Ngày qua ngày trôi chảy, Mai Ly ở chung với bé Thúy trong không khí ngộp thở vì sự ganh tị của Thúy. Thân phận bơ vơ, lạc loài, ăn nhờ, ở đậu như thân chùm gởi, như đày tớ không công. Lời hứa của dì dượng lúc đầu, nay họ không thực hiện. Đã hơn một tháng, mỗi sáng Mai Ly phải dậy sớm đi múc nước từ dưới giếng lên tưới cây trong vườn, chiều thì gánh nước giếng ở xa về để nấu ăn và tắm rửa. Vì giếng nhà, nước có nhiều phèn nên không xài được. Trưa cả nhà ngủ nghỉ còn Mai Ly thì phải lau nhà bằng xà bông đá và đánh bóng gạch bằng dầu phọng. Từ năm giờ sáng em thức dậy làm việc suốt cả ngày đến chiều tối không ngưng tay. Còn Thúy thì được cưng chiều chỉ ăn rồi đi học thôi. Khi Mai Ly đến nhà này thì đang có sẵn hai người giúp việc, nhưng một tháng sau bà dì cho họ nghỉ hết để em đảm đương từ trong đến ngoài. Lối xóm thấy vậy, họ tội nghiệp em. Đôi khi họ giúp em xách nước từ dưới giếng lên và gánh dùm em đến cổng nhà. Mai Ly mới có mười hai tuổi mà phải làm việc gấp hai ba người lớn. Tay chân của em bị nước ăn lở loét hết mấy khóe. Em khỏi cần cắt móng tay, vì lau chùi gạch nên mòn sát. Đã đến ngày nhập học mà dì dượng không nói gì hết, họ im lặng không đá động gì về sự nhập học. Mai Ly hết hy vọng, vì đã quá trể. Em đành thui thủi làm công việc hằng ngày. Vì em cần có chổ nương tựa. Những lúc buồn tủi, em hay ra sau hè khóc thầm một mình. Trời cao, Ông hãy xuống đây Nhìn xem những cảnh đọa đày oái oăm Trong vòng ruột thịt tình thâm Nỡ đành vùi dập tím bầm tuổi thơ! ° Sau hơn chín tháng, Mai Ly làm việc không lương, bà Hòa có sắm cho một đôi khoen tai cỡ một chỉ vàng y và quần áo để em thay đổi. Tết đến em xin dì dượng cho về Bình-Chánh ăn Tết vài ngày. Được phép, nhưng với một điều kiện, bà Hòa bảo: - Này, Mai Ly! Con đi đường nguy hiểm lắm. Vậy con cổi đôi khoen tai đưa dì cất dùm cho. Mai Ly lấy tay rờ lên đôi khoen và nói: - Dạ, con đeo không có sao đâu dì. Bà Hòa hơi bực: - Nữa à, sao dì nói cái gì con cũng cãi lại hết vậy? Mai Ly còn quá non dại nhưng cũng hiểu biết chút ít, tự nhủ: - Đôi khoen này, mình làm công cả năm trời mới có. Hôm nay dì mình kêu đưa lại. Không thể được, mình phải giữ để hộ thân. Bà Hòa nhìn Mai Ly lầm lì nín thinh, bà hỏi lớn: - Sao, lột ra đưa cho tôi cất dùm không? Mai Ly tức quá trả lời: - Không được. Đôi bông này dì đã cho con là của con rồi mà. Bà ta nổi giận tát vào mặt Mai Ly thật mạnh và nói lớn tiếng: - Hứ! Đồ hổn xược, trả treo, mất dạy, đồ trôi sông, lạc chợ, thân côi cúc mà còn cứng đầu... Mai Ly đổ lì lên, đưa ánh mắt nhìn chầm chập vào mặt bà dì, rồi cổi đôi bông tai liệng trên bàn. Em không nói một lời nào mà đi thẳng ra nhà sau thu xếp đồ đạc. Em nghĩ như thế là xong. Nhưng không. Bà dì đi theo bảo em phải để lại tất cả những gì bà ta đã mua sắm cho em. Tự ái của bé Mai Ly nổi lên. Em vứt giỏ đồ xuống đất và bỏ đi liền sau đó. Em ra đi chỉ có một bộ đồ và hai mươi đồng bạc trong người thôi. Đời Mai Ly sao quá bất hạnh, đi đến đâu cũng bị bạc đãi, dù là ruột thịt... Rời khỏi nhà bà dì ruột, Mai Ly đi thẳng ra chợ Bà-Hom lấy xe đò đến Phú Lâm, đổi xe khác trở về Bình-Chánh. Ngồi trong xe nghe lòng đau tê tái, em suy nghĩ: - Rồi đây mình về nhà ai? Nếu trở về nhà anh Hai, chắc ảnh đánh mình chết. Thôi tới đó rồi sẽ hay. Xe đã tới chợ Bình-Chánh, Mai Ly xuống xe, nhưng không biết đi hướng nào, nhủ: - Thôi kệ, bây giờ mình đi lòng vòng ghé thăm cô chú trước. Mai Ly mặc bộ đồ mới, tóc kẹp gọn gàng và sạch sẽ. Em lừng khừng chẳng biết ghé thăm ai trước. Cuối cùng em ghé nhà cô Tám Ngọc, em một cha khác mẹ với ba em. Vào đó được nửa tiếng đồng hồ, rồi em tạt qua nhà chú Bảy Huỳnh. Lòng vòng ba bốn nhà liên tiếp, rồi em trở lại chơi với mấy đứa con của chú Út Tiên. Đi đến đâu cũng thấy tình cảm lợt lạt và họ nhìn em bằng ánh mắt như sợ em xin ở nhờ. Bà con giòng họ khá giả và thật đông mà thân Mai Ly sao cô độc, lẻ loi, chẳng ai niềm nở với em, dù chỉ một chút lòng thương hại. Buồn tủi, lòng thì lo: - Mai này mình ở đâu? Trở lại nhà của dì dượng nhất định là không rồi. Thoáng nghĩ trong đầu, em đang ngồi trong căn nhà của chú Út Tiên, nhìn mấy đứa em họ, tụi nó đùa giỡn mà lòng bùi ngùi ứa lệ. Bỗng tiếng reo mừng của mấy đứa nhỏ: - Ha! Cô Ba về tụi bây ơi! Cô sẽ lì xì! Cô Ba Trầm cũng là em một cha khác mẹ với cha của Mai Ly. Vì ông nội em có đến năm vợ và năm giòng con (thời Pháp thuộc). Cô Ba Trầm tương đối có lòng nhân hơn. Cô vừa bước vào nhà, các con của chú mừng rỡ lên, còn Mai Ly vẫn ngồi yên. Cô Ba Trầm nhìn thấy Mai Ly, rồi đến gần nắm tay em, cô giựt mình, hỏi: - Ủa, Mai Ly! Sao con buồn vậy? Mà sao bàn tay con như thế này? Mai Ly nghe cô hỏi, em bèn giấu hai bàn tay vô túi áo mà nước mắt rưng rưng, em lắc đầu: - Thôi, con không nói đâu! - Nè, cô nghe con ở trên Bà-Hom với dì dượng con mà. Nghe đâu họ giàu có lắm phải không con? Mai Ly gật đầu, rồi em khóc òa lên. Cô Ba Trầm động lòng không cầm được nước mắt. Cô nhìn tấm thân ốm gầy của Mai Ly, tay chân bị nước ăn sưng lở, cô xoa đầu, vuốt tóc em và nói: - Con lên Sài-gòn với cô. Có chổ này họ cần người giữ hai đứa nhỏ. - Họ có cho con tiền không cô? - Có chớ. Họ phát lương hằng tháng và còn cho tiền ăn bánh nữa. Và họ sẽ may quần áo đẹp cho con mặc. - Ở đó con sẽ làm gì vậy cô? - Con đưa rước hai đứa nhỏ đi học và con chơi với tụi nó thôi. Mai Ly cuối đầu suy nghĩ: - Không biết họ có thương mình không đây, hay họ sẽ độc ác? Cô Ba Trầm nhìn em và hỏi: - Nè, Mai Ly! Con có chịu đi với cô không? Con nghĩ gì vậy? Con đừng sợ. Gia đình này họ nhân đức lắm. Mai Ly ngước mặt nhìn người cô với đôi mắt đầy hy vọng. Em thở ra rồi gật đầu nói: - Dạ, con đi với cô. Nếu không, thì rồi đây con sẽ ở đâu? Trở về nhà anh Hai, ảnh cứ nghe lời vợ đánh con hoài. Kỳ này mà con gặp cảnh ác độc nữa, thì... chắc con tự tử chết đi cho rồi cô à! Cô Trầm nhìn đứa cháu bạc số mà lòng thương em vô hạn, cô nghĩ: - Số con nhỏ này sao mà nó khổ quá. Không biết chừng nó lớn lên, nó còn khổ như vầy không? Tuổi vừa đầy con giáp mà đã chán đời, lại có ý nghĩ tự tử rồi. Thật là tội nghiệp! Cô nắm tay Mai Ly và nói: - Con xắp xếp áo quần, đồ đạc sẵn sàng, chút xế chiều, con đi với cô nha! - Dạ, con không có đồ đạc gì hết, mà chỉ có một bộ đồ con đang mặc thôi! - Ủa, sao không có? - Có chớ cô. Nhưng... dì con không cho lấy theo. - Thôi, được. Cô sẽ xin quần áo của Yến cho con mặc đỡ, Yến cũng bằng tuổi với con. ° Xế chiều, cô Trầm trở lại nhà người chú rước Mai Ly lên Sài Gòn. Tuy em có mừng, nhưng trong lòng cũng còn một chút lo sợ... Chiếc xe đò đỗ bến Chợ-Lớn-Mới. Hai cô cháu Mai Ly đổi xe Lam qua Xóm Củi. Đến nơi, cô Ba Trầm soạn quần áo cũ của Yến cho Mai Ly đi tắm, thay đồ. Mai Ly ở đó vài hôm. Đến chiều mùng ba tết, trong khi ngồi ăn cơm, Ba Trầm nói: - Ăn cơm xong, cô sẽ dẫn con qua ông bà Tấn cho họ biết mặt con nghe! - Dạ! Bữa cơm vừa xong, Mai Ly định đi dọn dẹp rửa chén, cô Ba Trầm không cho em làm, cô nói: - Thôi, con để đó đi, ở đây có chị Tám lo rồi. Thôi, cô cháu mình đi. Hai cô cháu đi qua tiệm gạo Tấn-Phát gõ cửa. Nghe tiếng trong nhà vọng ra: - Ai đó? - Dạ, tôi. Ba Trầm đây! Bà Tấn ra mở cửa: - Dạ, chào cô Ba, năm mới cô đặng khỏe chứ? - Dạ, cám ơn bà, chúc bà và gia đình một năm mới mạnh khỏe và làm ăn phát đạt. Sẵn đây, tôi có dẫn cháu tôi qua giới thiệu với bà. Vì tôi có nghe bà cần người đưa rước hai cháu đi học phải không? Này, Mai Ly! Con chào bà đi. - Dạ, chào bà! - Ờ, em tên gì, mấy tuổi rồi? - Dạ, em tên Mai Ly. Em mới được mười ba tuổi. - Lại đây. Em gọi chị bằng chị nha! Sao mà em giống hệt đứa em gái của chị ghê đi, nó tên Thu Cúc mới mười hai tuổi thôi. Bà Tấn vừa nói vừa nắm tay Mai Ly, bà khựng lại và đổi giọng nhẹ nhàng: - Sao bàn tay em như thế này? Em có đau không? Ở đây với chị, chút nữa chị lấy thuốc xức cho em, vài hôm sẽ lành. Mai Ly thấy bà Tấn thương làm em xúc động ứa nước mắt, em dựa đầu vô ngực bà. Cô ba Trầm thấy vậy, cô tiếp lời: - Dạ, thưa bà! Tại vì cháu nó lau gạch bằng xà bông đá nên chất mặn ăn tay và cả móng chân cháu cũng bị nước ăn nữa. - Tội nghiệp em hôn! Cô Ba à! Để em nó ở đây với tôi. Mặc dù, hôm nay mùng ba tết không sao đâu. - Dạ, nếu bà muốn. Cô Ba Trầm quay sang Mai Ly căn dặn: - Nè, con ở đây với bà Tấn nghe. Mai cô sẽ đem quần áo qua cho con. - Dạ. Ba Trầm quay sang nói tiếp với bà Tấn: - Dạ, thưa bà! Thật ra, Mai Ly chỉ vỏn vẹn có một bộ đồ. Bộ đồ cháu đang mặc là của Yến đó, thưa bà! - Vậy à! Thôi, khuya rồi cô Ba về để Mai Ly tôi lo cho. Quay sang Mai Ly bà tiếp: - Em đừng sợ nha! - Dạ. Ba Trầm đứng lên và đến gần Mai Ly để trấn an em: - Con ở lại đây, bà Tấn thương con lắm đó. Con ráng ngoan nghe hôn! - Dạ, con nghe lời cô, con cám ơn cô nhiều. Cô ơi! Còn bộ đồ này? - Không sao đâu, đồ cũ của Yến. Còn bộ kia, chừng cô giặt xong rồi, cô sẽ đem qua đây cho con. Thôi, cô về nha. Dạ, kính chào bà Tấn tôi về. Một lần nữa, tôi rất cám ơn bà đã nhận cháu Mai Ly. - Không có chi, cô Ba cứ về. Cô Ba Trầm đã ra về, bà Tấn nhìn đồng hồ đã hơn mười hai giờ khuya, cả nhà đều ngủ. Bây giờ còn lại bà và Mai Ly, tự nhiên bà thấy thương em từ ngay phút đầu, quay sang Mai Ly bà nói: - Mai Ly à, thôi mình đi ngủ. Xuống dưới nhà chị trải ghế bố, giăng mùng cho em. Chắc chị Vú cùng hai em Việt và Mỹ ngủ rồi, em đừng sợ. - Dạ. Mai Ly đứng dậy đi theo bà Tấn. Ra đàng sau, bà Tấn trải ghế bố, giăng mùng xong. Mai Ly leo lên nằm suy nghĩ, trong lòng hơi lo sợ đôi chút. Nhưng rồi sau đó em ngủ thiếp đi một giấc tới sáng. Giựt mình thức dậy, Mai Ly đang xếp mùng mền, bà Tấn từ trên lầu đi xuống, thấy Mai Ly đã thức dậy, bà hỏi: - Sao, em có ngủ ngon không? - Dạ, thưa chị, ngon. - Giờ này mới có tám giờ cũng còn sớm, tiệm chưa khai trương, chỉ có chị Vú ở lại. Còn chị Út bếp và chị Lẹ giặt ủi về nhà ăn Tết. Chiều nay họ trở lại đây. Nè, bàn chải và kem đánh răng, em đi sút miệng, rữa mặt đi, có khăn ở trong nhà tắm. Chút nữa anh và hai em dậy, mình sẽ kéo nhau ra chợ ăn hủ tiếu. Vài phút sau, ông Tấn xuống. Chị Vú cùng Việt và Mỹ mở cửa phòng ra. Bà Tấn bảo chị Vú: - Vú à, rửa mặt, thay đồ cho các em rồi mình đi ăn sáng ngoài chợ Xóm Củi. Chị Vú và ông Tấn vừa thấy Mai Ly, họ định hỏi. Bà Tấn hiểu ngay, bà đỡ lời: - Bữa nay, có Mai Ly anh à! Em Mai Ly sẽ qua Thị Nghè với hai con. Em là cháu cô Ba Trầm ở kế bên. Ông Tấn đưa mắt nhìn vợ, rồi nhìn chị Vú, ông nghĩ đến chị Vú, ông hỏi: - Còn chị Vú làm gì em? - Anh quên rồi, em đang mang bầu đây. - Ha! Anh quên mất! Mọi người sửa soạn xong, bà Tấn nói: - Thôi, chúng mình đi ăn sáng chớ. Còn phải ghé chợ. Vì hôm nay là mùng bốn Tết, chắc đông người lắm đó. Chị Vú vọt miệng: - Thưa mợ, ở nhà còn bánh tét, thịt kho và khổ qua hầm ăn đủ rồi. Đi chợ làm chi cho mất công. - Ờ, chút nữa sẽ hay. Thôi, mình đi. Cả nhà kéo nhau đến tiệm hủ tiếu gần chợ Xóm-Củi. Mai Ly còn nhút nhát, vì toàn là người lạ. Riêng bà Tấn rất tế nhị, lúc nào bà cũng gần bên em và luôn hỏi này hỏi nọ. Mai Ly nhìn bà Tấn mà lòng em phấn khởi, em tự an ủi: Mình hên quá! Gặp ông bà chủ còn trẻ rất bình dân và dễ thương. Họ thương mình ghê, chắc kỳ này mình hết bị đày đọa rồi! Chợ Xóm-Củi, cách Bến-Bình-Đông vài trăm thước. Trên đường đi, Mai Ly nghĩ ngợi và trong lòng rất là vui. Cả nhà vào tiệm, bà Tấn sắp Mai Ly ngồi gần bà, bà thấy em e dè, bà nói: - Mai Ly! Em thích ăn gì thì cứ gọi đi nghe, chớ đừng có ngại hay mắc cỡ gì hết. Bà quay sang chị nói với chị Vú: - Vú biết tụi nhỏ ăn gì rồi. Còn anh ăn chi hôm nay? Mai Ly gọi hủ tiếu, chị vú thì lo cho Việt và Mỹ. Ông bà Tấn gọi xíu mại, bánh bao, và mọi người đều uống nước cam tươi. Không khí êm ã, hòa nhã. Ăn xong, cả nhà ra chợ đi lòng vòng. Bà Tấn mua hoa và vài thứ rau rồi về nhà. Một ngày trôi qua, thêm một đêm vui vẻ. Mai Ly thấy tâm hồn thơi thới nhẹ nhàng ở trong một gia đình hoàn toàn xa lạ. Sáng mùng năm tết, cô Ba Trầm đem bộ quần áo cho Mai Ly. Cô vuốt tóc em và nói: - Cô nghe chiều nay, ông Tấn đưa con và hai em qua Thị Nghè. Rồi mỗi cuối tuần ông trở qua rước về đây chơi. Con nhớ lễ phép với gia đình bà Tấn nghe con! - Dạ. Mai Ly nhìn cô ba Trầm bằng cặp mắt biết ơn và đầy tin tưởng, em nhủ: - Sao không ở đây mà phải đi Thị nghè? Ở đó với gia đình bà Tấn rồi đây sẽ ra sao? Nhưng dù muốn dù không gì mình cũng phải nghe lời người ta, chớ biết làm sao hơn bây giờ?