả che mát. Ông Khắc cúi đầu bên mộ con lặng lẽ hồi lâu. Lát sau, ông đứng lên, mắt đỏ hoe. Ông cầm tay mẹ tôi, không nói gì rồi bước tới ôm hôn em gái tôi. Mẹ tôi chỉ mộ anh tôi nói:
- Thằng Hai tôi đây cũng tử trận hồi bốn lăm đó bác!
Ông Khắc đứng im một lúc rưng rưng thốt:
- Tôi thật không ngờ cuộc chiến đấu của chúng ta lại dài đến thế, mãi từ bốn nhăm đến bảy nhăm mới dứt!
... Chiều đó, mẹ và em gái tôi dọn bữa cơm thường nhưng trân trọng. Khi mâm ăn sắp dọn, mâm cũng được mẹ tôi bưng ra phần mộ cầm bó nhang mới hiệu "Phật bà Quan âm" trao cho ông Khắc:
- Bác thắp nhang cho cháu, để cháu nó biết bác đã vô thăm!
Trong lúc đó, không biết cậu Năm tôi từ bên nhà cậu trở qua hồi nào, đang cầm chai rượu rót ra ly nhỏ đặt lên mâm cơm cúng. Tôi bưng cái đèn ống khói kiểu trứng vịt đưa sát gần để ông Khắc thắp nhang.
Sau đó, chúng tôi vào nhà ăn cơm, có cả cậu Năm tôi, cùng chai rượu nếp trong vắt của cậu, rót ra ly mời ông Khắc. Những món ăn do mẹ và em tôi nấu hôm ấy là những món thường thấy ở quê tôi, gồm có cá rô mề cặp gắp nướng, thịt gà luộc bóp rau rút và món canh chua cá lóc nấu với bông so đũa. Ông Khắc ăn qua, đều khen. Cậu Năm tôi rất khoái khách xa tới biết thưởng thức món ăn ở chỗ cậu, nên cậu  nói cặn kẽ cho ông Khắc biết rằng tuy đó là những món thường, nhưng phải đúng vô tháng này mới ngon. Cá rô mùa này nhảy đớp lúa dọc theo ruộng ăn nên thân nó mập béo. Rau rút mùa này cũng tốt cọng và bông so đũa cũng đẹp bông lắm. Cậu Năm tôi còn giới thiệu cho ông Khắc mùa lúa này cầm chắc sẽ trừng trung bình không dưới mười lăm giạ một công. Cậu Năm tôi làm ruộng từ nhỏ tới lớn, kinh nghiệm phong phú, nói ra nhiều chuyện khiến ông Khắc hết sức chú ý. Tôi thì không rõ thế nào, chớ cậu Năm tôi quả quyết rằng nếu hiện nay thiếu phân hóa học mà chưa có cách hỗ trợ kịp thì chớ có cày sâu mà chỉ nên cày vừa phải để có thể tận dụng phân các mùa trước còn trong đất. Cậu nói trước nay mình dựa vô phân hóa học nhiều quá, chớ đất đai vốn đã tốt, nếu cố khai thác hết sức các thứ phân có sẵn thì không sợ. Tôi thấy ông Khắc đặc biệt chú ý tới các ý kiến của cậu Năm tôi. Ăn cơm xong ông mở xác cốt lấy ra hí hoáy ghi, ông nói với tôi:
- Tôi chẳng cần đi đâu xa, tại quê anh có những vấn đề nông nghiệp chúng tôi đang lưu tâm. Thật là tốt, chuyến đi này tôi vừa thăm được cháu, lại hiểu thêm những vấn đề nảy sinh trên đồng ruộng vùng châu thổ... Có lẽ, tôi sẽ còn lui tới đây nhiều!
Cậu Năm tôi nói chuyện bàn bạc say sưa với ông Khắc tới chập tối mới cáo từ trở về nhà cậu ở bên cạnh. Còn lại tôi, mẹ tôi và ông Khắc ngồi quanh bàn. Em gái tôi thì ngồi ở góc bộ ván, khâu vá gì đó. Ông khắc mở cái túi, lấy ra một gói giấy đưa cho mẹ tôi:
- Bà nhà tôi có ít quà gởi biếu bác. Được biết nhà ta lo lắng phần mộ cho cháu chu đáo, bà nhà tôi cảm động và mừng lắm!
Những thức ông Khắc biếu mẹ tôi gồm có trà, nấm hương và bột sắn dây mà vợ ông tự mài củ làm lấy. Mẹ tôi cảm ơn và nói:
- Bác đi xa đã nặng còn đem cho nhiều thứ. Thiệt ra chúng tôi còn phải cảm ơn gia đình bác, vì gia đình bác rứt ruột đưa con mình vô, cùng con cái chúng tôi ra trận đánh Mỹ.
Ngừng lại một lúc mẹ tôi tiếp:
- Để tôi kể cho bác nghe... Dạo đó là những ngày giáp Tết, anh em bộ đội ở đâu kéo về ở xã tôi rất đông. Nhà tôi được giao một tiểu đội, hầu hết là mấy cháu ngoài đó, Cháu Dũng là trung đội phó kiêm tiểu đội trưởng, chỉ huy hết mấy cháu trong nhà. Bữa chiều mấy cháu tới nhà tôi đã là chiều hăm bảy Tết. Tôi được chi bộ xã phổ biến là phải giữ gìn kín việc bộ đội đóng nơi nhà, và ráng lo vật chất đầy đủ cho các cháu ăn Tết. tuy mấy cháu nó rất bí mật, nhưng tôi biết kiểu này là sắp có đánh lớn. Về việc lo cho các cháu ăn tết, chi bộ không nói, chúng tôi cũng tự thấy là phải lo. Tôi với con út tôi đây, hồi đó nó mới có mười ba, lập tức ngâm thêm nếp, đậu để gói thêm nhiều bánh. Hai mẹ con tôi thu xếp cho các cháu có đủ chỗ nghỉ trong nhà, nhưng cháu Dũng cứ nói: "- Báo cáo mẹ chúng con xin đóng ở ngoài vườn, chúng con có võng..." Tôi nhớ, nói chuyện với tôi, lần nào cháu Dũng cũng "Báo cáo mẹ...", cứ như tôi là chỉ huy ấy. Sáng hôm sau, mấy cháu rục rịch lo cơm nước lấy. Tôi không cho, nói: "- Phần đó để tôi với em đây lo, mấy đứa cứ lo dưỡng sức cho mạnh..." Cháu Dũng và các cháu không chịu cứ giành nấu cơm cho tiểu đội và cả cho mẹ con tôi. Tôi cản hoài không được, phải làm mặt giận, cháu Dũng mới nhượng bộ, để mẹ con tôi lo cơm nước. Phải nói là mấy cháu gìn giữ cẩn trọng, không dám làm bận rộn hoặc hao hớt chút gì của gia đình. Nấu nước uống trà, các cháu cũng đi quơ chà gai về nấu. Tôi để ý thấy có đứa đem quần áo ra tự khíu vá. Chẳng bù với mấy đứa bộ đội tỉnh nhà, mới về vừa tới đầu ngõ đã kêu: "- Má ơi, cho tụi con ăn cơm nghen má!". Tôi nghĩ vừa thương vừa giận. Thương là thương lâu nay các cháu ở trên rừng, tức nhiên là phải tự lực hết, nên các cháu đã quen đi. Giận là giận tụi nó hình như coi chúng tôi ở đây chưa hề biết nuôi bộ đội, chứa cán bộ lần nào hay sao ấy. Nhưng nghĩ cho cùng, chẳng qua do các cháu chưa hiểu nên còn e dè. Cho nên tôi biểu cháu Dũng triệu tập hết tiểu đội lại để tôi có ý kiến. Nghe tôi biểu, cháu Dũng coi bộ lạ lắm, nhưng cũng thu xếp tập họp anh em lại ngay. Tôi nói: "- Các con nên biết rằng nhà má nuôi cộng sản từ hồi Tây, từ kháng chiến đánh Tây tới giờ, nhà má chứa bộ đội có chừng một trăm lần. Các con tới ở đây nên coi nhà má như nhà mình, chớ giữ ý giữ tứ kiểu đó là má giận. Cái gì mà nấu trà lại đi quơ chà gai, thiếu chi củi đước củi tràm không chụm. Lần này các con ăn Tết ở nhà má coi như ở gia đình. Tao với con út đã lo đầy đủ. Tối nay, đề nghị tiểu đội trưởng phân công anh em coi chừng nồi bánh tét tiếp má, để má với con út còn lo gói bánh ếch!". Các cháu trong tiểu đội vỗ tay hoan nghinh rần rần. Cháu Dũng đứng ra nhận khuyết điểm, hứa sẽ không gìn giữ quá đáng vậy nữa. Bác à, cháu Dũng nó ăn nói thiệt rành rẽ. Tôi coi mòi nó có tướng văn hơn tướng võ. Bộ nó học cao lắm sao bác. Lúc rảnh cháu giảng giải toán cho con út nghe trơn tru hết. Tiểu đội của cháu Dũng ở nhà tôi có hai hôm, rồi vào đêm 29 Tết thình lình có lịnh rút đi. Các cháu từ giã tôi ra đi không kịp ăn Tết gì cả. Tôi với con út chưng hửng, buồn thiệt là buồn. Thú thiệt với bác, tôi muốn ngồi coi các cháu ăn một cái Tết ở nhà tôi cho mát bụng. Là vì các cháu vừa ở trên rừng xuống, hơn nữa đều là các cháu ở ngoài Bắc, xa gia đình cha mẹ, ngày Tết là ngày dễ nhớ nhà nhứt. Tôi nghĩ các cháu đã trèo vượt qua bao đỉnh non cao, lội qua biết bao ghềnh thác để vô tới đây cứu nước, thì tôi càng thương hơn những đứa ở trong này, cho nên khi nghe cháu Dũng nó đến bên nói: "Báo cáo mẹ, chúng con có lệnh hành quân!" thì tôi buồn quá, đành phải đem bánh trái phân phát cho các cháu đem theo. Nhưng biết bao nhiêu là thứ, các cháu đâu có đem được hết, vì cháu nào cũng mang ba lô ruột tượng gạo và súng đạn. Mẹ con tôi buộc vào ba lô mỗi cháu một cặp bánh tét, nhưng mở, nhét thêm một chục bánh ếch, một gói mứt. Các cháu không thể từ chối, cứ phải để mẹ con tôi trang bị cho cái Tết hành quân đó. Lúc lên đường, đứa nào cũng khóc. Con út tôi rất quyến luyến cháu Dũng, vì tuy ở đây có hai ngày mà cháu Dũng đã tranh thủ giúp nó lập nên chương trình học ôn để có thể thi lên lớp tốt. Con út nói với tôi: "- ảnh học giỏi lắm má ơi, ảnh đã tốt nghiệp đại học, rồi được cho đi học ở nước ngoài mà ảnh lại không đi đó má!". Tôi ngạc nhiên hỏi sao con biết. Nó nói mấy anh trong tiểu đội nói. Tối đó, tôi và con út tiễn tiểu đội cháu Dũng đi, giữa lúc các nhà hàng xóm cũng tiễn bộ đội ra đường. Tôi nghĩ đã 29 Tết rồi mà hành quân, thì không biết giao thừa các cháu sẽ ăn Tết ở đâu. Tôi cũng hoàn toàn không biết là chỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau, một trận đánh lớn đã xảy ra cùng một lúc trên khắp miền Nam, trận Tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân làm cho Mỹ ngụy kinh hồn táng đởm. Đêm 30 Tết rạng ngày mùng một, bọn Mỹ ngụy ở Cần Thơ bị tấn công. Tiếng pháo lớn, tiếng súng nhỏ rộ lên từ thị xã. ánh lửa sáng rực tới miệt vườn này, con út tôi bắt đài, la lên Sài Gòn cũng bị tấn công. Rồi nó ôm đài nghe miết, lát sau nói tỉnh nào cũng bị mình tấn công hết. Nó la rùm: "- Rồi, mấy anh ở nhà mình chắc là đã lột vô thành phố Cần Thơ rồi!" Chúng tôi mừng quýnh lên. Nhưng lần đó thì bác biết rồi, mình đã đánh nó một trận quá nặng, ngặt hồi đó nó còn mạnh, nó củng cố lại được. Thiệt ra, tới năm bảy bữa sau nó mới tỉnh hồn, rồi mới phản kích lại dữ. Tôi không ngờ tới bữa thứ năm, bộ đội lại trở về. Tiểu đội cháu Dũng về lại nhà tôi, nhưng trước các cháu có mười hai, giờ còn chẵn mười. Hai cháu đã hy sinh. Cháu Dũng cũng như chín cháu kia trở lại, mặt mày đầy đất bụi, áo quần lớp bị xém cháy, lớp bị rách tả tơi, nhưng cháu nào cũng cười cười nói nói. Và lần này, cháu Dũng đã mạnh dạn nói với tôi nấu cơm cho cả tiểu đội ăn. Tôi rất đau đớn thấy thiếu mất hai cháu, nhưng không dám hỏi, chỉ nói:
- Bộ đánh vô găng lắm hả con? Má cứ ngờ các con đã lấy được thành phố rồi!
- Găng lắm má, nhưng bây giờ chưa chiếm được thì bữa khác các con cũng chiếm được thôi!
Cháu Dũng nói với tôi như vậy. Đứa nào đứa nấy cũng còn hăm hăm hở hở. Đêm đó, tôi lo cho các cháu ăn uống tắm giặt, nhưng đứa nào cũng tắm sơ sịa rồi ngủ. Chưa tới sáng, tất cả được cháu Dũng đánh thức, rồi nhào ra đào công sự ở ngoài mé vườn giáp ruộng. Rồi cả mười anh em bám chặt ở đó không vô nhà nữa. Tôi hơi lấy làm lạ không hiểu có tin gì mà các cháu hờm sẵn ở đó. Khi mang cơm ra, tôi hỏi nhóng thì cháu Dũng ôm lấy vai tôi nói:
- Địch có thể sẽ đổ quân ở cuộc phản kích thọc vào vùng này. Má và em út đừng ra vô nữa, phải bám hầm trong nhà!
Tôi nói:
- Bám hầm thì ai đem cơm ra cho mấy con?
- Không sao, mỗi sáng chúng con đem cơm ra ăn luôn tới ba giờ chiều.
Ngày đầu tiên, tình hình êm ái không có gì. Chỉ có pháo Mỹ bắn đôi ba chục trái ở xã trên. Nhưng tới gần rạng sáng ngày thứ hai thì pháo bắn dữ dội cặp mé vườn. Tôi với con út lo cơm nước cho các cháu xong thì trời rựng sáng. Pháo địch lại bắn thêm nhiều đợt, rồi con đầm già lên quần đảo dò la. Nắng lên độ một sào thì trực thăng bầy lên đổ quân Mỹ xuống ruộng. Cặp dài theo mí vườn, không riêng gì mí vườn nhà tôi, đâu đâu cũng có bộ đội đợi Mỹ xáp vô là đánh. Tôi với con út ở hầm nhà nghe súng nổ vào lối tám giờ sáng. Tưởng như đánh ở khắp hậu vườn. Hết một đợt thì lại ngừng, kế lại nổ. Cứ như vậy cho tới xế chiều. Bác coi, hai mẹ con tôi ở dưới hầm không biết tình hình ra làm sao. Thấy êm hơi lâu lâu, hai mẹ con mới lên khỏi hầm thì các cháu vừa kéo vô. Tốp đi đầu khiêng một đứa, tốp đi sau khiêng một đứa. Cháu được khiêng đầu chính là cháu Dũng, bị thương nặng ở bụng. Cháu khiêng sau thì đã chết. Trận đánh phản kích ở ven vườn xã tôi ngày hôm đó đã diễn ra mười một đợt, cuối cùng tụi Mỹ phải gom hằng trăm thây ra ruộng, kêu trực thăng tới chở rồi chạy luôn. Tôi tưởng sau trận đánh, các cháu còn nghỉ lại, nào ngờ có lịnh hành quân liền, chi bộ xã động viên cô bác chôn cất các cháu tử trận và lo bảo vệ cất giấu các cháu bị thương, vì đơn vị bộ đội còn có nhiệm vụ chiến đấu không thể đem theo được. Phần mẹ con tôi được giao cháu Dũng... Chuyện đã qua, giờ kể lại chỉ sợ bác đau lòng thêm, nhưng tôi nghĩ cũng phải nói rõ với bác. Chính cháu Dũng cũng biết mình khó sống nên cương quyết không chịu để bà con khiêng đi lên quân y. Cháu tỉnh táo lạ thường, và đó là điều càng khiến tôi lấy làm lo sợ, vì tôi có được ngó thấy cháu lớn nhà tôi hồi ấy trước khi chết cũng tỉnh quá đi. Cái đêm hôm đó, cháu nằm trên bộ ván này, có tôi với con út luôn luôn ở bên cạnh. Cháu trỏ vô ngực áo, nhờ tôi lấy ra một cái bóp nhỏ.
- Mẹ cất hộ con, có địa chỉ và ảnh gia đình con trong đó...
Cháu chỉ nói vậy, rồi nằm ngó ra đêm tối, như là cháu muốn nhìn đi đâu thiệt là xa. Từ đó cho tới lúc yên nghỉ, cháu không hề mê, không hề nói lẫn điều gì. Tôi còn nhớ cuối cùng cháu ngó nhìn tôi và con út đăm đăm, rồi đưa tay ra hiệu cho mẹ con tôi ngồi thấp xuống. Cháu ráng day qua, ghé hôn tôi, hôn con út. Rồi cháu mất...
Mẹ tôi dừng lại, với lấy cái khăn rằn đỏ vắt trên vai chùi nước mắt. Em út tôi từ nãy giờ ngồi im lìm ở góc bộ ván bắt đầu sụt sịt khóc. Mẹ tôi tiếp lời, giọng nghẹn ngào:
- Chắc cháu nó tính như... vậy thì coi như đã được hôn mẹ với em, bởi khi mới tới cháu nó có nói: "- Mẹ à, con cũng có mẹ và một đứa em gái bằng em út..."
Nghe chuyện mẹ tôi kể, chính tôi cũng không cầm được nước mắt thì nói gì ông Khắc. Ông đã để nước mắt trào ra. Chúng tôi ngồi im lặng, trong một đêm đã an bình, tưởng nhớ không riêng anh Dũng mà còn tưởng nhớ tới bao nhiêu anh em đồng chí khác đã hy sinh. Thình lình, ông Khắc nhìn mẹ tôi và nói:
- Bác sợ tôi đau đớn thêm ư? Thưa bác, điều đó chúng tôi đã nhận được từ mấy năm nay và đã chịu đựng. Nhưng tôi nghĩ có thấm gì sánh với nhiều gia đình khác còn hy sinh nhiều đứa con hơn tôi. Nỗi đau đớn của tôi có thấm gì so với nỗi đau của bà con ở trong này. Chúng ta mỗi người gánh lấy một chút, nhờ đó mới có ngày hôm nay. Một lần nữa tôi xin cảm ơn bác cũng như cháu đã ở sát bên con tôi trong những giây phút cuối. Được nghe bác cho biết tận tường, tôi rất yên tâm, vì như vậy thì con trai tôi không đến nỗi dở. ít nhất, nó đã cùng anh em đánh lui được quân thù rồi mới chết, ít nhất nó cũng đã góp sức không cho phép giặc Mỹ tràn vô tự do càn phá vườn cây tươi tốt mà chính mắt tôi được trông thấy ngày hôm nay. Trong khi kể lại chuyện về cháu, ban nãy bác có nói một chi tiết là việc cháu được quyết định đi học ở nước ngoài mà không chịu đi. Tôi muốn nói để gia đình ta rõ hơn. Việc đó có thực đấy. Đáng lẽ, nếu cứ theo sự đề nghị của tổ chức thì cháu Dũng đã được đi học ở nước Cộng hòa Dân chủ Đức, và cháu đã trở về từ ba năm nay với học vị Phó tiến sĩ. Tôi chắc như vậy, vì cháu nó học giỏi bác ạ. Nhưng tôi cũng thành thực mà nói rằng lúc đó tôi không muốn cháu đi học ở nước ngoài. Không phải tôi cho rằng sự đi học ở nước ngoài là không cần và không có ích. Rất cần và có ích. Nhưng trong nước đang có giặc, và trong những năm ác liệt đó, có một chỗ cần con tôi hơn, đó là tiền tuyến, không phải tôi làm ra vẻ cao thượng gì đâu, mà thực lòng tôi muốn như vậy, lương tâm tôi muốn như vậy. Là vì, chắc về lâu về dài tôi sẽ ân hận nhiều, nếu tôi có đứa con trai mà không dám giao nó cho Đảng, trong những năm kẻ thù đông tới trên một triệu tên. Thưa với bác, tôi có tuổi Đảng gần ba mươi năm do vậy mà tôi sẽ vô cùng áy náy nếu mỗi lần tôi đi công tác về các xã, ở ngoài Bắc cũng như trong Nam, thường gặp những người cha người mẹ nông dân có tới ba, năm hoặc sáu đứa con ra trận không trở lại. Có điều, đó cũng chẳng phải chỉ là ý muốn của tôi. Đáng mừng thay, đó cũng là ý muốn của con tôi. Chính cháu nó cũng nói: "Con cũng muốn được vào Nam chiến đấu, còn việc đi học tính sau!" Lúc ấy, nghe con nói tôi càng yêu quý nó biết chừng nào. Chính vì thế mà về sau hay tin cháu nó hy sinh, lòng tôi càng đau đớn hơn. Bây giờ và sau này, tôi và gia đình vẫn đau đớn, nhưng chúng tôi không ân hận, lương tâm rất yên ổn...
Ông Khắc đã thôi nói. Bấy giờ gia đình chúng tôi và ông Khắc lại ngồi im lặng. Riêng tôi bị bất ngờ đưa dẫn từ nỗi xúc động về người con đến nỗi xúc động đối với người cha. Cho tới lúc đó, tôi đưa mắt nhìn ông Khắc, ngỡ như từ hôm qua tới giờ tôi mới thực sự biết ông. Vậy mà nhìn ông ngồi, ông vẫn cứ như thế, giản dị và lặng lẽ.
Đêm tháng mười, vườn nhà tôi đang dịu dàng tỏa hương. Mùi hương nghe tợ như hương hoa cau, hoa bưởi hay hương sầu riêng hợp lại chớ không hẳn là hương riêng của một thứ hoa trái nào. ấy là mùi hương miệt vườn đã có từ xa xưa. Trong đêm bình yên không còn nghe thấy một tiếng súng này, hương vườn càng ngây ngất, và thỉnh thoảng khu vườn lại dậy gió rì rào, tưởng chừng như cây lá trong vườn đang cất lên trăm ngàn tiếng nói.
1976

Xem Tiếp: ----