1. Quay về Paris, anh thấy có một bức thư của Desplechin. Theo điều khoản 66 của nội quy CNRS, anh phải xin gia nhập lại, hoặc kéo dài quyền ở lại, hai tháng trước khi hết giai đoạn. Bức thư lịch sự và đầy hài hước, Desplechin chế nhạo thủ tục hành chính gò bó; nhưng điều ấy không ngăn cản là anh đã bị quá hạn ba tuần. Anh đặt thư lên bàn làm việc, trong một trạng thái không chắc chắn sâu thẳm. Từ một năm nay, anh tự do tự khẳng định trong lĩnh vực các nghiên cứu của mình; anh đi đến đâu rồi đây? Rõ ràng là gần như không có gì cả. Bật máy tính cá nhân lên, anh kinh hoàng nhận ra e-mail của mình có đến tám mươi trang mới; mà anh đi vắng có hai ngày. Một trong những thông báo đến từ Viện sinh học phân tử Palaiseau. Người đồng nghiệp thay thế anh đã tung ra một chương trình nghiên cứu về ADN thể hạt; ngược với ADN ở tâm, dường như chúng không có các cơ chế sửa chữa đoạn mã bị hỏng vì những tấn công từ gốc; điều này thực sự không đáng ngạc nhiên lắm. Trường đại học Ohio gửi đến một thông báo thú vị hơn: theo những nghiên cứu về Saccharomyce, họ đã chứng minh các biến thể tự tái tạo bằng con đường tình dục tiến hóa chậm hơn là những cái bằng con đường nhân bản vô tính; các đột biến xấu, trong trường hợp này xuất hiện nhiều hiệu quả hơn là trong chọn lọc tự nhiên. Mô hình thí nghiệm thật đáng khích lệ, và rõ ràng đi ngược lại giả thuyết cổ điển về tái tạo thông qua sinh dục như là động lực của tiến hóa; nhưng dù sao cái đó cũng chỉ còn là một mối quan tâm mang tính giai thoại. Ngay khi mã di truyền được giải mã hoàn toàn (và cũng chỉ còn là vấn đề của vài tháng), nhân loại sẽ có khả năng kiểm soát được sự tiến hóa về mặt sinh học của chính mình; tình dục khi đó rõ ràng sẽ như là nó vẫn là: một chức năng vô ích, nguy hiểm và gây họa. Nhưng ngay cả khi người ta kiểm tra được sự xuất hiện của các biến dị, thậm chí ước tính được tác hại thực tế của nó, thì lúc này vẫn chưa có thể mang lại chút ánh sáng nào về sự định hình của nó; do đó không có gì cho phép cấp cho nó một ý nghĩa cố định và sử dụng được: rõ ràng các nghiên cứu phải đi theo hướng đó. Thoát khỏi những tập giấy tờ và sách đầy trên các giá, phòng làm việc của Desplechin trông thật mênh mông. “Ðúng vậy...”, ông nói với một nụ cười kín đáo. “Cuối tháng tôi sẽ về hưu.” Djerzinski há hốc mồm vì ngạc nhiên. Chúng ta thường xuyên gặp gỡ những con người trong nhiều năm, đôi khi nhiều chục năm, quen thuộc dần với việc tránh hỏi những câu hỏi cá nhân và những chủ đề thực sự quan trọng; nhưng chúng ta luôn có hy vọng là sau này, trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn, có thể đề cập đến những chủ đề đó một cách đúng đắn; viễn cảnh bị xóa bỏ một cách mơ hồ bởi một kiểu quan hệ con người hơn và hoàn chỉnh hơn không bao giờ bị xóa bỏ đi hoàn toàn; chỉ đơn giản bởi vì không mối quan hệ con người nào thích hợp được với một khuôn khổ cực kỳ chật hẹp và cố định. Viễn cảnh đó còn sót lại từ một quan hệ “thích đáng và sâu sắc”; nó vẫn như thế trong suốt nhiều năm, chỉ đến khi một sự kiện quyết định và tàn bạo (thường là sau một cái chết) xảy đến, cho bạn biết rằng đã quá muộn, rằng mối quan hệ “thích đáng và sâu sắc” mà chúng ta từng ve vuốt sẽ không bao giờ có được hết. Trong mười lăm năm đi làm, Desplechin là người duy nhất mà anh muốn tạo lập một mối quan hệ vượt qua khuôn khổ thông thường của sự đặt cạnh nhau ngẫu nhiên, thuần túy mang tính ích lợi, cực kỳ buồn chán, tạo nên cái bầu không khí tự nhiên của cuộc sống văn phòng. Và thế là đã hỏng rồi. Anh nhìn chằm chằm lên những hộp các tông đựng sách để đầy dưới sàn. “Tôi tin là tốt hơn hết là chúng ta nên đi uống một cốc ở đâu đó...” Desplechin đề nghị, tóm tắt rất chính xác bầu không khí lúc đó. Họ đi dọc bảo tàng Orsay, đến ngồi ở ngoài hè quán Thế kỷ XIX. ở bàn bên cạnh khoảng nửa tá khách du lịch ý đang bàn tán xôn xao, như những con gia cầm vô tội. Djerzinski gọi một cốc bia, Desplechin một cốc whisky uống xếch. “Thế giờ ông sẽ làm gì?” “Tôi chưa biết...”, Desplechin quả thật có vẻ không biết. “Ði du lịch... một chút du lịch tình dục, có thể.” Ông mỉm cười; khuôn mặt ông lúc ông cười còn có nhiều vẻ đẹp hơn; một vẻ đẹp rời rã, dĩ nhiên, chúng ta đang đứng trước một con người bị phá hủy, nhưng cùng lúc cũng là một sự hấp dẫn thực sự. “Tôi đùa thôi... Sự thật là cái đó không còn hấp dẫn tôi chút nào nữa cả... Hiểu biết, phải... Còn lại một ham muốn được hiểu biết. Nó thật lạ lùng, cái ham muốn hiểu biết đó. Rất ít người, anh biết đấy, ngay cả những nhà nghiên cứu, có cái ham muốn đó; phần lớn hài lòng với việc tạo lập được sự nghiệp, họ sẽ nhanh chóng rẽ về hướng chính quyền; tuy nhiên, cái đó vô cùng quan trọng trong lịch sử loài người. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một bài ngụ ngôn trong đó một nhóm người nhỏ - tối đa vài trăm người trên mặt đất - chịu khó đi theo một hoạt động rất khó, rất trừu tượng, hoàn toàn không hiểu được đối với những người khác; họ không biết đến quyền lực, tiền bạc, tiếng tăm; thậm chí không ai có khả năng hiểu được cái khoái cảm mà công việc nhỏ bé của họ gây cho họ. Tuy nhiên họ là sức mạnh quan trọng nhất của thế giới, và điều đó có lý do rất đơn giản, một lý do rất nhỏ bé: họ nắm trong tay chìa khóa của sự chắc chắn lý tính. Tất cả những gì họ tuyên bố là đúng sớm hay muộn đều sẽ được toàn thể dân chúng hiểu là đúng. Chúng ta có thể nói rằng Tây phương từng rất quan tâm đến triết học và chính trị, rằng nó đã chiến đấu theo cách hoàn toàn phi lý tính xung quanh những vấn đề triết học hoặc chính trị; chúng ta cũng có thể nói rằng Tây phương rất yêu văn học nghệ thuật; nhưng trên thực tế không có nhu cầu nào lớn hơn là nhu cầu sự chắc chắn về lý tính. Tây phương cũng đã hy sinh tất cả vì nhu cầu này: tôn giáo của mình, hạnh phúc của mình, những hy vọng của mình, và tóm lại toàn bộ cuộc sống của mình. Ðó là một điều cần phải nhớ, khi chúng ta muốn phán xét toàn bộ nền văn minh phương Tây.” Ông yên lặng, nghĩ ngợi. Cái nhìn của ông trong thoáng chốc trôi nổi trên những cái bàn, rồi lại đặt xuống cốc rượu của mình. “Tôi nhớ một chàng trai mà tôi quen khi học lớp mười một, khi đó tôi mười sáu tuổi. Một người rất phức tạp, rất quái. Anh ta nhà giàu, khá truyền thống chủ nghĩa, và anh ta mang trong mình toàn bộ những giá trị của nơi đó. Một hôm trong một cuộc thảo luận anh ta nói với tôi: “Cái mà tớ cho là giá trị của một tôn giáo, đó là chất lượng đạo đức mà nó cho phép tạo ra.” Khi đó tôi đã lặng người vì ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Tôi không bao giờ biết anh ta đã tự mình đi đến kết luận đó hay đã tìm thấy trong một quyển sách; dù sao câu nói đó đã gây lên tôi ấn tượng cực mạnh. Ðã bốn mươi năm nay tôi nghĩ về nó; đến giờ thì tôi nghĩ anh ta đã sai. Dường như trong địa hạt tôn giáo không thể đặt một cái nhìn tuyệt đối đạo đức; tuy nhiên Kant đã có lý khi khẳng định bản thân Chúa Cứu thế của nhân loại cũng bị phán xét theo những tiêu chí phổ quát về đạo đức. Nhưng từ đó tôi bắt đầu nghĩ rằng các tôn giáo trước hết là những toan tính giải thích thế giới; và không một toan tính giải thích thế giới nào có thể đứng vững được nếu nó va chạm với nhu cầu về sự chắc chắn lý tính của chúng ta. Bằng chứng về toán học, bước đi mang tính kinh nghiệm là những thành tựu quyết định của ý thức con người. Tôi biết rõ là các sự kiện dường như phản đối lại tôi, tôi biết là đạo Hồi - còn xa mới là tôn giáo ngu ngốc nhất, sai nhất và tối tăm nhất trong số các tôn giáo - hiện nay dường như đang thắng thế; nhưng đó chỉ là một hiện tượng bề mặt và có tính chuyển tiếp; về lâu về dài đạo Hồi bị kết án, còn chắc chắn hơn cả đạo Thiên chúa nữa.” Djerzinski ngẩng đầu lên; anh đã lắng nghe rất chăm chú. Anh chưa bao giờ nghĩ Desplechin lại nhạy cảm đến những vấn đề này như vậy; ông do dự, rồi nói tiếp: “Tôi không gặp Philippe từ sau khi thi tú tài, nhưng tôi được biết anh ta đã tự tử vài năm sau đó. Dù sao, tôi không nghĩ việc đó có liên quan gì: vừa đồng tính, vừa là tín đồ Thiên chúa nhiệt tình và bảo hoàng, hẳn phải là một sự hòa trộn không được đơn giản cho lắm.” Trong thâm tâm Djerzinski chưa bao giờ, lúc này anh mới nhận ra, bị xâm chiếm thật sự bởi những câu hỏi tôn giáo. Tuy nhiên anh biết, và từ lâu rồi, là siêu hình duy vật, sau khi đã làm nản lòng các loại tín ngưỡng tôn giáo của các thế kỷ trước, đến lượt nó cũng đã bị phá hủy bởi những tiến bộ mới đây của vật lý. Anh tò mò vì chính anh hay bất kỳ một nhà vật lý nào mà anh biết không mảy may nghi ngờ gì về điều đó, hay lo lắng một cách trí tuệ về điều đó. “Cá nhân mà nói”, anh nói cùng lúc anh bắt đầu ý thức được, “có vẻ như tôi vẫn phải dính lấy cái thực chứng thực dụng này, ở nguồn gốc, thông thường nó là chủ nghĩa của các nhà nghiên cứu. Các sự kiện tồn tại, chúng được gắn kết với nhau bởi các quy luật, khái niệm nguyên nhân không phải là khái niệm khoa học. Thế giới cân bằng ở tổng số các hiểu biết mà chúng ta có về nó.” “Tôi không còn là một nhà nghiên cứu nữa...”, Desplechin trả lời với một vẻ giản đơn không một chút vũ khí. “Chắc chắn vì điều đó mà tôi để bị xâm chiếm, sau này, bởi những câu hỏi siêu hình. Nhưng chắc chắn là anh có lý. Cần phải tiếp tục nghiên cứu, thí nghiệm, khám phá những quy luật mới, những gì còn lại không có chút quan trọng nào hết. Anh có nhớ Pascal không: “Cần phải nói cho gọn: điều đó được tạo ra bởi vẻ bên ngoài và chuyển động, bởi cái đó là đúng. Nhưng nói những cái nào tạo nên bộ máy, điều đó thật nực cười; bởi điều đó là vô ích, và không chắc chắn, và nặng nề.” Tất nhiên, một lần nữa, ông ấy lại có lý hơn là Descartes. Chính ra... anh đã quyết định mình sẽ làm gì chưa? Chính là bởi... (ông phác cử chỉ xin lỗi) câu chuyện hạn kỳ này.» «Phải. Tôi cần được bổ nhiệm vào Trung tâm nghiên cứu di truyền Galway, ở Ai len. Tôi cần tiến hành ngay hàng loạt các thí nghiệm đơn giản, trong những điều kiện nhiệt độ và áp suất vừa đủ, với sự trợ giúp của các máy ghi điểm phóng xạ. Nhất là tôi cần có một cái máy tính toán thật mạnh - tôi nhớ hình như họ có hai cái máy Cray chạy song song.» «Anh nghĩ đến một hướng nghiên cứu khác phải không? » Giọng Desplechin để lộ một chút kích thích; ông nhận ra điều đó, và một lần nữa lại nở nụ cười kín đáo, dường như đang chế giễu chính mình. «Ham muốn hiểu biết...», ông nói giọng dịu dàng. «Theo ý tôi, nhầm lẫn là ở chỗ người ta chỉ muốn làm việc từ ADN tự nhiên. ADN là một phân tử phức tạp, đã tiến triển một cách khá tình cờ; có những thừa mứa không được chứng minh, có những đoạn dài không được mã hóa, nghĩa là gì cũng có cả. Nếu chúng ta thực sự muốn thử nghiệm các điều kiện chuyển hóa thông thường, cần xuất phát từ các phân tử tự tái tạo đơn giản nhất, với số lượng tối đa là vài trăm quan hệ.» Desplechin lắc đầu, mắt ngời sáng, ông không còn tìm cách che giấu sự phấn khích của mình nữa. Những người du lịch ý đã đi khỏi; chỉ còn lại họ, quán cà phê vắng ngắt. «Hẳn là sẽ phải làm nhiều việc lắm, Michel tiếp tục, tiên nghiệm mà nói không có gì phân biệt các cấu hình có thể di chuyển. Nhưng ở đó phải có những điều kiện ổn định về mặt cấu trúc ở mức hạ nguyên tử. Nếu chúng ta tính toán được một cấu hình ổn định, ngay cả trên một vài nguyên tử, thì công việc xử lý sẽ tiến triển rất nhiều... Cuối cùng, có lẽ tôi sẽ tiến được một chút.» «Không chắc lắm...», Desplechin giờ đây nói giọng chậm và mơ màng của người vừa nhìn ra những viễn cảnh rất xa, những cấu hình tinh thần mờ mịt và chưa được biết đến. «Tôi cần được làm việc hoàn toàn độc lập, bên ngoài cơ cấu của trung tâm. Có những điều chỉ thuộc về giả thuyết một cách thuần túy: quá dài, quá khó để giải thích.» «Dĩ nhiên. Tôi sẽ viết thư cho Walcott, người điều hành trung tâm. Ðó là một người khá đấy, ông ấy sẽ cho anh sự tự do. Mà anh đã làm việc với họ rồi chứ nhỉ? Hồi làm mấy con bò...” “Phải, một việc nho nhỏ.” “Ðừng lo lắng. Tôi về hưu... (lần này, có một chút cay đắng trong tiếng cười của ông) nhưng tôi vẫn còn đủ quyền lực để làm điều đó. Về mặt hành chính, anh sẽ được độc lập, thích kéo dài bao nhiêu năm cũng được. Dù người thay thế tôi là ai đi chăng nữa, anh cũng không phải lo họ mang chuyện đó ra xem xét đâu.” Họ chia tay nhau ở gần Port Royal. Desplechin chìa tay cho anh. Ông không có con trai, những sở thích tình dục của ông đã không cho phép ông có con, ông luôn thấy thật kỳ khôi cái ý tưởng về một đám cưới cho vui. Trong vài giây, ông nắm chặt tay anh, ông tự nhủ anh đang sống ở một thứ hạng cao hơn; rồi ông tự nhủ ông cực kỳ mệt mỏi rồi; rồi ông quay đi và bước theo kè sông, theo những quầy bán sách cũ. Trong một đến hai phút, Michel nhìn theo người đàn ông đang đi xa dần trong ánh sáng đang yếu dần. 2. Buổi tối hôm sau anh ăn tối ở nhà Annabelle và giải thích với nàng một cách hết sức rõ ràng, theo lối tổng hợp và chính xác, tại sao anh phải đi Ai Len. Ðể hoàn thành nốt chương trình, cần tiến hành đồng bộ. Căn bản là không được co cụm vào ADN, mà phải hướng đến con người như một hệ thống tự tái tạo trong tất cả sự phổ quát của nó. Thoạt đầu Annabelle không trả lời gì hết; nàng không thể ngăn được một sự co giật nhẹ ở miệng. Rồi nàng rót rượu vang cho anh; tối đó nàng đã chuẩn bị món cá, và căn phòng nhỏ của nàng càng gợi nên không khí một ca bin tàu thủy. “Anh không nghĩ đến chuyện mang theo em...” Những từ của nàng vang lên trong im lặng; im lặng đó kéo dài. “Thậm chí anh còn không nghĩ đến...” nàng nói theo kiểu trộn lẫn giữa hờn mát trẻ con và ngạc nhiên; rồi nàng òa lên khóc. Anh không làm một cử chỉ nào hết; nếu anh làm gì, vào lúc này, nàng hẳn sẽ gạt ra ngay; người ta cần phải khóc, và chỉ có việc đó để làm. “Dù sao, chúng ta đã từng rất hiểu nhau khi mười hai tuổi...” nàng nói giữa những giọt nước mắt. Rồi nàng hướng nhìn về phía anh. Khuôn mặt nàng thuần khiết, đậm một vẻ đẹp tuyệt mỹ. Nàng nói không suy nghĩ gì: “Hãy cho em một đứa con. Em cần có ai đó ở bên cạnh. Anh không cần phải nuôi nó, không cần quan tâm đến nó, anh cũng không cần phải nhận nó. Em thậm chí không đòi anh phải yêu nó, phải yêu em; nhưng hãy cho em một đứa con. Em biết em đã bốn mươi tuổi: nhưng mặc kệ, em sẽ thử liều. Ðây là cơ may cuối cùng của em. Ðôi khi, em cũng hối tiếc vì đã phá thai. Tuy nhiên người đàn ông đầu tiên làm em có thai là một tên rác rưởi, và người thứ hai là một kẻ vô trách nhiệm; khi em mười bảy tuổi chưa bao giờ em tưởng tượng cuộc đời sẽ bó chặt đến thế, rằng các trách nhiệm lại ngắn ngủi đến thế.” Michel châm một điếu thuốc để nghĩ ngợi. “Ðó là một ý tưởng kỳ quặc...” anh nói lúng búng. Tái tạo, một ý tưởng kỳ quặc, khi chúng ta không yêu gì cuộc đời.” Annabelle đứng dậy, cởi dần từng mảnh quần áo. “Dù sao cũng hãy làm tình đi đã, nàng nói. Phải đến một tháng nay chúng ta chưa làm tình rồi. Em đã ngừng không dùng thuốc cách đây hai tuần; hôm nay em đang ở giai đoạn có thể có con.” Nàng đặt tay lên bụng mình, lần lên đến tận vú, mở nhẹ hai chân. Nàng đẹp, đáng thèm muốn và thu hút; tại sao anh không cảm thấy gì hết? Thật khó giải thích. Anh hút một điếu thuốc mới, chợt nhận ra là suy tư không phục vụ được điều gì hết cả. Chúng ta đẻ một đứa con, hoặc không; điều đó không nằm trong hướng các quyết định duy lý, điều đó không thuộc vào những quyết định mà một con người có thể có một cách duy lý. Anh dụi đầu mẩu thuốc vào gạt tàn, lẩm bẩm: “Anh đồng ý”. Annabelle giúp anh cởi quần áo và vuốt ve nhẹ nhàng để anh có thể vào được nàng. Anh không cảm thấy gì lớn lao lắm ngoài sự dịu dàng và sự ấm nóng của âm đạo nàng. Anh ngừng chuyển động rất nhanh, sửng sốt vì sự hiển nhiên về mặt hình thể của việc hai người dính lấy nhau, và cũng thảng thốt sung sướng vì sự mềm dẻo và tràn đầy của các màng nhầy. Annabelle đặt miệng nàng lên miệng anh, ôm anh trong vòng tay. Anh nhắm mắt lại, cảm giác được rõ ràng hơn sự tồn tại của bộ phận sinh dục của chính mình, và lại tiếp tục tới lui. Ngay trước khi phóng tinh anh có ý tưởng - cực kỳ rõ ràng - về sự hợp nhất các giao tử, và ngay sau những phân chia tế bào đầu tiên. Như thể là một cuộc chạy trốn về phía trước, một sự tự tử nho nhỏ. Một đợt sóng ý thức leo ngược lên dọc theo bộ phận sinh dục của anh, anh cảm thấy tinh trùng của mình phóng ra bên ngoài. Annabelle cũng cảm thấy điều đó, nàng thở hắt ra thật dài; rồi hai người nằm im không cử động. “Lẽ ra một tháng trước bà đã phải đến để khám rồi...”, bác sĩ phụ khoa nói, giọng mỏi mệt. Bà đã không làm thế, mà lại còn ngừng không uống thuốc mà không nói gì với tôi, và bây giờ thì bà có mang. Bà có còn là trẻ con nữa đâu nhỉ!...” Không khí trong phòng khám lạnh lẽo và hơi bết lại; Annabelle ngạc nhiên khi nhìn thấy mặt trời tháng Sáu ở bên ngoài phòng khám. Ngày hôm sau nàng gọi điện. Khám nghiệm tế bào cho thấy nhiều điều không bình thường “khá nghiêm trọng”, sẽ phải làm một sinh thiết và cạo màng nhầy tử cung. “Còn dĩ nhiên tốt nhất lúc này là bà bỏ cái thai đi. Làm từng ấy việc mà cứ để cái thai...” Ông ta không có vẻ gì lo lắng, chỉ hơi buồn bã. Annabelle phải tiến hành ca phá thai thứ ba trong đời - bào thai mới được hai tuần tuổi, làm rất nhanh. Máy móc đã tiến bộ rất nhiều kể từ lần nàng phá thai trước và nàng rất ngạc nhiên khi tất cả kết thúc trong vòng chưa đến mười phút. Các kết quả phân tích được chuyển đến sau ba ngày. “Tốt...” viên bác sĩ có vẻ già nua, giỏi giang và buồn bã kinh khủng, “nhưng tôi tin chắc là bà bị ung thư tử cung ở giai đoạn tiền di căn.” Ông ta chỉnh lại kính trên mũi, kiểm tra mấy tờ giấy thêm một lần nữa; ấn tượng về tài năng nói chung của ông càng tăng lên bội phần nhờ hành động đó. Ông ta không thực sự ngạc nhiên: bệnh ung thư tử cung tấn công phụ nữ trong những năm tiền mãn kinh, và việc không có con lại là một nhân tố làm tăng thêm rủi ro. Cách tiến hành điều trị thì rõ ràng, về điểm đó ông ta không cảm thấy nghi ngờ gì hết. “Cần phải phẫu thuật cắt tử cung ở bụng dưới và một vòi buồng trứng hai chiều. Bây giờ mổ như thế cũng đơn giản thôi, nguy cơ biến chứng gần như không có.” Ông ta liếc nhìn Annabelle: thật đáng chán, nàng không phản ứng gì, nàng chỉ há hốc miệng ngạc nhiên; có khả năng đó là tiền đề cho một lần lên cơn. Thường thì người ta khuyên các phẫu thuật viên hướng dẫn nữ khách hàng thực hiện một biện pháp điều trị tâm lý bổ trợ - ông ta đã chuẩn bị sẵn một danh sách bác sĩ tâm lý - và nhất là phải nhấn mạnh vào một ý tưởng mạnh; sự kết thúc của giai đoạn sinh đẻ không hề đồng nghĩa với sự chấm dứt của cuộc sống tình dục; ngược lại một số bệnh nhân còn thấy khoái cảm tăng lên rõ rệt sau đó. “Vậy là người ta sẽ cắt mất tử cung của tôi...”, nàng nói vẻ nghi ngờ. “Tử cung, buồng trứng và các vòi pha-lốp; tất cả để ngăn ngừa khả năng sinh đẻ. Tôi sẽ ghi cho bà một đơn thuốc hoóc môn để thay thế - giờ người ta dùng ngày càng nhiều cái đó, ngay cả trong các trường hợp mãn kinh thông thường.” Nàng về nhà bố mẹ ở Crécy-en-Brie; cuộc phẫu thuật được ấn định vào ngày 17 tháng Bảy. Michel đưa nàng và mẹ nàng đến bệnh viện Meaux. Nàng không sợ. Cuộc phẫu thuật kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ. Ngày hôm sau Annabelle tỉnh dậy. Qua cửa sổ nàng nhìn thấy bầu trời màu xanh, chuyển động nhẹ nhàng của gió giữa đám cây cối. Nàng hoàn toàn không cảm thấy gì hết. Nàng muốn nhìn vết sẹo ở bụng dưới nhưng không dám yêu cầu y tá. Thật lạ khi nghĩ nàng vẫn là người đàn bà đó, nhưng các cơ quan sinh sản đã bị cắt mất. Từ “cắt bỏ” trôi nổi một lúc trong tâm trí nàng, trước khi bị thay thế bởi một hình ảnh nặng nề hơn. “Họ đã moi rỗng mình, nàng tự nhủ: người ta đã moi rỗng mình như làm gà.” Một tuần sau đó nàng rời bệnh viện. Michel đã viết cho Walcott để báo anh sẽ đến muộn hơn dự định; sau một chút lần chần anh chấp nhận ở nhà bố mẹ nàng, trong căn phòng cũ của em trai nàng. Annabelle nhận ra là anh và mẹ nàng trở nên yêu quý nhau trong thời gian nàng nhập viện. Anh trai nàng cũng hay qua nhà hơn kể từ khi Michel đến ở. Thực ra họ không có gì chung để nói chuyện với nhau hết: Michel không hề biết gì về các vấn đề doanh nghiệp cỡ nhỏ, và Jean-Pierre hoàn toàn xa lạ với các vấn đề nảy sinh từ sự phát triển của ngành nghiên cứu sinh học tế bào; tuy thế, một sự thân thiết giữa những người đàn ông có phần mang tính tưởng tượng cuối cùng nảy sinh quanh bữa tối. Nàng phải nghỉ ngơi, và nhất là phải tránh mang vác các vật nặng; nhưng giờ đây nàng đã có thể tự tắm lấy, và ăn bình thường. Buổi chiều, nàng ngồi trong vườn; Michel và mẹ nàng hái dâu hoặc mận. Như thể là một kỳ nghỉ hè lạ lùng, hoặc một cuộc trở về tuổi thơ. Nàng cảm thấy sự ve vuốt của mặt trời trên mặt và tay mình. Phần lớn mọi lần nàng ngồi yên không làm gì; đôi khi nàng thêu, hoặc làm những đồ vật nho nhỏ bằng vải nhung cho đứa cháu trai và mấy đứa cháu gái. Một bác sĩ tâm thần ở Meaux ghi đơn thuốc ngủ cho nàng, cùng với những liều lượng thuốc an thần khá lớn. Nàng ngủ rất nhiều, và những giấc mơ của nàng lúc nào cũng hạnh phúc và nhẹ nhàng; quyền lực của tâm hồn thật lớn lao, Michel nằm bên cạnh nàng trên giường, một tay đặt lên người nàng, anh cảm thấy hai bên sườn nàng nhô lên hạ xuống đều đặn. Bác sĩ tâm thần thường xuyên đến gặp nàng, lo lắng, mắng mỏ, nói về việc “mất liên hệ với thực tế.” Nàng trở nên rất dịu dàng, hơi là lạ, và thường cười không lý do; cũng đôi khi đột nhiên mắt nàng đầy nước. Khi đó nàng dùng thêm một viên Tercian. Kể từ tuần thứ ba nàng có thể ra ngoài, và đi những chuyến đi dạo ngắn đến bờ sông, hoặc trong những khu rừng lân cận. Ðó là một tháng Tám đặc biệt đẹp; ngày nối ngày trôi đi, giống hệt nhau và rực rỡ, không chút đe dọa giông tố, không chút điềm gở nào hết. Michel nắm tay nàng; họ thường ngồi trên một chiếc ghế ven sông Morin Lớn. Cỏ ven bờ bị thiêu đốt, ngả màu gần sang trắng; dưới tán những cây sồi dòng sông chảy đi mãi mãi vô tận những uốn sóng nước của mình, màu xanh u tối. Thế giới bên ngoài có những luật lệ riêng của mình, và những luật lệ này không thuộc về con người. 3. Ngày 25 tháng Tám, một kiểm tra định kỳ cho thấy có những di căn trong vùng bụng; bình thường chúng sẽ tiếp tục lan rộng, và căn bệnh ung thư sẽ chuyển sang giai đoạn cuối. Người ta có thể thử điều trị bằng sóng điện, nói đúng hơn đó là điều duy nhất có thể làm; nhưng không thể giấu diếm, đó là một cách điều trị nặng, tỉ lệ thành công không vượt quá 50%. Bữa ăn im lặng vô cùng. “Người ta sẽ chữa khỏi cho con, con yêu...” mẹ Annabelle nói giọng hơi run. Nàng ôm lấy cổ mẹ, dụi trán vào trán bà; họ đứng như vậy khoảng một phút nữa. Sau khi mẹ nàng đã đi ngủ nàng đi vào phòng khách, tìm một vài quyển sách. Ngồi trong ghế bành, Michel quan sát nàng. “Chúng ta có thể hỏi ý kiến một ai đó khác...” anh nói sau một hồi lâu im lặng - Phải, chúng ta có thể” nàng nhẹ nhàng trả lời. Nàng không thể làm tình, vết sẹo còn quá mới và còn quá đau; nhưng nàng ôm anh thật lâu trong vòng tay. Nàng nghe tiếng răng anh nghiến vào nhau trong im lặng. Vào một lúc nào đó, vuốt ve bàn tay trên mặt anh, nàng nhận thấy nó ướt đẫm những giọt nước mắt. Nàng dịu dàng vuốt ve dương vật anh, điều này vừa kích thích vừa có ý nghĩa làm dịu. Anh uống hai viên Mépronizine và cuối cùng cũng thiếp đi được. Khoảng ba giờ sáng nàng tỉnh dậy, choàng một chiếc váy ngủ và đi vào bếp. Lục tung trong tủ nàng tìm thấy một cái bát có khắc tên nàng, cái bát mà bà mẹ nuôi đã tặng nàng khi nàng lên mười tuổi. Trong cái bát nàng dốc cẩn thận những gì có trong tuýp thuốc Rohypnol của mình, thêm vào một chút nước và đường. Nàng không cảm thấy gì cả, chỉ một nỗi buồn cũng rất thông thường, gần như là siêu hình. Cuộc sống được tổ chức như thế đấy, nàng nghĩ; một sự rẽ hướng đang được hình thành trong cơ thể nàng, một sự rẽ hướng không nhìn thấy được và không chứng minh được; và giờ đây cơ thể nàng không còn có thể là một nguồn hạnh phúc và niềm vui được nữa rồi. Ngược lại nó sẽ, dần dần nhưng cũng khá nhanh, trở thành với nàng cũng như với những người khác một nguồn phiền phức và bất hạnh. Do đó cần phải phá hủy cơ thể nàng. Một cái đồng hồ gỗ có hình thù to đùng đang khó nhọc đếm giây; mẹ nàng đã thừa kế lại nó từ bà ngoại, bà có nó từ hồi lấy chồng, đó là thứ đồ cổ nhất trong nhà. Nàng thêm vào một chút đường vào bát. Thái độ của nàng rất xa với sự chấp nhận, cuộc sống với nàng giống như một lời nói đùa độc địa, một lời nói đùa không thể chấp nhận được, nàng đã có cái cảm giác rất thường gặp ở những người già: nàng không còn muốn là gánh nặng với người khác nữa. Cuộc đời nàng, vào cuối giai đoạn thiếu niên, đã đi rất nhanh; rồi có một giai đoạn buồn chán kéo dài; cuối cùng, lại một lần nữa, tất cả lại bắt đầu diễn ra rất nhanh. Không lâu trước khi bình minh, khi quay trở lại giường, Michel nhận ra Annabelle không có ở đó. Anh mặc quần áo và đi xuống nhà; cơ thể bất động của nàng nằm trên chiếc đi văng của phòng khách. Cạnh nàng, trên bàn, nàng để lại một lá thư. Câu đầu tiên như thế này: “Em thích được chết giữa những người mà em yêu quý.” Người phụ trách khoa cấp cứu của bệnh viện Meaux là một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, tóc nâu và xoăn, khuôn mặt cởi mở; anh ta ngay lập tức cho họ một ấn tượng rất tốt. ít có cơ may làm nàng sống lại được, anh ta nói; họ có thể ở lại bên nàng, cá nhân mà nói anh ta không thấy chuyện đó có gì phiền cả. Hôn mê là một trạng thái kỳ lạ, ít được biết đến. Gần như chắc chắn là Annabelle không hề cảm thấy sự có mặt của họ; tuy nhiên, một hoạt động điện yếu ớt vẫn tiếp tục trong não nàng; nàng hẳn có quan hệ với một hoạt động trí óc, mà bản chất thì hoàn toàn huyền bí. Chẩn đoán cho thấy không có gì đảm bảo cả: người ta đã gặp những người bệnh bị chìm trong một cơn hôn mê sâu từ nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, đột nhiên tỉnh dậy; nhưng thường xuyên nhất là tình trạng hôn mê chuyển hướng, cũng rất đột ngột, sang cái chết. Nàng mới bốn mươi tuổi, ít nhất người ta cũng có thể chắc trái tim nàng chịu đựng được; hiện tại, đó là tất cả những gì chúng tôi có thể nói. Ngày sáng dần trên thành phố. Ngồi bên cạnh Michel, người anh của Annabelle lắc đầu lẩm bẩm: “Không thể thế được... Không thể thế được...”, anh ta nhắc đi nhắc lại, như thể những câu nói có chút quyền lực nào đó. Nhưng có chứ, có thể lắm chứ. Tất cả đều có thể. Một nữ y tá đi qua trước mặt họ, đẩy một chiếc xe kim loại đầy những chai huyết thanh. Sau đó không lâu mặt trời xé rách những đám mây, bầu trời chuyển sang màu xanh. Ngày chắc sẽ rất đẹp, đẹp như những ngày trước đó. Mẹ Annabelle khó nhọc đứng dậy. “Nghỉ ngơi một chút...” bà nói, cố đè nén giọng nói run rẩy. Con trai bà cũng đứng dậy, hai cánh tay đung đưa, máy móc đi theo bà. Michel lắc đầu không đi cùng họ. Anh không cảm thấy chút mệt mỏi nào hết. Trong những phút sau đó, anh chỉ cảm thấy sự hiện hữu kỳ lạ của thế giới hiện thực bên ngoài. Anh ngồi một mình trong hành lang ngập nắng, trên một chiếc ghế nhựa. Góc bệnh viện này vô cùng yên tĩnh. Thỉnh thoảng một cánh cửa xa xa mở ra, một nữ y tá bước ra, đi về phía một hành lang khác. Những tiếng ồn của thành phố ở dưới vài tầng gác chìm lấp đi. Trong một trạng thái lơ lửng tinh thần tuyệt đối, anh ngẫm nghĩ lại loạt các sự kiện, các bước đi máy móc đã phá nát cuộc đời họ. Tất cả có vẻ mang tính quyết định, trong suốt và không thể chê trách. Ngày hôm nay tất cả dường như đang ở trong một sự hiển nhiên bất động của một quá khứ chật hẹp. Ngày hôm nay dường như không thật chuyện một thiếu nữ mười bảy tuổi lại có thể ngây thơ đến thế; ngày hôm nay lại càng không thật chuyện một thiếu nữ mười bảy tuổi coi tình yêu quan trọng đến thế. Ðã hai mươi nhăm năm qua đi kể từ khi Annabelle là một cô thiếu nữ, và mọi thứ đều đã thay đổi, nếu tin vào những cuộc điều tra và các tạp chí. Những cô gái trẻ ngày hôm nay khôn ngoan hơn và lý trí hơn. Họ quan tâm trước hết đến thành công trong học vấn, trước tiên cố gắng đảm bảo cho một tương lai nghề nghiệp chắc chắn. Những lần đi chơi với bạn trai họ coi là một trò giải trí, một báo trước với phần tương đương của khoái lạc tình dục và sự thỏa mãn cá nhân. Tiếp theo đó họ sẽ cố công tạo lập một cuộc hôn nhân đầy lý trí, trên cơ sở một sự tương thích đầy đủ các hoàn cảnh xã hội - nghề nghiệp và một điểm chung về sở thích nào đó. Rõ ràng họ tự tách mình khỏi mọi khả năng về hạnh phúc - không thể tách rời với những kết hợp và giảm bớt không gì chung với việc áp dụng quá nhiều lý trí - họ thường hy vọng thoát được khỏi những đau khổ về mặt tình cảm và tinh thần từng ám ảnh những người đi trước. Niềm hy vọng đó nhanh chóng tan vỡ; sự biến mất của những đau đớn trong tình yêu quả thật đã gây ra cả một sự buồn chán lớn, một cảm giác về trống rỗng, một sự chờ đợi phập phồng tuổi già và cái chết. Như thế, nửa sau cuộc đời Annabelle buồn bã và u tối hơn nhiều so với nửa đầu; đến cuối đời, nàng không còn giữ được chút kỷ niệm nào hết. Quãng trưa, Michel đẩy cửa phòng nàng. Nàng thở rất yếu, tấm ga trải giường che ngực nàng gần như bất động - tuy thế theo bác sĩ như thế là đã đủ ô xy cho các cơ quan; nếu nhịp thở yếu đi nữa, người ta sẽ phải lắp một loại máy hỗ trợ hô hấp. Lúc này mũi kim của một ống truyền huyết thanh được cắm vào tay nàng, hơi ở trên khuỷu tay một chút, một điện cực được gắn vào thái dương, chỉ có thế. Một tia nắng mặt trời chiếu lên tấm ga trải giường đánh số và chiếu sáng một lọn tóc tuyệt mỹ màu sáng của nàng. Khuôn mặt nàng với đôi mắt nhằm nghiền, chỉ hơi xanh xao hơn so với thường lệ, có một vẻ yên bình vô hạn. Tất cả phiền não dường như đã ở bên ngoài; chưa bao giờ nàng hiện ra trước mắt Michel với vẻ hạnh phúc đến thế. Quả thật anh rất hay lẫn lộn trạng thái hôn mê và hạnh phúc; nhưng dù sao với anh nàng vẫn đang hạnh phúc vô hạn. Anh luồn tay vào tóc nàng, hôn lên trán và đôi môi ấm áp của nàng. Hiển nhiên làm vậy giờ là quá muộn; nhưng anh vẫn cảm thấy rất thanh thản. Anh ở trong phòng nàng cho đến khi bóng tối buông xuống. Trở lại hành lang, anh mở một quyển sách viết về thiền trong Phật giáo do tiến sĩ Evans-Wentz biên tập (từ nhiều tuần nay anh đã có quyển sách này trong túi; nó nhỏ xíu, bìa màu đỏ sậm). Sao cho mọi người ở phía Ðông Sao cho mọi người ở phía Tây Sao cho mọi người ở phía Bắc Sao cho mọi người ở phía Nam Sung sướng, gìn giữ được hạnh phúc; Sống trong tình bạn bè.Ðó không hoàn toàn là lỗi của họ, anh nghĩ; họ đã phải sống trong một thế giới khó khăn, một thế giới đầy cạnh tranh và đối đầu, phù phiếm và bạo lực; họ đã không được sống trong một thế giới hài hòa. Mặt khác họ đã không làm gì để đổi thay thế giới này, không đóng góp chút nào để cải tạo nó. Anh tự nhủ nhẽ ra phải cho Annabelle một đứa con; rồi đột nhiên anh nhớ những gì anh đã làm, hay đúng hơn là nhớ là anh đã bắt đầu làm điều đó, rằng chí ít anh cũng đã chấp nhận điều đó; và suy nghĩ đó khiến anh cảm thấy tràn ngập một niềm vui to lớn. Khi đó anh hiểu được sự bình yên và dịu dàng đã xâm chiếm anh mấy tuần nay. Giờ anh không thể làm được gì nữa, không ai còn có thể làm gì trong cái vương quốc của bệnh tật và cái chết; nhưng ít nhất trong vài tuần nàng đã có cảm giác được yêu. Người nào thực hành tư tưởng tình yêu Sẽ không bao giờ sa vào các thực hành đồi bại Nếu cắt đứt các mối liên hệ đam mê Và quay đầu về chính đạo, Khi có khả năng thực hành tình yêu đó Anh ta sẽ tái sinh trên tầng trời Brahmâ Sẽ nhanh chóng được đầu thai Và sẽ luôn đến được địa hạt của Niết Bàn Nếu anh ta không giết người, không nghĩ đến chuyện làm hại ai Nếu anh ta không tìm cách tự nâng mình lên bằng cách hạ người Nếu anh ta thực hành tình yêu vũ trụ Khi chết đi, anh ta sẽ không có những suy nghĩ hận thù.Buổi tối mẹ Annabelle đến để xem có tin tức gì mới không. Không, tình hình không tiến triển; trạng thái hôn mê sâu vẫn rất vững, người y tá kiên nhẫn nhắc lại cho bà, có khi phải mất hàng tuần mới có thể chẩn bệnh được. Bà vào gặp con gái, sau khoảng một phút bà đi ra, nước mắt đầm đìa. “Tôi không hiểu...”, bà lắc đầu. “Tôi không hiểu cuộc sống này thế nào cả. Nó đáng yêu thế, các người biết đấy. Nó luôn luôn dịu dàng, không làm gì xấu xa. Nó không than phiền gì, nhưng tôi biết nó không được hạnh phúc. Nó không có được cuộc đời mà nó xứng đáng.” Bà đi sau đó không lâu, rõ ràng rất kiệt sức. Khá lạ lùng, anh không cảm thấy đói và buồn ngủ. Anh đi lại trong hành lang, đi xuống đến sảnh đợi. Một người Antille ngồi ở quầy tiếp tân đang chơi trò giải ô chữ; anh ta gật đầu chào anh. Anh mua một cốc sô-cô-la nóng ở máy tự động và lại gần cửa kính. Trăng trôi trên những tòa nhà; một vài chiếc xe hơi chạy trên đại lộ Châlons. Anh có đủ kiến thức về y khoa để biết cuộc sống của Annabelle hiện chỉ còn được treo mong manh trên một hơi thở. Mẹ nàng có lý do để không tin vào điều đó; con người được tạo ra không phải để chấp nhận cái chết: không phải cái chết của chính mình cũng như của người khác. Anh lại gần người gác cửa, hỏi xin anh ta giấy; hơi ngạc nhiên nhưng anh ta cũng đưa một tập giấy có in mẫu của bệnh viện (chính tập giấy này về sau đã cho phép Hubczejak xác định được tập văn bản giữa đống ghi chép tìm thấy ở Clifden). Một số người đeo đẳng dai dẳng vào cuộc sống, họ, như Rousseau đã nói, nhăn nhó rời bỏ nó; nhưng anh cũng hiểu Annabelle thì khác. Nàng là đứa trẻ sinh ra cho hạnh phúc, Hướng về người muốn có kho báu trái tim nàng Nàng sẵn lòng dâng hiến đời mình cho người khác Giữa những trẻ thơ sinh ra từ giường nàng Qua tiếng kêu trẻ nhỏ, Qua dòng máu giống nòi Giấc mơ nàng luôn hiện hữu Ðể lại một dấu vết Ghi dấu vào thời gian, Ghi dấu vào không gian Ghi dấu vào thịt da Thánh hóa vĩnh viễn Trong núi, trong không khí Và trong nước những dòng sông, Trong bầu trời đã hóa chuyển. Giờ đây nàng ở đó, Trên chiếc giường người chết Bình yên trong cơn mụ mị Ðáng yêu vô ngần. Cơ thể chúng ta sẽ giá lạnh và chỉ giản đơn là hiện hữu Trong cỏ, Annabelle của anh Sẽ là hư vô Của con người cá nhân. Chúng ta sẽ yêu ít đi Dưới hình dạng con người của mình Có thể mặt trời, và mưa trên mộ chúng ta, gió và mưa đá Sẽ chấm dứt những nỗi đau của chúng ta
[1]RMI (Revenue Minimum d’Insertion): tiền trợ cấp thất nghiệp.[2]Rasta: từ chỉ những người sống xa hoa dù không có thu nhập ổn định[3]Từ tiếng Anh, chỉ vẻ bên ngoài, kể cả cách ăn mặc, thể hiện.[4]Auguste Comte (1798 - 1857), triết gia Pháp, cha đẻ của thực chứng luận.
[1]RMI (Revenue Minimum d’Insertion): tiền trợ cấp thất nghiệp.[2]Rasta: từ chỉ những người sống xa hoa dù không có thu nhập ổn định[3]Từ tiếng Anh, chỉ vẻ bên ngoài, kể cả cách ăn mặc, thể hiện.[4]Auguste Comte (1798 - 1857), triết gia Pháp, cha đẻ của thực chứng luận.