Buổi chiều đó nàng nói với chàng: “Xưa nay anh vẫn có thói quen nói chuyện một mình đúng không?”. Từ bên kia bàn, nàng nhướng mắt và hỏi chàng như thể đó là một ý nghĩ vừa chợt đến, nhưng rõ ràng nó không phải là một ý nghĩ bất chợt. Chắc nàng nghĩ mãi điều này từ khá lâu rồi. Thường thì vào những lúc như thế này, giọng nàng hơi khàn khàn và đanh lại. Nàng đã kiềm chế và uốn lưỡi nhiều lần trước khi nói ra như thế.
Hai người ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn trong nhà bếp. Ngoài tiếng xe lửa dành cho người đi làm bằng vé tháng đôi khi chạy ngang qua đường ray gần đó, xung quanh đều yên tĩnh - hầu như lúc nào nơi đây cũng quá yên tĩnh. Những đường ray chạy ngang qua đây có một sự im lặng huyền bí riêng mình. Những miếng lót sàn bằng nhựa vinyl cho bàn chân trần một cảm giác lành lạnh dễ chịu. Chàng cởi tất ra nhét vào túi quần. Đó là một buổi chiều tháng tư khá ấm áp. Nàng xắn ống tay áo lên tận khủyu. Chiếc áo sơmi màu xám nhạt kẻ carô. Những ngón tay trắng trẻo thanh tú của nàng đùa chơi với chiếc thìa cà phê cầm trên tay. Chàng nhìn chăm chú vào đầu ngón tay nàng đang cử động, và tâm trí chàng chợt tê liệt trống trải lạ lùng. Dường như nàng nắm trong tay cả thế giới, và nàng bây giờ đang tháo bỏ dần những sợi tơ - một cách máy móc và thờ ơ - như thể nàng phải làm điều đó cho dù lâu đến đâu đi chăng nữa.
Chàng chỉ ngó xem và chẳng nói gì. Chàng không nói bởi chàng không biết nói gì. Chút cà phê còn lại trong ly bây giờ đã nguội ngắt và cô lại. 
Chàng mới hai mươi còn nàng hơn chàng tới bảy tuổi, đã lập gia đình và là mẹ của một đứa con. Đối với chàng, nàng như thể ở bề mặt trái của mặt trăng xa xôi.
Chồng nàng làm việc ở một hãng du lịch chuyên về mảng du lịch nước ngoài. Vì thế mà anh ta mỗi tháng đều vắng nhà khoảng hai tuần để đến những nơi như London, Rome hay Singapore chẳng hạn. Chồng nàng rõ ràng rất thích opera. Có đến ba bốn quyển album nhạc dày cộp xếp trên kệ. Chúng được sắp theo tên của người sáng tác: Verdi, Puccini, Donizetti, Richard Strauss. Mấy quyển album xếp thành dãy trông không có vẻ là một bộ sưu tập dĩa hát mà như một biểu tượng của cảnh quan thế giới vậy: im lìm, bất động. Chàng thường nhìn những dĩa hát của chồng nàng mỗi khi không biết nói gì hoặc không có gì để làm. Chàng đưa mắt nhìn gáy những quyển album từ trái qua phải rồi từ phải qua trái và đọc to trong đầu những tựa bài: “La Bohème”, “Tosca”, “Turandot”, “Norma”, “Fidelio”… Chàng chưa lần nào nghe thứ nhạc như thế, chưa từng có cơ hội nghe nhạc đó. Không ai trong gia đình chàng, bạn bè và người quen biết chàng là người hâm mộ nhạc opera. Chàng biết rằng có một loại nhạc là opera, biết có những người nào đó thích nghe loại nhạc này, nhưng bộ sưu tập dĩa hát opera của chồng nàng lần đầu tiên cho chàng một ý niệm thực sự về cái thế giới ấy.
Bản thân nàng cũng không thích loại nhạc này lắm. “Em chẳng ghét bỏ gì chúng đâu”, nàng nói. “Chỉ có điều chúng dài quá thôi”.
Kế bên kệ dĩa hát đó là một dàn âm thanh nổi hoành tráng. Cái vòi amli to lớn nhập khẩu cong xuống nặng nề chờ lệnh, như một loài giáp xác được huấn luyện thuần thục. So với những đồ vật khiêm tốn khác trong phòng thì chiếc ống amli này nổi bật hẳn lên. Nó có một hình dong quả thật khác thường. Người ta không thể không dán mắt vào nó. Nhưng chàng chưa một lần nào nghe thanh âm của dàn máy này. Nàng chẳng biết cái công tắc máy nằm ở đâu. Còn chàng thì chưa từng nghĩ đến chuyện sờ vào nó.
“Gia đình em chẳng có chuyện gì đâu”. Nàng mấy lần nói với chàng như vậy rồi. “Chồng em tốt với em lắm. Em yêu con gái của em. Em nghĩ mình rất hạnh phúc”. Nàng nói rất bình tĩnh, thậm chí có phần thanh thản. Chẳng có dấu hiệu gì cho thấy nàng đang loay hoay bào chữa cho cuộc đời mình. Nàng nói về cuộc hôn nhân của nàng với vẻ hoàn toàn khách quan, như thể đang bàn về luật giao thông hay đường chí tuyến quốc tế vậy. “Em nghĩ là mình hạnh phúc. Chẳng có vấn đề gì đâu”.
Vậy tại thế quái nào mà nàng ngủ với mình nhỉ? Chàng tự hỏi. Chàng nghĩ mãi mà không tìm được câu trả lời. Vậy cái gì mới gọi là “có vấn đề” trong một cuộc hôn nhân đây? Đôi khi chàng đã nghĩ mình nên hỏi thẳng nàng điều đó, nhưng chàng không biết bắt đầu ra sao? Chàng sẽ nói như thế nào đây? “Nếu em hạnh phúc vậy tại thế quái nào mà em ngủ với anh?”. Liệu chàng có thể hỏi nàng như thế được không? Chàng chắc rằng điều đó sẽ làm nàng khóc nức nở. 
Nàng đã khóc đủ rồi. Nàng thường khóc lâu, lâu lắm, thổn thức. Chàng hầu như chẳng bao giờ biết tại sao nàng lại khóc. Nhưng khi đã bắt đầu khóc, nàng chẳng thể nào dừng lại được. Dù chàng có ra sức an ủi nàng đến thế nào đi nữa, thì sau khi một khoảng thời gian nhất định trôi qua nàng mới thôi khóc. Thực ra thì chàng chẳng phải làm bất cứ việc gì cả - sau khi trôi qua đúng ngần ấy thời gian, nàng sẽ ngừng khóc thôi. Tại sao người ta lại khác nhau đến thế nhỉ? Chàng tự hỏi. Chàng đã chung chạ với rất nhiều đàn bà. Tất cả bọn họ đều khóc lóc hay giận dữ, nhưng mỗi người một kiểu. Họ có nhiều điểm chung đấy, nhưng cũng có quá nhiều khác biệt. Dường như không phải là vấn đề tuổi tác. Dù đây là lần đầu tiên chàng quan hệ với một phụ nữ lớn tuổi hơn mình nhưng sự khác biệt về tuổi tác không làm phiền chàng nhiều như chàng tưởng. Chàng cảm thấy rằng những khuynh hướng khác biệt của mỗi người có ý nghĩa hơn sự khác biệt về tuổi tác rất nhiều. Chàng không thể không nghĩ rằng đó là một chiếc chìa khoá quan trọng để giải mã những bí ẩn của đời người.
Thường thì sau khi khóc xong, chàng và nàng sẽ làm tình. Thường thì nàng là người chủ động. Còn không thì chàng phải chủ động thôi. Đôi khi nàng cũng từ chối, nhưng nàng chỉ lặng thinh lắc đầu. Rồi thì mắt nàng như mặt trăng trắng nhợt nhạt lơ lửng trên bầu trời lúc rạng đông. Mặt trăng phẳng lặng và khêu gợi mờ nhạt đi khi một con chim kêu lẻ loi lúc bình minh. Mỗi lúc chàng nhìn vào đôi mắt nàng như thế, chàng chẳng thể nói gì với nàng nữa. Chàng không cảm thấy giận dữ và phiền muộn gì. “Sự việc đúng như thế đấy”, chàng nghĩ thầm. Đôi khi chàng thậm chí còn cảm thấy thanh thản nữa. Họ sẽ ngồi nơi chiếc bàn nhà bếp, uống cà phê và lặng lẽ nói chuyện. Hầu hết thời gian họ chỉ nói với nhau rời rạc. Họ chẳng phải là người hay chuyện, và họ cũng có ít điểm chung để nói chuyện với nhau. Chàng chẳng thể nào nhớ được họ đã nói với nhau những gì, có nhớ chăng chỉ là những chi tiết vụn vặt mà thôi. Và trong suốt thời gian đó, chuyến xe điện chở người đi làm xa1 đôi khi lại vụt qua cửa sổ. 
Cái cách họ làm tình thật chóng vánh và lặng lẽ. Đúng ra cuộc làm tình của họ chẳng có vẻ gì có thể gọi là sự hòa hợp thể xác. Dĩ nhiên, thật sai lầm nếu cho rằng họ chẳng biết gì đến cái lạc thú khi người nam và người nữ hòa nhập thể xác vào nhau, nhưng trộn lẫn với cái lạc thú đó là quá nhiều những ý nghĩ, yếu tố và những kiểu cách khác. Nó khác hẳn với những quan hệ xác thịt mà chàng đã trải qua. Nó làm chàng nghĩ đến một căn phòng nhỏ ngăn nắp gọn gàng đầy tiện nghi. Trên trần nhà của căn phòng đó có treo những sợi dây đủ màu sắc, đủ hình dạng, dài ngắn khác nhau và mỗi sợi như thế, theo một cách riêng, đều đem lại niềm sướng khoái cho chàng. Chàng muốn kéo một sợi dây đó và tất cả những sợi dây khác cũng muốn được chàng kéo. Nhưng chàng không biết mình nên kéo sợi dây nào đây. Chàng cảm thấy mình có thể chọn một sợi dây và một quang cảnh tráng lệ mở ra trước mắt chàng, nhưng cũng rất có thể mọi thứ sẽ dễ dàng sụp đổ. Vì thế mà chàng do dự, và trong khi chàng do dự thì một ngày khác đã trôi qua. 
Sự lạ lùng của tình huống này hầu như quá nhiều đối với chàng. Chàng tin rằng mình đã sống bằng ý thức giá trị của riêng mình. Nhưng một khi ở trong căn phòng này, khi nghe tiếng xe điện chạy ngang qua và ôm ấp một người phụ nữ yên lặng lớn tuổi hơn mình trong vòng tay, chàng không khỏi không cảm thấy lúng túng. Chàng đã tự hỏi mình không biết bao nhiêu lần: “Liệu mình có yêu nàng ta không?”. Nhưng chàng chẳng bao giờ tìm ra được câu trả lời nào hoàn toàn thuyết phục. 
Khi hai người âu yếm nhau xong, bao giờ nàng cũng liếc nhìn đồng hồ. Nằm trong cánh tay chàng, nàng khẽ ngước mắt lên phía đầu giường nhìn vào chiếc máy thu thanh màu đen có gắn đồng hồ. Vào thời đó, những chiếc máy thu thanh gắn đồng hồ không có số dạ quang mà là những gạch số kêu những tiếng tích tắc nhẹ nhàng. Khi nàng nhìn đồng hồ, một chuyến xe điện sẽ chạy ngang qua cửa sổ. Điều đó giống như một phản xạ có điều kiện vậy. Nàng sẽ nhìn và xe điện sẽ chạy ngang qua. 
Nàng phải nhìn đồng hồ để chắc chắn rằng không phải giờ mà đứa con gái bốn tuổi của nàng từ trường mẫu giáo trở về. Chính xác thì chàng đã một lần thoáng thấy bóng dáng con bé đó. Và dường như nó là một đứa trẻ đáng yêu. Đó là ấn tượng duy nhất mà chàng bắt gặp. Chàng chưa lần nào thấy mặt người chồng nàng, kẻ yêu nhạc opera và đang làm trong một hãng du lịch. Thật may mắn thay.
Đó là một buổi chiều tháng năm khi nàng lần đầu tiên hỏi chàng về thói quen nói chuyện với chính mình. Hôm đó, nàng lại khóc. Và rồi sau đó họ lại làm tình. Chàng không thể nhớ điều gì đã làm nàng khóc. Đôi khi chàng tự hỏi mình liệu nàng cần mình có phải để có người cho nàng gục khóc trong vòng tay. Có lẽ nàng không thể khóc một mình được và vì thế nên nàng cần mình chăng?
Hôm đó, nàng khóa cửa, buông rèm và mang điện thoại để cạnh giường ngủ. Và họ lại quấn lấy nhau. Yên lặng và dịu dàng. Luôn luôn như thế. Chuông cửa reo vang nhưng nàng tảng lờ đi. Dường như tiếng chuông chẳng làm nàng giật mình tí nào. Nàng lúc lắc đầu như thể nói: “Đừng bận tâm. Chẳng sao cả đâu”. Chuông còn reo vài lần nữa cho đến lúc người gọi phải bỏ cuộc và rời đi. Đúng như nàng đã nói, “chẳng có gì đâu”. Có lẽ đó là một người bán hàng. Nhưng làm sao nàng biết được? Thỉnh thoảng một chuyến xe điện ầm ầm vút qua. Tiếng piano từ xa xôi vọng lại. Chàng mơ hồ nhận ra giai điệu đó. Chàng đã nghe chúng một lần, lâu lắm rồi, từ khi chàng còn học nhạc, nhưng chàng không thể nhớ chính xác. Chiếc xe bán rau lóc cóc chạy qua trước cửa nhà. Nàng nhắm mắt lại, hít thở sâu, và chàng đạt đến đỉnh điểm một cách cực kỳ êm ái.
Chàng bước vào nhà tắm. Khi trở ra, chàng dùng khăn tắm lau khô người, và thấy nàng nằm úp mặt trên giường nhắm mắt lại. Chàng ngồi kế bên nàng, vuốt ve lưng nàng và đưa mắt lướt qua những tựa bài của các đĩa opera.
Chẳng bao lâu sau, nàng rời khỏi giường, mặc đồ tươm tất và đi xuống bếp pha cà phê. Sau đó một lát, nàng hỏi chàng: “Thói quen xưa nay của anh là hay nói chuyện một mình như thế, đúng không?”
“Như thế nào cơ?”. Nàng làm chàng bất ngờ. “Ý em nói là trong khi chúng ta…?”
“Không, không. Không phải lúc đó. Lúc nào cũng thế. Chẳng hạn như lúc anh đang tắm, hay khi em đang ở trong bếp và anh một mình đọc báo hay đại loại như vậy”.
“Anh chẳng biết,” chàng vừa nói vừa lắc đầu. “Anh chẳng bao giờ để ý. Anh nói chuyện một mình à?”
“Anh đã nói một mình. Thật đấy”. Nàng vừa nói vừa nghịch cái bật lửa.
“Không phải là anh không tin em,” chàng nói. Cảm giác không thoải mái tác động đến giọng nói của chàng. Ngậm điếu thuốc trên môi, chàng lấy chiếc bật lửa trên tay nàng rồi châm lửa. Chàng mới bắt đầu hút thuốc “Thất tinh” gần đây thôi. Đó là loại thuốc của chồng nàng. Thường thì chàng hút loại “Hy vọng”. Chẳng phải nàng yêu cầu chàng chuyển sang hút loại “Thất tinh”; đó là do chàng nghĩ là mình cần phải lo xa vậy thôi. Chàng quyết định thế để cho chắc cú. Điều đó làm cho mọi chuyện thoải mái hơn. Cũng giống như trong mấy vở kịch mêlô trên tivi vậy.
“Em cũng từng hay nói chuyện một mình đấy,” nàng nói. “Đó là khi em còn nhỏ cơ.”
“Ồ, thật thế à?”
“Nhưng mẹ em bắt em phải thôi. Mẹ em từng nói: “Con gái nhà lành thì không nói chuyện một mình”. Và mỗi khi em nói chuyện một mình thì mẹ em giận điên lên. Mẹ nhốt em vào trong nhà kho. Đó là nơi tệ nhất mà em có thể hình dung ra được. Một nơi tối tăm và luôn có mùi ẩm mốc. Đôi khi mẹ em còn dùng thước đánh vào đầu gối em. Nhưng tật xấu đó vẫn tiếp tục. Và nó cũng chẳng kéo dài bao lâu. Cuối cùng thì em cũng đã bỏ được tật xấu này hoàn toàn đấy. Không còn nói một lời nào.” 
Chàng chẳng thể nghĩ ra được điều gì để nói về chuyện này, nên chàng chỉ im lặng. Và nàng cắn môi.
“Thậm chí cả bây giờ, nếu em cảm thấy mình chuẩn bị nói gì đó thì em chỉ nín thinh mà thôi,” nàng nói. “Điều này giống như một phản xạ vậy. Nhưng tự nói với mình thì có gì là xấu? Chuyện đó tự nhiên mà. Chỉ là miệng mình phát ra những từ ngữ thôi. Nếu mẹ em còn sống, em nghĩ mình sẽ hỏi bà: “Tự nói với mình thì có gì là xấu?”.
“Mẹ em mất rồi à?”
“Đúng vậy. Nhưng em muốn chuyện rõ ràng. Em muốn hỏi bà: “Tại sao mẹ làm như thế với con?”.
Nàng nghịch cái thìa cà phê. Nàng liếc nhìn cái đồng hồ treo trên tường. Và ngay khi nàng làm thế, một chiếc tàu điện chạy ngang qua.
Nàng đợi cho chuyến tàu băng qua rồi nói: “Đôi khi em nghĩ trái tim con người ta giống như những cái giếng sâu. Không ai biết có gì ở dưới đáy. Và tất cả những gì người ta có thể làm là tưởng tượng những điều lâu lâu nổi lên bề mặt nước.”
Trong một lúc, hai người nghĩ về những cái giếng.
“Thế anh đã nói gì khi nói chuyện một mình?”, chàng hỏi. “Em cho ví dụ thử xem”.
“Hừm”, nàng nói. Và nàng chậm rãi lắc đầu vài cái như thể kiểm tra cẩn thận khả năng hoạt động của cổ mình vậy. “À, anh nói về những chiếc phi cơ…”
“Sao, những chiếc phi cơ à?”
“Ừ, anh biết đấy. Chúng bay trên trời ấy mà.”
Chàng cười. “Tại sao anh lại chỉ nói về mấy cái phi cơ nhỉ…”
Nàng cũng cười. Rồi nàng dùng hai ngón tay trỏ để đo chiều dài của một vật thể tượng tượng nào đó trong không trung. Đó là một trong những thói quen của nàng mà chàng đã phát hiện được. 
“Anh phát âm rất rõ từng từ mà. Anh có chắc là anh chẳng nhớ gì về những điều anh đã tự nói với mình không?”
“Anh chẳng nhớ gì cả.”
Nàng nhặt cây bút bi nằm trên bàn, nghịch cây bút mợt lát, rồi lại nhìn đồng hồ. Đồng hồ đang chạy. Trong năm phút từ lần ngó cuối cùng của nàng, đồng hồ đã chạy thêm năm phút. 
“Anh độc thoại với mình như thể anh đang ngâm thơ vậy”.
Khi nói điều này, chợt nàng hơi đỏ mặt. Chàng thấy điều này lạ lùng. Tại sao thói quen tự nói chuyện của chàng lại làm nàng đỏ mặt chứ?
Chàng cố gắng ngâm nga: “Tôi độc thoại / hầu như là / Tôi đang ngâm / thơ”.
Nàng lại nhặt cây bút bi lên. Đó là cây bút bi nhựa màu vàng có cái logo kỷ niệm mười năm thành lập của một chi nhánh ngân hàng nào đó. 
Chàng chỉ cây bút mà nói: “Lần sau mà em nghe anh nói cái gì một mình thì ghi ra cho anh nhé?”.
Nàng nhìn thẳng vào mắt chàng. “Anh thực sự muốn biết à?”
Chàng gật đầu.
Nàng lấy một mảnh giấy và bắt đầu viết cái gì đó. Nàng viết chậm nhưng cây bút luôn di động, không một lần nghỉ hay dừng lại. Tay chống cằm, chàng luôn nhìn chăm chú vào hàng lông mi nàng. Chốc chốc nàng lại chớp chớp mắt. Các lần chớp mắt không đều nhau. Càng ngắm cặp lông mi của nàng, cặp lông mi mà mới đây thôi còn ướt đầm nước mắt, chàng lại càng không hiểu. Việc mình ngủ với nàng thực sự có nghĩa gì nhỉ? Cảm giác mất mát xâm chiếm chàng, như thể một phần của một hệ thống phức tạp đã bị căng ra, căng ra mãi cho đến khi nó trở nên giản đơn một cách đáng sợ. Có lẽ mình chẳng bao giờ có thể đi đến nơi nào khác nữa. Khi ý nghĩ này nảy ra với chàng, nỗi khủng khiếp hầu như quá sức chịu đựng của chàng. Sự hiện hữu của chàng, bản ngã của chính chàng sắp sửa tan biến. Phải, điều này mới là thực: Chàng còn trẻ như một đám bùn tươi và tự độc thoại với mình như là đang ngâm thơ.
Nàng ngừng viết và đẩy tờ giấy về phía chàng. Chàng chìa tay ra và nhận lấy.
Trong nhà bếp, dư ảnh một cái gì đó lớn lao vẫn còn nguyên hơi thở. Chàng thường cảm thấy sự hiện hữu của hình ảnh đó mỗi khi chàng ở bên nàng, như dư ảnh của một cái gì chàng đã đánh mất. Nhưng chàng đã đánh mất cái gì?
“Em thuộc lòng hết”, nàng nói. “Đây là những gì anh độc thoại đấy.”
Chàng đọc lớn:
Chiếc phi cơ
Chiếc phi cơ bay
Tôi ngồi trên đó
Phi cơ bay nhanh
Nhưng dù như thế
Phi cơ đâu phải
Là bầu trời xanh?
“Chỉ có thế thôi ư?”. Chàng sửng sốt.
“À há. Tất cả đấy”, nàng nói.
“Thật không thể tin được. Anh không thể tin là mình lại nói thế rồi chẳng nhớ gì cả.”
Nàng thoáng mỉm cười. “Thế nhưng anh đã nói đúng như vậy đấy.”
Chàng thở dài. “Thật là quá kỳ lạ. Anh chưa một lần nào nghĩ đến những chiếc phi cơ. Anh tuyệt đối chẳng nhớ gì về chúng cả. Vậy thì tại sao bỗng nhiên những chiếc phi cơ lại vọt ra thế nhỉ?”
“Em cũng có biết đâu. Nhưng đúng là anh đã nói thế trong lúc tắm. Có lẽ anh không nghĩ gì đến những chiếc phi cơ, nhưng trong một cánh rừng sâu thẳm xa xôi nào đó, con tim anh lại đang nghĩ về chúng.”
“Ai mà biết được? Có lẽ anh đang làm một chiếc phi cơ trong một cánh rừng sâu thẳm nào đó.”
Nàng đặt bút lên bàn rồi nhướn mắt nhìn chàng chăm chú.
Họ im lặng một lúc. Cà phê trong cốc đã sánh lại và nguội đi. Trái đất vẫn quay quanh trục và trọng lực mặt trăng vẫn gây ảnh hưởng âm thầm đến thủy triều. Thời gian lặng lẽ trôi đi và những chuyến tàu điện lao vút trên đường ray.
Chàng và nàng cùng đang nghĩ về chiếc phi cơ. Chiếc phi cơ mà con tim chàng đang làm trong một cánh rừng sâu thẳm. Nó lớn như thế nào, hình dạng nó ra sao, màu sắc của nó thế nào, nó sẽ bay đi đâu và ai ngồi trên đó.
Chỉ một lát sau, nàng lại khóc. Đây là lần đầu tiên nàng khóc hai lần trong một ngày. Và đó cũng là lần cuối. Đó là một điều đặc biệt đối với nàng. Chàng với tay qua chiếc bàn và chạm vào tóc nàng. Có điều gì đó có thực vô cùng khi chàng cảm nhận về mái tóc: cứng, thẳng mượt và quá xa xăm.
----------------------
Chú thích của dịch giả:
1 Vì ở Nhật Bản giá đất đai rất đắt nên những công nhân viên phải mua nhà cách chỗ làm một hai giờ tàu điện. Vào những giờ cao điểm, xe điện đông kín người và phải có nhân viên nhà ga đẩy người vào xe điện rồi đóng cửa lại. Người Nhật mỉa mai gọi cảnh tượng đó là “xe điện địa ngục”( Jigoku no densha).

Xem Tiếp: ----