Nguyễn dắt xe ra khỏi cổng cơ quan với cảm giác anh sắp bước vào một cuộc đối đầu gay go. Đối phương biết mặt anh, còn anh thì ngược lại. Cú điện thoại đến bất ngờ vào buổi sáng làm anh sửng sốt. “Em đang ở Sài Gòn”.
“Trời đất! My đấy hả? Em gọi từ đâu vậy?”.
“Ở bưu điện thành phố, em sẽ chờ anh trong Vương cung thánh đường, anh đến ngay chứ?”. “Ừ, ngay bây giờ!”. “Nhưng anh... làm thế nào để nhận ra em?”.”Hãy tìm đi, anh thông minh lắm mà” (có tiếng cười khúc khích của cô gái trong điện thoại). “Thôi em cúp”. Nguyễn buông ống nghe đứng bần thần, anh thở dài. Cô bé ba gai quá, nàng lại tiếp tục trò thách đố anh như lâu nay. Thôi được, hãy cứ đợi đấy. Tôi sẽ tìm ra cô, chưa ngán tôi sao? Nguyễn lầm bầm. Anh phóng xe về phía Sài Gòn, đồng hồ tay chỉ mười giờ năm phút.
Tháng ba, hoa cườm thảo đâu đó nở vàng ở một vài góc phố. Đã bắt đầu mùa hạ rồi thì phải.
Tôi có đọc được một vài bài thơ của anh trên báo thấy cũng tạm được. Bữa nay rảnh rỗi, chọn anh để viết vài dòng nhưng anh đừng tưởng bở cho rằng tôi đang làm quen với anh đâu đấy. Nếu anh nghĩ thế, sẽ chẳng có lá thứ hai cu/a tôi đâu, tôi chẳng bao giờ cần làm quen với ai cả ông thi sĩ ạ. Có muốn trả lời hay không thì tùy anh. Tôi xong nhiệm vụ của buổi sáng rảnh rỗi rồi.
My.
Lá thư vỏn vẹn có bấy nhiêu, nó gửi thẳng tới địa chỉ cơ quan nơi anh làm việc. Bì thư tự dán lấy, cũng ghi thật gọn địa chỉ người gửi và cái tên My cộc lốc. Nguyễn nghĩ thầm, chà! khẩu khí ngông nghênh dữ, nét chữ không mềm mại như cái tên chút nào, cô gái này bướng bỉnh lắm đây. Nhưng dù sao nó cũng khơi dậy chút thích thú tò mò ở anh. Trong những thư từ anh thường nhận đây là lá thư đặc biệt hơn cả. Được lắm, ta có thể bắt đầu cô bé ạ! Chưa biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào đâu. Buổi tối, trước khi đi ngủ Nguyễn ngồi vào bàn. Thư anh cũng vỏn vẹn vài dòng.
Rất tiếc tôi không thể nghĩ khác cô My ạ, tôi là người nhận chứ không phải người gởi do đó cũng chẳng cần gì lá thư thứ hai của cô nên cứ phải nói rằng - cô đang muốn làm quen với tôi đấy!
Chúc cô khoẻ và đừng có chọn tôi để làm quen kiểu đó cô bạn thân mến ạ.
Nguyễn.
Nguyễn cười thầm khi anh tưởng tượng đến gương mặt của cô gái lúc đọc thư anh.
Nguyễn chọn một góc tối nơi cuối nhà thờ để có thể kín đáo quan sát. Buổi sáng ngày thường, nhà thờ không đông như chủ nhật. Rải rác cả hai dãy ghế chỉ độ mươi người., tất cả đề quỳ gối im lìm như tượng, không khí trong giáo đường luôn làm Nguyễn dễ chịu. Sự tĩnh lặng, mùi hoa huệ thoang thoảng, nắng làm sáng lên lộng lẫy những ô cửa kính màu. Anh nhận ra trong số mươi người ấy chỉ có 5 cô gái. Ba quỳ hàng ghế trước, gần bàn thánh, hai ở dãy ghế sau. My chắc là một trong những mái tóc xoã ngang lưng ấy. Đột nhiên, Nguyễn cảm thấy mất tự tin, anh hồi hộp lạ lùng. Cuộc thách đố không dễ dàng chút nào, chỉ cần anh lầm người đủ để cho My ở đâu đó cười thầm. Lạy Chúa! Xin hãy cho con mượn chút thông minh của Salomon trong khoảnh khắc quyết liệt này. Thêm 1 phút quan sát, Nguyễn hít 1 hơi thật sâu rồi nhẹ nhàng đi về phía bàn thánh, bàn tay anh chạm nhẹ vào vai người thiếu nữ quỳ phía ngoài cùng nơi có thể nhìn ra đường. Vẫn im lặng. Nguyễn quay lưng đi ra, anh thực hiện mọi việc nhanh và thản nhiên tới nỗi hai cô gái còn lại không hề hay biết.
Và Nguyễn thở một hơi nhẹ nhõm. Phía sau anh, người con gái cũng nhẹ nhàng bước theo sau cái khoát tay làm dấu thánh giá vội vã. Đúng My rồi!
Anh khá lắm, tôi chỉ sợ mình gửi lầm người, giờ thì đúng là anh rồi đấy. Tuy vậy tôi cũng đã bỏ ý định nói anh gửi cho tôi một vài bài thơ đọc cho đỡ buồn, tôi e anh sẽ sướng phổng mũi nên không cần nữa.
My
TB. À! Tôi phá lệ gửi cho anh cái thư thứ hai đó.
Sẽ còn phá lệ dài dài đấy cô gái. Nguyễn đọc thư và nói một mình. Anh chép một bài thơ ngắn, gấp lại bỏ vào bì thư với một vài dòng châm chọc.
Cô có quyền mở hoặc không miếng giấy nhỏ trong thư này. Đấy là thơ tôi, tôi không tặng cô để cô đọc đỡ buồn nhưng tôi muốn cô phải tự tay mở nó ra và tôi biết cô sẽ phải làm như thế. Vẫn chúc cô mạnh khoẻ.
Nguyễn
TB. Nếu cô mở bài thơ niêm thì đừng có nói dối là " không thèm". Đấy mới chính là cô, cô My ạ.
Vẫn còn tháng ba, Anh vẫn gặp hoa cườm thảo trên phố dọc đường đến bưu điện.
Nguyễn đưa My vào quán cafe nhỏ ven đường. Buổi sáng quán thưa khách. Giàn hoa leo màu tím thả từng chùm đong đưa. Nguyễn thích thứ hoa này nhưng anh không biết tên của nó. My đây rồi, nàng đang ngồi trước mặt anh, không giống chút nào với cô gái có những lá thư ngông nghênh, ngược lại My bối rối ngượng ngùng, cô cứ khuấy mãi ly nước cam. Mái tóc dài xoã về 1 bên vai nhỏ nhắn, chiếc gáy trắng ngần thấp thoáng sợi dây chuyền mỏng đeo hình thập giá nhỏ xíu. Giọng My hơi run rẩy, nhỏ nhẻ: " Sao anh nhận ra được em?". " Em đã nói anh thông minh mà". Một thoáng hồng ửng nhanh trên má My. " Nhà thờ đâu chỉ mình em, anh hên thì có". Nguyễn cười im lặng. Tôi không hên đâu cô bé ạ, chỉ tại em đấy thôi, chẳng có ai trong nhà thờ cứ vài giây lại ngẩng đầu ngó ra đường như em cả. Em khôn ngoan chọn nơi có thể quan sát được bên ngoài khi tôi đến, còn tôi, tôi chọn nơi ngược lại - từ phía sau, có thế thôi.
Đấy là lần đầu tiên anh biết mặt My. Nàng không khác lắm so với dự đoán của anh. Bướng bỉnh ngông nghênh kiểu My, tám mươi phần trăm phải là một cô gái không xấu. My đẹp.
Anh láu cá lắm, cuối cùng tôi cũng phải mở mảnh giấy ra xem anh viết quái quỷ gì trong đó. Tôi đã tôn trọng luật chơi rồi đấy nhé. Nhưng tôi cũng cho anh hay My không phải là tên thật của tôi đâu. Tôi bịa ra đấy. Tên thật tôi đẹp hơn nhiều. Nếu anh chịu yêu cầu, tôi sẽ cho biết, còn không thì cứ nói chuyện với cô My nào đó cũng được. Kể ra anh nên cám ơn tôi, trước giờ tôi chưa viết cho ai nhiều như thế này cả, tôi thường chỉ nhận được của người khác thôi. Sài Gòn của anh có mưa chưa?
My.
Anh nhận thư My từ bác bảo vệ già của cơ quan. Hơn tháng qua, thư My đến thường, khiến ông lão cũng phải chú ý đến cái tên con gái cộc lốc ghi ngoài bì thư. Mà Nguyễn cũng chợt phát giác hình như chính anh cũng đã bắt đầu có triệu chứng chờ thư của cô gái kì cục này. Sự bướng bỉnh, kiêu ngạo của My thu hút anh vào cuộc trò chuyện, đúng hơn là cuộc đấu trí tự lúc nào. Lâu nay Nguyễn cũng buồn vì cuộc sống đều đặn của mình. Đi làm xong là về nhà, anh vốn không quen đám đông, ít tụ tập bạn bè và không thích nói chuyện văn chương dù vẫn làm thơ đăng báo. Anh chỉ xem đấy là công việc bình thường tuy có chút yêu thích. Bây giờ Nguyễn thấy mình có 1 cuộc chơi là lạ, mơ hồ đâu đó trong tiềm thức, đôi khi Nguyễn cũng nghe thấy lời nhắc nhở vang lên. Lửa đấy! Coi chừng phỏng tay. Anh phỏng? Anh hay cô gái chưa biết mặt? Nhưng đồng thời trong anh cũng có sự thôi thúc nào đó - tiếp tục đi. Được lắm, tên giả ư? Cô sẽ là nạn nhân của chính mình đấy, cô My giả hiệu ạ.
Anh ra bưu điện gửi đi lá thư bảo đảm. Hoa cườm thảo tháng tư rực vàng những ngã đường thành phố.
Anh biết không, em đã phát khóc vì trò chơi của anh đấy. Tự dưng gửi thư bảo đảm làm suốt cả tuần ngày nào em cũng ra bưu điện năn nỉ. Thấy thư anh mà không ai cho nhận. Em đến mãi cho tới ngày thứ Bảy, cô nhân viên bưu điện mủi lòng cho em ký nhận với lời răn đe “lần sau nhớ ghi tên thật nghe cô bé, thư bảo đảm phải giao đúng người. Tại sao không ghi tên thật ở chứng minh nhân dân?”
Em mừng muốn khóc, cám ơn rối rít mà cũng chẳng biết phải trả lời thế nào nữa. Anh ranh mãnh lắm mà cũng dễ ghét nhất hạng. Thư mở ra chỉ mỗi một câu châm chọc “My à! Cô có muốn thư bảo đảm nữa không?”. Thôi, thôi em đầu hàng. Anh thấy tên thật của em ghi ngoài bì thư chứ, hơi giống con trai há. Hình như em muốn ốm rồi, tối qua tự dưng không ngủ được. Em lẻn ra hiên nhà ngồi... khóc. Còn anh, chắc khi ấy ngủ ngon lành phải không? Anh ác lắm!
My.
Nguyễn rùng mình, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. My đã xưng “em” tự nhiên như chưa hề xưng hô khác với anh bao giờ. Cái cách nói ương bướng cũng biến mất. Nàng trở về nguyên vẹn một cô bé tội nghiệp, hiền lành. Nguyễn nhắm mắt, duỗi người trên ghế dựa và tưởng tượng hình ảnh My khép nép rụt rè đứng mãi trước quầy phát thư bưu điện suốt cả tuần lễ. Anh tưởng tượng hình ảnh khỏang sân tối ngập lá rụng. My ngồi co ro khóc thầm, đôi mắt to ướt sũng. Mà thật trớ trêu, ngay cả sự tưởng tượng của anh cũng quá khó khăn, Nguyễn chưa hề biết mặt My, cái gương mặt ấy dường như anh chắp vá lại của những ai đó, những cô bé xinh xắn anh gặp thóang qua trên phố Sài Gòn. Trời ạ! Nguyễn cảm thấy ngực mình đau nhói, sự thôi thúc lớn nhất trong anh lúc này là mong muốn bay vọt mấy trăm cây số tìm đến nhà My để ôm lấy đôi vai bé bỏng của nàng mà dỗ dành. Nguyễn bỗng thấy trong khỏanh khắc lòng mình có cái gì đó như đê vỡ, ào ạt, đầu hàng. Cái trò chơi anh đang nhập cuộc, tự lúc nào đã không còn là trò chơi nữa rồi.
Lần đầu tiên Nguyễn viết vào lá thư gửi đi vẫn cái tên My quen thuộc, dù anh đã biết tên thật của nàng- cái tên thật xa lạ, anh không cần nó. Nguyễn thấy rõ nét chữ mình run rẩy. My yêu dấu!
Đọan viết thêm của người kể.
Thế là họ yêu nhau, tất nhiên như thế. Nhưng cuốn nhật ký bỏ quên lại khi dọn khỏi nhà tôi đi nơi khác cho biết đấy là lần gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng bởi My vẫn không phải là nhân vật thật của câu chuyện. Cô gái ấy chỉ là người nhóm lửa, thổi bùng nó và bị phỏng không phải nơi bàn tay mà chỗ trái tim! My đã giúp cho người bạn gái thân thiết của mình, con người tật nguyền, nhút nhát đến với người mà cô mến mộ, cái tình cảm thông thường của một người đọc thơ với chàng thi sĩ. Tôi ngỡ rằng cô gái ấy là người lãng mạn cuối cùng trong cuộc sống không còn chỗ cho những lãng mạn nữa. Nhưng My mới thật sự là người lãng mạn cuối cùng. Cô nghĩ ra mọi thứ để viết giùm cho bạn. Cô thử thách và đùa cợt chàng trai xa lạ mà cô chưa hề có ý muốn quen. Nhưng cô đã bị phỏng. Anh chàng ở trọ nhà tôi đã thổi vào tâm hồn cô một ngọn gió lạ khi anh nhập cuộc với trò chơi nhiều thách đố của My- những lá thư bướng bỉnh.
Bây giờ Nguyễn ở đâu, tôi không biết, cả cô gái tên My nữa. Chỉ biết rằng cô đã chia tay anh sau lần gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng ấy. My đau đớn nhưng can đảm chấp nhận chấm dứt vĩnh viễn trò chơi của mình, cái trò chơi không còn là trò chơi nữa với cả 2 người. My không thể không nói sự thật mà nếu không có nó, cô đã là người hạnh phúc.
Nguyễn vẫn còn đến Vương cung thánh đường, anh vẫn đến vào những buổi sáng vắng người, lặng lẽ tìm trên những hàng ghế mái tóc xõa trên bờ vai nhỏ nhắn của người con gái mà anh đã yêu. Cho đến khi biết rằng, My không bao giờ đến nữa, cô đã thật sự ở rất xa, nơi có khu vườn nhỏ và một người con gái thường lẻn ra sân nhà lúc nửa khuya ngồi khóc. Nguyễn không đến đó nữa bởi vì chính anh cũng hiểu rằng My đang vượt qua con dốc đau khổ của mình, cô không thể làm khác.
Bây giờ, Sài Gòn cũng đang chớm mùa hạ. Tháng Ba, những cơn mưa lẻ bất chợt, những cơn nắng chói chang và đâu đó trên góc phố lác đác nở vàng những vòm hoa cườm thảo, thứ hoa mùa hè nở cùng mùa phượng vĩ khi những cánh cổng trường bắt đầu khép lại.
Nguyễn ạ! My ạ! Trên phố hoa cườm thảo vẫn còn. Mỗi mùa lại trở về đúng hẹn.
Hết.
 

Xem Tiếp: ----