Ít lâu, sau ngày Đông cung vào đến Gia Định, một nhà nho hết lòng trung quân tạm ẩn ở Qui Nhơn cũng trốn vào. Ông ta tên là Nguyễn Đăng Trường. Gốc gác gia đình, học thức, và nhất là cuộc mạo hiểm nghìn dặm tìm vào với Chúa (dù đau đớn đứt ruột vì phải bỏ lại Qui Nhơn một mẹ già), bấy nhiêu yếu tố đủ khiến Tân Chính vương vui mừng chiêu đãi người hiền. Nguyễn Đăng Trường được giữ chức tham tán, ngày đêm làm việc trong bộ tham mưu của Tân Chính vương. Chinh nghe tin có một người vừa ở Qui Nhơn vào, vội tìm đến với hy vọng may ra biết được tin nhà. Lý Tài đoán biết ý định của Chinh, vội cho mời viên Tham tán đến, trỏ Chinh và hỏi: - Ông ở Qui Nhơn, có quen cậu này không? Trại chủ ngẩn người vì cố nhớ xem đã gặp Chinh ở đâu, nhưng ông chịu, không nhớ được gì liên quan đến cậu thanh niên mặt vuông, mũi lớn, da ngăm ngăm đen đang bối rối trước mặt mình. Viên Tham tán thú thật: - Có lẽ... có lẽ trí nhớ tôi kém. Hình như tôi chưa gặp cậu này lần nào cả. Lý Tài cười, rồi hỏi: - Thế ông có nghe người ta nhắc đến ông giáo Hiến không? Trại chủ mau mắn đáp: - Có. Ở Qui Nhơn ai không biết hắn ta! Giáo Hiến là quân sư của bọn anh em Tây Sơn mà. Lý Tài cười xòa, lại trỏ Chinh mà nói: - Cậu này là con trai của giáo Hiến đấy. Viên Tham tán đỏ mặt liếc nhìn Chinh, vì vừa dùng lời lẽ khá nặng nề khi nhắc đến ông giáo. Chinh thấy thế, vội lễ phép hỏi: - Trước khi vào đây, bác có gặp cha cháu không? Trại chủ lấy được bình tĩnh, nhìn thẳng vào Chinh đáp: - Tiếc là tôi chưa được gặp ông cụ thân sinh anh. Lúc ông cụ còn đa đoan công việc trong phủ, tôi không muốn gặp. Lý do vì sao chắc anh hiểu. Về sau, nghe thiên hạ đồn ông cụ đã thôi việc và ra ở Bằng Châu... Chinh hồi hộp, nôn nóng cắt lời viên Tham tán: - Cha cháu đã rời nhà ra Bằng Châu? Sao lạ thế? Trại chủ ngạc nhiên trước sự hốt hoảng của Chinh, chằm chặp nhìn anh rồi nói tiếp: - Vâng. Ông cụ đã ra ở Bằng Châu từ lâu rồi. Nghe nói vì ông cụ bất hòa với bọn anh em Tây Sơn sao đó. Thú thật nghe đồn vậy tôi cũng bán tin bán nghi. Giữa nhà nho với nhau, tôi muốn biết tâm sự thầm kín của ông cụ thế nào trước thời thế.Tôi muốn tìm đến thăm ông cụ. Chinh không chờ được nữa, chen vào hỏi: - Bác có đến thăm cha cháu không ạ? - Có. Nhưng tiếc là tôi không được gặp mặt. Có cô gì hình như con cháu ông cụ... - Vâng. Đúng là con An em cháu đấy. An có nói gì với bác không? - Cô ấy bảo ông cụ vừa đi khỏi. Tôi hẹn trở lại, nhưng tự nhiên lòng do dự, không biết nên gặp hay không. Sao đó chần chừ, hẹn rày hẹn mai mãi. Đến lúc bị bọn họ biết tông tích và tìm đến tận nhà tôi, tôi sợ không dám ở lại Qui Nhơn nữa, vội tìm cách trốn vào đây. Lý Tài hấp tấp hỏi: - Họ tìm đến tận nhà ông ư? Ai thế? Trường quay nhìn Lý Tài, do dự, chưa biết nên nói hay không. Cuối cùng viên Tham tán đáp: - Chính người đáng gờm nhất trong anh em họ: Nguyễn Huệ. Lý Tài giật nảy người vì câu trả lời bất ngờ, đứng hẳn lên rời khỏi ghế, chồm tới trước hỏi trại chủ: - Thật thế sao? Hắn đến hỏi ông những gì? Viên Tham tán đáp: - Hắn hỏi vì sao từ hai năm nay, vào Qui Nhơn, tôi mai danh ẩn tích chứ không ra giúp anh em hắn. Đáng sợ hơn nữa là hắn hỏi vì sao lại có ý định trốn vào đây. Lý Tài thích thú cười to, rồi hỏi; - Bị bắt đúng mạch như vậy, ông ăn nói làm sao với hắn? Trường chậm rãi đáp, giọng nói tự tín pha lẫn kiêu hãnh: - Tôi nói thẳng là tôi sẽ ra đi. Lý Tài và Chinh đều trố mắt nhìn viên Tham tán, lòng đầy hoài nghi. Lý Tài vội hỏi: - Rồi hắn nói sao? Trường trầm ngâm một lúc thật lâu, cân nhắc từng lời trước khi đáp viên Bảo giá tướng quân đầy uy quyền. Ông băn khoăn tự hỏi có nên nói đúng sự thật hay không. Liêm sỉ nhà nho buộc ông không được nói dối. Nghĩ như vậy nên Trường trả lời: - Hắn nói:”Tiên sinh đi như thế, chẳng khác nào quay trời đất lộn ngược trở lại, hỏi làm sao được! Tôi chỉ sợ có ngày tiên sinh hối hận thì sự đã muộn lắm rồi!” Lý Tài lại hấp tấp hỏi: - Ông đáp thế nào mà hắn để ông yên? Giọng Trường trở nên sang sảng: - Tôi nói:”Bậc đại trượng phu ở đời lấy trung hiếu làm đầu. Tôi nay thờ mẹ tôi, rồi thờ Chúa, ý nghĩ thật là quang minh. Còn công việc có xuôi hay không, được hay mất là do mệnh trời. Tôi còn điều gì hối hận được!” Lý Tài vỗ bàn cười ha hả, quên cả giữ ý với một nhà nho nghiêm túc, chạy đến ôm vai viên Tham tán lắc lắc, miệng không thôi lẩm bẩm: - Khá lắm. Được lắm. Thế mới gọi là tay hảo hớn “uy vũ bất năng khuất” Trường hơi cau mày khó chịu, đưa tay gỡ nhẹ tay Lý Tài ra khỏi vai. Muốn cho Lý Tài khỏi chú ý cử chỉ mình, Trường quay về phía Chinh nói: - Thành ra trước sau tôi vẫn chưa gặp mặt được ông cụ. Chinh hồi hộp hỏi: - Nhưng em gái cháu có nói gì về chuyện cháu vào Gia Định không? Trường lắc đầu chầm chậm, rồi đáp: - !!!4406_40.htm!!!
Đã xem 403335 lần.
http://eTruyen.com