Chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng khởi hành lúc hai giờ chiều. Tôi giở báo An ninh thế giới ra đọc. Bà già ngồi bên cạnh than thở: "Bây giờ ngày nào cũng toàn tin giết người, cướp của, hiếp dâm". Người đàn ông trung niên ngồi đối diện tôi phản đối: "Ngày xưa cũng thế thôi. Ba mươi năm trước có một vụ đứa con gái giết cha. Tôi chưa thấy vụ nào dã man như vụ ấy". Cô gái trẻ ngồi cạnh ông ta không nói gì. Tôi tò mò: "Sao cô ta lại giết cha?". "Vì tiền. Ông ta mang tiền đi mua trâu. Ngủ ở nhà đứa con gái một đêm rồi mất tích. Cô ta cắt cổ cha rồi chôn vào bụi chuối sau nhà". "Vậy làm sao người ta phát hiện ra?" "Mấy tháng sau, con trai ông cụ ra nhà chị gái chơi. Thấy ông cậu ruột cắt tiết gà không chết, thằng bé con hồn nhiên nói: "Cậu dốt quá. Mẹ cháu hôm trước cắt tiết ông một phát chết ngay". Đứa con gái bị tử hình vì tội giết người cướp của". "Còn thằng bé con thì sao?" "Nó sống với ông cậu ruột. Ông ta là người thân duy nhất của nó. Ông ta vừa thương yêu lại vừa căm ghét nó". "Chỉ vì mẹ nó giết ông ngoại?" "Đúng thế. Thằng bé chẳng bao giờ hạnh phúc. Nó mang trên mình hình phạt dành cho bà mẹ". "Ông cậu có bao giờ hành hạ thằng bé không?" "Không. Ông ta thậm chí chẳng bao giờ mắng nó. Nhưng nó vẫn cảm nhận được sự căm ghét qua ánh mắt ông ta. Tất nhiên, ông ta cũng chẳng hạnh phúc. Ông ta lâm vào thế khó xử. Kẻ giết người dù sao cũng là chị gái ông ta. Nếu thằng bé không vô tình nói ra sự thật thì chỉ có một mình mẹ nó chịu sự trừng phạt. Bà ta sẽ mang theo bí mật xuống dưới mồ và những người còn lại sẽ không phải chịu bất hạnh. Ông cụ cũng già rồi. Nếu có sống cũng chỉ thêm được chục năm nữa là cùng". Người đàn ông xuống ga Cẩm Giàng. Chỉ còn bà cụ, tôi và cô gái. Tàu vừa chuyển bánh, bà cụ thì thầm vào tai tôi: "Ông ta chính là đứa bé đó". Tôi giật mình: "Sao cụ biết?". "Trước kia, ta làm giáo viên, cháu ạ. Cũng có một học sinh như thế". "Chính là ông ta?" "Không. Một người khác. Bố anh ta là một tên cướp bị kết án tử hình. Anh ta lớn lên mang theo cái mặc cảm của kẻ phạm tội. Một người già như ta luôn nhìn thấy cái mặc cảm ấy. Ông vừa ngồi ở đây cũng thế. Ta nhìn thấy ở ông ta cái mặc cảm tội lỗi. Những con người như vậy luôn cảm thấy ăn năn dù họ chẳng biết mình phạm lỗi gì". "Vậy làm sao cụ nhìn thấy, ý cháu là tại sao những người như cháu lại không nhìn thấy cái mặc cảm ấy?" "Vì cháu còn quá trẻ. Ta đã chứng kiến hàng ngàn khuôn mặt học sinh như vậy. Tất cả đều có một điểm chung. Nói chung rất khó diễn đạt. Nó thuộc về kinh nghiệm. Chẳng ai có thể truyền đạt được kinh nghiệm". "Bố mẹ những người đó đều là tội phạm?" "Không. Không hoàn toàn như thế. Chỉ một số ít thôi. Còn phần lớn ta nghĩ là do bẩm sinh. Có rất nhiều kẻ sinh ra đã mang theo một nỗi buồn lớn. Nó giống hệt như cái mặc cảm kia vậy. Họ chẳng bao giờ hạnh phúc. Ta đã chứng kiến rất nhiều. Nỗi buồn luôn đè nặng trên vai họ. Dù họ có cố gắng xoay sở thế nào đi chăng nữa họ cũng chẳng thể hạnh phúc được. Cuộc đời họ cứ thế loay hoay luẩn quẩn với ý nghĩ làm thế nào thoát khỏi thực tại khốn khó". "Vậy tại sao cụ không nghĩ rằng ông vừa ngồi đây mang nỗi buồn bẩm sinh?" "Ta không biết. Chỉ là linh cảm thôi. Linh cảm trong những trường hợp này luôn đúng cháu ạ." Đến ga Hải Dương bà cụ xuống tàu. Chỉ còn lại tôi và cô gái. Lúc này tôi mới để ý rằng cô hoàn toàn không tham gia vào câu chuyện của chúng tôi. Đột nhiên tôi buột miệng hỏi: "Chị có nghĩ rằng bà cụ nói đúng không?". Cô ta tròn xoe mắt nhìn tôi: "Vậy ra nãy giờ anh vẫn tin vào câu chuyện nhảm nhí của hai người điên ấy à? Tuần nào tôi chả gặp họ trên tàu!". Nagoya, 12.2004