Mỗi lần ra cắt tóc, lão Biền lại kể cho ông nghe về đứa con gái ấy.
- Ai nhìn nó mắt cũng phải dại đi, chú mày ạ! Lão cười khùng khục: - Ước gì tao trẻ lại ba mươi tuổi nhỉ. Chà, tiếc đứt ruột.
Câu sau, lão nói một cách nghiêm chỉnh. Ông không cười, cũng chẳng phản ứng. Bố ông cấm không cho chơi với con bà giáo. Em gái ông khóc lóc. Chả hiểu sao nó lại thích con bé đến thế. Dĩ nhiên là nó và con gái bà giáo chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Lần nào qua ngõ, con gái bà giáo cũng đưa mắt tìm kiếm em gái ông. Rồi nó có chửa. Nó chửa, bụng to quá cỡ bình thường. Vợ chồng bà giáo chỉ biết khóc. Nó đẻ, đứa con ra đời và chết. Ai cũng bảo đứa trẻ giống mẹ như lột. Con gái bà giáo xanh nhớt, nó uể oải dạo quanh nhà, không đi xa nữa. Một sớm tinh mơ những người dậy sớm nhìn thấy nó trôi là là về phía núi Rùng như một chiếc lá. Nó biến mất. Riêng ông, ông cứ băn khoăn về đứa trẻ mặc dù nó đã chết. Ông ngờ ngợ như gặp khuôn mặt đó ở đâu rồi. Cho đến ngày ông vuốt mắt cho thằng Chí ở cánh rừng biên giới, ông bỗng rụng rời chân tay. Trong ánh trăng xanh lét, khuôn mặt thằng Chí hệt như đứa trẻ chết yểu kia. Điều này chỉ xảy ra, tựa hồ một làn chớp nhưng dư âm của nó còn lởn vởn, ám ảnh ông đến trọn đời. Ông học hết cấp ba, chuẩn bị vào lính thì gặp lão Biền, lão khoe rằng bà giáo lại vừa sinh thêm đứa nữa.
- Lại đẻ? Ông ngạc nhiên: - Cháu không hiểu nổi. Bà giáo quá già rồi kia mà.
- Quá già thì sao. Lão Biền huơ kéo trước mặt ông: -Cốt là kết quả.
- Lại một quái thai chứ gì? Ông sốt ruột muốn đến ngay nhà bà giáo.
- Không, một thằng bé chính cống. Nó khóc oe oe. Đẹp lắm. Chính tớ đỡ đấy. Lão Biền khoe khoang: - Nó háu ăn và kháu khỉnh. Mà này, chồng bà giáo chết rồi. Không đợi ông hỏi, lão nói liến thoắng: - Đúng hôm thằng bé ra đời thì nhà họ sập một nửa. Ông ấy bị rui đè gẫy cổ.
Ông cúi đầu thở hắt ra. Như chợt nhớ, ông hỏi nhanh:
- Mấy lần trước bác cũng đỡ cho bà giáo hả?
- Ừa. Lão Biền xác nhận: - Nhưng đừng có hỏi nữa. Chú mày đi bộ đội xong là lấy vợ ngay đi. Lấy đi.
Tiếc rằng ông không được nhìn thấy mặt đứa con cuối cùng của bà giáo. Đứa con hoàn chỉnh duy nhất trong cuộc đời éo le của vợ chồng bà. Bà giáo chết, người dưới xuôi về đón đứa bé về làm con nuôi. Câu chuyện về bà giáo chẳng hiểu vô tình hay cố ý đã không loang ra khỏi làng. Nó chỉ lục xục quanh quẩn trong từng nhà rồi mất hẳn. Vậy mà tại sao hai thanh niên này lại biết? Chẳng lẽ sự đời trùng nhau đến thế sao? Chẳng lẽ lại có một cái làng thứ hai như làng ông sao?
*
Tao sẽ đấm vỡ mặt mày, thằng động cỡn!
Lão Liêm gầm vang nhà, huơ huơ nắm đấm gồ ghề trước mặt con trai. Hải gầm mắt chẻ nốt thanh củi, lẳng toẹt nó vào một góc.
- Tôi làm gì mà bố đòi đánh? Rõ rởm.
- Ờ, ờ rởm cái thằng cha mày! Lão Liêm nhẩy cẩng lên như người phải bỏng, đấm đánh rầm xuống bàn. Bà Liêm lao ra níu chặt lấy chồng, mếu máo can. Trẻ con hàng xóm kéo sang chật sân, chúng há mồm nuốt lấy từng lời của lão Liêm rồi phá lên cười thích thú.
- Mấy thằng chó, có cút mẹ chúng mày không thì bảo?
Hải vung chân phóng bừa một cú làm năm sáu đứa bé văng ra quãng xa. Lũ trẻ hớt hải biến sạch. Cú đá của Hải không qua khỏi mắt lão Liêm, lão run lên, vừa sợ hãi vừa bàng hoàng, với cú đá đó, lão hiểu thằng con mình không phải loại thường, lôi thôi quá mức để nó cáu lên thì khốn. Nghĩ vậy lão vờ hục hặc nhẹ mấy câu rồi bỏ đi làm việc riêng.
Sẩm chiều, theo thói quen lão mò lên đỉnh đồi, nơi có hai ngôi mộ của gia đình. Lòng lão bứt rứt khó tả, có gì đó không yên ổn vây bọc ý nghĩ của lão. Mấy tháng gần đây, trong mơ lão hay thấy vết chân lạ vô hình in quanh hai ngôi mộ của bà mẹ và cậu con cả lão. Ngắm nghía hai ngôi mộ, lão Liêm ngờ ngợ như chúng sắp sửa biến mất không để lại dấu vết gì. Chỉ nghĩ đến đó, lão lạnh cả gáy. Mộ mẹ lão đã lún xuống một góc khá sâu, vết lún đó kéo theo một vết nứt chạy dài nửa phần mộ. Rêu mọc xanh thẫm trên lớp xi măng. Đấy là điều kỳ lạ lão không sao giải thích nổi. Tuồng như dưới ngôi mộ đó là cả một dòng sông nhả hơi nước lên để nuôi đám rêu một cách công phu. Mộ thằng Can, trái lại khô khốc, xi măng bóng rợn, đất trên đỉnh đồi bị mưa xô xuống che mất một nửa. Tiếng vỗ cánh phành phạch làm lão giật mình. Con chim đen khổng lồ lượn những vòng rộng. Nó sống được bao năm rồi nhỉ? Lão Liêm bần thần tự hỏi. ở trên cao lão bao quát cả vùng Linh Nham trong tầm mắt. Những quả đồi phập phồng chạy chéo nhau, xa hơn chút nữa rừng núi tím thẫm, còn dưới chân lão, sông Linh Nham ẩn hiện chẳng khác gì con rắn khổng lồ đang trườn giữa rừng cây um tùm. Nếu tính những quả đồi cao nhất, sẽ thấy chỗ lão Liêm đang đứng là đầu một con vật lạ chưa ai nhìn thấy, nó hao hao giống một con bò già cóc đế, xương sống lổn nhổn. Nhưng người giầu tưởng tượng hơn nữa sẽ dễ dàng nhận ra rằng những quả đồi to xếp với nhau thành hình con Nghê. Đấy là một bí mật, bởi vì chưa ai được đặt chân lên đỉnh đồi nhà lão, mà chỉ ở đỉnh quả đồi này mới có thể nhìn ra hình con vật kỳ dị đó. Rời hai ngôi mộ, lão Liêm lững thững đi xuống. Lúc này đầu óc lão lại nghĩ đến thằng con trai. Sớm nay, lão đang lúi húi chẻ lạt buộc lại giàn mướp thì Lanh sang. ả trơ trẽn hỏi xem Hải có nhà không. Chẳng hiểu giời xui đất khiến thế nào lão lại đốp luôn một câu:
- Con tôi không chơi với đĩ!
Lanh nổi cơn tam bành, ả nhẩy tâng tâng rỉa rói vào mặt lão, không còn nể nang gì nữa. ả vươn bộ ngực đồ sộ dí sát người lão khiến lão tối tăm mặt mũi:
- Đĩ, ừ thì vậy. Tôi không làm đĩ với ông, tôi làm đĩ với con trai ông đấy. Giỏi thì cứ lao vào… Bố sư thằng già này. Bà thì bà kẹp cho vỡ bẹp cả đầu chứ lị. Bà không tha cho con trai của mày đâu!
Không kịp để lão phản ứng gì cả, ả đùng đùng bỏ về. Lão lẩm bẩm chửi đổng, gặp Hải đi tắm về, lão trút ra tất cả nỗi bực bõ cũng như danh dự vừa bị sỉ nhục. Lúc này đầu óc lão căng ra tìm cách tính toán chặn thằng con lại, không nó sẽ phá vỡ gia đình của lão. Lão vỗ vỗ tay lên cái trán ngắn một mẩu, mồm méo xệch vẻ căng thẳng. Chi bằng lấy cha cho nó một con vợ, thế là xong hết mọi chuyện. Có vợ nó sẽ khác đi. Ngày xưa chính bố lão cũng làm như thế để trị lão.
Hải ngồi dạng chân chêm lại cái cán xẻng thì bố xăm xăm đi tới:
- Này Hải, mày biết con Hoan cháu bà Kính chứ?
Nghe bố hỏi, Hải nghi ngờ nhìn lên, khẽ gật đầu. Thấy vậy, lão Liêm tuyên bố một lèo:
- Tao sẽ hỏi nó làm vợ mày. Câm mõm, đừng có cãi lại. Ngần này tuổi đầu rồi, phải chí thú vào mà làm ăn. Con bé cũng tốt nết đáo để. Khoan, định bỏ đi đấy phỏng. Hừm… Ngay sáng mai tao sẽ sang nhà bà ấy…
Hải đực mặt nhìn bố như bị thôi miên. Lão Liêm hồ hởi, nói tràng giang đại hải cứ y như cưới ngay đêm nay, mà chính mình cưới chứ không phải thằng con trai đang ngồi kia.
Đột nhiên sực tỉnh, Hải đứng phắt dậy phủi tay vào ống quần, gằn giọng:
- Bố đem con ấy về đây, tôi đấm nó chết ngay tại cổng!
Lão Liêm bổ chửng vì phản ứng quá bất ngờ và dữ dội của con trai. Lão cố bình tĩnh lại, nhếch môi nhợt nhạt:
- Làm gì mà mày căng thẳng thế, thằng hũ nút kia. Lấy vợ xong, bố sẽ cho mày đủ thứ, thoả sức mà sống dư dật con ạ. Tao còn một kho của kia kìa.
Lão huơ tay ra sau định chỉ vào một điểm nào đó nhưng liền đấy rụt lại như bị sét đánh. Suýt nữa lão đã phạm phải một sai lầm không thể tha thứ được. Cũng may lúc đó Hải không để ý, hắn huỳnh huỵch bỏ vào dọn cơm cùng mẹ.
Cả nhà lão Liêm đang quây quần bên mâm cơm thì thằng Bình Mịch nhẩy bổ vào. Hắn gọi hải ra thì thào rồi biến mất. Cụ Trường nhét nốt gắp rau muống vào mồm, trợn đôi mắt kèm nhèm rồi hỏi cháu:
- Cái gì thế?
Hải im lặng ăn rồi hắn buông đũa trả lời một câu cộc lộc:
- Tối nay đi rình thú lạ!
- Mày bảo sao?
Lão Liêm hộc lên xuýt nữa thì bị nghẹn. Cụ Trường nhìn con trai, thở dốc. Bà Liêm hỏi nhanh:
- Hai người làm sao đấy?
Lão Liêm tỉnh ngay nét mặt, xua tay:
- Không có gì cả. Tý nữa ăn cơm xong, mày ra tao nói chuyện này!
Lão bảo con trai. Hải ngạc nhiên nhưng không hỏi. Cụ Trường đột nhiên ho rũ rượi.
- Lại chuyện chẳng lành rồi!
Bà Liêm than lên. Lão Liêm gắt át đi:
- Con khỉ, câm ngay, biết gì mà chõ mồm vào.
Hai bố con lão Liêm ngồi trên đỉnh đồi, giữa hai ngôi mộ. Bóng đêm lảng vảng kéo đến vây lấy họ. Dòng Linh Nham sôi âm ỉ. Hải cau có gại gại móng tay vào ống quần, chờ đợi xem bố định nói gì. Lão Liêm thả mắt bâng quơ khắp vùng đồi đang thoi thóp giữa bóng tối. Tự dưng lão thấy khó xử vô cùng. Đã có thể nói rõ cho thằng con không đáng một xu tin tưởng này điều lão canh cánh ấp ủ chưa? Chẳng biết nó có xứng đáng được đón nhận, chia sẻ bí mật ấy không nhỉ? Lão hiểu trước sau mình cũng phải nói, nhưng hình như chưa đến lúc, vả lại lão biết mình còn dư sức lắm. Nói ra ngộ nhỡ thằng chết đâm chết dầm này làm hỏng bét cả thì khốn. Đầu lão căng lên vô vàn câu hỏi, lão sực nhớ mình chưa hỏi ý kiến ông bố. ở cái nhà này chỉ có hai người biết được điều thiêng liêng và quan trọng đó. Nghĩ đi nghĩ lại, lão Liêm quyết định không nói nữa. Trước lúc xuống nhà, lão hắng giọng bảo con:
- Tối nay mày không đi đâu cả. Đừng có a dua theo con nhà Mịch, làm gì có thú lạ thú liếc nào. Hừm…
Lão phẩy tay bước đi thoăn thoắt khác hẳn mọi ngày. Hải ứ người, uất nghẹn đến cổ vì thái độ của bố. Hắn không hiểu được ông muốn gì. Và Hải quyết định không ra khỏi nhà đêm nay, hắn thấy chân tay mỏi nhừ như bị cho vào cối dần. Trái với mọi lần, lão liêm lên giường đi ngủ rất sớm, nửa đêm không thấy động tĩnh gì, lão rón rén dậy bước ra ngoài đường tay cắp theo một thanh tre đực to bằng cổ tay, vàng sẫm. Lão men theo bờ rào hàng xóm, vòng xuống chân cầu Linh Nham, ngồi thụp xuống, mắt căng lên chờ đợi. Lúc sau, có tiếng sột soạt, rồi từ cánh rừng ven sông, một con vật ngất ngư đi ra. Lão Liêm rùng mình. Dưới ánh trăng loãng nhạt lão nhìn thấy con thú kỳ lạ, thân ngắn, bốn chân có bốn túm lông trắng, tai con thú to nhưng thấp áp vào đầu. Con thú đi xuống sông, vục cái đầu quá cỡ xuống uống nước ngay cạnh chỗ lão ẩn nấp. Con thú không có lông trên lưng, bụng thon như sư tử, nó uống một cách từ tốn, đôi mắt to trong như hai cái trôn bát sáng rực. Lão Liêm hắng giọng nhẩy vụt ra khua cây gậy lên trời. Miệng lão huầy huầy xua đuổi con vật. Thấy động, con vật kỳ lạ ngẩng lên, đôi mắt nó chiếu thẳng vào lão Liêm một lúc rồi vụt vào rừng như cơn lốc. Lão Liêm thở phào, tay quệt mồ hôi đang đầm đìa khắp mặt. Đang thủng thẳng về, chợt lão thấy bóng thằng Bình Mịch lom khom xách khẩu súng săn lần ra mép sông. Lão nép vào bụi duối gần đấy, đợi chờ, miệng lẩm bẩm: “Muộn rồi con ạ!”. Khi thằng Bình đi ngang qua chỗ mình, lão Liêm vung cây gậy tre phạt một cú trời giáng quét ngang mặt đất. Chỉ nghe tiếng hộc đau đớn, rồi thân hình dài ngoằng của thằng Bình Mịch đổ vật xuống, khẩu súng săn văng sang bên. Lão Liêm lách theo các bụi cây, lẳng lặng trở về. Lão biết mình vừa gỡ được một tai họa ghê gớm cho gia đình và cũng tự nhủ rằng không còn là lúc thảnh thơi nữa. Trước khi vào giường, không hiểu sao lão lại đảo qua chỗ Hải nằm nhưng chỉ thấy chiếc màn rỗng. Khá lâu sau Hải mới lò dò về, người thẫm sương, đẫm ướt.
- Mày đi đâu về, thằng kia ?
Hải giật mình nghe tiếng bố hỏi, hắn vờ cài cúc quần, nói rất khẽ:
- Đi ỉa!
- Đừng có giấu tao, đi đâu?
Vừa hỏi nhỏ lão Liêm vừa sấn đến trước mặt con, hai cục ổi ở yết hầu chạy lên chạy xuống. Tự dưng Hải cáu:
- Tôi đã bảo đi ỉa là đi ỉa. Không tin ra mà xem!
Hắn chỉ bừa tay ra ngoài. Lão Liêm trở về giường. Lão tin lời con trai. Thực ra, khi lão Liêm đi, Hải chằng biết nhưng hắn sực nhớ lời ông Trình dặn ông đang cần một chiếc lưỡi của con thú hiếm để làm thuốc chữa bệnh. Nếu thấy cố gắng mách cho ông biết. Hải nhớ thằng Bình nói buổi chiều rằng đây là con thú lạ, chưa nhìn thấy bao giờ. Thế là Hải nhỏm dậy, chạy báo cho ông Trình. Nghe Hải nói, ông trình vội vàng xỏ quần, vác dao đi ngay, bỏ mặc hắn tụt lại đằng sau. Hải về thẳng nhà, mặc kệ ông Trình với con thú, chỉ biết hắn đã có lòng tốt mách cho ông, thế là xong.
*
Ông Trình đi như bay ra sông Linh Nham, lòng dội lên cảm giác khó tả. Chợt ông dừng lại khi đến gần chân cầu. Một bóng ngươig khật khà khật khừ xách khẩu súng lê sền sệt trên lối mòn đầy cỏ.
- Bình hả?
Nắm chắc con dao trong tay, ông Trình hỏi nhanh. Bóng người khựng lại gật đầu, miệng vẫn rên hừ hừ. Ông Trình vực Bình dậy mới biết hai ống chân của hắn sưng vù, không đứng nổi.
- Ai đánh cậu?
- Cháu không biết. - Bình thều thào: - Mẹ kiếp, suýt nữa thì xong đời. Bác làm ơn xách cho cháu khẩu súng.
Ông Trình nhìn quanh, dưới trăng đôi lông mày chổi xể chụm lại, đổ bóng tô xuống vành mắt.
- Con thú đâu?
Bình nén đau, hỏi lại đầy ngạc nhiên:
- Sao bác biết?
Ông Trình lắc đầu, hỏi tiếp lần nữa Bình ngao ngán vơ cọng cỏ đưa lên mồm nhấm nhấm:
- Mọi đêm nó vẫn ra, đêm nay thì…
Hắn uất ức và sợ hãi nhìn quanh. Ông Trình nghĩ ngợi một lúc rồi im lặng dìu Bình về. Tới cổng ông để hắn tự lê vào nhà còn mình vạch đêm quay lại xóm Trại. Suốt đêm đó ông Trình không ngủ, nằm vắt tay lên trán nhìn chăm chăm vào đám mạng nhện chăng trên nóc. Gần sáng, ông vùng dậy giở cuốn sổ cũ kỹ, thận trọng đọc lại từng chữ, xong, bỏ ra ngoài, vươn vai đi mấy thế võ kỳ quái.
Ông Trình đang tắm bên dòng suối nhỏ trong veo thì Quản hâm đi qua. Mụ là người đàn bà độc thân, ngày xưa từng làm cô giáo dạy vỡ lòng được huyện cử vào xóm Trại. Ông Trình nghe người ta kể lại rằng thuở ấy mụ đẹp, phải tính hơi rưn rứt, động tí là cười, động tí là khóc. Đôi khi đang giảng cho bọn trẻ, mụ lại ngồi phệt xuống đất cười nói huyên thuyên làm bọn trẻ bỏ học hết. Tất nhiên đấy chỉ triệu chứng nhẹ. Sau vụ bị một thằng cha vu vơ nào đó tận làng Phan lừa đến mức thất tình, mụ bỏ dậy, không đi đâu, nhập luôn làm dân bản xứ. Từ đấy cái tính hâm của mụ cứ theo tuổi tác mà tăng dần. Mụ Quản ở đây dễ đến ba bốn chục năm rồi, và với ngần ấy thời gian, tất cả lũ đàn ông trong xóm Trại đều lần lượt qua tay mụ. Dạo này mụ Quảng hay vào rừng buổi sớm, chẳng biết để làm gì. Có người bảo mụ mê ông Trình mà sinh ra thế. Mỗi lần đi qua nhà ông, mụ Quản đều sửa sang áo xống, tóc tai cho gọn ghẽ, mặt vưỡn lên, mắt chớp chớp như đang có điều gì cảm động trong lòng. Rồi mụ còn hát, tiếng hát của mụ khàn đặc, nặng chình chịch nhưng đôi chỗ luyến láy nghe cũng véo von ra trò. Dừng lại bên suối, mụ Quản nhón lấy một viên sỏi đáp đánh tũm xuống chỗ ông Trình đang tắm, rồi e thẹn nép vào tảng đá cạnh đấy nấp. Nhìn ông Trình ngoảnh đi ngoảnh lại tìm kiếm ngơ ngác, mụ Quản bật cười khúc khích.
- Này, này, lên đây bảo cái này này.
Ông Trình trợn mắt nhìn đầu mụ thò ra khỏi tảng đá.
- Tắm sớm thế, cảm chết!
- Cút!
Ông Trình vừa bực, vừa xấu hổ quát, lom khom lấy tay che hạ bộ bước đến chỗ quần áo. Mụ Quản nổi cơn hứng chí giở cái trò vỡn vèo của bọn trẻ đang yêu, ưỡn ẹo bước ra vơ lấy quần của ông Trình giấu ra sau lưng.
- Khiếp chưa kìa!
Mụ vờ ngoảnh mặt, che cái miệng mở toác ra cười sau bả vai. Ông Trình không ý tứ gì nữa, nhẩy sổ đến giật lấy quần rồi chạy. Mụ Quản há hốc mồm nhìn ông như thôi miên.
Mụ tẽn tò vì trò đùa không được hưởng ứng, bèn nhổ toẹt bãi nước bọt, bỏ đi. Nghĩ sao, mụ lại đuổi theo ông Trình, mặt dằn dữ:
- Này, đây bảo cho mà biết nhớ, còn khươn nó mới đến!
Ông Trình giật thót người. Bằng linh cảm của kẻ có thần kinh nhạy bén, ông biết mụ Quản nói “nó” ấy là cái gì. Ông vồ lấy vai mụ lắc mạnh:
- Sao mụ biết?
Mụ Quản vờ như không nghe thấy, cứ đắm đuối nhìn sâu vào mắt ông Trình. Sốt ruột, ông nói nhanh:
- Bỏ cái thói ấy đi. Già bố nó rồi, ai thèm!
- Đây nuốt thẹn mà nói rằng đây yêu đằng ấy!
- Hì! Cũng được. Ông Trình cắn răng: -Vậy nói đi sao mụ biết?
Mụ Quản vẫn quan trọng, ngồi xuống ven đường, hoác đôi chân ra, rung rung làm ông Trình đỏ cả mặt. Mụ vẫy ông ngồi xuống bên cạnh.
- Còn những ba tháng nữa cơ! Mùa đông nhá, mùa xuân nữa nhá. Mà nhớ nhá, đây đã nói rằng đây nuốt thẹn để…
Không kịp để mụ nói hết câu, ông Trình sầm sầm bỏ đi, miệng văng tục:
- Con khỉ! Ngứa cả…
Câu cuối ông nhịn được.
Buổi tối, ông Trình ra thung lũng sớm hơn mọi lần. Ông sốt ruột chờ Hải. Những lúc nghỉ giải lao, ông hỏi hắn rất nhiều, sau đó với giọng thản nhiên ông nhờ Hải tìm cách lấy cho mình một viên đá ở nhà cô Nguyệt, cháu cụ cố Cung. Phải lấy hòn đá đó ở vết chân con thú đã in ngày xưa.
- Lấy làm gì nhỉ?
Hải hỏi lại bâng quơ, với hắn đó là trò vô nghĩa.
- Tôi muốn xem có đúng là con thú tối qua không. Nếu phải mới làm thuốc được. Cậu giúp tôi.
- Khó gì!
Trước khi về, ông Trình dặn Hải rằng nhớ không để cho ai biết vì ông muốn tránh thói tò mò của thiên hạ. Ngoài ra, ông Trinh còn gọi riêng Ngân sùi, một đứa con gái mười sáu tuổi, xấu xí, mặt rỗ hoa, thích học võ cùng đám con trai, nhờ nó in lại nguyên vẹn vết chân thú ở bờ sông Linh Nham. Con Ngân hồ hởi nhận lời, đối với nó không gì vinh dự bằng được ông Trình giao việc. Nó vốn sùng ông như vị thánh, đêm nào cũng nằm mơ thấy ông đánh võ. Cả đời nó ao ước được giỏi võ như ông để đi giang hồ. Nó tưởng tượng mình sẽ khuấy nước chọc trời ở cả vùng Linh Nham này. Đi đâu, làm gì nó chỉ nghĩ đến bộ quần áo mà sau này mình sẽ may.
- Lúc ấy, em phải mặc quần áo đỏ, có đai đen mới được. Còn mũ, ma thôi, đội mũ rách việc, sẽ chít khăn to bản. Theo anh, khăn màu gì để hợp với thanh gươm em sẽ đeo nhỉ?
Con Ngân tâm sự nhiều với Hải như thế, trên đường về. Hải ngạc nhiên hắn nhìn nó như quái vật.
- Tao nghĩ mày chỉ hợp với cái cũi chó thôi.
Bị xúc phạm, ngân giận Hải mấy ngày không thèm nói một câu. Nó càng quyết tâm học võ và bám ông Trình không rời một bước trong những buổi tập. Ngân mắc bệnh lãng mạn, nó thầm hứa một lúc nào đó có điều kiện sẽ hiến thân cho ông Trình, người thầy, vị minh chủ của nó. Đêm, khi tắm, nó cứ ngắm mãi thân hình cong queo của mình và cầu mong vú to thêm một chút nữa. Nó mơ màng nghĩ: “Những người như chàng Trình thì bao giờ cung thích vú to. Chao ôi, tội nghiệp chàng phải đợi. Em sẽ cố gắng…”. Đêm sau nữa, ông Trình đã có trong tay vết chân con thú do con Ngân đem đến, còn Hải, hắn bảo răng chưa có điều kiện đột nhập vào sân nhà cô Nguyệt. Lý do chẳng có gì khác nhau ngoài chuyện chó nhà ấy vừa đẻ.
*
Hai tuần nay Loan không về nhà. Cô đã có người yêu tên là Huấn. Anh chàng này làm ở hội văn nghệ tỉnh. Huấn không phải dân gốc ở đây. Nghe đâu anh ta sinh ra trong một cái lều bỏ xó thuộc tỉnh Yên Bái. Người Huấn đậm chắc, đầu hơi vuông. Đặc biệt anh ta có nụ cười làm duyên khá đẹp. Với nụ cười đó, với đôi mắt đa tình lúc nào thấy con gái cũng nheo nheo và do vị trí biên tập ở tờ báo của hội, nhiều cô gái chập choẹ làm thơ đã xa vào vòng tay của anh ta. Loan quen Huấn trong buổi thơ sinh viên do trương tổ chức. Ngồi dưới nghe Huấn đứng trên bục đọc thơ tình, lòng Loan thắt lại. Bài thơ nói về một mối tinh tan vỡ, chàng trai đi lang thang và rền rĩ gọi người yêu. Sau đó, chàng trai gục đầu hóa đá ở ngay một cái chợ quê nào đó. Loan thổn thức, nước mắt ướt đầm chiếc khăn mặt mới sắm được. Giọng của Huấn lại bi thương, y như bản thân anh ta sắp hóa đá đến nơi. Loan ghìm nước mắt, run rẩy cầm bó hoa hồng lên dúi vào tay Huấn, nghẹn ngào câu gì đó. Thế là họ quen và yêu nhau. Trong cơn say mê điên cuồng của mối tinh đầu, Loan đã quyết tâm trao thân cho người con trai mà cô tưởng tượng rằng số phận của anh ta đã nằm trong bài thơ lâm li thống thiết kia. Hai người ngủ với nhau được mấy ngày thì Huấn tuyên bố cắt đứt quan hệ. Lý do của anh ta vô cùng đơn giản nhưng không kém phần quan trọng, thiêng liêng:
- Em ạ, anh đã thuộc về nhân loại rồi. Mắt Huấn nhắm lại, vẻ khổ sở: -Thế cho nên đừng ích kỷ thuộc về riêng em… Anh biết, em là cô gái có lòng nhân vị cao cả. Lịch sử thi ca sẽ ghi công cho sự hi sinh của em!
Nói xong, Huấn nức nở bỏ đến nhà Thúy lùn, một cô giáo vừa ly dị chồng, để nằm ngấm nỗi đau của sứ mệnh vĩ nhân. Loan bàng hoàng, đồng thời cũng cảm thấy có ai đó ở nơi xa đang sắp sửa ghi tên mình vào từ điển văn học thật.
Khi lũ bạn cùng lớp biết chuyện, chúng gào ầm lên với Loan:
- Vĩ nhân! Con Quỳnh dài giọng: -Cái mã nó có mà hót phân cũng chưa xong nữa là. Thơ với chả phú, chùi đít hết.
Còn Thọ, bạn trai của Loan, nghe xong chỉ đút hai tay vào túi quần chửi rõ to:
- Tiên nhân mấy thằng làm thơ!
Nhiều người quanh đấy phản đối Thọ. Thế là xảy ra cuộc tranh luận lý thú về thơ. Có người bảo thơ bây giờ dở như cứt, kẻ khác cự lại, khen hết lời, nào là hình tượng mới, nhịp điệu mới, vân vân và vân vân. Cuối cùng hai phe lao vào ẩu đả nhau, quần nát cả vườn cải của cô giáo Hiền. Chồng cô ta lao ra, giang hai tay lên trời, thét một tiếng nghe đứt cả ruột:
- Trời ơi, lũ quỉ, thế là mất đứt một món tiền của gia đình tao rồi!
Loan đang ở tâm trạng hoang mang thì Công đến. Công vốn là dân báo chí, nhưng cũng tập toẹ làm đôi ba bài thơ. Tính khí của Công có vẻ hào hoa, dáng lại đặc biệt rất đàn ông, cao to vạm vỡ, phải cái mặt gẫy gục và nói ngọng.
- Anh sẽ làm nọ hoa để em ngự trong đó. Trời em nộng nẫy làm sao.
Loan rũ ra cười vì câu tỏ tinh kỳ lạ đó. Cô tắc lưỡi yêu Công. Khi biết Huấn đến trước cả mình, Công ức lắm, suốt ngày nói xấu anh ta:
- Anh thì anh không thù hằn gì Huấn cả, nhưng trong nĩnh vực văn chương phải xoàng phẳng. Thơ của Huấn dở bỏ sừ, dở hơn rau thối, hơn…
Công chém chém tay tìm từ diễn đạt hàng tiếng mà không được. Loan buồn bã. Nhiều lúc bên Công cô cứ nghĩ vẩn vơ rằng chẳng lẽ số mình lại phải dính mãi vào những người làm thơ ư? Hay cả cái thành phố này con trai đều thế?
Rồi Công cũng chuồn nốt. Anh ta để lại cho Loan một bức thư kể lể chuyện khó khăn của mình. Cuối thư, Công chép tặng Loan bài thơ, theo anh ta viết, thì nó được ra đời trong tâm trạng dằn vặt đau đớn. Loan không nhớ bài thơ, cô chỉ mang máng rằng có câu gì đó đả động đến ớt với tỏi. Lá thư gieo vào lòng Loan sự đỏ vỡ chán chường về tình yêu cũng như bản chát về đàn ông. Loan bị giang đòn xây xẩm cả mặt mày, cô lao vào các cuộc tình ngày một mãnh liệt, chóng vánh. Trong đó, một lần Loan không thể tha thứ được cho mình, ấy là yêu nhầm ngay cả một thằng cha hấp. Loan bị bạn bè đem điều đó ra làm cho cười, cô càng ức muốn trêu ngươi tất cả. Cô bỏ học liên miên, người gầy rộc đi, mặt mũi hốc hác, duy chỉ có đôi mát vẫn ánh lên cái gì đó ươn ướt và cặp môi dầy cong là còn giữ nguyên vẹn. Nhà trường cảnh cáo Loan đến lần thứ tư thì ông hiệu trưởng quyết đinh cho cô nghỉ học.
- Tôi dí cứt vào sách vở!
Loan gằn môi sát mặt ông hiệu trưởng rồi đi thẳng. Cô đến nhà Tiến quắt, gã người tình sống độc thân ngay khu chùa phù Liễn. Tiến quắt hơn Loan đến hai chục tuổi. Gã láu cá vô cùng, con mắt một mí lúc nao cũng lim dim như kẻ chực ngủ, ấy vậy nhưng cấm có điều gì qua được mắt gã. Tiến làm chân xé vé ở chợ thành phố hàng chục năm nay. Vớ được Loan, gã nở tung cả lòng ruột vì hạnh phúc. Đời gã tưởng đi đứt về đường tinh duyên, thế mà trời lại phù hộ cho một hòn ngọc quý báu. Tiến quắt chiều Loan hơn chiều gái đẻ. Loan muốn cái gì hắn cũng lọ mọ kiếm bằng được. Đi đâu, gặp ai hắn cũng khoe là mình đã có vợ, mặc dù Loan chỉ tuyên bố với gã là chỉ ở tạm mấy tuần.
Một chiều, khi Loan đang uể oải trong nhà Tiến quắt chờ gã về thì Hải đến. Hải nhìn căn nhà thấy ọp ẹp, tối lờ mờ, đồ đạc sơ sài vất bừa bộn, hắn khịt khịt mũi. Loan nửa nằm nửa ngồi trên giường, lưng tựa vào tường, chiếc gạt tàn thuốc lá để bên cạnh đầy ự.
- Tao biết hết rồi. Hải nói tỉnh bơ, không những thế hắn còn thấy thích thú: - Ông bà già sốt ruột quá, cứ bắt tao đến xem thế nào.
Loan không nhúc nhích, mặt lờ đờ theo làn khói loả tỏa từ điếu thuốc trên môi. Lúc này Hải mới để ý thấy móng tay em gái mình đánh sơn đỏ chót.
- Tao sợ ông già sẽ thân chinh đến đây mất. Mày còn gì ăn uống không, đói bỏ mẹ đây này.