Thủ đô Paris, mùa hè năm 1977. Chiều hôm ấy, nhằm ngày thứ sáu, trời nóng oi bức, nắng vàng còn tỏa khắp nơi nơi. Đâu đâu người ta cũng thấy đủ các loại hoa đang khoe sắc màu rực rỡ. Nhứt là hoa hồng trồng trong những vườn hoa công cộng: Luxembourg, Tuileries..., Công-trường, hai bên lề đường và sân vườn chung-cư cũng như sân vườn nhà riêng dân chúng. Những du khách, người bộ hành dặt dìu đông đảo. Họ ăn mặc đơn sơ, trông giống như bên Sài-Gòn, thủ đô yêu dấu của quê hương chúng ta... Lê Hữu Phúc, người đàn ông khoảng ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi, cựu Quân-Nhân Quân-Lực-Việt-Nam-Cộng-Hòa, tị-nạn trên đất Pháp hơn một năm nay. Hiện đang làm công-nhân cho hãng ráp xe hơi Renault. Chưa từng có vợ, con. Dáng vóc cao ráo, gương mặt chữ điền, hai gò má hơi cao và xương xương, nước da bánh-ích. Chàng mặc áo sơ-mi trắng ngắn tay có sọc nhuyễn màu tim tím, quần Jean màu xanh lợt hơi sờn bạc hai bên đầu gối. Sau khi hết giờ làm việc trong hãng, Phúc ra khỏi cổng, nghe lòng lâng lâng tràn ngập một niềm vui phấn khởi. Chàng bước đi như vội vàng xuống mê-trô... thẳng đến trạm Volontaire. Ra khỏi mê-trô, Phúc nghĩ: ‘’Mình đến nhà Lệ Lan với tay không hoài kỳ quá...’’. Phúc liền đi ngược đường, ghé vô tiệm thịt mua nửa ký thịt bò, băng qua tiệm tạp-hóa Orient mua thêm một vỉ trứng gà, ba ký-lô giá, bịt ớt, một hộp củ kiệu và gói tôm khô, Phúc đến kết trả tiền xong, chàng băng qua tiệm ‘’Rệp’’ xách luôn hai thùng bia Heineken. Phúc đi nhanh vào cư-xá Résidence-Pasteur, vô thang máy bấm nút lên từng lầu thứ 5. Phúc vuốt tóc, sửa áo, quần cho ngay ngắn, chuẩn bị tinh thần rồi đưa tay bấm chuông. Lệ Lan nghe tiếng chuông, nàng chạy ra mở cửa, miệng tươi cười: - Ủa, anh Phúc! Mua gì giữ vậy? Còn anh Bằng, anh Trực đâu không đến chung với anh hôm nay? - Chút nữa, tụi nó sẽ ghé lại đây, mà bữa nay có thêm vợ chồng Tuấn và Trang nữa. Phúc đưa ngón tay chỉ mấy xách và nói tiếp: - Còn cái này. Sẵn tiệm Orient gần đây, anh ghé mua mấy thứ này, nhờ Lệ Lan làm bếp, ăn chung cho vui. Chớ ăn uống hoài nhà Lệ Lan, tụi này cũng ngại. Lệ Lan tươi cười: - Có cả Tuấn và Trang nữa. Cha, vui à nghe. Nè, sao anh khách sáo quá. Các anh đến đây chơi là Lệ Lan vui rồi. Còn bày đặt mua này, mua nọ. Lần sau đừng mua nữa nha. Nếu mua nữa là Lệ Lan giận à. Phúc đưa ánh mắt trìu mến nhìn Lệ Lan: - Được rồi, mai mốt sẽ tính sau người đẹp ơi! Lệ Lan né qua một bên cho Phúc đem mấy xách đồ ăn vô bếp. Phúc tự nhiên xem như nhà mình. Chàng để mấy xách lên bàn nhỏ, rồi mở thùng bia lấy từng chai bỏ vào tủ lạnh. Lệ Lan đi vo gạo nấu cơm và bắt nước luột cả chục trứng gà, rửa giá, xắt thịt bò. Phúc đứng xớ rớ ngắm nhìn Lệ Lan làm bếp. Lệ Lan quay sang nói: - Chiều nay thực đơn; ăn cơm với giá xào thịt bò, trứng gà luộc dằm nước mắm tỏi ớt và nhậu bia hén! Phúc nghe đói bụng. Chàng hít hà và nói: - Tuyệt vời! Cha, không biết tụi quỉ có đến sớm được không đây? Anh đói bụng quá Lệ Lan ơi! Để anh trộn tôm khô, củ kiệu trước, chút nữa tụi nó lại nhắm lai rai. Phúc vừa dứt lời thì có tiếng nhận chuông. Lệ Lan bảo: - Rồi, chắc các anh ấy tới đó. Anh Phúc làm ơn ra mở cửa dùm Lan đi. Quả thật như Lệ Lan nghĩ. Bằng, Trực và vợ chồng Tuấn - Trang đến. Bằng xách con gà thật lớn, Trực xách một bắp cải nồi và bó rau răm. Còn vợ chồng Tuấn thì đem vài chai Sô-da và một chai Cognac Remy-Martin. Họ chuẩn bị cho ăn nhậu về khuya. Trang phụ Lệ Lan dưới bếp. Còn Phúc, Bằng, Trực và Tuấn mỗi người mỗi chai bia ngồi salon nhậu với cũ kiệu và tôm khô. Nấu cơm xong, họ cùng nhau phụ dọn lên bàn trên. Ngồi vào bàn, ăn uống trong không khí thân mật vui vẻ. Sau khi ăn cơm xong, các chàng cùng phụ dọn chén bát xuống bếp. Phúc ga-lăng lãnh phần rửa chén dùm hai người đẹp. Bằng thì đi kiếm bộ bài cào để đánh xì-phé. Lệ Lan ra điều kiện: - Nè, mình đánh xì-phé, đi đầu ít nhứt năm centimes, còn tố thì không quá năm quan nha! Bằng có vẻ không bằng lòng, nhăn nhăn mặt làm như ông chủ nhà và cằn nhằn: - Chơi xì-phé mà không cho tố táp-bi thì chán thấy mồ. Trang đã sẵn không mấy gì ưa Bằng, nàng liếc mắt thật bén trả lời: - Nếu anh không thích thì đi chỗ khác để cho tụi này chơi. Tuấn sửa lưng vợ: - Em sao kỳ quá! Nói vậy không sợ anh Bằng giận à! Phúc xen vô nói giỡn: - Thằng Bằng mà giận ai. Trực cũng tiếp: - Nhìn cái mặt nó dầy mo, chai cứng. Sức mấy mà nó biết giận. Lệ Lan rất tự nhiên, cười hí hởn: - Thôi, đừng có tranh cãi nữa. Mình sát phạt nhau đi chứ! Ngồi chơi phé một hồi, Lệ Lan thấy các chai bia đã cạn, nàng đứng lên đi ra sau bếp lấy thêm. Thừa cơ hội Lệ Lan vắng mặt, Bằng quay sang nói nhỏ với Phúc: - Ê, Phúc! Mầy nhường Lệ Lan cho tao nha! Phúc thở ra và nói cái giọng chán chường: - Ừa, nhường thì nhường. Theo tao thấy Lệ Lan chẳng để ý tới ai. Trực và vợ chồng Tuấn - Trang nhìn Phúc và Bằng, họ cười cười. Bằng nhìn Trực: - Mầy cũng để nàng cho tao nghe Trực! Trực lắc đầu cười: - Ừa, thì mầy trổ tài cua nàng cho tụi này coi chơi. Lệ Lan trở lên, trên tay cầm ba, bốn chai bia. Tất cả nhìn Lệ Lan, họ đồng cười. Lệ Lan chau mày và hỏi: - Chắc các anh nói xấu gì Lệ Lan phải không? Lệ Lan vừa hỏi xong, nàng vô ý vấp chân làm rớt bể một chai bia bọt xịt lên văng tứ tung... Gần như mỗi cuối tuần những người bạn ấy đều tụ họp lại nhà Lệ Lan để ăn, uống và kéo xì-phé đến chừng nào ai mệt thì tự tiện đi ngủ. Nhờ căn appartement của Lệ Lan khá rộng và nhiều phòng. Chẳng phải Lệ Lan giàu có gì, mà nàng nhờ có ông chồng khá giả. Nhưng nay thì ông có người khác, nên hai vợ chồng đang trong thời kỳ ly thân. Chồng Lệ Lan đã dọn ra ở riêng mấy tháng nay... Sau sáu tháng, Lệ Lan và chồng ly dị, rồi bán nhà chia đôi, nàng đi mua căn nhà khác nhỏ hơn. Cuối cùng, Bằng chinh phục được trái tim Lệ Lan. Thời gian rất ngắn, Bằng dọn về sống chung với nàng. Bằng lật ngược thế cờ, chàng không cho Lệ Lan giao thiệp với ai. Bạn bè bắt đầu xa lánh Lệ Lan, vì tâm tánh của Bằng quá ích kỹ và ghen bóng ghen gió với bất cứ ai có vẻ thân thiện với Lệ Lan. Nhân dịp đúng ba năm Quốc-Hận 1978, Bằng thấy Lệ Lan đi quyên góp tiền bạc để đưa cho anh em trong cộng-đồng có đủ phương tiện lo việc biểu tình và còn dư chút đỉnh mua bánh kẹo đem vào trại tạm-cư phân phát cho trẻ em. Bằng nổi lòng ganh và tham lam, bèn lên giọng mắng Lệ Lan: - Em làm như ta đây, đi ăn mày xin tiền làm Đại-Nghĩa. Để cho người ta khen em là yêu nước, thương nòi, là nhân-đạo... Anh cũng khổ nè. Đưa cho anh xài... Lệ Lan nhìn Bằng với ánh mắt khinh bỉ, nàng trả lời: - Thật, em không ngờ, anh là con người không có trái tim. Anh có việc làm đàng hoàng, dù lãnh lương Smic. Còn được ở trong nhà em, quần áo tươm tất và sạch sẽ, trong nhà thì có đầy đủ tiện nghi... Sao anh không nhỏ chút tình thương đồng-bào ruột thịt của mình? (...) Từ cuộc cãi vã đó, Lệ Lan bắt đầu bực mình, và tình yêu cũng giảm dần với Bằng. Đã trót mang tâm hồn nghệ sĩ, Lệ Lan rất nhạy cảm và dễ xúc động. Nàng không thể an phận làm ngơ phó mặc cho đồng-bào sống sao cũng được. Vì hiểm họa Cộng-sản, dân mình bị đàn áp nên phải vượt biển trốn chạy. Chớ có ai mà muốn bỏ xứ ra đi bao giờ? Mặc dù được chánh phủ Pháp cho tị-nạn sống trong trại, nhưng cũng tù túng, ra vào phải đúng giờ, mất bớt phần nào tự-do. Dù sao đi nữa, Lệ Lan cũng sung sướng hơn đồng-bào ở trong trại nhiều, nên lòng nàng không yên được. Hơn nữa, đồng-bào mới đặt chân trên xứ lạ quê người. Tất cả đều khao khát được nghe và xem lại những buổi trình diễn văn-nghệ tự-do. Nhứt là bộ môn cải lương đặc biệt của miền Nam Việt Nam. Lệ Lan được ông soạn giả Tr. Tr. Q. mời đóng tuồng cùng với một số nghệ-sĩ chuyên nghiệp và nghệ sĩ mới vào nghề. Đồng thời ông soạn giả đặt tên cho Lệ Lan là Kiều Lệ Lan. Từ dạo đó, Lệ Lan nhập cuộc và thường xuyên đi hát các tỉnh và đi tập tuồng về khuya... Bằng ghen tương, không bằng lòng cho Lệ Lan đi ca hát. Sau đó, hai người thường gây lộn và đi đến dứt khoát... Phúc được biết giữa Lệ Lan và Bằng đã đoạn tuyệt với nhau. Chàng muốn thố lộ lòng mình cho Lệ Lan biết. Nhưng chàng cảm thấy Lệ Lan không để ý đến mình. Phúc đành ôm khối tình đơn phương mà câm lặng... Thời gian vụt bay như bóng câu qua cửa. Ai cũng gặp nhiều cảnh thăng trầm, chìm nổi, vật đổi, sao dời. Thắm thoát mà đã hai mươi lăm năm... Giữa tháng sáu cuối mùa xuân, sắp sang hè mà có hôm nóng trên ba mươi độ. Đã hơn nửa đêm, nhà hàng Au-Vieux-Sàigòn nằm trên đại-lộ Ivry khu phố quận 13 Paris. Tất cả thực khách và nhân viên đều ra về, ngoại trừ còn lại ông chủ và ông khách tên Phúc. Ông chủ lo tính sổ, còn ông Phúc ngồi nhậu lẻ loi nơi góc bàn tuốt bên trong. Vì mấy người bạn của ông đã bỏ ra về tự nãy giờ. Trên gương mặt ông mệt mỏi, vì men rượu đã thắm ngà ngà say, ánh mắt lừ đừ, trĩu nặng, đầu gục gật, miệng lảm nhảm ngâm th Trời đêm lặng lẻ bóng cô liêu Mà nghe tiếng vọng của tình yêu Chợt hiện bóng người chiều xưa ấy Nghe lòng thổn thức, buồn thiểu thiu Những tưởng hết rồi chuyện yêu đương Sao còn ôm ấp nỗi nhớ thương? Trong tim nghe sóng tình vương vướng Một bóng người xưa tóc thoảng hươngThật đúng là kẻ đang say rượu lẫn say tình. Phúc bưng ly rượu hớp mấy hớp cạn ly rồi ngâm thơ tiếp:
’Em ơi, lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?1’’ Xin mượn rượu này cho có bạn, Mà rượu cạn rồi, ai rót đây?Ngâm thơ xong, Phúc tự thét trong lòng: ‘’Trời ơi! Tại sao tôi không thể quên được Lệ Lan!’’. Phúc ngả đầu vào tường, ánh mắt buồn buồn nhìn lên trần nhà, trong đầu chàng lóe lên bao kỷ niệm xa xưa ồ ạt trở về như cuốn phim quay chầm chậm. Vài phút sau, Phúc nhắm nghiền đôi mắt... ... Phúc và Lệ Lan tay đan tay bên nhau, âu yếm đi trên bãi Dứa (Vũng Tàu) dưới ánh nắng chiều vàng rực. Hai người dìu nhau đi tà tà như cặp tình nhân còn trẻ. Bỗng Lệ Lan nhõng nhẻo, nói: - Anh Phúc ơi! Lan khát nước quá hà! Phúc nhìn dáo dác không thấy quán nước nào gần đó cả. Vài phút sau, chàng sực nhớ phía bên bãi Nước-Ngọt có quán ăn nhậu. Phúc quay sang nhìn Lệ Lan và nói: - Ở trên kia có quán Cây-Còn. Mình đến đó uống nước và ăn chút gì nghe cưng! Lệ Lan nghe cái tên quán ngộ ngộ. Nàng hỏi nhanh: - Quán Cây Còn tên ngộ quá ha? - Em biết Cây Còn là gì không? - Dạ, không. - Cây Còn, nói lái lại là Con-Cầy đó. Lệ Lan lõ hai con mắt tròn vo: - Trời đất ơi! Ở đó người ta bán thịt ấy sao? - Chỉ có mấy ông nhậu ăn thôi. Em không thích thì em ăn món khác. Thôi mình đi em ơi! Hai người vừa tới trước cửa quán thì bị một bầy chó; lớn, nhỏ, đủ loại, nào là chó mực, chó phèn, chó cò... Chúng nó hùa nhau sủa rân trời và nhảy ùa ra rượt hai người chạy hụt hơi... Phúc giật mình, tỉnh dậy, nhủ:‘’Trời ơi! Tôi nằm mơ rồi!’’. Phúc nhướng mắt nhìn ra thấy ông chủ nhà hàng đang cặm cụi làm sổ sách ngoài kết-xe, Phúc hỏi lớn: - Ông chủ ơi! Ông đóng cửa chưa? Ông Trúc, chủ nhà hàng ngẩng đầu lên, miệng tươi cười: - Chưa. Anh cứ tự nhiên, tôi còn đợi người ta lại dọn dẹp, lau chùi. Nè, anh gọi tôi bằng anh đi chớ kêu ông chủ hoài kỳ quá! Phúc đứng dậy, đi loạng choạng ra ngoài, đến gần Trúc, ngập ngừng hỏi: - Chắc tuổi anh năm nay cũng cỡ sáu chục rồi chứ? Trúc mỉm cười: - Đúng đó. Còn anh? - Có thua gì tuổi của anh đâu! Mà sao con tim của tôi nó cứ trẻ hoài vậy anh? Trúc dẹp giấy tờ vô tủ, đứng khoanh tay, mỉm cười nhìn Phúc và nói: - Chắc anh đang bị lửa tình đốt cháy tim lòng rồi phải không? Phúc gật gật đầu: - Anh đoán hay quá. Hình bóng của người ấy cứ nhảy múa trong tim óc tôi hoài anh Trúc ơi! - Người ấy là ai? Mà anh nặng tình quá vậy? Còn Bà-Xả anh đâu rồi? - Bà-Xả! Tôi với bả ly thân mấy năm nay. Anh đừng nhắc tới gia đình tôi, nghe chán đời thêm. Bây giờ, vấn đề quan trọng là con tim. Vì hình bóng người yêu xưa cứ chập chờn mãi trong tâm hồn tôi... Nè, anh có biết yêu bao giờ chưa? Trúc lắc đầu và cười: - Ở đời, ai mà không trải qua chuyện tình ái khi còn trẻ anh. Nhưng bây giờ tôi chỉ lo làm ăn để nuôi cho các con học hành. Tại tôi lập gia đình trễ nên phải gặp cảnh cha già con muộn, còn thì giờ đâu mà yêu đương nữa đây? - Thật khá khen anh. Còn tôi thì khác... Ông Trúc thông cảm nỗi lòng của Phúc, ông nói nhanh: - Tại tâm hồn anh quá nghệ-sĩ tính nên con tim dễ nhạy cảm và xúc động rồi gởi hồn cuốn hút theo gió đa tình, mây lãng mạn... Tôi thường nghe anh ngâm mấy câu thơ của ai mà nghe hay quá. Tôi muốn nghe anh ngâm lại được không? Phúc nghe ông Trúc khen, chàng tươi cười và nói: - Sẵn sàng ngâm hai câu thơ bất hủ của Thi-sĩ Hàn Mặc Tử đây:Trăng nằm sóng soải trên cành liễu.
Đợi gió đông về để lã lơi.’’ Ông Trúc vỗ tay, cười và nói: - Theo tôi thấy, kể từ bây giờ, anh nên làm trăng đợi gió đông về... đi. Mà hỏi thiệt với anh nha. Người yêu của anh là bà nào vậy? Tôi có biết không? - Chẳng những anh biết mà còn rất nhiều người biết nữa. - Ủa, ai vậy cà? - Nữ nghệ-sĩ có mái tóc đã pha sương, là cô đào cải lương Kiều Lệ Lan đó! - Hả! Kiều Lệ Lan? Tôi thường gọi cô ấy là Lệ Lan. Chỗ quen biết quá. Cô tới nhà hàng tôi thường lắm. Mà cô còn là người cùng quê quán với tôi nữa đó. Tôi xem cô như em gái của tôi. - Vậy à! Tôi gặp lại nàng mấy ngày trước ở đây. - Ừa, đúng rồi. Bữa hôm tôi thấy anh có qua bàn nói chuyện với Lệ Lan mà. - Đến chào hỏi với nàng vài ba câu. Vì lâu quá không gặp. - Sao anh không nói gì với Lệ Lan hết vậy? Cha, tôi thấy anh bệnh tương tư nặng rồi đó. - Nói tương tư thì chẳng phải là đúng. Tôi đâu có dám nói gì. Bởi vậy, hỗm rày trong lòng tôi khơi lại chuyện tôi yêu Lệ Lan ngày xưa. Tôi yêu nàng mà không dám nói. Rồi thằng Bằng, bạn tôi cũng mê cô, nó năn nỉ, bảo tôi nhường cho nó. - Trời ơi! Tình yêu mà sao anh nhường? - Bởi vậy, tôi mới thật là thằng ngu. Nên bây giờ cứ nghe lòng tức tức hoài. Gặp nàng mấy ngày trước, rồi nghe con tim tôi lên ‘’cơn điên tình’’ trở lại. - Theo kinh nghiệm đời, tôi biết. Tôi nghĩ, anh yêu Lệ Lan không đủ đô, không đủ mạnh. Gặp tôi, còn lâu tôi mới nhường. Phúc đưa tay lên vuốt mặt và cười: - Anh giỏi hơn tôi. Còn tôi thì nhát. Vì lúc ấy, nàng đẹp và sang trọng lắm. Còn tôi là một thằng cu-li, thợ ráp xe hơi thôi. - Bây giờ, anh là ông chủ có salon bán xe hơi, ngon lành quá mà còn nhát hoài sao? Vã lại, Lệ Lan như hoa về chiều rồi. Đâu còn đẹp và sang như xưa nữa? - Đối với tôi thì nàng vẫn như xưa. Trời ơi! Không có ai hiều nổi lòng tôi. Khi yêu là lên cơn nhát hà. - Thật là vô lý. Yêu mà còn mang mặc cảm, nhát gan. Yêu người đẹp, rồi lại nhường cho bạn. Nè, mà hồi đó bạn anh làm nghề gì? - Cũng đồng nghề nghiệp như tôi thôi. - Thì mắc gì anh phải nhường? - Bởi vậy mới có chuyện để kể với anh đêm nay. Thành thật cảm ơn anh đã nghe tôi trút bầu tâm sự. Thôi, khuya rồi, tôi về nha anh Trúc. Mà này, chừng nào Lệ Lan lại đây ăn cơm, anh nhớ gọi cho tôi hay nha! - Để tôi cho anh số điện thoại của cô. Có gì thì anh gọi mời cô đi chơi. Hình như tôi nghe Lệ Lan nói, trưa thứ bảy tới, văn-nghệ-sĩ của mình tại Paris có tổ chức buổi Văn-Học Nghệ-Thuật tại nhà hàng ‘’Chiều-Tím’’. Nghe đâu có nhiều văn-nghệ-sĩ từ bên Mỹ và Na-Uy qua dự nữa. Và có văn-nghệ giúp vui, chắc sẽ vui lắm. Sẵn cơ hội này, anh gọi điện thoại cho Lệ Lan. Anh làm bộ hỏi thể thức đóng góp ra sao khi muốn tham dự. Văn-thơ của anh cũng lưu loát lắm mà. Phúc nghe ông Trúc nói thế, trong lòng chàng cũng nao nức muốn làm theo. Nhưng tại cái bệnh nhát gan như thuở nào. Phúc mỉm cười và lắc đầu: - Trời ơi! Kỳ quá! Ai mà dám gọi nàng! Rủi nàng có ông nào thì chết toi tôi đó. Ông Trúc có vẻ hơi mệt, nhưng vẫn chìu ông khách đang buồn vì tình, ông nhìn Phúc: - Thiệt, anh này sao mà nhát quá. Theo tôi biết là hiện tại Lệ Lan không có ai đâu. Từ ngày cô ly dị chồng xong, sau đó có cặp bồ vài ba ông nữa, rồi cũng dang dở. Tâm hồn nghệ-sĩ, cô thích sống tự do, nhưng gặp ông nào cũng không thông cảm, mà toàn là mấy ông có tâm tánh hẹp hòi, máu ghen cao độ thôi. Riết rồi cô chán nãn nên chẳng dám nhìn ai. - Thì hồi xưa, thằng Bằng, bạn tôi cặp bồ, sống chung với Lệ Lan được đâu gần một năm. Cũng vì máu ghen quá độ rồi nói những lời thô lỗ, bậy bạ giữa bàn tiệc có đông người. Hôm ấy, sau khi tàn tiệc, về nhà, Lệ Lan nói dứt khoát với nó liền. Làm nó không kịp trối trăn, từ giã. Rồi mấy tháng sau đó, nó buồn tình, bèn lo giấy tờ đoàn tụ với anh nó, bay qua Mỹ từ đó tới nay. - Chuyện đời của Lệ Lan, cô hay kể cho vợ chồng tôi nghe. Tôi xem cô như người trong gia đình. Tâm tánh của Lệ Lan thẳng thắn, dứt khoát lắm. Anh còn thích Lệ Lan thì anh cứ nói thẳng với cổ đi, có gì mà anh mắc cỡ. Đôi mắt Phúc lim dim, chớp chớp, như chàng trai mới lớn lên. Phúc lắc đầu: - Thôi, mắc cỡ quá anh ơi! Ừa, tại sao tôi cứ nhát hoài hén! Vì thế mà bị thằng bạn vớt người yêu. Sau mấy mươi năm gặp lại, bây giờ nàng đi một mình mà cũng chẳng dám hé môi. - Bây giờ tất cả đều già, trên đầu đã hai thứ tóc rồi mà anh còn mắc cỡ nữa sao? - Thể xác già, chứ tình yêu đâu có già anh. Tôi thấy vẫn còn trẻ mãi đó anh Trúc ơi!. - Đúng rồi, trái tim không có tuổi hén! Vậy thì anh cứ yêu đi. ‘’Tình chỉ đẹp khi còn dang dở’’ hà hà... - Cha, anh cũng văn-thơ dữ nghe. - Tôi biết chút chút thôi. Phúc nhìn đồng hồ đã hơn hai giờ khuya. Chàng đưa tay bắt tay ông Trúc và nói: - Thôi, chào anh, tôi đi về, khuya quá rồi. Chứ đứng đây nói hoài đến sáng cũng chưa hết chuyện tình của tôi... Phúc nghe lòng vấn vương trĩu nặng. Chàng liền xoay lại làm bộ gãi đầu và hơi ngượng ngùn hỏi ông Trúc: - Anh Trúc! Anh làm ơn cho tôi xin số điện thoại của Lệ Lan nha! Trúc vui lên vừa viết vừa nói: - Được, được... Sẵn sàng... Nè, số điện thoại của Lệ Lan đây. Anh ráng can đảm gọi cô nha! - Cảm ơn anh nhiều. Bây giờ tôi về thiệt đây. Chào anh lần nữa và cảm ơn anh. - Được rồi. Chúc anh về bình yên, ngủ ngon và mơ nàng Kiều Lệ Lan... Phúc rời khỏi nhà hàng Au-Vieux-Sàigòn, đôi chân nặng nề bước chầm chậm tới chiếc xe hiệu Renault màu xanh đậm. Chàng tra chìa khóa mở cửa lên ngồi, kéo điếu thuốc lá, châm lửa hít vài hơi phì phà khói mà lặng im. Trời về khuya, ngoài đường vắng người, thỉnh thoảng có một hai chiếc xe chạy vụt qua, Phúc ngẩng mặt nhìn lên bầu trời xanh biếc có muôn ngàn vì sao lấp lánh. Chàng nói lảm nhảm:‘’Trời đất bao la, mưa nắng, nóng lạnh thay đổi bất thường. Còn lòng người sâu thẳm, trắng-đen ai rõ, trong-đục ai tường? Tâm-ý như vượn nhảy, khỉ chuyền cây, chẳng bao giờ đứng yên một chỗ. Mới hôm nào lòng mình yên lặng, chẳng nghĩ gì ngoài công việc buôn bán xe hơi hằng ngày. Rồi từ cái đêm gặp lại Lệ Lan, con tim mình giao động như giông bão vọng về. Có phải chăng mình vẫn còn yêu Lệ Lan? Trời ơi! Yêu nàng mà chẳng bao giờ mình thấy nàng để ý hay có cử chỉ yêu mình! Nhưng nàng có biết mình yêu nàng không đây? Không lẽ mình phải câm lặng như thuở xưa sao? Không. Không thể được! Kỳ này mình phải can đảm nói hết cho nàng biết mới được!’’... Ngồi trong xe suy nghĩ bâng quơ một hồi, Phúc đề máy xe, trực chỉ chạy về phía phi trường Orly... Phúc tra chìa khóa mở cửa vô nhà, rồi đến canapé nằm dài ngoài salon, châm thuốc hút liên miên. Chàng giựt mình tự nhủ:‘’ Mình cũng đã già rồi chứ! Năm tới này, mình sáu mươi tuổi rồi. Sao trái tim mình mềm yếu như thế này. Mình muốn đi dự văn-nghệ, hy vọng có thể mình gặp được Lệ Lan. Nhưng đi một mình kỳ quá! à, mình rủ thằng Tài đi theo, không biết nó có rãnh không đây?’’. Phúc ngồi dậy đi tắm và mặc bộ bi-jam-ma rồi lên giường nằm thao thức mà không ngủ được. Chàng trở ra salon, nhấc điện thoại quay đánh thức Tài nửa đêm. Tiếng chuông reo, làm Tài giựtt mình thức dậy, miệng lẩm bẩm chửi:‘’Mẹ tổ cha đứa nào phá đây?’’. Tài nhấc điện thoại, hỏi cộc lóc: - Đứa nào gọi phá tao phải không? Tiếng cười bên đầu giây: - Tao. Phúc đây, Tài ơi! - Trời đất! Bộ mầy điên hả Phúc? Mầy biết mấy giờ rồi không? - Ối, mới có ba giờ rưởi hà! Tao có chuyện cần nên gọi hỏi mầy cái này. - Chuyện gì thì mầy cũng để sáng mai. Chớ có đâu mầy dựng đầu tao dậy nửa đêm như vầy nè! - Xin lỗi mầy. Tại tao ngủ không được. - Rồi, chuyện gì, nói đi thằng quỉ sống. - Thứ bảy này, mầy có rảnh đi xem văn-nghệ với tao không? - Chỉ có vậy thôi hả?... Ý, không được đâu! Thứ bảy này tao kẹt rồi. - Kẹt! Mà kẹt gì? Cha, chắc có bà nào rồi hén? - Lẽ đương nhiên. Tại có mấy người bạn mời đi dự văn-thơ chung. Phúc ngạc nhiên: - Ở đâu? Có phải nhà hàng ‘’Chiều Tím’’ không? - Ừa. Đúng rồi. Mầy biết hả Phúc? - Vậy thì tao sẽ đi chung với mầy. - Để hỏi lại nàng coi còn chỗ không nha. - Nàng! Nàng nào vậy, tên gì? - Hì hì... Kiều Lệ Lan. Mầy biết nàng mà! Phúc nghe trong người nóng bừng bừng và hai lỗ tai lùng bùng, chàng hỏi nhanh: - Trời ơi! Kiều Lệ Lan! Mầy thân với nàng lắm không? Tài cười hí hỡn: - Thân lắm lắm. Mà cái gì mầy kêu trời dữ vậy? Phúc lưỡng lự, rồi nói một giọng yếu xìu: - Chắc ở đó hết chỗ cho tao rồi mầy ơi! - Thì để tao hỏi lại xem. - Thôi, khỏi. Tao không đi đâu Tài à! - Trời đất! Sao mầy xoay 136 độ liền vậy? - Thôi, tao buồn ngủ quá rồi. Hẹn mầy hôm khác nha! - Mầy không chịu đi thiệt hén! - Dứt khoát là không đi. A-lê, thôi, tao đi ngủ. - Tao cũng vậy. Sau khi nói chuyện với Tài xong, Phúc ngồi im lặng mà nghe tim đau nhói như ngàn mủi kim đâm vào. Chàng ôm đầu và nghĩ: ‘’Âu cũng là số mệnh! Cũng bởi tại mình chẳng duyên, không nợ với nàng. Vậy thì hãy xem chuyện mình yêu Lệ Lan như gió thoảng, mây bay cho rồi. Vì bây giờ nàng có Tài. Mà thằng Tài là bạn thân của mình, bắt buộc mình phải quên nàng. Mình đành câm nín cho xong’’. Phúc nghĩ ngợi một hồi, rồi chàng đến bàn giấy ngồi viết cho Lệ Lan một lá thư thật dài. Viết xong, Phúc đọc lại, lắc đầu. Trong lòng còn lấp đầy hình bóng Lệ Lan. Phúc thẩn thờ làm kẻ thất tình, rồi chàng hạ bút làm một bài thơ cho vơi nỗi niềm tâm sự:Vừa viết cho em lá thư dài,
Nghe lòng vẫn nhớ bóng hình ai. Làm sao bôi xóa chiều xưa ấy? Đã lỡ yêu rồi ngậm đắng cay. Lời thư chẳng nói câu tình ái, Anh viết thật dài như kẻ say. Bao giờ thư đến tay em hỡi! Hay mãi một đời chẳng gởi đây? Tình đơn ôm ắp em nào thấy, Chẳng duyên, không nợ buồn lắm thay! Con tim cứ mãi đòi gặp mặt, Cho đỡ nhớ nhung những tháng ngày. Thôi thì... Hẹn em kiếp sau anh sẽ nói, Kiếp này đành ôm khối tình đơn(Ngoại-ô Paris, đêm vào hạ 21-06-2002)