Khoảng cuối tháng 8 Bính Ngọ (tháng 9-1786), cả hai đạo bộ binh và thủy binh đều về tới Phú Xuân.
Sau hơn mười năm cắn răng nhẫn nhục, bây giờ dân Thuận Hóa mới có dịp ngẩng đầu lên kiêu hãnh. Cả kinh thành rộn rã như ngày hội. Cha mẹ, anh em, vợ con ra tận ngoại ô để đón những người chiến thắng, đem cái bịn rịn bi lụy gần ba tháng trước ra làm đề tài đùa cợt với nhau. Trên bến thuyền, một người vợ trẻ ôm cái nón lá vào ngực, đứng thút thít bên anh chồng lính vừa trở về, dáng điệu e ấp ngượng ngùng của cả hai chứng tỏ họ chưa lấy nhau được bao lâu thì chồng đã nhập ngũ. Người vợ trẻ lấy răng cắn lấy vành nón để đưa cả hai ống tay áo lên quệt nước mắt trên má, trong khi anh chồng hỏi:
- "Nhà" lo lắm phải không?
Người vợ hạ tay cầm nón, đưa lên che bớt vẻ hân hoan pha lẫn ngượng nghịu:
- Còn hỏi!
- Có gì đâu mà phải lo?
- Nói như anh, thì...
- Tôi ra ngoài đó cũng lo cho "nhà" lắm. Mạ tính hơi nghiêm, sợ nhà chưa quen.
- Không. Mạ thương em lắm. Mạ nói khi nào thằng Bảy nó về... Không, mạ mếu máo bảo nếu Trời cho thằng Bảy nó về được thì...
- Thì sao, hở "nhà"? Nếu về được! Rứa cả nhà đều tưởng tôi không về được à? Hay là chỉ có "nhà" mong cho tôi không về được, rồi đổ hô cho mạ?
Người vợ lườm chồng, nhưng chị không giận vì biết chồng nói đùa:
- Anh chỉ nói bậy. Suy bụng ta ra bụng người!
- Bụng tôi thì lúc nào cũng nghĩ tới "nhà". Nghĩ tới cái đêm...
- Thôi, đừng nói nữa. Anh "xấu lắm".
- Ô hay! Tôi có nói gì đâu mà "nhà" bảo tôi xấu. Tôi bảo mỗi lần nhớ cái đêm rằm đầu tiên tôi gặp "nhà" tại bữa k ở o Chín, tôi trằn trọc không ngủ được. "Nhà" nghĩ sao mà lại đỏ cả mặt lên rứa?
- Thôi, anh ranh lắm. Anh định nói... rồi thấy em không bằng lòng, lại vờ bắt quàng sang chuyện khác.
Người chồng vẫn giả vờ ngây thơ:
- Ô hay! Nhà bảo tôi ranh là ranh thế nào? Chẳng lẽ nhà không nhớ đến đêm rằm ấy hay sao?
- Thôi. Không thèm nói chuyện với anh nữa.
Anh chồng trẻ cười sung sướng:
- Không nói chuyện thì đứng ngắm nhau vậy. Nhà hạ cái nón xuống một chút, cho tôi xem kỹ thử nhà có hao gầy chút nào không. Nếu nhà vẫn đẹp như trước, tức là... Ủa, sao nhà lại che cả mặt mũi thế?
Sau vành nón rung rung, có tiếng cười khúc khích, sau đó có tiếng hỏi nhỏ, ngập ngừng:
- Anh này...
- À, nhờ Trời nhà đã chịu nói chuyện trở lại. Gì thế, nhà?
- Đã về được chưa?
- Chưa đâu. Phép nước nghiêm lắm. Nhất là Thượng công. Ông ấy nghiêm, nhưng không ác như bọn tay chân tên quận Tạo híp mắt. Ông ấy đánh giặc giỏi thật. Quân ra đi lộn xộn ô hợp thế, nhưng chỉ vài ngày là đâu vào đó. Nghe có Thượng công trực tiếp chỉ huy, anh em yên tâm. Ông ấy nổi tiếng cầm quân trăm trận trăm thắng mà.
Người vợ vẫn bám vào cái ý cũ:
- Nhưng lúc nào mới về được? Mạ mong lắm. Mạ nói...
- Chứ nhà không mong chút nào phỏng?
- Anh này! Buộc em phải khai thật hết răng?
- Tôi muốn thế! Khai thật cho đỡ, cho thỏa cái khổ nhớ mong. Nhà biết không...
- Nhưng lúc nào anh về?
- Lúc nào có lệnh bề trên mới về được. Nghe đâu sau lễ mừng chiến thắng thì được về phép.
Người vợ nói, lo âu:
- Chỉ được về phép thôi à? Không được về luôn hay sao?
Người lính trẻ cúi xuống xốc lại thanh gươm đeo bên hông, giọng kiêu hãnh:
- Về luôn! Đã hết giặc đâu mà về luôn?
Người vợ hốt hoảng hỏi:
- Còn giặc nào nữa?
Anh chồng bí, không biết trả lời thế nào, lắp bắp một lúc, rồi đáp liều:
- Còn khối giặc ấy. Không phía bắc thì phía nam. Không từ ngoài biển vào thì trên núi đổ xuống.
Cô vợ trẻ lại cắn lấy vành nón. Cô không muốn lại khóc trước mặt chồng. Người lính nhìn vẻ mặt thảng thốt tuyệt vọng của vợ, chạnh lòng, dịu dàng an ủi:
- Nhưng tôi chỉ nói bậy thế thôi. Sau lễ chiến thắng, thế nào cũng được về luôn với nhà.
Người vợ không dám tin, giọng buồn buồn:
- Em không lo cho thân em, chỉ lo cho...
Người chồng cắt lời vợ:
- Mạ khổ cực cả đời quen rồi.
Người vợ đột nhiên đỏ mặt, lí nhí nói:
- Không. Em không có ý nói thế. Em cũng có lo cho mạ. Không có anh, mạ buồn cả ngày không nói năng gì. Nhưng em lo nhất là... lo nhất là... anh này...
- Gì thế mình?
- Anh không thấy em có gì khác răng?
Người chồng chăm chú nhìn vợ để tìm điểm khác thường, nhưng anh không tìm được gì cả. Anh do dự, rồi hỏi:
- Nhà có khác gì đâu? Chỉ đẹp hơn trước. Da dẻ như căng lên, mắt ánh lên...
Cô vợ không giấu được sung sướng, rụt rè nói:
- Anh đi ngắm gái Bắc Hà cho thỏa thích, được họ dạy cách nói điêu, nên bây giờ nói với em toàn lời không thật. Em không tin đâu. Hồi trước, anh chỉ ấp úng, chứ có nói thế này đâu.
- Tại lúc đó tôi ngượng muốn nói nhưng lưỡi cứ đơ ra, cổ họng nghẹn lại. Bây giờ thì...
- Thôi, em phải về.
- Ơ, về sớm thế?
- Hình như có ai gọi anh dưới thuyền?
Người chồng quay lại, quả nhiên các bạn đã xuống thuyền gần hết. Cô vợ cuống quít sợ phải xa chồng, hấp tấp nói:
- Em muốn báo cho anh tin... tin mừng này.
- Gì thế? Thật không? Đừng nói đùa nhé!
- Thật chứ. Hình như em có mang, anh ạ!
- Được. Tao sẽ xuống liền. Thật sao nhà? Được mấy tháng rồi?
- Có lẽ được ba tháng. Em thèm ổi với khế.
- Tao xuống liền mà. Xuống ngay! Trời ơi! Tôi có con thật không nhà? Thế là mạ vui rồi. Mạ chỉ mong có cháu nội để bồng. Nhà cho tôi cầm tay một cái đi.
- Không. Kỳ lắm. Người ta trông cả lên đây! Xuống ngay với họ đi!
Anh chồng cười nhỏ, rồi chụp lấy tay vợ đưa lên áp vào má mình. Dưới bến thuyền, bạn bè anh lính trẻ cười vang cả một khúc sông!
°
*
Nguyễn Huệ vào dinh gặp vua anh, được quan nội hầu báo cho biết quan Tiết chế Nguyễn Lữ vừa đưa vua Thái Đức đi xem cho biết vẻ huy hoàng của vương phủ cũ họ Nguyễn. Nguyễn Huệ phải ngồi chờ một lúc, hai anh mới trở về. Nhà vua tươi cười bảo:
- Chúng nó giàu có thật. Của cải tích lũy tám đời, hèn gì dinh thự sang trọng đến thế. Cung phủ làm toàn bằng gỗ quí. Nhưng bàn kỷ, đồ đạc, màn trướng thì chỉ xoàng xoàng thôi.
Nguyễn Huệ đáp:
- Có lẽ trước đây cách trang hoàng phải sang trọng rực rỡ lắm. Nhưng khi Tĩnh vương Trịnh Sâm xua quân vào chiếm thành Phú xuân, bao nhiêu đồ đạc quí giá đều bị tháo gỡ cả. Trấn thủ Thuận hóa sửa sang lại, đâu dám vượt quá mức sang trọng của phủ chúa ngoài Thăng Long.
Nhà vua nhìn thẳng vào Nguyễn Huệ, lấy hơi muốn nói gì đó, nhưng lại thôi. Nhà vua thấy em chờ đợi, phải hỏi lảng:
- Chú mới đến à?
- Dạ.
Nguyễn Lữ hỏi:
- Mấy ngày nay dân Phú Xuân rậm rực, như đang lên cơn chú thấy không?
Nhà vua hỏi Lữ:
- Lên cơn điên à?
Lữ đáp:
- Dạ không. Mà có lẽ họ điên thật. Họ nghĩ họ vừa trả được cái hận mười năm chịu đựng đàn áp của quan quân nhà Trịnh, nên ai nấy đều hả hê. Quân ta kéo về đóng ở đâu là thiên hạ bu đến hỏi han, thăm viếng. Họ còn mang quà đến biếu nữa.
Nguyễn Huệ thấy đây là dịp tốt để trình bày ý định của mình:
- Em thấy ta nên cho làm lễ khao quân ngay tại đây. Dân Thuận Hóa đang chờ. Tổ chức lễ mừng, ta vừa phô trương được thanh thế, vừa đáp được sở nguyện của dân chúng.
Nhà vua cúi đầu, bóp trán suy nghĩ thật lâu. Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ không dám nói gì, chờ quyết định của vua anh. Một lúc lâu, vua Thái Đức lấy tay vỗ vỗ vài cái vào trán nói:
- Gớm, khí hậu ở đây thật khó chịu. Mới đi với chú Bảy một vòng đã muốn nhức đầu sổ mũi.
Nguyễn Lữ nói:
- Vâng, ở đây lạnh đó rồi nóng đó.
Nguyễn Huệ nói:
- Lúc hạ được thành Phú Xuân, thiên hạ hân hoan nhưng ta bận chuẩn bị đánh ra Bắc nên chưa có dịp. Vả lại lúc đó anh còn ở Qui Nhơn. Kịp đến khi anh ra thì vội quá, chỉ ghé để lấy thêm quân mà thôi. Bây giờ có cả ba anh em ta ở đây, sau khi chiến thắng ở Bắc Hà, em nghĩ cũng nên làm cái gì để dân Thuận Hóa hiểu rõ lẽ thống nhất, và được cơ hội chiêm ngưỡng long nhan. Đây lại là cố đô của họ Nguyễn, lòng người phức tạp hơn ở các nơi khác...
Nguyễn Nhạc bực dọc hỏi:
- Sao không chờ về Hoàng đế thành rồi làm luôn thể? Lúc diệt được quân Xiêm, chú cũng muốn khao quân ở Qui Nhơn để phô trương thanh thế. Ta ngăn chú vì còn sợ đe dọa từ phía bắc. Bây giờ bắc nam đều định, ta làm lễ mừng tại Qui Nhơn là phải.
Nguyễn Huệ vội hỏi:
- Chúng ta kéo hết đạo quân về Qui Nhơn, bỏ trống mặt bắc hay sao?
Nguyễn Nhạc liếc nhìn em, suy nghĩ một lúc, rồi hỏi dò chừng:
- Ta đã rải thằng Duệ, thằng Sở và thằng Nhậm dọc một dải từ Nghệ An vào. Ở đây, dĩ nhiên cần có một người vững hơn để làm chỗ dựa cho ba đứa phía ngoài... Chú xem tên nào làm được việc đó?
Nguyễn Huệ hỏi lại:
- Xin anh chỉ định cho. Tướng tài còn lại, ngoài Chiêu viễn hầu và phò mã ra...
Nguyễn Nhạc cắt lời em:
- Hay chú Tám ở lại đây, được không?
Nguyễn Huệ đã biết được điều lâu nay ông tiên liệu, nên chậm rãi, bình tĩnh đáp:
- Xin tùy anh định liệu.
- Nhưng ý chú thế nào? Đây là một việc quan hệ cả xã tắc. Chú nghĩ thế nào, cứ nói cho ta biết.
Nguyễn Huệ hỏi lại:
- Hiện nay bọn tay chân thằng Chủng có làm gì không?
Nguyễn Nhạc cười, nói:
- Cũng có đấy. Phạm Văn Tham giữ Gia Định, chắc không đến nỗi như hộ bộ Bá và Đỗ Nhàn Trập. Nhưng ta vẫn chưa yên tâm. Chú Bảy về Qui Nhơn nghỉ ít lâu, rồi nên vào đó giúp thêm cho thằng Tham. Bọn thằng Chủng, một mình chúng nó thì không ăn thua gì. Nhưng sau lưng còn có các cố đạo với tàu sắt, thuốc súng, và bọn du côn tóc vàng mắt xanh.
Nguyễn Huệ suy nghĩ một lúc, mới thận trọng đáp:
- Nếu mặt nam không có gì đáng ngại, thì em xin lo mặt bắc.
Nguyễn Nhạc làm ra vẻ vui mừng nói:
- Thế thì còn gì bằng. Chú về Qui Nhơn thăm thím và mấy cháu, rồi sửa soạn dẫn thím ra đây luôn thể!
Nguyễn Huệ đáp:
- Em sợ... dân tình ở đây chưa yên. Không thế bỏ trống Thuận Hóa ngày nào được.
Nguyễn Nhạc thất vọng, hỏi:
- Gấp đến thế à? Thôi, cái đó tùy chú. Thím ra sau cũng được.
Nguyễn Huệ liền nói:
- Do đó, em mới xin làm lễ khao quân ngay tại đây. Có anh, dân Thuận Hóa mới vững tin ở lẽ thống nhất, và những kẻ hai lòng hết còn dám mơ tưởng ngày họ Nguyễn trở lại.
Nguyễn Nhạc cười nhẹ, giọng pha chút mỉa mai:
- Chú mới ra đây có mấy tháng mà đã mê con sông Hương rồi nhỉ! Thôi được. Làm lễ khao quân hay không là tùy chú.
Nguyễn Huệ vội thưa:
- Nếu anh không muốn...
Nhà vua xua tay bảo:
- Sao lại không muốn. Được lắm. Nên lắm. Quái. Sao nhức đầu thế này. Chú cứ cho chọn ngày làm lễ gấp đi. Ta cũng nóng ruột, muốn về gấp Qui Nhơn.
Nhà vua đưa tay che miệng ho một tràng, rồi hỏi Nguyễn Lữ:
- Chú đi gọi thầy thuốc cho ta. Nghe nói có tên ngự y cũ của Duệ Tôn, phải không?
°
*
Bên một bãi cỏ phẳng nằm dọc theo bờ sông, nơi được dùng làm sân tập, hai vợ chồng một người lính già đang ngồi nói chuyện. Người chồng, khoảng gần 50, khuôn mặt xương xương, da đen, tóc rụng nhiều nên cái búi sau ót chỉ lớn bằng củ tỏi. Người vợ có vẻ già hơn chồng, tóc bạc và rối bù, miệng móm, nước cổ trầu đọng thành vệt ở bên mép phía phải. Cách chỗ họ ngồi độ mươi bước, hai đứa con nhỏ một đứa lên bảy, một đứa lên mười mặc quần áo vải sô đen vá mạng nhiều chỗ đang lúi húi tìm bứt bông cỏ may.
Người vợ thấy chồng lâu lâu ngoái nhìn về phía sân tập với đôi mắt háo hức thèm thuồng, bực bội hỏi:
- Ông nhìn cái gì thế?
Người chồng sợ vợ giận, vội nói:
- Coi thử họ sắp về trại chưa!
Người vợ ngờ ngợ nhìn vào mắt chồng một lúc. Người chồng quay mặt đi. Người vợ hỏi:
- Tập cái gì vậy?
- Tập để dự lễ đấy!
- Lễ gì nữa?
- Lễ khao quân. Nghe nói làm lớn lắm. Mẹ nó này, hôm đó rán đi coi cho biết. Mấy thuở!
Người vợ lắc đầu, chán ngán:
- Vui vẻ gì mà coi. Không biết mấy đám rộc có kịp gặt không? Này, chừng nào ông về được?
- Bà hỏi cái gì?
Người vợ cáu kỉnh:
- Ông ham cái gì mà cứ quay nhìn trong đó vậy? Chẳng lẽ đến chừng này tuổi mà ông còn ham những trò con nít. Tai ông để ở đâu? Tôi hỏi chừng nào ông về?
- Về? Về sao được! Đã có ai về đâu?
- Không về ai gặt cho hết mấy đám rộc? Nước đang lớn. Gặt không kịp đói cả lũ.
Người chồng lắc đầu, lo nỗi lo của vợ:
- Chớ trong xóm không mượn được ai sao?
- Mượn! Ông nói như người đang mơ ngủ. Trai tráng đi hết cả, đàn bà con nít làm ngày làm đêm mới được mấy đám lúa đó. Bây giờ nước dưng không ai gặt kịp. Các ông đi khỏe thân, tưởng ở nhà sướng lắm hả?
Người chồng phân trần:
- Nhưng biết làm sao! Lệnh quan phải tuân. Bà có thấy ai trốn được đâu. Vả lại đánh giặc Trịnh là chuyện chung. Bao năm nay bà khổ sở không biết do ai hay sao?
- Đánh giặc là bọn trẻ kìa! Chứ ông già chừng này tuổi, vợ con nheo nhóc, cầm có nổi cán giáo đâu mà vác thân ra tận Bắc.
Người chồng bị chạm tự ái, quắc mắt lườm vợ, lầm bầm:
- Nói thế mà nói được!
- Chỉ tại ông ham vui mới không chịu về. Lại quay nhìn trong đó. Ông ham tập diễn binh lắm hả?
- Ai ham! Nhìn chừng coi họ sắp về chưa!
Người vợ sửa lại khăn đội đầu, nhổ cổ trầu xuống đất, rồi hỏi:
- Vậy chớ làm lễ xong, đã về được chưa?
- Ai mà biết!
- Ông không biết thì ai biết! Chẳng lẽ ông bắt một mình tôi nuôi một đàn bảy đứa con.
- Bà lên quan mà kiện. Cho về hay không là tùy quan trên!
- Tại ông ham vui không chịu về nên quan trên mới giữ lại.
- Vui cái gì!
- Không vui mà cứ lóng ngóng nhìn vào bãi tập hoài?
Người chồng nổi giận, sừng sộ:
- Sao bà sắc mắc với tôi quá vậy? Vợ chồng người ta, thấy chồng vác xác trở về được thì khóc mừng rỡ. Còn bà thì...
Người vợ bật khóc:
- Phải. Còn tôi thì... Tôi khổ cực mấy tháng nay có ai biết cho đâu. Một cái thân già này vừa lo chuyện cơm nước vừa lo chuyện ruộng nương. Tối thức quá khuya để giã gạo. Sáng dậy trước gà gáy để nhổ cỏ. Cái thân tôi chỉ còn một nắm xương. Thà chết quách đi cho mát thây. Ông được ra khỏi nhà như chim sổ lồng, còn tôi thì... ông thấy đấy. Chờ đến lúc khâm liệm xong, lũ nhỏ mới đi lạy các quan để ông về ông đưa ma cho tôi. Khổ quá đi mất. Sao Trời hành tôi chi tội nghiệp vậy hở Trời!
Người chồng thấy vợ bù lu bù loa, sợ các bạn lính chú ý, phải hạ giọng dỗ dành:
- Thôi. Tôi hiểu bà rồi. Bà dẫn mấy đứa nó về đi. Sau lễ thế nào tôi cũng xin quan trên cho về. Tôi già rồi, tay chân lóng cóng, có đi nữa chỉ tổ làm phiền anh em thôi.
Người vợ mừng rỡ, hỏi:
- Thật không? Ông nói thật chớ? Quan trên cho ông về hay không? Tôi nghe nói mấy ông trong Quảng ra khác mấy ông ngoài Bắc. Họ cũng dân làm ruộng, nên chắc hiểu tình cảnh mình.
Người chồng xua tay, bảo:
- Được, được. Nhất định họ hiểu. Bà cứ yên tâm!
- Nhưng ông phải liệu về sớm cho kịp mùa đó. Bớ Mít! Bớ Cu! Lại sửa soạn đi về con.
Người cha già chợt nhớ đến bổn phận làm cha, vẫy gọi hai đứa bé:
- Lại đây cha cho cái này.
Hai đứa nhỏ tò mò nhìn vào cái bọc áo lính của cha, hỏi:
- Cái gì thế, cha?
Người lính già móc ra đưa cho con hai cái vụ gỗ vông, công phu của những giờ ngồi canh ở một trạm gác nào đó trên đất Bắc.
°
*
Sư cụ chùa Hà trung lên kinh thành Phú Xuân tìm thợ thuê tạc một pho tượng Phật bằng đá xanh thay cho tượng đồng đã bị tịch thu mấy tháng trước. Đến cửa ngõ vào thành, sư cụ mới biết hôm nay có ngày lễ khao quân. Hối không kịp nữa rồi! Vì phía trước, sau lưng sư cụ những người là người, không còn có lối nào thối lui. Thiên hạ đổ ra đường cái còn hơn cả ngày Phú Xuân được giải phóng. Không thể làm gì được, sư cụ cứ để mặc cho đám đông đưa đẩy.
Sư cụ ở trong đoàn người ở ngoại thành vào Phú Xuân xem diễn binh. Đường xa, nhiều người lại tưởng thế nào việc chuẩn bị cũng trễ tràng chùng chình, khỏi phải khổ công thức dậy từ canh ba để lặn lội lên kinh đô. Hẵng nấu xôi ăn lót dạ cái đã! Uống thêm bát chè tươi. Têm thêm một bọc trầu ăn đường! Dặn dò con cháu việc nhóm bếp, tháo nước, bỏ rơm cho bò, cẩn thận lửa củi v.v... và v.v... biết bao công việc phải dặn dò trước khi dứt áo ra đi. Cho nên đến cổng thành thì đã trễ quá! Trong kia, lễ đang tiến hành, và vì số người tứ phương kéo vào thành quá đông, quan trên đã ra lệnh ngăn bớt lại. Người ta chưa biết phải làm gì, thì phía sau đã có lớp khác ùn tới. Rồi cảnh chen lấn bắt đầu diễn ra. Nắng gắt. Mồ hôi nhễ nhại. Bụi bay mù trời. La ó. Chửi rủa lẫn nhau. Cảnh tượng bát nháo hỗn độn. Sư cụ nhắm mắt lại, tay lần tràng hạt. Vài cậu thanh niên trẻ tuổi bực vì mất cơ hội xem lễ, bứt rứt chôn chân giữa đám đông khét nắng và hôi hám, nhìn quanh tìm chuyện giải trí. Họ tìm được sư cụ. Những câu chế giễu xa gần bắt đầu:
- Bạch sư cụ, sư cụ chen chúc làm chi giữa cõi hồng trần này?
- Sư cụ già thế, không khéo bị chèn đến phải về Niết bàn thôi!
- Sư cụ đi đòi chuông đấy, chúng mày ạ!
- Nghe nói họ khuân về vô khối chuông. Mà chuông Bắc Hà, phải biết. Lớn thế này này. Năm sáu người nắm tay nhau ôm cũng không hết. Mặc sức sư cụ lựa nhé.
- Mất chuông nhỏ, bây giờ phải lên đòi cho được một cái chuông thật lớn.
- Lớn bằng cái mồm nói khoác của mày đấy! Chuông gì mà bảy, tám người ôm không xuể.
- Tao nói năm, sáu chứ không phải bảy, tám.
- Thì cũng thế thôi. Năm sáu hay bảy tám đều là nói khoác.
- Để chốc nữa mày vào mà xem. Ở cái bãi bày chiến lợi phẩm ấy. Nghe nói có đủ súng lớn, súng nhỏ, voi ngựa, chuông tượng Bắc Hà.
- Á à, mày "nghe nói" chứ chưa xem tận mắt. Thế mà dám bảo có cái chuông lớn đến bảy, tám người ôm.
- Tao nói năm, sáu không phải bảy, tám.
- Thì cũng thế thôi.
Sư cụ không thèm để ý các lời qua tiếng lại, điềm nhiên lim dim mắt lần tràng hạt. Bỗng phía trước có nhiều tiếng lao xao, rồi đám đông bị dội ngược phía sau. Mọi người vừa kinh ngạc vừa lo âu, đua nhau hỏi:
- Cái gì thế?
- Có gì nguy hiểm phỏng?
Phải mất một lúc lâu, phía trước mới chuyền được các lời giải đáp đến phía sau. Hoài của! Trong thành, lễ khao quân đã vãn. Như còn tiếc cái công chen lấn, người ta cố không tin rằng lễ đã tất. Nhiều người hỏi chuyền ra phía trước và kiên nhẫn chờ đợi để được đáp chuyền lại:
- Lễ xong thật à?
- Có lý nào! Còn sớm quá mà!
- Không, lễ xong rồi.
- Sao không thấy người ta ra về? Hay là có đứa xấu lừa dối người ta?
- Vì biết phía ngoài cửa này đông nghẹt những người, nên quân canh buộc phải đi ra bằng cửa bắc. Chờ cho đến lúc vãng bớt mới mở cửa này.
- Mở cửa làm gì nữa? Còn gì đâu mà xem.
- Không biết mặt mũi vua Tây Sơn thế nào? Chắc giống ông Long Nhương lắm nhỉ? Anh em ruột mà!
- Cậu biết mặt ông Long Nhương rồi à?
- Thưa... thưa bác chưa ạ!
- Thế sao cậu bảo giống?
- Vì họ là hai anh em ruột, tất phải giống chứ.
- Cậu lẩn thẩn lắm!
- Nghe nói hôm nay nhà vua không dự lễ!
- Thật à? Nhà vua không chủ lễ thì ai chủ lễ đây?
- Nghe nói nhà vua se mình. Vua anh vắng, thì đã có hai em đó. Có một mình Thượng công là đủ lắm rồi!
- Thượng công? Ai thế?
- Thì ông Long Nhương chứ ai.
- Sao lại gọi là Thượng công?
- Vì ông ấy ra diệt được họ Trịnh, phù vua Lê, nên được vua Lê phong tước công cho. Vì vậy mới gọi là Thượng công. Lại là rể của vua Lê đấy nhé! Công chúa Bắc Hà, phải biết!
- Chắc là đẹp lắm hỉ?
- Còn phải hỏi! Nghe nói vua Lê cho gọi mấy mươi nàng công chúa ra cho ông ấy tùy ý lựa chọn. Được vợ đẹp, lại lá ngọc cành vàng, thích nhỉ. Sụt, quên mất, có sư cụ đứng đây không nên nói chuyện tục lụy.
Sư cụ Hà trung vẫn không thay đổi nét mặt. Xâu tràng hạt ươn ướt mồ hôi, nham nhám bụi đường.
Đúng lúc đó, cửa thành xịch mở. Đám đông vừa định xô nhau tiến lên phía trước thì một toán lính đã huơ giáo, la lớn.
- Hết lễ rồi. Về đi. Tránh ra hai bên cho võng quan Trung thư qua. Tránh ra! Tránh ra xa. Kìa. Đã bảo nép sang hai bên còn cố rướn cổ nhìn vào trong. Còn gì nữa mà nhìn.
Một lát, có một toán lính ăn mặc đẹp khiêng cái võng phủ vải điều kín đáo chạy qua. Đám đông nhìn theo, ao ước:
- Quan Trung thư có khác. Nằm võng, sướng nhỉ! Khỏi nắng nôi gì cả!
Một người ra vẻ thành thạo nói:
- Quan Trung thư là dân Phú Xuân đấy. Ông đồ Kỷ, bà con biết không?
Không ai biết đồ Kỷ là ai, trừ sư cụ chùa Hà trung. Nhưng sư cụ đứng nép bên đường, mắt vẫn lim dim, tay lần tràng hạt.
Toán lính dẹp đường chờ đoàn khiêng võng đi khỏi mới trở vào thành. Chiếc áo nâu sồng của sư cụ khiến họ chú ý. Một anh lính trẻ ngỡ ngàng nhìn sư cụ, sợ sệt, đến gần, lí nhí thưa:
- Bạch thầy, thầy đi đâu đây?
Sư cụ mở mắt nhìn anh lính, chưa nhận ra ai. Anh lính nói:
- Con là điệu Tánh của thầy đây mà! Thầy không nhận ra con ư?
Sư cụ nghe chú tiểu chùa Hà trung xưng tên, mở lớn cặp mắt già nhìn cho rõ hơn. Quả là điệu Tánh thật! Sư cụ mỉm cười hỏi:
- Chú đấy à? Chú đọc kệ thì ê a chữ được chữ mất, nhưng quát tháo thì rành rọt đấy chứ.
Đám đông quanh hai thầy trò cười ồ. Mọi người vui mừng vì đã tìm được một câu chuyện để về kể lại cho người nhà nghe, câu chuyện khá xứng với công chen lấn và lặn lội từ sáng sớm lên kinh thành. Về sau, cuộc gặp gỡ ấy trở thành giai thoại của dân Thuận Hóa!
°
*
Đúng như người ta đồn đãi, hôm ấy vua Thái Đức bị mệt không chủ tọa lễ mừng chiến thắng được. Trên đài cao, dưới tàn lọng gấm, chiếc ngai ở giữa bỏ trống. Cho nên sau khi lễ tất, Nguyễn Huệ hướng dẫn các quan và tướng lãnh vào dinh Thuận Hóa vấn an nhà vua.
Mọi người đều thấy vua Thái Đức dàu dàu nét mặt, ít cười nói như mọi khi. Nhưng không có dấu hiệu gì chứng tỏ nhà vua quá mệt đến nỗi không ngồi vững trên ngai để chủ lễ. Mối thắc mắc đó, mỗi người giữ riêng cho mình, không ai dám nói với ai.
Nguyễn Huệ đứng ra giới thiệu từng người với nhà vua xong, thì quan Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, với tư cách thay mặt sĩ dân Thuận hóa, tiến lên vấn an và chúc tụng nhà vua. Nghe bảo Trần Văn Kỷ là một nhà nho có nhiều uy tín của Phú Xuân, vua Thái Đức vội hỏi:
- Ông đã đỗ ông nghè chưa?
Trần Văn Kỷ chắp tay lễ phép đáp:
- Tâu hoàng thượng, thần chỉ đỗ cử nhân thôi ạ.
Nguyễn Nhạc liền hỏi:
- Thế Thuận Hóa không có ông nghè nào khác ư?
Nguyễn Huệ đáp thay cho Trần Văn Kỷ:
- Vì trước đây họ Nguyễn chỉ tin dùng bọn con cháu và các thế tộc công thần, nên không chú ý đặt khoa thi để kén nhân tài như ngoài Thăng Long.
Trần Văn Kỷ nói thêm:
- Trước đây chúa Nguyễn chỉ mở thi hương chứ không cho mở thi hội. Mỗi khi khảo thí thì lấy học sinh hoa văn nhiều gấp năm lần chính đồ, và những nơi quan yếu thì ủy cho họ hàng coi giữ, người đậu hoa văn thì giúp việc. Người đậu thi hương, bắt đầu bổ đi làm tri phủ tri huyện chỉ coi việc kiện tụng, thứ nữa thì làm ký lục giữ việc đòi thu thuế. Những việc lớn, họ Nguyễn không bao giờ hỏi han gì đến kẻ có học (1)
Nguyễn Nhạc hất đầu về phía Nguyễn Huệ, mỉm cười bảo Kỷ:
- Như vậy ông cử đã được cặp mắt xanh của Thượng công nhìn tới rồi nhé!
Trần Văn Kỷ vái Nguyễn Nhạc, rồi thưa:
- Hoàng thượng dạy quá lời, thần chỉ là một lão đồ gàn lâu nay không ai thèm dùng. Chỉ vì Thượng công quá tin lời tiến dẫn đấy thôi.
Nguyễn Nhạc nói:
- Không. Ông đừng nói nhún. Ta về Qui Nhơn, mọi việc khó khăn cực nhọc ở đây giao lại cho em ta lo cả. Ông là nhân sĩ Thuận Hóa, nên hết lòng giúp em ta. Thượng công làm được việc thì bà con, anh em, láng giềng của ông được nhờ chứ có ai vào.
Trần Văn Kỷ đáp:
- Xin tuân mệnh Hoàng thượng!
Trần Văn Kỷ lui ra rồi, trong sảnh đường chỉ còn lại các tướng lãnh quen thuộc từng vào sinh ra tử từ thuở đầu với anh em nhà vua. Cho nên không khí trong sảnh đường đột nhiên đổi khác, thân mật hơn, chơn chất hơn. Cách đối đáp cũng bớt hẳn khách sáo, văn hoa theo nghi lễ. Nhà vua hỏi Nguyễn Huệ:
- Sao? Lễ lạc thế nào?
Nguyễn Huệ buồn rầu đáp:
- Không có anh chiếc ngai bỏ trống nên...
Vua Thái Đức hấp tấp bảo:
- Sao lại bỏ trống? Một là chú dẹp quách đi cho thiên hạ khỏi chú ý. Chú thạo việc đó lắm mà. Hai là...
Nhà vua bỏ lửng câu đang nói. Nguyễn Huệ sa sầm nét mặt. Căn phòng im phăng phắc, không ai dám thở mạnh. Nguyễn Nhạc quắc mắt nhìn khắp mọi người, rồi cười hỏi Nguyễn Lữ:
- Lễ vui chứ?
Nguyễn Lữ liếc nhìn Nguyễn Huệ, rồi rụt rè đáp:
- Dạ vui.
Nguyễn Nhạc cười một tiếng nhỏ, rồi hỏi:
- Dân Thuận Hóa được ngắm mãn nhãn những người anh hùng lừng lẫy đấy nhỉ! Chắc đông lắm!
Nguyễn Lữ đáp nhát gừng:
- Dạ đông.
- Ai đọc bài chiếu chiêu an?
- Dạ chú Tám.
Nhà vua quay sang Nguyễn Huệ:
- Bài chiếu khéo lắm. Hùng lắm. Ai soạn thế?
Nguyễn Huệ đáp chậm:
- Dạ, quan Trung thư lệnh.
- Trung thư lệnh? Ông đồ lúc nãy phải không?
- Vâng.
- Văn từ cũng khéo, như cống Chỉnh vậy. Nhưng xem tướng thì hắn thâm trầm hơn. Đáng ngại lắm đấy. Thà bao nhiêu mưu chước lộ hẳn ra như cống Chỉnh còn dễ đề phòng. Đằng này...
Nhà vua lại bỏ lửng câu nói, để hỏi câu khác:
- Dân Thuận Hóa đối với bài chiếu thế nào?
Nguyễn Huệ đáp:
- Dạ chưa lường được. Ban đầu lúc nào cũng thuận lợi, vì ta gỡ giùm cho họ cái ách nhà Trịnh. Nhưng sau đó, chắc chắn có nhiều kẻ sinh sự, có nhị tâm.
- Dĩ nhiên là như vậy. Họ quên ngay họ Trịnh để chăm chắm nhìn vào chúng ta. Hiện giờ họ còn đợi xem sao đã.
Nguyễn Huệ vội nói một cách trịnh trọng:
- Cho nên xin Hoàng thượng cho phép lưu đại quân ở lại đây ít lâu, để ổn định tình thế.
Nhà vua cười, nụ cười hơi chua chát pha lẫn mỉa mai, như ngầm bảo Huệ: "Ta biết mà, thế nào chú cũng đem chuyện này ra nói. Không trước thì sau. Mãi đến bây giờ chú mới tìm được dịp tốt". Nguyễn Nhạc hất hàm hỏi Ngô văn Sở:
- Ý chú thế nào?
Ngô Văn Sở ấp úng thưa:
- Tâu hoàng thượng, phần lớn đạo bộ binh của thần là dân Thuận Hóa...
Nhà vua cắt lời Sở:
- Thôi khỏi dài dòng. Chú muốn ở lại chứ gì! Còn chú Lân?
Phạm Văn Lân do dự một lúc mới đáp:
- Dạ... tâu hoàng thượng, hiện nay tình thế quanh đây vẫn còn lộn xộn lắm. Ai muốn làm gì thì làm. Gần như không có phép nước nữa.
- Chú cũng khéo chẳng kém gì chú Sở. Còn chú Tuyết?
Nguyễn Văn Tuyết có thì giờ chuẩn bị, nên đáp ngay:
- Tâu hoàng thượng, thần xin tuân chỉ hoàng thượng.
Nguyễn Nhạc cười lớn, rồi ho một tràng dài. Cố gằn cơn ho đến đỏ cả da mặt, nhà vua nói:
- Xem chừng các chú thích ở lại đây hơn là về Qui Nhơn, có phải thế không? ở đây cảnh đẹp, người đông, về chi cái xó núi hiu quạnh.
Nguyễn Huệ vội nói:
- Các tướng sĩ vâng mệnh Hoàng thượng ra đi, nên cũng muốn chu toàn phận sự được Hoàng thượng ủy thác. Hiện Bắc Hà chưa yên, vua Lê non yếu thế nào con cháu nhà Trịnh cũng tìm cách trở lại. Dân Thuận Hóa thì không thiếu những kẻ còn mơ tưởng chuyện khôi phục triều cũ. Nếu đại quân về Qui Nhơn ngay, sợ lòng người lại sinh này nọ!
Nguyễn Nhạc gắt gỏng:
- Nhưng các chú quên vợ con các chú còn ở Qui Nhơn hay sao? Các chú tưởng tụi thằng Chủng (Gia Long) đã chết rấp ở Xiêm hay sao? Một mình thằng Tham (Phạm Văn Tham) liệu giữ được Gia Định không? Hắn lo xa dời dinh trại lên Cầu sơn, lùa dân xây phố ở một chỗ cho dễ kiểm soát. Nhưng Gia Định xa xôi, sông rạch chằng chịt, bọn vô lại, trộm cướp, bọn di thần nhà Nguyễn, bọn cố đạo, bọn đánh thuê tóc vàng nhan nhản mọi xó xỉnh, đã chắc gì thằng Tham giữ nổi. Vạn nhất thằng Chủng lại kéo quân ra, thì vợ con các chú chạy ra tận đây có kịp không?
Cả sảnh đường lại im phăng phắc. Từ xa thật xa đưa lại tiếng trống thu quân. Trên nóc sảnh đường, một con chim sẻ non chim chíp gọi mẹ. Thật lâu, nhà vua mới nói, giọng chán nản:
- Các chú đừng ỷ sức trai, tham lam nhìn qua bên kia Lũy Thầy. Ta từng này tuổi, tóc bạc cả mái đầu, không hiểu thời cơ hơn các chú hay sao? Các chú kéo quân ra Bắc là một việc liều lĩnh, nhưng không có hại gì. Họ Lê họ Trịnh lo tranh giành, thanh toán nhau, ta càng đỡ bận tâm mặt Bắc. Sở dĩ ta cho thằng Duệ ở lại Nghệ An, chỉ vì muốn đề phòng giặc từ xa, chứ ý ta chỉ muốn giữ cái phần đất thuộc Đàng Trong mà thôi. Ôm lấy Bắc Hà là ôm lấy cục nợ. Các chú phải nhớ điều đó! Dĩ nhiên Thuận Hóa chưa đại định mà bỏ trống thì loạn. Các chú cần ở lại ít lâu để mọi sự đâu vào đó, khi tương đối ổn định thì rút về. Ngựa hay đến đâu cũng không nên chạy xa chuồng. Cọp xuống đồng chỉ tổ làm mồi cho lũ thợ cày. Các chú phải nhớ!
Nguyễn Huệ đáp nhỏ:
- Xin lĩnh ý Hoàng thượng!
Nhà vua đổi giọng hòa nhã, thân mật bảo em:
- Ta bằng lòng để chú Tám lại Thuận Hóa để lo mặt Bắc. ở đây không có chú, không xong. Đại quân thì... thì có thể lưu lại Thuận Hóa ít lâu, chờ tạm yên hãy hay. Hôm nay ta không được khỏe, thời tiết xứ này khó chịu quá. Ta có cáu gắt chẳng qua vì quá lo cho đại cuộc, và sức khỏe yếu, chứ không có gì phiền các chú đâu. Các chú đừng buồn!
Ngô Văn Sở thưa:
- Anh em chúng tôi không bao giờ dám nghĩ quấy như vậy!
Nguyễn Nhạc cười xuề xòa:
- Ta biết! Ta biết lắm! Nếu anh em chúng ta không thương nhau, đùm bọc nhau thì đâu có thể làm được cơ nghiệp hiện nay. Đó là mệnh Trời, mà cũng là ý nguyện của muôn người. Ta xa các chú, hoặc các chú xa ta tức là làm trái với mệnh Trời. Trái mệnh Trời thì không thể được. Các chú có gửi quà cáp gì về Qui Nhơn không? Quà rẻ tiền hay ít ỏi quá, ta không nhận chuyển đâu nhé!
Nhà vua cười lớn. Mọi người cười góp theo nhà vua, nhưng gượng gạo e dè hơn.
°
*
Sau khi vấn an, các tướng lui hết, nhà vua giữ hai em ở lại, rồi truyền quan nội hầu gọi Lợi đến. Lợi đang bận túi bụi vì điều khiển một đám ký lục kiểm kê tất cả các kho tàng tịch thu được ở Phú Xuân lẫn Thăng Long, Yên Trường, nghe lệnh triệu của nhà vua, vội vã vào dinh ra mắt Nguyễn Nhạc. Anh biết sắp xảy ra một việc quan trọng sinh tử đối với cuộc đời mình, nhưng chưa xác định được việc đó là gì.
Với nụ cười thân ái hiền hòa khác thường, nhà vua bảo Lợi:
- Con An nó trông đợi mày lắm đó. Có biết hôm ta ra đây nó nhắn mày gì không?
Lợi lo lắng hỏi:
- Tâu Hoàng thượng, vợ con nhắn gì ạ?
Nhà vua cười, bảo:
- Nó sợ mày mê gái sông Hương, quên đường về nhà. Đấy là nó tưởng mày chỉ ra đây mà thôi. Nó mà biết mày ra tận Thăng Long để lê la hết cao lâu này đến tửu điếm nọ, thì chắc nó nắm đuôi ngựa chạy theo ta chứ chẳng không!
Lợi không ngờ những cuộc ăn chơi trác táng của mình ở Thăng Long thấu đến tai nhà vua, xanh mặt sợ hãi, lí nhí đáp:
- Con chỉ muốn biết qua phong tục của chốn văn vật...
Nhà vua cười ha hả, cắt lời Lợi:
- "Ra xem phong tục và cách cày cấy" chứ gì? Hà hà! Chú mày lém chẳng thua gì ông cống Chỉnh.
rồi quay về phía Nguyễn Huệ, nhà vua hỏi:
- Có phải tờ bố cáo đó của lão Chỉnh soạn không?
Nguyễn Huệ đáp:
- Thưa vâng!
Nhà vua cười lớn hơn:
- Ta biết mà! Ngoài lão ta ra không ai tìm được cái cớ lạ lùng hơn! Chú Lợi mới theo lão ta ít lâu mà đã học được cái tính nhanh miệng đó rồi. Này Lợi! Chuyến này ta phải đích thân dẫn mày về Qui Nhơn cho con An đập đòn. Những gì mày làm ở Thăng Long, kể cả việc đi nghe hát buổi tối cuối cùng, ta có ghi đây cả.
Lợi hoang mang không biết nhà vua muốn dẫn mình đến đâu, cúi mặt thưa:
- Xin hoàng thượng tha tội cho!
Nhà vua xua tay nói:
- Mày không có tội gì với ta cả. Chỉ có tội với con An mà thôi! Sao? Lo thu xếp về một lượt với ta chứ?
Thấy Lợi liếc nhìn về phía Nguyễn Huệ do dự, Nguyễn Nhạc tiếp:
- Hay cứ một mực xin ở lại đây như các ông tướng võ biền?
Lợi hiểu giờ quyết định đời mình đã tới! Hoặc ở lại đây với Nguyễn Huệ, hoặc theo nhà vua về Qui Nhơn! Lợi nhớ đến lời khuyên của Chỉnh! Nhớ đến An và hai con! Nhớ đến cái cảm giác ngây ngất của những chặng đường dài! Nhớ đến mấy năm ngục tù! Bao nhiêu ý tưởng thoạt đến thoạt đi, xô đẩy nhau, quay cuồng đảo điên trong một khoảng thời gian hạn hẹp. Mồ hôi rịn trên lưng áo Lợi, trong khi vua Thái Đức cứ đăm đăm nhìn Lợi để dò xét, chờ đợi.
Đúng lúc đó, Nguyễn Huệ hỏi:
- Việc kiểm kê các kho tàng đem về đã xong chưa?
Lợi mừng như người sắp chết đuối vớ được tấm ván trôi, vội đáp:
- Thưa chưa xong gì cả. Một lớp thuyền tải đem lên kho chưa kịp sắp xếp theo thứ, loại. Một lớp bọn quản tượng mang về chất đống lộn xộn. Đó là chưa kể đồ đạc kho Yên Trường.
Vua Thái Đức mỉm cười, hỏi:
- Vì thế chưa về được chứ gì?
Lợi đáp:
- Tâu Hoàng thượng, con sợ...
Nhà vua hỏi liền:
- Thế cần bao lâu mới kiểm kê xong để chở về Qui Nhơn?
Lợi tìm cách hoãn binh:
- Nếu phải cân lại tất cả số đồ đồng đồ sắt, thì e hơi lâu. Đó là chưa kể...
Nhà vua mất kiên nhẫn:
- Tính làm gì tất cả những thứ đó. ở đây chú Tám cần kim khí để đúc súng ống, mang về Qui Nhơn làm gì. Lương thực cũng để lại đây cho quân đủ ăn. Chỉ cần...
Nhà vua do dự, không muốn nói hết câu. Nhưng cả ba người đều hiểu nhà vua muốn nói gì. Nguyễn Nhạc cũng biết Lợi và hai em đã hiểu ý mình, nên đâm ra lúng túng, rồi cảm thấy khó chịu. Đôi mày nhà vua cau lại, ánh nhìn gay gắt. Nguyễn Lữ dựa người vào lưng ghế nhìn lên nóc dinh để tránh gặp đôi mắt anh. Nguyễn Huệ hơi lúng túng, nhưng trấn tĩnh được ngay. Ông hỏi vua anh:
- Hoàng thượng định hôm nào khởi hành?
Nhà vua đáp cộc lốc:
- Mốt!
Nguyễn Huệ liền nói:
- Thế thì gấp quá. Sĩ dân Thuận Hóa vẫn ước ao được chiêm ngưỡng long nhan. Vả lại sức khỏe Hoàng thượng còn yếu.
Vua Thái Đức bực dọc, nói:
- Ta ở đây lâu cũng vô ích thôi.
Rồi, tự thấy vẻ cau có của mình, nhà vua gượng cười nói tiếp:
- Hơn nữa, xa Qui Nhơn quá lâu, ta không yên tâm. Ông Nhật lo một mình không xuể đâu. Chú Bảy cũng cần về nghỉ ít lâu để còn vào Gia Định.
Quay về phía Lợi, nhà vua bông đùa:
- Mày sợ đòn con An rồi phỏng? Không dám về phỏng? Chạy đằng trời cũng không trốn được tội đâu!
Nói xong nhà vua cười dòn. Còn Lợi thì sợ hãi đến nổi gai ốc suốt dọc sống lưng. Anh biết giờ phút sinh tử của mình đã định, và từ đây, chỉ còn một con đường là ở lại Phú xuân với Nguyễn Huệ. Lợi làm việc với nhà vua từ thời buôn nguồn, nên hiểu rõ ý nghĩa của những lời bông đùa hai ba nghĩa ấy!
°
*
Lễ tiễn đưa nhà vua về Qui Nhơn được tổ chức thật trọng thể.
Từ cửa ngọ môn thành Phú Xuân ra đến bến thuyền, quân lính ăn mặc chỉnh tề, đầu đội nón dấu sơn bạc chóp đỏ, thắt lưng điều, gươm giáo chùi sáng loáng, đứng thành hai hàng ngay ngắn. Cờ đào tung bay nhuộm hồng cả một mặt thành và một khúc sông. Các chiến thuyền cũng trang hoàng cờ xí, đậu dọc theo hai bờ để hộ tống thuyền rồng ra đến cửa biển. Dân Thuận Hóa không được nhìn mặt rồng hôm lễ khao quân, rủ nhau đứng chực ở cửa thành để lóng ngóng chờ xem vua Thái Đức.
Họ lại thất vọng một lần nữa!
Nhà vua ngồi trên ngai gấm nhận lễ chúc thượng lộ bình an của các quan và tướng sĩ xong, liền gọi Nguyễn Lữ đến bảo truyền lệnh chuyển hành lý xuống thuyền trước. Chỉ còn nhà vua và Nguyễn Huệ đứng trên thềm cao của dinh trấn thủ (vì đám tùy tùng đứng chờ nhà vua ở cửa thành). Nhà vua nghiêm nghị bảo em:
- Mọi việc ngoài này, bây giờ một mình chú phải gánh cả. Nặng đấy. Nhưng ta biết chú thừa sức. Quá thừa là khác! Ta chỉ có một điều lo thôi: là chú háo thắng quá, hư cả việc lớn. Không được tự chuyên như lần trước. Trừ việc nội trị từ Hải Vân đến Nghệ An chú tự liệu lấy, còn việc gì khác, chú phải chờ lệnh anh rồi hãy làm.
Nguyễn Huệ nghiêng mình đáp:
- Thưa vâng!
- Phần lớn binh lực ở cả ngoài này. Tạm thời như vậy cũng được. Nhưng chú Bảy Lữ vào Gia Định xong, nếu tình thế trong đó bất ổn, bắt buộc ta phải triệu chú về. Chú liệu sắp xếp trước để nếu chú về, công việc ở Phú Xuân không bị trở ngại.
Nguyễn Huệ lại đáp:
- Vâng ạ!
- Mấy hôm nay ta đã nghĩ nhiều lắm. Nhất là nghĩ đến chú. Để chú ở lại đây là cần thiết và hợp lý nữa. Nhưng danh phận chú thế nào? Chẳng lẽ chỉ là một viên trấn thủ Thuận Hóa! Dĩ nhiên bọn thằng Duệ, thằng Nhậm phải ở dưới quyền chú. Trấn thủ Nghệ An là thuộc hạ trấn thủ Thuận Hóa, coi sao được! Cho nên ta có ý muốn phong cho chú với chú Lữ tước vương. Chú sẽ là Bắc Bình vương coi từ Hải Vân ra đến Lũy Thầy. Không. Ta không lầm đâu. Nghệ An nên xem như một tiền đồn, chứ không nên xem như một trấn ở cương giới. Chú lo cho ta phần đất đó là tốt rồi. Chú Bảy thì gọi là Đông Định vương coi Gia Định. Qui Nhơn sẽ là trung ương. Ta chưa nói gì với chú Bảy vì còn dài ngày. Chú thì phải nói ngay cho chú yên tâm. Chú định nói gì thế?
Nguyễn Huệ định nói điều gì, nhưng khi nhà vua hỏi, ông vội nói:
- Dạ không. Không có gì!
- Chú muốn nói thì cứ nói, việc gì mà ngại. Chú không tin ta sao? Hay ta tính như vậy nên chú buồn?
Nguyễn Huệ suy nghĩ một lúc lâu, rồi đáp:
- Về việc quân thì anh giao phận sự như vậy đúng lắm, Thuận Hóa là đất mới thâu hồi, phải có chính sách riêng. Nhưng về đời sống, nếu tách Thuận Hóa khỏi Quảng Nam e gặp khó về lúa gạo. Năm nào Thuận Hóa cũng nhờ đến lúa Đồng Nai hoặc lúa Quảng đem ra thêm mới đủ.
Nhà vua sa sầm nét mặt:
- Thế hồi trước quận Tạo xoay xở làm sao mà chẳng những Thuận Hóa đủ sống, mà còn đem nộp về Thăng Long nữa. Chẳng lẽ chú không đủ tài như thằng bị thịt đó.
Nguyễn Huệ vội nói:
- Hắn vẫn làm ngơ, dễ dãi cho con buôn đem gạo Quảng ra ngoài.
- Vậy thì chú muốn gì?
Nguyễn Huệ thấy anh nổi giận, im lặng không nói thêm lời nào nữa. Nguyễn Nhạc dằn bớt xúc động, cố lấy giọng ôn hòa bảo:
- Thôi việc đó tính sau. Cả chú cũng còn nhiều việc phải tính lắm. Như việc làm rể họ Lê, chú phải nói làm sao với thím đây? Việc nhà không xong tất việc nước phải rối. Làm gì chú cũng phải nhớ đến gia đình ở Qui Nhơn. Nếu tình thế không đến nỗi đáng ngại, chú nên về Qui Nhơn liền. à, còn việc thằng Lợi đến đâu rồi?
Nguyễn Huệ đáp:
- Dạ đã làm xong mọi thứ lấy ở kho Yên Trường, và đã gởi cho anh Bảy.
Nguyễn Nhạc nhíu mày hỏi:
- Kho phủ chúa làm trước mà chưa xong à?
- Dạ thưa chưa!
- Hắn đâu rồi? Sao không đến tiễn ta?
- Dạ đã cử đi trả chuông cho chùa Thiên Mụ.
Giọng nhà vua xẳng hơn:
- Hắn không nhắn gửi gì cho con An sao?
- Dạ có lẽ vì đi gấp quá...
Nhà vua nhìn thẳng vào mắt em. Nguyễn Huệ không tránh, nhìn thẳng vào đôi mắt xoi mói của nhà vua, nói chậm và rõ:
- Kính chúc Hoàng thượng thượng lộ bình an.
Nhà vua bậm môi không nói gì, quay gót bước về phía cổng. Quan nội hầu chỉ chờ có thế. Quan phất tay ra hiệu, tức thì hai hàng quân hầu đồng loạt tung hô "Vạn tuế. Vạn tuế". Cờ đào giương cao hơn, gió đưa cờ phấp phới. Đoàn hầu cận vội bước theo sau nhà vua. Nguyễn Huệ đi theo sát anh, cách phía sau nhà vua một bước.
Nhà vua đến cửa Ngọ môn. Nhưng thay vì đi bộ một đoạn mới lên kiệu rồng đến bến thuyền cho dân Thuận Hóa được chiêm ngưỡng long nhan, Nguyễn Nhạc sai quan hầu gọi kiệu đến dưới cửa thành...
Một lần nữa, dân Thuận Hóa không được xem mặt vua Thái đức.
(1) Phủ Biên Tạp Lục, trang 242, 243.