Phần thứ nhất(a)
Vương quốc đánh mất

1.
Ngày mồng Một tháng Bảy năm 1998 rơi đúng vào thứ Tư. Cho nên cũng lô gích, dù quả có hơi khác thường, khi Djerzinski tổ chức bữa tiệc tạm biệt vào buổi tối thứ Ba. Chiếc tủ lạnh hiệu Brandt xếp đầy những chai sâm banh đặt giữa đám túi phôi đông lạnh; nó hơi oằn xuống dưới sức nặng của đống chai; thường nó được dùng để bảo quản các sản phẩm hóa học thông thường.
Bốn chai cho mười lăm người, quá ít ỏi. Nhưng toàn bộ bữa tiệc cũng thật giả tạo: động lực tập hợp họ ngồi lại với nhau rất hời hợt; một câu nói vụng về, một cái nhìn liếc xéo là đủ để nhóm người giải tán, mỗi người vội vã đi ra xe của mình. Họ đang ở dưới tầng hầm, trong một căn phòng có máy lạnh, tường lát đá hoa ca rô trắng và treo một bức ảnh lớn chụp vài cái hồ ở Ðức. Không ai đề nghị chụp ảnh. Một nghiên cứu viên trẻ mới đến hồi đầu năm, rậm râu và trông khá ngu xuẩn, sau vài phút đã cáo từ, viện lý do phải đi sửa xe. Một nỗi bồn chồn ngày càng rõ rệt dần xâm chiếm những người khách - đã sắp đến kỳ nghỉ hè. Vài người sẽ đến nhà người thân nghỉ ngơi, một số khác sẽ đi du lịch sinh thái. Những câu nói chầm chậm rơi lộp độp trong bầu không khí. Họ nhanh chóng chia tay nhau.
Mười chín giờ ba mươi, bữa tiệc kết thúc. Djerzinski đi cắt ngang bãi để xe cùng với một đồng nghiệp nữ tóc đen dài, da rất trắng, bộ ngực đồ sộ. Cô nhiều tuổi hơn anh một chút; gần như chắc chắn cô sẽ thay anh đứng đầu tổ nghiên cứu. Phần lớn các bài viết của cô xoay quanh gen DAF3 của ruồi giấm; cô còn độc thân.
Ðứng trước chiếc Toyota của mình, anh mỉm cười chìa tay ra (mấy giây trước đó anh đã nghĩ mình sẽ làm động tác này, đi kèm với một nụ cười, anh đã chuẩn bị trong đầu như thế). Hai bàn tay nắm lấy nhau và khẽ lắc lắc. Một lúc sau anh nghĩ là cái bắt tay đó hơi thiếu độ nồng ấm; nhẽ ra họ cần phải ôm hôn như các ông bộ trưởng hay vài ca sĩ nhạc nhẹ vẫn thường làm.
Nói xong lời tạm biệt, anh ngồi trong xe năm phút, năm phút thật dài. Tại sao cô không nổ máy? Cô đang vừa nghe Brahms [1] vừa thủ dâm chăng? Hay cô đang nghĩ đến sự nghiệp của mình, đến những quyền lực cao hơn sắp sửa có, cô có sung sướng với chúng không? Cuối cùng, chiếc Golf của cô chuyên gia về gen rời khỏi bãi đỗ xe; anh lại trơ trọi một mình. Ngày hôm nay thật đẹp, trời vẫn còn nóng. Trong những tuần đầu tiên của mùa hè này, tất cả dường như cố định trong một sự bất động tuyệt vời; tuy nhiên Djerzinski cũng hiểu rằng ngày đang ngắn dần lại.
Anh làm việc trong một môi trường thuận lợi, anh nghĩ trong lúc nổ máy xe. Với câu hỏi: “Làm việc ở Palaiseau bạn có cảm thấy được hưởng một môi trường nhiều ưu đãi không?”, 63% người trả lời: “Có”. Ðiều này cũng dễ hiểu: các tòa nhà không cao lắm, nằm xen kẽ giữa những bãi cỏ. Có nhiều siêu thị lớn, mua bán rất dễ dàng; khái niệm chất lượng cuộc sống có vẻ rất phù hợp ở trường hợp Palaiseau này.
Ðường cao tốc Nam Paris vắng tanh không một bóng người. Anh có cảm giác đang ở trong một bộ phim khoa học viễn tưởng New Zealand mà anh đã xem hồi còn là sinh viên: anh đang là người cuối cùng của Trái Ðất sau khi toàn bộ sự sống đã biến mất. Ðiều gì đó trong bầu không khí gợi lên một sự tận thế khô khốc.
Djerzinski sống ở phố Frémicourt từ khoảng mười năm nay; anh đã quen với khu phố yên tĩnh này. Năm 1993, anh cảm thấy cần có bầu có bạn, một ai đó chờ đón anh vào mỗi tối khi anh trở về. Anh đã chọn một con chim bạch yến, một con chim rất hay sợ hãi. Nó hay hót, nhất là vào buổi sáng nhưng dường như nó không được vui; nhưng một con chim yến liệu có thể cảm thấy vui? Niềm vui là một cảm xúc dày đặc và sâu sắc, một thứ tình cảm tràn trề phấn khích chỉ ý thức trọn vẹn mới cảm thấy được; người ta có thể ví nó với sự say sưa, sự hân hoan, sự phấn khích. Một hôm, anh thả con chim ra khỏi lồng. Sợ quá, nó ỉa xuống đi văng và lao vào chấn song để tìm lối ra. Một tháng sau, nó lặp lại ý đồ đó. Lần này nó bị ngã khỏi cửa sổ. Yếu đi ít nhiều vì cú ngã, con chim đành đậu xuống ban công một căn hộ thấp hơn năm tầng của tòa nhà đối diện. Michel phải đợi nữ chủ nhân về, sốt ruột vì sợ cô ta có nuôi mèo. Sau đó anh biết cô gái là biên tập viên ở tạp chí Tuổi 20, cô sống một mình và về nhà rất muộn. Cô không nuôi mèo.
Ðêm xuống, Michel lấy lại được con chim đang run lên vì đói và lạnh, lẩy bẩy dựa vào thành ban công bằng bê tông. Nhiều lần, chủ yếu khi đi đổ rác, anh gặp lại cô biên tập viên. Cô gật đầu, có lẽ để tỏ cho anh thấy là cô nhận ra anh; anh cũng gật đầu chào lại. Tóm lại, sự cố đã cho phép anh thiết lập một mối quan hệ hàng xóm. Xét về mặt đó, sự cố là tốt.
Nhìn qua cửa sổ nhà anh có thể nhìn thấy khoảng chục tòa nhà, tương đương khoảng ba trăm căn hộ. Thường thì khi buổi tối trở về, con chim yến sẽ làm toáng lên và hót líu lo trong khoảng năm hoặc mười phút. Rồi anh thay thức ăn, nước và rơm độn trong lồng. Nhưng tối đó, đón chờ anh là sự yên lặng. Anh lại gần cái lồng: con chim đã chết. Cơ thể nhỏ bé màu trắng của nó đã lạnh ngắt giữa đám rơm và sỏi.
Bữa tối của anh là một hộp cá biển trộn rau mua ở siêu thị Monoprix Gourmet, kèm với một chai rượu Valdepenas loại rẻ tiền. Sau một hồi lưỡng lự anh đặt xác con chim vào một cái túi ni lông rồi ném tất cả vào ống đổ rác. Còn làm thế nào khác được bây giờ? Làm một lễ mi-xa chăng?
Anh chưa bao giờ biết cái ống đổ rác với cái miệng bé xíu (nhưng đủ để chứa xác một con chim yến) đó dẫn đến đâu. Anh mơ thấy những thùng rác khổng lồ, đầy những phin cà phê, tim xắm ăn liền tưới nước sốt và bộ phận sinh dục bị chặt ra. Những con sâu to đùng, to bằng con chim, vũ trang bằng cái mỏ, sẽ tấn công cái xác chết. Chúng sẽ vặt chân của nó, xâu xé nội tạng của nó, ngấu nghiến hai con mắt của nó. Anh ngồi bật dậy giữa đêm, run rẩy; mới một giờ rưỡi. Anh nuốt chửng ba viên Xanax. Ðó là cách anh kết thúc ngày đầu tiên tự do của mình.
2.
Ngày 14 tháng Chạp năm 1900, trong một báo cáo ở Viện Hàn lâm Berlin dưới cái tên "Zur Theorie des Gesetzes der Energieverteilung in Normalspektrum" [2] , Max Planck lần đầu tiên giới thiệu khái niệm lượng tử của năng lượng, cái sẽ đóng một vai trò quyết định trong bước tiến triển sau này của vật lý. Từ 1900 đến 1920, chủ yếu với đóng góp của Einstein và Bohr, những mô hình ngày càng tinh vi tìm cách đưa lối nghĩ mới vào bộ khung các lý thuyết trước đó. Mãi từ đầu những năm hai mươi bộ khung đó dường như mới bị vứt bỏ hoàn toàn.
Niels Bohr được coi là cha đẻ thực sự của cơ học lượng tử không chỉ vì các phát hiện cá nhân của ông, mà nhất là còn vì ông biết cách tạo ra xung quanh mình một môi trường sáng tạo đặc biệt, sự sôi trào của tri thức, tự do trí tuệ và tình bạn hữu. Viện Vật lý Copenhagen, do Bohr thành lập năm 1919, đã đón nhận tất cả các nhà khoa học trẻ tuổi mà vật lý châu Âu sẽ biết ơn trong tương lai. Heisenberg, Pauli, Born đã trui rèn ở đó. Không nhiều tuổi hơn họ bao nhiêu, Bohr có thể dành hàng giờ trao đổi cặn kẽ các giả thuyết của họ, theo lối nói chuyện rất đặc trưng hòa trộn sự sáng suốt triết học, lòng tốt và tính nghiêm khắc. Chính xác đến mức bị ám ảnh, ông không bao giờ tha thứ bất kỳ sự đại khái nào trong cách diễn tả các thí nghiệm, nhưng ông cũng không bao giờ nghĩ bất kỳ ý tưởng mới nào là điên rồ, không khái niệm cổ điển nào không thể bị lật đổ. Ông thích mời sinh viên đến ngôi nhà thôn quê của mình tại Tisvilde; tại đó ông còn đón tiếp các nhà khoa học của các ngành khác, các nhà chính trị, các nghệ sĩ; những buổi trò chuyện của họ có thể tự do nhảy từ vật lý sang triết học, từ lịch sử đến nghệ thuật, từ tôn giáo đến đời thường. Kể từ thời các nhà tư tưởng Hy Lạp đến giờ chưa bao giờ có được một cái gì tương tự như thế. Chính trong môi trường đặc biệt đó, từ năm 1925 đến 1927, các khái niệm cơ bản nhất của trường phái Copenhagen đã ra đời, phá bỏ rất nhiều các quan niệm cũ về không gian, luật nhân quả và thời gian.
Djerzinski chưa bao giờ tạo được quanh mình một môi trường như thế. Không khí trong tổ nghiên cứu mà anh đứng đầu không khác gì không khí văn phòng hành chính. Còn xa mới trở thành các Rimbaud [3] của kính hiển vi mà một công chúng mùi mẫn thích được thấy, các nhà khoa học sinh học phân tử thường là những kỹ thuật viên trung thực, không có thiên tài, đọc báo Người quan sát mới và mơ đi nghỉ ở Thanh Ðảo. Ngành sinh học phân tử không cần đến tính sáng tạo, không cần phát minh; trên thực tế đó là một hoạt động gần như đã trở thành thói quen, chỉ cần đến một số khả năng trí tuệ khá khiêm tốn. Người ta học tiến sĩ, bảo vệ luận án, trong khi chỉ cần hai năm đại học là quá đủ để vận hành các loại máy móc. Desplechin, giám đốc ban sinh học Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS, thường vẫn hay nói: “Ðể hiểu mã di truyền là cái gì, để phát hiện nguyên tắc tổng hợp prô-tê-in, vâng, thì cũng phải toát mồ hôi một tí đấy. Mà các anh cũng thấy Gamow, một nhà vật lý, đã nhúng mũi đầu tiên vào vụ đó. Còn thì việc giải mã ADN, phì... Chúng ta giải mã, giải mã, giải mã. Chúng ta tạo ra một phân tử, rồi lại một phân tử nữa. Chúng ta nhập dữ liệu vào máy tính, máy tính tính toán các chuỗi con. Chúng ta gửi fax đến Colorado: họ làm gen B27, chúng ta làm gen C33. Ðều đều thế thôi. Ðôi khi cũng có vài tiến bộ nhỏ nhặt về mặt máy móc; nhìn chung thế cũng đủ để được trao giải Nobel. Công việc vụn vặt, như trò đùa.”
Buổi chiều ngày mồng Một tháng Bảy nóng tàn bạo, một buổi chiều sẽ kết thúc rất tệ, cơn giông sẽ nổ ra, ào lên những cơ thể trần trụi kia. Văn phòng của Desplechin nhìn thẳng xuống kè Anatole-France. ở bờ bên kia sông Seine, trên kè Tuileries, những người đồng tính đang đi vòng vòng dưới ánh mặt trời, trò chuyện với nhau, hai người một hoặc từng nhóm nhỏ, dùng chung khăn tắm với nhau. Gần như tất cả đều mặc quần lót nhỏ xíu. Cơ bắp bôi dầu chống nắng của họ ánh lên trong nắng, những cặp mông bóng lên và mây mẩy. Vừa chuyện phiếm, một số trong đó vừa lấy tay mân mê bộ phận sinh dục của mình qua lần ni lông của quần lót, hay thò một ngón tay vào trong để nghịch những sợi lông kín và đầu dưới của dương vật. Cạnh cửa kính văn phòng, Desplechin đặt một ống nhòm. Bản thân ông, theo lời đồn đại, cũng là người đồng tính; trên thực tế từ vài năm nay ông nghiện ngập khá nặng. Một buổi chiều như chiều hôm nay, hai lần ông đã thử thủ dâm, mắt vẫn dán vào chiếc ống nhòm, đặt trọng tâm vào một thằng bé để người khác tụt quần lót ra, cái chim của nó khiến bầu không khí dâng lên đầy rạo rực. Còn cái của ông thì vẫn rũ xuống, nhẽo nhợt và nhăn nheo, khô khốc; ông cũng không cố thêm.
Djerzinski đến vào lúc mười sáu giờ đúng. Desplechin đòi được gặp anh. Trường hợp của anh làm ông rối trí. Vẫn thường có những trường hợp một nhà khoa học xin nghỉ một năm để đi làm trong một ê kíp khác ở Na Uy, Nhật Bản hoặc một trong những đất nước u ám với hàng đống người ở lứa tuổi bốn mươi tự tử hàng loạt. Những người khác - rất thường thấy trong “những năm Mitterand”, những năm mà cơn háu đói tiền của đã đạt đến những mức độ kinh hoàng - lao vào kiếm tiền theo lối được ăn cả ngã về không, thành lập một công ty để thương mại hóa một loại phân tử nào đó; cũng có một số trong một thời gian ngắn tạo lập được một tài sản kha khá, hèn hạ tìm cách biến những kiến thức thu được trong những năm nghiên cứu hờ hững nảy ra tiền. Nhưng việc Djerzinski xin nghỉ, không dự định, không chủ đích, không thanh minh, với Desplechin là không thể hiểu nổi. Bốn mươi tuổi anh đã là giám đốc nghiên cứu với mười lăm nhà khoa học làm việc dưới quyền; bản thân anh chỉ phụ thuộc Desplechin và cũng chỉ thuần túy về mặt lý thuyết. Ê kíp của anh có được những kết quả tuyệt vời, người ta coi nó là một trong những ê kíp tốt nhất của châu Âu. Tóm lại, có gì không ổn ở đây? Desplechin cố làm cho giọng nói của mình linh hoạt lên: “Anh có kế hoạch gì à?” Im lặng ba mươi giây, rồi Djerzinski buồn thảm bật ra: “Suy nghĩ.” Bắt đầu tệ rồi đây. Cố bắt mình tỏ ra vui vẻ, ông hỏi tiếp: “Việc cá nhân à?” Nhìn chằm chằm vào khuôn mặt nghiêm túc, đường nét gãy gọn, đôi mắt buồn đang chiếu thẳng vào ông, đột nhiên ông cảm thấy ngượng ngập. Việc cá nhân là cái gì? Chính ông là người đã đến tìm Djerzinski tại trường đại học Orsay, mười lăm năm về trước. Lựa chọn của ông quá tuyệt: đó là một nhà nghiên cứu chính xác, nghiêm khắc, có óc sáng tạo: kết quả công việc cứ tích tụ dần, khối lượng rất lớn. CNRS có được vị trí đáng kể tại châu Âu về sinh học phân tử chính là nhờ một phần lớn vào anh. Hợp đồng đã được hoàn thành, rất nhiều lợi ích.
“Ðược rồi”, Desplechin kết thúc, “anh sẽ vẫn có quyền truy nhập hệ thống máy tính. Chúng tôi sẽ giữ mã truy nhập của anh vào các dữ liệu để trong máy chủ, và vào kênh Internet của trung tâm; thời hạn là không hạn chế. Nếu anh cần gì nữa, tôi sẽ vui lòng thực hiện ngay.”
Sau khi Djerzinski đã đi, ông lại bước đến gần cửa kính. Ông hơi toát mồ hôi. Trên kè sông đối diện, một tay thanh niên tóc nâu Bắc Phi đang cởi quần đùi. Còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết cho ngành sinh học phân tử. Các nhà sinh học nghĩ và hành động như thể các phân tử là những yếu tố vật chất tách rời, chỉ được liên hệ với nhau thông qua lực hút và lực đẩy điện từ; không ai trong số họ, ông chắc chắn vậy, từng nghe nói đến nghịch lý EPR [4], các thí nghiệm của Aspect; thậm chí cũng không có ai buồn tìm hiểu về các tiến bộ trong vật lý kể từ đầu thế kỷ đến nay; quan niệm của họ về phân tử gần như dừng lại từ thời Démocrite [5]. Họ tích tụ các loại dữ liệu, nặng nề và lặp đi lặp lại, chỉ với mục đích duy nhất là rút ra từ đó các ứng dụng công nghiệp ngay tức khắc, không bao giờ thèm ý thức là nền tảng khái niệm của cách làm việc của mình đã bị xói mòn. Djerzinski và chính ông, nhờ trước kia được đào tạo để trở thành nhà vật lý, rất có thể là những người duy nhất ở CNRS nhận thức được điều ấy; ngay khi người ta thực sự động đến các cơ sở nguyên tử của cuộc sống, toàn bộ nền móng của sinh học hiện nay sẽ vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ. Desplechin suy ngẫm về những vấn đề đó trong bóng chiều đang xuống trên dòng sông Seine. Ông không tài nào tưởng tượng ra được những hướng mà suy nghĩ của Djerzinski có thể tìm tới; ông còn không cảm thấy mình đủ tầm để bàn chuyện đó với anh. Ông đã bước vào tuổi sáu mươi; về mặt tri thức mà nói, ông cảm thấy mình đã hoàn toàn cạn kiệt. Giờ đây những người đồng tính đã đi khỏi, kè sông vắng ngắt. Ông không còn nhớ được lần cuối cùng cương cứng của mình là bao giờ nữa; ông đợi cơn giông.
3.
Cơn giông bắt đầu vào khoảng chín giờ tối. Djerzinski vừa nghe tiếng mưa rơi vừa nhấm nháp từng ngụm rượu Armagnac loại rẻ tiền. Anh đã bước vào tuổi bốn mươi: liệu anh có là nạn nhân của khủng hoảng tuổi bốn mươi? Hiện tại điều kiện sống của những người bốn mươi tuổi rất lý tưởng, họ đang sung mãn về mặt thể chất. Những dấu hiệu đầu tiên - cả về vẻ bề ngoài lẫn phản ứng của các cơ quan hoạt động nhiều - cho thấy họ bước qua một bậc thềm nào đó, bắt đầu bước vào chặng đường đi đến cái chết thường chỉ bắt đầu rõ rệt ở tuổi bốn nhăm, thậm chí năm mươi. Ngoài ra, cơn “khủng hoảng tuổi bốn mươi” thường gắn liền với các hiện tượng tình dục, với sự tìm kiếm đột ngột và say sưa những cơ thể những cô gái còn rất trẻ. Ở trường hợp Djerzinski, khỏi cần để ý đến những cái đó. Con cu của anh chỉ dùng để đi tiểu, không hơn.
Khoảng bảy giờ sáng hôm sau anh ngủ dậy, lấy trong tủ sách của mình cuốn Bộ phận và Tổng thể hồi ký khoa học của Werner Heisenberg [6], và đi bộ về hướng khu Champs-de-Mars. Bình minh trong vắt và mát mẻ. Anh có quyển sách này từ khi mười bảy tuổi. Ngồi dưới một cây tiêu huyền ở lối đi Victor-Cousin, anh đọc lại chương đầu tiên, trong đó Heisenberg miêu tả những năm đầu đi học và liên hệ với hoàn cảnh lần đầu ông gặp gỡ với vật lý nguyên tử:
Việc đó đã diễn ra, tôi nghĩ vậy, vào mùa xuân năm 1920. Thế chiến thứ nhất vừa chấm dứt đã gieo rắc sự bối rối và hoang mang ở những người trẻ tuổi đất nước chúng tôi. Thế hệ trước, thất vọng sâu sắc vì thất bại, đã để tuột dây cương khỏi tay mình; và thanh niên tụ tập thành hội nhóm, thành những cộng đồng nhỏ hoặc lớn, để tìm kiếm một con đường mới, hay chí ít là tìm ra một kim chỉ nam mới hướng lối cho họ, bởi chiếc la bàn cũ đã bị vỡ hoàn toàn. Chính trong hoàn cảnh đó, trong một ngày đẹp trời mùa xuân, tôi ở trên đường cùng với một nhóm bạn khoảng mười, hai mươi người. Nếu tôi nhớ chính xác, cuộc đi dạo đó đã dẫn chúng tôi đi qua những ngọn đồi sát bờ Tây hồ Starnberg; cái hồ, mỗi khi có một lỗ hổng trong đám sồi xanh đậm, lại hiện ra bên trái, phía dưới chúng tôi, và trải rộng gần đến tận những ngọn núi làm nền cho phong cảnh. Thật lạ lùng, chính trong buổi đi dạo đó, tôi đã có cuộc tranh luận đầu tiên về thế giới vật lý nguyên tử, cuộc bàn cãi có tầm quan trọng rất to lớn với tôi trong sự nghiệp sau này.”
Khoảng mười một giờ, cái nóng bắt đầu tăng lên. Quay về nhà, Michel cởi hết quần áo và đi nằm. Ba tuần tiếp theo, cử động của anh được giảm xuống tối đa. Có thể tưởng tượng anh giống như một con cá thỉnh thoảng nhô đầu khỏi mặt nước để hớp không khí, ngắm nhìn trong vài giây ngắn ngủi thế giới bên trên, hoàn toàn khác biệt - thiên đường. Sau đó dĩ nhiên nó phải quay về với thế giới đầy rong rêu của mình, nơi đồng loại của nó cắn xé lẫn nhau. Nhưng trong vài giây nó đã có trực cảm về một thế giới khác, một thế giới hoàn hảo - thế giới của chúng ta.
Buổi tối ngày 15 tháng Bảy, anh gọi điện cho Bruno. Trên nền nhạc jazz cool, giọng nói của người anh cùng mẹ khác cha truyền đạt một thông tin ở độ thứ hai. Bruno hiển nhiên là nạn nhân của khủng hoảng tuổi bốn mươi. Anh mặc áo da không thấm nước và để râu. Ðể chứng tỏ mình hiểu biết cuộc sống, anh nói năng như một nhân vật của phim truyền hình hình sự hạng hai, anh hút xì gà nhỏ, tập tạ để phát triển cơ ngực. Nhưng về phía Michel, anh không hề tin chút nào vào sự giải thích của “khủng hoảng tuổi bốn mươi” này. Một người đàn ông nạn nhân của cơn khủng hoảng tuổi bốn mươi chỉ đòi hỏi được sống, được sống thêm một chút; anh ta chỉ đòi hỏi kéo dài cuộc đời thêm một chút. Bản thân anh đã hoàn toàn chán ngán nó; chỉ đơn giản anh không hề thấy một lý do nào để tiếp tục nữa cả.
Cũng buổi tối đó anh tìm lại một bức ảnh, chụp ở trường tiểu học ở Charny. Và anh bật khóc. Ngồi ở bàn học, đứa bé cầm trên tay một quyển sách giáo khoa đang mở. Nó tươi cười nhìn chăm chăm vào người xem, vẻ rất vui sướng và dũng cảm. Thật không thể tin nổi đứa trẻ này lại là anh. Ðứa trẻ làm bài tập, học bài với một sự nghiêm túc đầy tự tin. Rồi nó bước vào đời, khám phá thế giới, và thế giới không làm nó sợ. Tất cả những cái đó người ta có thể đọc thấy trong cái nhìn của đứa trẻ. Nó mặc một chiếc áo khoác có cái cổ nhỏ.
Trong suốt nhiều ngày Michel để bức ảnh trong tầm tay với, dựa vào cái đèn ngủ. Thời gian là một bí ẩn tầm thường, và tất cả đều nằm trong trật tự, anh cố tự nhủ như thế; cái nhìn tắt ngấm, niềm vui và sự tự tin biến mất. Duỗi dài trên tấm nệm Bultex, anh cố tập cho quen với đổi thay này mà không nổi. Trán của đứa trẻ có một vết lõm nhỏ - vết sẹo do bệnh thủy đậu để lại. Vết sẹo này đã đi qua năm tháng. Sự thật nằm ở đâu? Cái nóng giữa trưa lan tỏa trong căn phòng.
4.
Sinh năm 1882 tại một ngôi làng nằm sâu trong đảo Corse, trong một gia đình nông dân mù chữ, dường như Martin Ceccaldi được sinh ra để sống một cuộc đời điền viên thôn dã, ít hoạt động, giống như đời tổ tiên của cậu bé qua rất nhiều thế hệ. Ðó là cuộc sống lâu nay đã biến mất khỏi các vùng đất của chúng ta, nên việc phân tích rốt ráo nó hẳn không đem lại ích lợi gì lớn lắm; dù một vài nhà sinh thái học cực đoan cứ lâu lâu lại thể hiện lòng hoài nhớ không hiểu nổi về cuộc sống đó, để hoàn thiện, tôi cũng sẽ miêu tả ngắn gọn một cách tổng hợp cuộc sống ấy: họ có thiên nhiên và không khí trong lành, họ gieo trồng trên vài mẫu ruộng (số lượng được định ra chính xác theo thừa kế), đôi khi họ săn một con lợn rừng; họ làm tình với những người đàn bà xung quanh, thường là với vợ của mình, kết quả là họ có những đứa con; họ nuôi dạy những đứa con này để sau này chúng thừa hưởng lại vị trí của họ trong cái hệ sinh thái đó, họ lâm bệnh, và thế là tiêu.
Số phận đặc biệt của Martin Ceccaldi mang đầy đủ đặc điểm của sự xâm nhập xã hội Pháp và thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật của trường học phi tôn giáo suốt trong chiều dài nền Cộng hòa thứ III. Thầy giáo của cậu bé nhanh chóng hiểu là mình đang đứng trước một học sinh xuất sắc, cự phách về khả năng tư duy trừu tượng và sáng tạo mang tính hình thức, rất khó thể hiện được trong môi trường nơi cậu sinh ra. Ý thức đầy đủ rằng trách nhiệm của mình không chỉ là cung cấp cho mỗi công dân tương lai một hành trang kiến thức cơ bản mà còn phải tìm ra những nhân tố ưu tú để làm nòng cốt cho các chức vụ quan trọng của nền Cộng hòa, ông đã thuyết phục bố mẹ Martin rằng con đường vận mệnh của con trai họ nhất thiết không thể nằm ở đảo Corse. Năm 1894, được hưởng một học bổng, cậu bé vào nội trú ở trường trung học Thiers ở Marseille (được miêu tả rất kỹ trong hồi ký tuổi thơ của Marcel Pagnol [7], tập hồi ký sẽ dựng lại từ đầu đến cuối, bằng một sự tái tạo mang tính hiện thực tuyệt vời những thần tượng lớn lao của một thời qua bước đường một chàng trai trẻ tài năng sinh ra trong một gia đình nghèo khó ít học, quyển sách mà Martin Ceccaldi thích nhất). Năm 1902 cậu được nhận vào trường Bách khoa, biến đầy đủ những hy vọng của người thầy giáo cũ thành sự thật.
Năm 1911 Martin Ceccaldi giành được một công việc sẽ quyết định phần còn lại của cuộc đời ông. Ðó là việc làm hệ thống dẫn nước trên toàn lãnh thổ Algérie. Ông làm việc ở đó suốt hai mươi nhăm năm, tính toán độ cong của các đường nước và đường kính các hệ thống ống. Năm 1923 ông cưới Geneviève July, một nhân viên thu chi gốc Languedoc nhưng gia đình đã chuyển đến Algérie từ hai thế hệ. Năm 1928 họ sinh được một đứa con gái, Janine.
Chuyện một đời người có thể rất dài hoặc rất ngắn tùy ý thích người kể. Lựa chọn mang tính siêu hình hoặc bi kịch, chỉ giới hạn sự phân tích vào ngày sinh và ngày mất ghi trên một tấm bia mộ, thường được áp dụng vì tính ngắn gọn cao độ của nó. Trong trường hợp Martin Ceccaldi, có lẽ là tốt hơn nếu nêu ra chiều lịch sử và xã hội, nhấn mạnh vào các đặc điểm cá nhân ít hơn tiến trình phát triển của xã hội mà ông mang trong mình đặc điểm tiêu biểu. Một mặt bị đưa đẩy bởi sự phát triển lịch sử, mặt khác lại lựa chọn hòa nhập vào đó, các cá nhân có tính chất tiêu biểu thường có một cuộc đời đơn giản và sung sướng; chuyện đời do đó có thể, một cách kinh điển, chỉ chiếm một hoặc hai trang sách. Janine Ceccaldi lại thuộc vào hạng những người báo trước đáng thất vọng. Một mặt hết sức hòa nhập với cách sống chung của thời đại mình, mặt khác rất quan tâm vượt lên “phía trên” bằng cách tạo lập những cung cách sống mới hoặc phổ biến những cung cách chưa được áp dụng nhiều lắm, thế nên cần miêu tả kỹ hơn những người báo trước này, nhất là khi đời họ thường sóng gió và hỗn loạn. Tuy vậy họ chỉ đóng một vai trò thúc đẩy lịch sử - thông thường, thúc đẩy một sự tan rã mang tính lịch sử - không bao giờ có thể thiết lập được một hướng đi mới cho các sự kiện - vai trò đó đã được dành cho các nhà cách mạng hoặc các nhà tiên tri.
Rất sớm, con gái của Martin và Geneviève Ceccaldi đã thể hiện những khả năng trí tuệ siêu phàm, ít nhất cũng ngang bằng với bố mình, thêm vào những biểu hiện đó là một tính cách hết sức độc lập. Con bé mất trinh năm mười ba tuổi (điều này là ngoại lệ thời đó, trong môi trường của bố mẹ cô) trước khi cống hiến toàn bộ những năm chiến tranh (khá yên bình ở Algérie) cho những buổi vũ hội tổ chức vào tất cả các cuối tuần, lúc đầu ở Constantine, sau đó ở Alger. Những cuộc nhảy nhót đó không hề làm giảm những kết quả ấn tượng ở trường, từ học kỳ này sang học kỳ khác. Năm 1945, cầm trong tay tấm bằng tú tài hạng giỏi cùng kinh nghiệm tình dục đã chín muồi, cô bé rời bố mẹ đến học y khoa ở Paris.
Những năm hậu chiến thật khó nhọc và dữ dội; chỉ số sản xuất công nghiệp xuống đến mức thấp nhất, chế độ khẩu phần ăn mãi đến năm 1948 mới chấm dứt. Tuy vậy, trong một nhúm những kẻ giàu có của xã hội đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của tiêu thụ ở mức độ lớn các trò giải trí liên quan đến tình dục, xu hướng du nhập từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, sẽ lan rộng trong đại bộ phận dân châu Âu những thập kỷ tiếp theo. Là sinh viên y khoa ở Paris, Janine Ceccaldi có cơ hội sống rất gần gũi với những năm “hiện sinh chủ nghĩa” và thậm chí còn có lần được nhảy một điệu be-bop ở quán Tabou với Jean-Paul Sartre [8]. Không ấn tượng lắm với tác phẩm của nhà triết học, nhưng cô bàng hoàng trước sự xấu xí của con người ông, gần như một người bị dị tật, và sau lần đó cũng không có gì xảy ra. Cô rất đẹp, kiểu Ðịa Trung Hải rất rõ nét, và trải qua rất nhiều cuộc phiêu lưu tình ái cho đến năm 1952 khi gặp Serge Clément, vừa tốt nghiệp chuyên khoa phẫu thuật.
"Ngài muốn biết chân dung ông bố tôi không?" Nhiều năm sau Bruno rất thích nói câu đó. "Ngài hãy lấy một con khỉ, đeo điện thoại di động cho nó, ngài sẽ hình dung ra ông ấy." Thời đó, hiển nhiên Serge Clément không có điện thoại di động, nhưng quả thật người ông rất lắm lông. Nhìn chung chàng trai hồi đó không hề đẹp, nhưng con người anh có chất nam tính mạnh mẽ, chẳng khó khăn gì anh đã quyến rũ được cô sinh viên nội trú trẻ trung. Ngoài ra, anh có những dự định. Một chuyến đi sang Mỹ đã thuyết phục anh rằng ngành phẫu thuật thẩm mỹ sẽ tạo ra những cơ hội tương lai to lớn cho một bác sĩ nhiều tham vọng. Sự mở rộng nhanh chóng của thị trường làm đẹp, đồng thời với sự phá vỡ khái niệm cặp vợ chồng truyền thống, sự cất cánh nhen nhúm của kinh tế Tây Âu: tất cả phối hợp với nhau để hứa hẹn cho ngành mới những khả năng phát triển tuyệt vời, và Serge Clément có vinh dự là một trong những người đầu tiên ở châu Âu - và chắc chắn là người đầu tiên ở Pháp - hiểu được điều đó; vấn đề là anh thiếu vốn cần thiết để khởi động kế hoạch. Martin Ceccaldi, có ấn tượng tốt với tinh thần kinh doanh của con rể tương lai, đã đồng ý cho anh vay tiền, và phòng khám đầu tiên mở cửa năm 1953 ở Neuilly. Thành công được bơm lên bởi những trang thông tin của các tờ báo phụ nữ lúc đó đang phát triển như vũ bão, và năm 1955 một phòng khám mới đã được mở trên vùng cao nguyên ở Cannes.
Hai vợ chồng xây dựng nên cái mà sau đó người ta sẽ gọi là “cặp vợ chồng hiện đại”, và chỉ do sơ suất Janine mới mang thai với chồng mình. Tuy nhiên cô quyết định giữ lại đứa bé; cô cho là làm mẹ cũng là một trong những kinh nghiệm mà một người đàn bà cần trải qua. Thời kỳ mang thai cũng là thời kỳ khá dễ chịu, và Bruno ra đời tháng Ba 1956. Với hai vợ chồng sự nhàm chán của việc nuôi dạy một đứa bé có thật ít điểm chung với lý tưởng tự do cá nhân của họ, và theo một thỏa thuận chung năm 1958 Bruno được gửi đến nhà ông bà ngoại ở Alger. Lúc đó, Janine đã lại mang thai: nhưng lần này, bố của đứa trẻ là Marc Djerzinski.
Bị thúc đẩy bởi sự nghèo đói khốn cùng, gần như là chết đói, năm 1919 Lucien Djerzinski rời vùng mỏ Katowice [9], nơi hai mươi năm trước anh sinh ra, với hy vọng tìm thấy việc làm ở Pháp. Anh vào làm công nhân trong ngành đường sắt, đầu tiên là xây dựng, sau đó sửa chữa đường, và cưới Marie Le Roux, con gái của một cặp vợ chồng làm thợ công nhật, cũng làm trong ngành đường sắt. Họ có với nhau bốn đứa con, rồi Lucien mất năm 1944 trong một trận bom Ðồng minh.
Ðứa con thứ ba, Marc, lên mười bốn tuổi khi bố mất. Ðó là một cậu bé thông minh, nghiêm túc, tính khí hơi buồn bã. Nhờ một người hàng xóm, năm 1946 anh vào xưởng phim Pathé ở Joinville làm thợ điện học việc. Ngay sau đó anh tỏ ra rất có năng khiếu với công việc này: chỉ với những chỉ dẫn rất chung chung, anh chuẩn bị được những phông ánh sáng tuyệt hảo trước cả khi người phụ trách đến. Henri Alekan đánh giá anh rất cao và năm 1952, khi quyết định vào làm cho ORTF [10], khi đó mới bắt đầu các chương trình phát sóng, ông đem theo người phụ tá của mình.
Khi gặp Janine vào đầu năm 1957, Marc đang làm một phóng sự truyền hình về vùng Saint-Tropez. Ðặc biệt đặt trọng tâm vào Brigitte Bardot [11] (Và Chúa đã tạo ra người đàn bà, khởi chiếu năm 1956, là bước lăng xê thực sự cho huyền thoại Bardot), phóng sự của anh cũng mở rộng đến một số trung tâm nghệ thuật và văn chương và đặc biệt chú trọng cái mà sau này người ta sẽ gọi là “bè lũ Sagan”. Thế giới đó đóng im ỉm trước mặt Janine dù cô có nhiều tiền, và dường như cô thật sự đem lòng yêu Marc. Cô tự thuyết phục mình rằng anh có dáng dấp một nhà điện ảnh lớn, mà cũng có thể là như thế thật. Trong khuôn khổ bài phóng sự, với một thiết bị chiếu sáng nhẹ, anh sáng tác bằng cách dịch chuyển vài thứ đồ vật của những xen nóng bỏng, vừa hiện thực, êm ả vừa tuyệt vọng một cách hoàn hảo, rất gần với tác phẩm của Edward Hopper [12]. Anh đi bên cạnh những người nổi tiếng mà anh nhìn với cái nhìn xa cách, và quay Bardot hay Sagan với sự chăm chú ngang bằng với khi anh quay cá mực hay tôm. Anh không nói chuyện với ai hết, không thân thiện với ai, anh thực sự quyến rũ.
Janine ly dị năm 1958, không lâu sau khi gửi Bruno đến nhà ông bà ngoại. Ðó là một cuộc ly hôn êm thấm, tài sản chia đôi. Rất rộng lượng, Serge nhường cho cô phần của mình ở phòng khám Cannes, chỉ riêng nó cũng đã đảm bảo cho cô một thu nhập dư dả. Sau khi đến ở trong một tòa biệt thự ở Sainte-Maxime, Marc không hề thay đổi các thói quen cô độc của mình. Cô ép anh theo đuổi sự nghiệp điện ảnh, anh đồng ý nhưng không làm gì cả, chỉ hài lòng chờ đợi chủ đề của bài phóng sự tiếp theo. Khi cô tổ chức một bữa tối anh thường thích ăn trước một mình trong bếp, rồi đi dạo ở bờ biển. Anh về nhà ngay trước khi khách khứa đi, viện cớ mắc bận dựng phim. Sự ra đời của đứa con, tháng Sáu năm 1958, khơi dậy trong anh một sự khuấy động rõ ràng. Anh đứng hàng phút liền nhìn đứa trẻ, nó giống anh đến lạ kỳ: cùng khuôn mặt với những đường nét nhọn, gò má nhô cao, cùng đôi mắt to màu xanh đó. Không lâu sau đó, Janine bắt đầu lừa dối anh. Có lẽ anh cũng khổ sở vì chuyện đó, nhưng thật khó nói, vì quả thật anh ngày càng ít nói đi. Anh dựng những bàn thờ nhỏ bằng sỏi, cành cây, vỏ ốc vỏ sò, rồi chụp ảnh chúng dưới ánh nắng chói chang.
Phóng sự của anh về Saint-Tropez thu được thành công rất lớn trong giới, nhưng anh từ chối trả lời phỏng vấn của Tạp chí điện ảnh [13] . Tiếng tăm của anh càng tăng lên sau khi một phim tài liệu ngắn được chiếu, bộ phim rất dữ dội anh quay vào mùa xuân năm 1959 về chương trình Xin chào các bạn và sự ra đời của hiện tượng yéyé [14]. Màn ảnh bạc không hấp dẫn anh tí nào, hai lần anh từ chối làm việc với Godard [15]. Cùng thời gian đó Janine bắt đầu thường xuyên quan hệ với những người Mỹ đến nghỉ ở Bãi biển. ở Mỹ, California, một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ đang diễn ra. Tại Esalen, gần Big Sur, các cộng đồng hình thành, dựa trên sự tự do tình dục và sử dụng thuốc phiện tác động thần kinh, được cho là kích thích mở ra hoàn toàn ý thức. Cô trở thành tình nhân của Francesco di Meola, một người Mỹ gốc ý quen biết Ginsberg [16] và Aldous Huxley [17], và tham gia sáng lập một trong các cộng đồng ở Esalen.
Tháng Giêng năm 1960, Marc đi làm một phóng sự về xã hội cộng sản theo phương thức mới đang được xây dựng ở Trung Hoa dân quốc. Giữa buổi chiều ngày 23 tháng Sáu anh về đến Sainte-Maxime. Nhà vắng tanh vắng ngắt. Tuy nhiên, một đứa bé gái chừng mười lăm tuổi, hoàn toàn khỏa thân đang ngồi xếp chân trên tấm thảm phòng khách. “Gone to the beach...” [18], cô bé trả lời những câu hỏi của anh trước khi trở lại trạng thái vô hồn. Trong phòng ngủ của Janine một người đàn ông rậm râu to béo, rõ ràng đang say sưa, nằm vật ngang giường mà ngáy. Marc căng tai ra nghe ngóng, anh nhận ra tiếng rên rỉ và hổn hển.
Phòng ngủ trên tầng đầy mùi hôi thối nặng nề; mặt trời xuyên qua ô cửa kính làm lóe lên những ô gạch men màu đen trắng. Con trai anh đang vụng về bò trên sàn nhà, thỉnh thoảng lại trượt vào một vũng nước đái hoặc một bãi cứt. Nó liên tục nháy mắt vì chói và rên rỉ. Nhận ra sự có mặt của người khác, nó tìm cách chạy trốn. Marc bế nó lên. Sợ hãi, đứa trẻ run lên trong tay anh.
Marc ra khỏi nhà, anh mua một ghế ngồi dành cho trẻ con ở cửa hiệu gần đó. Anh để lại một mẩu giấy nhắn cho Janine, trèo lên xe, đặt đứa trẻ lên ghế vào nổ máy đi về hướng Bắc. Ðến ngang Valence, anh rẽ về hướng Massif central. Trời sập tối. Ðôi khi, giữa hai lần quẹo, anh ngoái nhìn đứa con trai đang thở đều đều phía sau. Anh cảm thấy một cảm xúc kỳ lạ xâm chiếm lấy mình.
Kể từ ngày đó Michel được bà nội nuôi; bà về hưu và sống ở Yonne, quê của bà. Không lâu sau mẹ cậu bé đi California, sống trong cộng đồng của di Meola. Mãi đến năm mười lăm tuổi Michel mới gặp lại mẹ. Cậu cũng không thường xuyên gặp bố. Năm 1964, ông bố đi làm một phóng sự về Tây Tạng, khi đó đang chịu sự chiếm đóng quân sự của Trung Quốc. Trong một bức thư gửi cho mẹ cậu ông cho biết vẫn khỏe, và kể là rất say mê Phật giáo Tây Tạng, mà Trung Quốc muốn dùng vũ lực để thanh toán triệt để. Rồi không có tin tức gì của ông nữa. Sự phản đối mà nước Pháp gửi đến chính phủ Trung Quốc không mang lại kết quả nào, và một năm sau đó, dù không tìm thấy thi hài của ông, ông vẫn bị chính thức tuyên bố là mất tích.
5.
Ðang là mùa hè năm 1968, và Michel lên mười tuổi. Từ hai tuổi, cậu đã sống một mình cùng bà nội. Họ sống ở Charny, vùng Yonne, giáp ranh với Loiret. Buổi sáng cậu dậy thật sớm để chuẩn bị bữa sáng cho bà. Cậu làm một phiếu đặc biệt ghi thời gian hãm chè, số lát bánh mì phết bơ, và nhiều thứ khác nữa.
Thường thì cho đến bữa trưa cậu ở lì trong phòng mình. Cậu đọc Jules Verne [19], Con chó Pif hoặc Hội năm người bạn; nhưng sở thích lớn nhất của cậu là đắm chìm trong bộ sưu tập Hoàn Vũ [20] của mình. Trong đó viết về kháng lực của các chất, về hình dạng các đám mây, về điệu nhảy của những con ong. Còn có Taj Mahal, cung điện do một ông vua rất cổ xưa xây dựng cho hoàng hậu quá cố của ông, có cái chết của Socrate [21], hoặc hình học do Euclide [22] sáng tạo cách đây ba nghìn năm.
Buổi chiều, cậu ngồi trong vườn. Tựa lưng vào cây anh đào, mặc quần đùi ngắn cũn, cậu ngửi thấy mùi đám cỏ bồng bềnh. Cậu cảm thấy cái nóng của mặt trời. Những cây rau diếp hấp thụ ánh nắng và nước, cậu biết sẽ phải tưới chúng khi chớm buổi tối. Cậu tiếp tục đọc bộ Hoàn Vũ, hoặc một cuốn nào đó trong bộ Một trăm câu hỏi; cậu hấp thụ kiến thức.
Cũng thường xuyên, cậu đi xe đạp trong vùng quê. Cậu đạp hết sức, thở đầy hai buồng phổi mùi vị của vĩnh cửu. Sự vĩnh cửu của tuổi thơ là một sự vĩnh cửu ngắn ngủi, nhưng khi đó cậu còn chưa biết. Cảnh vật lần lượt trôi đi.
Ở Charny chỉ có một hiệu bán hàng khô, nhưng chiếc xe tải của ông bán thịt đi qua vào ngày thứ Tư, xe của người bán cá ngày thứ Sáu. Thường thì trưa Chủ nhật bà cậu làm món cá tuyết trộn kem. Michel đang sống mùa hè cuối cùng ở Charny, nhưng cậu còn chưa biết điều đó. Ðầu năm, bà cậu bị một cơn đau tim. Hai con gái của bà, sống ở ngoại ô Paris, tìm cho bà một ngôi nhà không xa nhà họ lắm. Bà không thể sống được một mình suốt năm, trông coi khu vườn của mình nữa.
Michel hiếm khi chơi với những đứa bé trai cùng độ tuổi, nhưng quan hệ của cậu với chúng không đến nỗi xấu. Cậu chỉ bị coi là hơi cách biệt, kết quả học tập ở trường của cậu rất tốt, cậu hiểu tất cả mà không phải cố gắng gì lắm. Từ lâu cậu vẫn là người đứng đầu trong mọi môn học, và dĩ nhiên bà cậu rất lấy làm tự hào vì cậu. Nhưng cậu không hề bị lũ bạn cùng lớp ghét bỏ hay đối xử thô bạo; cậu cho chúng thoải mái chép bài mình khi có kiểm tra trên lớp. Cậu chờ cho đến khi đứa bạn ngồi bên cạnh chép xong thì giở sang trang khác. Dù học rất xuất sắc, cậu luôn ngồi ở hàng ghế cuối. Vương quốc của cậu rất mong manh.
6.
Một chiều hè, khi còn ở Yonne, Michel cùng cô chị họ Brigitte dạo chơi trên cánh đồng. Brigitte là một cô gái mười sáu tuổi xinh đẹp, tính tình cực kỳ dễ chịu, vài năm sau sẽ lấy một thằng chồng hết sức vũ phu. Ðó là mùa hè năm 1967. Cô nắm tay cậu và xoay cậu quay xung quanh, rồi họ ôm nhau lăn lộn trên bãi cỏ mới xén. Cậu dựa vào bầu ngực nóng bỏng của cô chị; cô mặc một chiếc váy ngắn. Ngày hôm sau cả hai bị mọc những mụn nhỏ màu đỏ, người họ trở nên ngứa ngáy khủng khiếp. Thrombidium holosericum, tên khoa học của con mạt gà, có rất nhiều trong cỏ vào mùa hè. Ðường kính của nó vào khoảng hai mi-li-mét. Người nó dày, nung núc thịt, khum khum, màu đỏ tươi. Nó cắm vòi vào da các động vật có vú, gây ra những ngứa ngáy hết sức khó chịu. Linguatulia rhinaria, hay nhện giun, sống trong lỗ mũi và xoang mũi hoặc hàm chó, đôi khi ở cả người. Phôi của nó hình ô van, có đuôi đằng sau; miệng nó có một bộ máy nhai nghiền. Hai bên (là hai mỏm cụt) có những móng vuốt dài. Con trưởng thành màu trắng, có hình ngọn giáo, dài từ 18 đến 85 mi-li-mét. Thân hình nó dẹt, trong suốt, phủ đầy ki-tin nhọn hoắt.
Tháng Chạp năm 1968, bà cậu chuyển nhà đến ở Seine-et-Marne cho gần hai cô con gái. Thời gian đầu, cuộc sống của Michel thay đổi ít nhiều. Crécy-en-Brie chỉ cách Paris năm mươi cây số, thời đó vẫn còn là thôn quê. Ngôi làng rất đẹp, toàn nhà cổ. Corot [23] đã vẽ vài bức tranh ở đó. Một hệ thống kênh đào dẫn nước từ Grand Morin, khiến Crécy tự phụ ví mình là Venise vùng Brie trong vài tờ rơi quảng cáo. Rất hiếm người Crécy làm việc ở Paris. Phần lớn là nhân viên tại các xí nghiệp địa phương, và chủ yếu ở Meaux.
Hai tháng sau đó, bà cậu mua vô tuyến. Quảng cáo mới chỉ xuất hiện trên kênh truyền hình duy nhất. Ðêm 21 tháng Bảy năm 1969, cậu xem truyền hình trực tiếp những bước đi đầu tiên của con người trên Mặt trăng. Sáu trăm triệu người rải rác trên khắp hành tinh xem hình ảnh đó cùng lúc với cậu. Vài giờ phát đi phát lại hình ảnh đó có lẽ là điểm tột cùng của giai đoạn đầu tiên của giấc mơ công nghệ Tây phương.
Mặc dù đến nơi ở mới vào giữa năm học, cậu thích ứng rất tốt với trường trung học của Crécy-en-Brie, và không khó khăn gì qua được lớp bảy. Mỗi buổi chiều thứ Năm cậu mua Pif, vừa thay đổi hình thức. Trái ngược với rất nhiều độc giả khác cậu không mua nó để lấy mấy thứ đồ chơi đi kèm, mà để đọc toàn bộ những câu chuyện phiêu lưu. Vô vàn những sự kiện lịch sử cùng bao nhiêu tranh vẽ mô ta kiểu trang phục cũng không làm mờ đi những bài học đạo đức đơn giản ẩn trong những câu chuyện. Ragnar người Viking, Teddy Ted và Apache, Rahan “người con trai của những thời đại dữ dội”, Nasdine Hodja người chơi đùa với các tể tướng và vua Thổ Nhĩ Kỳ: tất cả đều xoay quanh một đạo đức chung. Michel dần dần ý thức được điều đó, và vĩnh viễn bị chúng ghi dấu ấn. Việc đọc Nietzsche [24] chỉ khơi dậy trong cậu một sự tức tối thoáng qua, đọc Kant [25] chỉ để khẳng định lại những gì cậu đã biết. Ðạo đức thuần túy là duy nhất và phổ quát. Nó không chịu bất kỳ một thay đổi nào theo dòng thời gian, cũng không chấp nhận nhập thêm vào gì hết. Nó không phụ thuộc vào bất kỳ nhân tố lịch sử, kinh tế, xã hội hay văn hóa nào; nó hoàn toàn không phụ thuộc vào bất cứ gì. Nó không được xác định mà dùng để xác định những cái khác. Nó không bị quy định mà quy định cái khác. Nói cách khác, nó là một tuyệt đối.
Ðạo đức của đời thường luôn là kết quả của sự hòa trộn theo các tỉ lệ khác nhau các nhân tố đạo đức thuần túy và các nhân tố khác có nguồn gốc ít nhiều mờ ám, chủ yếu là từ tôn giáo. Các yếu tố đạo đức thuần túy càng lớn, cái xã hội nơi đạo đức đó ngự trị sẽ càng có sức tồn tại lâu dài và hạnh phúc. Ở mức độ cao nhất, một xã hội chỉ do các nguyên tắc của đạo đức phổ quát điều chỉnh sẽ có tuổi thọ ngang bằng với thế giới.
Michel ngưỡng mộ tất cả các nhân vật của Pif, nhưng nhân vật cậu thích hơn cả là Sói Ðen, người Da Ðỏ cô độc, sự tổng hợp cao quý của các phẩm chất của những người Apache, Sioux và Cheyenne. Sói Ðen mãi mãi đi qua đồng cỏ, cùng với con ngựa Shinook và con sói Toopee của mình. Chàng không chỉ hành động, sẵn sàng lao đến cứu giúp những sinh vật yếu hơn, mà còn thường xuyên bình luận những hành động của chính mình trên nền tảng một tiêu chí đạo đức trong suốt, đôi khi thi vị hóa bởi những câu ngạn ngữ dakota hay cree [26], có lúc thâm trầm hơn khi nhắc đến “luật rừng”. Nhiều năm sau Michel vẫn tiếp tục coi chàng như hình mẫu lý tưởng của người hùng theo kiểu Kant, luôn hành động “như thể mình là, theo các châm ngôn của ông, một thành viên lập pháp của vương quốc phổ quát của những kết cục.” Một vài tập như Chiếc vòng bằng da với nhân vật nổi loạn cựu lãnh tụ người Cheyenne đi tìm kiếm những ngôi sao, đã vượt quá khuôn khổ hơi quá chật hẹp của loại truyện phiêu lưu để tắm mình trong một bầu không khí hoàn toàn thơ mộng và đạo đức.
Truyền hình không thu hút cậu bằng. Tuy nhiên hàng tuần cậu nín thở ngồi xem chương trình Thế giới động vật. Linh dương và hoẵng, những động vật có vú yếu ớt, ngày ngày phải sống trong nỗi khiếp sợ. Sư tử và báo sống trong trạng thái lờ đờ u mê điểm xuyết bằng những thời điểm bùng nổ ngắn ngủi của sự hung dữ. Chúng giết, xé xác, nhai ngấu nghiến những con thú yếu hơn, già nua hoặc bị ốm; sau đó chúng trở lại cơn mê ngủ ngu ngốc, chỉ bị khuấy động bởi sự tấn công của những loại ký sinh trùng gặm nhấm từ bên trong. Một số ký sinh trùng cũng bị một số loại ký sinh trùng khác bé hơn tấn công; đến lượt những con đó lại trở thành mảnh đất màu mỡ để các loại virut sinh sôi nảy nở. Các loài bò sát trườn đi giữa đám cây, tấn công chim chóc và động vật có vú bằng những cái răng đầy nọc độc của chúng; trừ phi chúng bị mỏ một loài chim ăn thịt chặt đứt người. Giọng nói trang trọng và ngu ngốc của Claude Darget bình luận những hình ảnh tàn bạo đó với vẻ đầy ngưỡng mộ khó giải thích. Michel run lên vì phẫn nộ, và cũng cảm thấy hình thành trong mình một niềm tin không thể lay chuyển: bị nhốt kín trong môi trường của mình cái thiên nhiên hoang dại hoàn toàn chỉ là một điều ngu xuẩn đáng nhục nhã; bị nhốt kín trong môi trường của mình cái thiên nhiên hoang dại thể hiện một sự tàn phá hoàn toàn, một lò thiêu mang tầm vũ trụ - và sứ mệnh của con người trên Trái đất có lẽ là hoàn thành cái lò thiêu đó.
Tháng Tư năm 1970 trong Pif xuất hiện một món đồ chơi sẽ còn nổi tiếng rất lâu: bột của cuộc sống. Mỗi số được bán kèm một gói đựng trứng một loài thân giáp biển nhỏ, Artemia salina. Từ nhiều thiên niên kỷ, những cơ thể đó vẫn ở trạng thái sống lơ lửng. Tiến trình ấp nở chúng cũng khá phức tạp: phải gạn nước trong ba ngày, đun chúng ấm lên, thả cái gói vào đó và lắc nhẹ. Những ngày tiếp theo phải giữ hợp chất đó gần một nguồn sáng và có hơi ấm; phải thường xuyên thêm nước ở nhiệt độ thích hợp để bù vào quá trình bay hơi; thận trọng lắc hỗn hợp để thay khí ô-xi. Vài tuần sau cái bình đã lúc nhúc một đống động vật thân giáp trong suốt, nói thật ra cũng đáng tởm, nhưng không thể chối cãi là đang sống. Không biết làm gì với chúng, cuối cùng Michel vứt tất cả xuống sông Grand Morin.
Trong cùng số đó, câu chuyện phiêu lưu hoàn chỉnh trong hai mươi trang hé lộ đôi chút về tuổi trẻ của Rahan, về những hoàn cảnh đã dẫn chàng đến vai trò người anh hùng đơn độc vào thời tiền sử. Khi còn bé, bộ lạc của chàng bị một cơn động đất xóa sổ. Cha chàng, Craô Thông thái, khi chết chỉ kịp đưa lại cho chàng một chiếc vòng cổ có ba cái vuốt. Mỗi vuốt tượng trưng cho một phẩm chất cho “những-kẻ-đứng-thẳng”, tức là con người. Có vuốt trung tín, vuốt dũng cảm; và cái quan trọng hơn cả, vuốt lòng tốt. Kể từ đó Rahan đeo chiếc vòng này, cố tỏ ra xứng đáng với những gì nó tượng trưng.
Ngôi nhà ở Crécy có một khu vườn chạy hết chiều dài, trong đó trồng một cây anh đào, lớn hơn cây ở Yonne một chút. Cậu thường xuyên đọc các bộ Hoàn Vũ và Một trăm câu hỏi. Sinh nhật mười hai tuổi, bà tặng cậu một hộp Bé tập làm nhà hóa học. Hóa học đã trở nên đáng chú ý ngang bằng với cơ khí và điện, nó còn bí ẩn và biến hóa hơn. Các sản phẩm nằm trong hộp, khác nhau về màu sắc, hình dạng và kết cấu, như là những chất vĩnh viễn tách rời nhau. Tuy nhiên, chỉ cần cho chúng vào với nhau là chúng sẽ phản ứng mãnh liệt, tạo thành một lóe sáng của những hợp chất mới hoàn toàn.
Một buổi chiều tháng Bảy, khi đang đọc sách trong vườn, Michel cảm thấy các nguyên tố hóa học của cuộc sống nhẽ ra có thể khác hoàn toàn. Vai trò của các-bon, ô-xi và ni-tơ trong các phân tử của các cơ thể sống nhẽ ra có thể được đảm nhiệm bởi các phân tử có cùng hóa trị nhưng có trọng lượng nguyên tử lớn hơn. Tại một hành tinh khác, trong các điều kiện nhiệt độ và áp suất khác, các phân tử của cuộc sống có thể sẽ là silic, thủy ngân và phốt pho; hoặc có thể là gemani, selen và asen, hoặc cũng có thể là thiếc, telu và antimon. Cậu không có ai để thảo luận vấn đề đó: theo yêu cầu của cậu, bà mua cho cậu nhiều sách về sinh hóa.
© 2004 talawas

[1]Johannes Brahms (1833-1897), nhạc sĩ người Ðức.
[2]Tiếng Ðức trong nguyên văn: Về định luật phân giải năng lượng trong quang phổ thường.
[3]Arthur Rimbaud (1854-1891), nhà thơ Pháp.
[4]Nghịch lý về đo lường lượng tử. Alain Aspect là nhà toán học, vật lý hiện đại nổi tiếng của Pháp.
[5]Démocrite (460? - 370? tr. CN), triết gia Hy Lạp.
[6]Werner Heisenberg (1901 - 1976), nhà vật lý người Ðức.
[7]Marcel Pagnol (1895-1974), nhà văn Pháp.
[8]Jean-Paul Sartre (1905-1980), triết gia, nhà văn, nhà phê bình Pháp.
[9]Katowice: một tỉnh ở miền Trung Ba Lan.
[10]ORTF (Office de Radio- Télévision Franỗais): Cơ quan quản lý cao nhất về phát thanh và truyền hình của Pháp, thành lập năm 1964.
[11]Brigitte Bardot (sinh năm 1934): nữ diễn viên điện ảnh Pháp.
[12]Edward Hopper (1882-1967): họa sĩ người Mỹ.
[13]Cahiers du Cinéma: tờ tạp chí phát ngôn của phong trào điện ảnh Làn sóng mới (Nouvelle vague).
[14]Phong trào nhạc trẻ thành công rầm rộ ở Pháp và Canada những năm 1960, được chương trình phát thanh Xin chào các bạn (Salut les copains) tung hô.
[15]Jean-Luc Godard : đạo diễn nổi tiếng của Làn sóng mới.
[16]Allen Ginsberg (1926-1997), nhà thơ Mỹ.
[17]Aldous Huxley (1894-1963), nhà thơ, nhà báo, nhà văn Anh.
[18]Tiếng Anh trong nguyên văn: Ði ra bãi biển rồi…
[19]Jules Verne (1828-1905), nhà văn Pháp.
[20]Bộ sách khoa học cho thiếu nhi (Tout l’Univers) của NXB Hachette.
[21]Socrate (470-399 tr.CN), triết gia Hy Lạp.
[22]Euclide (450-380 tr.CN), triết gia Hy Lạp.
[23]Corot (1796 - 1875), họa sĩ người Pháp chuyên vẽ phong cảnh.
[24]Friedrich Nietzsche (1844-1900), triết gia Ðức.
[25]Immanuel Kant (1724-1804), triết gia Ðức.
[26]Datoka, Cree: các vùng xưa kia thuộc về người da đỏ.