Phần I: Về An Thái
Chương 45

Bấy giờ là mùa đông. Trời mưa tầm tã. Nước lụt tràn bờ sông, người ở chỗ đất thấp phải chuẩn bị dời thóc gạo đồ đạc lên các chỗ đất gò để tránh nước lũ. Đường đất sét phủ đầy một lớp bùn nhão màu hung cao đến ngập mắt cá. Việc đi lại khó khăn nhưng ở công trường xây thành Chà Bàn, công việc vẫn tiến hành khẩn cấp. Số dân phu tăng hơn cả mùa nắng. Trai tráng thì ngâm mình dưới làn nước bạc dùng mai xắn từng khối đất dẻo, rồi hụp xuống bê lên cho những người già cả khiêng, gánh, xách, đội, vác đến tận chân thành. Do đó người nào cũng lấm lem những bùn từ chân tóc đến quần áo, vừa thở phì phò vừa run cầm cập. Nước lụt tràn khắp vùng quanh chân thành, nhất là phía đông, nhưng căn cứ theo mực nước ngập đến thắt lưng hay đến cổ mà người ta phân biệt được chỗ nào đất chưa đào, chỗ nào đã thành đáy hồ. Dù có những cây sào tre còn để nguyên chóp lá cắm mốc, nhưng không thiếu những kẻ sơ ý hụt chân, ngã xuống vùng đất thấp. Theo dự kiến, sau khi đắp xong thành, sẽ có một cái hồ rộng ở mặt đông để trồng sen.
Trong nhà chòi lợp tranh dùng làm chỗ làm việc của ban chỉ huy công trường, Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, Thiếu phó Nguyễn Lữ, Phụ chính Nguyễn Huệ, Nội hầu Phạm Ngạn đang đứng quanh cái sạp liếp tre dùng làm bàn để nhìn tấm bản đồ vẽ cách bố trí của thành Chà Bàn. Quần áo người nào cũng ẩm ướt, bùn lấm cả lên vai áo. Đường cái lầy lội quá nên họ đều đi chân đất. Phạm Ngạn dùng cái que tre chỉ vào sơ đồ giải thích cho ba anh em Nguyễn Nhạc:
- Những chỗ tô son đỏ như khoảng này đã đắp xong. Vâng, chiều cao là một trượng hai xích, chiều dày khoảng hai trượng. Phía bên này đã đắp xong cái núi đất. Đúng là góc đông nam của thành. Sở dĩ phải đắp trước vì cần phải có một gò đất cao không ngập nước cho thợ mộc và thợ vôi làm việc. Phải có thêm hai cái núi đất nữa ở góc đông bắc và tây bắc, dự kiến cuối tháng mười một thì xong vì từ chỗ lấy đất đến hai góc đó xa hơn. Vâng, số phu được gửi tới đủ, nhưng không làm nhanh hơn được, vì số người đau yếu phải cho nghỉ lên cao quá. Số mới bổ sung lại phải mất một thời gian khá lâu mới quen công việc.
Tây Sơn vương chỉ vào phía thành chưa làm xong, hỏi:
- Còn mặt thành này, ông tính thế nào?
Viên Nội hầu vội thưa:
- Dạ phía đó dễ làm hơn vì thuộc vùng đất gò. Tuy là đất sỏi cứng khó đào, nhưng đất lấy ngay tại chỗ khỏi mất công khuân vác. Đá ong cũng có sẵn. Thợ đá có hơi thiếu, trời mưa dầm quá lâu đá ướt rất khó xắn cho thành khối vuông vức. Nhưng tôi có cho thêm phu phụ giúp cho thợ đá, nên không đến nỗi trễ. Nặng nhọc lắm vẫn là mặt bên này.
Nguyễn Nhạc nhìn về phía hai em, giải thích thêm:
- Ta cứ dựa lên nền thành cũ của người Chàm mà đắp cao lên thôi. Khi làm xong, chu vi thành sẽ được mười lý. Thành có năm cửa. Đằng trước này mở hai cửa, bên hữu là Vệ môn, bên tả là Tân khai môn. Bên trái, bên phải và đằng sau mỗi bên đều có cửa. Phía tây này, không, đây là hướng tây nam chứ, hướng tây ở đây có Đỉnh Nhĩ đề, còn phía tây nam có Giao đàn thành. Khung vuông này là Tử thành. Đây là Bát giác điện, trước Bát giác điện là Bát giác lâu. Đằng trước còn có Quyền bồng cung, bên tả bên hữu có dực lang dành cho lính canh gác. Trước cung còn có Nam lâu môn, bên tả có Từ đường, bên hữu có Võ miếu.
Nguyễn Huệ từ đầu lơ đãng không nhìn vào sơ đồ và chăm chú nghe Nguyễn Nhạc giải thích như Nguyễn Lữ, bấy giờ mới lên tiếng hỏi:
- Sao ta lại phải dựa vào dấu cũ của thành Chà Bàn mà đắp thành? Ta không làm khác được sao?
Phạm Ngạn không trả lời được một câu hỏi khó như vậy, nên nhìn về phía Tây Sơn vương, trân trọng dành cho Nhạc quyền giải thích. Nhạc chau mày nhìn em, hơi khó chịu. Nhưng vương cũng kiên nhẫn giải thích chậm và rõ:
- Chú hỏi vì sao ư? Chú nhớ cho kỹ để lần sau khỏi thắc mắc nữa nhé. Vì chúng ta phải cố gắng khôi phục lại vương quốc đã từng một thời thịnh trị kéo dài từ đất Thuận Hóa cho đến Bình Thuận. Kinh đô của vương quốc ấy ở đây. Kinh thành của vương quốc ấy là chỗ này, ngay tại nơi chú với ta đang đứng trú mưa. Lúc người Chiêm thành đóng đô tại đây, tại vùng được gọi là Vijaya này, vương quốc của họ hùng mạnh, thịnh vượng. Họ suy yếu vì đã không biết đây là chỗ đắc địa. Chú cứ nhìn kỹ các tháp Chàm kia, xem cách thức họ xây cất, điêu khắc, cũng đủ biết thời đó xứ sở này giàu có, thanh bình, tôi hiền và bậc anh tài nhiều biết bao! Chúng ta tìm đâu ra những người thợ đẽo gọt nổi những bức tượng đẹp như thế kia? Và ông Năm Ngạn này, liệu ông có chỉ huy nổi dân phu để họ đưa những khối đá nặng như vậy lên cao chót vót tận đỉnh tháp không? Phải nhận là trước đây dân tộc Chàm khéo hơn ta. Vì đâu? Vì họ chọn được đúng chỗ đất tốt để xây thành Chà Bàn. Ta dựa theo dấu cũ của họ để xây thành là vì vậy.
Trong khi Tây Sơn vương nói, Nguyễn Huệ muốn cắt lời anh để góp ý mình, nhưng thấy anh hăng hái quá, Huệ không dám. Chờ đến khi Nhạc tạm dừng để lấy hơi, Huệ mới hỏi:
- Như vậy biên cương của chúng ta phía bắc ra đến Thuận Hóa, còn phía nam chỉ vào đến Bình Thuận thôi sao?
Nhạc đăm đăm nhìn em, môi cười chế giễu, hỏi Huệ:
- Liệu chú có đủ sức đánh nam dẹp bắc để giữ bấy nhiêu đất ấy không? Chú nên nhớ quân Trịnh vẫn còn nghênh ngang ở Thuận Hóa, còn Châu Văn Tiếp vẫn còn chiếm giữ Bình Thuận, Bình Khang.
Huệ tiếp lời anh:
- Nhưng Điều khiển Hòa của chúng ta hiện đang ở dinh Long hồ. Còn Gia Định thì đã có Tổng đốc Chu và Tư khấu Uy trấn giữ. Chẳng lẽ ta cất công vào Gia Định suốt bảy tháng trường,!!!4406_47.htm!!! Đã xem 403342 lần.


Nguồn: dactrung.com
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 27 tháng 11 năm 2004