Chương 77

Ngay trong khi cuộc tranh chấp giữa Phú Xuân và Qui Nhơn chưa kết thúc, Nguyễn Huệ đã nhận được tin Nguyễn Văn Duệ và Huỳnh Đức ở Nghệ An đã âm mưu cùng Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản. Chính Vũ Văn Nhậm cấp tốc gửi thư cáo biến cho Thượng công.
(1) Trong thư, Vũ Văn Nhậm có viết:
"Ngày trước, dùng Chỉnh chẳng khác nào nhốt hổ gầm giường. Ngày nay để Duệ, tức là nuôi ong tay áo. Xin Thượng công kíp phát quân ra bắc, trước hết giết Duệ ở Nghệ An, rồi sau bắt Chỉnh ở Thăng Long. Dẹp loạn, định nước là ở chuyến này. Cơ hội ấy, xin đừng bỏ lỡ..."
Nguyễn Huệ tin ngay những điều Vũ Văn Nhậm cấp báo. Ông hiểu phò mã ở vào một thế khó xử. Một đằng là chủ tướng trực tiếp của mình. Một đằng là cha vợ. Vũ Văn Nhậm lo âu Nguyễn Huệ nghĩ mình có hai lòng, nên tìm mọi cách chứng tỏ sự tận tụy trung thành của mình. Phò mã không thể nào dám báo cáo những điều dối trá. Vì thế, từ Qui Nhơn Nguyễn Huệ sai Lãng đem lệnh ra giục Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Nghệ An bắt Nguyễn Văn Duệ. Đối với Nguyễn Hữu Chỉnh, thượng công chỉ dẫn rõ ràng cách giải quyết vì Chỉnh ở tận Thăng Long: Sau khi đã chia quân đóng giữ các nơi hiểm yếu ở Nghệ An, hãy viết thư cho Chỉnh hỏi cái tội âm mưu phản phúc với Nguyễn Văn Duệ. Sẽ có hai trường hợp xảy ra: Nếu Nguyễn Hữu Chỉnh trả lời bằng giọng thoái thác, thì nên án binh bất động chờ đó, sau này sẽ tùy cơ định liệu, còn nếu Chỉnh ra mặt chống cự, thì lấy đó làm cái cớ tiến quân ra bắc.
Vụ tranh chấp ở Qui Nhơn sắp đến chỗ được dàn xếp êm đẹp, thì Nguyễn Huệ được tin Nguyễn Văn Duệ và Huỳnh Đức đã bỏ trốn khỏi Nghệ An. Vũ Văn Nhậm cũng báo cho Nguyễn Huệ biết mình đã gửi thư ra Thăng Long quở trách Nguyễn Hữu Chỉnh, đúng theo lời chỉ dẫn của Thượng công.
Nguyễn Huệ vội giao trách nhiệm thương thuyết cách phân chia vùng cai trị cho Trần Văn Kỷ lo, còn mình thì vội cùng với gia đình về Phú Xuân. Đến nơi, Nguyễn Huệ nhận được thư của Nguyễn Hữu Chỉnh gửi Vũ Văn Nhậm, do phò mã chuyển về Phú Xuân để xin lệnh.
Thư Nguyễn Hữu Chỉnh như sau:
(2) “Trước kia, tôi bỏ nước cũ về với Chúa công, đã được Chúa công cho vào mạc phủ hầu hạ túi cung roi ngựa đến bốn, năm năm.
Mùa thu năm ngoái, Chúa công ở bắc rút quân về nam, không cho tôi hay. Tôi cũng biết rằng Chúa công muốn dùng cách đó thử tôi, để xem đi ở ra sao. Bấy giờ người Bắc hà hết sức lưu tôi ở lại, nhưng tôi quả quyết bỏ họ mà đi. Lòng này đã dốc một bề, tôi tưởng đã được bậc cao minh soi xét. Khi cố đuổi kịp Chúa công và được ra mắt ở dinh Vĩnh, tôi đã xin theo đại quân về nam. Bấy giờ ngài có bảo tôi rằng: "Quận Thạc, quận Nhưỡng còn làm ngang trở, không thể không trừ. Vậy hãy ở lại mà tính công việc". Tôi đâu dám không vâng mệnh. Đã đem thân hứa với cuộc rong ruổi, thì còn dám tiếc gì? Vì vậy tôi phải tự mình xông pha trước mũi tên hòn đạn, quyết chiến với bọn Thạc, Nhưỡng, chỉ mong mau trừ được hai tên ấy để còn về được phương nam.
Nhưng tháng trước đây, đánh ở trấn Sơn Tây, tôi chỉ mới bắt được Thạc, còn Nhưỡng vẫn đang vẫy vùng ở miền Hải Dương, cần phải ra công phen nữa. Bởi thế cho nên tôi chưa về chầu được.
Những kẻ ghét tôi, thấy tôi ở lại đất bắc, liền đặt ra lời dèm pha. Họ không hiểu rằng: Sau khi Chúa công đã về Phú Xuân, tôi ở lại Nghệ An chỉ hơn mười ngày rồi cũng ra bắc, còn thì giờ nào mà mưu toan với Duệ? Từ đó trở đi kẻ bắc người nam, ai theo công việc nấy, tôi không đi lại với Duệ lần nào. Nếu ai xét rõ tình tôi, chắc không phải đợi tôi biện bạch. Vả chăng, tôi với Tướng quân cộng sự với nhau cũng đã nhiều ngày. Nếu có lòng nào, làm sao giấu cho khỏi lộ?
Mong Tướng quân bày tỏ giùm tôi ở trước Chúa công, tôi đội ơn Tướng quân nhiều lắm". (3)
Kèm theo lá thư Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm có trình với Nguyễn Huệ hai nhận xét:
- Thứ nhất, Chỉnh viết: "Bấy giờ người Bắc hết sức lưu tôi ở lại". Sự thực ra sao, Chúa công (Nhậm đã mau chóng gọi Nguyễn Huệ là Chúa công thay vì Thượng công như trước cho phù hợp với địa vị mới của Nguyễn Huệ) đã rõ, chỉ cần vin vào một câu này thôi, đã suy ra được sự xảo trá của hắn lên đến bậc nào.
- Thứ hai, Chỉnh viết: "Tôi ở lại Nghệ An chỉ có mười ngày, rồi cũng ra bắc, còn thì giờ nào mà mưu toan với Duệ?".
Chỉnh ra bắc gấp thực, nhưng có để lại Nghệ An tên thuộc hạ Lê Duật cho Duệ sai bảo. Chính tên này là kẻ liên lạc giữa Chỉnh và Duệ. Sau khi leo lên được trở lại chỗ quyền bính, thao túng triều đình, Chỉnh vẫn có thư từ đi lại với Duệ, quà cáp biếu xén rất hậu. Khi nhờ Duật mà Chỉnh biết Duệ cùng Đức có ý phản phúc, Chỉnh rất mừng rỡ, gửi cho Duật mười lạng vàng, mười tấm đoạn để đem biếu Duệ, xui Duệ chiếm giữ Nghệ An, ngăn chặn Chiêu viễn hầu, đắp lại lũy cũ Hoành Sơn để tái lập ranh giới.
Vũ Văn Nhậm còn xin đích thân về Phú Xuân để gặp Nguyễn Huệ trình báo tỉ mỉ, cặn kẽ âm mưu phản phúc của Duệ, Đức và Chỉnh. Nguyễn Huệ đọc kỹ tất cả các tờ trình báo của Vũ Văn Nhậm, mỉm cười một mình khi nghĩ đến sự áy náy lo lắng thái quá của phò mã để tỏ dạ trung thành. Nguyễn Huệ tin tưởng hoàn toàn ở các lời trình báo. Nhưng còn lòng trung thành của phò mã với Phú Xuân? Phải xem lại đã! Ông sai Lãng đem thư ra Nghệ An cho Nhậm, khen ngợi sự tận tụy của phò mã, căn dặn các phương thế đề phòng đối với phương bắc, và cuối cùng, so nhu cầu khẩn cấp của tình thế, Nguyễn Huệ khuyên phò mã hãy gắng ở Nghệ An để lo công việc. Có gì trình báo thêm, cứ gửi cho Lãng đem về.

*

Tin Vũ Văn Nhậm đã ra Nghệ An và đang chuẩn bị binh mã kéo ra Thăng Long hỏi tội Nguyễn Hữu Chỉnh một lần nữa biến Thăng Long thành nơi xáo xác. Dân kinh thành đột nhiên nhốn nháo. Cảnh hùa nhau vét hết thóc gạo, thực phẩm để tích trữ, dọn dẹp khăn gói quần áo để chạy loạn lại diễn ra. Bọn nhà giàu lo xa, sợ cảnh chen chúc đò đông, vội vã gửi vợ con tản cư ra ngoại thành trước. Đêm đêm, có tiếng thì thào, tiếng đào nền chôn của. Cơn sốt hoảng loạn nhanh chóng lan khắp kinh thành, cảnh dắt díu tản cư ngày càng náo động, đến nỗi lính kim ngô hò hét, đưa gươm giáo ra dọa dẫm, ngăn cản cũng không được.
Nguyễn Hữu Chỉnh thấy nhân tâm náo động, lại nhận được thư hỏi tội của Nhậm, trong bụng lo lắm. Nhưng ngoài mặt, Chỉnh cố làm ra vẻ bình thản, và dùng lý luận khoác lác để trấn an vua Lê và các đình thần.
(4) Một hôm vào triều, Chỉnh đuổi hết tả hữu, rồi nói riêng với vua Chiêu Thống:
- Vũ Văn Nhậm tuy là một viên tả tướng trong soái phủ của Bắc Bình vương, nhưng lại vốn là rể của vua Tây. Lâu nay chỉ huy việc quân, y vẫn tự đóng vai "quốc tế". Nay thấy anh em Tây Sơn khích bác lẫn nhau, Nhậm là kẻ đứng giữa, cố nhiên vẫn phải tuân theo tướng lệnh, nhưng trong bụng y lẽ nào không nghĩ đến cha vợ? Vừa rồi có tên thám tử ở trong ấy về báo rằng: Nhậm ở Động Hải có gửi vào Phú Xuân thư xin được về hầu, nhưng Bắc Bình vương không cho, bắt ra ngay Nghệ An. Như vậy hắn đang ở chỗ nguy ngập bị ngờ vực, thế nào cũng có ý trông về bên trong. Thần xin nhân cơ hội này cho người vào nói về bờ cõi Nghệ An. Hết sức nhắn nhe vào ân tình của họ, lại thêm lễ nhiều, lời ngọt, ngoài có Vũ Văn Nhậm tâng bốc, trong có công chúa đỡ lời, Bắc Bình vương dù có lòng nào cũng phải miễn cưỡng theo mình.
Vua Lê khen phải.
Hôm sau nhân buổi chầu sớm, vua Lê bảo với quần thần:
- Nghệ An liền với Thanh Hoa, nguyên là phụ quận của đất thang mộc. Con em xứ ấy được bổ đi làm quân túc vệ, vẫn là nanh vuốt cho nhà nước. Đất ấy không thể để cho người ta chiếm mãi. Trẫm muốn sai sứ vào Phú Xuân bàn việc đó với Bắc Bình vương. Các ngươi chọn xem người nào có thể đi được.
Trương Đăng Quĩ thưa:
- Nguyễn Đình Giản, Phạm Đình Dư đều là những người ngay thẳng, có thể gánh nổi việc đó.
Phạm Lê Phiên nói:
- Ông Giản cứng, thẳng có thừa, nhưng không đủ mềm mỏng. Ông Dư bàn luận trang nghiêm, nhưng xét việc hơi chậm. Bắc Bình vương là người rất quyệt, hay dùng trí thuật lung lạc người ta. Trong lúc bàn luận khi ném xuống, khi nâng lên không biết đường nào mà dò. Thần e hai người ấy tranh biện với Bắc Bình vương, sẽ làm hỏng mất việc nước.
Đình thần bàn mãi việc cử người khác, luôn mấy hôm vẫn chưa ngã ngũ. Chỉnh bèn tâu xin để Trần Công Xán đi.
Vua Lê vừa ý, nói:
- Được đấy!
Nhà vua liền cho đòi Trần Công Xán vào triều và bảo:
- Trẩm vẫn biết ngươi là kẻ trung trinh hết lòng với nước. Ngày xưa, Phú Bật sang sứ Khiết Đan, làm cho nước giặc phải kinh, lại được xong công việc. Chuyến đi này cũng giống như thế. Ngươi cố vì trẫm đem mệnh lệnh đi cũng là Phú Bật của nước Nam đó. Cùng đi với ngươi có một hoàng thân, trẫm đã định cử Duy Án. Còn một viên phó sứ nữa, cho phép ngươi được tự chọn.
Xán hăng hái xin đi và nói:
- Chúa phải lo thì bầy tôi mang nhục. Thần đâu dám tự kén chọn. Nhưng trong bọn cộng sự mà thần được biết, thì có Ngô Nho là người xứng đáng.
Nhà vua bằng lòng. Mệnh lệnh ban xuống, cả triều đều khen là chọn được người. Trần Công Xán gặp Ngô Nho bảo:
- Nước địch đè lấn, tin báo ngoài biên cương đang khẩn cấp. Ngày nay chỉ biết ra đi chưa biết có trở về được không. Tôi là đại thần, nghĩa phải ra đi, sống chết không cần tính đến. Còn ông mới làm quan, chức vị còn thấp, lại có mẹ già. Trung hiếu không thể vẹn cả đôi đường, ông hãy thử nghĩ cho kỹ.
Ngô Nho đáp:
- Tướng công chịu ơn dày của nước, còn tôi thì chịu ơn tri ngộ của tướng công. Đại thần vì nước gánh việc, kẻ sĩ vì người tri kỷ mà chết, đều là nghĩa phải như thế. Ngoài ra tôi không biết gì khác.
Trần Công Xán mừng rỡ nói:
- Hùng lắm! Kẻ sĩ như vậy, đáng gọi là "đạt".

*

Lãng ra Nghệ An đúng lúc sứ bộ Trần Công Xán vào đến dinh trấn.
Ngoài hoàng thân Lê Duy Án, Trần Công Xán và Ngô Nho, sứ bộ còn có thêm hơn bốn mươi người. Nhưng viên đồn trưởng Tây Sơn tại huyện Quỳnh Lưu chỉ cho phép ba sứ thần cùng mười tám người khác vào Nghệ An, số còn lại buộc phải trở về.
Vũ Văn Nhậm tiếp đón sứ bộ hết sức ân cần. Ông sai thết tiệc khoản đãi, nài ép Lãng cùng dự tiệc với mình. Lãng hiểu dụng ý của Nhậm, nên tuy không thích không khí tiệc tùng đầy khách sáo của nghi lễ, cũng cố làm vừa lòng phò mã.
Trong ba sứ thần, Vũ Văn Nhậm chỉ biết có Trần Công Xán, nên ban đầu câu chuyện bên mâm tiệc còn rụt rè nhát gừng. Trần Công Xán thì chưa biết Lãng là ai, chức vị thế nào, muốn hỏi Nhậm nhưng sợ có điều gì thất thố chăng. Vũ Văn Nhậm thấy thái độ của Xán, vội giới thiệu:
- Cũng may cụ và các ngài vào đây đúng lúc có quan thư ký của Chúa công tôi ra đây. Nếu tiện, sứ bộ cùng vào Phú Xuân một lượt với anh Lãng, cho tiện.
Trần Công Xán quay về phía Lãng, gật đầu chào, lễ phép nói:
- Vậy thì quí hóa lắm. Ông vừa đến Nghệ An?
Lãng đáp:
- Thưa cụ, vâng.
Trần Công Xán hỏi ngay:
- Chúa công đã ngự giá về Phú Xuân chưa ạ?
Lãng lúng túng chưa biết trả lời thế nào, thì Nhậm đã đỡ lời:
- Quí ngài yên tâm. Lúc nào Chúa công chúng tôi cũng chú tâm đến sự an nguy của mặt bắc. Chúa công tôi xem đó là một nghĩa vụ. Chẳng lẽ đã diệt họ Trịnh, phù nhà Lê, lại để cho cơ nghiệp Thăng Long sụp đổ lần nữa. Cho nên lúc nào Chúa công tôi cũng hoan hỉ tiếp đón các ngài.
Hoàng thân Lê Duy Án thấy đằng sau lời lẽ tế nhị của phò mã là sự bực dọc, bất mãn, nên hỏi Lãng:
- Công chúa vẫn bình an chứ ạ?
Lãng đáp:
- Vâng.
Lê Duy Án tự thấy cần giải thích thêm:
- Tôi là hoàng thân Duy Án, chú họ của Hoàng thượng. So với Công chúa là anh họ đấy. Lúc Công chúa chưa về hầu hạ Chúa công, Công chúa vẫn đến hỏi han tôi điều này điều nọ. Kịp đến lúc Chúa công ra Thăng Long, tôi cũng có hân hạnh được ra mắt. Lần này, Hoàng thượng có ủy cho tôi trách nhiệm thay mặt cả họ vào Phú Xuân vấn an Công chúa và Chúa công.
Lãng đáp:
- Nhà vua có hậu tình với người đi xa quá! Nhất định Công chúa sẽ mừng lắm!
Vũ Văn Nhậm mỉm cười hỏi Trần Công Xán:
- Hoàng thượng cử cả sứ bộ vào tận Phú Xuân chỉ để vấn an Công chúa thôi sao? Chắc có gì quan trọng hơn chứ, thưa cụ?
Trần Công Xán nghiêm mặt đáp:
- Vâng. Ngài đoán đúng lắm!
Vũ Văn Nhậm liền hỏi:
- Chúng tôi có được phép biết không ạ?
Trần Công Xán liếc nhìn Duy Án và Ngô Nho, rồi đáp:
- Được chứ!
Thấy Vũ Văn Nhậm định hỏi, Xán tranh nói trước:
- Được chứ ạ! Vì việc này không có gì bí mật, từ quan chí dân khắp cả Đàng Trong Đàng Ngoài đều biết. Chỉ tiếc một điều ai cũng biết, mà chưa có ai làm cho đúng lẽ phải đã biết. Chúng tôi vào Phú Xuân để nhắc lại mà thôi!
Cả Lãng lẫn Nhậm đều hiểu giờ phút gay go đã đến, nên cố hết sức giữ bình tĩnh, không để nội tâm phát lộ ra nét mặt. Lãng cố không xen vào câu chuyện, ngồi thu mình ở một góc bàn tiệc như người không được phép lạm bàn, còn Vũ Văn Nhậm thì tay trái nắm chặt mép bàn, tay phải vân vê chéo áo trước. Nhậm hỏi:
- Điều ai cũng biết thì nhiều lắm. Có khi Chúa công chúng tôi đa đoan công việc, quên khuấy đi, đến nỗi cụ và quí ngài phải cất công lặn lội vào đây. Xin cụ làm ơn nhắc hộ cho!
Trần Công Xán cười ha hả, nhìn thẳng vào mắt Nhậm, nói:
- Đơn giản lắm, thưa quan Tả quân. Đó là chuyện cái dinh trấn này!
Nhậm giả vờ chưa hiểu, mỉm cười hỏi:
- Nghĩa là sao, thưa cụ?
- Chắc quan Tả quân còn nhớ buổi hội kiến hai vua ở Thăng Long năm ngoái chứ?
- Vâng. Nhớ rõ lắm ạ!
- Hôm ấy đấng quốc quân chúng tôi có ý sẵn sàng dâng vài quận quốc cho quí quốc để làm món khao thưởng quân sĩ. Nhưng quí quốc vương đã khẳng khái chối từ. Lời nói đầy ân tình và nghĩa cả của quí quốc vương hãy còn truyền tụng khắp Bắc hà. Quí quốc vương đã bảo: "Nếu là đất của họ Trịnh thì một tấc tôi cũng không để. Nhưng là đất của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không lấy". Khi đại quân rút về nam, quí quốc vương lo họ Trịnh lại toan mưu mô chiếm lại vương phủ, chèn ép vua Lê nên có rải quân từ đây trở vào làm lực lượng giám sát. Đấng quốc quân chúng tôi hiểu rõ thịnh tình của quí quốc, nhất là của Chúa công nay trở thành giai tế của nước chúng tôi, nên hết sức cảm tạ. Đến nay họ Trịnh đã bị dẹp, mối nguy chèn ép không còn, thiết tưởng quí vị khỏi phải nhọc lòng canh giữ giúp miền biên thùy này nữa. Làm nhọc lòng quí quốc, hao tốn công của như vậy, đấng quốc quân chúng tôi thật áy náy không yên.
Vũ Văn Nhậm đanh mặt lại, cả hai bàn tay nắm chặt đặt hẳn lên bàn tiệc. Nhậm hỏi:
(5) - Văn võ đất Bắc hà được như cụ, phỏng được mấy người? Cụ khéo nói lắm. Tôi con nhà võ, không biết cái nghề môi miếng, nên xin nói thẳng. Cụ thứ lỗi cho nhé. Vua Lê giao nước cho thằng giặc Chỉnh, ý ngài tự nghĩ ra sao? Tôi nay đã lĩnh binh phù, sớm tối sẽ kéo thẳng ra Thăng Long, trước hãy chém đầu giặc Chỉnh, rồi sau mới hỏi vua Lê tại sao bội ơn dung đứa phản trắc? Và sẽ báo rõ sĩ dân Bắc hà cho họ biết vì sao phải dùng quân? Vua Lê đã không giữ nổi nhà nước, thì các trấn từ Thanh Hoa trở ra, tôi không lấy người khác cũng lấy! Nghệ An này chỉ là mảnh đất cỏn con, quan hệ gì đến sự mất còn của nước nhà mà phải cố vào xin xỏ. Trèo non vượt suối chỉ uổng công thôi! Tôi e cụ và quí ngài như chim lìa tổ, đến lúc bay về, không còn cành nào mà đậu!
Trần Công Xán nín lặng. Mọi người trong sứ bộ nghe, đều sợ.
Từ đó đến cuối tiệc, không ai còn thiết gì đến ăn uống nữa.

*

( 6) Sau tiệc, Trần Công Xán bảo phó sứ Ngô Nho:
- Người Tây Sơn hành binh như bay, tiến quân quá gấp. Coi họ đi lại chỉ vù một cái, thật nhanh nhẹn vô cùng, đánh không thể được, đuổi không thể kịp. Xưa nay chưa nghe có đám giặc nào như vậy. Ta đã lo xa, lúc đi có dặn ông Bằng (Nguyễn Hữu Chỉnh) phải đề phòng trước, không biết ông ấy có nhớ hay không? Nếu hơi chậm trễ, việc sẽ không kịp.
Thẫn thờ băn khoăn hồi lâu, rồi sứ bộ lên đường. Giữa đường, Ngô Nho bàn với Xán:
- Coi đó thì biết thầy trò họ vẫn ngấm ngầm rình mình. Họ đã xếp đặt đâu đấy. Năm trước cái việc tôn phù chỉ là dối trá. Bọn lang sói vốn giống dã man, không thể nói bằng nhân nghĩa được. Bây giờ xe sứ mới ra khỏi cõi mà kinh thành sắp bị binh đao, sự thế quá gấp. Ta phải tính đường quyền biến không nên câu nệ. Vả lại, xem ông Bằng từ khi đắc chí đến giờ vàng ngọc chật đai, mặt mũi nghinh ngang không giống hồi nhai rễ rau làm được việc như xưa. Tôi e ông ấy run rẩy ra chốn trận mạc, ắt bị Văn Nhậm bắt được. Lúc đó Hoàng thượng còn ở lại hay phải đi cũng chưa dám chắc. Chúng ta cần phải tính đi tính lại, xoay then máy mới có thể cứu vãn. Chỉ cần cho yên nhà nước, dẫu có tự chuyên cũng không hề gì. Nếu chỉ vâng theo chỉ cũ, cố tranh biện đòi Nghệ An, chẳng khác nào cướp đã vào nhà mà còn lo sửa lại phên rào. Như vậy đâu phải là điều hay. Xin chữa lại quốc thư rồi hãy đi!
Xán hỏi:
- Chữa thế nào?
Nho đáp:
- Chữa rằng: "Họ Trịnh chuyên quyền, vua Lê đã không còn nước. May nhờ có quí quốc vương tôn phò. Nếu Trời còn phò hộ nhà Lê, tiên đế đâu đến nỗi qua đời. Tôi là cháu kế tự còn nhỏ tuổi, nghĩ rằng gánh vác không nổi để nhục cho xã tắc. Kinh Thư có chữ "làm khách". Kinh Thi nói rằng "có khách"(7) đều là việc cũ đời xưa, kính xin cắt một phần đất để được nối đời thờ phụng tổ tiên. Thật là thuận mệnh trời để mà sống còn, cầu lòng thương của trời về dài lâu vậy".
Nếu họ chỉ có bụng giữ nước, không có bụng làm hại mình, thế nào họ cũng thả sứ thần về và chia đất cho ta. Nhân thể ta có thể khuyên vua hãy tạm ở đất ấy. Họ không có lòng ngờ ta, thì sẽ không dòm dõ nữa. Bấy giờ ta sẽ lo tính dần dần như vua Thiếu Khang ở Luân Ấp, Câu Tiễn ở Cối Kê, tự nhiên sẽ có ngày trung hưng. Nếu không thế, họ đã tức giận mà ra tay hung tàn, thì bọn mình chỉ làm ma biển khơi. Điều đó tuy chẳng đáng kể nhưng vua ta sau khi phiêu bạc, long đong, không còn tấc đất để nương tựa, thì dẫu đến tài như Khổng Minh cũng khó lòng trở tay.
Xán trố mắt nhìn Nho, một lúc sau mới nói:
- Không được. Ông Bằng theo việc quân từ lúc đầu còn để chỏm, đã lão luyện trong chốn trận mạc. Nếu kinh thành mắc nạn binh đao, tưởng cũng không đến nỗi khốn đốn lắm. Hai nước đánh nhau, chưa biết ai thua ai được. Chúng ta vâng mệnh đi sứ, mới ra khỏi cõi đã vội chữa quốc thư, mạo lời Chúa, chẳng những bị tội với nước mình, mà nếu bên địch khám phá ra chỗ lừa dối đó, họ cũng không dung mình. Tai vạ càng lớn, tiếng cười chê không biết bao giờ mới hết. Chi bằng cứ minh bạch mà làm, việc thành bại do Trời, ta có lo gì.
Từ đó, Ngô Nho không dám nói gì nữa.

*

Lãng và quan Lễ bộ vào trình xin cho sứ bộ Thăng Long ra mắt gặp lúc Nguyễn Huệ đang tiếp An. Hai người chờ khá lâu ở tiền sảnh. Một lúc sau, Nguyễn Huệ đưa An ra tận cửa điện, trước lúc quay vào cố căn dặn:
- An gấp đến thăm Công chúa nhé. Vì là lần đầu nên công chúa hay lo, ở đây lại không có bà con thân thích gì. An cũng nên qua "bên ấy" xếp đặt giùm chỗ ăn chỗ ở. Có thêm bàn tay đàn bà vẫn hơn. Bà ấy chưa quen nghe giọng Thuận Hóa, hôm qua phát cáu với mấy thằng lính hầu. Còn về việc của anh Lợi...
Nguyễn Huệ đang nói, chợt thấy có Lãng và viên Thượng thư bộ Lễ đứng chờ gần cửa, đâm lúng túng, ngưng ngang câu chuyện ở nửa chừng. An cũng không muốn Nguyễn Huệ nhắc lại điều Lợi xin trước Lãng, đỏ mặt, lí nhí xin lui. Nguyễn Huệ gật đầu bảo:
- Được. "Bà" cứ về!
Rồi quay về phía quan Lễ bộ, Nguyễn Huệ hỏi:
- Có việc gì vậy?
Quan Lễ bộ chắp tay thưa:
- Tâu Chúa công, có sứ bộ ở Thăng Long vào. Họ đang chờ xin ra mắt.
Nguyễn Huệ ngạc nhiên hỏi Lãng:
- Họ vào một chuyến với cậu à?
Lãng đáp:
- Thưa vâng.
Nguyễn Huệ vội hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Lãng do dự, rồi đáp nửa vời:
- Họ vào về chuyện Nghệ An, thưa Chúa công!
Nguyễn Huệ cười tự tín, bảo:
- Lại dùng cái tài mồm mép để thanh minh chứ gì. Chỉnh hắn chối phăng cái mưu phản phúc với bọn Duệ, Đức phải không? Mời họ vào đi!
Lãng không dám cải chính, cùng với viên Thượng thư bộ Lễ ra nhà đợi mời sứ bộ vào.
Trần Công Xán sai Ngô Nho đi mượn cái mâm đồng bày lễ vật gồm (8) một số vàng, đoạn, lụa, là, vải ta, rồi cả ba người sứ thần cùng vào yết kiến Nguyễn Huệ. Ngô Nho bưng mâm lễ vật và quốc thư đi trước. Nước da ông vốn đã tái, lại càng tái thêm. Nho dáng người cao, lại ốm, nên điệu đi khom khom ngập ngừng, nụ cười trên môi ngượng ngập như muốn phân trần về chiều cao của mình.
Trần Công Xán và Lê Duy Án cùng đi ngang hàng phía sau, nét mặt nghiêm nghị để cố che giấu sự lo âu, hồi hộp. Trong điện im phăng phắc. Nguyễn Huệ mỉm cười chờ họ đến gần. Ngô Nho quì xuống đưa cao mâm lễ vật và quốc thư. Nguyễn Huệ gật đầu, ra dấu cho viên Thượng thư bộ Lễ đến nhận mâm lễ đặt trên chiếc kỷ nhung chân thấp đặt ngay phía trước ngai. Nguyễn Huệ hắng giọng, hỏi lớn:
- Quan Tham tụng (chức vị của Trần Công Xán dưới thời Trịnh Tùng) vẫn mạnh giỏi chứ?
Trần Công Xán lễ phép đáp:
- Xin cảm tạ Chúa công. Lâu nay nhờ hồng phúc của đấng quốc quân, tôi vẫn được khỏe mạnh.
Nguyễn Huệ gật gù mỉm cười, rồi quay hỏi Duy Án:
- Hoàng thân cũng mạnh khỏe luôn chứ? Công chúa vào đây đất lạ quê người, ngày nào cũng nhắc đến hoàng gia. Giá có Hoàng thân ở đây để Công chúa được thăm viếng hỏi han như xưa, thì hay biết mấy.
Duy Án hoang mang chưa hiểu ý Nguyễn Huệ muốn gì, chỉ dám đáp:
- Cảm ơn Chúa công.
Nguyễn Huệ lại quay về phía Ngô Nho hỏi:
- Còn vị đây là...?
Trần Công Xán vội đáp:
- Thưa đây là ông nghè Ngô Nho, đậu tiến sĩ năm Ất Vị (1785).
Nguyễn Huệ vui vẻ nói:
- Hóa ra sứ bộ toàn là bậc trâm anh lỗi lạc của Bắc hà. Phú Xuân chúng tôi được hân hạnh nhiều lắm. Chỉ vì tên giặc Chỉnh phản phúc mà quí vị phải nhọc lòng vào đây chạy tội thay cho hắn sao?
Cả ba người trong sứ bộ hoang mang thêm, không hiểu Nguyễn Huệ đã được báo trước sứ mệnh của của phái bộ chưa. Trần Công Xán thưa:
- Đấng quốc quân chúng tôi lo lắng cho mối giao hảo giữa hai nước, nên sai chúng tôi vào đây có chút việc kính trình với Chúa công. Hiện sĩ dân Bắc hà đang nóng lòng chờ đợi tôn ý. Đấng quốc quân chúng tôi có gửi cho Chúa công một bức quốc thư. Xin kính cẩn dâng trình và được phép chờ đợi Chúa công cho biết tôn ý.
Nguyễn Huệ bắt đầu có ý nghi ngờ. Ông nghiêm mặt lại, ra dấu cho viên quan Lễ bộ đem quốc thư đến cho mình. Trước khi mở ra đọc, Nguyễn Huệ nhìn Xán hỏi:
- Việc gấp đến thế kia à?
Xán thưa:
- Chúng tôi thật ăn năn vì làm phiền đến Chúa công, nhưng...
Nguyễn Huệ cắt lời Xán, nói nhanh:
- Thôi được. Các ông chờ một chút.
Nguyễn Huệ đọc thấy nội dung quốc thư như sau:
(9) "Nghệ An là đất căn bản trong cuộc trung hưng của bản triều, và lại là quận chân tay của trấn Thanh Hoa, văn thần võ tướng phần nhiều ở đó mà ra. Những lính túc vệ cũng đều kén trong hạng đinh tráng ở xứ ấy. Nếu như dùng người, bỏ đất, để họ cách trở quê làng, xa lìa họ mạc, xét trong thân tình thật là không hợp.
"Đức vua quí quốc trọng điều tín, yêu láng giềng, đối đãi bằng lòng thành thực, tưởng sự nhỏ mọn đến đâu Ngài cũng xét thấu, huống chi cái việc rất rõ rệt đó.
"Hơn nữa, trước đây Chúa công (chỉ Nguyễn Huệ) ra bắc cũng lấy việc tôn phù làm nghĩa thứ nhất. Tiên đế lúc sinh thời, từng mời Chúa công ngồi trên giường, cầm tay trò chuyện. Tiếng ngọc còn văng vẳng bên tai, vội quên sao được? Đến khi Tiên đế dựa vào lưng ghế trối trăng các việc về sau, ân cần lo cho tiểu tử tuổi còn non trẻ, muốn nhờ vào phúc ấm của quí quốc làm nơi nương tựa.
"Gần đây nghe tin quí quốc sai tướng ra đóng Nghệ An, lòng người sinh nghi ngờ. Có kẻ cho rằng do bọn bầy tôi ngoài biên gây việc, không phải bản ý của quí quốc vương. Tới lúc tiếp được bức thư đưa ra, mới biết việc đó thực do mệnh lệnh của quí quốc vương. Trong thư vin vào việc mùa thu năm ngoái kẻ tiểu tử này tự xin cắt đất khao quân để làm cớ cho việc đóng quân ở Nghệ An.
"Nhưng kẻ tiểu tử này mới nhận mệnh trời, chưa kịp xét đến chuyện cũ. Đã sai triều thần tra lại cái ước cắt đất, thì ra chỉ là hai châu Bố Chính, Minh Linh, không can gì đến Nghệ An. Vả lại, hồi ấy đã vâng dụ rằng: "Nếu là đất cát nhà Lê một tấc cũng không lấy". Khao quân bằng đất, sao bằng khao quân bằng của. Vậy xin tính gộp số thuế một năm của cõi đất ấy, hằng năm đưa đến biên giới để chi vào việc khao quân. Lệ ấy về sau cứ theo mãi. Xin quí vương lượng xét, cho trọn tình giao hiếu giữa hai nước. Cả nước chúng tôi lấy làm may mắn lắm!".
(10) Nguyễn Huệ xem thư một lượt, nổi giận vứt thư xuống đất quát lớn:
- Ai làm thư này? Lại thằng giặc Chỉnh phải không? Nói toàn điều vô nghĩa lý. Người Bắc quen dùng mồm mép để dử người. Nhưng ta không phải trẻ con dễ lừa dối được đâu!
Trần Công Xán không đổi nét mặt, ung dung trả lời:
- Xin Đại vương bớt giận để tôi nói rõ. Nếu muốn giết tôi, tôi cũng xin nói một lời rồi chết thì hết.
Nguyễn Huệ vốn trọng Xán từ khi ra Thăng Long. Hồi đó vua Cảnh Hưng sai quan triều sang ra mắt Nguyễn Huệ. Trong lúc ai nấy đều sợ hãi đến xám mặt, đi đứng lóm thóm, nói năng ấp úng, thì Xán vẫn ung dung tiến lui không để mất phong thể một bậc đại thần. Nguyễn Huệ thầm phục, mời đến hỏi han nhiều việc, Xán đối đáp trôi chảy, lý luận chặt chẽ, không bao giờ chịu để cho Nguyễn Huệ dùng thế căn vặn đến lối bí hoặc chịu để trấn áp. Đến nỗi sau buổi hội kiến, Nguyễn Huệ đã bảo Vũ Văn Nhậm: "Trước đây ta nghe nói Bắc hà có nhiều nhân tài, nay đến tận nơi chỉ thấy có Trần Công Xán là có vẻ người mà thôi". Vì thế Nguyễn Huệ liền đổi sắc mặt nghiêm nghị, chậm rãi nói:
- Ngày xưa ta vượt biển ra bắc, phá Thăng Long, diệt họ Trịnh, cả nước khiếp sợ, trong triều ngoài nội đều chịu bó tay không ai dám làm gì. Lúc bấy giờ nếu ta chiếm giữ đất nước, xưng đế xưng vương gì mà chẳng được! Nhưng vì ta xa mến cái đức của tiên đế, nên đem cả cõi đất nguyên vẹn trả lại cho Ngài. Cơ đồ thống nhất đều do tay ta gây dựng cả. Bắc triều lại dùng chế sách "thượng công" để đền đáp ta. Chẳng biết thượng công là danh hiệu gì? Đối với ta có thêm được gì không? Kịp đến khi tiên đế chầu trời, lễ cả sơn lăng ta giúp đỡ cho. Tự vương nối ngôi, lễ lớn sách lập cũng ta chủ trương cho. Nay không cảm ơn những việc ta làm, lại chứa chấp kẻ phản ta, chống cự với ta, mưu đồ giành lại đất Nghệ An! Xử sự như thế nhân tình có ai nhịn được không?
Ta đã phái hai vạn binh mã sai Tả quân Vũ Văn Nhậm thống lĩnh thẳng tới Thăng Long, chặt đầu cha con giặc Chỉnh đem về dâng. Chắc thế nào khi Chỉnh nghe tin quân ta kéo ra cũng kèm tự tôn bỏ chạy. Bấy giờ ở dưới gươm đao, ngọc đá lẫn lộn, không biết tự tôn có giữ được yên lành hay không? Nếu có làm sao, người trong nước lại qui oán về ta thì thật phiền.
Trần Công Xán liền đáp:
- Xưa Đức Lê Thái tổ dẹp yên quân Ngô mở mang bờ cõi, công đức thật như Trời. Vua Thánh Tôn tự mình làm nên thái bình rạng danh đời trước, mở rộng về sau. Từ núi Thạch Bi ra bắc, từ dãy Đại Lqqĩnh vào nam đều làm tôi làm dân, ai ai cũng phải tôn kính, trải qua hằng trăm năm. Họ Mạc tiếm ngôi, cả nước đều giận. Đấng tiên vương hội họp những người đồng chí dựng lại nhà Lê. Họ Trịnh nối theo cũng vì có công phù Lê, cho nên mới sai bảo được bốn phương và được mọi người hưởng ứng. Từ mấy đời nay Chúa Trịnh tuy là hiếp chế vua Lê, nhưng chính sóc không đổi thay, chuông khánh vẫn ở đấy, thiên hạ vẫn là thiên hạ nhà Lê.
Đại vương ruổi xe một mạch thẳng đến kinh thành, tuy rằng oai danh vang dậy khắp nơi, nhưng cũng do lấy nghĩa cả tôn phù, khiến mọi người tôn phục mới được như vậy. Nếu không, việc vào nước người ta đâu có dễ dàng như vậy. Tiên đế thoạt thấy Đại vương, tiếp đãi rất là long trọng. Trước ban sắc mệnh làm tướng công, rồi sau sẽ phong vương, đó là điển cũ của bản triều, không phải trả ơn không hậu, chớ nên lấy như thế mà cho là bạc. Một nước đã trải hơn ba trăm năm, trời cao chứng giám, lòng người tôn sùng, đại vương đem cả cõi đất trả lại nguyên vẹn là để thuận ý trời, chiều lòng người, chưa có thể lấy đấy làm ơn. Tiên đế mất đi, Hoàng thượng nối ngôi, mọi việc đều bẩm trước với Đại vương. Đại vương không làm chủ thì ai làm chủ nữa. Lý đã đến thế, đừng cũng chẳng được!
Tôi không dám khen ngợi để dâng lời ton hót. Đại quân về nam, Nguyễn Hữu Chỉnh đuổi theo, Đại vương để hắn ở lại Nghệ An, sao lại bảo hắn làm phản? Nghệ An vốn là đất cũ của bản triều, bản triều phải giữ lấy bờ cõi, sao lại nói là tranh giành? Đại vương phái binh mã ra, nếu là để thăm hỏi, bản triều đã có lễ nghinh tiếp. Bằng không, thì như người xưa có nói: "Nước lớn có quân đánh dẹp, nước nhỏ có cách chống giữ". Tôi nay đã ra khỏi cõi, việc ấy không còn dám biết đến. Tự hoàng của nước tôi trời đã sai làm vua, đế vương có chân mệnh, gươm đao cũng phải lựa chọn, đại vương chớ có lo. Nếu đại vương cứ thuận lẽ trời mà làm, gây dựng lại một nước đã suy, nối lại họ đã dứt, để cho nước của nhà họ Lê yên ổn, thì tôi dân của nước ai chẳng cảm đội công đức, còn có oán gì? Nhược bằng làm trái lại, sự thế thay đổi khác thường, tôi đây ngu dại, không thể nào thấy trước được.
Nguyễn Huệ nghe Trần Công Xán lý luận chặt chẽ, đối đáp trôi chảy, trong lòng vừa giận vừa phục. Thực tình Bắc Bình vương chưa tìm được lý lẽ nào để bác bẻ lập luận của Xán. Lúc ấy bên ngoài trời đã sắp tối. Nguyễn Huệ bảo:
- Thôi! Các ông hãy về nhà trọ nghĩ đi nghĩ lại cho kỹ!
Trần Công Xán liền đáp:
- Nghĩ lắm càng quẫn, chỉ một cái chết là xong!
Nguyễn Huệ nổi giận, quát lớn:
- Ngươi tưởng lấy miệng lưỡi chọi được lưỡi gươm của ta sao!
Xán cũng lớn tiếng đáp:
- Cái gì cũng không qua được lẽ. Đại vương không thể ngồi trên yên ngựa mà thiết triều, hoặc viết chiếu bằng mũi kiếm.
Nguyễn Huệ càng tức giận hơn, sai đem giam Trần Công Xán vào ngục. Duy Án và Ngô Nho cũng bị giam, mỗi người riêng một chỗ.
Bên ngoài trời đã tối hẳn.

*

Buổi tối hôm đó, Bắc Bình vương về chính cung nên công chúa Ngọc Hân có nôn nao với tin hoàng thân Duy Án bị giam cũng không thể làm gì được. Sáng hôm sau, Nguyễn Huệ lại bận bàn kín việc khẩn với quan Tư mã Ngô Văn Sở, quan Lễ bộ Vũ Văn Trụ và quan Trung thư Trần Văn Kỷ. Quân hầu được lệnh cấm cửa, tuyệt đối không cho phép ai được làm phiền chúa công.
Trần Văn Kỷ tâu:
- Tôi có cho người dò xét, thấy quan chánh sứ Trần Công Xán vẫn cười nói như thường, không có chút gì khiếp phục. Tôi sai đem giấy bút cho lính ngục giả vờ xin một bài thơ để đoán ẩn tình, ông ấy chụp bút viết hai câu đối vào vách ngục.
Nguyễn Huệ cười bảo:
- Lại cái tật của bọn cuồng chữ. Hắn viết gì thế?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Hai câu đối như sau:
Đạt đức hữu tam, túng vị năng chi, nguyện học.
Tiểu tâm vô nhị, hành kỳ tố dã, hà vưu.
(Đạt đức có ba (nhân, trí, dũng), dù chẳng làm nên, xin học!
Tiểu tâm như một, noi theo chí cũ của mình, oán gì!)
Tư mã Ngô Văn Sở không hiểu gì cả, bực bội nói:
- Chỉ phí mực và bẩn vách! Đem chém quách cả lũ cho xong. Chúa công không nhớ lúc ta đem quân ra bắc, chính tên tham tụng này đã không chịu lẻn trốn ban đêm như mấy đứa khác, lại ở bên cạnh Trịnh Khải cố khuyên liều chết chống cự. Có người thuật lại chính mắt trông thấy hắn mặc nhung phục, đeo gươm, đứng hộ vệ Khải ở lầu Ngũ Long. Còn cách ăn nói của hắn xấc xược ngạo mạn ra sao, thì Chúa công đã quá rõ. Nghe đâu dân Bắc hà gọi hắn là thầy của thằng giặc Chỉnh. Giết thằng thầy trước, sau mới tóm học trò.
Nguyễn Huệ lắc đầu bảo:
- Không nên. Nhân tài Bắc hà, Xán cũng thuộc loại giỏi đấy. Ta muốn thu phục hắn để dùng, nhưng chắc hắn không chịu. Ông Kỷ, ông Trụ! Các ông thử khuyến dụ hắn một phen nữa xem sao!
(11) Hai người đến chỗ giam, thấy Xán mang gông nằm sấp. Vũ Văn Trụ nói:
- Ông già sao lại tự mình làm khổ mình như vậy?
Trần Công Xán ngồi dậy, nhận ra được viên quan bộ Lễ, phủi bụi trên râu tóc và quần áo, rồi nghiêm giọng đáp:
- Cũng là số mệnh đấy thôi!
Quan Trung thư Trần Văn Kỷ nói:
- Quân tử có khi không cần theo mệnh. Chế ngự được mệnh chỉ cốt ở mình. Ví như đánh bạc, đồng tiền một sấp một ngửa. Ta theo kẻ được mà đánh, thiên hạ sẽ khen ta giỏi đánh bạc.
Xán liền đáp:
- Đó là thói phường cờ bạc, không phải đạo người quân tử. Tôi nghe nói trong sách có câu: "Làm bề tôi phải chết vì chữ trung". Đấy là lời dạy của người xưa.
Hai người biết không thể làm lung lay được ý chí của Xán, im lặng quay ra và nói với nhau:
- Nhà Hán có Tô Tử Khanh (12), nhà Lê có Trần Công Xán. Đáng thương mà cũng đáng ghét thay!
Nguyễn Huệ dàu dàu nét mặt, lắng nghe kết quả cuộc thuyết phục. Vô tình bàn tay ông mơn man trên vết sẹo ở cánh tay trái. Trần Văn Kỷ kể xong, Nguyễn Huệ nói:
- Lại thêm một tên hủ nho nữa! Nay nước ta có việc lôi thôi, lòng người còn phân vân. Việc biến trong nhà không nên để cho láng giềng nghe biết. Sứ Bắc ở đây, tai vách mạch rừng. Họ ở xa đến để dò xét ta, giữ họ ở lại thì họ biết rõ tình hình trong nước, hoặc nhân đó xúi giục gây nên việc không hay. Thả họ về thì họ lại rêu rao làm lộ việc. Người Bắc hà mà biết, lại sinh lòng khinh rẻ ta. Bởi thế, ta định ném họ xuống biển để cho hết tiếng tăm, dấu vết. Vậy cứ theo chước đó mà làm. Ông Sở giao việc đưa sứ thần về bắc bằng đường biển cho ai được?
Ngô Văn Sở đáp:
- Đô đốc Võ Văn Nguyệt tính cẩn thận kín đáo, có thể tin cậy.
Bắc Bình Vương gật đầu:
- Ta giao cho ông xếp đặt.
Trần Văn Kỷ vội hỏi:
- Trước khi đi, có cần bảo họ gì không ạ?
Huệ ngẫm nghĩ, rồi nói:
- Kể ra cũng không cần. Nhưng... cứ dẫn họ đến cho ta an ủi vài lời. Cho Hoàng thân đến thăm Công chúa luôn thể.
Lúc sứ bộ vào từ giã, Nguyễn Huệ nói:
- Các ông hãy về trước, chờ lúc ta ra ngoài ấy vời vào gặp mặt, sẽ có cách xử trí vụ Nghệ An.
Bắc Bình Vương lại sai đem tặng họ 100 nén bạc và bảo:
- Đây là của Công chúa gửi biếu, các ông đừng chối từ!
(1) Hoàng Lê trang 190
(2) Hoàng Lê trang 190
(3) Hoàng Lê trang 192
(4) Dựa y theo Hoàng Lê, trang 194.
(5) Hoàng Lê trang 200
(6) Hoàng Lê trang 201
(7) Hai câu này đều có nghĩa muốn nhường nước cho người khác. ở đây tỏ ý nhường cả nước cho Tây Sơn, chỉ xin cắt lại một mảnh để vua Lê lấy chỗ thờ cúng tổ tiên.
(8) Hoàng Lê trang 199
(9) Hoàng Lê trang 198, 199
(10) Hoàng Lê trang 203
(11) Hoàng Lê trang 206
(12) Tô Vũ đời Hán, đi sứ Hung Nô bị vua Hung Nô giữ lại, bắt nuôi dê 19 năm ròng ở Bắc Hải mà vẫn không chịu khuất phục.