Ngày xưa, trong đời Bắc thuộc, ở phía Nam sông Bình Giang (bây giờ là sông Thiên Đức) có một ngôi chùa thờ Phật gọi là chùa Phúc Nam, có một vị sư Ần Độ tên là Già-lađdồ-lê đến trụ trì ở đó. Vị sư này về phái Độc cước, thiện nam tín nữ kính mộ đua nhau đến qui y học đạo và tôn làm giáo chủ. Bấy giờ có một cô Mán cha mẹ mất sớm, nhà rất nghèo cũng mộ Phật học đạo, nhưng vì tiếng nói không sõi, không thể tụng kinh với các tín đồ được nên chỉ ở dưới nhà tổ để làm bếp núc, giã gạo, nấu cơm, quét dọn.
Một tối, giữa mùa hạ, cô Mán đã nấu cơm xong, nhưng vị sư và tín đồ còn mải tụng kinh lễ Phật đến khuya cũng chưa ăn. cô Mán ngồi chờ ở ngoài cửa, mỏi mệt lăn ra bên cửa mà ngủ. Khi làm lễ xong, vị sư và các tín đồ về nhà tổ. Đến lúc vị sư bước ra ngoài cửa, vô tình bước qua mình cô Mán, cô ta bỗng giật mình động tâm, rồi có thai. Được ba bốn tháng cô xấu hổ trốn đi. Ít lâu sau sư Đồ-Lê cũng bỏ chùa đi đến một ngôi chùa khác ở trên ngã ba sông. Mấy tháng sau cô Mán sinh ra được một đứa con gái rồi đi tìm sư Đồ-Lê để giao con. Nửa đêm Đồ-Lê đem đứa con gái ra chỗ cây đa trên sông, đặt đứa bé xuống gốc cây đa rồi gõ vào gốc cây mà nói:
-"Ta gửi ngươi đứa con Phật này, ngươi giữ hộ ta sau này ngươi sẽ thành Phật".
Nói xong cho cô Mán một cái gậy và dặn rằng:
-"Ta cho cô cái gậy này khi nào gặp kỳ đại hạn lấy gậy đào xuống đất tự nhiên nước phun lên".
Cô Mán nhận lấy gậy, rồi mỗi người về một nơi. Từ đấy về sau mỗi khi gặp đại hạn, dân gian không có nước cày cấy, cô Mán lại mang cái gậy ra đào xuống đất thì có mạch nước chảy vọt lên như suối, thiên hạ được nhờ nhiều lắm.
Đến khi cô Mán đã ngoài tám mươi tuổi, gặp trận gió lớn, cây đa ở trên bờ sông là nơi nhà sư đã gửi con, bị đổ xuống sông mà trôi đến bến trước cửa chùa Phúc Nam rồi cứ quanh quẩn ở đấy. Người trong làng rủ nhau kéo cây lên để cắt làm củi thổi, nhưng không kéo lên được, mấy trăm người hè nhau ra sức cũng vẫn không xong. Gặp lúc cô Mán ra bến sông rửa chân thấy mấy trăm người kéo một cây đa không nổi, mới nói đùa rằng:
-"Tôi kéo chỉ một tay là lên ngay".
Thấy cô nói thế dân làng cho là khoác lác, tức mình đưa dây bắt cô kéo, cô chỉ lấy một tay mà lôi được cây đa to lớn từ dưới sông lên, như kéo một cành tre vậy. Dân làng đều lấy làm lạ, đến khi mang cưa và búa ra để cưa làm củi thì chỉ gãy cưa và mẻ búa. Lại phải nhờ cô mó tay vào bấy giờ mới cưa được. Khi bổ quãng cây ra thì thấy một đứa bé bằng đá lớn bằng đứa bé ba tuổi nằm trong ruột cây. Người ta cho là Phật kết tinh, gọi là "Phật đá", làm lễ tắm rửa cho Phật rồi rước vào chùa để thờ. Còn cây đa thì cưa ra làm bốn khúc gọi là tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện cùng để thờ trong chùa. Mỗi năm cứ đến tháng tư, dân làng mở hội cúng Phật rất trọng thể, gọi là lễ "Tắm Phật", thiện nam tín nữ các nơi kéo đến rất đông, gần đây vẫn còn tục ấy.
Hết

Xem Tiếp: ----