Căn hộ của gia đình Hà ở tận tầng ba một chung cư. Nhà Hà có bốn người: ba mẹ là cán bộ ngành Bưu điện, chị Hằng sau khi rớt đại học ra bán hàng mỹ phẩm ở chợ đã được ba bốn năm, Hà là con út còn đang đi học lớp mười. Năm nay Hà mười sáu tuổi, mẹ giao cho Hà vai trò “bếp chính”. Hà nấu ăn, ba luôn khen ngon (chắc là để động viên trình độ “nấu nướng” của Hà), mẹ khi khen, khi chê. Chị Hằng suốt ngày bán ở chợ, ăn cơm hàng. Đôi khi chị Hằng về sớm, dùng cơm với gia đình, luôn chê Hà nấu ăn dở ẹc. Tuy nhiên Hà biết chị chỉ đùa thôi, vì chị vừa chê vừa cười vừa nheo mắt với Hà ngầm bảo “Tao nói vậy mà không phải vậy”. Chị Hằng thường trêu Hà, nhưng thật ra chị “nể” Hà lắm, nhất là sau vụ Hà “cố vấn tâm lý” cho chị mà chị không nghe! Hà có thói quen mỗi buổi tối sau khi học bài xong thường lấy ghế ra bao lơn ngồi chơi ngắm trời ngắm đất. Từ chỗ ngồi của mình, Hà phát hiện được nhiều chi tiết của đời sống. Dịp Giáng sinh năm ngoái, con đường trước nhà Hà biến thành một tuyến đường đua xe gắn máy đủ loại. Đoàn xe đua càng về khuya càng đông và Hà đếm được họ lượn lên lượn xuống đường này đến ba mươi ba lượt. Lượt thứ hai mươi tám, có hai xe đụng nhau cách nhà Hà chừng hai trăm mét. Hôm sau Hà nghe nói vụ tai nạn đó có một người chết. Hà rùng mình nghĩ chẳng bao giờ Hà làm bạn với những người ham đua xe đường phố. Cơn vui bốc đồng của họ đã trả giá quá đắt. Từ chỗ ngồi này, Hà còn tìm được chi tiết để viết được một truyện ngăn ngắn đăng trên báo của tuổi tim tím. Có một cậu bé đánh giày khoảng mười hai tuổi, mỗi tối thường tụ tập cùng các bạn “đồng nghiệp” đánh bài ở lề đường đối diện nhà Hà. Một tối, đám đánh bạc tan, nhưng cậu bé không đi. Cậu ta ngồi thừ người ở đó rất lâu. Hà đoán có lẽ cậu bé đã thua bạc cạn túi. Mãi đến khi một người đàn bà ăn mặc lam lũ đến tìm cậu và sau một lúc trò chuyện, cậu bé mới quệt nước mắt đi theo bà ta. Sau hôm đó, cậu bé vẫn đi đánh giày, nhưng Hà không thấy cậu đánh bạc nữa. Có lẽ người đàn bà (mà Hà nghĩ là mẹ cậu bé) đã làm cho cậu biết nghĩ hơn. Hà thích ngồi ở bao lơn nhìn ngắm đời sống trôi qua mắt mình, học được từ đó những kinh nghiệm, những nhận định. Chị Hằng không hiểu Hà, trêu Hà là cô bé mộng mơ. Đôi lần chị Hằng ra ngồi chơi cùng với Hà. Được một lúc, chị kêu chán, bỏ vào đọc những tập san tình yêu dành cho bạn gái trẻ. Chị nói: “Tao không biết mày ngồi hàng giờ ở ngoài đó để nhìn gì. Phố xá lúc nào cũng thế, có gì lại đâu?”. Hà không nói gì, chỉ đưa chị tờ báo có đăng bài của Hà. Chị đọc xong, tròn mắt kêu: “Chà! Mày định làm văn sĩ à?! Làm văn sĩ thì đói… đói… đói… nghe em”. Hà cười đáp: “Em không định làm văn sĩ, chỉ viết chơi cho vui thôi”. Khi nói như vậy, Hà đồng thời nghĩ nếu ai cũng tán thành quan điểm của chị thì thế giới này không còn những nhà văn, nhà thơ. Và đời sống tinh thần của con người lúc ấy sẽ nghèo nàn biết bao! Chị Hằng không hiểu Hà, nhưng Hà hiểu chị lắm. Năm nay chị Hằng hai mươi ba tuổi mà vẫn chưa có một “gentlman” nào hỏi han gì đến! Hà biết chị Hằng trông có vẻ “tỉnh tỉnh” vậy chứ trong lòng đang rối lên. Hà nghĩ vậy vì để ý thấy cứ mỗi lần chị nhận được thiệp bạn mời dự đám cưới là chị thở dài thườn thượt theo cách “trông người mà ngẫm đến ta”. Chị lại ưu ái những tập san, chuyên san bạn gái trẻ, tình yêu và hạnh phúc lắm. Bằng chứng rõ rệt nhất là chị tươi tỉnh, phởn phơ hẳn lên khi có một chàng trai chạy xe theo chị “làm đuôi” từ chợ về nhà. Hai người quen nhau đâu chừng nửa tháng, chị Hằng bắt đầu đi chơi tối với anh. Những buổi tối ấy, Hà ngồi trên bao lơn nhìn xuống, thấy anh đưa chị về đến tận… lề đường, rồi phóng xe đi mất. Điều Hà lấy làm lạ là anh chưa bao giờ đặt chân lên căn hộ của nhà Hà cả. Không dưng Hà có cảm giác lo ngại giùm chị. Thái độ đó của anh có vẻ gì đó trái với lệ thường. Hà hỏi chị sao không mời anh ấy lên nhà chơi? Chị Hằng gắt “Anh ấy bận lắm”. Nửa tháng tiếp đó, quan hệ giữa chị Hằng và anh cũng vẫn vậy. Anh vẫn “không thèm” bước chân lên nhà Hà. Đến lúc này thì Hà ngại lắm rồi. Hà buộc lòng phải nói với chị Hằng: “Em thấy anh ấy có vẻ… kỳ kỳ! Chị phải cẩn thận đấy!”. Chị Hằng đỏ mặt lên, cốc đầu Hà nói: “Mày nhỏ, biết gì mà nói!”. Đó là chuyện hồi tháng mười năm ngoái. Chị Hằng chê Hà nhỏ, không hiểu chuyện người lớn, nhưng Hà đã nhận định trúng phóc. Anh bạn đó của chị là một người kỳ cục. Sau khi Hà cảnh giác chị Hằng vài hôm, anh ta biệt tích, không lui tới với chị Hằng nữa. Chị Hằng không nói gì với ai cả, nhưng Hà biết chị khóc lén mọi người, mắt hum húp đỏ. Chị Hằng bần thần gần nửa tháng. Rồi một tối, tự dưng chị ra bao lơn ngồi chơi với Hà. Hà không hỏi gì chị cả, mà chị tự nói: “Chị cắt đứt quan hệ với anh ấy rồi Hà ạ. Hà nói đúng. Anh ấy kỳ cục, sàm sỡ lắm!”. Hà nghe chị nói, vừa thương, vừa mừng cho chị. Vậy là may! Bây giờ thì chị Hằng không còn thắc mắc Hà ngồi ở bao lơn để làm gì nữa. Hà ngồi đó chơi, trông khơi khơi vậy chứ để ý từng chi tiết của đời sống. Bây giờ Hà không chỉ nhìn xuống đất mà còn nhìn lên trời nữa. Hà đang tập nhìn sao. Trong nền trời đêm chi chít những vì sao trên kia, Hà đã nhận ra được đâu là chòm sao Tiểu Hùng, đâu là sao Đại Hùng… Hà nhận ra chòm sao Thiên Hà, Thiên Nga và chòm sao phương Bắc… Ngoài những vì sao, Hà còn nhận ra đêm đêm trên sân thượng cao ốc cách chung cư Hà ở trăm mét cũng có một bóng người chăm chăm nhìn trời còn say mê gấp mấy Hà nữa. Giữa Hà và anh chỉ có một điều khác. Hà nhìn trời bằng mắt thường, còn anh ấy nhìn bằng kính thiên văn. Khi Hà kể phát hiện của Hà cho chị Hằng nghe, chị Hằng lắc đầu nói: “Một mình mày nhìn xuống đất tao đã không hiểu nổi, bây giờ lại có hai người nhìn trời đếm sao thì thật là lạ lùng, lạ lùng!”. Nửa tháng sau khi chị Hằng phát biểu cái câu có hai từ “lạ lùng, lạ lùng” đó, chị Hằng bị đụng xe. Trên đường chị Hằng từ chợ về đến nhà, xe chị đụng phải xe một thanh niên. Chị Hằng bị ngã trầy đầu gối, nhưng khi về nhà chị rất vui vẻ. Điều lạ lùng nhất đối với chị Hằng là người bị chị đụng xe lại là người đêm đêm ngắm sao bằng kính thiên văn. Hà nghĩ: “Họ hữu duyên thật!”. Dạo sau này, “người ngắm sao” ấy thường lên nhà Hà trò chuyện với chị Hằng vào buổi tối. Anh là một kỹ sư khí tượng thủy văn, rất đẹp trai và còn độc thân. Anh và chị Hằng trò chuyện có vẻ rất tương đắc. Giờ thì chị Hằng vui lắm. Tháng sau ba mẹ của anh ấy sẽ đến nhà “thưa chuyện” với ba mẹ Hà. Hà hỏi: “Thế bao giờ anh chị cưới?”. Chị Hằng đỏ mặt, cốc đầu Hà nói: “Mày nhỏ, biết gì mà hỏi?”. Hà biết chứ. Có lẽ rồi chị Hằng sẽ còn mê ngắm sao trời hơn cả Hà nữa.