Trường Nam có một cô giáo mới đổi tới sau Nam mấy ngày, cô giáo Quyên. Ngoài Nam và cô Quyên, các thầy khác tuổi từ năm mươi trở lên. Nhà Quyên ở Hội An, bố là công chức tòa tỉnh. Quyên có dáng rất quý phái, đôi guốc cao gót làm cho thân hình nàng uyển chuyển theo từng bước chân. Ðôi mắt Quyên rất sắc và nụ cười luôn luôn trên môi khi nói chuyện. Khuôn mặt hơi bầu, làn da trắng tự nhiên, Quyên có một vẻ đẹp thị thành trí thức, nhưng Nam thấy còn thiếu cái gì đó khi so sánh với Thảo. Những ngày cuối tuần Nam mới nhận ra tất cả nỗi buồn xa nhà. Ngôi trường rộng mênh mông càng mênh mông hoang vắng khi vắng bóng học trò. Ngoài Nam chỉ có anh cai trường bệnh tật. Nam cũng không hiểu sao anh ta lại được thuê mướn. Mỗi ngày, ít ra cũng đôi lần anh hú lên rất kinh hãi rồi vật người xuống giẫy đành đạch. Có khi mặt mũi bầm dập máu me thê thảm. Chứng kinh phong này không làm anh chết, chỉ một lúc anh lại tỉnh dậy đi làm việc như bình thường. Chiều thứ bảy là chiều buồn vô hạn. Buổi trưa đang đầy ắp tiếng cười nói của hàng trăm học sinh, tiếng thầy cô trò chuyện, bổng chốc, ngôi trường bị ném vào khoảng không yên lặng. Các thầy không ai là người địa phương, kẻ Hội An người Vĩnh Ðiện. Cuối tuần ai nấy về với gia đình, bỏ lại Nam với ngôi trường hiu quạnh. Nam không khỏi bâng khuâng nhớ nhà. Nam thấy mình cô đơn, Nam không thể tâm sự với anh cai trường. Thỉnh thoảng anh cai cũng hỏi thăm Nam: "Thầy buồng lắm hả". Nam cười mà không biết nói gì. Nam thường thả bộ lên ga Kỳ Lam cách trường chừng nửa cây số để ngắm đường tàu chạy dài hun hút rồi mất giữa núi rừng trùng điệp. Nam lẩm nhẩm lời thơ của thi sĩ Tế Hanh: Những ngày nghỉ học tôi thường đến, Ðón chuyến tàu đi tới những ga. Thực tình Nam có ai để đón. Nam thả hồn theo con tàu tưởng tượng để về với Thảo ở mãi bên kia, cách mấy chặng đèo. Hai tháng nay Nam không có lấy một lá thư. Thư đi, đi mãi, không một lần hồi âm. Nam chẳng hiểu chuyện gì ở nhà. Thư Nam gửi về, bà Nhiêu giữ lại chờ giao cho Thảo. Nhưng, từ ngày bà Ðàm nhập viện đến nay, Thảo về có một lần lúc đầu, rồi biệt tăm. Bà nghi Thảo không muốn trở lại nên không sai con đi tìm. Thư nhà viết cho Nam lại gởi về Ty Tiểu Học, mãi đến nay mới có người đưa lên trường. Ðược thư, Nam muốn về thăm nhà ngay nhưng trường đang thi Lục Cá Nguyệt, phải chờ xong mới có phép. Trong thời gian chờ đợi Nam cứ thơ thẩn vào ra. Ðầu óc bất định nên hay nhầm lẫn trong lúc chấm bài thi. Thầy Trí cười bảo Nam: - Dạo này anh Nam lãng dữ, chắc nhớ cô nào phải không. Nam tìm cách chống chế: - Dạ có ai đâu để nhớ bác. Thầy Môn cười bí mật: - Nhiều khi không nhớ người xa mà nhớ người gần cũng nên. Trong trường ai cũng tìm cách chọc Nam và Quyên, ngoại trừ thầy hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng đã một hai lần đưa Nam về nhà chơi, ông có mấy cô con gái lớn, một hôm ông hỏi nửa đùa nửa thật: - Anh Nam muốn làm rể tui không? Nam tỏ ra hứng chí nhưng viện lẽ thoái thác. Không ai hiểu rõ hoàn cảnh Nam. Quyên ngồi nghe các đồng nghiệp kháo nhau chỉ mỉm cười. Thầy Chất quay qua Quyên: - Cô Quyên giới thiệu cho anh Nam một người đi. Người đẹp tất quen người đẹp. - Dạ, em đâu biết ai... Thầy Môn hăm hở: - Ðược rồi, tôi sẽ giới thiệu cho anh Nam một cô, gần đây thôi, đẹp mà trẻ... - Ai? Nói đại đi. - Bí mật, để "điều nghiên" đã chứ. Giáo viên trong trường ăn cơm tháng nhà chị Ba ở phía bên kia đường. Tối, ai dạy lớp nào ngủ lớp nấy. Quyên được ở căn nhà dành cho hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng đặt ghế bố ngủ ngay trong văn phòng. Lớp Nam đối diện với phòng của Quyên. Nhiều đêm, Nam chong đèn đọc sách hoặc soạn bài, Quyên đến bên cửa sổ, vờ hỏi muợn một vài thứ lặt vặt để gợi chuyện. Bên ngoài trời tối đen, khuôn mặt Quyên hiện lên trong khung cửa trông thật liêu trai. Những lần như thế Nam chỉ trao đổi qua loa rồi thôi. Sợ tai vách mạch rừng. Không biết các thầy ở phòng bên cạnh thức hay ngủ. Nhưng dần dà, Nam thấy bình thường, có lúc Nam ngồi ghé lên thành cửa sổ, chuyện vãn sa đà. Nam lại mơ hồ thấy Quyên cũng có những nét hay hay, nhất là trí thông minh nhạy bén của Quyên trong lúc nói chuyện. Quyên có lối nói ẩn dụ thật khéo làm cho Nam như được vuốt ve tự ái vừa bị kích thích bản năng kẻ nam nhi. - Anh Nam trông giống Jeam Dean trong "Cuốn Theo Chiều Gió" ghê? - Cô làm như tôi là tài tử xi nê. - Không đúng sao? Anh có thấy Litz Taylor mê mệt vì cặp mắt của Jeam Dean trong lúc anh chàng cứ phớt lờ. - Thì chuyện phim ảnh nó phải vậy chứ ở đời làm gì có? - Vậy mà Quyên thấy có, anh có biết ai không? Nam bối rối chuyển ngay câu chuyện qua hướng khác. - Cô Quyên à, cô nghĩ gì về nghề nghiệp của mình? Quyên nhìn Nam trừng trừng rồi nói gọn lõn: - Thôi, Quyên về. Cuối tuần, Quyên về Hội an, sáng thứ hai trở lại trường. Chủ nhật này mới 4 giờ chiều đã thấy Quyên lên, Nam ngạc nhiên hỏi: - Giờ này cô Quyên đã lên? - Sáng thứ hai đi, phải dậy sớm, lụp chụp mệt lắm. - Cô nói đúng, lâu lâu nên về miền quê nghe ếch nhái tấu nhạc. - Anh Nam một mình trên này có buồn không? - Nói chuyện với cỏ cây thì vui sao được. - Ai biểu anh không thích nói chuyện với người. Nam cười: m tang em. Trong thời gian cu Phúc nằm viện, Thảo gặp Huy, bác sĩ mới ra trường. Huy tốt nghiệp Ðại Học Y Khoa Sài Gòn năm ngoái. Thảo làm ở khoa tim nhưng thường lui tới khoa phổi để trông chừng thằng bé. Huy biết điều đó nên hết lòng trong công việc của mình. Mỗi khi Thảo lên thăm cu Phúc đều gặp Huy. Vừa cùng ngành lại gặp nhau hàng ngày nên hai người thân nhau mau chóng. Huy đã tỏ dấu hiệu quí mến Thảo trên mức bình thường. Thảo thì thấy Huy quả là con người hoàn toàn. Huy cao lớn, khuôn mặt chữ điền, rắn rỏi thông minh và rất lịch thiệp. Huy có lối nói đưa đẩy mà người nghe không trách cứ được. Trái lại còn thích. Một hôm trong phòng ăn trưa tại bệnh viện, thấy Thảo ngồi riêng một bàn, Huy đã lấy thức ăn đến ngồi chung. Huy hỏi Thảo: - Thảo à, sau một thời gian làm việc, em có cảm tưởng gì về nghề của mình? - Thảo thấy thích, hàng ngày có cơ hội làm dịu nổi đau của người khác đó là niềm vui. - Anh cũng thế nhưng đôi khi không khỏi buồn. - Sao vậy Bác Sĩ? - Thảo khách sáo lắm. Chúng ta cùng nghề, hằng ngày gặp nhau nên xem nhau như người trong nhà...anh lớn tuổi làm anh là lẽ tự Nhiên. Trong tình anh em Thảo sẽ thấy công việc dễ dàng hơn, ấm áp hơn. Anh ghét lối làm việc kiểu cách quan quyền. Thảo hơi mỉm cười, lòng có chút xôn xao. Huy hạ giọng: - Em thấy có gì khó khăn không? - Dạ không, nhưng nơi công cộng e người ta dị nghị - Huy cười thông cảm: - Tất nhiên chúng ta ứng xử tùy lúc. Thảo nhắc lại câu Huy nói lúc nãy: - Anh nói đôi khi "không khỏi buồn", có phải vì bệnh nhân không biết điều? - Không đâu, nhưng mà thôi để khi khác. Càng ngày bác sỹ Huy càng tìm cách gần gũi cô y tá Thảo. Nhưng, Huy như một người tập lái xe, cho xe chạy vòng vòng chứ không dám chạy xa hơn. Thảo thì lúc nào cũng khiêm nhường giữ lễ của một người làm việc dưới quyền. Thỉnh thỏang có gợn lên chút giao động thì nàng vội nghĩ đến Nam, mọi việc lại đâu vào đấy. Bà Nhiêu lo ma chay cho thằng cu út xong thì Nam về. Cả nhà mừng vui trong nổi buồn. Mới chưa đầy mấy tuần lễ mà bao nhiêu việc xẩy ra. Sáng nay Nam và Thảo đi thăm mộ cu Phúc chôn sau đình Bãi Dâu. Thắp nhang và khấn vái hương linh em xong hai người đi ra phía bờ sông, chỗ cây lộc vừng già. - Ngồi đây một lúc đi em. Vừa ngồi xuống Nam đã siết cứng người Thảo tỏ nỗi nhớ mong. Thảo kêu lên: - Anh làm vầy có ngày em gãy hết xương cho coi. Mà..em hỏi tại sao cả tháng chỉ có một lá thư? - Em biết không, mình là giáo viên mới ra trường cái gì cùng bỡ ngỡ, bao nhiêu là việc phải làm. Hơn nữa chỗ trường anh xa Bưu Ðiện cả chục cây số. Em đừng buồn. - Em nói vậy thôi. Trường anh có đông không? - Chỉ có 5 lớp. Nhưng là lọai trường đặc biệt tổ chức theo lối Mỹ. - Là sao anh? - Ðây là trường cộng đồng, nghĩa là ngoài giờ học văn hóa, học sinh còn được dạy nghề, như Mộc, May, Nông Nhiệp..vv. - Có cô giáo nào không? - Có một cô. Thảo quay phắt qua: - Trẻ không? Nam nhéo nhẹ vào má Thảo vừa cười: - Chi mà dữ rứa? - Thì hỏi cho biết chớ bộ... Nam lảng qua chuyện khác: - Em đi làm có vất vả lắm không? - Bình thường thôi, vui hơn hồi đi học. Làm việc mình biết thêm được nhiều điều, quen được nhiều người trên mình để học hỏi... - Có quen bác sĩ trẻ nào không? Câu hỏi làm Thảo hơi khựng lại, nàng vừa nghĩ đến Huy. Thảo nhanh nhẩu đáp một cách tự nhiên: - Bác sĩ trẻ thiếu gì, nhưng họ làm việc họ, mình làm việc mình. Nam có vẻ trầm ngâm. Ðầu óc Nam vừa bị khuấy lên bởi những chuyện tình giữa các bác sỹ và y tá. Chuyện thường thấy trong truyện và nhan nhản trong đời thường. Thảo cầm tay Nam lắc mạnh: - Anh nghĩ gì vậy? Không được nghĩ "viễn vông" nghe chưa. Câu nói đã xóa tan đám mây mờ trong đầu óc Nam. - Anh hỏi thiệt, em có nhớ anh không? - Sao không nhớ? - Nhớ thì em làm gì? Thảo lúng túng một lúc rồi hỏi lại: - Còn anh làm gì? - Những lúc trí óc không bận bịu công chuyện thì anh nói chuyện với em. - Bằng cách nào? - Anh hình dung em bên cạnh, anh ngồi thì em ngồi, anh nằm thì em nằm, hai người chuyện trò cho đến lúc có việc gì đó để làm, hoặc đi vào giấc ngủ. - Thảo ngúng nguẩy phát một cái vào lưng Nam: - Anh thiệt dễ sợ. - Sao lại dễ sợ, có những chàng trai mỗi khi nhớ người yêu thì đi tìm thú vui khác để khỏa lấp, em muốn anh cũng vậy sao? - Em thì mỗi khi nhớ anh, em ghi vào sổ tay cảm nghĩ của mình. - Hôm nào cho anh xem. Chắc là tình tứ lắm. - Thôi, để anh cười em hả. - Khóc vì em mới sợ chớ cười mà sợ gì. - Anh răng lúc nào cũng ưa xa xôi bóng bẩy. Chừng nào anh đi? - Thứ hai, anh đưa em đi làm rồi đi luôn. Có ở trong hoàn cảnh của Nam mới thấy thì giờ quí như thế nào. Hai ngày bay qua cái vèo, Nam có cảm tưởng như mới về, lại phải đi ngay. Lòng nôn nao muốn làm cái gì đó mà cứ lay hoay đứng ngồi không yên, vào ra không ổn. Cuối cùng, phải nói câu giã từ: "Anh đi". Một dấu chấm. Trời đã vào mùa mưa dầm gió bấc. Mưa ngày này qua ngày khác. Ra đường mưa quất vào mặt rát rạt. Dân Huế thường nói: "Mưa thúi đất thúi đai". Mưa Huế không vui như mưa Sài Gòn. Mưa trong Nam chạy qua rào rào rồi thôi. Ðôi lúc mình chạy trước mưa theo sau, về đến nhà, trời hết mưa. Huế, mưa tối ngày, nhà văn Nguyễn Tuân gọi là "mưa chì chiết". Suốt hai tuần nay trời mưa liên tục, nước sông Hương đã liếm vào bờ. Cây rừng trôi về lớp lớp, vài chiếc thuyền mạo hiểm ra giữa dòng vớt củi. Bà nhiêu hơi lo, nếu cứ cái đà này thì nước sẽ vào nhà nay mai. Bà hỏi thăm ông Tám hàng xóm: - Anh Tám thấy trời ri có lụt không? - Năm ngoái đã lụt rồi, năm nay không biết răng. - Lụt tới mô anh Tám? - Gần vô nền nhà. Nhà chị cao chắc không răng mô. - Tui lo mấy con heo.. Chiều trời bổng ngớt cơn mưa, bầu trời bớt màu chì, một vài chỗ đã sang sáng. Thảo về đến ngõ đã gọi mấy em ra sông coi người ta vớt củi. Bà Ðàm nằm trong giường nói vọng ra: - Thôi con ơi, lỡ chúng nó ham coi mà trợt chân là nước cuốn đó, Má nghe nói nước chảy mạnh lắm. Mấy em Nam nghe nói đi coi nước lụt thích thú reo lên: - Ði chị, mình đừng ra sát bờ thì sợ chi. Thảo thay áo rồi cùng sáp nhỏ ra bờ sông. Bà Ðàm nói vói theo: - Coi chừng đó. (bà hạ giọng) Con nhỏ này lớn rồi mà như trẻ nít! Qua một đêm nước rút xuống khỏi bờ. Bầu trời quang đãng phố Huế tươi tỉnh trở lại. Bà Nhiêu thở ra với vẻ mặt hết lo lắng. Mấy hôm nay cứ chiều chiều bà Ðàm thấy người gai gai muốn đi nằm. Thảo cho bà uống thuốc cảm. Người lớn, mùa lạnh bị cảm là thường, nhưng không thấy thuyên giảm mà có vẻ ngày một nặng thêm.. Có khi bà ho muốn tắt thở. Thảo nói như dỗ dành: - Má ráng uống thuốc, mai con xin nghỉ để đưa má lên bệnh viện khám. Trước khi đi làm, Thảo nhờ bà Nhiêu: - Ở nhà có gì Bác lo giùm con, có thể con lên xin phép rồi về. - Ðược rồi, con yên tâm, để bác coi cho. Thảo đến bệnh viện mà lòng cứ nôn nao, đôi lúc như người đãng trí. Trưa gặp Huy trong phòng ăn, Thảo có vẻ hững hờ, Huy vồn vã hỏi: - Hôm nay Thảo sao vậy? - Em thấy người không yên. - Có chuyện gì cho anh biết, may ra chia sẻ với em. Thảo kể chuyện Má bệnh mấy hôm nay cho Huy nghe. Huy nhìn đồng hồ, thấy còn sớm, nói ngay: - Anh đi với em về thăm Bác. - Anh chưa ăn cơm. - Không sao, em dọn bàn, anh qua phòng lấy đồ nghề, ta đi ngay. Chỉ mấy phút Huy trở lại với chiếc túi da đen, hai người đi chung xe gắn máy. Trong tình thế cấp bách Thảo không còn chọn lựa nào hơn. Nhìn nét mặt lo lắng của Huy, Thảo cảm động vô cùng. Ngồi lên xe, Thảo lại nhớ cảm giác lần đầu ngồi xe đạp với Nam, lúc xe chạy qua cua Thảo phải ôm vào người Huy để khỏi té. Bà Nhiêu đang ở sau bếp, nghe tiếng xe gắn máy trước sân, vội chạy ra. Thấy Thảo về bà mừng quýnh: - Cháu đó hả, Má cháu ho dữ quá, Bác nấu miếng nước gừng... - Thưa Bác đây là Bác Sĩ Huy trên bệnh viện xuống thăm bệnh cho Má cháu. Huy nghiêng người chào: - Dạ chào bác, thưa, bác ấy ho mà có nhiều đàm không bác? - Dạ nhiều mà đặc xanh. Bà Ðàm sốt cao, rên hừ hừ. Thảo cởi bớt áo cho Má. Huy đến cạnh cúi xuống đặt ống nghe lên ngực dò một vài chỗ rồi quay qua Thảo: - Cô đỡ bác ngồi dậy. Thảo và bà Nhiêu đỡ bà Ðàm lên. Trông bà sút hẳn, hơi thở nặng và mệt lắm. - Bác thở mạnh. Bà Ðàm rán thở ba hơi đã thấy đuối. - Thôi bác nằm nghỉ. Bà Nhiêu và Thảo theo dõi nét mặt Huy. - Có nặng lắm không bác sĩ? - Không nặng lắm nhưng phải đưa bác đi bệnh viện ngay. Phổi bác bị đã lâu. Phải nhập viện để chữa kịp thời. Dù trong nghề nhưng Thảo cũng cuống lên hỏi Huy: - Bây giờ em phải làm gì? - Cô gọi chiếc xích lô đưa bác đi, tôi lên trước thu xếp cho bác nhập viện. Nhớ đưa vào phòng cấp cứu. Nói xong Huy gom đồ nghề, nổ máy xe, chạy ngay, quên chào mọi người. Bà Nhiêu hối Thảo: - Cháu đi kêu xích lô lẹ lên. - Bác soạn đồ giùm cho Má con. Chưa đầy năm phút đã có xích lô. Thảo dìu bà Ðàm lên xe rồi ngồi nhích phía trước, anh xe phủ tấm bạt che kín hai người. Bà Nhiêu theo xe ra đến đường cái, trước khi quay vào, bà dặn Thảo: "Coi Má như thế nào về cho Bác hay nghe".