Kiên mang đồ lễ đến nhà ông tri áp, lòng không mấy vui. Ngoài cái nghiên đá hoa bọc bằng giấy điều, còn có thêm hai thúng nếp và một nải chuối tốt. Ông giáo sai Lãng đi theo anh, nhưng đến lúc đã chuẩn bị sẵn sàng quà cáp, Lãng biến đâu tìm mãi không thấy. An phải đi cùng với anh Hai.Hai anh em may mắn gặp Thìn đang la cà bên mấy chuồng ngựa chợ An Thái, nhờ Thìn dẫn về nhà. Không có nụ cười thân ái của An thì Thìn đã từ chối phắt. Càng về gần tới cổng, Thìn càng tỏ vẻ lúng túng, lo âu. Cho nên anh ta nhất định không cùng anh em Kiên vào nhà, chỉ đứng ngoài xa trỏ cái cổng vôi nói:- Đó, cửa cổng thường đóng, cứ đập cửa mạnh vào trong nhà mới có người nghe. Chó dữ lắm, dù cửa mở cũng đừng tự tiện bước vào. Thôi nhé, tôi đi đằng này có việc.- Kiên và An mới đập nhẹ vào cánh cửa gỗ nặng thì bên trong đã có tiếng chó hực dữ tợn, tiếng sủa inh ỏi, và tiếng gầm gừ. Ông tri áp đích thân ra mở cổng, theo sau là một anh lực điền vạm vỡ cầm cây gậy dài quá tầm người. Đôi mắt hằn học của ông dịu lại khi thấy hai anh em Kiên khệ nệ mang đủ thứ gói đỏ, gói xanh. Tuy vậy, giọng nói của ông vẫn còn đọng khá nhiều ác cảm. Ông tri áp hất hàm hỏi:- Đi đâu?Kiên giận dữ vì thái độ hách dịch của viên tri áp, không trả lời. An nhanh nhẩu thưa:- Chúng cháu xin phép được hỏi thăm cụ. Có phải đây là nhà cụ tri áp?Ông tri áp hỏi lại:- Có việc gì?- Cha chúng cháu sai chúng cháu đến biếu cụ chút quà mọn nhân tiết cơm mới, gia đình chúng cháu về đây được cụ bảo bọc cho nên mới có cái ăn cho đến mùa này. Mong cụ không chê nhà chúng cháu nghèo, quà cáp thô sơ, mà nhận cho.Vẫn không để cho anh em Kiên được bước quá vào bên trong cổng, ông tri áp lừ mắt nhìn qua các thứ quà Kiên và An đang đem theo. Ông thấy An xách một giỏ nặng nào nếp nào chuối. Trông cánh tay nhỏ yếu ớt của An, dáng đứng thẳng không bị quằn nghiêng xuống một phía, ông biết giá trị món quà An đang xách nhẹ lắm. Ông chỉ còn hy vọng ở cái gói giấy điều Kiên đang bưng bằng hai tay. Nhờ thế, giọng ông dịu thêm một chút xíu nữa. Ông hỏi Kiên:- Anh kia, con cái nhà ai thế?Kiên không còn cách nào khác, phải trả lời:- Chúng tôi là con ông giáo Hiến.- Ai?An đáp thay anh:- Dạ chúng cháu là con ông giáo Hiến ạ!Giọng nói của ông tri áp trở nên cáu kỉnh, bực bội. Ông ta cười nhạt, hỏi bằng một giọng cố ý kéo dài ra để giễu cợt:- Giáo Hiến nào vậy cà? Ở đây có tên nào trốn cầm cày cầm cuốc mở hàng bán chữ đâu cà!Kiên bậm môi lại, mấy ngón tay bấm mạnh lên cái gói giấy điều bọc chiếc nghiên quí. An nói:- Có lẽ vì bận nhiều việc quan nên cụ quên đấy ạ. Cha chúng cháu không có ý mở trường để mưu sinh, chỉ cốt ôn cho chúng cháu khỏi quên cái chữ nghĩa thánh hiền thôi. Cũng may là tiếng lành đồn xa, ông biện Kiên thành và cả cụ tri áp nữa, đều có gửi con em đến xin học. Chúng cháu vừa gặp anh Thìn ngoài chợ, nhờ anh ấy mới được biết nhà cụ.Ông tri áp quay lại nhìn đăm đăm vào mặt An, lòng thầm phục cái tài mau miệng ứng đối nhanh chóng của đứa con gái. Tự biết không thể giữ mãi giọng phách lối mà không trở nên lố bịch, ông tri áp cố tỏ ra hòa nhã, thân mật hơn:- Thế à! Ra các cháu là con thầy giáo của thằng Thìn. Quí hóa quá! Tưởng ai hóa ra là con thầy giáo Hiến đây mà! Vào đây các cháu. Bay đâu! Coi chừng mấy con chó nghe. Vào đi, đừng sợ. Chúng nó gầm gừ dữ tợn thế, nhưng hiền lắm. Bay đâu! Đã bảo nhốt mấy con chó lại. Nhớ đóng cổng cài then cẩn thận nghe chưa. Các cháu đi lối này. Cái sân bận phơi lúa phải đi quành ra ngõ sau vậy.Ông tri áp nhanh nhẩu ân cần thế nhưng vẫn không để cho hai anh em Kiên bước lên thềm. Ông sai người nhà đem ra ba cái ghế đẩu, tiếp khách ngay dưới bóng mát cây ổi. Kiên chán ngán cái trò giả dối quan quyền, để mặc cho em gái đối đáp với ông tri áp. Khi biết món quà bọc giấy điều là cái nghiên đá hoa, ông ta rạng rỡ mặt mày, nói cười tíu tít. Thấy vẻ mặt Kiên lầm lì, ông đâm ngại, chỉ nói chuyện với An. Đôi lúc muốn hỏi Kiên việc gì, ông cũng hỏi chuyện qua An để khỏi phải e ngại. Ông ta liếc nhìn Kiên, do dự rồi hỏi An:- Thế cậu đây là anh ruột của cháu phải không?Kiên gật đầu nói: Vâng.- Sao mấy lần tôi ghé chơi đằng ông giáo, không thấy có mặt anh cháu.Vẫn Kiên đáp thay em:- Tôi không ở đây. Lâu nay tôi ở trên Tây Sơn thượng, mới ghé về thăm nhà.Ông tri áp vỗ mạnh vào vế, nói lớn:- À, tôi nhớ ra rồi. Cậu tên là Kiên phải không. Đúng tên Kiên chứ gì. Hôm qua, ông xã có báo cho tôi biết trong làng mình hiện nay có quá nhiều dân lậu. Cái bọn đói khát xiêu giạt đầu đường xó chợ đó, không biết từ đâu về mà đông thế. Chúng làm rối loạn cả phép nước, cướp giật, trộm cắp, không gì chúng không dám làm. Tối hôm qua chúng gặt trộm của tôi đám Rộc, mấy thằng người nhà của tôi không đâm cho một đứa đổ ruột thì chắc chắn sáng nay không còn sót lấy một hạt lép. Tôi đã nhiều lần trình lên quan huyện. Quan trên cho phép tống khứ bọn dân lậu ấy ra khỏi làng, bằng cách gì cũng được. Thế... thế cậu Kiên có tên trong sổ đinh làng ta không.- Dạ tôi đã khai trên Tây Sơn thượng.- Phiền phức nhỉ. Như vậy là ông xã trưởng báo đúng một phần. Cậu không là dân đinh ở đây, tuy không phải là dân lậu, nhưng...Kiên ngắt lời ông tri áp:- Tôi chỉ ghé thăm nhà mà thôi. Mai, chậm nhất là ngày mốt, tôi trở lại Tây Sơn thượng.- Thế thì được. Cậu về thưa lại với thầy giáo là tôi quí thầy giáo lắm. Ông xã không biết liệu việc, cứ răm rắp theo phép nước mà làm, không chịu vị tình. Tôi thì khác. Cái gì cũng phải đầy đủ cả tình lẫn lý. Như trường hợp thầy giáo chẳng hạn. Người ta thấy thầy giáo hiền, đặt đủ điều nói xấu thầy. Nói nào là thầy không tự dưng bỏ kinh mà về cái xó núi này, nào là thầy từng quen biết lớn lắm. nào là...nào là giữa thầy với... mà thôi, hơi đâu để ý đến chuyện thêm thắt bàn tán của miệng đời, phải không hai cháu.Viên tri áp nhìn thẳng vào Kiên, nét mặt hơi đanh lại:- Riêng phần cậu, thôi thế cũng được. Đằng nào thì mai mốt cậu cũng lên Tây Sơn thượng rồi. Cậu có gặp biện Nhạc cho tôi gửi lời thăm.Kiên nhìn thấy trong đôi mắt viên tri áp có sắc xanh lạnh lẽo của con rắn đang thôi miên chú chuột nhắt. Anh lo ngại, ngầm hiểu viên tri áp biết nhiều điều về gia đình mình mà chưa đến lúc nói hết.Suốt hai tuần lễ nay Kiên trốn ru rú trong xó nhà như con gián sợ ánh nắng. Ông giáo chưa tìm được lối thoát cho con, mà chính Kiên cũng không tìm được lối thoát cho mình. Cửa sổ, cửa lớn phòng nhà trên đóng kín mít. Kiên lẩn quẩn suốt ngày trong phòng tối, khổ sở không biết làm gì để quên. Anh có quá nhiều chuyện đau lòng muốn quên dứt, khốn nỗi sự cô đơn buộc anh nhớ tất, không sót một chi tiết.Anh phải tìm việc làm luôn tay. Ngày đầu Kiên vót tăm. Ngày thứ nhì Kiên lau bàn ghế, giường tủ. Ngày thứ ba sửa lại các thứ lặt vặt trong nhà từ cái rá, con dao, cái rựa cho đến cái tim đèn, cái cán gáo. Đến ngày thứ năm mọi sự đều gọn ghẽ, ngăn nắp, trừ tâm hồn ngổn ngang vướng víu của anh. Kiên ngồi thừ trong bóng tối, khóc một mình. Anh cố tìm công việc nào đó để lấp cho đầy cái khoảng tối hun hút của đời anh. Một sức thúc đẩy nội tại mơ hồ xui anh vung chân múa tay cố làm cho thân thể mệt nhoài để trí óc ngưng quấy rối anh. Mồ hôi vã ra như tắm, căn phòng tối thiếu không khí trở nên ngột ngạt, Kiên cảm thấy khó chịu còn hơn ngồi khóc lặng lẽ. Anh quay sang đọc thơ, rồi đọc thuộc làu trở lại những trang sách cha đã dạy từ hồi còn ở kinh đô. Chữ nghĩa rệu rã trong miệng anh, đạo lý nhạt nhẽo không đủ thắng được lòng hoài nghi. Cuối cùng, anh tìm ra trò chơi đánh cờ giữa tay phải và tay trái, và lần mò quan sát từng vết lở trên tường để tìm cho ra ý nghĩa hình dáng các vết lở đó.Một hôm Kiên thú vị khám phá thấy có một vết lở giống y hình dáng một người đang cố sức chạy, thì có tiếng chân người đi vào sân. Đoán là cha và các em ở ngoài đồng về nghỉ trưa, Kiên mạnh dạn mở then, hé cửa nhìn ra ngoài. Một tốp bốn năm người lính đầy đủ giáo mác đã đến trước hiên nhà, dẫn đầu là viên tri áp. Ông ta truyền lệnh cho bọn lính:- Một đứng gác trước cổng. Một đứa canh phía sau nhà. Thằng Chạng theo tao. Đẩy cửa vào coi nó có trốn trong đó không?Kiên biết không có lối nào khác để trốn thoát. Có điều anh còn hồ nghi, là không hiểu tiếng nó trong lời viên tri áp chỉ vào ai, vào anh hay vào cha của anh. Tâm trạng boăn khoăn khiến anh phản ứng chậm chạp, nên mãi tới lúc đã bị tên lính bẻ quặt tay trói ké ra sau lưng, Kiên mới hiểu hết tầm quan trọng của hoàn cảnh. Lúc đó, anh mới cảm sâu được sự sỉ nhục đã chịu. Anh giận đến phát điên khi bị tên lính nắm tóc đè đầu xuống đất cho nên Chạng trói tay anh dễ hơn. Kiên quên hết mọi suy tính dè dặt, dùng đầu húc thật mạnh vào bụng tên lính đang nắm tóc mình. Tên lính bị vố bất ngờ ngã ngửa xuống đất, đầu đập vào khung cửa lớn, máu phun ra thấm qua tóc chảy có dòng lên trán. Máu đỏ kích thích bản năng hung bạo lên tột độ, Kiên bị bọ lính xúm lại, kẻ đá người thoi cho đến lúc nằm chết giấc một đống tả tơi trên nền đất ẩm. Viên tri áp không ngờ tình thế hóa ra thô bạo rắc rối đến như vậy, đứng nhìn cảnh tượng trước mắt với đôi mắt bàng hoàng. Mãi một lúc sau, ông ta mới lấy đủ bình tĩnh, lớn tiếng la mắng đám thuộc hạ:- Trói nó dẫn đi được rồi, tụi bây làm nhục nó có ích gì. Quan huyện có quở, tụi bây đừng có chạy tội nghe chưa!Có lẽ bọn lính thấy Kiên nằm im như người chết, đâm sợ. Một tên đến lay Kiên dậy. Kiên ú ớ, rên rỉ, người oằn lên như con rắn bị dẫm phải đuôi. Một tên lính khác chạy ra ang nước, múc nước xối lên mặt Kiên. Chờ một khắc sau, chúng đỡ lo hơn khi thấy Kiên mở mắt, dáo dác nhìn quanh. Theo lệnh viên tri áp, hai tên lính đến xốc nách lôi Kiên dậy, vừa dìu vừa đẩy Kiên ra cửa.Kiên bị bắt đi giữa trưa nắng, hai bên đường đám con nít líu ríu sợ hãi nhìn theo đoàn giải tù, những bàn tay nhỏ nhắn bẩn thỉu do nỗi sợ truyền kiếp thúc đẩy đưa lên che lấy đầu và ngực. Người lớn ở gần nhà ông giáo chỉ dám đứng nấp sau những bụi chuối rậm len lén quan sát, không dám thở mạnh. Kể cả gia đình Hai Nhiều. Chờ cho đoàn giải tù đi khá xa, Hai Nhiều mới sai Lê chạy ra đám miễu báo cho gia đình ông giáo hay tin dữ.°Sau khi Kiên bị bắt, gia đình ông giáo sống trong một trạng thái lơ lửng, chơi vơi đến hãi hùng. Không ai còn bụng dạ nào đâu lo chuyện cơm nước, nên lòng mọi người cứ cồn cào, không đói mà cũng không no. Ông giáo, ngay buổi xế hôm ấy, chạy đi tìm ông tri áp hỏi cho ra cớ sự, nhưng gọi cổng mãi không được ai tiếp cả. Gần như mọi người đều lảng tránh, không muốn dây dưa với ông, sợ ông như sợ một người bị hủi. Đứng nói chuyện với ông là điều nguy hiểm, tuy trong thâm tâm, mọi người trong làng vẫn còn giữ trọn lòng kính nể khâm phục đối với con người hay chữ và khiêm cung. Sự mâu thuẫn ấy khiến mọi người khổ tâm, cho nên người ta mới truyền miệng cho nhau những mẫu chuyện ghê gớm về hành tung khả nghi của gia đình ông giáo, hòng vớt vát chút ý nghĩa cho thái độ hèn nhát.Chính Hai Nhiều tung ra cái tin nói rằng thực sự ông giáo không có họ hàng bà con gì với Hai Nhiều hết. Lấy bằng cớ ở đâu mà dám bảo vợ ông giáo là con cùng cha khác mẹ với Hai Nhiều? Hãy nhớ lại xem: khuôn mặt của Hai Nhiều với khuôn mặt bà giáo có chút nào giống nhau đâu? Nhà Hai Nhiều có thể có máu hủi, nhưng nhất định không có máu điên! Tự nhiên hôm tối trời, có một gia đình lạ hoắc ở đâu trôi giạt về đây, bồng bế gồng gánh nhau tìm vào nhà Hai Nhiều xưng là bà con thân thuộc để chia vườn, chia ruộng. Hai Nhiều biết thừa ra chứ, biết là có sự giả dối tối tăm trong đó chứ, nhưng thấy người hoạn nạn giữa đường chẳng lẽ không làm phước để vun nền đức cho con cháu. Lừa được Hai Nhiều bao năm nay, thậm chí lừa được cả dân An Thái, nhưng làm sao lừa được triều đình. Không phải vô cớ mà quan quân rầm rập kéo vào nhà trói thúc ké lôi đi như vậy? Cái gì cũng có cái lý đương nhiên của nó! Họ là ai? Đã làm gì? Đã ở đâu trước khi kéo về đây ăn bám vào gia đình Hai Nhiều, ai mà biết được! Và cả nhà Hai Nhiều ngủ yên đêm đêm, dù có nghe tiếng An thút thít khóc mỗi lần qua giếng cậu mợ xách nước.Từ đó giữa các cuộc bàn tán sôi nổi hứng thú trong làng, càng ngày người ta càng tìm thấy nhiều điều khả nghi nơi gia đình ông giáo. Người này nói: "Ờ, hèn gì…" Người kia nói "Phải rồi, vì vậy mà…" Kẻ nhớ bù đắp cho kẻ quên. Những chi tiết phù hợp với định kiến được thu góp đầy đủ, dần dần trở thành một câu chuyện có đầu đuôi, hấp dẫn hơn cả chuyện lấy vợ của cha Hai Nhiều thời trước.Cảm giác luôn luôn bị một vòng nghi kỵ, sợ hãi bao vây lấy mình khiến mọi người trong gia đình ông giáo đều khổ tâm. Đi đâu họ cũng bị những cặp mắt ranh mãnh theo dõi. Bước qua khỏi một đám đông, họ biết sau lưng họ đang có nhiều lời bàn tán độc địa, xuyên suốt lưng họ như những lưỡi gươm bén hèn nhát. Không đêm nào họ ngủ được yên giấc. Không dám nói ra lời, nhưng ai cũng biết sự đe dọa của triều đình chưa kết thúc. Giữa bóng tối, họ hồi hộp lắng nghe từng bước chân đạp rào rạo trên đường cát, từng tiếng nói chuyện xì xào. Một tiếng ếch nhái, tiếng chuột rúc trong xó, tiếng con chim bay đổi cành, tiếng con rắn lục gọi tình, đều có thể khiến mọi người giật mình hoảng hốt.Đêm đêm họ chờ. Một đêm. Hai đêm. Ba bốn đêm. Dần dà từ ông giáo, lớp trẻ tuổi như Lãng, An, Út, Huệ làm quen với sự thấp thỏm, lo âu, bắt đầu ngủ yên giấc. Đúng vào đêm thứ năm sau hôm Kiên bị bắt, lúc gần gà gáy, ông giáo nghe có tiếng nhiều bước chân nhẹ và nhanh vào sân nhà. Ông thầm nghĩ: "Bây giờ đến lượt mình. Thế nào chúng nó cũng tra khảo cho thằng Kiên khai thật ta là ai, quen với quan nội hữu thế nào".Bên ngoài, tiếng chân bước im bặt, một lúc sau có tiếng thì thào. Rồi tiếng đập cửa nhè nhẹ. Ông giáo chậm rãi ngồi dậy, tìm đá lửa và bùi nhùi thắp đèn. Ông không muốn bị lôi đi âm thầm dấm dúi. Ông muốn được tiếp nhận may rủi của số phận giữa ánh sáng, với tư thế trầm tĩnh ung dung của nhà nho.Lại có tiếng đập cửa. Ông lên tiếng hỏi:- Ai đấy?Một bóng đen nhè nhẹ đến bên ông. An đã dậy từ lúc nào đến ôm lấy cha, ông giáo thấy con gái đang run. Bên ngoài có tiếng đàn ông đáp nhỏ:- Chúng tôi là người nhà ông biên Kiên thành. Có cậu Huệ trong đó không?An lo âu hỏi nhỏ:- Cha đừng ra mở cửa vội. Coi chừng họ đánh lừa đấy!Ông giáo do dự chưa biết trả lời thế nào, thì bên ngoài lại có một người khác nói vào:- Chúng tôi có tin nhà cho cậu Huệ. Gấp lắm. Có ai thức trong đó không?Bên chái nhà học có tiếng kéo then cửa lách vách và tiếng cánh cửa mở, ván cửa cọ vào khung kêu kẽo kẹt. Ông giáo biết Huệ cũng thao thức cả đêm như mình và An. Tiếng Huệ hỏi:- Bác Năm đấy phải không?Nhiều tiếng mừng rỡ:- À, cậu Tám đây rồi. Thế mà tôi cứ tưởng cậu ở bên này.Toán người lạ qua cả bên nhà học. Ông giáo thở phào nhẹ nhõm. An cũng mừng rỡ nói với cha:- Đúng là người nhà ông biện rồi. Không biết có việc gì gấp mà họ tìm xuống đây khuya khoắt vậy cha!Ông giáo lắng nghe những câu trao đổi giữa Huệ và toán người lạ, nhưng họ cách xa ông quá, không nghe được gì. An muốn mở cửa sang hỏi thăm Huệ, dợm đứng dậy. Ông giáo hiểu ý con, ngăn lại:- Khỏi cần. Thế nào Huệ cũng qua đây ngay.Hai cha con không chờ lâu. Độ một khắc sau, Huệ qua gõ cửa nhà thầy. Ông giáo đã thắp đèn sẵn, mở cửa sẵn để chờ Huệ. Dưới ánh đèn lù mù, ông giật mình tìm thấy nét mặt Huệ có vẻ lo lắng. Ông hỏi:- Có việc gì thế?Huệ đến bên thầy và An. Hai người kinh ngạc thấy anh đã mang theo cái tay nải quần áo, như chuẩn bị đi xa. Huệ cố dằn xúc động, nói với ông giáo:- Chúng nó cho lính đốt cháy nhà con trên Kiên thành hôm qua. Anh Hai vừa cho người xuống báo cho con hay.An lo lắng hỏi:- Có ai bị "việc gì" không anh?Huệ quay lại nhìn An, mỉm cười cảm ơn sự lo lắng của cô gái, rồi đáp:- May có người quen cho biết trước, nên cả nhà đã trốn ra bờ sông. Chúng nó chờ đêm bao vây kín, tưởng có thể bắt trọn cả gia đình.An tức giận hỏi:- Vì sao chúng nó dám ngang ngược như vậy?Ông giáo cho câu hỏi của con thừa thãi, vô ích, nên hỏi Huệ:- Bây giờ anh tính sao? Định đi đâu?Huệ nhìn toán người đang chờ mình ngoài sân, đáp:- Gia đình con đã lên hết trên Tây Sơn thượng. Anh biện nhắn con lên đó ngay đêm nay. Thưa thầy…Huệ muốn nói điều gì quan trọng lắm, có thể là lòng biết ơn gia đình ông giáo, có thể là nỗi bịn rịn phải xa một nơi chốn thân mến, yêu dấu Huệ đã từng sống hai năm qua. Nhưng anh xúc động không nói được. Ông giáo cũng cảm thấy nghẹn nơi cổ, chỉ biết vỗ vai Huệ tỏ dấu thông cảm. Huệ cuối đầu chào thầy, nhìn nhanh về phía An, rồi bước vội ra sân. Gà phía sau chuồng bắt đầu gáy chờ mặt trời. Đêm còn đen dày. Ông giáo nổi cơn ho và lạ lùng chưa, dường như ông bủn rủn tay chân, đứng không vững nữa. Ông vịn vào thành cửa, nhìn ra đêm tối. Mắt ông mờ lệ. Ông thấy nhập nhòe hình ảnh toàn người lạ đang nói chuyện với Huệ trước nhà, vài người mang giúp cho Huệ một số đồ đạc. Hơn cả lúc trở về thấy Kiên bị bắt, ông cảm thấy đời cô đơn hơn, trống trải hơn. An đã bỏ đi xuống bếp. Ông muốn gọi Huệ vào để nói thêm vào lời, dặn dò vài câu. Nhưng ông giáo bỏ ngay ý định. Ông còn biết nói gì với Huệ trong hoàn cảnh này!Huệ cùng với toán người nhà ra tới cổng, chợt nhớ điều gì, quay trở lại. Ông giáo mừng, chờ Huệ tiến về phía mình. Nhưng không. Ông thấy Huệ ra phía bếp, chỗ có đặt ang nước. Ông nghe tiếng cán gáo va vào thành ang, tiếng nước xối một lần, hai lần. Hơi thất vọng, ông giáo khép cửa lại.Huệ trở ra qua lối cửa sau nhà bếp gặp An đang đứng ở đấy. Anh dừng lại. Bóng tối che giùm không cho hai người trông thấy vẻ bối rối của nhau. An run run nói:- Anh nhớ quấn khăn cổ. Không lại cảm.Huệ cảm động, cả đời chưa được một người con gái nào ân cần dặn dò như vậy nên cảm thấy hãnh diện ngây ngất. Anh muốn nói với An câu gì thật âu yếm, đơn sơ mà chân thành như câu An vừa thốt ra, nhưng trong cơn lúng túng, tìm mãi không ra lời. Huệ cố dằn xúc động nói:- Cảm ơn An.Huệ ngước lên nhìn An, thấy tất cả vẻ đẹp quyến rũ của một nụ cười e ấp. Không tự chủ mình, Huệ tiến tới định nắm lấy bàn tay An. An rụt tay về, giọng hơi hốt hoảng:- Đừng, anh Huệ!Huệ cảm thấy hụt hẫng, khựng lại, trố mắt nhìn An. Anh nghĩ nhanh: Mình thật quấy. Cô ấy như đứa trẻ thơ tinh nghịch, coi mình như một người anh trong gia đình. May là không có ai trông thấy. Để che giấu sự bối rối pha chút thất vọng, Huệ cố nói to với An:- Tôi đi nhé! Thế nào cũng có dịp tìm xuống thăm thầy. Không lâu đâu!Huệ đã giữ lời hứa. Mười ngày sau, Huệ vâng lời anh, trở lại An Thái đưa gia đình thầy trốn lên Tây Sơn thượng. Triều đình đã phát động một cuộc khủng bố, đàn áp qui mô, tái lập trật tự, thu vét số thuế thiếu, kiểm soát đám dân xiêu bạt sống ngoài vòng pháp luật. Ông giáo sắp trở thành nạn nhân của cuộc khủng bố thị uy ấy.