Bất kỳ ai cũng mong muốn có được tình yêu đích thực. Takenaka cũng thế, chàng thanh niên này suy nghĩ về điều đó ròng rã suốt quãng đời cực nhọc đã qua. Bây giờ chàng chỉ mơ ước cưới cho được nàng Aikiko, con gái một thương gia giàu có trong vùng. Tuy nhiên, sinh ra vào thời đại của các hiệp sĩ và lãnh chúa với những điều luật và quy luật, Takenaka khó mà cưỡng lại số phận của mình. Hơn ai hết, chàng biết rõ mình đang làm công cho một lãnh chúa. Vào một đêm tuyết phủ đầy trời, vận may đã đến với Takenaka. Lãnh chúa của chàng vì một lý do nào đó, buộc lòng phải giải tán đám hầu cận của ngài. Để bù đắp những năm tháng làm công như một kẻ hầu cận trung thành, Takenaka được nhận một khoản tiền như anh mong đợi. Thật ra, Takenaka còn có một niềm vui còn to lớn hơn thế: Chàng tự do! Takenaka tới ra mắt người cha của cô gái, xin hỏi cưới nàng. Gia đình ông thương gia giàu có sống trong một lâu đài nguy nga với hàng tá gia nô và chỉ có một cô con gái độc nhất, dĩ nhiên ông ta muốn cho con gái mình phải được hạnh phúc, và hạnh phúc đó phải được bảo đảm. -Thế nào, anh muốn cưới con gái tôi à? -Thưa vâng, - chàng thanh niên vồn vã đáp. -Tôi biết anh chỉ có một mình và đã thôi làm công cho một lãnh chúa. Thế thì làm sao anh sắp xếp được kế hoạch để bảo bọc Aikiko? -Cháu có một số tiền. Takenaka nói chậm rãi và thành khẩn. Chàng hy vọng đó là một món tiền đủ lớn để cưới Aikiko. Takenaka tiếp: -Khi cưới nhau xong, cháu sẽ tìm một việc làm. Ông thương gia chận ngang: -Công việc gì? Takenaka nghẹn lời. Đó là một câu hỏi mà chàng không lường trước được. Tôi không cần gả con gái cho một kẻ giàu. Nhưng anh phải chứng tỏ cho tôi thấy rằng anh có khả năng cung ứng cho Aikiko một đời sống đầy đủ, và hạnh phúc. Nói rồi, ông chỉ vào đống vàng phía sau cái tủ sắt: “Có ba trăm năm chục ryos trong đống này. Nếu anh kiếm được số vàng ấy cũng vào giờ này năm tới, anh sẽ cưới được Aikiko”. Takenaka khấp khởi mừng thầm, chàng quả quyết rằng mình sẽ kiếm được số tiền ấy và hùng dũng bước ra ngoài. Tinh thần lạc quan của Takenaka tan biến nhanh chóng, bởi hiếm khi có công việc cho một người chỉ giỏi múa kiếm. Càng kiếm việc làm Takenaka càng thấy khó kiếm thêm 350 ryos nữa trước kỳ hạn. Cuối cùng, trong nỗi tuyệt vọng sâu thẳm, Takenaka theo lời khuyên bảo của bạn bè, chàng đến tìm ông Elder đang quản lý một cơ sở thương mại rất thịnh đạt và có tiếng xử đẹp với những kiếm sĩ nhà nghề. Elder thường trả công hậu hỉ mỗi khi tiến hành trừ diệt kẻ thù của khách hàng lão vì lý do chính trị hay tư thù. Lão Elder không bao giờ giao tiếp thẳng với gia nhân, những người này chỉ nhận việc và tiền công qua một người trung gian, họ buộc phải tuân thủ một quy luật đơn giản là “giết không cần hỏi”. Takenaka là một kiếm sĩ nhà nghề. Một kiếm sĩ chân chính. Điều này khiến chàng phải suy tính, dằn vặt nhiều giờ liền. Sau một ngày, Takenaka nhận làm việc cho lão Elder, nhưng chàng tự hứa sẽ ngay lập tức từ giã công việc này khi kiếm xong 350 ryos. Khi cưới được Aikiko, chàng sẽ bắt đầu một cơ sở buôn bán hợp pháp và không bao giờ đụng đến thanh kiếm nữa. Làm việc một mình và rất giỏi, giờ đây Takenaka đã có được 300 ryos. Chàng thanh niên đang ngồi xếp bằng, điềm tĩnh chờ đợi sứ giả đem tin mới tới. Takenaka sẽ được trả 50 ryos cho công việc đêm nay, và đây sẽ là công việc cuối cùng mà chàng phải thực hiện. Trước mắt Takenaka, một chân trời mới như sắp bắt đầu rộng mở, chàng khẽ mỉm cười. Trên gương mặt lạnh lùng của một kiếm sĩ, niềm vui như chất chứa, ẩn giấu, và lóe sáng tia hy vọng trong mắt Takenaka. Cửa bật mở, luồng gió lạnh buốt xô vào đánh thức cơn mê tưởng của Takenaka. Trước mặt chàng là một người đàn ông với dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn. Nhìn thấy Takenaka, người đàn ông khẽ gật đầu. Nhanh như cắt, Takenaka nhặt kiếm lên và biến ra ngoài. Người đàn ông nhỏ thó dẫn Takenaka ra đi và thì thầm: “Mục tiêu sắp băng qua cầu. Chiếc xe hòm đi đầu đấy”. Takenaka đẩy thanh trường kiếm qua đai bụng rồi bước thẳng tới chiếc xe hòm đang tiến gần về phía chàng, qua màn mưa tuyết. Mỗi xe chở bốn phu khuân vác, với ba vệ sĩ dẫn đầu, hai trong ba người này võ trang bằng thanh kiếm và người còn lại cầm thương dài. Kiếm sĩ Takenaka bước ra giữa đường chận hai chiếc xe lại; người cầm thương tới gần, quát: “Tôi là Kurosumi, thuộc võ phái Takada – Yari – Jitsu. Hãy để cho chúng tôi qua”. Làm như không nghe thấy, Takenaka lẳng lặng rút kiếm ra, chuẩn bị giết mà không cần hỏi. Kurosumi cũng rút trường thương ra và xông tới cùng tiếng thét “Kiai”. Takenaka quá biết rõ chiến thuật chống loại khí giới dài nên vội vàng thu ngắn khoảng cách giữa hai người. Chàng bước sang một bên để tránh mũi thương thứ nhất của Kurosumi rồi xáp vào lòng né mũi thứ hai. Kurosumi cầm chặt cán thương bằng tay phải và vung đầu thương lên, vừa lúc Takenaka cũng đưa lưỡi kiếm lên đỡ chéo ở phía trên. Kurosumi dùng cánh tay phải đẩy mạnh xuống và hai hiệp sĩ vừa chống đỡ nhau như thế được một lúc. Nhìn thấy cơ hội của mình, hai vệ sĩ còn lại tiến vào dứt điểm chàng hiệp sĩ đơn độc kia, bất thình lình Takenaka nghiêng lưỡi kiếm của mình, mũi thương sướt qua vai phải của chàng rồi rơi xuống đất. Nhanh như chớp, Takenaka xoay tròn lại, khi Kurosumi lỡ bộ ngã chúi qua khỏi người chàng. Takenaka áp dụng ngay đòn hy sinh bằng một nhát kiếm vung hết cánh tay. Hai vệ sĩ còn lại xông vào, mỗi người kèm một bên Takenaka bằng một lối tấn công liều lĩnh. Kiếm sĩ Takenaka bước qua một bên chúng, lòn ra phía sau lưng một tên bằng ngõ bên trái rồi bổ một nhát, hắn ngã nhào xuống. Tên còn lại vội vàng tháo chạy. Takenaka thong thả tiến tới hai chiếc xe hòm mà giờ đây các phu khuân vác đã bỏ chạy tứ tán. Chàng đưa mũi kiếm chọc thủng chiếc xe thứ nhất. Một tiếng kêu đau đớn vọng ra từ bên trong. Takenaka thu kiếm lại, sẵn chân đá chiếc xe lật ngửa. Một ông già lăn ra đường, lưỡi kiếm của Takenaka tiện đường cắt ngang cổ kẻ xấu số cùng với tiếng kêu than từ trong họng. Takenaka không thèm ngoảnh nhìn các nạn nhân sau khi họ đã chết. Chàng tra kiếm vào vỏ, sắp sửa bỏ đi thì bỗng giựt mình bởi tiếng gào thét của một thiếu nữ: “Cha ơi! Cha ơi!” Chàng thanh niên quay người lại và chết lặng. Aikiko - vị hôn thê của chàng - bổ nhào tới xác kẻ xấu số, nàng chết sửng khi thấy Takenaka cũng đang đứng ở đấy. Hai người nhìn nhau, Takenaka thì thào: “Anh không biết. Anh không biết. Anh không bao giờ hỏi, anh…”. Aikiko đành câm lặng trong nỗi ngờ vực và quở trách, Takenaka quay lại nhìn chăm chú một lúc rồi xoay người bước lảo đảo giữa đêm đen tuyết lạnh. “Anh không bao giờ hỏi”. Chàng vừa chạy vừa lẩm bẩm: “Anh không bao giờ hỏi…”. Suốt thời gian sau đó, kiếm sĩ Takenaka không hề đụng đến thanh kiếm, chàng trân trọng nó, đồng thời chàng cũng xa lánh nó, khiếp sợ nó. Takenaka sống vật vờ, thiên đường của chàng đã đóng sập cửa rồi chăng? Takenaka tự hỏi chàng theo đuổi cái gì, chàng tự dằn vặt mình, tự nhấm nháp nỗi cô đơn một mình. Trong sự đau khổ tột cùng, Takenaka rời bỏ mảnh đất đau thương ấy. Chàng thanh niên đi mãi, đi mãi… Năm tháng trôi qua, và Takenaka giờ đây không còn trẻ nữa. Người đàn ông này đã từ lâu không còn là một kiếm sĩ nhà nghề với vẻ mặt lạnh lùng, trên tay nắm chặt thanh kiếm. Một người đàn ông có cuộc sống đầy đủ, nhưng không bao giờ hạnh phúc. Điều này thúc giục Takenaka tìm kiếm hạnh phúc của ông ở khắp nơi, thậm chí là trên những ngọn núi cao hùng vĩ. Một ngày, khi Takenaka leo lên triền dốc đứng của một ngọn núi, ông bị hụt hơi bởi tuổi tác làm ông yếu dần. Những giọt mồ hôi lấp lánh lăn dài trên mặt, nhưng ông vẫn kiên quyết leo lên. Bước thêm vài bước, Takenaka nhìn thấy một bông hoa trắng trên gờ đá. Tim người đàn ông đập lên rộn rã và mắt ông chợt ánh lên một niềm vui sướng. Bước chân Takenaka đã phiêu bạt nhiều nơi, và từ lâu rồi ông không thể cưỡng lại tình yêu thứ hai của mình với loài hoa này. Takenaka luôn cảm thấy ấm áp khi ngắm nhìn loài hoa sống được trên vùng núi khắc khổ, có thể vì nó trông có vẻ rạn rỡ, nhưng cô độc cũng như Takanake. Mỗi lần nhìn thấy loài hoa này, tâm tư Takenaka dâng trào những cảm xúc khó tả. Niềm vui, hay nỗi buồn? Takenaka không còn đoán biết được. Ông chỉ quan tâm đến những luống hoa, nhìn ngắm nó, vuốt ve nó, và tự hỏi vì sao nó có thể tồn tại. Ở nước Đức thời Trung cổ, cỏ nhung tuyết được gọi là hoa hiệp sĩ. Bởi loài cây này rất khó tìm, nó chỉ mọc tít trên những ngọn núi cao. Người nào quyết định đi tìm cỏ nhung tuyết phải có sự kiên nhẫn của một hiệp sĩ. Chỉ khi đó người ấy mới hy vọng được thành công. Và Takenaka là người thừa sự kiên nhẫn. Người đàn ông này đã có cả một quãng đời kiên nhẫn, lặng căm không thành tiếng. Là cư dân khắc khổ của vùng núi, hoa hiệp sĩ phát triển khả năng thích nghi tuyệt hảo với cái lạnh, nó tự phủ cho mình chiếc áo khoác dày bằng những sợi lông bé nhỏ. Thậm chí những cánh tràng của hoa cũng có lông. Lớp áo khoác màu bạc giữ cho cây được ấm và tạo cho nó có vẻ đẹp đặc biệt. Khi hoa hiệp sĩ nở hoa trên dãy Alps, người ta leo núi với ý định tìm kiếm hoa hiệp sĩ và mang nó về để làm vật kỷ niệm. … Khi cảm xúc lắng dịu, Takenaka ngồi xuống, thận trọng đào cây lên để không làm tổn hại rễ, sau đó ông cẩn thận dùng rêu bọc cây lại, lên đường trở về. Takenaka bước những bước gấp gáp và vội vàng, và lần thứ hai trong đời, ông quyết tâm giữ lấy tình yêu của mình. Trên lối mòn nhấp nhô đá, Takenaka chỉ thỉnh thoảng dừng lại nghỉ đôi chút. Chẳng bao lâu, thị trấn của Takenaka hiện ra trong tầm mắt. Người đàn ông này, sau chừng ấy năm phiêu bạt khắp nơi, giờ đã có một ước vọng sống và trồng những cây hoa hiệp sĩ trong vườn nhà mình. Vào đến thị trấn, Takenaka vội vàng mở bọc ra, ông tậu một khu vườn nhỏ ngay ngày hôm đó và đào vội một cái lỗ trong đất để trồng cây hoa quý giá vào đấy. Takenaka chăm chút tỉ mỉ cho hoa hiệp sĩ đáng yêu của mình. Ông xới đất chung quanh và tưới nước lấy từ suối. Hoa hiệp sĩ bám rễ, nhưng nó không làm cho Takenaka hài lòng. Vẻ đẹp của hoa hiệp sĩ hoàn toàn biến mất! Từ một cây có hoa xinh xắn, trắng muốt và có lông tơ, nó trở thành một cây cỏ có màu xanh tầm thường. Dường như nó trả thù người đàn ông đã chia lìa nó với nơi chốn yêu dấu trên núi. Takenaka thẩn thờ, ông lẩm bẩm “Tại sao?.. Tại sao?”. Người đàn ông ngồi thật lâu trong bóng tối, ông bắt đầu suy nghĩ về tất cả, về cuộc đời mình. Sau nhiều giờ liền, Takenaka thở dài tư lự…. ký ức về một kiếm sĩ nhà nghề, một hiệp sĩ chân chính quay về trước mắt ông. Bây giờ thì Takenaka đã hiểu, ông hấp tấp thu dọn hành trang lên đường, ông muốn mang trả cây hoa hiệp sĩ cho núi cao hùng vĩ. Nếu không có tình yêu của Takenaka, hoa hiệp sĩ sẽ tiếp tục có thể là hoa hiệp sĩ. Người đàn ông đứng nhìn hoa hiệp sĩ, ông khẽ mỉm cười. Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời, Takenaka đã giữ được tình yêu của mình. Gió bấc nổi lên từng đợt, Takenaka vẫn không hề di chuyển. Ông quỳ xuống, hai tay nâng niu những cánh hoa. Takenaka đã chết. "... khi đọc những câu chuyện về samurai, trước hết là câu chuyện về Takenaka, tôi đã mong muốn viết lại truyện này theo một cách khác. hư cấu thêm lên? cũng có thể. nhưng chủ ý của tôi là mong muốn mang đến cho Takenaka một kết thúc khác. tôi từng để Takenaka sống, nhưng đến cuối cùng, tôi lại để anh chết bên cánh hoa hiệp sĩ. một cái chết của sự giải thoát và thanh thản, vượt lên trên tất cả của sự đau thương trói buột. cách kết thúc truyện là theo lối sử thi anh hùng. tuy nhiên, ở nhiều trường đoạn, tôi đã cố giữ đúng nguyên tác, rất hi vọng có thể tái hiện một kiếm sĩ Takenaka oai hùng..." Lục Diệp.