Ông Bùi Văn Ngộ, ngoài năm mươi tuổi, thầu khoán xây cất nhà cửa... Ông sống với đứa con gái nuôi tên Liễu mà ông cưng chiều hết mực. Ông lượm Liễu từ thuở bé trong đợt di tản vượt biển. Hơn hai mươi sáu năm, hai cha con sống thăng trầm, trôi nổi trên đất Pháp này. Nhưng ngày nay ông đã thành công cuộc đời. Ông Ngộ ngồi chễm chệ trên salon da màu đen trong một vi-la nho nhỏ có sân vườn rộng vài trăm thước vuông ở vùng Yveline (78) ngoại-ô Paris. Ông mặc bộ côm-lê màu xanh cẩm thạch, áo sơ-mi xanh nước biển, chiếc cà-vạt bông hoa, màu rực rở, miệng ngậm ống-bíp, trên gương mặt có vẻ đắc chí. Ông thò tay lấy hột quẹt châm lửa hít một hơi dài nhả khói và gật gật đầu. Rồi nghe tiếng chìa khóa mở cửa rột tẹt. Không cần thấy mặt, ông hỏi một giọng như cụ già: - Liễu đó hả con? Liễu đóng cửa lại, tay xách ba bốn bịt đồ ăn và một bó hoa mai Tây còn búp, bước vô hí hởn: - Dạ, con đây ba. Ba ơi! Còn mấy bữa nữa là tới Tết. Đêm giao thừa con sẽ làm cho ba ngạc nhiên hì hì! - Ba biết rồi! Liễu để mấy bịt đồ và bó hoa trên bàn ăn, cởi áo măn-tô máng lên thành ghế, đi đến ngồi gần cha: - Ba biết cái gì nè, nói cho con nghe đi. - Chắc chắn là con mời hai mẹ con bà Trầm, Thăng gì đó, phải hôn? Tối ngày ba nghe con nhắc họ hoài, thiếu điều điếc lỗ tai... - Ba tài quá ta. Ông Ngộ nhìn con bằng ánh mắt thương yêu, nhưng ông giả bộ nhăn mặt làm như không hài lòng: - Ba đã mời hai cha con của anh Đạo rồi. Sao con không hỏi ba trước, mà con mời... - Thì đâu có sao ba. Có gì con nấu đồ ăn thêm. Tết nhứt trong nhà đông người thì vui hơn nữa đó ba! - Hai cha con anh Đạo lại đây, sẵn dịp ba sẽ nói chuyện tình duyên của con với thằng Hạnh. - Trời ơi! Ba! Chết con rồi! - Chết gì? - Ba mời họ lại đây ăn giao-thừa thì con sẽ trổ tài nấu ăn. Còn... còn cái việc ấy... Thôi ba ơi! Con hổng chịu đâu! - Hổng chịu cái gì? Ba với anh Đạo là bạn thân từ hồi nhỏ khi còn... còn đi học bậc tiểu học, đã cùng chia sẻ lúc nghèo đói hồi xưa bên nhà đó con à! Liễu nũng nịu với cha: - Hồi đó, thì hồi đó... Mà ba có quên tình bạn đâu? Việc của con và anh Hạnh nó khác ba ơi! Con... con thương anh Thăng mà ba! - Khác cái gì? Con thương thằng Thăng hả? Tụi bây còn trẻ, tình yêu lãng mạn, tân thời, làm sao hiểu nổi tình nghĩa của người lớn thuở cơ hàn. - Mà bây giờ, ba và bác Đạo đều khá giả cả rồi. Ba cứ nhắc hoài chuyện xa xưa. Xưa quá ba ơi! - Hứ. Không có xưa thì làm sao có nay? Ai mà giúp ba bất cứ chuyện lớn hay nhỏ, ba nhớ ơn mãi mãi suốt đời. Ba thường dạy con mà sao con không nhớ? Liễu đứng lên đem đồ ra sau bếp, và lấy bình vừa chưng bông vừa nói: - Con có bao giờ quên đâu? Nhưng việc tình duyên của con với anh Hạnh... Ông Ngộ cướp lời con: - Ba nói là ba đã hứa với anh Đạo rồi. Con vẫn cãi ba à! Liễu nói giọng nhõng nhẽo: - Bác Đạo với anh Hạnh con biết từ lâu. Giữa con với anh Hạnh chẳng có chút tình cảm nào riêng tư cả. - Thằng Hạnh, nó thương con dữ lắm đó. Tại con không để ý. Liễu cười khúc khích và nói: - Con chẳng thấy gì hết. Mà chỉ thấy tướng tá của ảnh yểu điệu dịu dàng như là con gái... Giọng nói thì nghe eo éo, múa tay ẹo ẹo người dịu nhiễu. Chắc ảnh thích lấy chồng, chớ không chịu lấy vợ đâu ba ơi! - Nè, nè. Nói bậy đi. Anh Đạo nghe được là ảnh buồn đó con à! Thôi, con gái lớn, đã hai bảy hai mươi tám tuổi đầu rồi, đừng có làm con nít nữa. Nghe ba hỏi. Thằng Thăng, nó ra sao, làm gì, ở đâu? - Anh Thăng làm cho hãng xe hơi Peugeot, tướng tá cao ráo và đàn ông tánh lắm. Hổng có như anh Hạnh đâu. - Ừa, còn cha mẹ nó làm nghề gì? - Trời ơi! Thời buổi này mà ba còn hỏi gia cảnh người ta làm chi vậy? - Thì ba hỏi cho biết gốc gác vậy mà. - Con nói thiệt với ba nghe. Anh Thăng không có cha, chỉ có mẹ thôi. Mẹ ảnh làm bánh cho mấy tiệm ở trong Paris quận 13. - Trời đất! Thằng Thăng nuôi mẹ nó không nổi sao? - Không phải. Tại má ảnh thích đi làm để kiếm tiền thêm. Liễu ngập ngừng, rồi tiếp: - Hai mẹ con họ sống đạm bạc và hiền từ lắm ba ơi! Bánh bao mà con thường đem về cho ba ăn, là do dì Trầm, má anh Thăng làm. Ba khen ngon hoài đó. - Vậy à! Mà thằng Thăng làm gì trong hãng Peugeot? - Ảnh bán xe cho hãng, chỉ ăn huê hồng thôi. Ông Ngộ lắc đầu: - Thiệt hết nói nổi con rồi. Thằng Hạnh con ông chủ nhà hàng rất khá giả mà con không ưng. Đi chịu cái thằng không có tương lai gì ráo trọi. - Thì, nếu ngày nào anh Thăng và con thành vợ chồng, ba đem ảnh vào trong hãng thầu này phụ với ba. - Con tính hết rồi phải không? - Ba! Ba nói con giống má con. Vì hồi má con còn sống, cái nào má cũng tính trước dùm ba đó. Ông Ngộ nghe Liễu nhắc đến mẹ, làm ông bùi ngùi tội nghiệp cho Liễu. Vì thường ngày, ông hay làm bộ nhắc mẹ cô. Chớ ông nào có biết cha mẹ của Liễu là ai trên cõi đời này... Ông im lặng vài giây, rồi đổi sang nói chuyện khác: - Nè, chiều nay, hai cha con mình đi vô Paris đến nhà hàng An-Viên của bác Đạo ăn cơm nghe? - Con sẵn sàng chìu ý ba. Để con sửa soạn thay đồ khác nha. Bữa nay ba diện chic quá hà. - Ừa, ba mới vừa đi lãnh thầu thêm một mối nữa. - Hèn gì, con thấy tươi rói. - Vô sửa soạn, thay quần áo đẹp đi, đồ chó... nịnh ba hoài. - Con đi liền đây. Nửa tiếng đồng hồ sau, hai cha con ông Ngộ phóng xe tới đại-lộ Victor Hugo quận 16 Paris. Nhà hàng An-Viên không lớn lắm, chỉ bốn chục chỗ ngồi. Còn sớm chưa mở đèn. Ông Ngộ gõ cửa. Bên trong, Hạnh õng ẹo đi ra mở và mời vào. Cậu réo cha: - Ba ơi! Có bác Ngộ và cô Liễu đến. Ông Đạo đang xắt rau cải để sửa soạn cho nhà hàng. Ông bỏ ngang và chạy lên, tay tháo cái yếm trắng ra, miệng tươi cười: - Cha chả, rồng đến nhà tôm! Mời, mời anh Ngộ và cháu Liễu ngồi. Hạnh! Con cho cái gì uống khai vị đi con. - Dạ, con lo liền. Hạnh biết hai ông lúc nào cũng Whisky-sô-đa. Cậu quay sang hỏi Liễu: - Cô Liễu uống chi hôm nay? - Nước dừa. Hạnh ngớ ngẩn, nói một giọng eo éo và nhao nhão: - Chết rồi cô Liễu ơi! Ở đây không có nước dừa. Cô Liễu dùng nước cam hay là cocktail-maison nha? Liễu nhìn bộ điệu và giọng nói của Hạnh, cô mắc tức cười trong bụng, cô nói chầm chậm từng tiếng một như chế nhạo Hạnh: - Hổng có nước dừa thì nước nào cũng được... Hạnh xoay mình đi đánh đòn xa hai cánh tay bơi bơi, vô lấy hai ly Whisky và kẹp chai sô-đa đem ra cho hai người lớn trước. Rồi trở lại rót hai ly cocktail-maison bưng ra cho Liễu và cậu. Họ cụng ly nhăm nhi uống khai vị và chuyện trò qua lại... Khoảng mười lăm phút sau, tới giờ mở cửa. Hạnh đứng lên mở đèn để nhạc êm diệu không lời. Ông Đạo xin lỗi vô bếp. Ngoài này Hạnh đưa hai tờ thực đơn cho hai cha con ông Ngộ lựa chọn thức ăn... Ở quận 16, nhà hàng đề tên những món ăn trong tờ thực đơn không giống như những tiệm ở quận 13. Mà món nào cũng có cái tên rất lạ. Nào là cơm Vương-Hoàng, súp Công-Chúa, gỏi Hoàng-Hậu, vịt Nương-Tử v.v... Nhưng thật ra nấu món nào cũng có nước mắm thuần túy y trang Việt Nam. Họ đặt tên những món ăn nghe kiêu kỳ vậy thôi. Bởi nhà hàng ở đây có khách Tây và ngoại quốc đến ăn nhiều hơn khách Việt Nam. Đã hơn tám giờ tối, khách lần lượt vào nhà hàng. Hạnh tiếp khách, lấy côm-măn, bưng bàn ở trên. Còn ông Đạo thì nấu bếp với một cậu bếp phụ. Ông Ngộ gọi mấy món trên. Hai cha con đang ngồi ăn. Liễu ngồi quay mặt ra ngoài, cô nhìn thấy bà Trầm bưng mấy hộp bánh trên tay. Liễu nói với cha: - Ba, ba. Má anh Thăng kìa ba. Bà Trầm vừa bước vô. Liễu cười và chào: - Dạ, thưa dì Trầm. Dì bỏ bánh ở đây hả? - Ừa, sẵn có xe của thằng Thăng, dì nhờ nó chở lại đây để khỏi đi Mê-trô. Trời lạnh quá! - Dạ, thưa ba, đây là má của anh Thăng... Dạ, thưa dì Trầm, ba con đó dì. - Dạ, chào ông. - Chào bà. Ông Ngộ ngồi nghiêm nghị. Nãy giờ ông nhìn thấy bà Trầm quen quen. Rồi lại sực nhớ... Liễu vội hỏi bà Trầm: - Anh Thăng đâu rồi dì? - Nó đợi dì ở ngoài xe. Thôi, để dì đem bánh vô cho ông chủ nhà hàng nha! Liễu nói nhanh: - Ba mươi Tết, dì và anh Thăng đến nhà con đón giao-thừa nha dì! - Ừa, thằng Thăng có nhắc dì rồi. Dì nhớ mà. Bà Trầm chợt nhìn trên mặt ông Ngộ có cái mục ruồi lớn ở giữa cặp chưng mày, bà hơi ngạc nhiên... Tự hỏi: ‘’Ông này, sao mình thấy quen quen, nhưng không thể nào mình nhớ gặp ở đâu được?’’. Bà nghĩ thoáng quá, rồi bưng mấy hộp bánh đi tuốt vô trong bếp. Vài phút sau, bà trở ra và vội vàng chào đi về. Sau khi ông Ngộ và Liễu ăn cơm xong, họ ra về. Đi dọc đường Liễu vui vẻ hỏi cha: - Ba thấy dì Trầm còn đẹp không? Dì ấy, năm nay gần sáu chục tuổi rồi đó. Ông Ngộ trầm ngâm gật đầu mà không nói lời nào cả. Về đến nhà, hai cha con mạnh ai nấy tắm rửa thay đồ, rồi vô phòng ngủ. Đêm nay, ông Ngộ không sao ngủ được. Ông nằm trằn trọc mà nhớ về dĩ vãng xa xưa... lòng tự nhủ:‘’Trời ơi! Tôi là thằng Đẹt, thằng nhỏ bụi-đời chuyên môn móc túi năm xưa. Còn bà Trầm là cô gái tha thứ và còn cho tiền tôi thuở nào...’’ Ông Ngộ nằm thao thức, rồi ngủ chập chờn. Đến sáng, ông thức dậy thật sớm, điện thoại cho ông Đạo. Rồi hẹn ra cà-phê để tâm sự... Ông Đạo là bạn ở tù chung trong khám Chí-Hòa với ông Ngộ khi xưa. Ông Đạo chẳng rõ lắm về đời tư của ông Ngộ. Ông chỉ ngồi lắng nghe bạn tâm sự... Kể như việc hứa hôn của Hạnh và Liễu xem như không thành. Ông Đạo biết con trai mình có bệnh đồng-tình-luyến-ái. Ông chẳng tiếc nuối gì cả. Vì hồi mới gặp lại ông Ngộ hơn mười năm trước. Hai ông uống rượu vui vẻ, kể sơ sơ hoàn cảnh và đời lưu vong với nhau, rồi hai ông vui miệng hứa làm sui lúc đó. Ông Đạo nói: - Anh cứ tự nhiên kể cho tôi nghe nữa đi. Ông Ngộ bưng tách cà-phê hớp một ngụm, từ từ ông kể tiếp: - Anh biết không? Hồi những năm đầu thập niên 1960, buổi sáng giữa chợ Sàigòn đang đông nghẹt người. Tôi theo dõi một cô gái trẻ, khoảng mười bảy mười tám tuổi, ăn mặc như con trai. Nhưng tôi nào hay cô ta nhìn qua cặp mắt kiếng răm để theo dõi tôi. Lúc ấy, tôi là thằng bé mười một mười hai tuổi, tôi đang bám sát cô, tưởng là cô ta lơ đểnh nên từ từ thọt tay vô túi quần ‘’Jean’’ của cô, tôi rút được một tờ giấy hai trăm đồng. Cô chụp tay tôi, nhin thẳng vô mặt và hỏi: - Từ hồi sáng giờ, em đã làm được mấy cú như vầy rồi? Tôi làm bộ sợ hải, môi run lập cặp, nói: - Dạ, dạ. Em mới có ăn cắp của chị mà thôi! Mấy người đi chợ nhìn thấy, la lên: - Thằng quỉ này chuyên môn móc túi. Cô kêu Cảnh-sát mau lên! Cô gái khoác tay: - Chuyện này là riêng của tôi. Đâu phải của các chị! Một bà đứng chống nạnh, miệng bày hải: - Gọi Cảnh-sát bắt bỏ tù nó! Cô gái ra cái điều dân-anh-chị, hất mặt lên hỏi: - Bà có quyền gì mà đòi bỏ tù thằng nhỏ này? Bà kia lắc đầu, hỏi: - Cô có điên hôn, mà nói vậy? Rồi bà ta bỏ đi nơi khác. Cô gái vẫn còn nắm tay tôi và hỏi: - Em là con nhà ai? Em có đi học không? Tôi nghe hỏi, tôi cố gắng lắc lắc tay thật mạnh, định cho vuột ra để chạy, nhưng không được. Tôi nhướng mắt lên, tạo chuyện nói láo: - Chị buông em ra đi, em không có chạy đâu. Cô lấy hai trăm bỏ vào xách tay và buông tay tôi ra. Đôi mắt cô nhìn tôi và hỏi: - Em tên gì? - Đẹt. - Tại sao em đi móc túi? - Tại nhà em nghèo! Cô nhìn tôi với cặp mắt thương hại: - Bộ nghèo, ba má em bảo em đi làm việc này à? Tôi đóng kịch làm bộ mếu máo, lắc đầu: - Không. Ba má em không có bảo em đi móc túi đâu! - Vậy tại sao em móc túi của chị? - Chị đừng kêu lính bắt em nha! - Không. Chị không kêu lính đâu. Mà bây giờ chị muốn em trả lời những gì chị vừa hỏi em. Em có đi học không? - Có. - Lớp mấy rồi? - Lớp nhì. - Tại sao em đi móc túi chi vậy? - Em đã nói rồi. Nhà em nghèo lắm, nên em thích có tiền để mua bánh kẹo cho mấy đứa em của em ăn. Cô nghe thế, nên cảm động, và hỏi tôi: - Em có mấy đứa em? Còn ba má em làm gì? Tôi trả lời nhanh nhẹn, vì thường ngày móc túi bị người ta bắt được thì cứ mấy câu cũ hát lại, tôi không dám nhìn thẳng mặt cô gái, mắt tôi lơ láo và nói: - Em có bốn đứa em. Ba em chạy Xích-lô. Còn má em ở nhà, không có làm gì hết! Cô gái động lòng trắc ẩn, liền mở bóp ra rút lại tờ giấy hai trăm đồng mà đưa cho tôi và nói: - Nè, chị cho em hai trăm đồng bạc đây. Nhưng em nhớ là ở trên cõi đời này khó có người thứ hai làm như chị nha! Em đừng móc túi nữa, nếu em còn làm như thế thì có ngày em sẽ vào bót đó. Tôi mừng quá, vội đưa tay lấy tiền và nói: - Em cám ơn chị! Em sẽ không làm như thế nữa... Nhưng rồi... Tôi cũng sống với cái nghề móc túi...Thật sự chỉ có một người duy nhứt bắt được mà còn cho tiền tôi. Khi lớn lên, tôi lại a tòng với tụi chuyên môn đi cạy cửa ăn trộm nhà người ta, rồi nhiều lần bị bắt ở tù nên mới quen anh trong đó. Vào tù, tôi được người ta cho tôi làm thợ hồ xây cất... Mãn tù được thả ra, chỉ vài tháng sau là Việt-Cộng vô chiếm Sàigòn. Chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi thấy người ta chạy, tôi cũng chạy theo. Lên được tàu Trường-Xuân vượt biển. Khi lên tàu, tôi thấy một bé gái lạc loài, cha mẹ đâu mắt, nó đang khóc trong đám người hoảng hốt. Vì lúc đó mạnh ai nấy lo con cái của họ. Tôi thấy tội nghiệp đến ẵm nó trong tay. Khi lên đảo... chẳng có ai nhìn hay tìm kiếm nó. Nên tôi khai luôn là con của tôi... Là con Liễu bây giờ đó anh. Thế là, tôi không có vợ mà được con. Còn cô gái ngày xưa bị tôi móc túi, là bà Trầm bỏ bánh bao cho nhà hàng anh, cũng là mẹ của cậu Thăng mà con Liễu đang làm bạn... Ông Đạo lắng nghe ông Ngộ kể mà ông tưởng chừng như đang nghe băng đọc tiểu thuyết. Ông thở ra và nói: - Thiệt là hi hữu. Thật ra những ‘’sự ngẫu nhiên làm cho nhiều việc được giải quyết dễ dàng’’ đó anh Ngộ à! - Tôi kể hết đời tôi cho anh nghe rồi. Tôi thấy lòng nhẹ nhàng. Nhưng, tôi hy vọng chuyện này phải dấu kín, không nên cho con Liễu biết. Nếu nó biết sự thật chắc nó sẽ khổ đau lắm... Ông Đạo cười: - Anh nói với tôi hôm nay. Xem như gió thoảng mây bay rồi. Mà nếu tụi nhỏ có biết cũng chẳng sao. Tâm hồn của tụi nó chỉ biết hiện tại và tương lai. Chớ dĩ vãng đối với tụi nó như pha anh ơi! Mà ai đi nói lại làm chi. Ông Ngộ đốt ống-bíp hít một hơi rồi nói: - Chắc tôi phải xin số điện thoại của bà Trầm. Để tôi gọi và nhắc nhở với bà ấy là tôi không bao giờ quên chuyện bà ta đã nhân từ tha thứ tôi cái chuyện ‘’móc túi’’ khi xưa. Và gả con Liễu cho thằng Thăng. Cơ nghiệp của tôi, tôi sẽ giao cho tụi nó cai quảng sau khi tôi hưu trí. - Anh tính nghe cũng phải. Mà còn tùy mấy đứa nhỏ nữa. Thôi, trưa rồi, tôi phải về mở cửa nhà hàng. Hai ông đứng dậy bắt tay chào ra về. Ông Ngộ nhắc: - Đêm ba mươi, anh và cháu Hạnh lại nhà tôi đón giao-thừa nha. à, anh đóng cửa nhà hàng mấy ngày? - Hai ngày. Thôi, về nghe anh. ° Ông Ngộ điện thoại cho bà Trầm, ông nhắc nhở chuyện xưa. Bà Trầm không lấy gì làm ngạc nhiên cả. Vì tâm hồn bà thanh thản từ lâu. Bà rất vui mừng và hài lòng, vì bà tự biết là sẽ có cô dâu hiền và ông sui đã đổi đời đen tối qua cuộc sống lương thiện và cũng có tình có nghĩa. Chiều ba mươi Tết, Liễu đã đi chợ, nấu nướng xong những món thuần túy cho ngày Têt Việt Nam. Nào là khổ qua hầm, thịt kho nước dừa, dưa giá... Bà Trầm và Thăng đến trước. Bà đem bánh tét, bánh ích, bánh bao... Trên tay Thăng xách ba bốn chai rượu vin và hộp mức đủ thứ. Sau đó, hai cha con ông Đạo đến, Hạnh xách hai chai Champagne và không quên chai Whisky hiệu Ông-Già chống-gậy nhãn đen và một bó hoa đủ loại thật lớn màu sắc rực rỡ, Hạnh õng ẹo tươi cười trao cho Liễu và nói: - Bữa nay Hạnh làm dâu... ý rễ phụ cho cô Liễu và anh Thăng nha! Hạnh làm cả nhà tức cười. Liễu hi hởn giễu theo: - Anh mà điểm trang phấn son lên và mặc áo dài chắc chắn là đẹp gái lắm đó. Mai mốt tới đám cưới tụi này anh giả gái làm dâu phụ nha? Hai ông Ngộ và Đạo cùng hai mẹ con bà Trầm, cậu Thăng nhìn Hạnh cười. Làm Hạnh khoái chí tử... Đầy đủ mọi người, ông Ngộ bảo con dọn đồ ăn lên bàn thờ. Xong xuôi, ông đứng lên đốt nhang cúng vái rước ông bà. Nửa tiếng đồng sau, họ cùng ăn cơm trước khi giao thừa. Ăn uống, nhậu nhẹt đến nửa đêm. Giờ giao-thừa đã đến. Ông Đạo nhắc Hạnh mở Champagne. Liễu và Thăng cũng đứng lên dọn dẹp cho trống bàn. Ông Ngộ đi lấy sáu cái ly pha-lê cao-ốm. Chai Champagne Hạnh khui và cho nổ nghe cái ‘’bốp’’... Mọi người vỗ tay cùng chúc mừng năm mới... Hạnh rót từ ly, Liễu bưng đưa mọi người. Ông Ngộ, nhấc ly Champagne đứng lên nói: - Đêm nay là đêm vui nhứt đời tôi. Và sẵn đây, có anh Đạo và cháu Hạnh làm chứng luôn. Tôi cũng xin thưa với chị Trầm, là tôi bằng lòng gả con Liễu cho cháu Thăng. Ra giêng coi ngày lành tháng tốt cho tụi nó làm đám cưới. Xin chị Trầm chấp nhận... Ánh mắt bà Trầm sáng quắc, miệng tươi cười, bà cũng nâng ly đứng lên nói: - Tôi xem cháu Liễu như dâu của tôi từ lâu rồi. Mà tôi cứ hồi họp lo sợ tụi nó gặp trắc trở. Bởi... bởi... Ông Ngộ cắt lời, hơi men ngà ngà loạng choạng, ông cười nói và ngâm lên mấy câu thơ: - Không có bởi, tại, bị gì cả chị Trầm à! Xin chị nghe đây:
Duyên con, trời định sẵn rồi
Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai Ân sâu nghĩa nặng tình đầy Đêm nay xuân thắm của ngày cuối đông. Khúc dài khúc ngắn dòng sông Khúc trong khúc đục chảy vòng ngược xuôi Lênh đênh bốn biển trùng khơi Biến thành mây khói mưa rơi trở về...Ông Ngộ ngâm nga xong mấy câu thơ, ông rất vui vẻ... Cả nhà vỗ tay reo cười theo. Liễu đến ôm cha hôn và nói: - Không ngờ ba của con xuất khẩu làm thơ hay quá xá... Tất cả mọi người đứng lên, tay nâng ly Champagne với những nụ cười và ánh mắt chân tình thắm thiết giữa đêm xuân. (Ivry-sur-Seine, Bạch-Am, đêm vào đông 21-12-2001)