Đạo thủy quân vừa oanh liệt chiến thắng quân Xiêm cập bến Thị Nại vào buổi trưa. Trời nắng như đổ lửa. Bãi cát bốc hơi rong tanh, nồng, và khét. Bao nhiêu ngày bị sóng biển nhồi xóc cộng thêm cái nóng khô người trên bãi khiến tất cả mọi người đều ngây ngây say. Quân lính không giữ được hàng ngũ trật tự, mạnh người nào người ấy đi tìm chỗ núp nắng và xin nước uống. Đạo quân khải hoàn quần áo xốc xếch, mặt mũi nhem nhuốc, trông ô hợp thất thểu chẳng khác nào một đám tàn binh. Đã thế cảnh tiếp đón trên bờ càng khiến cho tinh thần quân sĩ dao động. Gần như chỉ có đám con nít da sạm nắng tóc hoe con nhà chài lưới và bọn hiếu kỳ chờ đón họ. Các chức sắc ở cửa Thị Nại, không thấy ai! Lạ lùng hơn nữa, là người ta đang vội vã dỡ bỏ những cổng chào dành đón những người chiến thắng. Không ai hiểu căn do của những điều lạ kỳ ấy, người mới về tìm hỏi người dân chài, dân chài lại ngơ ngác hỏi người mới về. Những người lính trẻ khỏe mạnh không bị say sóng và say nắng chạy đi hỏi mấy người đứng tuổi đang hạ những cột khải hoàn môn: - Sao lại dỡ bỏ đi hở bác? Họ được trả lời: - Không biết. Mới có lệnh hồi sáng sớm. Quan trên hẹn đến trưa thì phải gỡ xong. Nhưng, các anh tính, chúng tôi chỉ có mấy người! Tụi trai tráng vạn chài đi lưới từ khuya, còn được ai bắt người nấy cũng chỉ được một nhúm. Này, lại đây tôi hỏi nhỏ chút việc: Trận này chắc thiệt nhiều lắm hả? - Ai bảo bác thế? - Lại còn giấu. Đánh nhau, thắng bại là lẽ thường. Chỉ trông qua hình dạng các anh, đủ biết hết! - Nhưng biết cái gì mới được chứ? - Cái gì nữa! Các chú bị đánh cho tan tác, lếch thếch thất thểu trở về đây chứ gì. Chẳng thế quan trên lại ra lệnh dỡ hết các cổng chào. Phải nọc mấy tên phu trạm mang tin thất thiệt! Báo hại dân làng bỏ công bỏ của dựng cổng chào, bây giờ lại vội vàng phá hết. Nhưng này, các chú trở về còn đông đấy chứ! Chẳng biết thằng con bà hai Cua sau nhà tôi có về được không! Một chú lính láu táu đáp: - Cháu biết anh ta, bác ạ. Con bà hai Cua chết rồi. Chỉ có con bà hai Còng thoát tay quân Xiêm trở về thôi. Rồi anh ta trỏ người bạn đứng bên cạnh, cười bảo: - Hắn đây này. Con bà hai Còng đấy! Mấy người dân chài biết đám lính trẻ chế giễu mình, nên nghiêm mặt lại. Một anh lính lớn tuổi nhất thấy các bạn đùa quá trớn, vội nói: - Ở nhà nhận tin sai đấy, bác. Chúng tôi giã cho quân Xiêm một trận chí tử. Anh em chúng tôi trở về gần đông đủ cả. Chẳng hiểu tại sao... Anh lính ngưng nói vì có tiếng chiêng thu quân. Các nhóm lính nằm ngồi rải rác dưới các bóng cây vội chạy đến chỗ tập trung. Vài người vừa chạy vừa đưa khăn ướt lên lau mặt và cổ, hoặc tiếp tục cắn vội miếng dưa, miếng thơm. Họ đã bớt say nắng, nên dáng điệu nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn. Mấy bác dân chài ngơ ngác nhìn nhau. Họ vẫn chưa hiểu đạo quân vào Nam diệt quân xâm lăng Xiêm thắng hay bại. Họ hỏi nhau: - Thế là thế nào? - Thế nào nữa! Thua liểng xiểng mười phần rồi! - Không thua, tại sao quan trên ra lệnh dẹp bỏ cổng chào đi! - Nhưng bọn trẻ này nói dối làm gì! - Lỡ thua, mất mặt thì phải dối chứ! - Chẳng lẽ quan trên không thạo tin hơn chúng nó! Bàn tán chán rồi chưa ai tìm ra giải đáp. Nhưng rõ ràng họ do dự, việc tháo gỡ các cổng chào trở nên cầm chừng. Một người e dè gợi ý: - Hay ta ngưng lại, chờ xem đã. - Sao lại ngưng. Lệnh quan phải tuân theo. Lỡ bị quở trách, ai đứng ra chịu tội đây? - Nhưng chính quan trên đã ra lệnh dựng gấp cổng chào. Biết đâu sau khi ta tháo gỡ xong xuôi, lại chẳng có lệnh dựng gấp cổng chào trở lại. Chỉ cần ra lệnh, dễ thôi. Có tốn chút mồ hôi nào đâu. - Thôi, xin can đàn anh. Nói lắm chỉ mang vạ. - Thế bây giờ làm gì đây? Nên dừng hay nên tiếp tục tháo gỡ? - Sao lại hỏi tôi? Hỏi bác xã trưởng chứ! Họ cứ tranh cãi cù nhầy như vậy cho đến lúc một toán lính có mang gươm giáo đến mời họ đến gặp vị tướng chỉ huy đạo thủy quân tiên phong. Mấy bác dân chài khốn khổ xanh cả mặt, tay chân lẩy bẩy, sợ hãi bước theo toán lính như những tội nhân. Họ oán mình, oán Trời, nhưng tuyệt nhiên không dám oán quan trên. Họ đã quen nghĩ quan trên bao giờ cũng đúng, vì sự khôn ngoan học được trong buổi loạn lạc, đổi thay! °
*
Long Nhương tướng quân quăng cương ngựa và kiếm cho tên lính gác đứng gần nhất, ra dấu cho đoàn tùy tướng chờ mình ở ngoài cổng thành, rồi vội vã vào hoàng cung gặp vua anh. Lúc ấy vua Thái Đức đang ngồi nói chuyện vui vẻ với Đô đốc Chỉnh. Hai người ngồi trên cái sập thếp vàng, dĩa trầu đã vơi đi một nửa. Nguyễn Hữu Chỉnh mặc phẩm phục Đô đốc, ngồi ghé ở góc sập, hai chân bỏ thõng xuống nền bát tràng. Nhà vua thì ngồi xếp bằng trên sập, tay phải chống trên chồng gối kê ngũ sắc bọc nhung. Nhà vua tiếp khách thân mật nên chỉ mặc một bộ áo lụa vàng, đầu chít khăn đỏ. Trông thấy Nguyễn Huệ đến với nét mặt hầm hầm thất thường, Nguyễn Hữu Chỉnh bối rối xin lui. Nhà vua không giữ lại. Quan Đô đốc quay chào Nguyễn Huệ. Huệ hơi nghiêng người chào trả, giọng nói cố ý kiểu cách: - Không dám. Vâng, chào ông. Chờ cho Nguyễn Hữu Chỉnh ra khỏi cửa, Nguyễn Huệ mới nóng nảy hỏi anh: - Sao lại có chuyện lạ thế? Chẳng lẽ bọn lính trạm không đem tin về đây, thưa anh? Vua Thái Đức đoán ngay nguyên do sự bất mãn của em, vui vẻ trỏ vào chỗ sập trước mặt mình, bảo em: - Chú ngồi xuống đây đã. Ta cũng vừa được tâu là chú cập bến hôm qua. Mệt chứ? Huệ vâng lời vua anh ngồi ghé vào cạnh sập. Nhà vua hỏi: - Chú ghé bên dinh cho thím với lũ trẻ mừng chưa? - Dạ chưa. Em từ Thị Nại lên thẳng đây. Thưa anh, vì sao... Nhà vua cắt lời em: - Chú thắc mắc việc hạ cổng chào chứ gì? - Vâng ạ. Chẳng lẽ ở nhà chưa nhận tin chiến thắng... Một lần nữa, nhà vua cắt lời Huệ: - Có nhận chứ. Chú khá lắm. Chưa có trận nào oanh liệt cho bằng trận này. Ta giao một mình chú lo liệu, không phải là liều lĩnh đâu. Không cần phải sai thêm chú Bảy (Nguyễn Lữ). Một mình chú đã dư sức đập tan quân xâm lược Xiêm rồi. - Nhưng tại sao... - Ấy, chính vì chiến thắng oanh liệt ở phương nam mà ta phải dè dặt, đừng làm điều gì khiến phương bắc lo ngại. Dĩ nhiên không trước thì sau, thế nào ta cũng phải đòi lại dải đất từ Lũy Thầy trở vào. Đất đai Đàng Trong thì phải trả lại cho chúa Đàng Trong. Bắc Hà giữ làm sao được. Nhưng, vào lúc này, ta chưa nên làm điều gì khiến họ lo ngại. Phải chờ ít lâu nữa đã, chú Tám! Nguyễn Huệ cúi đầu suy nghĩ, đôi lông mày chau lại, răng trên cắn lấy môi dưới. Một lúc sau, Huệ ngước lên, hỏi anh: - Lâu nay Đô đốc Chỉnh có thường đến đây không ạ? Câu hỏi bất ngờ khiến vua Thái Đức ngợ đi một lúc mới đáp: - Cống Chỉnh hả? À, có. Khi nào ông Nhật tâu trình những điều liên quan đến phương Bắc, ta đều có kêu ông ta lên hỏi cả. Ông ta thạo hết tình hình ngoài đó, biết rõ khả năng, tính tình từng người. Chú biết không, quận Tạo ngoài Thuận Hóa hay tin chuyện ma quỷ, còn Phó tướng Thể thì thật thà như đếm. Cả hai đều thuộc loại hữu dũng vô mưu. Nguyễn Huệ nói: - Chỉ có Cống Chỉnh là vừa dũng vừa mưu. Vụ tháo gỡ cổng chào chắc là cái mưu của lão ta! Vua Thái Đức đang cười tự mãn, vội đổi sắc mặt, trố mắt nhìn Nguyễn Huệ, hỏi dồn: - Chú nói gì thế? Ta nói nãy giờ chú chưa hiểu gì cả sao? Nguyễn Huệ lầu bầu đáp: - Không ạ. Mấy tháng nay ở nhà có gì lạ không anh? Vua Thái Đức vui mừng tránh được một đề tài khó chịu, nên vồn vã đáp: - Chẳng có gì lạ. Bả thì lúc nào cũng vậy, cằn nhằn mãi chuyện con Thọ Hương. Lại thêm mấy ông rể quí! Chúng nó cứ ganh tị mãi với thằng Nhậm (Vũ văn Nhậm). À này, con Thọ Hương đòi đi tu đấy. Chú gọi nó sang dinh cho nó vài tiếng. Xưa nay nó chỉ nể có chú. Nguyễn Huệ ngậm ngùi, giọng buồn buồn: - Kể cũng tội cho nó. Các anh các chị ai cũng thành thân thành danh cả, chỉ một mình nó chịu lỡ làng. Vua Thái Đức nói: - Biết thế này hồi đó gả quách cho cái thằng... cái thằng gì làm Thư ký cho chú đó, cho nó yên chuyện! Nguyễn Huệ lắc đầu chầm chậm, nhưng không nói gì để giải thích ý kiến của mình. Nhà vua hỏi: - Tinh thần quân lính thế nào? Họ vẫn khỏe đấy chứ? Nguyễn Huệ đáp chậm: - Thưa vẫn khỏe tuy vượt biển liên tiếp hơn mười ngày có nhiều người mệt nhọc. Nhưng họ thừ người ra khi vào đất liền thấy cảnh tiếp đón lạ lùng quá. Dân chúng tưởng chuyến này đại bại. Vua Thái Đức vội nói: - Phải giải thích cho chúng nó hiểu. Không phải lúc nào thắng trận cũng phải reo hò vang ầm trời đất mới vui. Phải chờ, phải nhịn cho đến lúc lấn ra được đến Lũy Thầy, lúc đó muốn dựng hàng vạn cái cổng chào, nổ hàng vạn phong pháo cũng được. Cả chú nữa, chú phải nhìn xa hơn nữa. Xong mặt nam ta còn phải lo mặt bắc. Chú về chuyến này, nghỉ vài hôm rồi ta sẽ gọi Cống Chỉnh lên bàn cho kỹ chuyện Thuận Hóa. Mấy lâu nay ta có cho gọi thằng Nhậm với chú Bảy vào dự bàn đấy, nhưng vì thiếu chú, nên chưa đâu vào đâu cả. Chú vào thăm chị hay về bên ấy trước đã? - Em xuống Thị Nại liền bây giờ. Lòng quân đang hoang mang. Em nghĩ anh cũng nên xuống dưới đó. Vua Thái Đức vội vã nói: - Phải, ta sẽ xuống vào ngày mai. Cho khao quân ngay dưới đó cho tiện. Tránh đừng cho chúng nó ỷ công mà làm kinh động kinh thành. Cái loạn kiêu binh ngoài Bắc Hà vẫn còn sờ sờ ra đấy. Chú xuống trước báo cho các quan dưới ấy ngày mai ta xuống Thị Nại. Bộ Lễ và bộ Binh lo chung việc tiếp đón và khao quân. Chú uống chén nước đã. Nguyễn Huệ nhận chén nước trà từ tay nhà vua, uống cạn một hơi rồi trả cái chén về cái khay bạc chạm trổ công phu. Vua Thái Đức đăm đăm nhìn vẻ mặt em, cố kiểm chứng lại những gì Cống Chỉnh vừa nói lúc nãy, nhưng nhà vua không thấy gì khả nghi. Khuôn mặt Nguyễn Huệ có sạm đen hơn một chút, đôi mắt có sâu hơn một chút nên cái nhìn thêm sắc sảo, quả quyết. Chỉ thế thôi! Nhà vua băn khoăn, đến nỗi Nguyễn Huệ cúi chào xin lui mà nhà vua quên cả thốt vài lời ân cần đối với một người em vừa lập công lớn trở về. °*
Cuộc lễ khao quân trang trọng, thịnh soạn, nhưng không phô trương ầm ĩ đúng theo lời hịch tướng sĩ của nhà vua. Bài hịch do Nguyễn Hữu Chỉnh soạn rất văn hoa, tế nhị, tình lý đầy đủ, nhất là khéo léo đến nỗi dù có đọc kỹ bài hịch, không ai hiểu nổi vì sao phải ăn khao chiến công một cách âm thầm, sẽ sàng như vậy. Người ta chỉ mơ hồ hiểu được là vì một cái gì cao hơn, xa hơn, hứa hẹn nhiều vinh quang hơn, mang lại cho toàn quân nhiều phần thưởng hơn, mà hôm nay ta không nên rầm rộ ăn mừng chiến công vĩ đại vừa lập được. Không đủ trình độ, mà cũng không muốn phí thì giờ, tâm não tìm hiểu những phức tạp tinh tế người ta muốn giấu kín sau các!!!4406_57.htm!!! Đã xem 403352 lần.http://eTruyen.com