Vào thời Joas làm vua ở Juda, Lear con của Bladud trị vì trên đất Anh. Ngài chỉ có ba cô con gái: cô cả Goneril, là vợ quận công Albanie; Régane, cô thứ, là vợ công tước Cornouailles và cô út được cưng chiều nhất là Cordelia. Tuy nhiên, vua Lear cảm thấy mình đã quá già. Mỗi ngày, những nỗi lo toan và công việc triều đình đè nặng trên vai. Ngài mong ước được trút bỏ gánh nặng để được thanh thản trong chuỗi ngày tàn, trước khi vào cõi chết. Ngài chia giang san của mình ra ba phần, rồi quy tụ trước cung đình tất cả triều thần, các con gái, hai chàng rễ và hai người cầu hôn công chúa Cordelia. Thế rồi ngài công bố quyết định rời bỏ quyền hành và sẽ ban an huệ cho cô con gái nào mà ngài nhận thấy đã yêu thương ngài nhiều nhất. Ngài yêu cầu các con hãy bày tỏ lòng hiếu thảo của mình trước mọi người cho ngài dễ dàng lượng xét. Goneril, cô cả, nói trước tiên: “ Tâu phụ vương, con yêu phụ vương thắm thiết hơn yêu ánh sáng, bầu trời và tự do, hơn cả những gì hiếm hoi và quí báu nhất trên đời. Con yêu ngài nhiều hơn là người ta yêu cuộc sống bình an và tươi đẹp với mọi thứ danh vọng và tặng phẩm. Con yêu ngài hơn bất cứ đứa trẻ nào yêu cha và chưa bao giờ có người cha nào được yêu đến thế. Thực ra, con không đủ lời để diễn tả tình yêu của con đối với phụ vương.” Và Cordelia lặng lẽ nhủ thầm: “Cordelia phải làm gì đây? Yêu và câm nín”. Vị vua già được mơn trớn quá đỗi, tức khắc hạ lệnh chia cho Goneril phần lớn của giang san, những khu rừng rậm mát, những cánh đồng màu mỡ, những dòng sông và thảo nguyên bát ngát. Rồi ngài quay sang Régane nghe cô nói: “Tâu bệ hạ, con cùng chung tính khí với chị con, qua chị, con có thể đo được lòng mình. Trong thâm tâm, con nhận ra chị ấy đã diễn tả rất trung thực những điều con cảm thấy, hơn nữa, con thù ghét niềm vui nào không liên hệ đến tình phụ tử và riêng chỉ có tình yêu chan chứa con dành cho bệ hạ mới là nguồn hạnh phúc của đời con.” Và Cordelia, vẫn lặng yên trên ghế, nghỉ ngợi. “Ôi! Cordelia đáng thương. Mày lại giàu tình yêu hơn là lời nói.” Và ông vua cả tin lại ra lệnh cắt một phần lớn đất đai nữa, cũng giàu tài nguyên và rất phong phú cho Régane. Cuối cùng, ngài nhìn về phía Cordelia, đứa con gái được yêu chiều nhất. “Còn con –ngài nói- niềm vui của ta, con ra đời sau cùng, nhưng chẳng vì thế mà ta kém yêu thương con, bây giờ con đang là mối tranh chấp giữa vị lãnh chúa sở hữu những vườn nho rộng lớn ở Pháp và bậc vương tôn, chủ những đàn súc vật trên đồng cỏ bát ngát vùng Bourgogne, con hãy nói làm sao cho xứng với cái phần thưởng to lớn hơn các chị?” Và Cordelia, trái tim nhân hậu của nàng như tê dại, không thể phô diễn những tình cảm đậm đà nhất nên chỉ nói: - Chẳng có gì cả, thưa phụ vương. - Chẳng có gì cả à! -cảm thấy bị xúc phạm, vua Lear kêu lên. - Chẳng gì cả. –cô Cordelia đáng thương lặp lại. Con yêu bệ hạ vì là bổn phận của con không hơn không kém. Phụ vương đã sinh ra con, đã nuôi dạy con, đã thương yêu con. Đáp lại, con ngoan ngoãn, quí mến và kính trọng phụ vương. Mà tại sao các chị con lo đi lấy chồng khi các chị ấy nói rằng đã dành trọn tình yêu cho phụ vương? Chắc chắn là con sẽ chẳng bao giờ thành hôn để có thể yêu cha mình hơn cả. Nhà vua không tin vào đôi tai mình, sửng sốt: - Sao, còn trẻ mà khô khan thế à! - Rất trẻ và chân thực, thưa phụ vương. - Được rồi –nhà vua phán- Giữ sự chân thực đó mà làm của hồi môn! Bởi vì, trước các đấng thần linh, ta từ bỏ mọi tình cảm cha con: cô sẽ là một người xa lạ, chẳng phải là con của ta nữa. Trong khi Kent, viên trung thần, tìm cách thuyết phục cho ngài nguôi giận, nhà vua phẫn nộ hét lên: - Hãy để ta yên! Ta từng thương yêu nó hơn cả; Ta hằng ao ước gửi chuỗi ngày tàn cho nó chăm sóc an ủi. Và cơn giận nổ bùng, ngài quyết liệt xua đuổi cô gái. Ngài chia nốt cho hai cô gái lớn phần còn lại dành cho Cordelia, và trao hết quyền hành cho họ, với điều kiện mỗi người thay phiên nhau nuôi nấng ngài và đám tùy tùng gồm một trăm kỵ sĩ trong thời gian một tháng và vẫn duy trì vương tước của ngài. Ngài sẽ lần lượt đến nhà người này, rồi người kia, cứ thế quanh năm. Nhưng Kent, viên cận thần phúc hậu, than thở trước sự điên rồ của nhà vua, ông biết quá rõ lòng dạ hai cô gái lớn, bởi thế ông to tiếng khẳng khái bênh vực cho công chúa Cordelia. Thế là vua Lear mất hết tự chủ, ra lệnh trục xuất ông ra khỏi nước và phải chịu lưu đày biệt xứ. Rồi ngài thông báo cho hai ông hoàng Pháp và Bourgogne rằng họ có thể cưới Cordelia với điều kiện không có hồi môn. Bởi vì, ngài nói, cô ta đã xuống giá, nếu các người còn nghĩ gì đến cái thân thể mảnh khảnh kia, hãy dẫn nó đi, nó thuộc về các người, với cả lời nguyền rủa của ta nữa! Quận công xứ Bourgogne không dám xin cưới cô Cordelia tội nghiệp nữa, nhưng nhà vua hào hiệp đất Pháp lấy làm kinh ngạc tại sao một cô gái vẫn được quý chuộng, lại bỗng nhiên có thể phạm lỗi lầm quái gỡ đến nỗi đánh mất ân sủng của đức vua. Chàng không tin là cô bội bạc. Cordelia thỏ thẻ van xin cha hãy hiểu cho rằng nàng không hề làm điều gì nhục nhã, chỉ vì lời nói vụng về đã gây ra nông nỗi. “Thà đừng sinh ra mi, để bây giờ khỏi phiền lụy đến ta” –cha nàng đáp lại. Vua đất Pháp vẫn chưa hết kinh ngạc: “Tình yêu chẳng còn là tình yêu nữa nếu chen vào tình yêu có những tính toán xa lạ, -chàng nói- quận công Bourgogne, ông tính sao về công chúa? Bản thân nàng chẳng phải là một món hồi môn rồi ư?” Nhưng quận công Bourgogne thích công chúa với cả món hồi môn đã hứa, và bởi vua Lear nhất quyết không lay chuyển, vị vua Pháp nói: “Hỡi nàng Cordelia xinh đẹp, ta thấy nàng giàu hơn bởi sự nghèo nàn; quí báu hơn bởi nỗi cô đơn. Ta nhận lấy nàng và cả đức hạnh của nàng. Tình yêu ta bùng cháy trước sự lạnh nhạt và khinh rẻ của mọi người. Tâu bệ hạ, cô công chúa không hồi môn mà số phận đã mang lại cho tôi, sẽ là hoàng hậu của tôi, của thần dân tôi và của nước Pháp tráng lệ. Nàng hãy nói với họ lời từ biệt, rồi nàng sẽ tìm thấy ở nơi khác nhiều hơn những gì đã mất nơi đây.” Vua Lear hơi bẽ mặt vì con gái đã tìm ra nơi nương tựa, bèn bước thẳng không thèm quay lại nhìn nàng, và Cordelia, rưng rưng nước mắt tạ từ hai chị. Nàng khẩn cầu hai chị hãy đối xử thật tốt với cha, thừa biết rằng thời gian rồi sẽ vạch trần thói giả đạo đức của họ, rồi nàng bước theo vị hôn phu, kẻ duy nhất đánh giá nàng đúng đắn. Goneril và Régane bàn luận với nhau một hồi mới chia tay. Hai tâm hồn xấu xa hiểu rõ cha mình với tính khí cộc cằn, những cơn nổi giận đột ngột; họ cũng biết tuổi già đã làm suy giảm lý trí của người cha khốn khổ. Họ biết đức vua đã mất tự chủ, cách đối xử tàn tệ đối với Kent, và nhất là sự vội vã và nhẫn tâm chối bỏ đứa con gái thân yêu là bằng chứng hiển nhiên của một thần kinh rối loạn. Họ thừa hiểu rằng đức vua khó rời bỏ quyền hành và uy lực, nên họ thỏa thuận với nhau rằng sẽ giới hạn dần chế độ ưu đãi và đối xử nghiêm khắc với đức vua cha. Trước tiên, đức vua đến trọ tại nhà Goneril, cô cả, trong một tháng với một trăm tùy tùng. Nhưng tuần lễ thứ hai chưa kịp trôi qua, đứa con bội bạc đã kêu ầm lên rằng không còn chịu đựng nỗi sự hoang phí và mối bực dọc. Chị ta than phiền về tư cách và cử chỉ nghịch ngợm của một trăm kỵ sĩ; chị ta làm ngơ, đôi khi khuyến khích sự cẩu thả và xấc xược của bọn người hầu với đức vua già mà chị ta xem như một ông lão lẩm cẩm. Đức vua than trách, ngài bênh vực bộ hạ và gã hề bị ngược đãi. Tính nóng nảy phút chốc khiến ngài điên tiết. Ngài đập một tên hầu của Goneril đã quấy phá thằng hề, kẻ duy nhất còn biết cách làm ngài cười và vừa bông lơn vừa nói cho ngài nghe khối sự thực. Ngài giận dỗi vì người ta bắt ngài phải chờ đợi trong bữa cơm chiều, cuối cùng ngài đánh viên quản lý vô lễ đã dám huênh hoang rằng dù sao thì đây cũng chẳng phải là nhà ngài, mà chính là nhà của con gái ngài. Tuy nhiên, vua Lear vẫn không muốn tin rằng việc thay đổi thái độ là có chủ trương, và việc người ta phục vụ tồi tệ và ăn nói xấc láo là có dụng tâm. Đến khi thằng hề bảo rằng đức vua điên mới không giữ lại cho mình một ít của cải, để đến nỗi bây giờ chỉ là con số không, chẳng giá trị gì. Ngài bèn nổi giận và mắng chửi hắn. Phải đợi chính Goneril làm ngài sáng mắt. Chị ta mát mẻ trách cứ thái độ kỳ quặc của ngài và sự hỗn độn của đám tùy tùng, rồi buộc ngài phải cắt giảm đám bộ hạ xuống còn năm mươi kỵ sĩ thôi. Những ảo tưởng của vị vua già khốn khổ sụp đổ tan tành. Nỗi căm tức trước sự bất công đó thật vô bờ, khiến ngài bắt đầu hiểu ra lỗi lầm của mình chẳng còn nghi ngờ gì nữa, và đâm ra hối hận về sự bất công của chính mình đối với Cordelia. “Ôi! Lear! Lear! Lear! –ngài hét lên vừa đập vào trán- hãy đập nát cánh cửa này đây đã để cho lý trí thoát ra và cơn điên chui vào! Dù sao ta vẫn còn một đứa con gái nữa.” Và ngài quyết định dời sang trọ nhà cô Régane, sau khi đã trút lên đầu Goneril những lời nguyền rủa cay độc và trù ẻo cho mọi tai trời ách đất tàn hại đứa con suy đồi. Con người đau khổ quá tin vào sự thương yêu và lòng trắc ẩn của Régane bèn ra đi với gã hề, đoàn kỵ sĩ và một bộ hạ mới mà ngài rất thích, nhưng không thể nhận ra đó là Kent, người bề tôi trung tín, đã trở về bên ngài sau khi cải trang và mang tên giả. Vua Lear bỗng dưng đa nghi, phái anh ta đến báo với Régane rằng ngài sẽ đến trước thời gian qui định. Nhưng cùng lúc ấy, Goneril cũng cho tên quản lý sang nhà em với một bức thư dặn dò và trách móc vua cha. Trước sân nhà quận công Cornouailles và Régane, hai sứ giả gặp nhau và đập lộn nhau chí chóe. Người ta nhận ra ngay ai là kẻ được bà quận công tin cẩn, bởi chị ta ân cần lắng nghe tên quản lý nói và buộc người tôi trung thành của cha mình vào tội phải bêu trước công chúng. Khi đã bị phơi ra trước cửa lâu đài, anh ta cố gắng nén đau, vừa cố gắng ngủ. Chính vua Lear đã bắt gặp cái cảnh đó thay vì sự tiếp đón nồng nhiệt như ngài chờ đợi khi lần mò đến nhà con gái. Cố nén phẫn uất, ngài gõ cửa và thấy rõ cửa không chịu mở ngay, cánh cửa của nhà con gái ngài đấy. Ngài tự nhủ mình nên kiên nhẫn, tự trách mình quá thô bạo trong cử chỉ và đứng chờ các con ra đón ngài vào. Sau khi nghe kể những nỗi nhục nhã ngài phải gánh chịu ở nhà Goneril, Régane chẳng chút động lòng, chỉ tìm lời dịu ngọt khuyên bảo ngài nên thận trọng và phải biết phục tùng: “Cha hãy quay trở lại nhà chị tôi, -chị ta nói- ngài đã già rồi, phải để người ta điều khiển chứ. Tôi van ngài, hãy nhận rằng mình đã xúc phạm chị ấy thái quá, bởi tôi không sao tin rằng chị ấy lại có thể sơ sót điều gì trong bổn phận đối với cha.” Nghe đến đó, ông lão Lear nổi xung, nguyền rủa và thề sẽ không bao giờ gặp lại Goneril, rồi vẫn còn tin tưởng, ngài khơi động tấm lòng Régane: “Chắc hẳn con không kiếm chuyện gây gổ về những thú vui của cha, hay tìm cách cắt giảm số tùy tùng hoặc buông lời mắng nhiếc cha, cắt giảm chi tiêu của cha và đóng sầm cửa lại mỗi khi cha đến gần. Con hiểu rõ hơn ai về những tình cảm tự nhiên, về nghĩa vụ con cái, và cách ăn ở hiền thục và con cũng không quên rằng cha đã tặng con một nửa giang san!” Nhưng trong lúc Régane cáo lỗi không thể lưu giữ ông được, viện cớ rằng chưa có kịp chuẩn bị gì để có thể tiếp đón ông một cách chu đáo, người ta nghe thấy tiếng kèn rầm rộ báo hiệu Goneril sắp đến. Cô em đón tiếp bà chị niềm nở đến mức khiến cha họ tan nát cõi lòng, bà chị đến để tự biện minh và xúi dục Régane làm theo mình. Tiếp đó bắt đầu một sự mặc cả khả ố, Régane từ chối không nhận cha mình trước cuối tháng; ngoài ra ông chỉ được phép mang theo năm mươi người. Nhưng liền ngay đó, chị ta tuyên bố chỉ chấp nhận hai mươi lăm, còn Goneril thì lại đề nghị cắt bỏ hết đám tùy tùng của đức vua. Ông ấy cần gì đến kẻ phục dịch trong nhà các con mình chứ? Nhà họ quá chật, chỉ có thể chứa nổi một mình nhà vua mà thôi. Lần này, vua Lear đã hiểu cả. Ông chạy trốn, lòng đau như xé, và cứ lải nhải: “Các ngươi tưởng ta sẽ khóc à? Không, ta không khóc đâu! Đúng là ta có những điều đáng khóc đấy! Nhưng trước khi ta nhỏ một giọt lệ, quả tim này phải nát tan từng mảnh. Ôi! Hề ơi! Ta cảm thấy mình đã mất trí. Những gì ta sẽ làm, chẳng biết rồi sẽ ra sao, nhưng rõ ràng sẽ làm cho cả trái đất kinh hoàng.” Và dù cho đêm tối, dù gió bấc buốt da đang vi vút trên cánh đồng trơ trụi, -mà trong vòng vài dặm không thể nhìn thấy cả một bụi cây- hai con quỉ cái đã bỏ mặc ông ra đi với tên hề, không quên gài chặt then cửa để đề phòng cơn bão đang đe dọa. Đó là một đêm đen thẫm như địa ngục. Trên cây thạch thảo ven dốc đá, bão tố nổi lên quay cuồng. Ông lão đầu trần cắm cúi chạy, ông muốn đem mạng sống mong manh ra chống chọi với mưa đổ gió bay, ông lên tiếng thách thức số phận và sự hủy diệt: “Gió ơi, hãy gào thét lên đi! Vòi rồng và thác nước! Hãy dâng sóng ngập tràn mặt đất, đến tận con gà trên nóc gác chuông. Gió bão, sấm sét! Các ngươi đâu phải con gái ta! Hỡi thiên nhiên bạo tàn, ta không hề trách các ngươi bạc ác! Ta đâu có tặng các ngươi một vương quốc, các người đâu phải con cái ta! Các ngươi đâu cần phải vâng lời ta! Vậy hãy trút lên mình ta tất cả cơn cuồng nộ! Ta là kẻ nô lệ khốn khổ, là lão già gầy yếu bị đè bẹp bởi bệnh tật và sự rẻ khinh. Các ngươi chỉ là những tên tay sai hèn hạ cấu kết với hai đứa con gái đồi bại để chống lại lão già đầu bạc này! Ôi thật ghê tởm!” Rồi dưới chớp léo đỏ rực, không hề nao núng trước sấm vang sét nổ, bão tố gầm thét loạn cuồng, tóc rối bời, dữ tợn và lạnh lùng, ngài bước đi, không đếm xỉa gì đến gã hề theo sau, cũng chẳng nhận ra người bề tôi trung thành Kent muốn vời ngài vào trú ẩn nơi ổ rơm trong túp lều tranh. Bởi vua Lear chẳng còn cảm giác gì nữa cả. “Kẻ nào bị cấu xé bởi một niềm đau quá lớn –ngài nói- không thể nào cảm thấy nỗi buồn nho nhỏ. Than ôi! Ta là người đang khổ sở về những điều độc ác mình chưa hề gây ra. Thần trí ta rối loạn mất rồi!” Tuy nhiên, con người tội nghiệp ấy bằng lòng ghé vào một mái nhà để sưởi ấm gã hề đang buốt lạnh thấu xương, ngài nghĩ đến những kẻ không nơi nương tựa và chợt hiểu ra mọi nỗi cơ cực trên đời. “Những người khốn khổ đáng thương! Dù các người ở đâu, các người đang hứng chịu cơn thịnh nộ của trận bão phũ phàng, làm sao những cái đầu trần trụi, những dạ dày lép kẹp và những áo quần rách rưới có thể che chở các người trong buổi thời tiết khắc nghiệt như thế này? Ôi! Ta thật ít quan tâm đến các người. Những kẻ giàu sang! Đây là phương thuốc: hãy đưa lưng ra gánh chịu những gì những kẻ khốn cùng phải chịu, các người sẽ biết chia cho họ cái thừa của các người và như thế sẽ khiến trời đất công bình hơn!” Và khi gặp một kẻ lang thang, ngài liền hỏi: “Có phải ngươi cũng giao hết tài sản cho con gái không? Để rồi ra cớ sự này?” Rồi ngài triêt lý: “Tốt hơn là ngươi chui xuống mồ, chứ đứng đây làm gì, để phơi thân giữa cảnh trời long đất lở. Con người là thế đấy! Không có tơ của con tằm, không có lông của con thú, không có len của bầy cừu, người cũng chỉ là đồ súc sinh, một con vật khốn khổ. Nào chúng ta hãy vất bỏ quần áo đi!” Và ngài xé toạc bộ quần áo đã xác xơ tơi tả, lý trí mê muội của ngài đã hoàn toàn điên loạn; ngài kể lể viển vông, lời nói rời rạc, lẩn thẩn, ngài muốn xét xử con gái theo thủ tục pháp lý. Trái tim cằn cỗi đáng thương, nó góp thêm nước mắt cho cơn mưa xối xả! Lúc đó, hai đứa con gái muốn ngài chết cho xong, đã thúc bọn sát nhân theo giết quách ngài đi. Người bầy tôi trung thành Kent vẫn luôn bảo vệ ngài, vội bốc ngài đưa đến Douvres. Tin tưởng lòng dạ Cordelia, ông gởi cho nàng một lá thư. Lập tức hoàng hậu cùng với cả một đội quân Pháp đổ bộ để tìm cha và trừng trị các chị. Vua Lear khốn khổ đang ở trong thành, vào những lúc hồi tỉnh, ngài nhận ra được những kẻ chầu chực xung quanh, nhưng một sự hổ thẹn không vượt qua nổi khiến ngài không dám gặp Cordelia, ngài nhớ lại sự cứng rắn trước kia khi ngài tước bỏ mọi bổng lộc của nàng và đã phó mặc nàng cho số phận ở một đất nước xa lạ, truất hết mọi quyền lợi của nàng để giao cho những người chị lòng lang dạ thú, tất cả những ký ức đó, còn hơn là nọc độc, xâu xé trái tim ngài. Niềm hối hận giày vò khiến ngài rời xa Douvres và kẻ mất trí khốn khổ lang thang ven dốc đá hung dữ như sóng gào, hát nghêu ngao, đầu quấn nào độc cầu, nào tầm ma và đủ thứ cỏ dại mọc trên đồng, trong lúc con gái út của ngài sai quân lính và thầy thuốc tìm ngài khắp nơi. Cuối cùng đến khi Kent tốt bụng bắt gặp ngài, người ta chăm sóc và ru ngài ngủ. Ngài thức dậy trong tiếng nhạc réo rắt êm đềm, Cordelia, ngồi ở chân giường, vuốt ve những mớ tóc bạc trắng, thỏ thẻ nói chuyện với ngài. Nỗi thương đau của ngài sống dậy mãnh liệt. “Các ngươi đã làm hại ta khi lôi ta ra khỏi mồ. Ta bị cột chặt vào một bánh xe bằng lửa, nước mắt ta là những giọt nóng rơi trên má!” Khổ nhọc lắm Ngài mới tin là mình còn sống. “Ngươi là một hồn ma ta biết lắm –ngài nói với Cordelia- Ngươi chết bao giờ nhỉ? Nhưng không, ánh sáng ban ngày đây mà. Ta sẽ chết mất vì thương xót, nếu ta trông thấy kẻ khác lâm vào cảnh ngộ như ta. Ta không dám tin rằng đây là đôi tay ta. Ta thiết tha muốn biết rõ tình trạng thực sự của mình.” Cordelia tuyệt vọng vì cơn mê loạn đó, khẩn cầu ban phúc cho ngài. “Ôi, ta van ngươi –ông lão quì lạy dưới chân nàng- xin đừng riễu ta. Ta là một lão gì khốn khổ; Ta đã sống tám mươi năm, mà nói thực, ta e mình chưa làm chủ trọn vẹn lý trí của mình. Dường như ta có quen biết ngươi, nhưng sao ta vẫn hoài nghi; tuy nhiên, nếu quả thật ta là một người, thì hình như người đàn bà này là Cordelia, con ta!” Cơn cuồng nộ qua đi, ngài mơ hồ nhớ lại rằng các con gái đã có lỗi lầm với ngài và khiêm tốn đến xót xa, ngài tuân phục Cordelia mọi điều và thừa nhận rằng: “Ta đã già rồi và tâm trí đã lú lẫn.” Nhưng viên y sĩ cho con gái ngài biết rằng vẫn còn hy vọng khôi phục trí tuệ cho ngài. Song le, con người khốn khổ chỉ gặp lại Cordelia để rồi mất nàng mãi mãi. Hai quân đội Albanie và Cornouailles đã đánh thắng quân Pháp, vua Lear và con gái ngài bị bắt làm tù binh. Trong lúc bị chúng áp giải đi, vua Lear tỏ ra khoan khoái: “Này con –ngài nói với Cordelia- chúng ta cứ hãy vào tù. Chỉ còn riêng hai cha con, chúng ta sẽ ca hát như chim trong lồng; trong khi con cầu trời ban phúc cho cha, cha muốn quì xuống van xin con tha thứ. Chúng ta sẽ sống như thế đó, cầu nguyện, hát ca, kể chuyện cổ tích, rồi đùa vui với những cánh bướm vàng sặc sỡ và lắng nghe bọn ti tiện kháo nhau về chuyện triều đình. Chúng ta sẽ tán gẫu với họ về kẻ thua người thắng, kẻ ra người vào, và chúng ta sẽ có dịp biết rõ bí ẩn của mọi việc, như thế chúng ta là do thám của nhà trời. Nào, hãy lau nước mắt đi, chúng ta sẽ thấy tất cả bọn chúng chết đói trước khi chúng có thể làm chúng ta khóc.” Nhưng khi họ được giải thoát thì đã muộn. Régane và Goneril trước khi chết, nạn nhân của chính những mưu mô xảo quyệt của chúng, đã ra lệnh thắt cổ cô em gái ngay trong ngục. Vị vua già vẫn còn đủ sức để giết chết tên nô lệ đã hành hình Cordelia, và nâng đứa con đã chết trên tay, ngài kêu lên thống thiết: “Hét lên, rú lên, gào lên! Ôi! Các ngươi là gỗ đá! Nếu ta có cái lưỡi và đôi mắt của các ngươi, ta phải làm sao cho đất trời chuyển động sụp đổ tan tành. Lẽ ra ta phải cứu được con, giờ đây con đã ra đi vĩnh viễn! À! Con nói gì nhỉ? Giọng nói của con vẫn êm đềm trìu mến, đối với một người đàn bà thật đáng quí xiết bao! Đứa con hồn nhiên của ta đã bị bức tử! Sao? Con chó, con ngựa, con chuột vẫn được sống mà con, con không còn hơi thở? Con chẳng bao giờ trở lại nữa; chẳng bao giờ, chẳng bao giờ nữa cả! Hãy nhìn kìa đôi môi của nó!” Và trái tim quặn thắt, quá đau đớn, cuối cùng bị vỡ ra; trong khi Kent, đầy lòng trắc ẩn, cúi đầu cầu nguyện: “Ôi! Xin đừng hành hạ vong linh ngài! Hãy để cho ngài ra đi thanh thản. Phải thù hận ngài lắm mới muốn giữ ngài lại lâu hơn trên bánh xe nhục hình của cõi trần khắc nghiệt.” Thế là vua Lear không thể sống lâu hơn trái tim hiếu thảo đã trọn đời yêu mến ngài.