Đó không phải là căn nhà hoang. Chỉ vì cái vẻ u tịch thanh vắng của nó mà người ta cảm thấy vậy thôi. Chung quanh, năm dặm vuông, không một bóng người. Thỉnh thoảng có xe qua lại thì đó là xe của những người ở xa đến cắm trại nơi một công viên tọa lạc cuối con đường chạy ngang trước nhà anh. Nói “nhà anh” thì nghe kêu quá, vì anh đâu có nhà cửa gì. Anh chỉ là kẻ giữ nhà cho người ta mà thôi. Chủ nhà là chỗ quen biết, tin cậy anh nên mới giao cho căn nhà và thửa vườn rộng thênh thang này. Căn nhà mới mua lại của một gia đình người Mỹ. Chủ mới thì bận công việc ở phố—kinh doanh hay gì đó anh nào biết—lâu lâu mới về ăn một miếng, đánh một giấc, nói chuyện gẫu với anh một chút rồi phóng xe đi. Dĩ nhiên anh khỏi phải trả tiền nhà mà chủ nhà cũng khỏi phải trả tiền thuê cho cái công giữ nhà của anh. Đôi lúc anh cũng thắc mắc rằng ông ta mua căn nhà này làm gì mà không ở. Có lẽ mua để cho thuê, hoặc mua để chờ giá nhà lên thì bán lại kiếm lời. Mua để cho thuê thì chắc là không đúng vì nơi này xa xôi hẻo lánh quá ai mà chịu đến ở. Để bán thì có lý hơn. Nhưng thôi, chuyện người ta anh chẳng muốn xía vào làm gì. Thuê hay bán cũng chẳng ăn nhập gì đến anh cả. Giao kèo bằng miệng giữa anh với chủ nhà là anh sẽ ở đây một năm miễn phí và trách nhiệm của anh là thỉnh thoảng lau chùi trong nhà, tưới sơ ba chậu kiểng ngoài vườn, và có ai gọi điện thoại tới hỏi ông chủ nhà thì nhớ lấy message, tức là nhớ hoặc ghi lại những gì người gọi muốn nhắn lại với ông ấy. Thế thôi, còn chuyện ông mua nhà làm gì thì mặc ông. Tuy nhiên, không muốn nghĩ tới cũng phải nghĩ. Một thằng tị nạn mới từ đảo qua còn ăn trợ cấp, chưa vào đại học, rảnh rỗi như anh, có quá thừa thì giờ để suy nghĩ đủ chuyện. Mà chuyện trước mắt là chuyện cái căn nhà mà anh đang sống đây. Chẳng biết chừng căn nhà này có cái gì bất thường—như ma quỉ hay yêu tinh chẳng hạn—khiến chủ cũ bán vội mà đi và chủ mới mua rồi, thấy hớ, chẳng dám ở. Nghĩ vậy, anh cũng thấy ớn ớn. Một mình trong căn nhà sáu phòng ngủ và một phòng khách rộng rinh, anh phải chia cho mỗi phòng được tiếp anh một đêm. Tính luôn một đêm ngủ trên xa-lông phòng khách thì cũng vừa khít một tuần chạy quanh. Như vậy, mỗi tuần, anh chỉ ngủ trong phòng (mà chủ nhà đã chỉ định như là phòng của anh) một đêm. Chủ nhà chẳng bảo anh ngủ vòng quanh các phòng như thế. Chỉ là ý anh thôi. Có lẽ anh làm vậy để căn nhà, với các phòng, sẽ có vẻ như quen thuộc, xóa đi cái cảm giác nó bị boỏhoang ít nhất là một thời gian nào đó trước đây. Phòng nào cũng sẽ có hơi người và vết tích của sự sống—dù là sống trong giấc ngủ—phảng phất trong đó. Ngủ lòng vòng các phòng như thế đã gần một tháng mà anh chẳng thấy yêu ma gì. Nhà cửa ở Mỹ mà, tìm con muỗi, con gián cũng khó, nói chi con ma. Mà thôi, đừng nhắc tới chữ MA nữa, thấy ớn quá, anh tự nói với mình như vậy. Nhưng rõ thật khung cảnh thâm u của núi rừng bao bọc, ngày như đêm vắng ngắt như tờ, khó mà ngăn nổi sức tưởng tượng của một kẻ độc thân tương đối nhàn rỗi. Ban đêm, đang nằm đọc sách, cứ nghe tiếng gì rục rịch có vẻ khác thường nơi đâu là anh xách đèn bin tìm tới, rọi, nhìn; cũng không bao giờ quên mang theo một cây gậy phòng thân: gặp ăn trộm thì xán cho nó một cái; gặp cướp gõ cửa hay phá cửa thì cứ việc nhắm số điện thoại cấp cứu “911” mà bấm; còn như gặp ma thì... “Làm thế nào nhỉ? Chạy?” anh tự hỏi rồi thử tưởng tượng có một con ma đứng trong xó tối hành lang thấy mình thì nhăn răng cười (chứ không phải nhe răng dọa dẫm như thường thấy trong phim ảnh), và rồi chắc anh cũng nên cười nhẹ một cái đáp lễ hoặc giả đò không thấy, cứ việc vào phòng đóng cửa trùm chăn thôi. “Cha”, anh nhủ thầm, “thực ra thì nhăn răng cười còn rùng rợn hơn là nhe răng nanh mà dọa gấp trăm lần.” Điều kỳ lạ là từ nhỏ đến giờ hễ nghe thấy cái gì bị gán cho là có ma quỉ, anh nhất định tìm tới ngó cho bằng được. Anh sợ ma thật, nhưng không có cái tật sợ trước khi nhìn rõ đó là con ma hay chỉ là bụi cây, cái áo, cái quần phất phơ trước gió. Hồi trước, lúc còn ở Việt Nam, có lần anh và một người bạn đi chơi về khuya trên một con đường làng có những bụi tre kẽo kẹt đong đưa chung quanh nghĩa trang. Thằng bạn làm bộ tỉnh, nói chuyện om sòm như thể ta đây anh hùng lắm vậy, trong khi đôi mắt hắn cứ ngó chằm chằm dưới đất mà bước, chẳng dám liếc qua liếc về. Phần anh, thấy cái gì khả nghi là anh đứng lại, nhìn. Thằng bạn quá bước phaả lật đật quay lại chụp cùi chõ anh, hỏi: “Gì vậy?” “Tao thấy cái gì nhúc nhích trong kia.” “Kệ nó, đi về mau!” Hắn thường to tiếng để lấp cái sợ, mà anh thì lại thấy cần phải nhìn thẳng vào sự đe dọa nào đó để biết chân tướng nó. Về tới nhà hắn mới dám nói câu này: “Lần sau đi đường mày đừng đứng lại ngó ngó chỉ chỏ cái gì hết nghen, thấy ớn. Giả như mày thấy con ma ở đó thì sao?” “Thì xỉu. Còn hơn là để nó cứ lờn vờn theo mình hoài.” Quả đúng như vậy, lập trường của anh đối với ma quỉ rất dứt khoát: thà thấy rõ nó rồi xỉu ngay lập tức còn hơn để cái vô hình của nó rà theo mình riết rồi mình bỏ chạy. Cứ tưởng tượng cái cảnh bị ma đuổi, anh đã thấy lạnh xương sống. Nó sẽ chận đầu này, chận đầu kia. Nó chỉ giỡn vậy thôi chứ thực ra mình chạy đâu có thoát, nó có phép mà, ai cũng nói vậy. Chạy cho bán mạng rồi cuối cùng mình cũng bị nó bắt kịp, và mình xỉu. Thế thì xỉu trước cho rồi chứ chạy chi cho kéo dài nỗi kinh hoàng đó! Cũng cùng lý luận đó, anh thấy có lẽ ngán nhất là bị đuổi bởœi một con ma cụt giò. Phải chi nó chạy nhanh, bắt kịp mình để mình xỉu luôn cho khỏe; đàng này, nó chạy cà nhót, té lên té xuống, làm bộ như là theo không kịp, rồi bỗng vụt một cái, đứng chình ình trước mặt, nhe răng... cười. Ôi, có lẽ Thượng đế sinh ra loài ma để cho cuộc sống thêm phần sinh thú hồi hộp đó mà. Nhưng ngài có biết đâu hình ảnh một con ma cũng làm giảm thọ nhiều người trên đời! Cho đến lúc này, có lẽ anh cũng chẳng khác xưa là bao. Ngán thì ngán, nếu phải gặp; còn không gặp thì dĩ nhiên là chẳng có lý do gì để sợ. Có điều, bây giờ anh tin rằng nếu phải chạm trán một con ma hay quỉ yêu gì đó, ắt hẳn sẽ có một cuộc đối thoại. Anh sẽ hỏi nó: “Mày muốn gì?” nếu nó là con ma Việt Nam; và “May I help you?” nếu là con ma Mỹ. Hoặc là đọc một câu thần chú trừ ma để nó biến đi, chứ không đến nỗi gì phải xỉu. Dẫu sao, sống một mình giữa một cảnh đẹp và thanh vắng như thế này, anh cũng hài lòng lắm. Có thể nói, hơn mười năm nay, anh mới có được những ngày yên bình như trong thời gian này. Hôm ấy là một đêm trăng mờ mờ. Anh khoác áo lạnh dạo chơi trong vườn. Trăng lẩn trong mây và những cành cây khô vươn lên giữa sương mù như hàng ngàn cánh tay gầy đang cố vói bắt nó. Tuyết rơi mấy ngày trước vẫn còn đọng trắng xóa quanh vườn khiến cho bầu trời đêm như được thắp lên bằng thứ ánh sáng huyền ảo của một thiên giới xa lạ nào. Bất chợt, anh cảm thấy quanh mình, những hàng cây khô khẽ lay mình trong đêm lạnh như những tiên nữ khỏa thân tắm trăng, không thoáng e thẹn vì không hay sự hiện diện của một chàng trai hạ giới đang đi những bước chậm và nhẹ trên mặt tuyết xốp. Anh đứng lặng một lúc lâu trong trạng thái mơ màng kỳ diệu đó, cơ hồ muốn lắng nghe cả tiếng cười đùa của các tiên nữ, và như thể anh e rằng chỉ động bước sẽ làm cho các tiên nữ giật mình biến mất. Nhưng trạng thái đó không kéo dài được bao lâu, anh lại trở về với thực tế rằng anh đang đứng đấy, giữa những thân cây trụi lá của một cánh rừng tịch mịch; và dưới bóng trăng mờ, bước chân anh vẫn còn ghi lại những vết tích lãng mạn trên làn tuyết mỏng. Anh thở dài và có thể nghe được nỗi tiếc nuối bâng quơ vương theo tiếng thở đó. Đúng ra, anh nghĩ, tiên nữ mà trần trụi thì chắc là không đẹp. Cũng như người vậy thôi, lõa thể thì thô quá—không còn để lại một chút gì cho óc tưởng tượng như là người Mỹ thường nói. Chẳng nên chứng kiến một cảnh tượng như vậy. Thế thì anh tiếc cái gì? Có lẽ không phải là tiếc mà là trong phút chốc, bỗng dưng thấy mình như một khách lạ, có mặt trên cõi đời này để tìm lại một cái gì đó bị đánh mất, nhưng chẳng nhớ nổi mình đã đánh mất cái gì. Bạn bè, người yêu, gia đình thân thuộc và con người, cả nhân loại này, cũng chẳng có nghĩa gì: chỉ như hàng cây khô hay tiên nữ đùa giỡn dưới trăng mà thôi. Bỏ nước ra đi, như nhiều người khác, anh tìm tự do, hay đúng hơn, tìm một cuộc sống ổn định cho cả xác lẫn hồn, vì ở quê nhà, mọi thứ đều bấp bênh—bấp bênh từ nơi ăn chốn ở cho đến cả lời nói và ý nghĩ nữa. Anh đã không có những bữa cơm ngon ngồi quây quần với gia đình; không có những đêm ngủ an giấc ngay chính trong ngôi nhà của mình; không có những cuộc nói chuyện cho thật thoải mái với bạn bè thân; không có đủ thời gian để nằm đọc một cuốn sách và cũng không còn sách hay để đọc kể từ khi người ta muốn tắm cho cả nước bằng một màu đỏ loét. Hơn mười năm xấc bấc xang bang vì miếng cơm manh áo và để được ngủ cho qua giấc từ nhà này sang nhà kia, anh thực chẳng khác gì một kẻ du thủ du thực, hay tệ hơn nữa, một con chó ghẻ lang thang. Anh cho rằng xã hội ruồng bỏ anh. Phải, một xã hội đỏ loét thì không cách chi khứng nhận một tâm hồn xanh lơ. Cái xã hội đó như ngọn lửa hung bạo đốt cháy cả rừng xanh mà anh như một con thú hiền lành phải kinh hãi lẩn tránh. Con thú vùng chạy bất kể phương hướng, miễn sao tìm được chỗ an toàn mới thôi. Đến khi thực sự thoát khỏi hiểm nguy, con thú mới hoàn hồn và rồi ngơ ngác nhìn cảnh vật chung quanh. Đất an toàn cho một con thú lánh nạn thường khi không phải là cánh rừng cũ từng nuôi lớn bao kỷ niệm. Nơi đó, nó lại bắt đầu cuộc sống mới với những bất toàn khác. Bây giờ, trước mắt con thú, cũng những lùm cây, bụi cỏ, ghềnh đá ẩm rêu, suối chảy róc rách, nhưng mới lạ quá, nào biết đàng sau chúng tàng ẩn những bất trắc gì. Để lánh nạn, con thú đã bỏ lại bầy đàn và hang ổ của nó, hay ngược lại? Không. Anh bước vào nhà, khép cửa lại, vừa buông một tiếng “không” thật khô, cùng lúc với tiếng khóa cửa lách cách. “Không phải con thú cố tình bỏ quên bầy đàn của nó, cũng chẳng phải bầy đàn đã bỏ nó. Chỉ vì lửa mà thôi.” Anh nằm dài trên xa-lông, nói chuyện với mình mà như nói với một người bạn vậy. Giữa đám đông mà nói lảm nhaả một mình e rằng người ta cho mình điên. Nhưng ở đây chỉ có anh, tha hồ nói laả nhảm và thực là quá cần thiết để nói lảm nhảm khi anh đang sống lẻ loi như bây giờ. Anh nằm đó, đốt một điếu thuốc, nhìn khói bay, thấy hồn mình lơ lửng, trống rỗng, và cô đơn khủng khiếp... Nỗi cô đơn này thật khó hiểu vì nó không thúc bách anh đi tìm đối tượng để chia xẻ hay đồng hóa. Nó lấp lửng và cơ hồ muốn đẩy anh vào nỗi khao khát được tan biến đi như làn khói thuốc. Nó là cơn buồn chán đến tận gốc rễ sự hiện hữu của chính mình. Cầm mãi điếu thuốc trên tay mà quên hút, anh lặng yên, lắng nghe một cách thấm thía sự tan loãng của lòng mình vào cõi không. Nhưng bên khung kiếng cửa sổ, anh bỗng nhác thấy một bóng đen động đậy. Cảm giác buồn chán vùng vằng một lúc rồi tan biến, nhường lại cho nỗi sợ và thoáng rùng lạnh liếm nhẹ trên da anh. “Gì đây? Té ra cuối cùng rồi cũng gặp ma hay sao?” Anh không vội nhìn ra cửa sổ, dụi nhẹ điếu thuốc trên gạt tàn, cố trấn tỉnh một lúc trước khi nhìn thẳng vào cái gì rờn rợn bên ngoài cửa sổ mà anh có cảm giác đang chăm bẳm ngó mình. Trong khi chuẩn bị tinh thần, anh nghe rõ tiếng gõ nhẹ vào cửa kiếng. Tiếng gõ thưa, nhẹ và lịch sự của một con ma hiền không có ý quấy phá hay ác ý gì. Có lẽ nó xin ẩn tuyết, vì tuyết đang rơi nhẹ từ khi anh trở vào nhà. Anh nghe lạnh buốt cả xương sống, lạnh hơn khi lao vào cơn băng giá ngoài trời nữa. Rồi anh quay phắt lại, nhìn thẳng vào bóng đen đó: một con mèo. Anh đứng dậy, nhứ một quả đấm, xua đuổi nó: “Tổ cha mày! Làm tao hết hồn.” Từ bệ cửa sổ, con mèo phóng đi mất dạng. Anh thở phào, ngồi xuống lại, hơi thắc mắc về con mèo. Nó muốn gì đây? Kiếm ăn? Trốn lạnh? Nhà nó ở đâu? Chủ nó đâu? Chắc là mèo hoang. Thôi mặc, lâu nay nó sống được thì bây giờ cũng sống được. Không thể thương nổi một con mèo đã làm mình hoảng vía. Đâu phải anh không biết thương loài vật. Bầy nai, thỏ, sóc thường đùa giỡn trong vườn mỗi sáng không phải đã làm anh thích thú và yêu mến vô cùng đó sao! Nhưng con mèo này thì chẳng thương nổi, nó đã làm anh sợ. Nó to lớn như mèo rừng, đen mun một cách man rợ. Nó mang cái vẻ hiểm ác, tàn bạo, đầy thú tính—hừm, cái thú tính của một con vật đủ bản lãnh để tự sống trong rừng—mà người ta có thể yên tâm không cần phải lo lắng cho nó. Anh về phòng lấy gối chăn, vào phòng khách ngủ. Cầm sách đọc mà anh chẳng hiểu gì. Xếp sách, nằm trằn trọc mãi đến khuya. Tuyết bay phất phơ ngoài cửa kiếng khiến anh chợt hiểu rằng anh không thể yên ngủ khi bỏ một con mèo đói lạnh ngoài trời. Anh vùng dậy, xách đèn bin, mở cửa ra ngoài. Anh gọi con mèo bằng những tiếng “meo, meo” thân thuộc và tình cảm y như trước đây anh gọi con mèo nuôi trong nhà anh ở Việt Nam vậy. Chẳng mấy chốc, con mèo nghe được tiếng anh, chạy vụt đến. Không sợ hãi, nó quấn quít bên anh, cạ mình nó vào chân anh tìm hơi ấm. Anh cúi xuống vuốt ve nó một lúc rồi đưa nó vào nhà. Mở tủ lạnh, nhìn trên nhìn dưới, anh chẳng thấy thứ gì cho nó ăn được. Chỉ toàn rau cải, bơ, phó mát và sữa tươi. Anh múc cơm vào một cái đĩa giấy, xịt chút nước tương cho nó ăn. Nó chê. Anh rót sữa tươi, nó cũng chê nốt. Anh hâm nóng sữa nó mới chịu liếm sạch. Chắc tại nó lạnh. Sau đó, ôm nó vuốt ve một hồi anh mới dọn chỗ cho nó ngủ cạnh lò sưởi. Sáng hôm sau, chủ nhà về. Thấy con mèo, ông la inh ỏi: “Í, cho nó vào đây làm gì! Quen rồi nó ở luôn đó. Thứ quỉ này dơ lắm, ỉa đầy nhà cho mà xem.” Anh lật đật xua con mèo đi. Nó chẳng chịu ra ngoài, cứ chạy lòng vòng trong nhà. Ông chủ xách cây đuổi nó, anh mở sẵn cửa cho nó ra rồi đóng sập lại. Chủ nhà tiếp tục càm ràm: “Nuôi đồ quỉ đó mất công dọn dẹp. Nó phá lắm.” Lúc đó anh mới giật mình nhớ lại rằng mèo mà phóng uế thì phải biết, thối đến long óc đi được. May mà đêm qua nó chẳng làm gì bậy bạ. Tuy vậy, anh cũng thấy tội nghiệp cho nó. Chủ nhà đi rồi, anh lại ra ngoài tìm con mèo, kêu mãi chẳng thấy đâu. Anh vào ga-ra dọn một góc đầy đủ chăn êm nệm ấm cho nó. Đến chiều, con mèo trở lại. Anh không cho nó vào nhà mà tiếp nó ngoài trời, vuốt ve, nói chuyện với nó. Xong, anh đưa nó đến ga ra chỉ cho nó biết nơi ăn chốn ở của nó. Anh lại lấy một đĩa cơm trộn chút bơ, chan chút nước tương cho nó. Lần này, nó cũng chẳng chịu ăn. Anh chẳng biết làm gì hơn. Anh ăn sao thì cho nó ăn vậy nhưng con mèo này đòi hỏi quá. Có lẽ nó ăn thịt thà quen rồi. Mèo chó của Mỹ thường có thức ăn riêng của chúng, đóng hộp, vô bao đàng hoàng, cho nên nó chê đồ ăn của anh là phải. Anh cứ đặt đĩa cơm cạnh chỗ nó nằm rồi đi vào nhà. Con mèo ngoan ngoãn không đi theo anh, có lẽ nó đã biết ý chủ nhà và biết rõ hơn là anh chẳng có thẩm quyền đem nó vào trong. Sáng hôm sau ra thăm nó, thấy cái đĩa không, anh khoái quá. Và cứ thế, anh cho nó ăn cơm và uống sữa tươi mỗi ngày. Nhìn nó ăn ngon, anh gõ gõ trên đầu nó, nói: “Vậy cũng là sang lắm rồi nghe mày. Mày mà ở Việt Nam thì chỉ được ăn khoai mì thôi, mà cũng chưa chắc là có đều đặn mỗi ngày nữa. Ở Việt Nam tao không được ăn cơm trắng như vầy đâu, mày có biết không!” Con mèo ngó anh, ra vẻ thông cảm lắm. Ăn xong, nó liếm mép rồi dúi đầu vào lòng anh. Họ đã là đôi bạn thân suốt tuần lễ đó. Nhưng tuần sau, chủ nhà lại về. Chạy xe vào ga-ra, thấy một đống nào quần áo cũ, nào thảm lót dơ và chình ình trên đó một con mèo đen, ông hét: “Trời, lại con mèo này nữa!” Ông chưa kịp tìm cây gậy, con mèo đã phóng chạy. Nó thật nhạy cảm, biết ngay là ai chẳng ưa mình. Ông chủ nhà đuổi theo nó đến tận hàng rào sau vườn. Ông chịu khó làm vậy để con mèo mang ấn tượng kinh khiếp là sẽ bị đánh đập hoặc có thể bị giết để nó không còn dám bén mảng trong sân nhà ông nữa. Anh chẳng biết nói sao, đành chịu lỗi với chủ nhà thôi. Đến trưa, đang ngồi trò chuyện với chủ nhà ở mé hiên, anh thấy con mèo quay lại. Ông chủ nhà cũng nhìn thấy nó. Hai cục mỡ gần mép tai ông giật giật lên như thể muốn báo động là ông sắp sửa tấn công con mồi nào. Trong lúc đó, con mèo thong tảœ bước vào ga-ra. Nó chẳng biết là chiếc giường êm ấm của nó do anh bày biện cũng đã bị chính anh dọn sạch đi rồi. Để ông chủ yên tâm là anh sẽ không chấp chứa con mèo khi vắng ông nữa, anh đứng dậy đuổi nó đi. Anh thầm nghĩ trong bụng: “Tao phải đuổi mày. Vì nếu tao không đuổi mày thì có người đuổi tao, mày có biết không?” Con mèo ngơ ngác ngó anh, không chạy mà còn có vẻ như muốn đến gần anh, quấn quít bên anh như mọi hôm. Anh tiếp tục quơ tay xua đuổi nó. Nó đứng yên, nhìn anh, không chạy. Có lẽ nó không tưởng tượng nổi một người bạn thân như anh lại có thể xua đuổi nó. Anh phải vờ tháo giầy ném nó mới chịu lững thững chạy. Nó không chạy hốt hoảng bạt vía như khi bị ông chủ nhà rượt mà chỉ chạy một cách lừng khừng như đang còn tiếc rẻ nơi ăn ở của nó, hay đang còn thắc mắc về thái độ bạc bẽo của anh. Chốc chốc nó quay lại nhìn, đôi mắt buồn thảm. Anh đứng dõi theo bóng nó mất hút sau lùm cây mà cảm nghe như chính mình đã xua đuổi mình vậy. Ông chủ đi rồi, anh lại tìm nó, gọi nó, chẳng thấy đâu. Anh thương đôi mắt nó quá. Một con thú hoang mà cũng biết ứa lệ sao! Chút tiền trong túi, anh lái xe ra phố mua cho con mèo vài hộp thịt. Rồi anh lại tìm nó, kêu nó, không thấy nó trở lại. Một ngày, hai ngày, ba ngày, rồi một tuần, rồi một tháng, con mèo đi biền biệt. Cánh rừng trở nên hoang dã hơn khi vắng bóng một con mèo. Đêm ấy, ngoài trời, lại một đêm trăng mờ và cũng một vườn tuyết trắng xóa. Anh có thể nhìn những hàng cây khô như bao ước vọng đâm chồi từ vực đáy lòng mình, vươn lên giữa khoảnh trời nặng trĩu hơi sương. Và anh thèm được ngắm những tiên nữ trần trụi tắm trăng, thèm được ma quỉ quấy phá, thèm được một con mèo quấn quít nơi chân. Xa quê hương, ăn ngủ nhờ, không bạn bè, không người yêu, không người thân thuộc, đứng một mình hiu hắt giữa rừng đêm, anh chẳng phải là một kẻ đi hoang, lạc bầy đó sao! Bất giác, anh buông một tiếng hú dài, lanh lảnh, vang cả góc rừng. Tiếng hú không nhằm kêu gọi ai, chỉ như hình gọi bóng, như mình gọi mình, đầy thú tính, man rợ. Tiếng kêu của một con thú đủ bản lãnh để tự sống giữa rừng hoang. Virginia 1989