Qua cửa kính cô thấy những cánh đồng vùn vụt chạy ngược về phía sau. Bầu trời nhẹ tênh. Lần đầu tiên cô lên thị trấn. Chẳng biết nó như thế nào. Cô không hình dung nổi, chỉ biết rằng dì Lãm bảo trên ấy cái gì cũng có.
Cô mê mẩn nghĩ. Tiếng xe ì ì đều đặn. Cô mệt mỏi, mắt díp lại, ngả mạnh xuống vai chồng. Cô thoáng thấy đôi vai lực lưỡng của người lái xe trước khi khép mi chìm vào giấc ngủ. Cô ngủ và mơ. Cô thấy bóng một đứa trẻ chăn trâu vận quần đùi, cởi trần chạy lên trước mắt mình và toét miệng cười. Đứa trẻ sấn sổ cầm tay cô dắt vào bãi tha ma đen kịt. Cô hét lên, choàng tỉnh đầu va phải vật gì đau buốt. Cô ngơ ngác nhìn quanh, tim đau nhói. Trong xe không còn một ai, cả người chồng vừa ngồi cạnh cô nữa. Chiếc xe vẫn lầm lì chạy. Cô tưởng mình còn mơ. Cô dùng tay cấu mạnh ngực. Cảm giác đau nhói lên. Cô lắc đầu thật mạnh. Không, cô không mơ. Mọi người đâu hết rồi? Cả chồng cô nữa? Hay là họ chơi trò ú tim trêu mình? Tay ghì chặt bó hoa, cô chệnh choạng đứng dậy, nhìn sâu vào những hàng ghế trống không. Cô ngoái về phía người lái xe cầu cứu. Cô thét lên, ở chỗ người lái xe chỉ còn một bộ quần áo rỗng không. Bộ quần áo rúm ró lửng lơ theo hình người, hai ống tay mềm oặt gắn hờ lên mép vô lăng. Mắt cô hoa lên, đầu choáng váng. Cô lao ra cửa xe. Hai bên đường, những ngôi mộ xám xịt trải dài hết tầm mắt. Bầu trời xanh lơ hắt vào cửa kính. Chiếc xe vẫn chạy đều trên con đường độc đạo, lồi lõm. Con đường vươn thẳng đến chân trời. Cô ôm đầu, buông rơi bó hoa lay ơn. Một mảnh giấy nhàu nát văng ra. Cô vội vàng vồ lấy. Chiếc xe nẩy lên rồi rụt xuống ổ gà. Quàng tay qua thanh vịn, cô cố gắng giữ cho mình khỏi chao đảo, mắt ngấu nghiến đọc. Tờ giấy chỉ vẻn vẹn có mấy chữ nguệch ngoạc: “Anh đánh cuộc bằng hai viên bi rằng em đang đọc những chữ này.
Kí tên:
Kh.B.C”.
Buông tờ giấy, cô ngồi phịch xuống ghế. Bộ quần áo rỗng không vẫn tiếp tục điều khiển vô lăng. Con đường chỉ vừa đủ cho hai bánh xe vẫn mở ra hun hút. Mộ trải rộng mênh mông. Những ngọn cỏ tranh quệt vào thành xe ràn rạt. Cô hoang mang cực độ. Cơ thể cô tê liệt hoàn toàn. Mắt cô mở trân trân bất động về phía trước. Rồi đột nhiên cô thấy một bức tường huyền ảo, ngũ sắc chắn ngay đầu xe. Bức tường dựng đứng, những đường vân lờ đờ chuyển động. Xe vẫn lao đều với tốc độ lớn. Cô chỉ kịp hét lên một tiếng và thấy mình bay vụt ra ngoài. Chiếc xe đã đâm phải chân trời. Nằm vắt mình ngang một ngôi mộ, cô thấy đầu chiếc xe rúm lại rồi từ từ bung ra thành trăm ngàn mảnh. Cái áo của người lái xe bay dật dờ qua đầu cô sau đó rơi xuống ngôi mộ bên cạnh. Tất cả diễn ra trong chớp mắt và không gây lên tiếng động nào. Như thể đấy là giấc mơ vậy. Cô giãy giụa, chống hai tay dậy và vùng chạy. Cô chạy điên cuồng cho đến khi vấp phải một vật cứng, lạnh. Đầu cô vụt tỉnh táo lạ thường. Cô đỡ vật đó lên và nhận ra một tấm bia trắng trong suốt, bên trong có những luồng khói xanh chậm rãi cuốn tròn. Cô nhíu mày nhìn kỹ và thấy dòng chữ lờ mờ khắc trên đó: “Khuất Biên Cu. Bị trâu húc chết ngày mười ba. Thọ bốn tuổi rưỡi”.
Đầu cô lại mụ đi nhanh chóng. Trong cảm giác lờ mờ, cô thoáng thấy một bóng người mặc quần đùi lén lút đi giữa hoàng hôn của những ngôi mộ. Và cô tiếp tục vùng dậy chạy, cô chạy ngược hướng với cái bóng đó. Chạy theo cảm giác.
*
… Bác Lung đổ sụp xuống, bỏ ăn hàng tuần trời. Rồi một đêm bác đùng đùng vác dao vào rừng chặt củi. Không ai cản được bác. Dì Lãm nhìn theo bóng bác đi, miệng chúm chím cười thỏa mãn. Dì lại tiếp tục đốt hương. Mẹ ông không ngủ. Mẹ ôm hai anh em ông vào lòng, mắt chong chong nhìn lên trần nhà. Tiếng chặt củi của bác Lung vọng từ núi Rùng xuống chan chát, cộc cằn dữ tợn. Cả làng í ới gọi nhau ra sân nghe ngóng. Quá nửa đêm không thấy bác Lung về. Người ta đổ xô ra chỗ gốc si và tìm thấy bác nằm sóng sượt, không thấy con dao đâu cả. Đám ma bác Lung diễn ra gọn nhẹ. Dì Lãm và bố ông không đến dự. Từ đấy, hễ đêm trăng sáng, trên đỉnh núi Rùng lại vọng xuống tiếng chặt cây chan chát, đều đặn. Tầm gần sáng tiếng chặt lại biến mất. Mẹ ông định đón hai người con bác Lung về nuôi, nhưng vì đang ở thời sống khó khăn, với lại bố ông không đồng ý, cho nên hai chị đó đã bỏ làng ra thị trấn làm thuê. Khoảng bảy tám năm sau người ta thấy cả hai về nằm chết dưới gốc si. Chính ông và lão Biền đã tổ chức chôn cất họ.
Sau đó là thời kỳ ông cảm thấy những biến đổi dữ dội trong cơ thể cũng như tính tình. Ông hay cáu gắt, bực tức và ít đi chơi hơn. Ông tránh nói chuyện hoặc đi cùng em gái. Ông biết mình là người lớn. Ông đầy ứ một cái gì đó và cũng thiếu hụt cái gì đó. Ông lánh xa mọi người, ngồi bó gối hàng giờ, nghĩ vẩn vơ đến những miền đất xa lạ, heo hút trong tưởng tượng. Ngay cả việc thi hết cấp, ông cũng chểnh mảng. Ông nhìn những cánh rừng mọc trên đỉnh Rùng với nỗi chán chường tuyệt vọng. Màu xanh thẫm ì ào bí hiểm vây lấy ông, chế ngự, ám ảnh ông. Sau đỉnh núi Rùng kia là cái gì? Sau màu xanh trầm mặc kia là cái gì? Những câu hỏi chồng chéo xoay tròn trong ông và giới hạn của trí tưởng tượng bao giờ cũng kết thúc bằng một miền đất ẩm ướt lờ mờ. Một mùa đông lạnh lẽo trong buổi chiều nhập nhoạng cùng những con người xa lạ. Những con người đó không già cũng chẳng trẻ. Họ không cười không nói, cứ lầm lì mệt mỏi thấp thoáng trên cánh đồng vàng tàn tạ. Cũng có khi họ lê bước trên các lối mòn ẩn hiện để rồi mất hút vào một căn nhà nào đó, mà trong ấy đối với ông toàn những cái nhìn lạnh lẽo, cáu bẩn. Không bao giờ ông nghe thấy âm thanh trong mơ. Duy nhất có lần ông mơ hồ nghe tiếng mèo cái gào hoang dã lẫn với tiếng một đứa trẻ khóc nằng nặc. Ông rùng mình khi nghĩ rằng một lúc nào đó ông sẽ bị đem bỏ đến đấy và chết trong nỗi bất lực mòn mỏi, chết mà không có bố mẹ, em gái ở bên cạnh. Ông xua đuổi viễn cảnh ấy bằng cách lao đến chỗ mẹ và em gái. Nhưng ngồi cạnh họ một lúc, tâm trí ổn định dần ông lại thấy chán nản và bỏ đi nơi khác. Khi lên thị trấn học, ông như kẻ mất hồn. Ông ngồi ngóng về làng và nghĩ lan man đủ thứ. Ông sốt ruột chờ ngày nghỉ cuối tuần để rồi khi ngày đó đến, ông lại chần chừ không muốn về. Ông cảm thấy mình cô đơn kinh khủng, chính điều này, phần nào đó đã đẩy ông hướng về Xoan như một sự giải thoát duy nhất. Trong trạng thái lan man đến mụ mẫm đó, đôi lần, ông tưởng như sắp biết được kiếp trước của mình. Có một giấc mơ mà mãi đến hôm nay, ông vẫn đặt phần lớn lòng tin vào đó với tâm trạng nửa buồn, nửa sợ. Trong mơ ông thấy một người đàn bà điên dẫn mình đi qua bao nhiêu đồi núi, đến một gốc cây mục um tùm cỏ tranh, người đàn bà điên chỉ vào đó và nói rin rít:
- Kiếp trước của mày đấy!
Rồi bà ta bỏ đi. Ông quỳ xuống, bới cỏ thấy một bộ xương trắng nhởn, bên cạnh có con dao găm han rỉ. Giấc mơ đẩy ông vào cảm giác nhẹ nhàng, mơ hồ. Ông vẫn tiếp tục buồn. Nỗi buồn của kẻ luôn luôn xa quê. Một kẻ biệt xứ mặc dù đang sống nơi mình sinh ra. Quê ông ở nơi nào đó mà ông không bao giờ hình dung nổi một cách rõ nét. Chỉ biết rằng nhất định nơi đó ẩm thấp mù mịt. Nơi đó hoàng hôn ngự trị bất tận. Hoàng hôn mùa lạnh. Ông không quen ai và không nói chuyện với ai ở vùng quê tưởng tượng đó. Ông cô đơn. Một nỗi cô đơn mang khoái cảm ủ ê, tuyệt vọng. Càng ngày ông càng thấy mình xuất hiện những cảm giác lạ và hay nghĩ đến cái chết. Sau những lần gặp Xoan, nghĩ đến Xoan, cảm giác ấy tăng mạnh. Một giấc ngủ triền miên không đầu không cuối cứ lơ vơ thường trực trong ông. Ngủ là chết tạm thời. Chết lại không phải là hết. Ông căm thù hai quan niệm đó bởi vì ông sợ sự bất tận. Con người, theo ông nghĩ, chỉ cảm thấy hạnh phúc khi biết rằng mọi thứ có giới hạn. Điều đó được ông ôm ấp, duy trì để chống đỡ với quãng thời gian khủng hoảng. Những lúc lê thê chờ giáp mặt nhau trong cánh rừng đẫm máu, ông trụ được là nhờ nghĩ đến giới hạn. Mình sẽ vùng dậy bây giờ! Chúng nó sẽ đến! Đêm sẽ hết. Mình sẽ chết để rời khỏi đây! Ý nghĩ ấy tạo cho ông sức đề kháng cực lớn trước nguy cơ của ý thức và sự sụp đổ. Ông trở nên linh hoạt hơn, tỉnh táo và tốc độ hơn, Cái hạn định bao giờ cũng có tác dụng hủy diệt thời gian. Nhưng khi chết mình sẽ ở đâu? Ông hoang mang thực sự trước câu hỏi ác độc cứ chốc chốc lại loé lên trong đầu. Rốt cuộc bao giờ ông cũng cố nghiêng về bên hạn định. Không có giới hạn, ông sẽ không đủ can đảm để sống tiếp quãng đời còn lại, không dám chờ thằng Tĩnh bên ghềnh đá. “Ngày gặp nó sắp đến”, ông nghĩ thầm như vậy và ông tin rằng những lúc ngồi trước ngôi miếu, dì Lãm hẳn cũng nghĩ như ông. Cứ thử tưởng tượng cảnh dì Lãm ngồi âm thầm với chiếc miếu một trăm năm, một vạn nghìn năm, ngồi triền miên bất tận là ông không thể chịu nổi. Đến lúc dì cũng phải chạm vào cái hạn định cuối cùng. Ấy là cái chết cùng sự sụp đổ của ngôi miếu. Mùa đông, ngồi bên ngọn lửa bập bùng, ông hay nhớ lại câu chuyện mẹ đã kể về ông ngoại mình. Tất nhiên ông tin rằng đa số những chuyện người lớn kể cho trẻ con đều là bịa cả. Bịa một cách trắng trợn mà không hề áy náy. Ông lưu giữ ấn tượng đầu tiên của mình khi nghe câu chuyện đó. Và hình ảnh được tái dựng bởi lời kể cứ lừng lững xô đến, lững thững chuyển động theo trình tự. Mẹ ông kể rằng ông ngoại ông người thấp, nhỏ, lập tức trong đầu óc non nớt của ông xuất hiện một con người nhỏ, đen, chân tay săn chắc, đặc biệt là đôi mắt, theo ông, nhất định đôi mắt ông ngoại phải to, sáng. Mồm ông ngoại lúc nào cũng mỉm cười và những nét vạch hai bên hõm má biểu hiện sự cương nghị khó tả. Ông ngoại có mối tình bi thảm nhất trong các mối tình của người làng. “Người con gái đó rất đẹp con ạ!”, mẹ nói nhỏ. “Đẹp lắm hả mẹ?”. Ông hỏi, mẹ gật đầu. Lập tức ông nghĩ đến cô gái có thân hình thon nhỏ như chị Cải. Cô ta có cặp môi đỏ, quầng mắt sâu, lờ mờ viền xanh nhạt. Cô gái ấy sẽ trắng, trắng lắm. Tóc cô cũng đen và dài nữa. Ông đấm đấm trán, nghĩ ngợi. “Mắt cô ấy có sáng như chị Cải không mẹ?”. “Cô ta bị mù, con ạ!”. Ông bật khóc thổn thức. Chị Cải cũng sẽ bị mù ư? Cô ấy đẹp thế mà lại mù. Có nghĩa rằng cả đời cô ấy chẳng nhìn thấy gì cả. Mù sẽ như thế nào nhỉ? Người ta bảo bị mù thì chỉ có một màu. Màu đen. ÔNg thử bịt mắt mình và thấy vô số màu chạy nhấp nháy. Như thế mù cũng thú vị vô cùng. “Cô ta không yêu ông ngoại, trong khi ông ngoại con yêu cô ta đến mức bỏ ăn bỏ uống. Suốt ngày ông ngoại chỉ nhắc đến tên cô. Ông đăm đăm nhìn sang nhà cô ta hàng năm trời”. Ông nghĩ rằng ông ngoại mình thật là vớ vẩn. Phải tay ông, nếu yêu cô ta ông sẽ chạy sang nói ngay tức khắc. Tội gì phải bỏ ăn bỏ uống. “Một buổi sớm tinh mơ, sớm mùa thu, trời trong vắt, cô gái bỏ làng đi vào trong rừng”. “Vì sao, mẹ?”. Ông đau khổ hỏi. Mẹ vuốt má ông, cười buồn bã. “Vẫn vì mù thôi con, cô ấy không chịu nổi cảnh một chàng trai được cả làng quý mến lại yêu mình, kẻ mù lòa từ bé. Con biết không, hồi đó ông ngoại con được dân làng quý lắm, ông thông minh, dũng cảm và vui tính”. “Sao mẹ biết”. Em gái ông chồm lên hỏi, mặt nó nghi ngờ. Mẹ cười xuề xòa “Mẹ nghe kể sau này. Chính bà ngoại kể. Bởi vì bà ngoại yêu ông ghê lắm nhưng không dám nói. Đến khi ông trở về một mình từ rừng, bà ngoại mới đến đặt tay lên vai ông ngoại. Năm sau thì bác Lung các con ra đời. Rồi đến mẹ và dì Lãm”. “Mẹ kể tiếp đi, sao nữa?” Ông hỏi rưng rưng. Em gái ông bĩu môi. “Cô ta vừa đi vào rừng vừa hát và thả xuống đất những mẩu quần áo đang mặc của mình.
Cô đi qua bao rừng, bao suối. Đi xa lắm. Bài hát của cô buồn thê thảm. Mẹ nhớ láng máng mấy câu thế này:
Ta có người yêu màu đen
Mắt người yêu ta đỏ thẫm
Ngón tay chàng tím như hoa dại
Người yêu ta không màu
Người yêu ta trong veo
Ta có người yêu màu đen
Tiếng hát văng vẳng đến tai ông ngoại, ông bứt rứt khó chịu và quyết định đi tìm cô gái ấy. Ông đi theo dấu cô ta. Đi mãi đi mãi. Ông cứ lần theo dấu chân cô ta. Những mảnh quần áo của cô gái bị rêu phủ xanh rờn. Ông ngoại gạt những lớp rêu đó ra thì thấy bên trong là lửa. Những mẩu quần áo biến thành lửa còn lửa bị rêu phủ kín. Ông ngoại mải mê gạt rêu tìm lửa. Cho đến một buổi chiều, không còn dấu vết của đám rêu nào nữa, ông ngoại các con thấy một đồng cỏ phẳng lì. Giữa đám cỏ ấy có hàng chục cô gái, cô nào cũng giống nhau như đúc. Họ ủ rũ ngồi bó gối nhìn ông ngoại. Điều kỳ lạ là các cô mặc quần áo trắng toát, cả tóc cũng trắng. Ông ngoại chạy đến thì các cô biến mất, rồi lại hiện ra ở đằng trước. Cứ thế, ông ngoại đuổi vồ các cô nhưng không bao giờ chạm được đến họ. Ông ngoại các con đã khóc. Khi giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống đất, lạ thay, ông đã thấy mình đang nằm vật đầu làng. Xung quanh có rất nhiều người. Lúc đó, bà ngoại mới đến”.
- Mọi sự đều phi lý. Thanh niên gầy ngáp vờ vịt.
- Đúng, cái phi lý bao giờ cũng có lý! Người thấp gật gù hưởng ứng: - Tỉ như mùi thối nhất lại thường có nguồn gốc ở mùi thơm nhất.
- Hì! Mày không phi lý. Thanh niên gầy công kích bạn, vẻ cay độc: - Trông mày với mùi mày đến hợp lý.
Nghe bạn nói, người to thấp nghẹo đầu ngửi vai áo mình, sau anh ta cười khùng khục, đắc ý. Gã đánh xe cúi gập người.
- Vắt diệt!
Tiếng roi quất nghe mơ hồ xa thẳm.
*
Mùa đông lướt thướt kéo đến. Những cơn gió xám xịt cuồng nhiệt bứt nốt đám lá còn lại trên các cánh rừng. Bầu trời sà thấp, võng xuống với những đám mây khổng lồ mòng mọng. Dòng Linh Nham bốc hơi trắng xóa suốt ngày đêm. Sương túa ra từ đất, từ kẽ nứt của ba ngọn đồi dày đặc, người đi cách nhau ba bốn bước không thể nhìn thấy. Cái lạnh nghiến ngấu vò xé cơ thể con người và súc vật thành một đống nhầu nhĩ, ủ dột.
*
Buổi trưa Tiến quắt thấy sốt ruột bèn hớt hải lao về. Gã sững người trong tâm trạng ngơ ngác khi thấy căn nhà trống không. Loan đã bỏ đi. Trên bàn có một lá thư viết vội, nét chữ dài lêu nghêu:
“Có người đến đón em đi. Đừng tìm làm gì. Nói chung là cám ơn anh vô cùng. Khi nào cần thiết, em sẽ quay về, con chó cún ngoan ngoãn của em ạ.
Ký tên: Loan”
Dưới mẩu giấy, có mấy dòng tái bút cộc lốc:
“Hình như anh đang có trong bụng em”.
Tiến run run vuốt ve tờ giấy, mắt gã nhoà đi, môi lập bập. Thế là điều lo lắng của gã đã xảy ra, Loan bỏ gã đi. Đời gã tưởng đến thế là hạnh phúc lắm rồi. Tiến đột ngột gầm lên, nhẩy loi choi đập phá lung tung đồ đạc trong nhà. Không thể thế được, gã phải đi tìm Loan về. Vừa bước ra sân Tiến vừa đọc lại lá thư, rồi vo tròn, ném mạnh nó xuống đất, chân di di. Gã lầu bầu:
- Con đĩ, ông mày biết ngay mà.
Tiến cố lục trí óc xem Loan có thể đi đến chỗ nào. Gã quyết định đến tìm Công để hỏi. Bản thân Tiến không ưa gì cánh báo chí, nhưng lúc này chẳng còn ai để nhờ cậy, hy vọng nữa. Xốc lại dây lưng quần, dắt xe ra cổng, Tiến gục gặc đầu cứ thế nhảy lên đạp túi bụi. Trước khi vào nhà Công, gã cúi đầu nghĩ ngợi điều gì, rồi thở hắt ra:
- “Cún con ngoan ngoãn của em”. Xì, cún con, cún con cái con cặc ông đây này. Mẹ cha mày chứ!
Ngay cả Công cũng không biết Loan đi đâu. Đạp xe lang thanh khắp nơi lòng Tiến buồn rười rượi, trống vắng. Đối với gã hạnh phúc chỉ là những khoảnh khắc may rủi, chợt đến chợt đi thì phải. Bản thân Tiến cũng không nhớ rõ mặt mẹ mình. Bà chết khi gã mới ba tuổi rưỡi. Còn với ông bố thì gã chịu, chẳng thể biết ông thế nào, tên gì mà hình dung. Một người đàn bà câm đã nhận gã về nuôi. Sống với bà, cho đến tận bây giờ Tiến vẫn giữ lại những ấn tượng vừa xấu hổ, vừa tủi nhục, vừa kinh hoàng. Người đàn bà câm đó ở một mình, bà ta làm nghề gánh nước thuê để sống. Con mắt bà ta to, đen, lông mày xếch ngược. Người bà ta trắng, béo phốp pháp. Tiến được đi học đến hết cấp hai thì phải ở nhà giúp việc. Dạo đó, gã vẫn nhỏ con như bây giờ, nhưng chân tay săn chắc vô cùng. Người đàn bà nhìn gã bằng con mắt khác hẳn sau lần bà ta bắt gặp gã tắm truồng bên giếng. Rồi một đêm, Tiến đang lơ mơ ngủ thì thấy có bàn tay vuốt ve khắp cơ thể mình. Gã vùng dậy. Người đàn bà nhìn gã bằng con mắt long lanh dưới ánh đèn dầu nhỏ bằng hạt đỗ. Bà ta cởi quần áo ngay trước mặt gã, cởi từ từ, chậm rãi. Mặc dù hơn bốn mươi, nhưng cơ thể người đàn bà đó còn khá hấp dẫn. Tiến đờ người, gã chẳng hiểu ra làm sao cả. Gã mụ mẫm tê dại. Người đàn bà rì rầm bên tai Tiến như con muỗi khổng lồ. Khi Tiến tỉnh dậy, gã thấy mình trần như nhộng, người đàn bà câm vẫn đang ngủ, đôi chân trần phốp pháp choãi ra hớ hênh. Từ đấy, không đêm nào Tiến thoát khỏi người đàn bà câm. Người gã rộc đi, nhưng không dám từ chối. Năm Tiến được hai mươi hai tuổi, người đàn bà câm chết. Trước khi nhắm mắt, bà ta trao cho gã một chiếc túi nhỏ, đựng toàn bộ tư trang và số tiền dành dụm được của mình. Với số vốn đó, gã lao vào ăn chơi bù cho những ngày tuổi trẻ bị giam cầm gò bó bởi người đàn bà câm. Được thời gian ngắn, Tiến lâm vào cảnh túng quẫn. May sao, nhờ một người bạn, gã xin vào làm một chân xé vé chợ để sống qua ngày. Mang tiếng là người ăn chơi trác táng, bao nhiêu con gái qua tay, nhưng thực sự đến Loan, Tiến quắt mới cảm thấy mình có hạnh phúc. Vậy mà cô ta nỡ bỏ gã đi.
- Nếu không có ở quanh đấy, thế nào nó cũng về nhà. Ông cứ mò đến đấy, chắc chắn là gặp.
Đám bạn thấy Tiến lọ mọ, khổ sở suốt ngày, vỗ vai an ủi gã. Tiến gật đầu:
- Ừa nhỉ, tí nữa mình quên mất, ông ạ!
Nói thế nhưng Tiến không đi tìm Loan nữa. Gã biết có tìm được cũng không hy vọng cô ta đồng ý quay trở lại. Là người từng chịu cảnh o ép, Tiến phần nào hiểu tâm trạng của kẻ muốn được tự do. “Bao giờ chán, cô ta sẽ quay lại. Cô ta hứa như thế rồi”. Tiến tìm cách tạm quên Loan trong thời gian ngắn. Gã trở nên ít nói, sống tử tế hẳn, hễ xong việc là về nhà ngay, không giao du với bạn bè nữa. Thi thoảng rỗi rãi, gã lại mò sang nhà mẹ con bà Trình chơi. Gã quí bà ta bởi tính cách hiền lành, không chấp vặt. Chẳng hiểu lão Trình đi làm ăn ở đâu hoặc bồ bịch gì đó mà mấy năm mới vác cái xác khô héo trở về một lần. Tiền của thì chẳng thấy gì, chỉ được cái ăn như thần trùng, mỗi lần lão về, hai mẹ con bà lại phải bấn lên vì chạy ăn. Nhà chỉ trông vào độc cái máy khâu, con gái lại đang học trung cấp bưu điện tỉnh, đâm ra đôi lúc mẹ con bà Trình vẫn phải sang nhờ cậy Tiến quắt. Chủ nhật, cái Hương, con gái bà Trình được nghỉ học, hễ rảnh tay lại chạy sang nhà Tiến chơi. Gã quý con bé, nó hơi tồ một chút, nhưng thông minh, cơ thể phát triển đều đặn, đặc biệt nó thích nghe những chuyện Tiến kể về các bà bán hàng ở chợ. Từ ngày Loan bỏ đi, Tiến lại càng quí Hương hơn, gã dành hết cho nó những tình cảm của mình đang bị đầy ứ. Ngồi nghe Tiến kể chuyện, mắt Hương cứ dán vào cái mồm dẻo quẹo, rất có duyên của gã. Một đôi lần, trong ánh mắt đứa con gái hàng xóm ấy ánh lên chút gì đó khác lạ nhưng lập tức tắt ngay.
- Tại sao chị ấy lại bỏ chú đi?
Hương tò mò hỏi, giọng run rẩy. Tiến buồn bã lắc đầu. Mặt gã co rúm lại:
- Con người là thế, cô bé ạ, đang yên đang lành lại nổi cơn lên, làm một chặp rồi rốt cuộc vẫn trở lại trạng thái ban đầu. Nó sẽ quay trở lại…
- Không…
Hương cắn môi, tay vặn gấu áo. Tiến rót nước đẩy đến trước mặt cô bé, gã không muốn đem chuyện riêng tư của mình ra bàn cãi. Hai người chìm vào im lặng. Bên kia hàng rào, tiếng máy khâu của bà trình kêu rè rè, nhẫn nại. Tự dưng Tiến thở dài, gục đầu xuống bàn. Hương bỏ về nhà. Đêm, khi Tiến mắc màn đi ngủ thì nghe tiếng gõ cửa rụt rè. Hương bước vào, mặt trắng bệch, người run lên vì lạnh. Cô bé nhìn Tiến chăm chăm khiến gã nổi da gà. Gã ngắm cô từ đầu đến chân. Mái tóc cắt ngắn, ốp sát gáy, chiếc áo phin hoa mỏng, mềm mại. Ngực Hương thở dồn dập.
- Lại đây cho đỡ lạnh.
Tiến bước lên, giơ tay ra phía trước. Cả người Hương đổ nhào vào vòng tay gã, rung bần bật như bị sài giật.
Lão Liêm bồn chồn ra mặt, đêm nào cũng lén lút khoác chiếc áo bông to sụ, đi sục sạo quanh quả đồi sau nhà. Cụ Trường phều phào hỏi:
- Thế nào?
Lão chỉ lắc đầu, sẵng giọng:
- Chưa thấy biểu hiện gì!
- Gay đấy!
Cụ Trường ngả đầu xuống gối, kéo chăn lên che tận cằm. Nằm trong chăn, người cụ vẫn run lên ầm ầm, răng đánh vào nhau côm cốp như nhai đá hộc. Nằm một lúc, cụ gọi với sang chỗ thằng cháu đang hì hục gọt chuốt lại cái cán xẻng cho bóng:
- Tao lại buồn… Lấy cho ông cái chậu, cháu!
Giọng ông cụ nịnh nọt. Hải ngẩng phắt lên, hắn quát rầm nhà:
- Đái gì mà đái lắm thế. Đây!
Hắn lẳng cái chậu nhôm thủng gắn nhựa đường dưới đáy đến xoẻng một cái. Cụ Trường rón rén hất vạt chăn sang bên, mặt ngửa lên trời, cố điều chỉnh cho dòng nước khỏi kêu to. Lão Liêm khó chịu đưa tay bịt tai lại. Bên cạnh lão, bà vợ ngủ ngáy như kéo bễ. Tức khí, lão tiện chân đạp cho bà vợ một cái rõ đau rồi vùng dậy vặn to ngọn đèn, đi đi lại lại như một con gấu sa lưới.
- Mấy hôm nữa, mày đem cái máy đi chữa, nghe không, Hải. Nhà với cửa, lúc nào cũng tối như lỗ đẻ thế này mà cũng chịu đựng được.
Hải nói át đi:
- Hàng xóm người ta còn chịu quanh năm được nữa là…
- Câm mõm. Mày là chúa bàn lùi! Thế tao bảo xuống đón con Loan về, đã xuống chưa?
Hải gãi chiếc đầu bù xù, bóng hắn hắt lên tường gẫy làm mấy khúc.
- Thời gian đâu mà đi.
Lão Liêm hộc lên nhẩy xổ đến, giáng cho thằng con một cú đá giữa lưng:
- Tổ cha mày, chỉ giỏi cãi.
- Tao lại buồn.
Cụ Trường lẩm bẩm nói nhỏ. Tiếng nước lại long tong long tong vào chậu. Hai bố con lão Liêm đang gầm gừ nhìn nhau bỗng nghe đánh choé một tiếng, rồi năm sáu hòn đá loại củ đậu liên tiếp lẳng vào nhà. Cụ Trường rụt vội lại, thụt cả người vào trong tấm chăn. Hải lừ đừ đi thẳng ra cửa, lão Liêm níu tay, kéo sang bên, nói nhỏ nhưng rành rẽ:
- Cẩn thận. Vòng ra cửa sau!
Nhanh như con mèo, Hải mở chốt cửa bên cạnh, lần ra cổng. Hắn thoáng thấy một bóng người huỳnh huỵch chạy, liền đuổi theo. Nghe có bước chân đằng sau, bóng người càng tăng tốc độ nhưng vẫn bị Hải túm được.
- Thằng chó cụt!
Hải rít lên, nhe hai hàm răng như răng lợn lòi, tay túm chặt cổ áo Quý giật mạnh. Quý cụt thở hổn hển, ngoái đầu nhìn Hải bằng con mắt căm thù:
- Mày cứ đánh đi. Tao sẽ cho cả lũ lĩ họ hàng nhà mày vỡ đầu mới hả.
- Này thì vỡ…
Hải thúc một cú đầu gối vào xương cụt, gã hàng xóm nấc lên đau đớn. Lão Liêm vác cây gậy tre chạy đến. Chẳng nói chẳng rằng lão bổ luôn một nhát ngang bụng Quý cụt. Gã này thét lên, giãy đành đạch. Hải buông Quý cụt, phủi tay, mặt khinh bỉ nhìn ra bờ sông Linh Nham rồi lẳng lặng bỏ về. Lão Liêm gầm ghè xoay quanh lão hàng xóm với vẻ hung hăng của con sói vờn chú bê con. Lão vừa vạch tội Quý cụt, vừa đệm thêm một hai nhát gậy cho bõ tức:
- Mẹ bố mày chứ, mày tưởng làm vương làm tướng ở đây được hả. Bố con ông thì giần cho mày chừa cái tính cắn trộm đi. Bao nhiêu lần rồi… hừm! Này thì đáp trộm… Con vợ mày nó hư hỏng thì về dạy nó hiểu chưa. Mày mất dái hay sao mà không giữ được vợ.
Động đến nỗi đau. Quý cụt nghiến răng chồm dậy túm lấy đầu gậy của lão Liêm. Lão hoảng hốt cầu cứu con trai hỗ trợ nhưng không thấy nó ở đấy nữa. Quý cụt tống cho lão một quả điếng người vào ngực. Lão Liêm hốt hoảng vùng chạy như bị ma đuổi.
Tối hôm sau, Hải không tập võ cùng lũ bạn. Hắn ngồi riêng ra một góc, mặt lầm lì, tay cựa quậy liên tục. Lúc nữa, hắn đứng dậy ra về. Ông Trình gọi giật lại:
- Cậu về làm gì sớm thế?
Hải đáp cộc cằn:
- Có việc!
Ông Trình nheo mắt, tay bóp vụn hòn đá đang cầm rồi ném rào rào vào bụi cây.
- Không cẩn thận, người đàn bà đó sẽ bị chết vì cậu mất.
Hải chạy vùn vụt, ông Trình lắc lắc cổ tay nhìn theo. Con Ngân sán lại, bạo dạn vuốt cằm ông. Ông Trình bực bội gạt mạnh ra, gắt:
- Đừng có hỗn. Ra tập đi, nghe chưa!
Ngân cụt hứng, tẽn tò trở lại bãi cỏ, nghĩ sao nó ngoái cổ lại nhìn như thách thức ông Trình, rồi bước thẳng, mông ngoáy lia lịa. Trong lúc ông Trình mải nghĩ ngợi đâu đâu, Ngân kéo Bình Mịch vào một bụi cây, ghé tai nói nhỏ:
- Anh muốn làm phó tướng không?
Bình Mịch ngạc nhiên:
- Mày điên à?
- Không, em nói thật. Sau này em sẽ phải cần đến một đạo quân ở đây!
Ngân mơ màng, nói huyên thuyên đủ điều về những dự định của mình, Bình Mịch cố gắng ngồi nghe, mắt sục sạo khắp người Ngân, đoạn nói:
- Được, tao sẽ làm phó tướng cho mày.
Ngân reo lên, mắt sáng quắc:
- Thật chứ, anh Bình?
Bình Mịch hùng hồn, chém chém tay vào không khí:
- Không những thế, tao sẽ đi mộ quân cho mày. Chỉ việc ngồi đấy mà chờ. Tao mộ chắc chắn sẽ không dưới một nghìn đâu.
Ngân đực mặt cảm động phát run lên. Bình Mịch hạ giọng:
- Nhưng mà… tí nữa, mày phải cho tao…
- Cho cái gì?
Bình Mịch gãi đầu, nheo mắt, hất hàm ỡm ờ:
- Cái ấy…
- Là cái gì?
Ngân chưa hiểu, Bình Mịch cáu tiết, nhổ toẹt bãi nước bọt:
- Ngu thế không biết. Cái… hì… cái này này!
Tay Bình Mịch chỉ vào bụng dưới của Ngân, săm soi nhìn quanh. Ngân gật đầu liền, đối với nó việc ấy không có gì quan trọng. Chủ tướng với phó tướng thì chẳng nên tiếc nhau.
- Thế nhé, chốc nữa. Đợi chúng nó về.
Bình Mịch nói như giao hẹn, bỏ ra chỗ đám bạn ngồi. Ngân nhìn theo dáng lồi lõm, khổ sở của Bình Mịch, trong mắt nó chiếc áo bộ đội vá chằng vá đụp của Bình Mịch bỗng biến thành chiếc áo choàng đỏ rực, lấp lánh những sợi kim tuyến vàng óng ánh. Nó nuốt nước bọt đánh ực một cái, bắt đầu nhắm mắt để nghĩ đến cách trang điểm quần áo mai kia mình sẽ mặc, sao cho thật lộng lẫy, nhưng không kém phần oai phong lẫm liệt. Đối với Ngân, chủ soái phải có thân hình đẹp. “Chân mình hơi cong một chút, nhưng chẳng sao, sẽ tập cho nó thẳng dần dần”. Ý nghĩ đó làm cho nó khoái trá, tự cười rú lên.
Tiếng cười của Ngân khiến ông Trình giật bắn người. Cùng lúc ấy, trên trời đột nhiên sáng rực.
- Nó đã đến!
Không kìm nổi hồi hộp ông Trình reo to.
Sao chổi bay chéo bầu trời, soi rõ từng lớp sương đang lờ đờ chuyển động. Trong ánh sáng trắng xanh ấy lấp lóa hình một con thú bằng không khí đang tan ra lẫn vào màn hơi đục mờ của thung lũng đầu đông. Sao chổi kéo chiếc đuôi dài hàng chục mét lao đi vùn vụt rồi tắt ngấm sau cánh rừng làng Phan.
- Đẹp quá, tiên sư khỉ!
Ông Trình nghe tiếng than ngay bên cạnh mình. Ông quay phắt lại nói hổn hển:
- Thôi, nghỉ!
Rồi bóng ông mất hút vào biển sương đêm mênh mông, huyền bí.
Từ thung lũng về, Hải đến thẳng nhà vợ chồng Lanh. Hắn huýt sáo nhẹ, Lanh ra mở cửa, hoảng hốt xua tay đuổi. Hải lách cửa vào.
- Chết thật, sao lại thế này?
Lanh lắp bắp, đánh mắt ra góc nhà. Quý cụt đang ngủ, người co quắp, dớt dãi chảy sều xuống chiếc gối cáu bẩn. Hải lạnh lùng nhìn Quý, hắn dằn Lanh xuống ngay dưới chân giường. Lanh thất thần giãy giụa chống cự, mắt dại hẳn.
- Tôi lạy anh, buông ra, nó mà dậy thì chết…
- Yên nào, con khỉ…
Hải vần Lanh oành oạch, mắt vẫn dè chừng Quý cụt. Nghe động, Quý vùng dậy mắt nhắm mắt mở nhìn xuống nền nhà. Hắn vặn to ngọn đèn, hất màn lao vút qua hai thân người đang hùng hục làm tình.
- Buông ra nào, buông ra, thằng chó chết.
Lanh giẫy đạp lung tung nhưng không thoát khỏi sức nặng cơ thể Hải. Quý cụt nhẩy xổ vào. Hải chỉ chờ có thế, thốc chân trái lên bụng hắn, Quý văng ra một đoạn. Trong cơn điên cuồng, không biết trời đất là gì, Quý quờ tay vớ được cái xiên chuột hùng hổ giơ lên đâm mạnh xuống lưng Hải. Hải lẹ làng buông Lanh, lăn sang bên. Một tiếng rú kinh hoàng nổi lên. Hải không nhìn Lanh, mắt hắn rực lửa, nói giễu cợt:
- Xong nợ rồi nhé. Thằng cụt.
Hắn lững thững ra, để lại sau lưng Quý cụt đang ôm ghì lấy vợ, rống lên như con bò bị chọc tiết. Đến giữa sân nhà vợ chồng Quý, Hải thấy ánh sáng chói lòa chụp lấy mình.
- Sao chổi!
Hắn thốt lên rồi chuồn thẳng. Tiếng chân người rầm rập từ các ngóc ngách chạy đến.
Chạm chân vào cổng, Hải gập bố và ông mình đứng dựa vào nhau, mặt hóng mãi lên trời. Bên cạnh, mẹ hắn đang khuấy nồi cháo to đùng, bốc hơi nghi ngút.
Cụ Trường giương đôi mắt hấp háy, hai nắm tay vo lại thành cục gân guốc. Mặt lão Liêm tím tái rét, ánh lửa bập bùng từ chiếc bếp hắt ra, trông lão càng dị dạng.
- Tao bảo, đã tắt chửa?
- Rồi!
Lão Liêm miễn cưỡng trả lời. Cụ Trường lại nổi cơn ho sù sụ, người lẩy bẩy như chực ngã. Bà Liêm nói vọng ra:
- Thôi đưa ông cụ vào nhà đi. Rét mướt thế này đứng mãi làm gì cho khổ. Sao với chả sít. Nó tắt từ lâu rồi. Cứ như trẻ con không bằng.