Sông Côn là con sông chảy qua vùng đất Tây Sơn quê hương của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Anh Nguyễn Mộng Giác là người cùng quê với người anh hùng - nhân vật tiểu thuyết đó của anh. Đấy cũng là một lợi thế để anh có những tình cảm và hiểu biết đặng viết về biến cố lịch sử quan trọng nhất của thế kỷ 18 đó. Nhưng không phải chỉ có thế. Để viết về lịch sử, dĩ nhiên là tác giả thông hiểu lịch sử. Nhưng đây không phải là sử học ở chỗ sử học tạm ngừng bút (vì thật ra nó chưa bao giờ thực sự ngừng bút) thì tiểu thuyết bắt đầu. Tiểu thuyết là lĩnh vực của cái có thể, của tưởng tượng, tất nhiên là sự tưởng tượng ở đây bị chế ước bởi tình cảm và sự nhận thức về lịch sử. Sông Côn mùa lũ (1) lần đầu tiên trong văn chương Việt Nam, làm một trường thiên về lịch sử thế kỷ 18. Tác phẩm rất hấp dẫn, trước hết là vì phẩm chất văn học của nó. Các sử sự thì ta đã biết cả rồi nhưng những tình cảm, những thôi thúc nội tâm, những suy tưởng, những quan hệ giữa con người với con người trải dài qua một biến cố lớn lao thì đây là đầu ta tiếp xúc. Và sự phong phú của nó, vẻ đẹp của nó...lôi cuốn ta, lôi cuốn những người yêu lịch sử dân tộc, yêu con người Việt Nam nhân ái và quả cảm. Ở đây Nguyễn Huệ đã được mô tả thành công như đã có trong sử sách: anh hùng đến mức xuất sắc, thiên tài, nhưng không phải anh hùng một cách đơn giản, tự nhiên nhi nhiên, mà có những suy tưởng, trăn trở có hàm lượng trí tuệ, triết học - lịch sử cao làm động cơ bên trong của những hành động. Nguyễn Huệ bình dị trong đời thường, cũng có những cái bị ràng buộc bởi xã hội: anh yêu An sâu thẳm, thiết tha biết bao nhiêu, nhưng rồi anh phải lấy người khác, và An thì cũng vậy. Thành công nhất là tuyến nhân vật hư tưởng, tuyến nhân vật “đời thường”, “thế sự”, cái hồn, cái nền, cái thẳm sâu... của tiểu thuyết lịch sử. Xét cho cùng, tiểu thuyết lấy đề tài lịch sử phải giải quyết một nhiệm vụ kép; nói như Chế Lan Viên có lần nói về chuyện này: “nó phải nhảy qua hai vòng lửa”: vòng lửa “lịch sử” và vòng lửa “tiểu thuyết”. Trước mắt nhà văn bao giờ cũng là những con người với những ràng buộc qua những biến cố lịch sử và qua chính mình. Về tuyến nhân vật này, thành công lớn nhất của tác giả là An. Tôi ít đọc được trong tiểu thuyết mình một nhân vật nữ nào quyến rũ, thương mến, Việt Nam như An. An là người phụ nữ Việt Nam của mọi thời biến động, nhẫn nại, yêu thương, đi hết số phận mình và phong phú, đẹp đẽ biết bao trong nội tâm.Có thể nói, tác giả đã gởi vào An rất nhiều những thể nghiệm, những suy tưởng... về người phụ nữ Việt Nam - người gánh lịch sử, đất nước, chồng con... trên đôi vai bé nhỏ, yếu đuối của mình. Có thể nói An là cái “nguyên lý thi học”, cái thước đo thử nghiệm của tác phẩm. Điều thú vị là An đã làm say mê bao bạn gái của nàng thời nay: sau khi Sông Côn mùa lũ in lần thứ nhất, đã có nhiều bạn đặt tên con mình là An (Khánh An, Bình An,...) như một kỷ niệm. Tiểu thuyết đã đi được vào người đọc, vào cuộc đời. Bên cạnh đó, là những nhân vật như Lợi, Lãng, Kiên, Chinh... Họ cũng được tác giả xây dựng thành công với những nét tính cách khác biệt, những gởi gắm về triết lý cuộc đời, triết lý lịch sử: người thì trung thực, vô tư, “nghệ sĩ”, người thì chịu đựng nhẫn nại... Thông qua các nhân vật, hành động và suy tưởng của họ mà cuộc đời - lịch sử được hiển hiện với bao hấp dẫn, say mê, nghĩ ngợi... Toàn bộ tuyến nhân vật “hư tưởng” này (thực ra thì các nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết này cũng là “hư tưởng” của tác giả), quả đã là một sáng tạo mới góp phần làm cho cuốn tiểu thuyết đáng mặt là tiểu thuyết theo cái nghĩa cổ điển của từ này. Ngoài những thành công về nhân vật, về ngôn ngữ, về dựng cảnh, về phát triển tình tiết...tác phẩm bao quát một cái nhìn đúng và sâu về dòng chảy của lịch sử về sự phát triển của dân tộc - một cái nhìn đáng yêu và rất dễ chia sẻ. Nguyễn Mộng Giác đã viết tác phẩm này lúc còn ở trong nước vào những năm 1978-1981 với những cố gắng rất cao (2). Chúng tôi thấy vui khi thấy có một nhà văn đã dám bỏ nhiều công phu, tâm huyết và tài năng để dựng một bộ tiểu thuyết trường thiên về một người anh hùng dân tộc, về một thời đại lịch sử mà chúng ta mãi yêu mến, tự hào và luôn luôn muốn hiểu biết sâu thêm. Và có thể nói rằng tác giả đã thành công. Với sự giúp đỡ của nhiều bạn bè và tổ chức, cuối cùng Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học đã làm được điều chúng tôi mong mỏi: đưa được tới tay bạn đọc một bộ sách hay, bổ ích, có nhiều ý nghĩa, một tác phẩm rất cần có trong hành trang văn hóa của mỗi người Việt Nam chúng ta trong lúc này. “Mỗi một cuốn sách có số phận riêng của mình”, câu châm ngôn Latinh đó thực đúng với tác phẩm này. Từ quê hương Việt Nam ra đi, nó lại trở về quê hương, nơi chắc chắn nó sẽ được yêu mến và trân trọng. Vì nó chính là những tình cảm cội nguồn với quê hương, đất nước, tổ tiên không dễ gì phai nhạt. Hy vọng rằng trong bộ sách này dù dài trên 2000 trang sẽ được bạn đọc sẵn lòng dành thì giờ cho nó, và, chúng tôi tin chắc rằng các bạn sẽ không có điều gì ân hận khi phải “mất công” đọc nó. Tôi đã tìm đọc cuốn Sông Côn mùa lũ trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 1996. Khi đó tôi đang ở thăm trường Đại học Wisconsin-Point, một Đại học nằm ở cực Bắc Hoa Kỳ, trong một thành phố nhỏ hết sức tĩnh lặng. Ngoài việc đi thăm các khoa, tiếp xúc với một số thầy giáo, đi thăm các nông trại và ngôi nhà bên hồ của vợ chồng GS Eagan, người đã tổ chức chuyến đi...tôi không có việc gì làm trong gần 10 ngày ở đó. Cuối xuân trời se lạnh và buồn, tôi nhớ nhà. Thế là tôi lôi bộ Sông Côn ra đọc, và càng đọc tôi càng bị cuốn hút, cứ ngỡ như gặp lại một cái gì vừa quen vừa lạ, thú vị vô cùng. Tôi là người để tâm tìm hiểu nhiều về thời Quang Trung, về sử sự Tây Sơn, tôi đã dịch nhiều thơ văn Ngô Thì Nhậm. Nhưng thực ra sử sự rất ít. Rất cần có một cuốn Lịch sử Tây Sơn - Quang Trung cho ra trò, một cuốn như thế phải là một công trình sưu tầm, nghiên cứu công phu... từ “điền dã” đến sử liệu và một ngọn bút sâu sắc, thông minh. Hình như ta chưa có một cuốn sách như thế. Còn về tiểu thuyết, kịch bản... thì chưa có cái nào thật xứng tầm với thời đại đó, nó mới là một cái gì nhất thời, làm vội, ngẫu nhiên. Sông Côn mùa lũ là một nỗ lực tổng hợp với một quan niệm mới cả về tiểu thuyết và cả về lịch sử. Tôi rất quí cuốn tiểu thuyết này. Tôi nghĩ nó là một “người đẹp” khó gặp lần thứ hai (“giai nhân nan tái đắc”) trong đời một người viết như anh Nguyễn Mộng Giác. Tôi mong nó sẽ được dựng thành phim. Để người xem cứ suốt ngày đêm xem phim lịch sử Trung Quốc, thuộc và yêu lịch sử Trung Hoa hơn Việt Nam nhiều, thì vô lý quá, và bất tiện quá. Khó là vì tiền là một nhẽ, thực ra tôi nghĩ Nhà nước có thể chi nếu có Dự án đáng tin cậy, nhưng tìm ra cho được một đạo diễn hiểu và yêu lịch sử giờ này cũng khó, rồi còn diễn viên: ai là người sẽ thể hiện cô An cho thành công như mong đợi? Nhưng tôi nghĩ, trước sau gì ta cũng nên làm, phải làm; bỏ mặc lịch sử của tổ tiên như thế sao tiện, trong khi nếu làm thành công thì tác động của nó vào tâm hồn, đời sống là vô giá. Tôi cũng đã bàn việc này với anh Nguyễn Mộng Giác, nhưng rồi cũng chỉ bàn thế thôi. Giáo sư Trần Văn Dĩnh ở Washington D.C, ủy viên Hội đồng Khoa học Trung tâm nghiên cứu Quốc học,ngỏ ý muốn tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, rồi ông sẽ liên hệ với bên ấy để họ làm phim này. Tôi nghĩ: họ có thể làm lắm! Phim “Người Mỹ trầm lặng” mới vừa chiếu, người ta làm ra làm, chuyên nghiệp và tâm huyết như thế! Có được một cuốn tiểu thuyết để làm nền cho kịch bản là điều rất khó,nhưng có ai quan tâm gì không? Sao mà im lặng, hình như mọi người đang nghĩ đâu đâu, đang bận việc gì đâu, chẳng ai chú ý đến nghệ thuật, văn chương... Cả tôi cũng vậy, tôi cũng bận bao nhiêu việc vặt, và cũng chưa có dịp đọc lại Sông Côn mùa lũ. Gần đây Nguyễn Mộng Giác và chị Diệu Chi, vợ anh có về thăm quê nhà; tôi mới gặp lại anh - một người có chất “thầy giáo” hơn tôi nhiều - và tôi ngẫu hứng có mấy câu thơ viết tặng anh, xin ghi lại để làm kỷ niệm. Về quê, anh nhớ ghé thăm gốc me vườn Nguyễn Huệ, Cây me xanh, vòm lá chở che đời. Cây me sống cuộc đời ba thế kỷ, Những thương đau, những hùng vĩ con người. Và Sông Côn thầm lặng chảy bên trời, Mang ký ức của một thời oanh liệt. Vốn biết ai rồi cũng xong một kiếp, Nhưng phù sa ta sẽ hiến cho người. Sông Côn chảy trong đời, trong trang văn anh viết, Và hai dòng soi bóng vào nhau. Sẽ có người thiếu nữ của mai sau, Nhỏ giọt lệ thương An (3) - thương cuộc đời nhân loại. Chợt tỉnh giấc mộng dài, trời xanh chói lọi, Bao vui buồn sướng khổ đã đi qua.
Tết Quí Mùi 2003 . Mai Quốc Liên, GS-TS Văn học GĐ Trung tâm nghiên cứu Quốc học.
(1) Sông Côn mùa lũ - Trường thiên tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác. Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc Học, xuất bản tháng 2-2003 (In lần II). (2) Hiện nay tác giả đang sống ở Hoa Kỳ. (3) Nhân vật nữ trong Sông Côn mùa lũ, người yêu Nguyễn Huệ.