Phần I: Về An Thái
Chương 16

Lợi và Lãng được phép về Tây Sơn thượng thăm nhà chưa được mấy ngày, thì toán ngựa thồ chở lúa lên Tây Sơn thượng mang theo lời nhắn của ông cả bảo Lợi xuống gấp. Họ cũng mang theo một lá thư ngắn lời lẽ khá trân trọng, mời ông giáo xuống gấp gặp ông cả để bàn một việc rất quan hệ.
Lợi phải bỏ ý định mua măng le chở xuống đồng bằng đổi mắm và hàng hóa, để ngoài việc góp thêm vào quỹ chung còn kiếm riêng cho mình món tiền nhỏ. Anh cần tiền hơn lúc nào hết, càng có nhiều tiền, càng tốt. Quà cáp cho các bà, đãi đằng những "nhân vật quan trọng", và giờ đây lại thêm những món quà cho An. Lệnh của ông cả làm tiêu tan bao nhiêu tính toán, cho nên dù lời nhắn khẩn cấp, Lợi vẫn nấn ná ở thêm một ngày nữa. Cái cớ là ngựa mệt không đủ sức leo đèo.
Cả buổi chiều và buổi tối trước hôm khởi hành, Lợi cứ lân la quanh An. Nhà chật chội, vẻ lăng xăng của Lợi quấy động sự yên tĩnh và trật tự trong gian nhà nhỏ, va chạm thói quen của hai cha con ông giáo. Lợi không tinh ý, cứ tưởng những câu bông đùa hời hợt của mình thật cần thiết, có thể giúp An quên nỗi lo lắng cho cha già và giảm bớt những buồn rầu hoang mang thường có trước các cuộc giã biệt.
Khó chịu vì Lợi nhất, là Lãng. Cậu cứ đợi mãi cơ hội thuận tiện để thưa với cha ý định của mình, cái ý định cậu chỉ dè dặt nghĩ ra trước lúc về nhà, nhưng đến Tây Sơn thượng gặp chị và cha xong, cậu càng cương quyết thực hiện cho bằng được. Lãng chờ cả buổi chiều: không có lúc nào Lãng được ngồi nói chuyện riêng với cha! Lúc nào cái anh chàng bắng nhắng cũng chen vào chuyện nhà ông giáo như một "người nhà". Mãi buổi tối, sau khi ăn cơm xong, một nghĩa quân trong đoàn ngựa thồ tìm hỏi Lợi chút việc, anh chàng bắng nhắng vội lên trại gặp thủ kho, Lãng mới thở phào nhẹ nhõm. Cậu lấy bạo đứng gần cha, rụt rè mở lời:
- Chắc mai cha đi sớm.
Ông giáo ngước lên nhìn con, bảo:
- Được. Con cứ đi ngủ trước, khỏi lo cho cha. Hơn một năm nay rồi, không tài nào cha nhắm mắt được trước giờ tý.
Lãng biết cha hiểu lầm câu nói của mình, lúng túng cải chính:
- Con chưa buồn ngủ. Con định thưa với cha...
Nói đến đấy, bao nhiêu can đảm của Lãng bỗng tiêu tan hết, Lãng không dám nói tiếp ý định. Ông giáo chờ mãi chưa thấy con nói gì, ngạc nhiên hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Lãng không có lối lùi nữa. Cậu hít một hơi dài, rồi nói thật mau, sợ chính mình đổi ý:
- Con không muốn xuống dưới đó nữa.
Ông giáo vội hỏi:
- Con nói gì vậy?
Lãng nhắc lại, từng tiếng rõ và chậm:
- Con xin cha cho ở lại nhà. Con không muốn xuống núi nữa.
Ông giáo nhìn chăm chăm vào mắt con, tìm ở đó dấu hiệu của yếu đuối, nhát sợ. Hơi thất vọng, ông hỏi:
- Tại sao thế! Chính con tự nguyện xin đi, rồi bây giờ lại xin không đi nữa? Bạn bè con sẽ nghĩ thế nào? Con không sợ bị xem là một đứa hèn nhát hay sao?
Lãng muốn thuật hết cho cha nghe những kinh nghiệm của mình trong hai tháng qua, những suy nghĩ của cậu về bạo lực. Cậu đã rút được một số điều mà cậu cho là chân lý, một số mặt trái của đời sống mà cậu không thể nào thỏa hiệp được, chỉ còn một lối duy nhất là dứt khoát trở về với gia đình, tránh né những đổ vỡ sắp đến của nếp sống bất đắc dĩ. Nhưng làm sao Lãng có thể giãi bày tất cả sự phức tạp mông lung đó cho cha. Lãng ậm ừ mãi chưa nói được ra lời. Ông giáo càng cho định kiến của mình là đúng, khuyên lơn con:
- Con hãy nghĩ lại đi. Mấy ngày nay, con xem trên này có còn thanh niên nào không? Trừ đàn bà, con nít và người lớn tuổi, tất cả trai tráng đều tham gia việc quân. Ngay đến công việc nương rẫy vất vả bây giờ cũng giao lại cho các bà mẹ và lũ trẻ mới lớn. Chị con đứng ra điều khiển một toán làm rẫy, da đến cháy nắng như con thấy đấy. Cha đã già rồi cũng kiêm một lúc hai ba việc. Con đòi ở lại ư? Chỗ của con sẽ là chỗ nào? Đám đàn bà con gái nhìn con ra sao? Cách đây hai tháng, cha không muốn con đi. Con yếu sức quá cha sợ con không kham nổi sương gió. Bây giờ mọi sự đã đổi khác. Con có thấy điều đó không?
Lãng lắng nghe lời cha. Cậu cảm thấy vô vọng và cô đơn. Cậu tự hỏi: Những điều ta nghĩ khác thường lắm sao? Thế nào mới là bình thường? Thế nào mới là lẽ phải? Cậu xúc động mãnh liệt, hai thái dương lại tê dại và máu căng dưới làn da cậu. Lãng thưa với cha những điều thoạt hiện trong óc cậu, quên bớt sự dè dặt:
- Con không biết nói sao cho cha hiểu lòng con. Cả nhà từ anh Chinh cho đến chị An đều xem con là một đứa hèn yếu. Dưới đó họ gọi con là "thằng vô tích sự". Chắc cha cũng nghĩ như thế. Làm sao cho cha hiểu lòng con đây! Con yếu sức hơn các anh chị. Con xin nhận điều đó. Con lúc nào cũng nhờ các anh chị bảo bọc giúp đỡ mới làm nổi công việc, dù là việc nhỏ nhất, nhẹ nhất. Tuy vậy, con tự biết con không yếu đuối. Những cái mọi người cho là mạnh bạo can đảm, con chỉ thấy sự cộc cằn, tàn bạo, thô lỗ, nông nổi. Con thà làm một thằng con trai hèn nhát còn hơn được gan dạ theo kiểu đó. Và con cho như vậy mới là mạnh bạo, dám dứt khoát với những gì không hợp với bản tính.
Ông giáo khá ngỡ ngàng trước lời bộc bạch khác thường của đứa con út. Ông thấy con mình đã trưởng thành sau hai tháng vào đời. Có điều ông tiếc, là cái giọng chán chường hoài nghi đến sớm của Lãng. Con ông mới 18 tuổi, và ôn lại quá khứ, ông giáo nhớ rằng phải đến tuổi 40, các va vấp chồng chất mới đủ khiến ông bắt đầu hoài nghi. Ông có thể khuyên Lãng được gì đây? Nó đã trải qua những kinh nghiệm nào? Ông không có thì giờ để hỏi cho cặn kẽ nữa. Ông giáo chỉ đưa ra nhận xét:
- Con già trước tuổi rồi, Lãng. Đó là dấu hiệu yếu đuối. Con chưa thấy hết mọi mặt của đời sống đâu. Có thì giờ cha sẽ nói chuyện với con nhiều hơn. Cha không ép con sống trái ý mình. Con muốn quyết định thế nào tùy ý. Con nghĩ cho kỹ trước khi trả lời: Mai con đi với cha hay ở lại?
Lãng cúi đầu suy nghĩ thật lâu, rồi đáp:
- Con xin ở lại.
Ông giáo thất vọng, nhưng đành nói:
- Được rồi. Cha sẽ tìm cách nói với ông cả. Trong lúc cha vắng nhà, con ráng giúp đỡ cho chị, gánh bớt một phần việc nương rẫy. Cậu Hai Nhiều khó tính, con đừng cứng cổ, cứng đầu như thằng Chinh trước kia mà sinh chuyện. Nay cậu ấy được giao trông coi tất cả chuyện nương rẫy. Cha tiếc lắm. Con không đi với cha. Nhưng thôi, thế cũng ổn.
°

*

Trong cái lán khá rộng và cao dành làm nơi bàn luận của ban tham mưu, quây quần đầy đủ những nhân vật quan trọng: ông cả, Huệ, Chỉ, Năm Ngạn, Bùi Văn Nhật, Tuyết... Ông giáo và Lợi xuống trễ, đến chỗ họp thấy cuộc bàn luận đang dở dang. Nhạc vội đứng dậy, ân cần mời ông giáo ngồi xuống chiếu ngay cạnh mình, rồi hất đầu ra dấu bảo Lợi tìm chỗ ngồi đâu đó để mau chóng tiếp tục cuộc họp. Bên phải ông giáo là Chỉ tên thầy cúng. Nhạc chờ cho mọi người yên lặng, mới nói:
- Các ông đừng tưởng chúng nó mạnh. Hai tháng nay chúng ta tung hoành khắp vùng cận sơn hai phủ Qui Nhơn và Phú Yên, phá kho thóc, đốt sổ thuế, bắt hết bọn hào lý mà chúng dám làm gì đâu! Áo mão xe ngựa ghê gớm lắm, nhưng gặp bọn chân đất chúng ta, chúng chạy như vịt. Hôm qua ta gặp lại thằng Đốc trưng Đằng. Quân lính hộ vệ đâu có ít. Ta bảo nộp hết giấy tờ, tiền bạc thì được tha mạng. Nó dùng dằng. Ta cho một nhát vào vai thằng Đốc trưng. Các ông nghĩ coi, đáng lý bọn lính phải xông vào cứu chủ, vì bên ta có nhiều nhõi gì! Nhưng không, quan quân một lũ vất hết giấy tờ tiền bạc, vắt giò lên cổ mà trốn. Các ông đừng quanh co chối tội, bảo vì quân triều mạnh mà không làm được việc. Phải nói thực! Vì sao gần đây tình hình trở nên bất lợi? Tại sao các đội cứ thua hoài vậy?
Cả chiếu hội đều im phăng phắc, không ai dám nói gì. Giọng của Nhạc nghiêm khắc, đầy phẫn nộ. Chờ mãi không ai lên tiếng, Nhạc chỉ Tuyết hỏi:
- Thế nào, ông Tuyết? Hôm nay đội ông thiệt hết bao nhiêu? Mấy chết? Mấy bị thương?
Tuyết rụt rè đáp:
- Dạ có nhiều hơn hôm qua. Tại vì... tại vì...
- Vì sao?
- Không hiểu vì sao gần đây họ chống cự lại mạnh mẽ hơn.
- Các ông vỗ ngực xưng là hảo hớn, muốn vào là vào muốn ra là ra. Thế sao hôm nay thiệt hại bấy nhiêu người mà không vào được?
- Có lẽ chúng nó đưa quân phủ giúp đỡ.
- Lại quân phủ! Không có quân phủ nào hết, tôi nhắc lại cho ông rõ. Chỉ có dân làng thôi! Khi tôi dẫn quân vào, thấy hầm hào họ đào kiên cố lắm. Chòi canh nào cũng có hàng bó tên lớn, bắn cả ngày không hết. Các ông nghĩ mà xem, tái sao họ liều chết chống cự chúng ta?
Huệ nói:
- Vì một số nhỏ trong chúng ta quen thói cũ, phá phách nhà cửa, lấy cắp của dân làng. Đã có nhiều vụ đốt nhà bừa bãi. Dân người ta sợ, liều chết chống cự may ra còn bảo vệ được làng xóm và con cái mình. Nếu ta cư xử với họ như một bọn cướp, thì họ chỉ còn một con đường sống là liều chết tự vệ mà thôi.
Bùi Văn Nhật vội nói:
- Không phải thế. Chính bọn nhà giàu xúi giục người ta chống cự. Ta đến, họ giả vờ sợ hãi vâng dạ. Ta đi, họ liền đe dọa các người nghèo làm thuê, cày mướn trên đất họ để sống. Nhiều khi ta chia của nhà giàu cho dân đói rách, họ sợ không dám nhận. Tôi có bắt được mấy tên chuyên xúi giục dân chống cự ta. Kêu chúng tra hỏi, sẽ rõ hết.
Nhạc gật đầu nói:
- Được. Dẫn chúng vào hỏi xem!
Nhật đứng dậy ra khỏi lán. Trong khi chờ đợi, Nhạc quay hỏi Lợi:
- Chú đã xem lại kho lương chưa?
Lợi thành thực đáp:
- Dạ thưa chưa!
Nhạc nghiêm giọng nói:
- Đáng lý chú phải xuống ngay. Báo động rồi đấy. Chỉ còn đủ ba ngày nữa thôi. Mấy ngày nay ta bị chống cự mạnh mẽ, các kho thóc thuế không tịch thu được. Chú xem cách lo liệu gấp đi!
Nhật dẫn vào một người đàn ông nhỏ thó, ăn mặc rách rưới và ốm yếu. Ông ta run rẩy, sợ hãi như sắp phải bị xử chém, đôi mắt lơ láo nhìn khắp mọi người trên chiếu họp cầu khẩn van lơn. Nhật vừa đẩy vai cho người tù binh tiến gần về phía ông cả, thì hắn đã sụp xuống lạy như tế sao, vừa lạy vừa rên rư rử kể lể những gì không ai nghe rõ. Nhạc quát:
- Quì yên đó.
Người tù binh vâng lời, không đủ sức quì thẳng lưng nên chống hai tay đang run xuống đất, mặt cúi gằm để tránh cái nhìn giận dữ của Nhạc. Nhạc lại ra lệnh:
- Ngửng đầu lên coi! Như cái máy, người tù binh vội ngửng mặt lên, cố giữ cho lưng thật thẳng, trấn áp run rẩy bằng cách vòng tay thật chặt trước ngực. Nhạc hỏi:
- Mày đã biết tội chưa?
Người tù binh rên rỉ đáp:
- Dạ con biết tội rồi. Trăm lạy các ngài ngàn lạy các ngài, tha chết cho con về nuôi vợ con...
Nhạc cắt lời:
- Thôi. Nói cho gọn và rõ: tội của mày là gì, khai đi.
- Dạ con lỡ lầm đem giấu sổ thuế, con dại dột xin các ngài...
Nhạc hỏi Nhật:
- Nó cung khai đúng không?
Nhật đáp:
- Dạ đúng. Chúng tôi bắt quả tang bắn đang đem tập sổ thuế giấu vào chái sau đình làng. Hắn không ngờ chúng tôi tấn công tập hậu. Lúc đầu hắn chối. Nhưng khi rạch áo, thấy hắn còn giấu một cuốn vào thắt lưng.
Tên tù binh lại phục xuống lạy:
- Trăm lạy các ngài con lỡ dại, xin tha chết cho con về nuôi vợ nuôi con.
Nhật quát:
- Đừng xoen xoét cái mồm nữa. Ai sai mày đi giấu sổ thuế?
- Dạ không có ai sai con cả.
- Mày nói dối. Có phải bọn nhà giàu sai mày không? Hay là bọn hào mục? Ai sai, phải khai ra.
- Dạ, con không dám nói dối với các ngài. Quả thật không ai sai con cả. Con chợt nghĩ dại, nên làm bậy.
Huệ xen vào hỏi:
- Anh nghĩ cái gì mà đem giấu sổ thuế?
Người tù binh vừa rên vừa trả lời:
- Con nghĩ dại dột là lỡ các ngài đốt sổ thuế đi, một mai quan phủ lại đến đòi, thì lấy giấy tờ đâu làm chứng là con đã nộp thuế rồi. Gia đình con đông miệng ăn, phải nhịn một bữa cơm mới đủ đóng thuế. Sổ thuế cháy rồi, lại đòi nữa thì con lấy gì để nộp.
Tất cả mọi người trên chiếu họp đều lặng người vì lời khai của người tù binh. Họ hoàn toàn tin ở lời khai. Có điều từ Nhạc cho đến ông giáo lấy làm lạ là tại sao một sự thực đơn giản như thế mà từ lâu, không ai nghĩ ra cả. Đốt sổ thuế là hợp lòng người, nhưng sau giây phút hào hứng, phải có những lo âu vu vơ nhưng có thật: kẻ đóng thuế xong lo mất hết chứng từ thanh toán sẽ có hại về sau nếu quân triều trở lại. Kẻ nợ thuế sợ sẽ phải trả một số nợ lớn hơn nợ ghi bằng giấy trắng mực đen, do lòng tham của kẻ thu thuế và sự hách dịch của bọn chức sắc.
Người tù binh điếng người khi thấy cả phòng im lặng. Đột nhiên, anh ta nức lên khóc. Nhạc ra lệnh:
- Được rồi. Dẫn hắn về trại giam.
Nhật dẫn người tù binh đi. Anh ta yên trí sắp đến chỗ xử chém, co rúm người lại, mếu máo không chịu bước tới. Nhạc phải nói thêm:
- Không sao đâu. Anh khai thành thật như vậy, khá lắm. Ta tha tội chết cho.
Chưa kịp biểu lộ sự mừng rỡ, người tù binh đã bị Nhật đẩy ra khỏi cửa. Nhạc suy nghĩ một lúc, rồi nói:
- Họ chưa tin chúng ta bảo vệ được họ, lo cái ngày quân triều trở lại.
Lại có tiếng chân người đến gần chiếu họp. Nhật dẫn thêm một tù binh khác, dáng người cao lớn nhưng cách ăn mặc thì quá rách rưới. Thân thể khá đẫy đà, mập mạp không phù hợp với cách ăn mặc chút nào, khiến mọi người nhận ra ngay điều gì giả tạo, man trá nơi người tù binh.
Nhật bắt anh quì, rồi nói với Nhạc:
- Tên này bị bắt quả tang đang giấu của cải. Quần áo này không phải của hắn. Bộ quần áo lành hắn cởi ra, đem giấu ra vườn rau với cái nồi đồng và cái cơi trầu bằng thau.
Nhạc hỏi:
- Mày có mấy mẫu ruộng, mấy cặp trâu?
Người tù binh ít nói và có vẻ gan dạ đáp chậm:
- Dạ tôi không có đất, cũng không có trâu.
- Vậy có cái gì?
- Dạ chỉ có cái rựa với cái cuốc.
Nhạc cười gằn:
- Đến phút này mà còn bông đùa được, khá lắm!
Người tù binh nói:
- Tôi nói thật. Gia đình tôi nghèo, không có đất. Nhưng anh em tôi đều khỏe mạnh. Chúng tôi phá rừng làm rẫy, được gì thì hưởng trọn khỏi trả cho chủ đất nên không đến nỗi đói.
Nhật giận quá, nói:
- Mày gian dối. Nếu nghèo, mày sợ gì mà phải cố mặc áo rách, cố đem giấu quần áo, đồ đạc đi?
Người tù binh đáp:
- Tôi nghe các ông thường lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Tôi là dân nghèo, tôi vui mừng lắm. Nhưng làm sao phân biệt được giàu với nghèo? Ai sẽ bị tịch thu của cải, và ai sẽ được phân chia của cải? Nhờ mùa trước bắp và đậu rẫy tôi tốt, tôi mới may được cho anh em tôi mỗi người một bộ quần áo lành vải chàm. Tôi mua cho mẹ tôi cái nồi đồng, cái cơi trầu và sắm vài thứ khác. Thế là tôi có vẻ giàu rồi. Tôi sợ bị xem là nhà giàu. Cho nên thấy các ông đến, nhiều người vội vã giấu của cải, mặc quần áo rách vào, không phải để được chia của nhà giàu, mà để khỏi bị xem là giàu.
Chỉ mỉa mai:
- Mày lý sự khá lắm, không sợ chết hả!
Nhạc hậm hực:
- Tụi tao còn bắt được nhiều đứa khác. Mày nói dối không êm đâu. Sẽ có nhiều người khai thực mày là ai, giàu hay nghèo.
Nhạc không muốn nghe chuyện đôi co, ra lệnh:
- Thôiu được rồi. Dẫn hắn đi.
Nhật lại dẫn người tù binh ra cửa.
Nhạc nhìn quanh rồi hỏi:
- Ý các ông thế nào?
Đa số chưa hiểu ý Nhạc nên không biết trả lời ra sao, người nay liếc người kia thầm giục nói trước. Huệ nói:
- Rõ ràng dân chúng chưa tin chúng ta. Không phải lỗi của họ. Ta đốt quách sổ thuế xí xóa nợ nần cho họ, họ không mừng. Chia của cải họ không dám nhận, hoặc nhận xong hôm sau lại đem trả cho nhà giàu. Vì sao vậy? Vì họ nghĩ ta không khác bao nhiêu với bọn cướp đêm lẫn bọn cướp ngày. Ta cũng dùng giáo mác cung tên lùa họ ra sân đình, ngọn đuốc hờm sẵn để châm vào nhà họ. Nhiều người xấu trong chúng ta cũng giở thói cướp bóc, sàm sỡ với phụ nữ y như bọn ôn dịch dưới phủ. Chắc chắn dân chúng nghĩ thế này: "Tưởng gì! Cá mè một lứa mà thôi. Bọn cướp ngày trước kia uy thế vững bền mấy trăm năm, còn bọn cướp này sức được bao nả. Phải dè dặt thận trọng, không thì về sau lại khổ". Cho nên, khi nào chúng ta còn cư xử như những tên du thủ du thực, khi nào trong đội ngũ còn những tên cướp bó, hiếu sát, lúc đó dân chúng còn thận trọng, xa lánh với ta. Họ chưa tin, vì quả thực chính chúng ta có gì cho họ tin.
Chỉ liếc về phía ông giáo, cười mỉm, rồi nói:
- Có phải chú Tám (Huệ) muốn quăng hết gươm giáo, đem sách nho ra giảng cho chúng nó mở cổng làng ra không? Chú muốn lập những toán quân thuộc làu Thi Thư, đội khăn sửa áo tề chỉnh trước khi ra trận phải không? Nói nhân nghĩa cho chúng nó qui thuận mình chứ gì? Sẵn có ông giáo ở đây, ta còn đợi gì nữa! Phải thế không thầy giáo?
Mọi người nhìn cả về phía ông giáo. Không thể tránh được, ông giáo nói:
- Bác dạy quá lời, bác Chỉ ạ! Tôi già yếu lẩm cẩm, không giúp gì cho đại cuộc đâu. Thi Thư Nhân Nghĩa có vẻ phù phiếm thật đấy, nhưng thiếu nó thì không biết bước vào đâu, vì nó là cái nền của mọi sự. Xưa nay ai phất cờ mà không vin vào điều nhân nghĩa. Chính bác cũng đã đề xướng lên "ý trời" kia mà! Ý trời là cái gì, nếu không phải là mong ước cho người người thương yêu nhau, vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, con cái có hiếu với cha mẹ, vợ chồng lấy nghĩa mà sống với nhau, trên thuận dưới hòa.
Nhạc thấy không khí căng thẳng, vội bảo:
- Bàn chuyện lâu dài thì không biết bao giờ mới hết. Hôm nay ta nên chú ý đến chuyện trước mắt. Tình hình như vậy, ta phải làm gì. Ông Năm Ngạn, ý ông thế nào?
Năm Ngạn nói:
- Ý tôi ấy à? Tính con người ta lạ lắm, không chịu nhẹ đâu. Đừng hòng dùng lời dịu ngọt mà nói lọt tai họ. Chỉ khi nào gươm kề cổ họ mới chịu khuất phục vâng lời. Coi chừng gươm của ta chưa đủ bén đấy.
Tuyết vui mừng nói:
- Tôi cũng nghĩ thế. Dân họ còn do dự, vì ta còn nhẹ tay quá. Còn nếu chúng nó chống lại, thì không còn cách nào khác hơn. Chỉ còn cách này.
Tuyết đưa bàn tay lên, chém nghiêng vào khoảng không.
Nhạc cười lớn, bảo mọi người:
- Tuyết nói hợp ý tôi. Chỉ còn cách này thôi!
°

*

Khi mọi người bắt đầu đứng dậy ra khỏi phòng họp, Nhạc giữ ông giáo lại. Ông cả thấy nét mặt ông giáo dàu dàu, muốn giải thích rõ hơn tình thế bắt buộc phải dùng các biện pháp mạnh. Ông giáo chỉ gật gù cho qua chuyện mà không nói gì. Nét mặt ông cũng không thay đổi.
Thấy thế, ông cả bông đùa:
- Nghe nói thầy có chuyện vui, phải không?
Ông giáo ngạc nhiên hỏi lại:
- Chuyện vui gì thế?
Nhạc nhận ra bông đùa lúc này không đúng lúc, nên nói lảng đi:
- Ôi! Chúng nó buồn không biết làm gì, đặt ra đủ thứ chuyện để kháo với nhau. Thầy về nghỉ nhé. Chắc đi đường vất vả lắm!
Ông giáo nói:
- Vâng, khá vất vả. Tôi có đi xa mới biết sức đã yếu.
Trong lúc đó một đám trai tráng đang vây quanh Lợi ở trước lán. Ngạnh, người lâu nay vẫn phụ việc cho Lợi trách:
- Anh không xuống, báo hại tôi quýnh không biết xoay sở ra sao. Nhưng nghe được chuyện anh, tôi hiểu. Ở trên đó như vậy là còn ít. Trường hợp tôi, tôi ở lại luôn. Trời gầm cũng không xuống đâu!
Một người khác nói:
- Ông đò tinh mắt thật, kén rể như vậy mới là người sành đời.
Lợi giả vờ nổi giận:
- Ô hay! Tụi bây nói quàng xiên gì vậy! Đứa nào đặt điều? Nói ngay!
Cả bọn cười ồ. Một người nói:
- Trông anh Lợi hôm nay linh lợi hết sức!
Một người khác bảo:
- Khéo nói chưa! Không linh lợi mà được chọn! Chẳng lẽ thầy giáo chọn một đứa đần độn dớ dẩn như mày!
Lại cười đùa vang cả đêm đen. Lợi cải chính:
- Đừng nói bậy, thầy giáo nghe được, giận chết! Chưa có chuyện gì đâu.Chỉ là chuyện hão của mấy thằng mách lẻo thôi. Mà nếu có chuyện gì thì cũng còn lâu lắm.
Có người hỏi:
- Lâu đến đâu? Phải cho chúng tôi biết để chuẩn bị rượu chứ?
Lợi nói:
- Có gì đâu mà sắp sửa rượu chè!
- Lại chối! Chuyện rành rành ra đó.
- Cái gì mà rành rành?
- Chứ không phải anh mua sắm đủ thứ để xin gửi rể à? Nào vàng hương, nào kim châm, mộc nhĩ, nào kim chỉ... Toàn là hàng Tàu cả. Anh tưởng chúng tôi mù cả chắc!
- Chuyện! Giỗ mẹ người ta kia mà!
- Giỗ mẹ! Sao lại giỗ ngay tại nhà đàng gái?
- Nhà gái! Nhà gái nào?
- Thôi ông ơi! Nói quanh co mãi. Làm như ngu ngơ không biết gì ráo! Nhìn cái mặt hớn hở của ông, chúng tôi hiểu liền. Suỵt, có anh Huệ tới kia kìa!
Huệ đi ngang đám trai tráng, nhìn thấy Lợi, hơi dùng dằng muốn hỏi điều gì, nhưng sau đó lại tiếp tục bước về phía dốc.
°

*

Ông giáo băn khoăn không hiểu ông cả mời ông xuống đây để làm gì? Suốt một tuần lễ nay, Nhạc có vẻ bận bịu không có thì giờ nói chuyện với ông. Riêng ông giáo vì tự trọng, không bao giờ tìm cách gặp Nhạc. Trong thời gian ấy, ông cứ thắc mắc hoài về ý định của ông cả.
Nhạc mời ông xuống đây làm gì?
Để làm trò cười cho bọn thầy cúng và bọn vô lại lao nhao thường xuyên bao quanh Nhạc, bọn xem ông như rác rến dập dềnh của một thứ đạo đức khô cằn, lỗi thời đến đáng ghét? Để chứng minh cho ông giáo thấy sự lẩm cẩm của ông, vì ông cứ nằng nặc đòi phải phò hoàng tôn Dương thì mới giữ được sự tiếp nối và chuyển tiếp cần thiết của lịch sử?
Hoặc để trên Tây Sơn thượng người ta có cơ hội tước hết quyền hành của ông, dồn trách nhiệm coi sóc Tây Sơn thượng cho một tay chân ngoan ngoãn? Dù nghĩ thế nào, ông giáo vẫn thấy vị đắng cay nơi đầu lưỡi. Ông lầm lì trong gian nhà khách người ta dành cho ông, ơ hờ hưởng thụ những tiện nghi và ân cần. Chinh có đến thăm cha, nhưng vẻ rầu rĩ của ông giáo khiến Chinh e ngại, tưởng cha đã nghe hết những trò chơi mới mà Chinh bị lôi cuốn tham dự. Cho nên sau hai lần cha con nói chuyện với nhau một cách gượng gạo, rời rạc, ông giáo không thấy Chinh đến thăm đều mỗi tối như trước. Một lần vào đêm mưa giông, Huệ có đến thăm thầy. Nhạc lại gửi em đem biếu ông giáo một gói trà. Ông giáo vui mừng vì còn được người hiểu mình, sửa mình chuẩn bị cho một cuộc đối thoại thú vị. Nhưng đêm hôm ấy, Huệ có vẻ lơ đãng, như đang nghĩ một chuyện quan trọng lắm mà không tiện chia sẻ nỗi lo âu với thầy. Ông giáo hỏi Huệ:
-Anh bị bệnh à?
Huệ đáp:
- Thưa không.
- Tại sao anh mất cả thần sắc. Tình hình thế nào?
- Dạ, không được tốt. Hôm nay phải chôn những người bị chết dưới đồng. Không thể mang hết về tận trên này được!
- Thiệt hại nặng đến thế ư?
- Dạ.
- Vì sao vậy?
- Nhất định không phải vì mình còn nhẹ tay như "người ta" nói đêm ấy. Ông Tuyết chọn toàn dân bậm trợn được quen thân từ trước. Thế mà mãi đến gần tối mới vào được. Chỉ còn thì giờ châm lửa đốt hết rồi rút lui. Nhờ ánh lửa nhà cháy mới vùi được mấy cái xác gần mé rừng.
- Tất cả những trò bạo tàn đó đưa đến đâu? Để làm cái gì? Nếu cố tấn công vào chỉ để đốt sạch phá sạch, thì cần gì phải nhọc công thế! Chỉ việc bắn lửa vào là xong. Có ai đặt những câu hỏi ấy không?
Huệ buồn rầu đáp:
- Dạ không.- Anh có hỏi ông cả không?
- Dạ chưa.
- Tại sao vậy? Còn đội của anh thế nào?
- Không đến nỗi thế, nhưng không được như trước. Hiếu sát là một thứ ôn dịch, nó lan nhanh truyền nhanh đến nỗi không ai có thể được an toàn. Dù con cố giữ kỷ luật, vẫn có nhiều vụ phá phách giết chóc bừa bãi.
- Anh có tìm hiểu xem tại sao như vậy không?
- Các đội khác thì con không rõ. Riêng đội của con, phần lớn anh em đều trẻ cả. Những chuyện đáng tiếc đều do các mất mát đau xót ảnh hưởng. Khi một người bạn thân bị bên trong giết chết, thì người ta xem tất cả phía trước đều là kẻ thù. Máu đòi máu. Người ta say lên, không hiểu mình đang làm gì. Đó là chưa kể các oán thù có từ thời trước giữa làng xóm với nhau. Ai cũng thích về quê cũ để đòi các món nợ. Ngay chính con cũng vậy. Anh con cũng vậy. Con ước được trở về ngay Kiên Thành, đóng bản doanh trên nền nhà cháy và truy nã cho ra bọn đốt nhà trước kia.
- Chính vì vậy mà bên trong dân làng liều chết để chống cự. Cái vòng lẩn quẩn "giết - trả thù - giết" biết đến bao giờ mới hết. Cố phá rào để vào đốt sạch thì dân làng cũng cố giữ làng để bảo vệ nhà cửa, mạng sống. Ta liệu được bao nhiêu sức để chống cự với tất cả dân chúng hai phủ Qui Nhơn, Phú Yên?
Huệ giữ im lặng một lúc lâu, rồi hỏi:
- Sao hôm trước thầy không nói gì cả?
Ông giáo giận dữ đáp:
- Tôi nói thì đã đến đâu! Các ông ấy tin ở cái này (ông giáo giơ bàn tay lên giả làm lưỡi gươm chém xuống) hơn tin nhân nghĩa. Có phải ông cả gọi tôi xuống để làm trò cười cho bọn vô lại không"? Tên thầy cúng còn bày ra những thứ phù phép gì nữa?
Thấy thầy giận, Huệ không nói gì thêm. Hai thầy trò lặng lẽ nhìn nhau, không khí trong phòng nặng nề. Huệ muốn nói một điều gì đó cho không khí bớt căng thẳng. Anh chợt nghĩ đến một điều, nhưng lòng hồi hộp không dám hỏi. Không hỏi lúc này thì đến bao giờ mới biết sự thật? Mà hỏi làm sao đây? Mình có quyền gì xen vào chuyện gia đình người khác? Huệ lại liếc nhìn thầy, thấy ông giáo thổi mãi chén trà đã nguội. Anh dè dặt nói:
- Con nghe người ta bảo...
Nhưng không thể thốt hết lời. Ông giáo hỏi:
- Anh nói gì?
Huệ ngập ngừng, hỏi:
- Trên nhà vẫn được bình yên, thưa thầy?
- Vẫn thường. Lãng nó không chịu xuống nữa. Đành vậy. Mỗi người mỗi tính.
- Con thấy như vậy cũng được. Không thì chỉ còn một mình Am ở nhà. Độ này chắc An vẫn như xưa.
- Nó đảm lắm. Một mình lo chuyện công lẫn chuyện bếp núc. Da đen đi, nhưng sức khỏe khá hơn trước.
- Vừa rồi, con...
- Anh định về trên ấy ít bữa à? Hay quá bận việc quân?
- Con không rỗi. Vả lại bây giờ về ngại lắm!
Huệ tuyệt vọng vì sự nhút nhát của mình, xấu hổ đến đỏ mặt. Anh không thể biết rõ những điều muốn biết, lòng hoang mang, mặt bần thần. Anh chào ông giáo và trở lại chỗ đóng quân. Gió lạnh và sương phủ trắng xóa trên lối đi. Lần đầu tiên Huệ run trước cái giá rét của rừng và đêm mênh mông.
°

*

Cuộc họp vẫn diễn ra ở lán chính của trạm như lần trước, nhưng hôm đó không có Chỉ và Tuyết. Chỉ cáo bệnh, còn Tuyết thì bị một mũi tên cắm vào bắp vế, vết thương sưng tấy lên không đi được. Có lẽ nhờ thế mà không khí chung trên chiếu họp bớt găng, mọi người đều dùng những lời lẽ đơn giản, chân tình để hòa nhã thảo luận với nhau. Hơn nữa đây không phải là lúc tranh luận để chọn một giữa hai con đường. Cuộc họp trước đưa đến quyết định tận dụng bạo lực đàn áp để vượt khó khăn, mở rộng tầm ảnh hưởng sâu xuống đồng bằng. Qua hai tuần lễ dài dằng dặc vì đầy tang tóc và thất bại, đã đến lúc thành khẩn xét lại các lầm lạc để tự cứu. Môi miếng hoa hòe với nhau làm gì trong hoàn cảnh đó! Vì vậy, ngay từ đầu Nhạc đã nêu gương tốt về sự thành thực. Nhạc nói:
- Tôi đã lầm khi nghĩ phải mạnh tay để thu phục lòng người. Chúng ta gặp thất bại còn nhiều hơn trước, dân chúng sợ ta mà không phục ta, lánh xa vì không tin lời ta nói. Những việc họ vui mừng như được khỏi nộp thuế, được chia của cải, được tận mắt chứng kiến bọn hào lý thất thế tiu nghỉu v.v... càng ngày càng bớt tác dụng đi. Ngược lại, họ giấu sổ thuế, chôn của cải, liều chết bảo vệ làng còn mạnh mẽ hơn trước. Rõ ràng chúng ta, trước hết là tôi, đã lầm lẫn. Đã đến lúc phải nghĩ lại, tìm giải pháp đúng. Chúng ta phải làm gì đây?
Ông giáo xúc động vì sự thành thực hiếm có ấy, mạnh dạn nói ngay với Nhạc:
- Phải làm gì ư? Đừng biên dân chúng thành kẻ thù của ta. Như có một lần tôi hỏi anh Huệ: Sức ta bao nhiêu mà đòi chống với tất cả dân chúng hai phủ? Phải làm gì ư? Theo ý tôi, phải làm thế nào để giảm bớt đến mức tối thiểu số kẻ thù của ta. Có càng ít kẻ thù bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu! Như thế cũng có nghĩa là càng liên kết được nhiều bạn bè bao nhiêu, ta càng mạnh bấy nhiêu. Bạn bè ta nhiều, kẻ thù sẽ bị cô lập.
Nhạc vui vẻ nói:
- Thầy nghĩ rất đúng. Lực lượng ta còn nhỏ, phải liên lạc và cùng tấn công quân triều với các lực lượng khác. Họ không giống ta ở nhiều mặt. Bọn cướp biển Tập Đình, Lý Tài khác với ta quá nhiều, từ binh khí cho đến điều nhỏ nhặt như cách để tóc, cách mặc quần áo. Tuy vậy, chúng là bạn đường của ta. Nguyễn Thung và Huyền Khê chỉ là những thương gia, thổ hào, chỉ có chữ lợi thật to trước mắt. Nhưng không có họ ta còn gặp khó khăn lương thực nhiều hơn nữa. Châu Văn Tiếp ở Phú Yên muốn cạnh tranh nguồn hàng với ta. Giờ đây, hắn vẫn là bạn ta vì cũng không chịu cúi đầu qui phục bọn "ái nam ái nữ" ở tận Phú Xuân. Bạn bè của ta đông đúc, sức mạnh lớn. Tôi đã thấy điều đáng mừng ấy.
Ông giáo thấy Nhạc chưa nắm hết ý mình, giải thích thêm:
- Những người đó là kẻ khuấy rối chuyên nghiệp. Xã tắc có thể hơi lung lay vì chúng, nhưng an nguy là do số đông dân chúng hằng ngày cần cù làm ruộng làm nương, lúc biến cầm gươm giáo, gậy gộc giữ nước giữ làng. Chính cái số đông đảo này là cái đích ta phải nhắm thu phục. Bạn bè sống chết có nhau, phải tìm trong số đông đó, chứ không thể có bạn tốt trong đám vô lại chuyên nghiệp.
Nhật nhận thấy vắng Chỉ và tuyết, cái thế tranh luận của mình quá yếu. Do đó, ông chỉ dè dặt hỏi:
- Không dựa vào bọn có võ nghệ, tính khí ngang tàng, bạt mạng, dám xông pha vào nơi nguy hiểm, thì dựa vào đâu?
- Dĩ nhiên ta không xa lánh họ. Ta hợp tác với họ trong một số công việc, nhưng ta không đồng nhất với họ. Ta "hòa nhi bất đồng". Hễ họ còn là bạn thì ta quí họ. Tuy vậy tôi mạnh dạn nói với các ông là sự hợp tác kiểu đó không lâu bền đâu. Gặp nhau bằng điều lợi thì cũng thù ghét xa lánh nhau vì lợi. Thích chơi dao tất có ngày đứt tay. Vận động thu phục được lòng dân thì không còn gì khó khăn nữa.
Nhạc hỏi:
- Thu phục lòng dân? Bụng dạ họ nằm sâu bên trong, ta biết lòng họ ra sao mà thu phục? Còn nếu theo thói thường đem lúa ra chia cho dân nghèo đói, vãi tiền kẽm khắp chợ, thì ta lấy đâu ra bấy nhiêu thứ để mua bụng dạ mấy vạn người?
- Bụng dạ người dân không khó xét lắm đâu. Họ ước muốn gì? Họ chỉ ước được no đủ, lành lặn lâu dài. Muốn như vậy, đời sống phải được ổn định và an toàn. Sách xưa nói hễ an cư thì lạc nghiệp. Mà muốn ở yên thì cái nền ta bước lên trên mà đi phải yên. Các ông hãy nghĩ mà xem. Dân họ khổ sở, đói rách. Thâm tâm họ cũng muốn đổi quách cái đời này đi, ra sao thì ra miễn không phải những điều đang xảy ra trước mắt. Nhưng khi các biến động lớn dồn dập đến, làm lung lay đảo lộn mọi thứ, thì chính những người bất hạnh nhất cũng đâm sợ. Mấy trăm năm họ thờ chúa Nguyễn. Họ chịu sưu cao thuế nặng do nhà chúa đặt ra, họ oán ghét tay chân đắc lực của chúa là quốc phó Trương Phúc Loan. Đôi lúc quá quẫn bách, phẫn chí, họ muốn trời sập đè chết tất cả cho khỏi lo toan trăm đường. Chúa cũng chết mà vua cũng xong. Nhưng khi mình giương ngọn cờ "Trời và Đức Thượng Sư" lên, dân chúng nhất định đã ngỡ ngàng. Thế này thì không cho là chuyện nhỏ nữa rồi. Đức Thượng Sư nào đây? Họ gì? Ở đâu? Ông ấy có mạnh bằng tất cả dòng họ tay chân chúa Nguyễn hay không? Lỡ tin theo ông ấy mà lực lượng ông ấy yếu quá về sau sẽ ăn nói làm sao với quan phủ quan huyện? Cho nên phải tìm cách tôn phù một người nào đó trong nhà chúa, dựa vào đấy mà hô hào diệt trừ tên loạn thần tham lam, phản phúc, quỉ quyệt, bủn xỉn...
Huệ không nhịn được, vội hỏi:
- Có phải thầy muốn nói đến hoàng tôn Dương không?
Nhạc kinh ngạc:
- Hoàng tôn nào? Có phải cái thằng không...
Nhạc nhanh trí kịp dừng lại đúng lúc, liếc nhanh dò xem nét mặt ông giáo. Vẫn tươi cười như không có gì xúc phạm đến mình, ông giáo nói:
- Ông không phải dè dặt! Từ đầu ông đã muốn nói thẳng nói hết, thì ta cứ gọi hoàng tôn là "cái thằng không có cu" cũng được. Có cu hay không có cu ta chưa biết, nhưng hiện nay ta đang cần đến hoàng tôn. Trong thời gian quan quân ở kinh và các phủ, nhiều người khâm phục đức độ của hoàng tôn, họ còn đi xa hơn, dám nghĩ đúng ra ngôi vương phải thuộc về hoàng tôn. Tôn phù hoàng tôn, dân chúng sẽ bớt lo ngại, giới có học sẽ bớt lần khân, lưng chừng, bọn quan lại thêm hoang mang, nghi hoặc, bọn quân lính phải chùng tay. Lúc đó, ta có thêm nhiều bạn, nhiều người trước kia là kẻ thù không đội trời chung, bây giờ hóa ra vô hại lưng chừng. Ta thêm bạn bớt thù bằng lối đó, chứ không phải chỉ nhằm liên kết những kẻ quấy rối chuyên nghiệp.
Ông giáo dừng lại, chính ông ngạc nhiên chưa hiểu nhờ đâu ông có thể nói một mạch dễ dàng những điều phức tạp dễ gây hiểu lầm và tranh chấp như thế. Có lẽ nhờ cuộc họp thiếu mặt tên thầy cúng, ông giáo khỏi e ngại dấn sâu vào cuộc thị phi tầm thường. Nhạc suy nghĩ lung lắm, gương mặt trở nên khắc khổ hơn. Mọi người dồn mắt về phía Nhạc để chờ xem phản ứng của ông. Nhạc ngửng lên hỏi:
- Ý ông Nhật thế nào?
Nhật thành thực đáp:
- Tôi chưa kịp nghĩ đến.
Nhạc lại hỏi:
- Còn ý ông Năm?
Năm Ngạn hoang mang chưa biết Nhạc theo ý bên nào để vuốt đuôi, nên bối rối đáp:
- Theo tôi thì đưa ai ra cũng được. Miễn thực sự vẫn do ở mình!
Nhạc hất đầu hỏi em:
- Còn chú Huệ, ý chú thế nào? Chắc thầy trò phải tương đắc rồi!
Huệ không trả lời anh, mà quay sang hỏi ông giáo:
- Thưa thầy, lâu nay con nghe thầy nhắc nhiều đến hoàng tôn. Trong những người ngồi đây, chưa ai được biết hoàng tôn là ai cả, chỉ nghe đồn hoàng tôn có đức độ. Thầy đã ở kinh, đã dự vào việc lớn. Xin thầy cho biết hoàng tôn có thực xứng đáng để chúng ta tôn thờ hay không. Ý thầy muốn tôn phù hoàng tôn thực, hay chỉ xem như chiếc bè để qua sông thôi?
Ông giáo giật mình, không ngờ Huệ thấy tận tâm can của ông. Chính ông cũng chưa trả lời được câu hỏi ấy, từ bao đêm tự làm khổ mình vì cái chữ trung muôn hình vạn trạng, lúc thì như sợi dây buộc khe khắt không chút thương xót, lúc thì phóng khoáng mênh mông như gió ở đồng nội, sóng trên bể khơi. Trả lời rõ phía nào cũng không đúng với lòng ông, mà không trả lời rõ thì không thể được.
May mắn cho ông giáo, là những phân vân phức tạp tế nhị đó quá tầm của nhiều người trên chiếu họp. Nhiều người, kể cả Nhạc, đều cho Huệ cố tỏ ra có "suy nghĩ" độc đáo để bày hàng với thầy. Nhạc gạt đi:
- Thôi đừng lý luận dông dài nữa. Ta cứ thử làm theo ý thầy giáo xem sao. Ngọn cờ này không xong, ta lại giương cái khác. Khó quái gì! Quan hệ là ở chỗ ta thắng hay bại. Phải thế không anh em?