Ông Đỗ Quan Thắng vừa tiễn đưa người vợ yêu quý nhứt đời tên Vũ Thị Cẩm Lan đi về một cõi xa xăm!
Ông trở về căn nhà sang trọng rộng rãi, nhưng bây giờ rất trống vắng, ở vùng ngoại ô Paris. Ông cỡi chiếc áo veste màu đen quăng bừa lên bàn ăn, rồi đến ngồi ì trên ghế salon. Gương mặt ông thật buồn. Ông ngồi yên lặng mấy phút. Dường như bên tai ông vẫn còn nghe văng vẳng những lời của bà Cẩm Lan thường hay nói với ông trước và sau ngày hai người quyết định kết hôn sống mãn đời với nhau: Em thích sống tới cỡ năm chục tuổi. Sau đó em thay đổi xác để em trở lại đây cho tươi trẻ, chớ em không bao giờ nghĩ là em chết đâu.
Thắng đứng lên nhìn tấm ảnh tươi cười của Cẩm Lan chụp bên Tour-Eiffel, rồi ông bước lại bàn nhỏ lấy tẩu thuốc ‘ống bíp’ chăm lửa hít vài hơi phì khói...
°
Hơn hai mươi bảy năm về trước...
Ngày đầu tiên Thắng gặp Cẩm Lan đi xem ciné ở rạp Mini-Rex cùng với Tiến, người bạn học cũ của thuở còn học sinh trung học. Sau khi hai người đỗ bằng tú tài đôi. Tiến lựa ngành dược, còn Thắng đi ngành y khoa.
Hôm ấy, Thắng tưởng Cẩm Lan là bồ mới của Tiến. Nhưng không phải. Nàng chỉ là cô gái mà Tiến vừa mới làm quen vài ngày thôi. Bởi vì Tiến có vé mời đi ciné được hai người. Tình cờ Tiến gặp Cẩm Lan đang ngồi uống nước dừa xiêm tại Quán-Lều-Tre. Chàng làm quen và hẹn nàng đi xem ciné chung cho đỡ lẻ loi.
Sau khi tan hát, Tiến và Thắng gặp lại nhau, sẵn đó Tiến mời Thắng qua Quán-Lều-Tre uống nước. Lúc ấy, dường như có một cái gì thúc đẩy Thắng đi theo Tiến và Cẩm Lan. Vào trong quán, Tiến vui cười nhìn Cẩm Lan mà nói với Thắng:
- Thắng à! Moa xin giới thiệu Cẩm Lan cho toa nhé!
Thắng nhìn Cẩm Lan, Cẩm Lan cũng xoe tròn đôi mắt nhìn Thắng rồi quay sang Tiến, nàng nói:
- Hai anh định cho em đóng tuồng gì đây?
Tiến đáp ngay câu hỏi của Cẩm Lan:
- Cô Cẩm Lan à! Đây là bác-sĩ Thắng, Một người hiền lành, nhưng đặc biệt có cái tánh nhút nhát nên lúc nào cũng đi cu-ki.
Cẩm Lan tươi cười nói:
- Vậy sao! Nhưng đó là cái tánh tốt của anh ấy! Em thích đàn ông con trai chỉ thích nghe hơn nói. Đàn bà mới có quyền nói nhiều thôi.
Thắng vẫn ngồi im để mặc cho Tiến bày vẽ. Bởi Thắng là người đàn ông ít nói.
Tiến nghe Cẩm Lan nói thế cũng hơi nhột, nhưng chàng vẫn tiếp tục nói với Thắng:
- Moa mới quen với Cẩm Lan hai ngày ở tại đây. Để moa làm ‘’băng nhân’’ cho hai người nhé! Sau đó tùy hai người quyết định cuộc đời.
Cẩm Lan thoáng đưa ánh mắt nhìn Thắng. Xem như nàng chấp nhận. Còn Thắng gương mặt cũng tươi hẳn lên. Cẩm Lan chẳng muốn gì hơn là nàng chỉ thích làm quen và được đi chơi với mấy chàng có vẻ trí thức loại này để nàng lấy-le với bạn bè. Chớ nàng không dám mơ mộng xa vời. Nhưng họ chưa biết nàng là ai, ở đâu và làm gì? Cẩm Lan cũng không phải là một cô đào hát. Nhưng đôi khi nàng đóng tuồng khá hay. Cái tài ăn nói hoặc thay đổi xiêm y, từ dáng điệu và thay đổi luôn cả sự đối đáp tùy thuộc giới nào, thành phần nào khi nàng trực diện với họ.
Sau gần nửa tiếng đồng hồ, Tiến và Thắng nói qua nói lại. Trời đã hơi khuya. Cẩm Lan đứng dậy cáo từ cả hai người. Rồi nàng đi nhanh không chần chờ để nhờ ai đưa nàng về.
Tiến đứng lên nói với Thắng:
- Toa thấy cô ấy tự nhiên không? Nếu sự thật toa muốn gặp lại Cẩm Lan thì chiều chiều toa cứ đi ra miệt này là gặp nàng hà!
Thắng ngạc nhiên hỏi Tiến:
- Ủa! Toa không biết Cẩm Lan ở đâu sao? Còn cô ta làm gì Toa có biết không?
Tiến lắc đầu và vỗ vai Thắng, chàng nói:
- Không. Moa quen với nàng như một luồng gió thoảng đưa mây vậy đó! Nàng xinh xắn dễ nhìn và ăn nói rất vui vẻ là đủ rồi. Còn chuyện ở đâu, làm gì. Nếu toa thích làm quen thân hơn thì toa hỏi nàng sau.
Thắng hơi suy nghĩ, và hỏi:
- À này! Toa với cô ấy có... gì chưa?
- Không. Không có gì cả, moa đã nói rồi, là moa có ý passé cho toa. Vì moa có Quế Hương. Hai năm nữa nàng trở về tụi này sẽ cho toa uống rượu...
Thắng nghĩ: Tiến, nó dạn dĩ, hào hoa, phong nhã, đẹp trai. Nên nó dễ thu hút những nàng con gái, bất luận là loại con gái nào. Còn mình hay bị mặc cảm cái chân...và xí trai hơn nó, mà lại không biết cách cua gái. Cẩm Lan là mẫu người mà mình rất ưa. Thôi mình cũng nghe lời xừ Tiến này, để mình sẽ tìm gặp lại nàng.
Thắng quay sang nói với Tiến:
- Merci toa nhé! Cô Quế Hương moa nhớ rồi. Có phải nàng vừa đi tu nghiệp bên Pháp không?
Tiến trả lời bằng một giọng hơi nhão nhão:
- Đúng rồi! Nàng có mộng thích học cao hơn bọn mình. Nên cha mẹ nàng chiều ý để cho nàng đi. Quế Hương học trường Tây từ thuở nhỏ. Nàng nói chuyện hay dùng ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ. Đôi khi moa muốn khuyên nàng nên nói chuyện bằng tiếng Việt. Nhưng... tánh tình Quế Hương rất giống mấy cô Đầm, hổng chừng mai mốt nàng trở về nước. Nàng sẽ quên bẵng tiếng Việt luôn đó.
Thắng trả lời:
- Làm sao quên được. Mỗi gia đình có cách giáo dục con cái khác nhau. Chú thím moa, tuy cho moa vào học trường Tây. Nhưng về nhà là bị cấm tuyệt đối không cho nói ngoại ngữ. Nếu đứa nào mà nói tiếng Tây hay tiếng Anh là không cho ăn cơm đấy. Mà nếu một ngày nào moa có lấy vợ, thì moa thích chọn một nàng con gái, con nhà bình dân. - Ừa, thì toa tìm đi. Tụi mình đứa nào cũng trên ba chục rồi. Còn chuyện moa ucluc~~~---
- Lời giới thiệu về tác phẩm của nhà văn Việt dương Nhân
- Như Cánh Tuyết Rơi
- Hoa Tuyết Đêm Xuân
- Giọt Nắng Xuân
- Kiếp Bơ Vơ
- Gió Xoay Chiều
- Mặt Trời Vẫn Lên
- Phận Nghèo
- Ngoại Tình
- Tay cắt tay bao nở
- Bóng Mờ Dĩ Vãng
- Xóa Hận Thù Riêng
- Vầng Trăng Khuyết
- Lá Vàng Lóng Lánh
- Một vài cảm nhận về tập truyện
---~~~mucluc~~~--- ---~~~cungtacgia~~~---
!!!4256_5.htm!!!đính hôn với Quế Hương, là do ba má moa chọn. Hồi chưa biết mặt nàng. Moa nghe cái tên Quế Hương, moa tưởng là gái Huế. Nhưng nàng sanh trưởng tại đây. Chắc có lẽ tại cái tên ấy. Nên Quế Hương hơi kiêu kỳ. Còn toa! Bây giờ toa có rồi đó. Tiến lấy tay chỉ theo Cẩm Lan. Trong lòng Thắng nghe có cái gì là lạ. Có lẽ chàng ta đang bị tiếng sét ái tình rồi chăng? Thắng nói với Tiến: - Cô ấy cũng dễ thương và có dáng. Để chờ xem toa ơi! Mới vừa quen mà. Thôi khuya rồi. Tạm biệt nhé! ° Tiến và Thắng cùng đi qua bến đậu xe trước Tòa Đô Chính (Sàigòn) để lấy xe. Tiến chạy xe về trước. Còn Thắng thì chậm rãi từ từ. Bỗng chàng ta thoáng thấy bóng của Cẩm Lan đang đứng làm như người đón xe. Thắng cho xe tới gần nàng, và gọi: - Cô Cẩm Lan! Cô chưa về sao? Cẩm Lan chạy tới, nàng nói: - Em đang đón Taxi! - Cô về đâu? Sẵn xe, tôi xin đưa cô về. Cẩm Lan lưỡng lự, nàng nói: - Thôi! Rất cám ơn anh. Em không dám làm phiền anh. Cẩm Lan bỏ đi ngay. Thắng đành cho xe thẳng về nhà phía Tân Định, quẹo vô đường Đặng Tất. Tới nhà, Thắng mở cửa nhè nhẹ vào, chàng không bật đèn mà đi thẳng vô trong bếp mở tủ lạnh rót một ly nước uống, và ngồi lại cái bàn nhỏ nơi đó. Trong lòng Thắng nghe bâng khuâng lạ lạ. Chàng nghĩ về Cẩm Lan, và tự hỏi: Sao kỳ lạ kìa, Đêm khuya mà Cẩm Lan còn ở ngoài đường. Hay là nàng có nhà ở gần miệt đó? Nghĩ ngợi bâng quơ, sau đó chàng thót lên lầu vào phòng nằm trằn trọc mà hình ảnh Cẩm Lan cứ nhảy múa trong tâm hồn chàng. Thắng sanh trưởng ở Bến Tre. Chàng mồ côi cha mẹ rất sớm, nhờ người chú khá giả đem về nuôi ăn học, và đậu bằng bác sĩ toàn khoa hơn ba năm qua. Ông chú lo cho Thắng một phòng mạch gần nhà, tặng cho chàng một chiếc xe hơi hiệu Peugeot 403 màu đỏ đậm đời 60. Và ông cũng muốn lo cho Thắng lập gia đình, nhưng chàng từ chối vì chưa sẵn sàng lấy vợ. Chàng bị tật chân mặt đi hơi khập khểnh một chút. Nên Thắng có rất nhiều mặc cảm. Hôm nay nhờ Tiến giới thiệu cho chàng được làm quen với Cẩm Lan, lòng chàng bị lao nhao chao động... Còn Cẩm Lan lông bông một mình, một bóng lang thang cuốc bộ về căn phòng trọ ở đường Phạm Ngủ Lão cạnh bên rạp hát Bàu-Xá. Trong đầu nàng nghĩ đến Tiến và Thắng. Nàng thoáng thấy hơi bực, tại vì sao Tiến xem nàng như món đồ chơi. Nhưng nàng lại tự bào chữa: Cũng tại mình không phản ứng. Và mình lại khoái đàn ông, con trai ê-lê-găn, mặc sơ-mi trắng quần đen. Vậy mình sẽ bắt ‘bồ hờ’ với anh Thắng để xem đời sẽ ra sao! Về phòng trọ loay hoay một hồi, Cẩm Lan leo lên ghế bố nằm ngủ một giấc. Cẩm Lan là một cô gái, quê ở ấp Tân Hòa làng Tân Bữu, sinh trưởng trong một gia đình nông dân và chuyên môn nuôi heo, gà, vịt. Còn trình độ học vấn chỉ bật trung học đệ nhứt cấp mà thôi. Năm nay nàng vừa tròn hai mươi, đã có chồng lúc mười tám tuổi do gia đình gả ép. Sau khi lấy chồng được sáu tháng, nàng không hạp với chồng, hơn nữa nàng không yêu chồng. Nên bỏ nhà trốn lên Sàigòn sống bụi đời. Lúc đầu Cẩm Lan đứng bán ớt, tỏi, hành, ngò trước cửa Bắc chợ Sàigòn. Lần lần nàng làm quen với mấy người chuyên môn bắt mối đổi đô-la, nên cuộc sống của nàng tùy bữa hên xui vô chừng. *
Sau mấy tháng trôi qua, Cẩm Lan gần như đã quên mất hai ông trí thức kia. Một buổi chiều thứ bảy, Cẩm Lan thấy Thắng đang đi lòng vòng trong Thương-Xá-Tax. Nàng giả bộ đi vòng qua cửa Nguyễn Huệ để đụng đầu Thắng. Thắng nhìn thấy nàng, lòng chàng hơi bối rối đứng khựng lại: - Chào cô Cẩm Lan! Cẩm Lan làm bộ ngó quanh quất, rồi mới thấy Thắng, nàng nói: - Dạ, chào anh Thắng! Lâu quá không gặp anh. Anh vẫn khỏe chứ? - Vâng, cám ơn cô! Tôi vẫn khỏe. Còn cô? - Dạ, em cũng thường thôi. - Tôi đi dạo ngoài này nhiều lần. Nhưng sao tôi không gặp cô? - Thiệt hông? Thôi anh ơi! Đừng...đừng... - Thiệt mà! À! Cô có gặp lại dược-sĩ Tiến không? - Ủa! Anh Tiến là Dược Sĩ hả? Em tưởng anh ấy là dân làm áp-phe chớ! - Tại sao mà cô nghĩ như vậy? - Tại em thấy anh ấy nói chuyện giống... quá hà! - Không phải đâu. Tiến, nó giễu dữ lắm. Hồi còn học sinh với nhau. Tụi bạn hay gọi nó là Tiến-Hề đó. Coi vậy chớ nó tốt bụng lắm. Gặp lại cô. Tôi muốn mời cô đi dùng cơm với tôi tối nay. Cô có rảnh không? - Đi ăn cơm với anh? À! Có ai đi chung không? - Không! - Đi ăn ở đâu? - Ở trên Bình Triệu. - Mấy giờ? - Bây giờ! - Trời ơi! Còn sớm quá! Em phải về thay áo dài. - Cô mặc như vầy cũng đẹp quá rồi, thay áo dài làm gì cho mất công. Cẩm Lan nín thinh vài giây, nàng nói: - Anh ăn mặc ê-lê-găn quá. Còn em, em mặc quần Jean, áo thì hơi cũ như thế này có kỳ không? Nghe đâu ở trên Quán-Bình-Triệu sang lắm phải không anh Thắng? - Tôi nói đẹp rồi, không kỳ gì hết. Bộ cô chưa đi ăn lần nào trên đó sao? - Có! Nhưng trong mơ thôi! - Cô vui quá! Chỗ đó cũng thường thôi. Coi vậy mà gần bảy giờ tối rồi. Thôi mình đi nhé cô! Thắng và Cẩm Lan qua lấy xe trực chỉ tới Bình-Triệu sau đó. Vào Quán-Bình-Triệu, thực khách cũng khá đông, quang cảnh rất đẹp. Chú bồi bàn dẫn hai người đến bàn ở một góc gần mé ao, xung quanh có giăng những bóng đèn nho nhỏ đủ màu ánh lên trên lá bông súng lóng lánh như đám sao lấp gần đầy mặt ao, có năm ba hoa súng trồi lên, cái búp, cái nở màu tim tím thật là đẹp và có cả bầy cá dưới ao đang đớp bóng nghe chóc-chóc... Thắng hỏi Cẩm Lan: - Làm gì mà cô thẩn thờ vậy? Cô thích ăn món gì? Ở đây có cua rang muối, cơm tay-cầm, lẩu lươn...v.v... - Cảnh ở đây đẹp và hữu tình quá chứ. Thôi anh đi chợ đi. Thắng thấy vui lây với Cẩm Lan, chàng cười và nói: - Tôi là đàn ông mà cô bảo tôi đi chợ. Thôi được! Tôi đi chợ, còn cô nhìn trời để mà làm thơ hén! - Nơi đây thì anh là người đi chợ lựa món ăn. Chớ... ở nhà là em phải đi chợ rồi. Bộ anh thích thơ lắm sao? - Thích lắm! Chắc cô chỉ biết làm thơ, chớ làm sao mà biết nấu ăn, có đúng không? - Trời ơi! Em là đàn bà con gái bắt buộc phải biết nấu ăn chứ, nhứt là con gái nhà quê như em. Còn về thơ thì em mê đọc và hay nghe Tao Đàn lối mười giờ rưỡi đêm. Anh có nghe không? Em chỉ thích nghe thơ chứ không biết làm thơ đâu! - Xin lỗi cô, vì tôi nhìn hai bàn tay của cô thì tôi nghĩ cô chắc không làm động móng tay, mà chỉ ngồi thơ thẩn ngẩn ngơ như thi sĩ. Cẩm Lan cười khút khít và nói: - Đúng đó! Em thích làm Thi sĩ mò trăng đáy nước như Đại Thi Hào Lý Bạch ngàn năm xưa đó... Kìa người ta đang đợi anh gọi thức ăn kìa. Thắng ngó lên nói với cậu bồi bàn: - Xin lỗi! Anh cho tôi một dĩa gỏi ngó sen tôm càng, một cua rang muối và hai phần cơm tay-cầm. Thắng nhìn và hỏi Cẩm Lan: - À! Cô thích uống nước gì? - Anh uống gì, em uống đó. - Uống bia-đặc nhé! - Bia-đặc! Được, em uống đại! Tiến gọi thức ăn, nước uống xong, chàng nhìn Cẩm Lan và nói: - Bây giờ trở lại vấn đề thi-thơ. Cô mê thơ, vậy cô thích thơ của ai nhứt? - Tản Đà, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử... Mà của ai em cũng thích hết. Vì khi đến giờ Tao Đàn nghe Đoàn Yên Linh ngâm thơ của ai là em mê thơ người đó. Thắng xoa tay, miệng cười và nói: - Vậy đâu phài cô yêu thơ của mấy ông Thi Sĩ. Mà... mà cô yêu người ngâm thơ trúng hơn. Có phải đúng không? Cẩm Lan có vẻ hơi bị quê. Nàng nói một giọng buồn buồn: - Anh làm em cụt hứng rồi. Em không nói về thơ nữa đâu. Thắng thấy Cẩm Lan thật là nhạy cảm. Nên chàng cũng không đá động về chuyện trên nữa, chàng gấp gỏi bỏ vào chén của Cẩm Lan, và nói: - Cẩm Lan dùng thử món này đi, ăn tự nhiên nha! - Thì anh để em tự nhiên, chứ anh lo cho em quá. Em sẽ mất tự nhiên là chừa cho anh ăn hết một mình đấy. Bữa cơm ăn xong cỡ mười giờ đêm, Thắng trả tiền, chàng hỏi Cẩm Lan: - Cô Cẩm Lan có thích đi phòng trà không? Cẩm Lan chợt nhớ cái chân của Thắng làm sao chàng nhảy được. Nàng nói: - Em nhảy dỡ lắm! Thôi khuya rồi mình đi về anh ơi! Nếu anh muốn đi nữa thì mình ghé quán chè Khánh-Ly ở đường Tự Do ăn chè nghe nhạc. - À, có lý hén! Thôi đi Cẩm Lan. Thắng lái xe trở về Sàigòn và ghé ăn chè nghe nhạc. Đã quá mười một giờ đêm, tiệm sắp đóng cửa, Thắng hỏi: - Nhà Cẩm Lan ở đâu? Anh đưa về. Cẩm Lan ú ớ...đáp: - Anh Thắng à! Thôi, anh đi về trước đi, chút nữa em về một mình cũng được. - Tại sao Cẩm Lan không cho anh đưa Cẩm Lan về? Đến đây Cẩm Lan bị kẹt, nhưng nàng vẫn nói: - Tại em muốn ở lại đây để gặp mấy người bạn. Thắng nghe trong lòng thoáng buồn, chàng tự hỏi: Sao Cẩm Lan có thái độ kỳ hoặc vậy kìa? Hay là nàng có chồng? Nhưng Thắng đánh bật ý nghĩ ấy ra và tự hỏi tiếp: Nếu có chồng sao nàng dám đi chơi như thế này? Trong lòng Thắng nhứt quyết đưa Cẩm Lan về nhà nàng, sẵn đó chàng cũng muốn biết rõ về hoàn cảnh của Cẩm Lan luôn. Chàng nói: - Cẩm Lan à! Anh muốn đưa em về, tại sao em từ chối? Cẩm Lan cảm thấy Thắng rất ưa nàng, và chắc chắn chàng muốn biết đời tư, và cuộc sống của nàng. Không còn cách gì hơn. Nếu nàng cương quyết không cho Thắng đưa nàng về thì nàng sẽ không còn gặp Thắng nữa. Cẩm Lan đành đứng lên để Thắng đưa về. Về đến trước ngõ hẻm để vào nhà. Thắng hỏi: - Nhà em ở đâu? - Trong kia kìa! Thắng ngơ ngát không thấy nhà đâu hết, Cẩm Lan nói tiếp: - Em ở phòng trọ trong hẻm. Anh không tin sao? - Cẩm Lan có cho phép anh vào xem được không? - Phòng em ở chật hẹp dơ dáy lắm! - Đâu có ăn nhằm gì mấy chuyện đó. Anh chỉ muốn thấy rõ chỗ em nằm ngủ thôi. Cẩm Lan ngập ngừng, rồi nàng cũng chịu cho Thắng vô phòng. Vào căn phòng nhỏ xíu, chỉ để một cái tủ nhỏ, một chiếc ghế bố mùng còn giăng, mền không xếp, quần áo ngổn ngang. Thắng hơi bị sốc, nhưng chàng vẫn giữ vẻ mặt tự nhiên, chàng nói: - Cám ơn Cẩm Lan đã chìu ý anh. - Rồi đó! Sự thật có phủ phàng chưa? Em nghèo lắm! Thắng lột đôi giày ngồi bẹp xuống sàn nhà, chàng tươi cười nói: - Sao đến đây anh bỗng nhiên thấy buồn ngủ quá, muốn ngủ tại chỗ này. Cẩm Lan thấy Thắng đang hòa mình với nàng. Nàng nghe tâm hồn phấn khởi, nàng nói đùa đùa: - Nếu anh muốn, thì ở đây chia tiền nhà với em. - Bao nhiêu một tháng? - Một ngàn rưỡi đồng. - Được! Được! Mà bắt đầu đêm nay chứ? Cẩm Lan nghĩ: Ông Bác Sĩ này có tính tình bình dân và giễu dữ à! Cẩm Lan khoác tay và nói: - Thôi nha! Giễu vừa vừa chớ giễu quá thì em dọn đi nơi khác à! - Anh không giễu giỡn đâu à! - Bộ anh nói thật hả? - Thật mà! Nhưng... - Rồi! À há, lại có chữ nhưng hén! - Đêm nay em cho anh trú tạm một đêm, rồi ngày mai mình đi tìm mướn chỗ khác. Chớ ở gần rạp hát cải lương, mai mốt tụi mình sẽ trở thành đào kép cải lương hết đấy. - Thì tự hồi nãy giờ anh với em đang đóng cải lương đó. Hổng biết tuồng gì đây cà! Thắng nghe câu nói của Cẩm Lan, chàng ngồi nhổm dậy hỏi: - Sao em nói vậy? - Thì nó vậy đó. Anh đóng hay quá xá. Trời ơi! Quá giờ giới nghiêm rồi làm sao anh về được? Ha ha... chút nữa cho lính bắt anh vô bót. - Anh đang ở trong bót nè! - Anh cố ý hén! Nè! Cẩm Lan lấy cái khăn tắm lớn thảy lên người Thắng, và cười nói tiếp: - Đêm nay cho Công-tử nếm mùi nằm đất. Thắng tươi cười nói: - Rất là sung sướng được nằm đất này. Cẩm Lan bảo Thắng: - Nhắm mắt lại, để cho cô ‘’đào’’ thay đỗi xiêm y hát tuồng khác... Thắng cũng làm theo. Chàng ta vẫn giữ thái độ đàng hoàng ngồi một chỗ nãy giờ. Cẩm Lan nói tiếp: - Anh Thắng thấy không? Đây là Cung-Điện của em đó. Chiếc ghế bố này là Long-Sàng của Nữ-Hoàng Lọ-Lem ngủ. Xin chúc Bệ Hạ ngon giấc. Thắng nhìn điệu bộ và lời nói của Cẩm Lan, chàng tức cười trong bụng, chàng nhủ: Cô này thiệt là vui, mình cũng họa với cô ta mới được. Thắng đứng dậy lấy khăn trải dưới đất, rồi chểnh chệ ngồi xuống nói: - Đêm nay ta là vua ngự... dưới đất... Ôi vui quá đi thôi... kha kha...kha kha... Cẩm Lan vứt mền lên mình của Thắng vừa cười hắc hắc vừa nói: - Vua cỏ, vỏ cua phải không? Rồi nàng tuột xuống ghế bố đến ngồi gần bên Thắng. Thắng vẫn nhìn Cẩm Lan đùa và chàng lại sợ bị kích thích, chàng vội khoanh hai tay lại để mặc tình Cẩm Lan đùa bên chàng. Cẩm Lan cảm thấy Thắng rất đàng hoàng. Nàng lại dựa vào người của Thắng, nói như hát: - Lửa gần rơm... mà không phực cháy, hà há ha... hay quá ta! Tự nhiên Thắng nghe trong lòng chàng xao xuyến mạnh, chàng đưa tay ôm choàng qua vai Cẩm Lan, và nói: - Cẩm Lan à! Em đừng đùa nữa. Mình ngủ nhe em! Hai người khác phái nằm bên nhau ngủ êm đềm một giấc đến sáng. Đó là chuyện lạ. Nhưng mà là sự thật... Mặt trời đã lên cao, ánh nắng lòn qua cửa sổ nhỏ. Tiếng xe ngoài đường vọng vô đường hẻm, làm ồn ào náo nhiệt, tiếng trẻ nít la khóc om xòm, tiếng giày dép của những người đi ngang qua cửa phòng nghe lệt xệt, sột soạt và tiếng rao lanh lãnh của bà bán xôi bắp: ‘’Xôi bắp nóng hổi đây... ’’. Thắng mỡ mắt nhìn Cẩm Lan vẫn còn ngủ ngon lành. Chàng nằm im mà ngắm nàng. Chập sau Cẩm Lan cũng thức dậy. Hai người ôm chầm lấy nhau? Nhưng Thắng kìm chế không cho lửa phực. Chàng nói: - Dậy đi cô bé, chút nữa anh và em đi ra Thanh-Thế ăn sáng. Cẩm Lan ngồi dậy, nàng đi lấy lon sữa bò múc nước trong xô đánh răng xúc miệng rửa mặt xong, nàng đưa cho Thắng cái khăn lông nhỏ và bàn chảy đánh răng của nàng. Thắng không ngần ngại xài chung bàn chảy với Cẩm Lan. Sau đó, Cẩm Lan sữa soạn sơ và thay quần áo. Hai người đi bộ ra nhà hàng Thanh-Thế ăn điểm tâm sáng. Trong khi ngồi ăn, Thắng hỏi: - Ăn xong, em có chịu đi tìm phòng khác mướn với anh không? - Trời ơi! Anh nói thiệt đó hả anh Thắng? - Ủa! Em tưởng tối hôm qua anh say nên nói đùa hả? - Không được đâu anh Thắng ơi! - Sao lại không được? - Không được! Không được! - Cẩm Lan! Em làm sao vậy? - Anh làm em cảm động quá đây nè! Mắt của Cẩm Lan rưng rưng. Thắng hỏi: - Tại sao mà em khóc. Anh rất thương quý em. Anh muốn em có chỗ ở tiện nghi hơn. Chớ anh không có làm gì bậy đâu? - Bậy cái gì. Em dám cho anh ở lại ngủ chung với em. Anh không làm bậy thì việc gì bậy đâu! Nhưng... không được! Không được! Vì giữa em và anh chênh lệch lắm! Thắng giật mình, tự nhủ: €, thì ra Cẩm Lan nghĩ mình già hơn nàng. Hay... tại vì mình bị tật cái chân? Chàng quay sang hỏi: - Bộ em thấy anh già hơn em, rồi em sợ hả? - Không phải đâu! Già đâu mà già! Giỏi lắm là anh cỡ ba mươi hay hơn một chút thôi chứ gì? - Đúng đó. Anh ba mươi hai tuổi. Còn em cỡ hai mươi phải không? - Sao anh biết? - Thì anh chỉ đoán mò. - Không vì tuổi tác hay cái gì... gì cả. Mà... mà cái trình độ học vấn, cái... cái thành kiến Môn-Đăng Hộ-Đối. Anh là Bác Sĩ. Còn em... Em là con nhà nghèo thiếu học. Em không dám đèo bồng hơn nữa đâu. Mà em chỉ thích làm bạn với anh thôi! Thắng nghe nhẹ người. Chàng nói: - Thì anh có đòi hỏi gì ở em đâu mà em sợ. - Vậy hả? Vậy anh là người bạn cũng là người anh của em hén! - Rồi. Anh xin hứa. Anh xin thề... - Em tin anh rồi, đừng có thề...Rủi...rủi anh mắc lời thề là có tội đó! - Không có sao đâu! Đi. Đi với anh. - Đi thì đi. Thắng vui cười và trả tiền hai tô bánh canh cua cùng hai ly cam tươi. Chàng và Cẩm Lan tà tà đi bộ trở về đường Phạm Ngủ Lão lấy xe chạy qua đường Võ Tánh gần nhà thờ Huyện Sĩ. Vào Building... xây cất theo lối Tây phương. Chú gác-gian dẫn hai người đi xem phòng. Ở đây phòng thật sang đẹp, bàn ghế và các giường tủ loại luxe, bếp, nhà tắm thật là đầy đủ tiện nghi, giá tiền mướn mắc gấp mười lần căn phòng kia. Cẩm Lan run người vì quá xúc động. Rồi nàng lại sợ không biết Thắng trả tiền nhà có lâu bền không đây. Nàng nghĩ ngợi và sợ sệt lung tung. Nàng tự hỏi: Mình làm sao bây giờ? Mình tưởng anh Thắng nói chơi ai dè ảnh làm thiệt. Trời ơi! Không thể nào được! Cẩm Lan mạnh dạn nói: - Anh Thắng à! Em rất cám ơn anh lo cho em. Nhưng em không dám nhận. Thôi anh đừng có mướn. Em có bệnh đau tim đó, coi chừng em xỉu bây giờ. Thôi anh ơi! Để em ở đàng kia được rồi. Thắng nhìn Cẩm Lan và chàng thương nàng vô cùng. Nhưng Cẩm Lan nhứt quyết từ chối sự giúp đỡ của Thắng. Thắng đành bó tay. Mặc dầu trong đầu chàng có ý xây tổ uyên ương... Còn Cẩm Lan thì tự biết nàng không xứng đáng nhận. Mang ơn người mà nàng sẽ không đáp lại được. Vì nàng biết Thắng rất thương nàng, hay chàng đã yêu nàng rồi. Nếu nhận sự giúp đỡ của Thắng, thì nàng phải lấy Thắng làm chồng hoặc làm nhân tình. Nàng biết, nàng chưa làm được những việc ấy. Hơn nữa nàng chưa thấy có tình yêu với Thắng. Thắng thất vọng và đành chấp nhận sự yêu cầu của Cẩm Lan. Hai người nói cám ơn chú gác-gian và ra xe. Cẩm Lan nói với Thắng: - Anh làm ơn bỏ cho em xuống bồn-binh chợ Sàigòn. - Được! Chừng nào anh gặp lại em? - Chừng nào cũng được. Hễ sáng sáng là em có ở nhà. Còn chiều chiều thì ở ngoài miệt Nguyễn Huệ - Tự Do. Thắng mở bóp lấy tấm danh thiếp đưa cho Cẩm Lan và nói: - Đây là địa chỉ phòng mạch của anh. Nếu có cần gì thì em cứ đến hoặc gọi điện thoại cho anh cũng được. - Dạ! Thôi anh đi về đi. Chừng nào có phim mới anh dẫn em đi xem nhé! - Em là dân ngoài này. Nếu có phim nào em thích thì em gọi cho anh hay mới đúng hơn chứ! - Dạ, được rồi. - Tạm biệt em. Nhớ giữ Cung-Điện dành riêng cho anh nghe! - Hổng có ông Vua nào thèm bước vô đó đâu! Thôi anh về đi, để em còn đi chợ, chớ nói chuyện hoài chợ hết đồ ăn đó! Thắng vẫy tay và cho xe lăng bánh về nhà. Từ đó, Cẩm Lan và Thắng thỉnh thoảng gặp nhau đi ciné hoặc đi ăn cơm chung. Thắng cảm thấy đã yêu Cẩm Lan tha thiết và chàng luôn nhớ từng cử chỉ điệu bộ và những lời mộc mạc chân thành của nàng. Cẩm Lan không đẹp, nhưng rất có duyên, nụ cười má núng đồng tiền, dáng vóc mảnh mai cao ráo, ít son phấn. Sáng nay Cẩm Lan mặc chiếc rốp xòe ca-rô đủ màu, tóc cột cao lên, chân mang đôi giày chandale trắng. Trông cô như con nít. Làm Thắng thấy thương nàng hơn. Tâm hồn nàng chất phát hơn lần trước lúc đi chung với Tiến. Sau khi Cẩm Lan từ chối sự giúp đỡ của Thắng. Nàng vẫn ở chỗ cũ, làm nghề cũ. Nàng biết Thắng thương nàng lắm. Nhưng Cẩm Lan chỉ có cảm tình như bạn, chứ không phải tình yêu. Thỉnh thoảng Thắng có tặng quà như ; mua cho nàng chai nước hoa, chiếc áo, chớ Thắng không dám cho tiền. Vì chàng biết Cẩm Lan sẽ không nhận. Cuộc tình đơn phương của Thắng kéo dài hơn hai năm... Rồi đến biến cố năm 1975. Hai người mất liên lạc. Vì trong những ngày chiến tranh nóng bỏng, ai sống, ai chết chẳng ai hay biết., mạnh ai nấy chạy. Thắng cùng hằng triệu đồng bào xuống tàu vượt biển. Chàng qua được tới Pháp. Cẩm Lan còn kẹt lại Sàigòn, nàng sống thật khổ cực và luôn luôn sợ bị tố. Vì thuở trước nàng sống bằng nghề bắt mối đổi đô-la, đôi khi cũng có liên hệ đến G.I. lính Mỹ. Mãi đến sáu bảy tháng sau, nàng cặp bồ với một Pháp kiều, ông ấy lo giúp nàng được sang Pháp. Cẩm Lan cư ngụ tại Paris do vị ân nhân ấy lo cho nàng lúc đầu. đến khi nàng được ổn định cuộc sống xong. Hai người chia tay. Vì vị ân nhân kia đã có hôn thê. Cẩm Lan đã quen nước, quen cáy nơi đây. Nhờ Chánh Phủ Pháp cho nàng đi học Pháp văn và chút tiền trợ cấp. Sau đó nàng làm cho một hãng du lịch. Hơn mười năm làm việc nàng dành dụm mua được một căn phòng nhỏ tại Paris quận mười ba. Cẩm Lan luôn nhập cuộc trong Cộng Đồng người Việt Tị Nạn. Nàng nhập vào trong giới nghệ sĩ để hát hò giúp vui đồng bào trong những dịp có làm văn nghệ. Một chiều chúa nhựt tại Thư-Viện Pháp-Việt ở đường Saint-Jacques quận năm Paris. Có hội thơ ra mắt sách. Tình cờ Cẩm Lan gặp lại Thắng. Họ nhìn lại nhau sau hai mươi năm bặt tin. Qua Tây Thắng thi lại và lấy lại bằng bác sĩ toàn khoa. Chàng mở phòng mạch tại quận mười bốn Paris. Thắng vẫn chưa có vợ. Gặp lại Cẩm Lan, Thắng vui mừng không sao tả nỗi. Sau cuộc gặp gỡ, họ thường hẹn hò nhau đi tiệc chung như đôi nhân tình hay vợ chồng. Thắng không ngần ngại giới thiệu Cẩm Lan với bạn bè hay bạn đồng nghiệp, Cẩm Lan là người yêu của chàng thuở Sàigòn còn đầy ánh sáng. Bấy giờ Cẩm Lan thấy rung động con tim với Thắng. Vì nàng vẫn sống độc thân và rất cô đơn trong lòng. Thắng trên năm mươi tuổi. Cẩm Lan thì vừa xê qua bốn mươi. Một sự tương phùng hi hữu làm Cẩm Lan cảm thấy yêu Thắng. Từ đó, Thắng và Cẩm Lan thường gặp nhau. Tình cũ năm xưa vẫn sống trong lòng của Thắng. Còn Cẩm Lan bây giờ hết sợ vấn đề chênh lệch. Bởi nơi đất Pháp trời Âu, đời sống văn minh tân tiến. Tâm hồn Cẩm Lan xóa hẳn cái mặc cảm trình độ học vấn hay giàu nghèo thành kiến trong lòng nàng. Bây giờ chỉ có hai trái tim và hai tâm hồn hòa hợp. Họ yêu nhau và tính chuyện sống chung suốt đời. Mấy tháng sau. Thắng tổ chức một buổi tiệc để tuyên bố cùng với bạn bè hai bên, là chàng và Cẩm Lan chính thức thành hôn. Giữa buổi dạ yến tại nhà hàng Asia-Palace quận mười ba Paris. Cẩm Lan quá xúc động, nàng lên cơn đau tim té xỉu. Nhưng không nặng lắm, nàng nhứt định không chịu vô nhà thương. Nhờ trong bữa tiệc có cả chục ông bác sĩ và có Thắng lo lắng cho nàng. Thắng luôn ngồi bên cạnh Cẩm Lan. Sau nửa tiếng đồng hồ, Cẩm Lan khỏe trở lại. Buổi tiệc vẫn tiếp tục vui chơi đến khuya. Cẩm Lan đã dọn về sống chung với Thắng. Thắng không cho nàng đi làm. Vì sức khỏe của nàng rất yếu. Cẩm Lan mắc chứng bệnh tim càng ngày càng nặng. Mặc dầu Paris có rất nhiều bác sĩ giỏi và thuốc cũng rất hay. Nhưng Cẩm Lan không khỏi bệnh được. Nàng không cãi lại được số mệnh trời đã dành sẵn và nàng cũng không thích sống quá năm mươi tuổi. Nên Thắng và Cẩm Lan, hai người chỉ hưởng hạnh phúc bên nhau được năm năm. Rồi Cẩm Lan từ giã cõi trần, hay là nàng đổi xác như nàng thường nói với Thắng. Nàng vừa được bốn mươi bảy tuổi. Cẩm Lan ra đi, nàng để lại nỗi đớn đau và ngập tràn thương yêu trong lòng của bác sĩ Đỗ Quan Thắng, người mà đã, đang và mãi mãi yêu nàng. Đám tang buồn! Nhưng ánh nắng buổi sáng của mùa Xuân tỏa khắp bầu trời, những cánh chim bay lượn và hót vang, cây cỏ xanh tươi, muôn hoa đua nở. Người đưa đám thật đông đảo, có gần đủ mặt từng mọi giới. Bởi Cẩm Lan như là một nghệ sĩ trong Cộng Đồng người Việt Tị Nạn tại Paris. Những tràn hoa của bạn bè thân hữu đem đến. toàn là hoa lan màu tím. Sau khi hạ huyệt, nắp mộ được đậy kín. Thắng đến bắt tay cảm ơn sự có mặt của bạn bè thân hữu hai bên. Và sau đó bao nhiêu người nhìn về phía đông. Họ nhủ: Nàng Cẩm Lan từ đây lặn mất. Nhưng mặt trời vẫn lên! (Ivry-sur-Seine, Bạch-Am, Canh Thìn 2/2000)