"Làm sao để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người lương thiện, mà điều quan trọng là ta có thể giã từ một thế giới lương thiện hơn"
Lời cô Giannơ trong vở kịch "Cô Thánh Giannơ ở lò sát sinh" củ Béctôn Brếch
Vào lối gần ba giờ khuya, ông Sáu Thiệt chợt giật mình thức giấc. Trong phố vừa dậy lên tiếng la thét, kế có mấy phát súng nổ và tiếng chân rượt đuổi rầm rập. Nằm bên cạnh, bà Sáu cũng trở mình day qua phía ông khẽ hỏi:
- Gì vậy anh?
- Chắc có trộm leo nhà ai đó, đang bị phường đội rượt.
Bà Sáu nằm im một lát rồi chép miệng:
- Hổm rày thấy êm êm, mình đã mừng, bây giờ lại..
- ờ, nói chung ở phường nào mà còn vụ đó thì mất vui. Để yên, coi mấy chú phường đội có bắt được thằng ăn trộm này không..
Ông Sáu không phải đợi lâu. Chỉ một lát sau, có tiếng chân rình rịch kéo ngang qua cửa nhà ông, và một chú phường đội nào đó lên giọng hăm he:
- Trận này mày chết, trận này mày ở tù rụt xương rồi Côn ơi!
Ông Sáu nhổm ngay dậy, vén mùng bước xuống giường mò mẫm bật đèn. Rồi ông mở cửa đi gấy ra. Tốp phường đội vừa mới qua khỏi. Nhưng dưới ánh đèn đường rọi sáng, ông Sáu ngó thấy, đi trước mấy chú phường đội cầm súng, quả là thằng Côn thật. Nó bị trói, đi lững thững, trên người vẫn mặc bộ đồ lính ngụy cũ tã, và cái đầu tóc của nó lúc nào cũng cứ xửng lên. Ông Sáu đứng yên trước cổng, dòm theo, cho tới khi thằng Côn cùng tốp phường đội rẽ khuất sang một lối phố khác, ông mới trở vào. Không nói không rằng, ông tắt đèn lên giường nằm lại như cũ
Bà Sáu hỏi:
- Sao, bắt được rồi hả anh?
- ờ, lại thằng Côn..
Ông Sáu miễn cưỡng đáp, giọng buồn bã. Từ đó, ông nằm yên không nhúc nhích, cố dỗ lại giấc ngủ. Nhưng ông không thể ngủ lại được. Chuyện thằng Côn một lần nữa leo trộm nhà người ta vừa bị bắt khiến cho mấy chú phường đội hớn hở vui mừng, nhưng ông thì ngược lại, ông lại thấy buồn, thấy trong lương tâm tuồng như có điều cắng đắng. Thằng nhỏ ấy đi ăn trộm bị bắt lần này là lần thứ hai rồi chớ không phải lần đầu. Thành ra ông Sáu càng khẳng định không phải là thằng trộm nghề. Bởi nếu là trộm nghề, dễ gì bắt được nó ngon ơ như vậy. Thằng trộm nghề nhất định phải có mánh lới lừa lọc tối thiểu, chớ đằng này hầu như lần nào vừa trổ ngón nó cũng đều bị tóm.
Song, sự nhận xét và suy gẫm của ông Sáu không chỉ căn cứ ở tính chất của một tên trộm. Sự nhất của ông bắt đầu từ con người thằng nhỏ, từ thằng Côn, sau khi ông về hưu hẳn tại phường này với cấp bậc thượng tá. Trước lúc nghỉ hưu, ông đã ở đây, trong ngôi nhà vợ ông thừa hưởng của gia đình nhưng lúc đó hầu như suốt ngày ông làm việc tại Cục Chính trị Quân khu, nên đối với phường khóm vẫn có sự cách biệt. Chỉ gần một năm nay, ông mới biết rõ phường ông, biết rõ thế nào là một cái phường. Theo ông đó là một xã hội thành phố thâu nhỏ lại chừng mười lăm ngàn dân, gồm đủ loại người, với đủ các loại sự cố vui buồn, xấu tốt, gian ngay. ở đó, ông cảm thấy mình như được gắn trả vào mạch máu luôn phập phồng, cái nhịp đập tức thời của đời sống, từ sự nhỏ nhoi ti tiện cho tới sự tốt đẹp lớn lao, ở những căn nhà chật chội cho tới bên trong các ngôi nhà sang trọng. Chính ông cũng không ngờ rằng việc về hưu, trước nay được không ít người coi như là một cảnh đời buồn, "ô tô không có để điều khiển", thì bây giờ sau một năm về hưu ông lại thích thú nhận ra những năm cuối đời, mình như được trả về giữa dòng cuộc sống tươi rói, và chính điều đó đã làm cho ông cảm thấy mình trẻ lại. Đối với ông, giờ đây chỉ có một điều đòi hỏi duy nhất là lầm lũi nhập vô dòng sống đó, không đứng rời ra mà cũng không đứng ở bên trên. Ông đã sinh hoạt chi bộ Đảng và tổ dân phố không sót một buổi. Ngoài ra ông vẫn thường đi xếp hàng mua gạo và nhu yếu phẩm. Trừ các anh chị ở phường, ít ai biết ông là một thượng tá. Người ta chỉ biết đó là một ông già trước ở bộ đội, bây giờ về hưu, bình thường hết sức, vì đi đâu ông cũng mặc quần bộ đội đã bạc, sơ mi ngắn tay trắng và đầu đội chiếc mũ cối cũng đã cũ.
Chính nhờ một lần đi mua gạo mà ông Sáu biết thằng Côn. Hôm ấy trong lúc đứng tới lượt mình, ông thấy nó với năm ba đứa khác nhỏ hơn, cả trai lẫn gái, lởn vởn tại cửa hàng gạo. Nó là đứa lớn nhất, trạc mười bảy mười tám, cầm đầu tốp nhỏ ấy với hai cái xe cây tự tạo, chắp vá, có bánh đẩy. Hễ một lần được mối, ông nghe lũ trẻ gọi.
- Anh Côn ơi! Em đi chuyến này nghen!
- Anh Côn đi tới đường Nguyễn Văn Trỗi, lấy bao nhiêu?
Vậy là thằng Côn đứng ra phân công, tính giá. Có nhiều người mua gạo xong; đèo xe đạp về, nhưng cũng có nhiều người thuê lũ trẻ. Lần đó, ông Sáu đã gọi tụi nó chở, mặc dù ông đi xe đạp, nhưng ông nghĩ: "Để tụi nó chở, tụi nó mới có miếng ăn!". Khi biết nhà ông ở cách cửa hàng gạo hơi xa thằng Côn bảo lũ trẻ: "Thôi, để tao đi!" Ông để ý thấy nó có sự cáng đáng việc nặng nhọc, chớ không phải chỉ đóng vai trò thằng trùm nhóc đứng chỉ tay năm ngón. Điều làm ông hơi ngạc nhiên nữa là về tới nhà, sau khi nó vác bao gạo xăng xái đem tuốt vô bếp, ông móc túi đưa nó một đồng, thì nó nói: "Cháu xin ông năm mươi xu thôi!". Cho nên ông đã nhìn nó như một thằng nhỏ biết điều, ít nhất nó còn có sự lương thiện. Từ đó ông để ý tìm hiểu, được biết, thằng Côn và lũ trẻ đều không có nhà cửa, cha mẹ. Lúc nào chúng nó cũng quẩn quanh trong xóm, thằng Côn đi đầu, cao lêu nghêu trong bộ đồ lính cũ rách, và lũ trẻ đi sau áo quần cũng đã tả tơi như nó. Dạo ấy, cái điều mà ông còn lơ mơ chưa rõ là không biết đêm đêm thằng Côn và lũ trẻ ngủ ở đâu. Ông đã đem chuyện này hỏi bí thư chi bộ, cũng vốn là một trung úy trẻ chuyển về. Anh bí thư bảo rằng chính anh ta cũng không rõ, anh nói chúng ngủ ngoài chùa gì đó. Lần ấy ông Sáu đã nổi nóng nhưng ông kịp dằn được, chỉ cười nói "Chính đồng chí là người phải rõ việc đó hơn ai hết đấy đồng chí ạ!". Vậy rồi sau đó tự ông đi theo dõi. Cuối cùng ông mới vỡ lẽ, thằng Côn và lũ trẻ không hề ngủ ở đình chùa nào hết. Chúng nương náu ở một nghĩa địa, chúng ngủ trên những ngôi mộ.
Thật ra, nhiều khi ông Sáu nghĩ mình có thể bỏ qua việc đó không cần biết thằng Côn và lũ trẻ nương náu ở đâu thì cũng không có ai nói gì, kể cả chi bộ ông đang sinh hoạt sẽ không có ai cật vấn và đòi ông gánh lấy trách nhiêm ấy. Đó là trách nhiệm của phường, của tổ chức thương binh xã hội, của tổ dân phố. Đối với ông, gác qua những chuyện như vậy dễ dàng quá, ông sẽ càng có thêm nhiều thời giờ phụ tiếp với vợ ông nuôi đám gà, lo chăm sóc vườn rau và vườn thuốc nam, rồi ông đọc sách, cùng vợ trao đổi về một quyển tiểu thuyến nào đó, vốn là thể loại mà cả hai ông bà đều rất ham mê. Can chi mà ông phải lo tới lũ trẻ kia. Việc chung, ông đã lo cả một đời, từ thời trai trẻ, từ năm Bốn lăm "nóp với dáo mang trên vai" cho tới chuyến vượt Trường Sơn trở về dự vào cuộc chống Mỹ muôn phần ác liệt. Gần đây mảnh đạn pháo mà ông nhận lấy tám năm về trước trong một trận đánh trên xa lộ Nha Bích, sau một thời gian nằm im bên dưới bả vai, giờ bắt đầu động cựa, sinh sự, làm cho sức khỏe ông giảm sút, ông mới chịu về nghỉ, chớ trên Quân khu vẫn muốn lưu ông lại. Ông có hai đứa con trai, nhưng giờ không còn đứa nào nữa. Năm sáu mươi, từ miền Bắc vượt Trường Sơn về, ông liền móc nối gặp lại vợ. Việc đầu tiên là dặn vợ tìm mọi cách giao hai đứa con cho ông. Và ông đã lần lượt đưa cả hai đứa vào bộ đội, bất chấp mọi nỗi lo lắng, gạt tất cả mọi xót xa của vợ và của chính mình đối với những đứa con rứt ruột đẻ ra. Kiên trì ý định đưa con trai vào bộ đội nơi mà qua ông, ông cho rằng đó là một trường học vĩ đại nhất của tuổi trẻ. Ngày giải phóng về Sài Gòn, ông gặp lại vợ, là một cô giáo cũ, nay đã trên năm mươi. Thời xuân sắc của vợ chồng ông đã qua đi trong cuộc kháng chiến chống Pháp và những ngày ở lại sau Hiệp định Giơnevơ. Đến khi ông trở về là những năm chống Mỹ còn khó khăn gian khổ gấp bội, họa hoằn lắm vợ chồng chỉ gặp nhau vài lần. Người vợ đó ở giữa thành phố, vừa dạy học, vừa hoạt động, đêm ngày phập phồng lo lắng cho chồng con, nhưng rốt cuộc hai đứa con đều lần lượt hy sinh, chỉ còn chồng trở lại. Ngày ba mươi tháng tư, khi lũ trực thăng kẻ thù tháo chạy vừa ngớt tiếng vỗ đập phành phạch trên bầu trời Sài Gòn và khi tiếng xe tăng của quân ta ầm ầm tiến vào, thì chiều hôm sau, người vợ nghe tiếng gọi cổng. Bà gặp lại chồng đứng trước ngõ, cái ngõ mà ba mươi năm trước, khi còn là một thanh niên hăm tư tuổi. ông Sáu đã nghé qua để từ giã bà trên đường cùng đơn vị rút vào khu. Hồi đó bà là một cô giáo mới hai mươi, một nữ học sinh sư phạm mới ra trường con gái út của một gia đình công chức khá giả. Lúc ra đi, ông Sáu không tính là cưới được bà, vậy mà hai năm sau, bà đã trốn gia đình vô bưng với mục đích chính chưa phải là đi kháng chiến mà là đi kiếm sống ông. Đó là một người con gái có lòng can đảm và giữ trọn lời hứa, nên ông vô vàn yêu quí khâm phục. Ông gẫm rằng, chưa nói tới cái gì khác, chỉ nói riêng vì tình yêu mà dám lặn lội ra đi, cũng đã đủ để ông khâm phục rồi. Nhưng chính nhờ đó bà đã ơ luôn tham gia kháng chiến. Khi ông đi tập kết, bà đưa hai con nhỏ xuống Chắc Băng tiễn ông, rồi đem con về thành phố. Cha mẹ bà đều đã qua đời, các anh chị bà đã ra ở riêng, để lại ngôi nhà cho bà. Từ sau ngày giải phóng, ông Sáu về ở đây, trong ngôi nhà mà vợ ông đã cất tiếng khóc chào đời, đã chập chững đi và đã lớn lên.
Ngôi nhà xây từ thời Pháp, đã được tám mươi mốt năm, tính theo năm ghi bằng con số nổi trên cửa chính. Ngôi nhà không lớn mà cũng không nhỏ, xây trệt, còn chắc chắn và kiểu hơi cổ, giống như nhiều ngôi nhà hạng trung của thời Pháp còn sót lại trong thành phố. Vào những tháng cuối năm, khi trời mưa nhiều và gió bão tràn về, ngôi nhà trở nên hiu hắt hơn trong sự yên tĩnh vốn có, nhất là nhà chỉ có hai ông bà mà không còn trẻ. Ông cũng như bà, trong lòng người nào cũng đã biết bao lần thầm nghĩ: "Phải chi hai đứa nhỏ bây giờ còn..". Nhưng không ai dám thốt ra điều ấy.
.. Từ lúc xảy ra cuộc rượt bắt thằng Côn, ông Sáu vào giường nằm thao thức không ngủ lại được. Ngoài phòng khách chiếc đồng hồ treo tường hiệu "Oxétminxtơ" kiểu rất cổ đã bắt đầu thư thả dạo một điệu nhạc rồi dóng lên bốn tiếng ngân nga mãi không dứt. Bao năm tháng đã qua đi mà chiếc đồng hồ vẫn cứ giữ được nguyên thanh âm xưa. Đêm đầu tiên ông Sáu trở về, bà Sáu nói với ông: 'Mỗi lần nghe tiếng chuông đồng hồ, em như ngó thấy lại những kỷ niệm!". Từ ấy, năm năm đã trôi qua, hai vợ chồng lúc nào cũng thức dậy vào lúc đồng hồ điểm bốn giờ sáng, giờ của những người luống tuổi. Nhưng hôm nay họ đã thức sớm hơn vì xảy ra chuyện thằng Côn ăn trộn. Không riêng gì ông Sáu, bà Sáu cũng không ngủ lại được. Bà tìm tay chồng, cầm nắm bàn tay gầy guộc ấy trong bàn tay hãy còn có da thịt hơn của mình.
- Nãy giờ anh thức luôn sao?
Ông Sáu không đáp, khẽ trở mình, nghiêng về phía bên phải. Bà Sáu đưa tay rờ lên vai trái của ông.
- Bữa nay anh có thấy bớt đau đớn không?
- Nó vẫn nhức nhức.. Hình như cái mảnh đạn này nó biết cục cựa hay sao ấy!
Bà Sáu liền ngồi dậy, nhè nhẹ xoa vai cho ông, trong khi trên mái ngói chợt có tiếng lắc rắc. Những hạt mưa dịu dàng rơi. Ông Sáu nằm yên để vợ xoa vai, lắng nghe cơn mưa trong đêm về sáng. Cái thứ mưa trước bình minh này thiệt lạ nó làm cho ông Sáu càng nhận ra sự ấm cúng hiện tại bao nhiêu thì nó càng gợi ông thấm thía nhớ lại những ngày qua gian khổ bấy nhiêu. Mưa rơi nhỏ nhẹ đưa ông về lại những cánh rừng, những cánh đồng, những con đường trơn trượt cùng những dòng sông mịt mù mà đơn vị ông phải đi tới, phải vượt qua trong cuộc hành tiến quyết liệt hướng về Sài Gòn bấy giờ lúc nào cũng ở trước mặt, đêm đêm vẫn hắt lên bầu trời một vầng ánh sáng đục. Trên con đường đó, nhiều lần ông đã đi, nhiều lần phải quay trở lại, và bao đồng chí đồng đội trong đó có con ông đã nằm xuống. Còn ông, ông về tới được. Giữa giờ phút này ông thấy mình quá may mắn vì còn có hạnh phúc, dù hạnh phúc bị chia xẻ, có lúc đứt rời, nhưng vẫn chắp lại được, muộn màng một chút và mất mát không nhỏ. Trong buổi chiều tà của đời người, thứ hạnh phúc mà ông còn có được tuy không sôi nổi, vồ vập, nhưng ấp ủ bao kỷ niệm, bao tình nghĩa. Đó là thứ hạnh phúc được đổi bằng rất nhiều máu cùng nước mắt. Đã lấy lại được cái lớn quý nhất cho tất cả, trong đó có ông, nhưng vẫn chưa hàn lại được cái đổ bể. Vừa rồi đó, trong đêm yên tĩnh, cả phường phố đang ngón giấc lại đùng đùng nổ vang mấy tiếng súng. Nhiều lần ông bảo vợ rằng, những tiếng súng như thế, nghe nó nổ tới đâu ông phát rầu tới đó. Ông gọi là những tiếng súng bất đắc dĩ.
Bà Sáu đã ra khỏi mùng, vào bếp bắc nước. Lát sau ông Sáu cũng trở dậy, sửa soạn ấm chén để pha trà. Đó là cữ trà thứ nhất của ông trong ngày. Cái thú này riết rồi lây sang cả bà Sáu.
Nhấp hớp trà nóng đầu tiên, ông Sáu chóp chép miệng, đặt tròn chén xoa xoa vào lòng bàn tay, bảo vợ.
- Anh muốn bàn với em chuyện này.. Bữa nay anh tính tới đằng phường lãnh thằng Côn!
Bà Sáu ngước nhìn ông:
- Xin tha nó ra?
- ờ, xin tha cho nó, và lãnh nó đem về nhà mình..
Bây giờ thì bà Sáu lộ vẻ ngạc nhiên thật sự:
- Nhưng mà.. làm thế nào mình có thể giữ gìn kèm cặp nó nổi?
Ông Sáu lắc đầu:
- Mình đem nó về không phải để giữ gìn kèm cặp, mà mình thử phụ tiếp cho nó một con đường. Thằng nhỏ này không xấu đâu, cũng không phải do nó lười biếng. Sở dĩ nó phải đi làm việc xấu, anh nghĩ là vì nó bí lối. Dạo này ở cửa hàng gạo coi bộ thưa người mưới tụi nó chở gạo lắm. Ai cũng phải tiết kiệm từng đồng.. Hình như chúng ta chưa mở lối cho nó đi. Các đồng chí ở phường thì bề bộn nhiều công việc quá nên lo không xiết. Vợ chồng mình đã yếu rồi, từ đây cho tới lúc nằm xuống e không còn làm nên được việc gì lớn, vậy mình ráng làm thử cái việc nhỏ này. Thiệt ra.. cũng không phải là nhỏ đâu.
Bà Sáu lắng nghe ông Sáu nói. Đôi mắt bà chợt sáng lên lóng lánh dưới cặp kính, Bà chợt hiểu ý định của chồng và bà liền cảm thấy không thể mà cũng không nên cản ngăn ý định đó nữa, tuy giữa lòng bà vẫn cứ nơm nớp lo âu.
Dường như đoán được mối lo đó, ông Sáu nói thêm:
- Mình sẽ để thằng bé ở nhà mình cao lắm là một tháng. Trong một tháng đó, mình cố gắng thuyết phục nó một điều: hãy đến với lao động, đến với một đội ngũ lao động tập thể. Đồng thời riêng anh, anh sẽ thương lượng với Tổng đội Thanh niên xung phong, thu nhận cho nó đi vào chuyến tới chỉ một tháng nữa thôi là có chuyến!
- Đi đâu anh?
- Đi xuống An Biên, ở Miệt Thứ đó em. Anh có quen bên Tổng đội, để anh nói với anh em gởi gấm nó. Tốt lắm. Nó sẽ cùng mọi người xuống đó vỡ đất làm ruộng, lập nên một vùng kinh tế mới, rồi nó sẽ nên người..
- Nghe nói miệt đó, muỗi đỉa dữ lắm, sợ xuống đó cực khổ thằng nhỏ lại bỏ trốn thôi!
- Có thể.. đã có nhiều đứa trốn, nhưng bao giờ số đông cũng ở lại. Anh tin thằng Côn sẽ ở trong số đông đó, thằng nhỏ này không đến nỗi đâu. à, anh mới biết điều này về nó nữa. Hồi trước ba nó đạp xích lô, bị xe nhà binh Mỹ cán..
- Vậy hả anh?
- Đúng như vậy, là vì anh hỏi nó mà. Ban đầu nó cứ nín thinh, mãi về sau nó mới kể, nó kể rất chi tiết, nghe thiệt thảm.. Khi nó tới chỗ cái xe xích lô bị cán bẹp thì ba nó chỉ còn là một đống thịt nát bấy..
Bà Sáu im lặng, đưa mắt nhìn chồng. Sau làn kính, bà như vừa nhận ra thêm một cái gì đó ở nơi chồng mà bà vừa mới biết.
Chị Lộc, chủ tịch phường, một phụ nữ hơi gầy trạc bốn mươi, sáng nay vừa ngồi vào bàn làm việc tại trụ Sở ủy ban phường thì ông Sáu đến. Chị chủ tịch là một người đàn bà góa, có chồng trước là một tiểu đoàn trưởng đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân. Thấy ông Sáu đến, chị lật đật kéo ghế, rót nước mời ông uống. Lần nào gặp ông Sáu, chị cũng mừng rỡ, hồ hởi. Khi nghe ông đặt vấn đề xin lãnh thằng Côn chị liền vui vẻ đồng ỳ, hứa sẽ bàn để thả nó ra ngay. Nhưng khi ông Sáu nói rằng không phải ông chỉ xin thả nó ra mà còn lãnh nó về nhà thì bấy giờ chị hơi sửng sốt:
- Hai bác đều đã già yếu. Tụi cháu muốn sao hai bác tĩnh dưỡng cho khỏe, chớ lãnh thằng Côn về, rủi nó phá phách, hai bác chịu gì nổi?
Thế là ông Sáu lại phải từ tốn trình bày cho chị nghe cái ý định của ông. Sau hết, ông cười bảo:
- Mấy cháu đừng lo, cứ để bác thí điể coi sao. Nếu giải quyết hướng đó tốt, thì rồi phường mình cũng theo đó mà làm. Nhược bằng không được như ý thì mình lại tính thế khác có lỗ lã gì đâu!
Chị Lộc còn ngần ngại, nhưng vì nể và thương ông già, chị xúc động kêu lêu:
- Trời ơi, nếu bác tính cáng đáng tiếp với tụi cháu, như vậy thì tụi cháu cảm ơn bác biết chừng nào. Thôi để cháu nói liền với bên phường đội, đâu như anh em họ nhốt thằng Côn ở bển!
Ông Sáu vội giơ một ngón tay lên:
- Khoan đã, còn vụ này nữa, vụ này thì mấy cháu phải phụ với bác
- Vụ gì bác?
- Theo chỗ bác biết, thằng Côn không phải sống một mình. Ngoài nó ra, còn có một tốp nhỏ hơn gồm ba đứa nữa, một gái hai trai. Tụi nhỏ này đều nương tựa vào thằng Côn, ban ngày đi kiếm ăn lây lất, tối tụ về ngủ mả. Bây giờ vầy nghe..
Ông Sáu dừng lại một chút, bưng ly nước nhấp giọng rồi tiếp:
- Bây giờ nếu bác lãnh thằng Côn, thì tụi nhỏ kia kể như tróc gốc, bơ vơ, nên mình phải tính sao đây..
- Thôi để tụi cháu gom mấy đứa nó lại rồi chuyển lên trại trẻ mồ côi trên Thủ Đức là ổn nhất!
Nhưng Ông Sáu nín thinh, không tỏ vẻ háo hức gì lắm với cái biện pháp đó của chị Lộc. Ông biết ngay rằng đây chỉ là cách làm của một người quá bận rộn, của một chủ tịch phường khi nào cũng muốn tháo gỡ nhanh để còn lo bao nhiêu chuyện khác, chớ chưa lường tính sự tháo gỡ ấy sẽ đi tới đâu, có hiệu quả như thế nào. Ông Sáu hơi phật ý khía cạnh đó, nhưng lâu nay ông vốn có cảm tình đối với người quả phụ này và thông cảm sâu sắc trước bao công việc bộn bề phức tạp mà chị dám hứng chịu, đảm đương gánh vác cho cả một phường, nên ông chị lặng lẽ đưa cặp mắt hiều hậu nhìn chị mà nói:
- Không cháu à, trại nuôi dạy trẻ mồ côi trên Thủ Đức cũng đang gặp khó khăn đấy, bác biết. Trại đó chứa quá đông, nghe đâu lo không xuể, gần đây gặp cái tình trạng cứ như là bắt cóc bỏ đĩa.. Chúng ta có những trại kiểu đó, nhưng cũng phải có những trại kiểu khác. Bác tính vầy: Trong phường mình có nhiều tổ hợp, hợp tác xã thủ công không đòi hỏi tay nghề gì lắm, ví dụ như hợp tác xã đan lát, tổ hợp làm khóa, làm kéo.. Cứ cho mấy đứa nhỏ vô làm ở đó rồi thu xếp chỗ ở cho chúng luôn.. Lẽ nào cả phường mình lại không lo được chỗ, để tụi nó ở vất vưởng ngoài mả coi sao được!
Chị Lộc gật đầu, thở nhẹ một cái, tự giận mình sao bấy lâu nay không nghĩ ra chuyện ấy. Chị hứa hết sức giải quyết và cảm ơn ông Sáu một lần nữa, rồi vặn vặn hai bàn tay, chắp nơi ngực, mời ông Sáu cùng chị đi qua bên phường đội lãnh thằng Côn.
Việc lãnh thằng Côn ra quá dễ dàng. Chỉ một lát sau, ông Sáu đã đi về với nó. Trên đường, ông Sáu thủng thẳng đi trước, thằng Côn theo sau, coi bộ hơi ngượng, nhưng ngoài mặt nó làm ra vẻ dửng dưng, bất cần, trước những cái đầu của các bà các cô ló ra sau khung cửa dòm ngó, chỉ chỏ, bàn tán. Có một đám con nít chạy theo coi. Thằng Côn đợi tụi nó tới gần, bèn ngoái lại dậm chân, giơ nắm tay lên dứ dứ khiến lũ trẻ hoảng hồn chạy túa trở lại. Khi đó thằng Côn bật cười. Lũ trẻ nhận thấy không có gì đáng sợ mà còn vui nữa, nên chúng lại nhẵng nhẵng bám theo. Mãi cho tới lúc ông Sáu dắt thằng Côn vào và khi cánh cổng đã khép lại thì từ xa lại xuất hiện một tốp trẻ khác, ăn mặc rách rưới, tất tả chạy tới, đi đầu là một đứa con gái tuổi chừng mười lăm với hai đứa con trai nhỏ hơn vài tuổi. Cả ba đứa dừng lại trước cánh cổng vừa mới đóng. Một thằng nhỏ kiễng chân, ghé mắt dòm qua khe cửa, lát sau day ra thì thào:
- Chị Hai, ông già dắt anh Côn vô nhà rồi. Hổng biết ổng tính gì anh Côn mình?
Thằng nhỏ kia nghe nói liền nhảy tới bám dính vào cánh cổng, dòm qua kẽ hở. Đứa con gái nắm tay hai thằng nhỏ kéo ra:
- Tụi bay đừng chộn rộn. Ông Sáu bà Sáu đây hiền khô hè. Hai ông bà đó chắc không có làm gì anh Côn đâu, để một chút rồi tao vô hỏi thăm coi sao..
Trong lúc tao vô, mấy đứa bay tản đi chớ đừng chùm nhum ở đây, ông bà lại tưởng là..
Tội nghiệp con bé, bao giờ nó cũng có mối mặc cảm trầm trọng đó, dù nó và bọn trẻ thiệt ra chưa đứa nào làm việc tệ như thằng Côn làm. Mà ngay như việc thằng Côn đi ăn trộm cả hai lần chúng đều không biết, là vì tự thằng Côn lẻn đi một mình, do mấy bữa nay chúng đói quá, thằng Côn xốn xang chịu không nổi. Chuyện vở lẻ ra, con bé Hà vừa giận vừa thương thằng Côn. Trong tình cảm lẫn lộn đó, con bé thương nhiều hơn giận. Sáng sớm hay tin thằng Côn bị bắt, nó khóc nức nở, lo sợ cho thằng Côn thì ít, nhưng xúc động thương thằng Côn đã vì chúng nó mà đánh nước bài liều. Sáng nay, nó đã cùng hai đứa kia tới chỗ phường đội dò nhóng tin tức coi sao, thì được biết ông Sáu đã lãnh thằng Côn ra, cho nên con bé với lũ trẻ mới đi tới đây. Bây giờ chưa hiểu sự thể ra sao, nó sốt ruột mốn vô hỏi, nhưng còn do dự chưa dám gõ cửa. Sau cùng, vì có ấn tượng tốt đối với ông bà Sáu tỉ tê hỏi thăm thằng Côn và chúng nó, nên nó mạnh bạo bước rấn lên, gõ nhè nhẹ vào cánh cổng. Trong lúc đó, hai đứa nhỏ chưa nghe lời nó tản đi, vẫn cứ còn láng cháng ở đây. Người ra mở cổng là bà Sáu. Bà đăm đăm nhìn con bé rách rưới:
- Cháu có chuyện chi?
Con Hà lắp bắp:
- Thưa bác, con.. con muốn hỏi thăm có anh Côn ở đây không?
Bà Sáu nhìn con Hà suốt lượt và đáp:
- Có, nó ở trong nhà.. Nhưng cháu là ai, cháu là gì với cháu Côn?
Con Hà lúng túng không đáp, cúi mặt nhìn xuống. Giữa lúc đó, ông Sáu từ trong đi ra, thấy con bé ông nhận ra ngay:
- A, cháu muối hỏi cháu Côn chứ gì? Vô đây!
Chợt ông ngó thấy còn hai đứa đứng gần đó, xưa nay cũng ở trong tốp của thằng Côn, thì ông mở hoác cổng kêu vô luôn.
Đám trẻ dè dắt đi theo ông bà Sáu vào nhà. Chúng gặp thằng Côn ngồi ở mép cái đi văng đặt tại phòng khách. Thằng Côn liếc thấy chúng, nhưng vẫn không ngẩng mặt lên. Ông Sáu bảo:
- Mấy cháu ngồi xuống hết đi. Đó, bác vừa đi lãnh cháu Côn về đó. Hồi đêm hôm, thấy cháu Côn làm chuyện như vậy là bậy bạ quá.. Chắc các cháu cũng đã biết, bác không nói lại, bây giờ thì.. Ông Sáu mới nói tới đó, thình lình con bé Hà vụt mếu xệch môi, rồi nó khóc thút thít. Ông Sáu đều ngạc nhiên. Bà Sáu bước tới bên nó:
- Sao cháu lại khóc, ông bà đã lãnh cháu Côn về rồi!
Con bé Hà ráng dằn, nhưng không thể được. Giữa cơn tức tưởi, nó bắt đầu kể vì sao thằng Côn đi làm chuyện ấy. Nó kể hết, nó nói hết. Câu chuyện nó kể bị đứt rời, bởi tiếng khóc của nó cứ bắt phải nghẹn ngào dừng lại từng chập.
Có dằn lòng mấy, bà Sáu cũng phải rưng rưng theo, mắt đỏ hoe. Đợi một chút cho sự mủi lòng đó lắng xuống bớt, ông Sáu mới nói:
- Thôi, bây giờ các cháu nghe bác nói đây. Thằng cháu Côn cứ ở lại đây với bác chừng mươi bữa nửa tháng, rồi bác tính sau. Mấy cháu thì nay mai cần phải đi làm, làm theo sức của mình, chuyện này bác đã bàn với trên phường.. Rồi sẽ kiếm chỗ cho mấy cháu ở, chớ đâu có ở ngoài chòm mả đó hoài được!
Đám nhỏ ngước nhìn ông Sáu. Thằng Côn bỗng để ý thấy ông đang nói những lời hết sức hệ trọng, khiến nó chớm biết vì sao mà nó được lãnh ra. Con bé Hà nín dần tiếng khóc, đặt đôi bàn tay gầy gò đen đủi lên gối quần rách mở to mắt như thể đang nghe thấy một sự kiện lạ thường.
Quả là đối với bốn đứa trẻ này, lần đầu tiên trong đời chúng nó nghe có người nói với chúng những điều như vậy.. Không có đứa nào ngỡ ngàng. Chúng nó còn nửa tin nửa ngờ. Tuy vậy, dưới con mắt dù còn trẻ dại, chúng vẫn thấy người vừa nói với chúng điều nghiêm chỉnh, ông già bộ đội về hưu này, không thể là một người tính gạt gẫm chúng. Chính ông ấy, sau đó đã kêu vợ ra nói nhỏ, nhưng chúng thoáng nghe được.
- Anh còn nói chuyện thêm với mấy đứa nó một chút. Em coi nà còn gì ăn không, nếu không thì em đi chợ, trưa nay mình giữ tụi nó lại ăn cơm nghe em!
Việc lo cho những đứa trẻ theo hướng mà ông Sáu và chị chủ tịch phường đã bàn cũng có gặp một số khó khăn, nhưng cuối cùng mọi sự rồi cũng xong.
Thằng Côn ở nhà ông bà Sáu không tới một tháng thì nhập vô thanh niên xung phong đi xuống An Biến. Trong một tháng ở nhà ông Sáu nó không gây ra một chuyện gì trục trăc đáng chê trách, chỉ có mỗi một tật hễ có tiền là nó xài lớn, ra tiệm uống cà phê và hút thuốc đầu lọc. Thật ra nó chỉ một lần có tiền do bà Sáu đưa cho sau khi nó ra sức cuốc xới hết phần đất còn lại quanh nhà để trồng xuyên tâm liên, và sau cùng là lúc lên đường, bà Sáu đưa cho nó năm chục đồng. Vài ngày trước khi nó đi, bà Sáu đã coi lại quần áo đồ đạc mua thêm cho nó khăn tắm, quần cụt, sắp đặt cụ bị tất cả trong một cái ba lô bộ đội cũ mà ông Sáu còn giữ kỹ tới bây giờ. Ngoài cái ba lô, ông còn cho nó một cái bi đông đựng nước có vỏ bọc và dây đeo. Ông nói với thằng Côn:
- Cái ba lô và cái bi đông này ông đã đeo trên người gần cả chục năm đó cháu. Nó đã cùng ông trải nhiều trận đánh, trải qua những ngày gian khổ hiểm nguy. Sau ngày giải phóng ông giữ lại để kỷ niệm, nhưng bây giờ ông cho cháu để cháu dùng, để lúc nào cháu cũng nhìn thấy, nhớ là ông đã đeo nó bên mình, ra đi như cháu hôm nay..
Sau thằng Côn, đám trẻ cũng được lo liệu xuôi thuận. Con Hà được chị Lộc đưa vào tổ hợp đan mành trúc. Hai đứa kia được nhận vào một hợp tác xã chuyên làm phấn viết. Phải nói là sau buổi gặp ông Sáu, chị Lộc đã lo lắng cho mấy đứa trẻ rất tích cực. ở buổi họp chi bộ, chị vừa tự phê bình thiếu sót của mình, đồng thời đặt ra vấn đề đó, yêu cầu chi bộ quan tâm lo chung. Sau cuộc họp về, đêm nằm ông Sáu nói với bà Sáu: "Cô Lộc này được lắm, chưa thấy vấn đề thì thôi, chớ khi ngó ra rồi thì quyết sửa quyết làm. Phường mình có được cổ làm chủ tịch thiệt quý, mình phải tiếp cổ.. Tội nghiệp, cổ năm nay vẫn còn trẻ mà đã chịu cảnh góa bụa, bây giờ vẫn vững chân đứng ở chỗ đầu sóng ngọn gió.. Để rồi anh coi coi trong đơn vị cũ, có anh nào vừa ý lâu nay còn lở dở chưa lập gia đình, mình làm mối lo cho cổ". Bà Sáu những muốn kêu lên: "Trời ơi, sức khỏe như vậy mà hết lo đám trẻ giờ lại lo vụ mai mối..". Nhưng bà chỉ nghĩ thế chớ không nói ra bởi điều ông Sáu động lòng đó cũng là điều bà trắc ẩn.
Thằng Côn xuống An Biến được ba tháng thì gửi thư về, kể lại chuyện nó xuống dưới ăn ở làm lụng ra sao. Lá thư còn sai đầy lỗi chính tả, chữ viết to kềnh, ngoằn nghèo. Vậy mà ông Sáu cứ kêu bà Sáu đọc tới đọc lui mấy lượt. Ông Sáu ngồi nghe, tủm tỉm cười, mắt sáng lên khi bà Sáu đọc đoạn thằng Côn nói về cá, rùa, rắn, về những cánh đồng và rừng tràm ngập nước đỏ, khi nó khoe rằng nó đã biết lợp nhà, chèo xuồng. Tất cả những chuyện đó đối với nó đều mới lạ kể cả niềm vui lẫn nỗi buồn cũng mới, ấy là những dòng: "ở đây đông vui lắm, ban ngày đi làm, tối về hát hò, học chữ, làm thì làm chung, ăn thì ăn chung. Chỉ có mấy bữa chiều mưa, con mới nhớ Sài Gòn, nhớ ông bà, nhớ tụi con Hà.."
Sau lá thư của thằng Côn ít lâu, một hôm có anh đội trưởng thanh niên xung phong dưới An Biên về thành phố họp ghé lại nhà ông Sáu. Anh cho biết thằng Côn xuống dưới đó làm ăn khá, đợt thi đua vừa rồi nó được bình bầu là cá nhân xuất sắc. Anh đội trưởng nói chính anh cũng không ngờ thằng nhỏ khá như vậy, nên ban chỉ huy dự tính mãn đợt xây dựng ở An Biên, sẽ cho nó về dự khóa bồi dưỡng chính trị và quân sự đặc biệt dành cho anh em xung phong lên làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Anh đội trưởng kể chuyện rồi lấy từ trong túi xách ra hai hai mật ong và bốn chục khô cá sặc rằn, nói là của thằng Côn gởi. Kèm theo ốp khô, có một tờ giấy nhỏ, thằng Côn nắn nót ghi: " Hai chai mật với hai chục khô con gởi ông bà Sáu. Hai chục khô còn lại con nhờ ông bà Sáu đưa cho tụi con Hà"
Những lá thư chai mật ong và những con khô cá sặc rằn kia đem lại cho ông bà Sáu một niềm vui mới. Cộng vào đó là sự lo toan bước đầu có hiệu quả đối với đám trẻ đã làm cho hai ông bà lấy làm phấn chấn. Tựa như có một làn gió mát mẻ lùa vào tâm hồn hai ông bà già, tựa như trong cảnh bóng xế, một lần nữa ánh mặt trời lại tỏa nắng ấm trong ngôi nhà cũ kỹ. Kể cả cũng còn hơi chậm trễ một chút, vì lý do chỗ ở chưa xếp được ngay khi thằng Côn đi rồi, tốp con bé Hà phải tháng sau mới rời khỏi khu mả, nơi cuộc sống của chúng nó kéo dài hằng bao nhiêu năm. Nhưng cuối cùng chúng nó cũng được đưa ra khỏi nơi chốn buồn thảm ấy vào một buổi sáng đẹp trời. Buổi sáng đó, nhiều người có trách nhiệm trong phường đã nghe theo lời thúc giục một cách rất có ý của ông Sáu đã đến chứng kiến một khu mả mà có người bản thân mình lâu nay chỉ nghe nói hoặc đi ngang qua chứ chưa hề đặt chân tới. Không thể nào tưởng tượng nổi dẫu có những người từ lâu ở đó, trên những ngôi mộ nấu ăn, phơi phóng, ngủ nghê ra đời, trở thành đôi lứa, sinh đẻ, để sống vất vưởng để rồi nằm xuống, không một ai thọ quá cái tuổi năm mươi. Khu mả biến thành nơi cư ngụ của con người đã có từ lâu, từ các chế độ cũ, nhưng cho đến sau ngày giải phóng, nó vẫn chưa được giải phóng toàn bộ và triệt để. Những người sáng hôm ấy đến để hô hào tốp trẻ rời khỏi khu mả, đã ngó thấy hãy còn nhiều người ở đó. Từ ông bà Sáu đến chị Lộc và các anh chị ở phường ai ai cũng ngó thấy. Ông Sáu hơi buồn nhưng ông nghĩ như vậy cũng là tốt, cũng là một dịp để anh chị em thấy cảnh tượng kia đặng mà ngó vô cái trách nhiệm của mình. Trước lúc ra về, bằng một giọng trầm trầm ông Sáu nói với mọi người đứng quanh:
- Chừng nào trong phường mình mà còn cảnh này thì tụi mình chưa nên mạnh dạn cầm lấy tấm thỉ Đảng. Hôm nay mình đưa được đám trẻ ra khỏi nơi đây, vậy là mình thấy hơi mạnh mạnh tay đón nhận tấm thẻ Đảng một chút rồi đó.Nhưng mình còn phải tính tới những bà con còn lại nữa, các đồng chí à!
Câu nói của ông Sáu không phải là không làm cho một số người đứng quanh giật mình. Thì ra, ông tiếp tay vô mấy việc đó bằng cả cuộc đấu tranh ráo riết của ông, tựa hồ ông xốc mọi người dậy, nhưng ông không hề làm họ thấy căng thẳng, vì có lúc ông thư hoãn, chờ đợi, đó là những lúc các đồng chí ở phường còn lơ là, còn bê bối hoặc gặp kẹt. Nhưng nếu ai tưởng ông buông bỏ thì người đó nhầm lẫn. Có nhiều người ban đầu tính đâu đấy chẳng qua là những chuyệt vặt vãnh mà ông thượng tá già về hưu lẩm cẩm đặt ra (họ thường cho rằng bất cứ ông già về hưu nào cũng có hơi lẩm cẩm) chẳng mấy bữa nó sẽ bị trôi lấp dưới bao công việc khác của phường còn quan trọng hơn, rồi lúc đó ông già cũng chẳng còn nhớ mình đã đặt ra cái gì nữa. Ai ngờ đâu sự thể lại không như vậy.Ông già về hưu này dường như không tính rằng những việc làm ấy của mình là lớn, nhưng cũng không coi đó là vặt vãnh. Vấn đề là ở chỗ nó làm ông bứt rứt, nó làm ông cắng đắng. Ông suy nghĩ và quan niệm giản dị rằng hễ chỗ nào có những người cộng sản thì con người và cuộc sống ở tại chỗ đó phải khấm khá hơn. Ông muốn sự khá hơn, tốt hơn ấy phải cụ thể chớ không trừu tượng, bởi trừu tượng chung chung theo ông nghĩ là chưa có gì, thậm chí thường dẫn tới thất bại. Mấy mươi năm ở bộ đội, mỗi khi muốn đem thắng lợi về cho một trận đánh dù chỉ là trận phục kích nhỏ trên một khúc lộ, ông vẫn muốn cùng trinh sát ngó thấy khúc lộ đó, ngó tận mắt con kinh lộ dài bao nhiêu, cái bụi cây hai bên lộ thưa lá hay rậm rạp, và trước lúc hành quân ông vẫn rà hỏi tới từng bi đông nước, từng cục cơm vắt.
Thật vất vả nhưng cũng thật may mắn cho cái phường nào có những ông già về hưu như ông. Khổ nỗi, tới khi chị Lộc và anh chị em ở phường vừa thấy ra sự may mắn đó thì oái oăm thay có một thực tế đáng buồn đang nhích dần tới không tài nào cản lại nổi, là những ông già về hưu, trong đó có ông Sáu?; cái thế hệ mà bây giờ chúng ta hay gọi là thứ nhất, thứ nhì chi đó, mỗi năm lại càng ra đi nhiều hơn. Sự kiện này nếu ai để ý kỹ thì sẽ nhận thấy đó là một sự kiện vĩ đại, ấy thế nhưng nó lại diễn ra hết sức lặng lẽ, tựa mùa thu tới, những chiếc lá sinh ra trước nhất là những chiếc lá lần lượt cho mình giã biệt cành cây đó sớm nhất, dẫu rằng trong giấy phút chót nó vẫn chưa muốn vội lìa cành, vẫn muốn gắng sức che chở cho những mầm lá biếc vừa mới nhú.
Vào những ngày cuối tháng mười bước sang tháng một ta, khi thành phố ban đêm đã chớm lạnh vết thương cũ của ông Sáu bỗng tái phát gây nhức nhối dữ dội. Suốt mấy đêm liền, ông nằm nghiêng người chịu đựng cơn đau giày vò, hành hạ. Hỗu như ông không còn chợp mắt được nữa. Bà Sáu thức theo ông, đau đớn theo ông. Trong đêm tối nằm cạnh ông, có lúc nước mắt bà chảy ràn rụa. Hôm đầu tiên ông Sáu trở bệnh, bà đã thu xếp để đưa ông vào bệnh viện, nhưng ông lắc đầu, bảo vào đó buồn lắm chắc cơn đau rồi cũng hết thôi. Bà Sáu đành nán lại, hy vọng cơn đau của ông rồi sẽ qua đi nhưng những lần trước.
Nhưng lần này không giống những lần trước, mảnh đạn nằm yên tám năm nay dưới bả vai ông giờ đến lúc không chịu nằm yên nữa. Vết thương bên ngoài được phủ kín bởi một vết sẹo bằng ngón tay út, nhưng hình như bên trong nó đang bươi phá. Đến ngày thứ ba, khi bà Sáu cương quyết đưa ông đi thì ông im lặng không cưỡng lại nữa. Vào đến bệnh viện, theo yêu cầu của bà Sáu và được bệnh viện cho phép, bà đã ở lại luôn, chờ cuộc giải phẫu sẽ diễn ra rất sớm.
Cánh cổng ngôi nhà cũ kỹ của hai ông bà già đã khóa lại. Bà Sáu giao chìa khóa cho con bé Hà đến cho gà ăn và tưới rau. Ngoài hai lần đó, suốt ngày ngôi nhà vắng lặng. Nhưng chiếc đồng hồ cổ vẫn cứ dạo nhạc dóng lên từng hồi chuông thánh thót.
Giữa những ngày mà bà Sáu, tốp con Hà và anh chị em trong phường đang buồn bã lo lắng về bệnh tình của ông Sáu thì thằng Côn trở về thành phố giữa niềm sướng vui hồ hởi. Thời hạn đi xây dựng dưới An Biên đã hết. Nó được chọn về dự cuộc liên hoan tổng kết của lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, rồi sau đó ở lại luôn để dự lớp. Vừa đặt chân tới thành phố lúc xế chiều, thằng Côn xin phép tạt về đây. Nó hăm hở đến trước cổng nhà, gõ cộp cộp mấy tiếng. Người ra mở cổng cho nó không phải là ông Sáu mà lại là con Hà, thằng Côn ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Trước mặt nó là một con Hà lớn lên thành một đứa con gái cao ráo, ăn mặc tinh tươm chớ không còn rách rưới nhếch nhác như xưa. Trước mắt con Hà, còn đáng sửng sốt hơn, là một anh Côn cao lớn trong bộ đồng phục Thanh niên xung phong màu xanh lá cây sẫm, khiến nó nhìn không muốn ra. Con Hà kêu lớn "Trời ơi anh Côn!.." rồi mừng quýnh quáng chụp tay thằng Côn, đứng sững mà ngó từ chiếc mũ tai bèo xuống tới đôi dép lốp thằng Côn đang đi. Bỗng lát sau, nước mắt nó ứa ra. Nó kéo thằng Côn vào nhà, kể sơ qua mọi chuyện, trước hết là bệnh tình ông Sáu. Thằng Côn biến sắc, vo chặt chiếc mũ, vụt đứng lên, đòi đi vô bệnh viện ngay. Con Hà cản lại bảo để dọn cơm cho nó ăn rồi cả hai cùng đi. Thằng Côn nghe theo, nhưng từ lúc đó, nó bần thần lo lắng không yên. Cơm dọn ra, nó ăn không hết một chén rồi bỏ đũa, đứng dậy.
Thằng Côn lấy chiếc xe đạp của ông Sáu, đèo con Hà tới cổng bệnh viện thì trời sụp tối. Người gác cổng không cho hai đứa vào vì đã quá giờ thăm bệnh lâu rồi. Thằng Côn phải năn nỉ, viện cớ chỉ được phép có ngày hôm nay, chúng nó mới được vào. Nhưng khi hai đứa lọt vào tới nơi thì đã muộn. Chúng nó không còn gặp ông Sáu được nữa mà chỉ gặp bà Sau đang khóc lịm ngoài hành lang, hai bên là hai cô y tá mặc áo choàng trắng đang xốc giữ lấy bà.
Cuộc giải phẫu kết thúc hồi bốn giờ chiều. Bác sĩ phẫu thuật lấy ra khỏi người ông Sáu một mảnh đạn pháo, nhưng không giành lại được sinh mạng ông.
Hồi còn sống, có lần khi nói về sự chết, con người ta nên chôn hay hỏa táng, ông Sáu cười bảo bà Sáu: "Con người làm được gì để lại được gì là nhờ lúc sống. Chết là kể như hết, nên cái vụ hỏa táng coi vậy mà hay!" Câu nói ấy thiệt ra chỉ là câu nói của một người không mấy bận tâm tới cung cách chuyện hậu sự. Nhưng bà Sáu lại thể theo ý nguyện đó. Sau khi cử hành lễ tại nhà, linh cữu ông Sáu được đưa tới khu hỏa táng Phú Lâm trong buổi chiều tà.
Tại ngôi nà quàn linh cữu của nơi hỏa táng có treo một tấm bảng đen ghi tên họ người chết cùng ngày giờ sẽ thiêu. Tên ông Sáu ở gần dưới cùng, sau ba bốn người khác. Như vậy phải tới hai giờ khuya mới đến lượt, mà bấy giờ chỉ mới gần năm giờ. Cuộc phúng điếu và đưa tiễn lần cuối đã diễn ra nơi đây, sau đó mọi người đến trước bà Sáu chia buồn và lần lượt ra về. Chỉ còn lại bà Sáu, chị Lộc, hai anh cán bộ phường, thằng Côn, con Hà với mấy đứa trẻ. Bà Sáu đem theo một chiếc bình cổ có nắp đậy. Bà quyết ở lại tới giờ phút chót, mặc dù cho tới hôm nay bà gần như kiệt sức, người xanh xao và gầy rạc hẳn đi. Mấy anh cán bộ phường lo lắng, ngỏ ý muốn bà ra về trước với chị Lộc, nhưng bà vẫn đứng đó lặng thinh. Thằng Côn và con Hà thương bà Sáu quá, cũng năn nỉ bà về nghỉ, chúng sẽ lãnh trách nhiệm ở lại lấy phần tro hài cốt ông Sáu. Bà Sáu lặng lẽ đưa cái bình cho thằng Côn, nhưng vẫn không về. Một anh cán bộ phường thấy vậy, mới bàn với chị Lộc:
- Có lẽ tôi phải vô nói với ban điều hành ở đây đưa ông Sáu lên sơm sớm một chút mới được.
Bà Sáu nghe thế, vội giữ tay anh cán bộ lại, lắc đầu nghẹn ngào.
- Đừng, đừng nên như vậy.. Ông nhà tôi không.. không muốn như vậy đâu. Mấy chú coi, hồi đi xếp hàng mua gạo cô bác nhường kêu lên trước, có khi nào ông nhà tôi chịu lên trước đâu..
Con người suốt cả đời luôn cố gắng tiến lên phía trước trong sự đóng góp, cái ông già về hưu mà thoạt tiên có người cho là hơi lẩm cẩm ấy, rốt cuộc cũng lại chẳng lên trước trong sự đón nhận, dù là đón nhận sơm hơn một chút, ngọn lửa hóa thân mình thành tro bụi.
Vào đúng hai giờ khuya hôm đó, khi nắp lò thiêu mở ra để những người giúp việc đưa cỗ hòm vào thì mọi người chợt nghe thằng Côn kêu thét lên một tiếng. Nó vụt nhoài người tới ôm choàng lấy cái hòm mà khóc. Điều lạ lùng là suốt ngày hôm qua cho tới giờ phút ấy, nó không hề khóc, chỉ lẳng lặng, mắt ráo hoảnh, nhưng bây giờ nó khóc rống lên, và nó như đang ráng sức níu lại, không muốn để cho cỗ hòm chuồi qua khung cửa mở vào bên trong là cả một lò lửa đang rừng rực cháy.
1981

Xem Tiếp: ----