Câu chuyện nầy xảy ra vào thập niên 30. Cô Hai Phụng là gái miệt vườn. Tía cô là ông hương cúng Nguyễn văn Bàu ở xóm Ðình, làng An Hương, cách tỉnh Vĩnh Long lối 12 cây số. Thiệt tình cái chức hương cúng trong làng chẳng lấy gì làm vinh dự, bởi nó không được phần trong ban hương chức hội tề. Hương cúng chỉ lo việc cúng giỗ các sắc thần trong đình làng. Hễ vào lễ kỳ yên hoặc lễ tế thần thì ông hương cúng Bàu lo việc mua heo, mổ heo cùng việc cắt đặt dân làng nấu nướng cỗ cúng. Cô Hai Phụng lớn lên trong căn nhà mái lợp ngói bắc cầu do ông bà nội cô để lại. Mẹ cô, bà hương cúng Bàu mở gian hàng xén bán gạo củi, nước mắm, dầu lửa, bánh kẹo, kim chỉ...cho dân làng. Còn cô làm nghề hàng xáo, mua lúa về xay, giã thành gạo trắng cho cha đem ra chợ tỉnh bán nên gia đình cô tương đối sung túc. Cô Hai Phụng vóc mình dong dỏng, nước da ngăm đen nhưng tóc cô mềm và nhuyễn, dợn sóng trước trán, mắt cô ướt rượt, nụ cười cô có duyên phô hàm răng trắng muốt như hột dưa leo. Cô mặn mòi xinh đẹp lắm. Hễ cô liếc tên trai làng nào thì tên đó bủn rủn mới có một, nhưng khi cô cười thì hắn bàng hoàng tới mười. Ý là cô chỉ mới biết đọc biết viết, cô lại không biết đọc tiểu thuyết, không mấy khi được coi hát bội, hát cải lương, nhưng cách nói chuyện của cô vừa nhõng nhẽo vừa mơn trớn làm tự ái đờn ông được vuốt ve. Rốt cuộc hắn sương rên cả người, hồn phách tâm trí hắn bị cô hớp hết vô cái miệng xạo đía của cô. Nạn nhơn số một của cô Hai Phụng là thầy giáo Thưởng dạy lớp ba trường làng. Bà hương cúng mừng thầm trong bụng, đợi từng ngày thầy tới nhà bà xin làm đám hỏi. Bà bắt cô Ba Loan, em kế cô Hai Phụng và thằng Năm Bé là cháu kêu bà bằng cô lo việc xay lúa giã gạo. Bà không ngại tốn kém sắm cho cô trưởng nữ của mình quần sa-teng tây, quần xá xị, quần lãnh, áo hàng cẩm nhung, cẩm vân rồi để cô đứng coi hàng, bán quán. Từ đó, cô Hai Phụng tối ngày diện quần áo đẹp, chơn đi guốc sơn đen quai vẽ bông xanh đỏ, tóc xức dầu bông lài láng mướt, tai đeo bông cẩm thạch, cườm tay đeo đôi vòng đồng chạm bánh ú. Cô Năm Hảo, con ông hương quản Kiểm, một đối thủ của cô Hai Phụng, cứ theo dõi sự thay đổi của cô Hai rồi nhún trề, nguýt háy với mẹ: - Má coi đó, con Hai Phụng mà bận quần áo tốt thì áo đi đàng áo, người đi đàng người! Nước da đen hù của nó hoạ may có ông trời từ thiên đình xuống chế xà-bông mới có thể giúp con đó tắm cho trắng da, sáng rỡ mặt mày. Bà hương quản Kiểm nhìn con gái, lòng buồn bực. Nước da cô Năm Hảo mởn hơn nước da cô Hai Phụng nhiều. Ngặt nổi cô bán hàng trên sông rạch, quanh năm bơi xuồng dưới trời nắng chang chang nên khó có cơ hội để trắng. Cô Năm lại không biết ăn nói, tối ngày cứ lầm lì, im ỉm, mà hễ cô cất tiếng thì giọng nói lúc rổn rảng, khi rít róng. Tuy nhiên cô Năm Hảo có nhiều nét thanh tú trên khuôn mặt, vóc mình. Nhưng ở đời ai mà học được chữ ngờ, nhứt là dân Xóm Ðình. Ðang lúc thày giáo Thưởng ve vãn cô Hai Phụng và cô Hai Phụng trổ hết màu mè ra mê hoặc thầy thì đùng một cái, một chàng trai trên tỉnh xưống tận Xóm Ðình coi mắt cô Năm Hảo. Cuộc hôn nhơn của cô Năm tiến hành rùm rụp, xuôi chèo mát mái ngon lành. Ðám hỏi tổ chức vào tháng năm âm lịch và sẽ rước dâu vào tháng bảy cùng năm. Nghe nói chú rể tên Luông, làm tới chức đội lính khố đỏ, năm đó ba mươi tuổi ngoài, lớn hơn cô Năm 14 tuổi nhưng mặt mũi thẩy khôi ngô, vóc dáng điệu bộ thiệt đáng bực hảo hớn. Cô Hai Phụng cay đắng bảo mẹ: - Thằng chồng con Năm Hảo đã trải qua hai đời vợ rồi đó! Ai mà ngó y ta cũng biết y ta có tướng sát thê. Con đương thèm chịu thứ chồng lớn hơn mình năm sáu tuổi, đàng nầy cái tên khố đỏ đó lớn hơn con Năm tới 14 tuổi, già ngắt, cứ coi tác, ai cũng nói hắn đáng làm chú, làm tía con Năm. Giọng mềm mỏng ngọt ngào của cô Hai Phụng không còn nữa. Sự ghen tị, thù hằn đã biến giọng của cô thành giọng cô Năm Hảo. Tối hôm đó, thừa lúc bà hương cúng Bàu lui cui nướng bánh lá dứa trên mẻ lửa than cháy đỏ, cô Hai Phụng lén lấy thẻ nhang huyền đàn, chiếc hộp quẹt và cây hồng lạp rồi men theo con đường viền câu mãng cầu dai, cây ổi cửu ngoạt, cây lựu bạch, lựu hường đưa tới miễu thổ địa ở cuối vườn. Trời nổi gíó lao xao, đêm giăng màn nhung đen khắp bốn phương tám hướng. Vì gió nên khi cô bật hộp quẹt máy để thắp đèn nhang thì ngọn lửa cứ bị dập tắt hoài. Cô đành mò ba cục đất sắp trước miễu, vái: - Lạy thổ địa, xin ngài chứng cho lời cầu xin của con. Xin ngài xui thầy giáo Thưởng mê lậm mê lú con, dỗ ngọt dỗ mặn tía má thẩy cầm trầu cau đi cưới con cho thẩy. Bấy lâu nay con lỡ lên mặt với con Năm Hảo vì con rù quến được một thầy giáo gốc tỉnh thành. Nay, bỗng dưng nó được kẻ miệt chợ đi coi mắt nên nó dúc dắc với con. Con mà không lấy được thầy giáo Thưởng chắc con đội quần thiên hạ. Con kính trọng thờ phượng ngài, xin ngài đừng để cho con đội quần trong khi nó đội khăn the màu hường, khăn lụa màu hột gà, đội nón gò găng, che dù lụa tía. Con mà lấy được thầy giáo Thưởng, con sẽ tu bổ miễu của ngài, mua ngói Cần Thơ về lợp mái, mua vôi trộn a dao quét tường, mỗi ngày con thắp nhang bạch đàn, nhang trầm hương thơm phức, còn thứ nhang huyền đàn lạt nhách kia con chỉ dành đốt cho thần tài, ông địa thờ trong nhà... Khi cô Hai Phụng vô nhà thì con Chín Kim anh, con chú hương kiểm Bạch có nhà bên kia cầu lót ván qua chơi. Con nầy cũng trắng trẻo nhưng mặt lanh lợi, miệng thọp thẹp nói không lành da non. Ban ngày nó ăn mặc xập xệ để làm công chuyện nhà và lo săn sóc gà heo. Chiều chiều nó ưa bận quần vải xiêm đen, áo vải in bông rồi đứng bẹo hình bẹo dạng bên cầu để mấy chàng trai thương hồ chở đồ gốm, chở lúa trẩy ngang qua. Ðôi lúc nó còn hát vài câu huê tình, giọng lảnh lót. Vừa thấy cô Hai Phụng, Chín Kim Anh tía lia liền: - Chèn ơi, thầy đội Luông bảnh trai quá xá. Ai cũng khen mắt thẩy tình tứ như mắt kép Bửu Ngọc của gánh Rương Vàng. Ai cũng trầm trồ cái miệng thẩy có duyên như miệng kép Minh Châu của gánh Bầu Ðen. Uổng quá, chị bị máu xâm nên không đi dự đám hỏi. Ðàng trai đem vòng vàng đỏ au, hột xoàn chớp lia chớp lịa làm sính lễ. Chị Năm Hảo bưng trà ra chào khách thì bận chiếc áo lụa Duy Xuyên màu huỳnh anh, đeo bông mù u, neo quai chảo, kiềng chạm, cà rá cửu khúc liên huờn, vòng bát bửu...Chèn ơi, chỉ coi xinh tốt như tiên giáng thế. Hai bác hương Kiểm đãi đàng trai món nem cá cơm, món mắm cá linh ăn với thịt phay, rau sống, bún...Ba má thầy đội rớ tới món nào là khen món nấy... Rồi đó, đang lúc bông điệp tây nở đỏ sân đình, đang lúc xoài voi, xoài cát, mận hồng đào đơm đầy cành thì đám cưới thầy đội Luông và cô Năm Hảo được cử hành. Cô Hai Phụng giả bộ nhức đầu nên không đến nhà ông bà hương Kiểm để dọn đám. Buổi sáng hôm nhà trai rước dâu, cô Hai Phụng đang săm soi cặp mai tứ quí trồng trong chậu sứ trắng men lam, liếc thấy chú rể mặc áo gấm xanh bông bạc, chơn mang giày tây da vàng, bước đi vững vàng, thân mình cao lớn, mặt mũi sáng sủa, cô tức mình, tủi phận bỏ vô buồng, đóng cửa nằm khóc. Ðã vậy, khi cô vừa nguôi ngoai tính xuống bếp nấu cơm kho cá thì con Chín Kim Anh mắc dịch từ bên kia cầu ván chạy qua, miệng chót chét: - Chèn ơi, chị Năm Hảo hôm nay xinh tốt như tiên nga. Chỉ đeo bông hột xoàn sáng ngời ngời, đeo chuyền bướm, vòng tay chạm phụng giao đầu, cà rá cẩm thạch. Chiếc áo gấm đỏ của chỉ chói loà loà, thiệt hạp nước da chỉ. Khi cô dâu chú rể lạy trước bàn thờ, ai cũng trầm trồ họ tốt đôi xứng lứa! Ông trời ngó xuống mà coi con Chín! Từ lâu nó ganh ghét cô Hai Phụng vì cô được thầy giáo Thưởng xun xoe ve vãn. Nay được dịp, nó mặc sức mà nói xốc hông cô. Lúc nói, nó gằn giọng ở chỗ nầy, ỏn ẻn mơn trớn ở chỗ kia để cào sướt tự ái cô, để nhen nhúm ngọn lửa hờn ghen thiêu đốt gan ruột cô. Cô mở cặp mắt chau quảu nhìn nó thiếu điều ăn tươi nuốt sống. Ðúng là thứ đâm bị thóc thọc bị gạo mà! Nữ trang con Năm Hảo đeo hôm đám hỏi gồm bông mù u, neo quai chảo, kiềng chạm, vòng bát bửu, cà rá cửu khúc liên huờn, bây giờ lại đổi thành chuyền bướm, vòng chạm phụng giao đầu, cà rá cẩm thạch. Dóc tổ! Cái con Chín khốn nạn đặt dóc cho tui chết vì uất ức đây mà! Sau đám cưới cô Năm Hảo, cô Hai Phụng làm ra vẻ màu mè cao thượng. Cô viếng thăm bà Hương quản Kiểm, tỏ ra vui sướng cho cái may mắn của cô Năm Hảo. Tự hồi nào tới bây giờ, cô nổi tiếng ăn nói mềm mỏng nên cô không có nhiều kẻ thù. Giờ đây cô còn tỏ ra ân cần, vồn vã với mọi người nên cô càng được mọi người có cảm tình hơn. Lối xóm ca tụng, nói tốt cho cô nên khi lời đồn có lợi cho cô tới tai gia đình thầy giáo Thưởng thì qua tháng giêng năm sau, cô leo lên chức thím giáo một cái rột. Sau khi cưới vợ xong, thầy giáo Thưởng xin được thuyên chuyển về dạy trường Thiềng Ðức ném về làng Long Ðức Ðông, chỉ bước qua cây cầu sắt lót ván là tới thành phố của tỉnh. Lối 28 tháng tám năm sau, vợ chồng cô Năm Hảo về thăm nhà vì thầy đội Luông được nghỉ phép thường niên. Cô trở nên mập tốt, trắng trẻo hơn. Dường như cái hạnh phúc của cuộc sống lứa đôi, niềm yêu đời đã gột rửa vẻ cau có, dữ tợn trên khuôn mặt cô làm cô tươi mát, thoải mái hơn. Ðường nét trên khuôn mặt cô vốn hài hoà, cô chỉ có làn da hơi khô, cặp má hơi thỏm và nhứt là vẻ nhăn nhó, khổ sở làm cho khuôn mặt cô tối sầm. Hôn nhơn đã thắp sáng khuôn mặt cô, da dẻ cô lần đổi ra mịn màng hơn. Khi về nhà, tuy cô Năm Hảo không mặc áo dài nhưng mỗi ngày cô thay hai lần áo bà ba, thứ nào thứ nấy nếu không là hàng, là lụa thì cũng là vân, xuyến, màu sắc tươi thắm trẻ trung. Trưa nào cô cũng quàng khăn san màu hường, che dù màu tía đi dạo xóm. Cô đợi chiều tối mới xên mứt, làm bánh gai, bánh đuông để dành đi đám giỗ. Chiều tối, khách viếng thăm hầu như không có ai, nhưng khi xên mứt, làm bánh, cô vẫn biểu lũ em trai canh cửa, hễ có khách đàn bà tới thì báo cáo để cô đề phòng lúc cân bột, cân đường hay lúc cô đang đảo cặp đũa bếp trong chảo mứt xên. Cô không muốn ai học lóm nghề khéo của mình. Lối xóm xầm xì rồi chắc lưỡi hít hà về tài khéo của cô. Bà Mười Chiểu thành thạo: - Con Năm Hảo khi theo chồng ra chợ Vãng, được mẹ chồng truyền nghề bếp núc, bánh trái, thêu thùa. Giờ đây nó khéo nhứt xứ. Con dâu bà Phủ, con dâu bà Huyện chưa chắc qua mặt được nó. Thím Bảy Liệu trầm trồ: - Mèn ơi, nó làm bánh men lớn cỡ trái chanh cắt đôi, rồi bắt bông nổi đủ màu xanh đỏ trắng vàng...Tui có hỏi nó bông nổi làm bằng gì thì nó bắt lảng qua chuyện khác. Chị Năm Thàng cười: - Chắc nó giấu nghề. Nó còn khoe biết làm bánh men không cần nướng nữa đó bà con. Gái quê lấy chồng tỉnh đã là danh giá, mà ông chồng lại ở cấp bực trung sĩ khi tuổi chỉ mới ba mươi hai. Rồi đây theo cái vèo nầy, thầy đội Luông lên chức đội nhứt (trung sĩ nhứt), ách (thượng sĩ) rồi ách nhứt (thượng sĩ nhứt) mấy hồi! Thím đội đã quần lụa áo hàng, vàng đeo bạc khảm sáng chói, còn biết làm bánh làm trái xuất sắc nên dân làng trên xóm dưới đồn đãi tùm lum. Hôm tháng tám năm đó, thầy Hương hào Kình làm đám giỗ cho mẹ, có mời vợ chồng thầy đội Luông tới dự. Thím đội mặc chiếc áo bà ba bằng lụa tím, quần lãnh bông chữ thọ cạp lưng bằng nhiễu hường cánh sen, che dù máu tía. Thầy đội mặc áo bành tô bằng vải xi-mi-li trắng tinh, nút bằng hổ phách coi sang thiệt là sang! Quần của thầy mặc dù bằng vải ka-ki trắng nhưng được hồ cứng và ủi sắc lẻm. Ðôi giày tây da vàng của thầy cũng được đánh nẩy sao. Thầy học đòi thói nịnh đầm, tự tay ôm quả bánh cho vợ. Khi thầy đội tới nhà thầy Hương hào Kình thì đã có mặt vài ba ông hương chức hội tề đang cùng đàm đạo bên nhạo rượu thuốc, có vài ba dĩa mồi nhắm: cốc, khế xắt miếng chấm mắm ruốc trộn tỏi ớt, thịt phay chấm mắm nêm, dế cơm độn đậu phọng và muối hột rồi lăn bột chiên giòn. Còn thím đội Luông nhũ danh là cô Năm Hảo khi tới nhà thầy Hương hào Kình thì chững chạc bưóc vào trung đường chào gia chủ và khách khứa, nói ba điều bốn chuyện rồi mới ôm quả bánh xuống bếp chào thím Hương hào Kình cùng các bà các cô tới dọn đám. Thím Hương hào Kình mở nắp chiếc quả sơn son ra. Phe phụ nữ xúm lại ngắm nghía bánh phục linh trắng như dồi phấn có hình bông hường, bông mai, hình miếng chả chạy nét hoa văn được xếp ở ngăn quả trên. Còn bánh men bắt bông nổi thì được xếp ở ngăn quả dưới. Ai cũng hết lời khen ngợi và đồng ý rằng bánh nầy nên để chưng hơn là để ăn vì bánh đẹp quá! Cô Năm Hảo giờ đây thay đổi nhiều. Cô nói lời ngọt dịu như Cam Cái Bè, như quít chợ Lách. Tuy giọng cô không được êm, giọng cao thì rít róng, giọng thấp thì gay gắt, tiếng cười cô the thé, nhưng đôi lúc cô cũng biết buông lơi bỏ nhỏ giọng nói của mình để cho người nghe có cảm giác dễ chịu hơn. Cô Năm Hảo tuyên bố: - Thưa các bác, các dì, các cô cùng mấy chị em, tui còn biết làm thứ bánh men không cần nướng. Bữa nào rảnh, tui sẽ trổ tài cho quí bà con cô bác coi chơi.
*
Con Chín Kim Anh nhờ cái miệng phèng la, cái họng ống loa quảng cáo không công về tài khéo của cô Năm Hảo, nào là bánh nướng bánh chiên của cô Năm giòn rụm, bánh hấp của cô Năm vừa dẻo vừa mềm; nào là hễ cô Năm vẫy tay một cái là cỗ bàn cỡ mười món sắp lên bày ra ê hề...nên được cô Năm Hảo thưởng cho một đôi guốc sơn đen với quai nhựa trong vắt, chiếc lược giắt tóc bằng đồi mồi, cái khăn mu-soa bằng lụa bạch thêu bông hường. Cô ra công tỉa cặp chơn mày của mó mỏng và cong như chiếc móng trời, dạy nó bới tóc vén khéo, chỉ biểu nó rửa mặt bằng nước cơm vo cho da mặt mịn màng, xông khói trà cho da mặt hồng hào như màu bồng lồng đèn, bông bụp. Nó đợi cô dạy nó làm một món bánh, một món ăn nhưng cô bền lòng chặt dạ quyết giữ kín nghề khéo của mình. Nhưng cô Năm Hảo đã không uổng công dạy dỗ cách làm đẹp cho con Chín Kim Anh. Nó cũng không uổng công chiều chiều đứng bên cầu lót ván để bẹo hình bẹo dạng với trai thương hồ. Có chàng trẻ tuổi chuyên nghề mua lá dừa nước rồi ủ chín đỏ để bán cho các trại lá chầm, một hôm nó chèo ghe ngang cầu ván, thấy con Chín Kim Anh bận chiếc quần lãnh tàu, chiếc áo bà ba bằng vải đen in bông đỏ liền gọi lớn: - Qua tên Võ Tòng đây em! Võ Tòng, anh hùng sát hổ ở Cảnh Dương cương đây em! Con Chín Kim Anh hò liền: Anh hùng hà xứ anh hùng lai? Ðể tui liều mạng đối trai anh hùng. Anh hùng bảnh lắm anh hùng ôi, Ðể tui liều mạng đái trôi anh hùng. Vậy mà chàng trai tên Võ văn Tòng kia lại cảm lăn cảm lóc con Chín Kim Anh mới là kỳ! Nhà chàng ở Cầu Dài, cách chợ tỉnh Vĩnh Long con rạch Long Hồ, hễ bước xuống đò ngang thì năm phút sau là tới bến chợ cá của trung tâm thành phố. Má chàng Võ văn Tòng có lập trại lá chầm thiệt lớn ở Cầu Dài. Kể ra thì chàng cũng là dân thành thị đó chớ! Ðám hỏi tiến hành rùm rụp. Con Chín Kim Anh dầu không được cô Năm Hảo chỉ dạy cách làm món ngon, làm bánh làm trái nhưng nó vẫn mang ơn cô vì nhờ cô mà nó biết chải chuốt áo quần, biết làm cho dung nhan mình rạng rỡ hơn để lọt được vào mắt xanh của cái anh chàng mà nó đòi đái trôi. Cho nên cô Hai Phụng vẫn là đối thủ của con Chín Kim Anh vì dẫu Võ văn Tòng không làm mướn ở đợ, và dẫu chàng là dân thị thành nhưng đâu có văn hay chữ tốt nhu thầy giáo Thưởng kia. Tháng sáu, vì còn đang lúc bãi trường, thầy giáo Trần Xuân Thưởng dắt vợ về chợ An Hương để hứng gió sông, thở không khí đồng nội. Thầy giáo Thưởng không có gì thay đổi, lúc nào cũng chải tóc thấm nước, mặc sơ-mi cụt tay, quần tây vải ga-bạc-đin, chơn đi giày xăng-đan để dạo xóm. Riêng thím giáo Thưởng nhũ danh là cô Hai Phụng thì đeo nhiều nữ trang hơn, ăn nói văn chương huê mỹ hơn, nước da mởn hơn. Thím chẳng những tỉa cặp chơn mày nhỏ rí và cong vòng như cái cầu vồng, thím còn cạo lông mặt như mấy bà xẩm. Trưa trưa thím nằm trên võng treo tòn teng ngoài hàng ba để đọc tiểu thuyết. Thiệt ra các cô thôn nữ, các mụ bành miệt vườn, các bà già trầu cũng ưa săm soi các kiểu nữ trang của cô Hai Phụng. Nhưng cô Năm Hảo cũng đâu có thua kém cô Hai về chuyện vi cánh đó. Mấy cô gái con ông Hương cả Tiếu, con ông Hương chánh Bân cũng biết lên tiệm vàng Võ Văn Hưng ở chợ Vãng để sắm nữ trang kim thời. Với thôn dân, cái hình ảnh người đờn bà tỉa chơn mày, nằm tòn teng đưa võng ở chỗ bán lộ thiên là ngoài hàng ba để đọc tiểu thuyết là một hình ảnh xốn mắt. Ðã vậy, lâu lâu cô Hai Phụng còn ré lên hát vài câu vọng cổ rồi xướng nhạc inh ỏi coi thiệt không giống ai: Từ phu tướng, Bửu kiếm sắc phong lên đường Vào ra luống trông tin chàng Ðêm năm canh mơ màng Hò lìu xang xê cống Líu cổng, líu cổng xê xàng... Con Chín Kim Anh trề nhún với đám con gái ông Hương ân: - Thứ đồ làm phách! Cái thứ cà xốc chó gì đâu á! Nó ra tỉnh nấu cơm tháng cho mấy đứa học trò, lại còn nuôi heo nên cực bù đầu, mặt mũi lem luốc, tóc tai chơm bơm. Vậy mà về đây làm bộ khoe giàu, ra điều phong lưu nhàn hạ thấy mà ứa gan! Và trưa trưa nó chõ mỏ qua hàng rào cây xương rồng hát xỉa xói cô Hai Phụng: Hò lìu xang xê cống Líu cổng nuốt trộng tôm càng Hò lìu xang xê cống Líu cổng chổng khu la làng... Từ lúc về thăm nhà, cô Năm Hảo không thèm dạo gót sen qua thăm ông bà Hương cúng Bàu. Bởi đó cô Hai Phụng đương thèm dời gót ngọc đến viếng ông bà Hương quản Kiểm. Tiếng đồn về tài khéo cô Năm cứ dồn dập đến tai cô Hai Phụng, làm cô bứt rứt xốn xang. Tới hôm nghe tin cô Năm Hảo sắp trổ tài làm bánh men không cần nướng, cô Hai Phụng vì óc tò mò quá mạnh nên mới xách đít qua nhà ông bà Hương quản Kiểm coi hư thực ra sao. Khi cô Hai Phụng tới nơi thì thấy các bà các cô tề tựu đông đảo. Cô Năm Hảo lăng líu chào hỏi cô Hai Phụng. Cô Hai Phụng véo von đía dóc với cô Năm Hảo. Ðôi bên tỏ ra thân mật, nồng nàn như đôi tri kỷ. Cô Năm Hảo mời: - Chị Hai ngồi chơi, vừa ăn mứt uống trà vừa coi tui trổ tài khéo. Mà nếu không khéo thì xin chị mởi lòng từ bi hỉ xả giùm nghen! Cô Hai Phụng miệng thì cười mà mắt thì nguýt háy đối thủ. Thứ gì giả dối! Có chút tài mọn mà đã kiêu căng. Phải chi nó trổi giọng phách lối thì tui còn đở tức, đằng nầy nó giả nhơn giả nghĩa ăn nói mềm như bông gòn, ngọt như đu đủ chín, dịu nhẹ như gió thoảng làm tui ứa gan quá chừng chừng! Cô Năm Hảo vô buồng lấy một cái tô sành đựng chất gì trắng trắng bột không phải bột, bọt xà bông cũng chẳng phải bột xà bông. Nó đặc như sửa hộp, trĩn trĩn như nhớt mồng tơi. Chị Năm Xứng hỏi: - Cái thứ trắng trắng nầy làm bằng gì vậy? Cô Năm Hảo cười bí mật: - Thì cũng bột, cũng đường, cũng trứng gà, men nổi...chớ có giống gì ngoài bốn cái thứ đó! Bà con để tui nắn bánh coi chơi. Cô lấy giấy dầu làm cái quặng, bỏ chất trắng trắng đó vào rồi lấy kéo cắt ở đầu nhọng làm miệng quặng. Cô bóp nhẹ quặng. Từ miệng quặng, một vòi trắng lòi ra. Cô Năm Hảo xịt chất trắng lên dĩa bàn, nắn thành từng cục tròn tròn. Cục tròn khô cứng tuy hơi chậm nhưng láng mặt. Cô Năm Hảo mời mọi người ăn thử. Bà Mười Chiểu gật gù: - Tuy giống bánh men nhưng không xốp, không thơm. Chị Năm Thàng nói: - Bánh nầy chắc tại không nướng nên có mùi tanh của lòng trắng trứng gà. Dù vậy mọi người vẫn trầm trồ khen cô Năm Hảo ở chỗ làm bánh men không cần nướng. Cô Hai Phụng cười gượng gạo rồi ngoe nguẩy xách đít ra về, dã dượi bần thần như muốn nhuốm bịnh. Ðã vậy, con Chín Kim Anh mắc dịch mắc toi kia mỗi khi giả đò tới thăm cô, cứ đem cái tài cái khéo của cô Năm Hảo ra khen làm cô thêm đau lòng.*
Ngày hôm sau, cô Hai Phụng ăn cơm trưa xong, bước ra võng đưa tòn teng qua lại. Nhưng cô không đọc tiểu thuyết, không trổi giọng du dương hò lìu xang xê cống nữa. Cô nằm lim dim, thức không ra thức, ngủ không ra ngủ. Ngay chiều hôm đó, cô đích thân bơi xuồng tới nhà thầy Thôn Cường mua ba chai rượu thuốc. Cô về pha thêm một lít rượu đế. Thầy Thôn Cường ngâm rượu thuốc bằng thục địa, hoài sơn, cam thảo như mọi người bán rượu thuốc khác. Nhưng đặc biệt là thầy còn ngâm thêm rễ cây nhàu nên màu nâu của rượu sóng sánh ánh vàng, vị rượu đằm hơn. Cô Hai Phụng còn mua mít nướng cho thơm lừng rồi ngâm vô rượu. Xong xả, cô trộn vào đó gói bột hoa-ni (vanille). Ðây là thứ bột thơm mà thầy giáo Thưởng mua ở Sài gòn đem về tặng cô để cô làm bánh bò, bánh da lợn. Ðây là thứ bột thơm từ bên Tây nhập cảng qua, nhưng các bà nội trợ ở lục tỉnh Nam kỳ ít ai biết, huống hồ gì các bà các cô miệt vườn! Pha rượu xong, cô Hai Phụng trèo lên võng đưa tòn teng qua lại rồi cô hát chót chét mấy câu vọng cổ. Sắc diện cô phơi phới, thỉnh thoảng cô nở một nụ cười đắc chí. Xời ơi, cái con đĩ "bạch chảng" đó (cô ám chỉ cô Năm Hảo) khi làm mấy thứ bánh hấp như bánh bò, bánh da lợn, bánh thuẫn, nó xịt dầu chuối thơm gay gắt, thơm hỗn hào. Bột hoa-ni của tui mà bỏ vô bánh hấp, bánh nướng như bánh phục linh, bánh con đuông...thì thơm thoang thoảng, thơm dịu nhẹ mà bền bỉ, đằm thắm, thấy thương quá trời quá đất! Thế là hôm đám giỗ ông Bồi bái Hùng (tức là ông nội cô Hai), ông Hương cúng Bàu bưng ra một cái mâm có ba nhạo rượu và một mớ chén chung. Mâm thau chùi sáng bóng, nhạo rượu bằng sứ tráng men trắng vẽ bông lá màu chàm đậm, nét vẽ rối rít, tỉ mỉ, vô cùng ngoạn mục. Còn chung thì màu trắng mỏng tay, nét vẽ mặt võng thêu bông cũng màu chàm đậm. Chưa biết rượu ngon dở ra sao, nội thấy mâm, nhạo, chén, chung choáng lộn như vầy, ai mà chẳng rộn lên niềm háo hức? Ông Hương cúng Bàu thưa với khách: - Thưa bà con, đây là rượu khai vị cốt giúp cho bà con ngon cơm. Tuy nói là khai vị nhưng đây cũng là thứ ích khí bổ thần. Thưa bà con, đây là mỹ tửu mà cũng là dược tửu do con gái tui bào chế. Trước hết, bà con uống sương sương mỗi người một chung cho ngon miệng, cho phơi phới tinh thần, rồi mình cùng nhậu rượu đế tới hoắc cần câu luôn... Ông Hương cúng Bàu rót rượu ra chung. Tuy rượu có màu lợt hơn rượu thuốc nhưng mùi mít nướng quyện mùi hoa-ni bốc lên thoang thoảng và lạ lẫm là mọi người không đoán rõ là mùi gì. Khi nhắm nháp qua "thứ mỹ tửu lẫn dược tửu" kia thì khắp bàn tiệc lời khen ngợi xôn xao, tiếng chắt lưỡi hít hà sôi nổi. Ở bên trong, cô Hai Phụng lóng tai nghe động tĩnh bên ngoài. Tới chừng nghe tiếng chắc lưỡi hít hà khen hương vị của rượu do cô pha chế, cô nghĩ mình nên chường mặt ra chỗ bàn tiệc để hưởng cái vinh diệu mà cô từng khao khát sau bữa coi cô Năm Hảo làm bánh men không cần nướng. Cô Hai Phụng vội vã chải đầu thiệt kỹ, giắt chiếc trâm hình trăng khuyết có cẩn những chấm hột xoàn tấm lóng lánh. Cô đeo vô cổ, vô cườm tay, ngón tay, trái tai những món trang sức mà cô cắc ca cắc củm mang theo. Nữ trang bằng vàng thiệt chen vàng giả miễn sao nó hợp sức cùng hào quang trên chiếc áo lụa màu ngân bạch nổi bông tiền điếu màu vàng để gây nhức mắt mọi người. Cô giành bồi tiệc cho các ông. Cô lăng líu như chim chèo bẻo, véo von như chim chìa vôi làm thầy giáo Thưởng mặt khờ ra vì sung sướng đã cưới được một cô vợ bãi buôi, bắt thiệp. Cô Hai Phụng đặt dóc về các dược thảo ngâm trong rượu khá dài giòng lâu lắc. Sau cùng cô bảo: - Thưa các bác, các chú, các cậu, các dượng, các anh. Rượu nầy là rượu gia truyền. Hễ ai bị chứng no hơi sình bụng kinh niên chỉ uống chừng ba tháng là dứt tuyệt, hơi thở thơm tho, lưõi sạch đỏ au. Còn ai bị chứng phong thấp thì chỉ cần điều trị bằng rượu nầy chừng một năm là bớt dần dần. Bị bại xuội cũng nhờ rượu nầy mà đi đứng nhậm lẹ còn hồi chưa mang tật nữa. Rồi cô ỏn ẻn liếc qua chồng: - Mình, em nói có đúng hôn mình? Thầy giáo Thưởng đang nhai cái phao câu con vịt sau khi vừa ực hớp rượu Sâm Nhung Huyết Tửu bào chế ở hãng rượu Bình Tây. Rượu nầy khá nặng tuy có tên đẹp đẽ quý giá nhưng chỉ ngâm bằng loại dược thảo rẻ tiền. Hơi rượu làm thầy bàng hoàng, hụt hẫng, tâm trí ngây ngất...Nghe vợ hỏi thình lình, thầy rụng rời như bị chém hụt vì thầy có để ý nghe vợ nói trời, nói trăng những gì. Thầy trả lời liều mạng cho qua: - Ðúng, đúng lắm! Sâm Nhung Huyết Tửu ở hãng Bình Tây bổ nhứt xứ! Mọi người cười rân vì câu trả lời ăn trớt của thầy. Ai ai cũng biết cô Hai Phụng ưa xạo đía. Và cũng chẳng ai lạ gì cái thói khoác lác của cha cô. Rượu vừa trôi khỏi cổ, ông Hương cúng Bàu bắt đầu mở máy đía vang rân: - Con gái tui nhờ quen mấy bà lớn trên tỉnh nên nó mua được một thứ bột thơm nhập cảng từ bên Tây. Thưa bà con, số là trong vườn ngự uyển của ông vua xứ Lang-sa có một cây bông quỳnh trổ bông ngũ sắc, thơm bay ngàn dặm. Bà hoàng hậu hôm đó dạo vườn ngắm kiểng vật, gặp lúc tiết xuân nên bông quỳnh trổ ê hế. Bả thấy đủ loại ong như ong bầu, ong mật, ong nghệ cứ bu theo loài bông quý hút nhụy nên bả truyền cho cung nga thái giám hái bông về cà nhuyễn để làm bột thơm. Khi đầu bếp làm bánh, bà hoàng hậu truyền cho họ rắc bột thơm vô. Khi bánh chín, bà hoàng hậu biểu dưng bánh lên cho bà mẹ vua "ngự". Gặp lúc đó, bà mẹ vua ể mình, chê súp, chê sữa, chê phô-mai...Vừa hưởi bánh thơm, bà mẹ vua ních một lèo hết ổ bánh, bịnh hết bảy còn ba. Bả bèn truyền cho cung nga pha bột vô rượu để dành uống lai rai. Ðức vua thấy bông lạ nên truyền cho toán coi sóc ngự uyển trồng thêm cây quỳnh quý báu kia vì bông của nó vừa đẹp vừa có dược tánh. Cô Hai Phụng cảm thấy mát gan mát ruột như sương sâm, sương sáo, sương sa được ướp nước đá. Cô ỏn ẻn cười mơn rồi liếc qua cái mặt chim bỉm và nặng nề như cái cối xay của ông Hương quản Kiểm một cách đắc thắng. Hôm nay là ngày mà tên tuổi cô được các ông ở trung đường nhắc nhở, khen ngợi quá nhiều cho nên khi xuống bếp, nghe các bà phụ dọn cổ bàn suýt soa khen tài làm bánh của cô Năm Hảo, cô không thèm đếm xỉa tới, không làm mặt quạu như cách đây một tuần. Ðám giỗ rộn ràng trôi qua. Bà Hương cúng Bàu chèo xuồng ra chợ Vãng mua một hơi hai chục lít rượu và tới tiệm thuốc bắc bổ các dược phẩm như hoài sơn, cam thảo, thục địa... Khi rượu được chiết ra từng chai và được đậy nút cẩn thận, cô Hai Phụng ra hàng ba nằm trên võng đưa tòn teng qua lại. Cô chõ miệng qua bên nhà con Chín Kim Anh, cất giọng rổn rảng: - Tui là con nhà ăn chắc mặt dầy, tui đấm thèm ba cái thứ bánh khéo. Rượu thuốc của tui có nhiều công dụng trị bá chứng để giúp đời, gây âm đức cho con cháu về sau. Thử hỏi bánh nào sánh kịp tới gót chơn nó chưa? Vậy mà có con đĩ chó ăn cơm nhà làm chuyện tào lao, đi quảng cáo không công cho ba cái thứ bánh đẹp thì có đẹp, ăn vô thì dở ẹt, cứt heo hổng chừng còn ngon hơn. Cứt heo lỡ dính gót chơn tui, tui mua xà bông sả về rửa. Còn thứ bánh đó hễ chui vô miệng má con, dì cháu, chị em nhà nó thì miệng cả phồn cả lũ nó thúi hoắc như miệng cá vồ... Con Chín Kim Anh nghe hết. Nó liền xẹt qua nhà ông bà Hương quản Kiểm, thuật lại những câu đon ren của cô Hai Phụng, rồi thỏ thẻ - Con Hai Quạ (ám chỉ cô Hai Phụng có màu da đen như lông chim quạ) xỏ xiên chị đó! Chớ em đây thấp kém, nó đấm thèm chửi em. Nó chửi lông bông cho em nghe, nhưng kỳ thiệt là nó ám chỉ chị. Từ đó cô Hai Phụng và cô Năm Hảo tránh mặt nhau. Riêng thầy đội Luông và thầy giáo Thưởng thì có dịp gặp nhau luôn trong các đám cưới, đám giỗ được tổ chức trong xóm trong làng. Cả hai vẫn chào hỏi nhau, chuyện vãn, cụng ly với nhau hà rầm. Nếu có ai nhắc chuyện hiềm khích giữa hai bà vợ thì thầy đội Luông chắc lưỡi: - Ối, chuyện đờn bà với nhau, hơi nào tui lý tới? Tuy vậy, con đờn bà của tui vốn tốt bụng. Tui tin ít lâu nó sẽ cầu huề chị giáo. Thầy giáo Thưởng phụ hoạ: - Nhà tui dễ nóng nhưng mau quên. Tui cũng tin rằng nay mai chị đội và nhà tui sẽ trở lại tình bạn lối xóm. Nói dứt lời, thầy rót rượu cho thầy đợi, cả hai cụng ly lanh canh rồi ngửa cổ uống một cái ực cạn ly. Mặt người nào cũng đỏ gay như mặt trời mới moc, miệng cười toàng hoạc, giọng cười hề hề. Cầu huề? Hàn gắn trong nay mai? Làm gì có chuyện đó! Cô Hai Phụng làm sao nguôi ngoai nổi khi thấy ai đi đám cưới đều đặt bánh ở nhà ông Hương quản Kiểm. Cô Năm Hảo truyền nghề khéo cho hai con em mình là Sáu Mỹ và Bảy Lành. Dù cô Năm ở trên tỉnh nhưng tên tuổi cô vẫn được nhắc nhở đều đều qua bánh mứt do hai em cô làm ra. Tuy nhiên thiên hạ cũng ưa đến nhà ông bà Hương cúng Bàu để mua rượu thuốc do cô Hai Phụng truyền lại bí quyết ngâm rượu của cô cho cha mẹ. Mỗi khi dắt cô Sáu Mỹ hay Bảy Lành ra chợ tỉnh thăm vợ chồng cô Năm Hảo, bà Hương quản Kiểm tỉ tê kể lại sự mến chuộng của thôn dân đối với rượu thuốc ấy cho cô Năm nghe. Cô Năm cảm thấy mình khó mà giao thiệp với con "Hai Quạ" đó.*
Trường tiểu học An Hương có một cô giáo mới đổi về dạy lớp nhì. Cô nầy tính tình bãi buôi, ưa thích giao thiệp với mọi người. Cô khéo léo các món bánh mứt, lại tốt bụng, sẵn lòng chỉ dạy các cô gái trong xóm. Cô giáo cho biết bánh men nướng bắt bông nổi của cô Năm Hảo là thứ bánh men bắt bông đường. Ðường cát trắng trộn lòng trắng trứng gà rồi nhuộm phẩm xanh phẩm đỏ để vẽ lên mặt bánh men. Và rồi mấy cô gái làng cũng lần lần khám phá ra bánh men không cần nướng của cô Năm Hảo chỉ làm bằng đường trộn với lòng trắng trứng gà đánh cho nổi mà thôi, chẳng có pha thêm bột thêm men gì ráo trọi. Lần hồi, vài cô gái trong làng làm được bánh bông lang bắt bông đường diêm dúa loè loẹt nếu họ khéo tay. Họ còn biết bỏ bột hoa-ni vào bánh nướng lẫn bánh hấp. Ðiều đáng nói thêm, từ khi cô giáo Hiền đem bột hoa-ni giới thiệu với các cô gái ưa học làm khéo thì mùi thơm trong rượu thuốc do cô Hai Phụng pha chế bị khám phá ra. Cô Kiều Tiên, con gái ông Hương sư Bình, cất giọng nhọn hoắc: - Té ra đó là bột hoa-ni. Ngoài chợ tỉnh, các tiệm ba-da bán thiếu gì! Cô Nguyệt Nga, con gái ông Hương chủ Khánh, trề môi: - Con Hai Phụng và con Năm Hảo tuy kình địch nhau nhưng thiệt ra cùng một thứ xạo đía, cùng một phồn gạt người. Từ đó, mỗi khi về thăm nhà, cô Năm Hảo không dám trưa trưa đội khăn san màu hường, che dù màu tía đi dạo xóm nữa. Còn cô Hai Phụng thì khi bột hoa-ni bị khám phá, cô được thôn dân âu yếm tặng cho cái hỗn danh là cô Hai Quạ. Mỗi trưa, sau khi ăn xong, cô vào buồng đánh giấc trưa thiệt say sưa, hết dám nằm đong đưa trên võng treo ngoài hàng ba để đọc tiểu thuyết và chửi đổng nữa. Ngoài tỉnh Vĩnh Long, nhà thầy giáo Thưởng ở tại dãy phố lầu, gần miễu Quốc công. Còn nhà thầy đội Luông ở xóm Khương Hữu Phụng. Sáng sáng cô Hai Phụng xách giỏ đi chợ Cầu Lầu thường gặp vợ chồng cô Năm Hảo ngồi điểm tâm trong tiệm nước chệt Lìn luôn. Cô Năm ăn sáng no cành hông rồi mới chịu xách giỏ đi mua thức ăn nên cả hai ít có dịp chạm mặt nhau. Nếu rủi có đụng mặt nhau thì cả hai cúi gằm mặt bương bả đi chỗ khác. Nhưng mà cả hai đã cảm thấy giữa đối thủ và mình chẳng còn gì để ganh đua, để loè bịp thôn dân xóm Ðình, làng An Hương nữa. Cô Năm Hảo sanh được một trai kháu khỉnh. Còn cô Hai Phụng lấy chồng đã hai năm mà chưa có điềm chửa nghén gì nên cô bứt rứt lắm. Tháng bảy, mưa gió sụt sùi, trời đất mịt mờ, khí âm huyền độc địa. Cô Hai Phụng bỗng ngã bịnh, cơm cháo nuốt vô là cô ói mửa lai láng. Cô liền kêu xe kéo đến nhà ông Bộ Công để chẩn mạch hốt thuốc. Ông cho biết cô chẳng có bịnh chi hết mà chỉ bị thai hành. Lời tiết lộ đó làm cho cô Hai Phụng mừng quính. Vừa lúc đó, cô Năm Hảo bồng đứa con trai bước vô, nước mắt chan hoà. Ðứa nhỏ mặt mày đỏ ửng, mắt nhắm thiêm thiếp. Cô Hai Phụng đang mong có con, thấy thằng nhỏ đau ốm chi chưa biết mà có vẻ thừa chết thiếu sống nên tâm can cô thốn động, xốn xang. Cô quên mối thù hiềm cũ, hỏi: - Cháu đau sao đó, chị Năm? Cô Năm Hảo bệu bạo: - Nó nóng rồi làm kinh. Hai đêm, ba ngày qua tui không dám ngủ. Cô Hai Phụng không chịu ra về liền, cô đợi ông Bộ Công chẩn mạch đứa nhỏ để biết nguồn cơn bịnh hoạn nó ra sao. Ông Bộ Công bắt mạch nó xong, an ủi cô Năm Hảo: - Thằng nhỏ nầy đau ban trắng. Ban bắt đầu phát nên không hề gì. Ông pha thuốc tán cho nó uống hạ hoả trước khi hốt cho nó một thang thuốc. Khi cô Năm Hảo sửa soạn bồng con ra về thì cô Hai Phụng nói - Coi chị đừ rồi đó! Ðể tui tháp tùng chị đưa cháu về nhà. Cô Hai Phụng kêu xe xích lô cho bạn. Khi cả hai cùng đứa nhỏ lên xe thì cô Hai giương dù ra che cho mẹ con cô Năm. Xe tới nhà cô Năm Hảo, cô Hai giành trả tiền xe rồi theo bạn vào nhà. Ðứa nhỏ nhờ thấm hiệp thuốc tán nên không còn thiêm thiếp nữa. Nó giương mắt có thần nhìn mẹ và khách. Cô Năm Hảo pha trà mời bạn rồi hỏi thăm đủ thứ, từ việc nhà ở An Hương tới đại gia đình thầy Thưởng...Lúc đầu cả hai trò chuyện còn bợ ngợ, ngập ngừng nhưng rồi bản tánh hồn nhiên, bặt thiệp, cả hai ngon trớn bắt chuyện trơn tru, thỉnh thoảng chêm từng chuỗi cười giòn khấm khứu. Bỗng ngoài cửa có tiếng léo xéo: - Chị Năm của em đâu rồi? Con em Chín của chị tới thăm chị đây nè. Mai nó về An Hương, chị có gởi gì về hai bác Hương quản thì giao cho em. Cô Năm Hảo bảo nhỏ cô Hai Phụng: - Con Chín Kim Anh đó. Từ khi nó lấy thằng Hai Tòng, nó được má chồng dựng cho nó cái chái lá xéo xéo chùa Bà Thiên Hậu. Nó mở tiệm bán nem nướng phát đạt thất kinh. Chín Kim Anh õng ẹo bước vô, áo dài màu hoàng yến thướt tha theo nhịp bước đi nhún nhảy. Chèn ơi, giờ đây ả đẹp đẽ, mượt mà thêm ra. Ðôi bông hột xoàn trên tai ả chớp lia chớp lịa mỗi khi ả ngúc ngoắc đầu õng ẹo làm điệu. Vừa thấy cô Hai Phụng, mặt ả hơi tái nhưng rồi ả gượng làm tỉnh, bô lô ba la liền: - Mèn ơi, chị Hai! Hèn lâu em mới gặp chị. Lóng rày coi bộ chị đỏ da thắm thịt, đẹp nhức nhối! Nè, mai em về thăm nhà, chị có muốn gởi trà bánh cho bác Hương cúng thì em đem về giùm cho. Cô Hai Phụng cuời: - Tuần tới tui về nhà dự đám giỗ bà nội tui. Thôi, tui không dám làm nhọc lòng Chín, nhưng dầu sao tui cũng cảm ơn lòng sốt sắng của Chín. Chín Kim Anh đía: - Em về An Hương để dự đám coi mắt đứa con gái lớn của chị Hai em. Chèn ơi, em mua đủ thứ thập vật tặng tía má em: nào là trái vải đóng hộp, nào trà Thiết quan âm, nào bôm, nho, xá-lỵ, khô cá sưởu, lạp xưởng... Trong lúc ả Chín chót chét khoe khoang, cô Năm lẫn cô Hai nhìn nhau. Lại thêm một nhân vật nữa lấy chồng tỉnh về làng thăm quê,, mặc tình mà nói trời nói đất, mặc sức khoe khoang chuyện bá láp tầm phào. Cô Hai thì nhớ tới bột vanille, cô Năm thì nhớ tới thứ bánh men không cần nướng. Mặt cả hai đỏ thén nhưng mắt họ sáng rạo rực, nụ cười họ chúm chím nở trên môi.Hết