Ngây ngất nằm trong vòng tay người yêu hưởng thụ những giây phút tràn đầy hoan lạc, mà lòng Hồng Hạnh vẫn vương vấn chút xíu bất an. Nàng cảm giác như vừa linh cảm có gì điều gì bất tường, có mối hiểm nguy đang đe dọa hạnh phúc của mình. Nàng bỗng sợ hãi ôm chầm người yêu khóc nức nở, rồi thỏ thẻ: 
-  Ba mà biết chắc ổng giết em chết anh ơi!
Tân âu yếm vuốt tóc người yêu vỗ về:
- Tầm bậy nà! Chỉ còn có sáu tháng nữa thì mình sẽ chánh thức kết hôn, trước sau thì cũng vậy thôi, nếu rủi ro ổng biết tụi mình lỡ dại “cầm lòng hổng đậu” chắc ổng cũng thông cảm với tụi mình mà!
- Mờ sao anh không xin làm việc ở Mỹ Tho? Ði làm chi ở Saigon, xa xôi quá chừng chừng hà!
- Hề! Hề! Mình mới đậu bằng thành chung, nạp đơn xin việc, được ở đâu thì làm ở chỗ đó, chớ đâu có quyền chê khen chọn lựa gì được. Aäy! Ðược làm thông phán sở Kho Bạc Saigon như anh, bạn bè thèm thuồng lắm đó!
- Saigon to lớn, đẹp đẽ, giàu sang lắm lắm phải không anh?
- Dĩ nhiên rồi! Người ta ví Saigon là hòn ngọc Viễn Ðông kia mà! Ðể bữa nào anh xin phép ba má đưa em đi Saigon một chuyến, để xem dinh thự lầu đài cao ngất, xem đường xá mênh mông, ngựa xe dập dìu... Ừ! Cái Kho Bạc nơi anh làm việc vĩ đại không tưởng tượng được.
- Anh Tân à! Bấy lâu, sống kề cận nhau, giờ nghĩ đến lúc xa nhau em xốn xang quá anh Tân ạ! Anh nhớ về thăm em hằng tuần nghen anh! 
- Dĩ nhiên là anh về hằng tuần. Bộ em tưởng anh không nhớ em sao? Anh trông đợi từng giờ từng phút để họp mặt kia mà! Thôi ráng chờ sáu tháng nữa, đám cưới xong mình sẽ công khai chung sống bên nhau, anh đâu em đó thì mới thỏa tình của chúng mình!
- Sáu tháng dài dằng dặc anh Tân à! Rủi có chuyện gì thì sao? Ơ! Người ta nói con gái Saigon đẹp lắm phải không anh?
- Ấy! Ðẹp là nhờ tô son trét phấn, chớ đẹp sao bằng gái Mỹ Tho duyên dáng mặn mà.
- Mờ! sao em sợ con gái Saigon bắt cóc anh quá! Em mà mất anh, chắc em chỉ có nước cắn răng tự tử, chớ sống mà không có anh làm sao em chịu đựng cho nỗi!
- Em xinh đẹp duyên dáng, gia đình giàu sang nề nếp, cả khối người ngắm nghía, anh phước đức lắm mới chiếm được em. Anh sơ sẩy thì mất em như chơi? Vậy về phần em thì có gì đáng sợ đâu? Phần anh mới đáng lo đây nè! Thật tình mà nói, mỗi khi nghĩ đến chuyện đưa em về Saigon chung sống, là anh phập phòng ăn ngủ không yên chỉ vì sợ mất em. Em biết không? Biết bao nhiêu người vợ trẻ vì không phân biệt được cái đẹp, cái sang giàu giả dối bên ngoài mà người ta ví von là ánh đèn màu nên đã bị cái bề ngoài hào nháng của Saigon quyến rủ đến nỗi đãø phản bội chồng, khiến cho người chồng uất ức tự kết liễu đời mình. Vì vậy nên mới có câu ca dao như thế nầy:
Ðèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ
Em xem không rõ, em tơ tưởng đèn màu
Rút gươm đâm họng máu trào
Ðể em ở lại, kiếm được thằng nào hơn anh!(1)
- Anh yên tâm đi! Em thề yêu anh suốt đời mà!
Thế rồi, hằng tuần Hồng Hạnh háo hức chờ đến trưa thứ bảy, thấp thỏm đứng dưới bóng cây da râm mát tại sân ga xe lửa, trông  ngóng đón Tân. Thấy chàng, Hồng Hạnh muốn rú lên, nhảy phóc tới ôm chặt thì mới hả, nhưng nàng là gái con nhà gia giáo đứng đón chồng tương lai như vầy là quá bạo rồi, nàng đâu có thể biểu lộ tình cảm dạt dào lộ liễu ngay chỗ đông người. Vì vậy, nàng chỉ e lệ lấy nón che mặt, cúi đầu nhìn xuống cườøi chúm chím, mắt chớp chớp long lanh tí lệ cảm động, rồi rón rén bước theo người yêu giữ khoảng cách nửa bước chớ chẳng dám bước ngang hàng. Theo thường lệ, Tân dìu nàng lên chiếc xích lô, ra lịnh chạy lanh quanh qua các đường phố khu Toà hành chánh tỉnh, vòng khu nhà lồng chợ, rồi mới hướng về ngôi nhà nàng bên kia cầu quay. Lần nào thì Tân cũng ở lại nhà vợ chơi cho đến tối mịt mới ra về. Nàng có hai anh em, người anh đã lập gia đình và ra riêng, nên ngôi nhà rộng rãi nguy nga rất vắng vẻ. Cha nàng là vị cựu hương chủ làng Ðiều Hòa, đầu óc khá tiến bộ, rất thông cảm với tuổi trẻ, nhờ vậy đôi tình nhân mặc tình quấn quít bên nhau, trửng giỡn tâm tình chẳng có gì phải úy kị... và nếu may mắn, hai ông bà đưa nhau đi ăn giỗ, cúng đình... thì đôi tình nhân trẻ cũng hân hoan yến tiệc. Thỉnh thoảng, đôi tình nhân cũng đưa nhau đi dọc theo bờ sông Cửu Long đến bến bắc Rạch Miễu cho dâu tương lai thăm viếng cha mẹ chồng theo đúng đạo lễ, nhưng ngôi nhà bên chồng nhỏ bé, sạp trái cây chật chội, kẻ vào người ra nườm nượp, nên cả hai chỉ đứng xớ rớ giây phút, rồi từ tạ đi ngay. Lật bật đến ngày cưới, đôi trẻ sung sướng tung tăng dẫn nhau sắm áo cưới, còn mọi chuyện đã có ông bà hương chủ gánh vác. Ðám cưới tổ chức vô cùng sang trọng: nhà cửa trang hoàng lộng lẫy, xe hoa bóng láng, đoàn múa lân kèn trống hùng hậu, pháo nổ tưng bừng xác ngập đỏ cả mặt đường, với hàng trăm thực khách tham dự... Bao bọc chi tiền đám cưới, ông hương chủ còn bỏ tiền mua căn phố lầu, cạnh rạp chớp bóng Moderne, đường D’Espagne, Saigon, trang bị đầy đủ vâït dụng đắt giá cho con gái làm của hồi môn, đó là chưa kể vòng vàng, hột xoàn cả rổ và số tiền lì xì kếch sù góp nhặt trong tiệc cưới. Cuộc sống lứa đôi tại Saigon hứa hẹn tràn đầy hoan lạc hạnh phúc.
Tân vốn là con nhà nghèo, thông phán tập sự lương bổng eo hẹp, nhưng nhờ dựa vào danh tiếng gia đình vợ, chàng có thể tập tễnh làm sang giao thiệp với giai cấp quyền quí; cạy cục mãi, Tân được công tử Mỹ Tho Phước George thu nhận làm đàn em. Công tử George là tay ăn chơi phong lưu nổi danh nhứt nước, nên theo đuôi công tử thì Tân cũng phải tiêu tiền như nước, cũng vào ra cao lâu vũ trường, ăn chơi nhậu nhẹt, kết duyên với ả phù dung, buông thả theo đám gái chơi hạng sang Ba Trà, Tư Nhị... Hết tiền thì móc túi vợ, cạn tiền thì nàng chỉ cần về thăm Mỹ Tho một chuyến, trở về thì tiền bạc lại rủng rỉnh ngay. Chớp được tiền thì Tân lại ăn chơi, bỏ mặc người vợ trẻ chờ đợi mỏi mòn cơm canh nguội lạnh, vợ thắc mắc thì Tân có trăm lý do ngọt ngào giải thích, nàng tiếp tục nhăn nhó thì Tân làm nư bỏ đi biền biệt, khiến nàng đau khổ vô cùng màchỉ đành lặng lẽ ôm gối khóc thầm qua đêm. Thấy con cứ bòn rúc tiền bạc mãi ông bà hương chủ sanh nghi, ông bà cho người dò la nếp sống chàng rể, khi biết sự thật tệ hại, ông bà quyết định chấm dứt chuyện đùm bọc, trừ phi Tân xin thuyên chuyển về Mỹ Tho chung sống với cha mẹ vợ. Thế nhưng, lúc bấy giờ Tân đang say mê cô Năm Tú Lệ, em nuôi cô Ba Trà, đã thề thốt với người đẹp là sẽ bỏ vợ để xây tổ uyên ương, nhưng thiếu tiền nên ráng ẩn nhẫn chờ thời.  Do đó, một mặt Tân vâng dạ xin lỗi cha mẹ vợ, hứa sẽ tu tỉnh làm ăn, thay đổi nếp sống phong lưu cũ. Mặt khác, Tân bỗng cưng chiều săn sóc vợ, mua sắm trang phục, phấn son cho vợ, chàng lại ra vẻ lo lắng cho tương lai sự nghiệp, và mong ước có cơ hội trổ tài kinh doanh làm giàu nhanh chóng cho vợ được nở mặt nở mày. Một hôm Tân đưa một người lạ mặt về nhà giới thiệu là tay xuất nhập cảng đang trúng một lô hàng tơ lụa vốn một lời ba. Khách về, thì Tân liền gạ gẫm vợ, nên chụp lấy cơ hội bằng vàng nầy bằng cách bán căn nhà đường D’Espagne lấy tiền hùn hạp làm ăn. Tin chồng, nàng đồng ý bán nhà, hai vợ chồng dọn vào khách sạn Ðông Pháp lữ quán ở tạm. Tân lại than thở hàng hóa đã vào kho rồi, công ty cần mớ tiền trả sở phí khuân vác và kho hàng, nên òn ỉ vợ cho mượn đỡ mớ vòng vàng hột xoàn để tạm cầm thế lấy tiền mặt chi dụng trong vài ngày trong khi chờ đợi hốt bạc. Sau khi vét sạch nhẵn tài sản vợ, Tân trốn biệt dạng bỏ vợ trơ trọi tại khách sạn, vừa sợ, vừa đói khát chẳng dám đi ăn uống một mình. Nàng nghĩ Tân buôn bán thất bại mất tiền nên đâm ra tự ái không dám về nhà, nên lò dò tìm đến sở Kho Bạc đón chồng, thỏ thẻ:
- Khách sạn toàn dân gì đâu ghê quá hà! Sao anh nỡ bỏ em chèo queo như vậy?
- Tui với cô sống với nhau không hạp! Thôi từ nay đường ai nấy đi! Cô đừng kiếm tôi mất công!, Tân lạnh lùng đáp.
- Thua keo nầy bày keo khác. Anh thua lỗ chút đỉnh đâu có sao! Em có trách móc gì đâu. Hay là mình về Mỹ Tho sống với ba má anh nhé! 
- Tui đã có vợ khác rồi! Tui chán ngán cái bản mặt nhà quê của cô lắm! Tốt hơn, cô nên về ở với ông bà già, rồi muốn xin phá hôn thú làm gì thì làm.
Dứt lời, Tân bỏ đi một nước, chẳng cho nàng thỏ thẻ thêm một lời nào nữa. Hồng Hạnh chết lặng, nước mắt tuôn tràn mờ mịt, nàng phải đứng dựa vào vách mới không té xỉu. Hồi lâu, nàng thều thào một mình:
- Hởi ơi! Anh thường lên án bọn đàn bà con gái trắc nết mê ánh đèn màu giả trá chốn thị thành phản bội chồng con, ngờ đâu người bị quyến rủ lại là anh. Anh ơi! Anh đang tâm phụ bạc thì em đành chịu, chớ thân phận đàn bà thì em chỉ nguyện một lòng, một dạ sắt son chờ chồng. 
Nàng ngậm ngùi ngâm nga nho nhỏ theo điệu hát ru em:
“Ðèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ,
Ðèn Mỹ Tho, ngọn tỏ ngọn lu!
Chia tay chàng, em nguyện giữ một chữ nhu
Chín năm em cũng đợi, mà mười thu em cũng chờ...”(2)
Hồng Hạnh rầu rĩ biếng ăn biếng ngủ, ngày đêm vò võ mong tin chồng, nhưng hình bóng chàng vẫn biệt tăm. Một hôm, trong khi nàng đang tơ tưởng chồng, đứng ngồi không yên, thì bà mẹ chồng bỗng hớt hải chạy đến, khẩn thiết lôi nàng đi Saigon tức khắc để gặp mặt Tân. Nhìn thái độ vừa nghiêm trọng, vừa ảo não của mẹ chồng,ï Hồng Hạnh suy đoán có lẽ Tân đã bị rắc rối vì cảnh nợ nần “tứ giăng”, nên đành phải cầu viện đến nàng. Hồng Hạnh thoáng khó chịu, nhưng thương chồng nàng cũng thuê bao ngay chiếc xe, đưa mẹ chồng cùng đi Saigon. Lạ quá! Chẳng hiểu lý do gì bà già lại bảo tài xế lái xe đến bệnh viện Chợ Rẫy, rồi hấp tấp nắm tay nàng lôi một mạch vào phòng hồi sinh. Hồng Hạnh đến đúng lúc, để chỉ kịp vuốt mắt Tân, trước giờ phút lâm chung. Hỏi ra mới biết rằng chỉ võn vẹn 6 tháng cung phụng tiền bạc cho tình nhân ăn chơi bài bạc Tân đã cạn “hầu bao”, hắn không còn phương pháp nào xoay xở khác hơn ngoài cách thâm lạm công quỷ một số tiền to, khi nội vụ bị đổ bể sắp rơi vào vòng lao lý, cô Năm Tú Lệ không những chẳng hề lộ chút đoái thương mà còn xỉ vả hắn một trận tơi bời rồi cuốn gói đi mất, khiến Tân đau khổ cùng cực, đành mượn thuốc phiện giấm thanh tự kết liễu đời mình. Bà mẹ chồng không gánh vác nỗi chuyện chôn cất con, nên cố tình lôi kéo Hồng Hạnh lên bệnh viện trong giây phút cuối cùng để lãnh của nợ về an táng mà thôi. Hồng Hạnh ôm thây chồng khóc ngất, nàng khóc cho chồng mà cũng khóc cho số phận nghiệt ngã của chính mình. Dầu vậy, sau khi hoàn tất tang ma chồng, nàng chợt khám phá ra rằng mối tình chồng vợ yêu thương mù quáng da diết tưởng chừng như sẽ bền chặt như sắt đá đó, bỗng dưng tan biến không còn chút dấu vết. Nàng cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng lớn, một cục nợ oan khiên. 
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lan dần đến Ðông Dương. Vào năm 1933 giá một tạ lúa chỉ võn vẹn còn có 9 cắc(3), lúa chất đống đầy bồ không bán được, ruộng đồng vì vậy bị bỏ hoang phế và giới đại điền chủ bị tổn thất nặng nề. Ðau lòng vì gia sản ngày càng lụn bại, ông hương chủ lâm trọng bệnh rồi từ trần, bà hương chủ vốn đã yếu đau triền miên đành phải về nương náu với vợ chồng đứa con trai trưởng. Ðể an ủi người vợ bé bỏng, Thái thường tổ chức tiệc tùng vui nhộn cho vợ khuây khỏa nỗi khổ sầu. Một hôm, nhân tiệc sinh nhật thứ hai mươi ba của vợ, tổ chức tại nhà hàng Ðại La Thiên, mặt ửng hồng ngà ngà say, Thái đứng dậy, tay nâng ly rượu Mai quế lộ mời bạn bè cùng nốc cạn để chúc mừng vợ, bỗng nhiên, chàng lảo đảo buông rơi ly rượu, rồi ngã vật xuống bất tỉnh. Hồng Hạnh chết điếng lăn lộn ôm chồng khóc nức nở, bối rối chẳng biết phải quyết định như thế nào? May sao trong đám bạn bè có người bình tỉnh khẩn cấp chở Thái đến bệnh viện Grall cứu chữa. Sáng hôm sau Thái lần lần hồi tỉnh, mạng sống tuy được bảo toàn, song tai biến mạch máu não sẽ khiến chàng bị bán thân bất toại suốt đời. Chồng vĩnh viễn tàn phế không khiến Hồng Hạnh tuyệt vọng, trong tình yêu thiết tha cao ngất của nàng, nàng chỉ cầu xin cho chồng vẫn còn sống để kề cận, chăm lo là hạnh phúc đã ngập tràn rồi. Hai tuần sau Hồng Hạnh đưa chồng về Mỹ Tho, ngày ngày tận tụy phục dịch người chồng bệnh hoạn. Nàng đích thân chăm sóc chồng từng li từng tí, để tâm nghe ngóng, theo dõi từng biến chuyển của cơ thể, tìm hiểu ước muốn khó bày tỏ của chồng để đỡ đần “quạt nồng ấp lạnh”, tẩn mẩn nấu những thức ăn hạp khẩu nâng niu đút mớm..., ngày nầy qua ngày khác, tháng nầy sang tháng khác, nàng bền bĩ chăm sóc chồng, nhọc nhằn gian khổ không kể xiết mà chẳng hề than van, chẳng một tiếng thở dài... Ðến năm thứ ba thì Hồng Hạnh bắt đầu cảm thấy uể oải, đôi khi nàng thấy tình nghĩa vợ chồng vẫn đậm đà khôn xiết, nhưng thỉnh thoảng nàng lại bị những cơn khủng hoảng hành hạ, nàng chán nãn cho số kiếp hẩm hiu mù mịt, chẳng biết đến bao giờ mới thoát khỏi con nợ nghiệt ngã bám víu đây? Ðến năm thứ sáu thì người chồng yêu dấu năm xưa đã chuyển biến thành một khổ dịch hành hạ đày ải nàng, phải cố gắng hết sức nàng  mới đè nén nỗi những cơn hậm hực bất thần cứ chực bùng nổ lên đổ tràn trên đầu con bệnh trầm kha. Thật là điều mâu thuẩn! thật là chuyện oái oăm! Giá như chàng chết trong vòng một hai năm thì tuy khổ đau nàng cũng hả dạ trong lòng sau một thời gian tận tụy chăm sóc chồng, ngoài ra, nàng lại có thể giữ trọn vẹn hình ảnh người chồng hào hoa yêu dấu mãi mãi trong tâm khảm làm nguồn an ủi cho suốt cuộc đời còn lại của mình. Còn sống thoi thóp kéo dài dai dẳng như thế nầy thì tất cả đều thay đổi: chẳng những cả khối ân tình tan vở thành manh mún, mà thời gian cũng hủy hoại sức chịu đựng của nàng, rút rỉa sức sống của nàng, cướp mất nhân tính của nàng, và hởi ôi! hình ảnh người chồng hào hoa phong nhã lý tưởng năm xưa, đã biến thành một thứ chùm gởi cục mịch lỳ lợm, bám sâu như đĩa đói... để dày xéo, hành hạ nàng triền miên, không một phút giây ngưng nghỉ. Nỗi khổ nầy một mình nàng phải cắn răng chịu đựng chớ chẳng thể thổ lộ cùng ai! Vì mấy ai thấu hiểu được nỗi khổ đêm ngày chồng chất, chán nãn cùng cực mà phải gắng sức đè nén những tiếng nấc nghẹn, những cơn điên cứ chợt bùng nổ, để gượng gạo chăm lo cho chồng lầm lì như người máy vô tri. Lâm vào hoàn cảnh nầy nàng mới cảm thông và thương anh chị. Mẹ nàng đau yếu dai dẳng và chắc anh chị phải gánh chịu lắm nỗi nhọc nhằn khi phụng dưỡng bà, thế mà nàng nào chịu hiểu. Thỉnh thoảng viếng thăm mẹ vài giờ ngắn ngủi, chu cấp chút tiền, sâm thang quí giá, thức ăn bổ dưỡng... là đã vội hiu hiu tự đắc, tự cho rằng mình là đứa con chí hiếu, có quyền xoi bói, hoạnh họe anh chị. Giờ đây, nàng mới hiểu ra rằng cung cấp tiền bạc bao nhiêu cũng không thể so sánh nỗi với sự gian khổ liên tục mà anh chị đã tận tụy chăm sóc mẹ già trong những năm tháng dài. 
Tình trạng khan hiếm âu dược trong thế chiến thứ II đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe Thái, chàng vốn chống chỏi lâu dài là nhờ được tiếp tế loại nước biển bổ dưỡng. Thiếu nước biển Thái suy nhược nhanh chóng, và như ngọn đèn cạn dầu cứ yếu ớt lu mờ lần, cuối cùng đến tháng chạp năm 1945, tức là sau bảy năm thoi thóp trên giường bệnh, chàng mới chịu trút mớ hơi tàn vĩnh viễn ra đi. Tình nghĩa phu thê tưởng đã khô cạn tự bao giờ, bỗng bùng dậy trở lại khi nắp quan tài vừa đóng chặt. Nàng khóc ngất, khóc mãnh liệt như chưa bao giờ được khóc, khóc cho nỗi buồn vui lẫn lộn của món nợ ân tình oan khiên. 
Người đàn bà lứa tuổi 30 thật ra vẫn còn son trẻ, nhưng sau hai lần hôn nhân đầm đìa giọt lệ, Hồng Hạnh đã chán ngán cuộc sống lứa đôi, nên thầm nghĩ sẽ không bao giờ bước thêm bước nữa. Tuy nhiên, trong những đêm dài lẻ bóng trong căn nhà rộng rãi mênh mông, đôi khi nàng lại cảm thấy thiếu thốn nôn nao. Sáng hôm đó, chị bếp vừa xách giỏ đi chợ, nàng đang bâng khuâng nhìn áng mây bên cửa sổ, bỗng thấy thầy y tá Thịnh lấp ló trước cửa. Thịnh thật ra chỉ là một y công ở lứa tuổi hai mươi, học chích tại bệnh viện tỉnh chừng hai tháng, và sống bằng nghề “chích thuốc dạo” theo toa bác sĩ. Trước đây, theo thường lệ, hằng tuần anh ta vẫn đến nhà tiêm mấy mũi thuốc cho Thái. Thịnh thường lộ vẻ thẹn thùng trước ánh mắt thân mật của nàng, lần nầy hắn cũng bối rối ấp úng hồi lâu mới lên tiếng:
- Thưa cô! Tuần trước chị bếp có dặn “khi nào rảnh đến tiêm cho cô mũi thuốc khỏe”, em quên bẵng đi! Nay mới nhớ! 
Hồng Hạnh cười dễ dãi:
- Ờ! Thì mớ thuốc khỏe của ổng còn dư, bỏ cũng tiếc, nên tôi tính xài cho hết vậy thôi! Chuyện chẳng có gì gấp gáp cả... Vậy, để khi khác nghe chú, vì hôm nay... ơ...ơ... chỉ có mình tôi ở nhà hà!...
Hắn ngập ngừng như định kèo nài, mắt chớp chớp, mặt đỏ bừng, rồi bỗng tiu nghỉu dợm bước lui. Thấy nét thất vọng hiện trên vẻ mặt thơ ngây của Thịnh, chẳng biết nghĩ sao Hồng Hạnh cảm thấy tội nghiệp quá, nàng đổi ý:
- Ơ! Nếu chú muốn chích hôm nay cũng được! Chú đâu phải là người lạ mà phải ngại! Mời chú vào!
Hắn ké né bước vào nhà. Hồng Hạnh bước vào buồng ngủ, đang mở tủ tìm hộp thuốc, chợt nghe tiếng động, không nhìn lại nàng cũng cảm giác bước chân của hắn đã kề sát, hơi thở hắn dồn dập phì phà trên cổ nàng khiến nàng rùng mình rởn gai ốc. Nàng chưa kịp lên tiếng, thì hắn đã ôm chầm nàng, hun hít rối rít, rồi bồng nàng đặt trên giường ngủ. Nàng quính quíu cả tay chân, đầu óc tê liệt chẳng biết nên dùng lời lẽ gì để ngăn cản, nên ú ớ rồi lặng yên, buông xuôi để mặc hắn muốn làm gì thì làm. Trong cơn mê nàng chỉ biết thầm tự an ủi: “Chuyện đã dĩ lỡ rồi, đâu còn cứu vãn gì được nữa! Mặc kệ hắn, mặc kệ cuộc đời! Chuyện tới đâu hay đến đó, lo lắng chi cho mệt!”. Sau khi Thịnh ra về, nàng mới hoàn hồn nghĩ lại và thấy có nhiều điều không ổn: Chồng vừa nằm xuống chưa đầy ba tháng mà đã mở cửa đón trai thì dị hợm quá, huống chi, nếu cần đàn ông thì chắc chắn nàng có thể chọn những người tương đối có học thức và khá giả, chớ còn dốt nát và nghèo kiết như Thịnh thì chẳng xứng đáng với nàng chút nào cả. Do đó, nàng quyết định từ đây sẽ chặt dạ không để hắn lần khân nữa. Tuy đã dặn lòng cẩn thận, nhưng đến sáng hôm sau, khi bà bếp vừa ra khỏi nhà thì hắn đã mon men tới cửa. Vừa nhìn thấy thân thể cường tráng của hắn, chẳng biết tại sao nàng không còn tự chủ được nữa, nàng cuống quít mở bét cửa, rộn ràng nới rộng vòng tay. Hắn ra về thì nàng lại ăn năn toan tính chấm dứt liên lạc, hắn đến thì nàng vồn vã đón rước, điệp khúc nầy cứ lập lại mãi cho đến lúc hắn công khai mang túi quần áo đến sống chung. Nàng bèn cho chị bếp nghỉ việc để không còn ai dòm ngó, nhưng thị xã Mỹ Tho nhỏ xíu, che dấu cách nào thì chuyện vụng trộm cũng đổ bể tùm lum để biến thành thứ tin thời sự nóng hổi và cực kỳ hấp dẫn cho thiên hạ bàn ngang tán dọc. Ðến nông nỗi nầy thì nàng chỉ có nước lỳ lợm tuyên bố: “Thời buổi nhiễu nhương sống nay chết mai nầy có gì đâu mà sợ miệng lưỡi thiên hạ. Ai rảnh rang chịu khó đàm tiếu thì mặc xác họ!...”
Tuy tài sản của Thái vốn đồ sộ, nhưng sau bao năm phải trang trải chi phí thuốc thang đắt giá, đến khi chồng lìa trần, thì của nổi dành dụm cơ hồ đã cạn, Hồng Hạnh chỉ còn làm chủ ngôi biệt thự và mớ tư trang sính lễ ngày xưa mà thôi. Không thể kéo dài tình trạng ăn không ngồi rồi với anh chồng vô nghề nghiệp, Hồng Hạnh quyết định bán ngôi biệt thự Mỹ Tho, mang tiền lên Saigon, tìm phương cách sinh nhai. Ở Saigon thì “thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ”, nàng thỏa thích yêu cuồng sống vội với người chồng trẻ, khỏi phải ngay ngáy lo sợ bà con chòm xóm đa sự “trề”, “nhún”, khinh khỉnh nữa. Hồng Hạnh mua ngay một căn phố ở mặt tiền đường vùng Phú Thọ, do vị trí căn phố thuận tiện cho dự trù mở tiệm buôn nhỏ sau nầy, ngoài ra, nàng cũng ưng ý về căn phòng ngủ ấm cúng và cái nhà bếp khoảng khoát nhìn ra khoảnh đất nhỏ, đã sẵn có cội mít già, mấy khóm rau thơm và một chuồng gà sập xệ... Thế nhưng, tự thuở giờ Hồng Hạnh chỉ lẩn quẩn trong nhà, nấu nướng giặt giũ còn có kẻ ăn người làm lo lắng, nên suy tìm hoài cả năm trời, nàng chẳng tìm ra được ngành nghề gì hợp với khả năng cả, trong khi đó thì tiền bạc thì cứ rỉ rả hao mòn khiến nàng xốn xang tấc dạ. Phần Thịnh, hắn được nàng “thần phục” nuông chiều, nên cứ nhởn nhơ lối sống vô trách nhiệm, phó mặc cho nàng gánh vác mọi chuyện, kể cả hành vi cúc cung phục vụ hắn, điều đó cũng là lẽ đương nhiên dễ hiểu. Thật ra thì hắn không hề có ý “lắt hầu bao” hay trấn lột nàng quá đáng. Hắn chỉ đòi sắm cho được chiếc xe đạp nhôm hảo hạng hiệu Alcyon chùi láng bóng, lận theo chút  ít tiền cà phê, rồi nhong nhong cỡi xe đi chơi suốt ngày, miễn là khi về nhà có đủ hai bữa cơm thịt cá ê hề, kèm với chai la ve nhậu lai rai là vui vẻ rồi. Cơm nước không tươm tất thì hắn nổi sùng văng tục ngay, nhịn thì tốt, còn dám hó hé lời qua tiếng lại thì hắn thẳng tay đánh đập chẳng chút xót thương. Sau bao ngày suy tính thiệt hơn, Hồng Hạnh liều mạng mở tiệm bán hàng vải, loại hàng hóa nhẹ và sạch sẽ, tương đối phù hợp với nếp sống nhung lụa ngày xưa của nàng. Thế nhưng khu phố Phú Thọ quá bình dân, vải vóc là loại nhu cầu xa xí, thành thử cửa hàng lâm cảnh ế ẩm dài dài. Sau hai năm chịu đựng, nghiên cứu lại thị trường nàng quyết định bán đổ bán tháo mớ vải vóc, rồi xoay ra buôn bán chạp phô. Tiệm chạp phô đông khách, đồ đạc linh tinh đủ loại, có thứ nặng cần khiêng vác, mà không có chồng đỡ đần nên nàng phải thuê người phụ giúp. Buôn bán lẻ tiền lời lắt nhắt, thuê mướn người thì hao hớt, nên cơ sở buôn bán của nàng cứ lụn bại lần, cuối cùng đành phải đóng cửa. Bà con lối xóm xầm xì rằng toàn dãy phố nầy đã được xây cất trên miếng đất của ngôi chùa hoang phế xa xưa, các “vong” nghiệp nặng còn lẩn khuất đâu đây ám chướng, nên chẳng mấy ai khá giả cả. Nghe lời đồn đãi nầy, Hồng Hạnh lo lắng muốn dọn nhà đi chốn khác, nhưng vốn liếng đã khô cạn, thay đổi chẳng phải là chuyện dễ dàng. Trong hoàn cảnh bi đát nầy, nàng quơ đại mấy con gà nuôi sau nhà làm thịt, cầu may mở quán cháo và bất ngờ món ăn nầy được thực khách chiếu cố, nhờ vậy, nàng thừa tiền sống qua ngày và lúc nào cũng có cặp đùi gà vàng hực sẵn sàng dâng cho ông chồng lai rai ba sợi. Từ khi phải cơ cực vật lộn với cuộc sống mới, “cô Ba Cháo Gà”  Hồng Hạnh, cằn cỗi mau chóng, nhưng ngoài những lúc phải đón nhận cơn thịnh nộ bất chợt của chồng, Hồng Hạnh vẫn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với người chồng trẻ. 
 Một hôm hắn đi không về khiến nàng phập phòng lo sợ, vì trong sáu năm qua dẫu say sưa với bè bạn thế nào hắn vẫn lết về nhà ngủ.  Hôm sau hắn lững thững về nhà, tỉnh tuồng như chuyện bình thường, nàng vừa thắc mắc hỏi han thì hắn sừng sộ, đành êm ru nhẫn nhịn. Hắn bắt đầu vắng nhà thường xuyên, tuy sợ chồng nhưng ghen tức ấm ức không nhẫn nhịn được, thỉnh thoảng nàng cũng càm ràm trách móc, dù mỗi lần cãi vã là mỗi lần bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng thì hắn đi luôn chẳng trở về. Ghen tuông lồng lộng, nàng đóng cửa quán cháo gà, đi khắp nơi han hỏi sục tìm hắn. Một bà hàng xóm cho tin rằng hắn “lấy” con Tám, bạn hàng cá chợ Cầu Ông Lãnh từ lâu, con nhỏ đã mang bầu sắp sanh rồi. Nghe chỉ điểm nàng giận run, lận theo con dao phay, đón xe đi chợ Cầu Ông Lãnh tức khắc. Nàng rình rập thấy hắn đang kề cận thân mật với tình nhân, tiếp tay con “ngựa cái” thè lè bụng chửa làm cá. Tuy sợ chồng khủng khiếp và tuy thấy con đó đang cầm con dao lạng vảy cá bén ngót, nàng vẫn điên tiết phóng tới điểm mặt hét: “Ðồ con đĩ thúi giựt chồng...” Nàng chưa hét hết câu thì đã bị Thịnh nắm cổ lôi đi xềnh xệch. Sức hắn mạnh như voi, nàng lại sợ hắn như cọp dữ, nên đành câm họng ríu ríu đi theo hắn đến chỗ giữ xe đạp. Hắn bảo nàng ngồi lên yên sau, đèo nhau về nhà. Nàng mừng mừng tủi tủi thầm nghĩ: “Chồng chịu về nhà là thắng lợi lớn rồi!”. Chừng bước xuống xe, nhìn bản mặt hung tợn của hắn, nàng mới hốt hoảng van lạy lia lịa. Lạnh lùng chẳng nhếch môi, hắn nắm đầu nàng lôi vào nhà, đóng kín cửa, cột tóc nàng vào chân giường, rồi mới nghiến răng kèn kẹt gằng từng tiếng: “Tao đập cho mầy bỏ cái tật ghen tuông! Nghe chưa?” Dứt lời, hắn bắt đầu đánh đá nàng tơi bời, mặc cho những tiếng rên khóc thảm thiết và những lời van xin năn nỉ của nàng. Khi thấy nàng ngất xỉu nằm im lìm, hắn mới dừng tay định bỏ đi, nhưng cơn giận chưa nguôi nên hắn vừa bước tới cửa bỗng quay trở lại, lấy kéo xởn hết tóc nàng, rồi ung dung cỡi xe đạp ra đi. Hồng Hạnh lần lần hồi tỉnh khi trời vừa sụp tối. Toàn thân đau đớn rã rời, nhưng cái đau thể xác đó chẳng thấm tháp gì cả nếu so với nỗi chán chường khổ não chất ngất trong lòng. Nàng đã đánh đổi tất cả chỉ vì hắn để cuối cùng lãnh lấy kết quả phũ phàng tàn nhẫn ngày hôm nay. Tuyệt vọng, không lối thoát, nàng quyết tâm tìm cái chết. Nàng lê lết lục tìm được sợi giây khá chắc làm thòng lọng, mang ra sau vườn nhắc ghế máng lên cành cây mít, đút đầu vào, rồi hất chiếc ghế ngã nghiêng, buông tay treo tòn ten...
  Hồng Hạnh cảm thấy ngộp thở, rồi thân người nàng chao đảo, đoạn lao vùn vụt xuống một hố thẩm đen ngòm, đang rơi, bỗng nhiên nàng nghe tiếng gọi:
 “Thí chủ! Thí chủ! Biển khổ mênh mông, mà hể biết quay đầu thì sẽ thấy bến bờ!”, thì bị hất văng trở lại. Nàng nhỏm dậy chợt thấy có vị vấn y vàng đứng trước mặt, vội quì xuống lạy liên hồi:
 - Kính lạy Bồ Tát Quan Âm. Con xin cảm tạ Ngài đã cứu vớt con.
Người mặc y vàng từ tốn:
- Ta chẳng phải là Bồ Tát Quan Âm và cũng chẳng phải là người đã cứu thí chủ. Ta chỉ là một phàm tăng, đã từng là pháp đệ của thí chủ từ kiếp trước, theo duyên nghiệp đến đây gặp thí chủ để nhắc nhở chuyện xưa.
- Thân con như vầy mà đã từng làm huynh đệ với Sư sao? Chuyện lạ quá, con không thể tin hiểu được?
- Cuộc đời huyễn hóa nầy thật khó ước lường, nhưng tất cả diễn biến đều do nghiệp duyên chằng chịt lôi kéo mà hiện hành, ngay như tên Hồng Hạnh của thí chủ cũng là tiền duyên. Kiếp trước chúng ta là đệ tử của thiền sư Như Hóa, trụ trì chùa Ðại Giác, tỉnh Biên Hòa, thí chủ mang pháp danh Hồng Hạnh, và ta là Hồng Huệ, tính theo kệ truyền phái của tổ Ðạo Mân, thì chúng ta là hậu duệ đời thứ 39 dòng Lâm Tế(4). Trong khi chúng ta cùng tu học tại Giác Lâm, ta mãi say đắm Pháp Bảo Ðàn kinh, mà không am hiểu đến nơi đến chốn nên sanh tâm cuồng ngạo, lúc nào cũng ngông nghênh sánh mình là bậc thượng căn thượng trí trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Lúc đó pháp huynh thương tình nhắc nhở ta: “Ðệ tự coi mình ngang hàng với Phật, với Tổ, nhưng Ông Phật Hồng Huệ có khi nào thường trực quán sát tâm mình, thử coi mỗi ngày tâm mình thanh tịnh được mấy phút chăng?” Ta giựt mình nhìn lại con người thật của mình, và càng nhìn lại, ta càng thấy rõ tâm ta loạn động liên miên, sơ hở một chút  là dun rủi theo tham sân si chẳng dừng lại được. Ta biết ta hư đốn khó chữa trị, bèn lui về nương với sư phụ ngày đêm sáu thời lễ bái sám hối và niệm Phật A Di Ðà cầu vãng sanh Cực Lạc. Ta may mắn được vãng sanh và nhờ vậy mà hôm nay có thể nương theo hồng lực của Ðức Phật A Di Ðà gặp thí chủ để nhắc nhở đôi điều.
- Sư cho biết kiếp trước con cũng là tu sĩ như sư. Tại sao sư tu đắc đạo còn con thì ra nông nỗi như thế nầy? Chuyện mù mịt khó hiểu quá sư ạ?
- Kiếp trước, thí chủ chính thực là một tăng sĩ tài hoa nổi danh một thời nên sớm được cung thỉnh về trụ trì ngôi chùa cổ tại chốn nầy. Thí chủ hãy quay trở về với dĩ vãng, nhìn lại hành hoạt của mình tại chốn nầy để hiểu biết nghiệp duyên của mình thì sẽ rõ hơn. Thí chủ nhớ ra chưa? Sau khi nhận lãnh ngôi chùa, thí chủ sửa sang chỉnh đốn tất cả, và ở ngay địa điểm nầy đây, thí chủ đã đích thân trồng cây mít nầy! nó được gần gũi với cửa Phật, có linh tánh(5), đối với thí chủ ân tình vẫn đậm đà nên đã chẳng nỡ chứng kiến cảnh thí chủ lìa trần...
Hốt nhiên một cảnh chùa bỗng lần lượt hiện ra rõ ràng nước mắt, Hồng Hạnh thấy mình trong tư cách một nhà sư uy nghi đang phát họa kế hoạch tái thiết ngôi chùa tầm thường sở tại thành một ngôi giàlam nguy nga vĩ đại. Sư đăng đường thuyết pháp, hướng dẫn Phật tử tu tập, uy danh lan rộng lần, rồi bắt đầu vận động quần chúng đóng góp tài vật cho công tác Phật sự. Ðệ tử tề tựu về quy y với sư khá đông, giới xuất gia có bảy vị đứng đầu là sư chú Nhựt Tân, các sa di Nhựt Thái và Nhựt Thịnh, phần tại gia cư sĩ có đến hàng ngàn người. Bận bịu với kế hoạch phát triển sư chưa có thời giờ lưu tâm đến việc dạy dỗ đệ tử về nội điển, sư chỉ tạm hướng dẫn vài phương pháp xã giao cần thiết để xử dụng nhất thời khi tiếp xúc với thiện tín mà thôi. Tuy vậy, sư khéo léo xử dụng đệ tử theo khả năng nên rất được họ phục tùng. Nhựt Thịnh dốt nát, hiểu biết hời hợt, kinh điển chẳng thông, nói năng lại thô tháo, nhưng thuộc loại vai u thịt bắp nên sư khuyến dụ chú lãnh canh tác thửa ruộng 5 mẫu thuộc quyền sở hữu của chùa tại Phú Lâm, sư dự trù Nhựt Thịnh sẽ đóng góp công sức không nhỏ khi sư khởi công tái thiết ngôi tự viện. Nhựt Tân lanh lợi, tụng kinh lưu loát, giao tiếp thiện tín khéo léo, nên sư cử làm trị sự, quản trị ngôi chùa theo sự sắp xếp của sư. Nhận thấy Nhựt Tân có khả năng và có ý hướng muốn lập chùa riêng, trong khi sư bận việc thường đi vắng rất cần một viên trị sự giỏi, sư vội hứa hẹn sẽ cử đệ tử nầy kế thế trụ trì, và cho biết sư sẽ sớm ẩn dật tịnh tu sau khi hoàn thành công tác tái thiết chùa. Sa di Nhựt Thái là thị giả trung thành, thương kính thầy và tận tụy hầu hạ thầy vô cùng chu đáo, nên cũng được thầy yêu thương nhất. Nhựt Thái chỉ có khuyết điểm là tuy quyết chí xuất gia nhưng vẫn còn thích nuôi sáo nhồng, có lần Nhựt Thái kiếm đâu được một sáo con lén dấu kín trong phòng, bất ngờ chú có việc phải về thăm nhà, rồi bị bà mẹ cưng lôi kéo mãi, cả tuần mới trở về chùa được thì con chim đói rét nằm rũ liệt, bị bầy kiến bu đen nghịt cắn xé đang thoi thóp chờ chết. Tuy sư cũng biết rõ nội vụ nhưng cưng người đệ tử thân thiết, sư lơ làbỏ qua không răn dạy một lời. 
Công cuộc vận động tài chánh tiến triển rất khả quan, sư  đang chuẩn bị lạc quyên đợt chót trước khi khởi công, thì một duyên may đã đưa đẩy bà góa phụ triệu phú họ Trần đến viếng chùa. Cảm phục đạo đức và lòng nhiệt thành vì đạo pháp của sư, bà triệu phú hứa hẹn sẽ cúng dường sư một số tịnh tài vĩ đại. Quí trọng vị đại thí chủ, sư thường xuyên viếng thăm, săn sóc, tán thán... nên tình thầy trò ngày càng thêm khắng khít. Một buổi chiều hè, sư ghé nhà bà triệu phú hàn huyên, trời bỗng đổ mưa, mưa ồ ạt và kéo dài mãi không dứt, khiến sư đành ở lại nhà nữ thí chủ ngủ đêm. Ðêm đó mắc chứng gì, mà sư bị trúng gió nhảy mũi liên hồi, nữ thí chủ hoảng hốt đích thân thuốc thang chăm sóc, bà lại cạo gió cho sư, và ngồi cạnh canh chừng suốt đêm. Sáng hôm sau, thân thể khoẻ hẳn lại, trong giây phút cảm động dạt dào không kềm chế được, sư nắm tay người nữ thí chủ để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa. Người thí chủ đã đáp lại bằng tất cả nhiệt tình, thế rồi!... thế rồi... sư bị lôi cuốn mờ mịt, chẳng còn chống chỏi gì được nữa...
Sau giây phút yếu lòng, sư Hồng Hạnh ăn năn tìm cách lẫn tránh bà triệu phú. Sư giao chùa cho sư chú Nhựt Tân, dự định sẽ hành hóa vùng Thất Sơn một thời gian dài. Trong cơn bận rộn nầy, thị giả Nhựt Thái lại bỗng từ trần, sau một cơn bệnh ngắn. Sư phải ở lại lo tang ma cho đệ tử, và nhân nỗi đau buồn nầy, sư tuyên bố tịnh tu, chỉ lẩn quẩn trong liêu chẳng tiếp xúc với bất cứ Phật tử nào cả. “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, sư tưởng trốn trong liêu thì yên thân, ngờ đâu bà triệu phú mỗi ngày đều tìm đến. Mấy ngày đầu bà còn dè dặt thăm hỏi, đến ngày thứ ba thì bà ngang bướng lục lạo khắp nơi, rồi xông thẳng vào trong liêu bất chấp mọi ngăn cản. Gặp sư, bà thí chủ khóc lóc bù lu bù loa, kể lể nỗi niềm thương nhớ chẳng úy kỵ gì cả, sư sợ có người nghe được thì lâm nguy nên phải xuống nước năn nỉ bà im lặng, hứa hẹn sẽ tìm gặp bà ngay. Sư đến thăm bà thí chủ thì bị kéo lôi, và “bổn cũ soạn lại” càng ngày sư càng đắm chìm trong biển tình không cách gì cựa quậy được. Cuối cùng sư Hồng Hạnh chọn giải pháp hoàn tục, nhưng sư vốn là người khôn ngoan, sư chuẩn bị chuyến ra đi rất chu đáo: sư gom góp tiền bạc đã lạc quyên, sư cũng bán luôn sở ruộng chùa tại Phú Lâm, mang về giao cho tình nhân cất giữ. Ðêm đó, sau khi dệt mộng sẽ đưa nhau đến một tỉnh miền duyên hải sống an nhàn trọn đời, hai người tổ chức liên hoan, đang cơn hứng chí bỗng nhiên sư bị trúng gió trên mình ngựa ngã lăn chết tức thời. 
Tin tức động trời đó bay về chùa khiến đám đệ tử ngơ ngác rụng rời. Ðau lòng nhứt là chú Nhựt Thịnh, chú hăm hở làm lụng vô cùng cực khổ, chắc mót từng đồng dâng lên cho sư phụ xây chùa, ngờ đâu sư phụ đem xây tổ uyên ương. Chú chửi thề ỏm tỏi, rồi bỏ về nhà một nước, thề trọn đời chẳng bước đến một ngôi chùa nào nữa. Sư chú Nhựt Tân hi vọng sẽ tiếp nhận trụ trì một ngôi chùa khang trang tài sản dồi dào, ngờ đâu, giờ đây phải kế nghiệp ngôi chùa đổ nát, tài sản bị vét sạch gọn ghẽ, nên cũng đau lòng không kém. Tuy vậy, sư chú vẫn ẩn nhẫn tiếp tục chăm sóc ngôi chùa, với hoài bảo khôi phục uy thế ngôi chùa như xưa. Thế nhưng hành vi tác tệ của sư phụ Hồng Hạnh quá tai hại, Phật tử chẳng một ai tin tưởng, họ rủ nhau tránh xa thành thử ngôi chùa ngày càng vắng vẻ và kiệt quệ, sư chú Nhựt Tân thua buồn hoàn tục bỏ ngôi chùa hoang phế theo thời gian...
Tiền duyên nghiệp chướng như cuộn phim ảnh hiện rõ ràng trước mắt, càng nhìn Hồng Hạnh càng bồn chồn lo lắng, nàng bật tiếng than: “Ôi! Thì ra ba đời chồng là ba con nợ nghiệt oan! Hởi ôi! Còn nợ nần bốn tên đệ tử nhỏ, còn  nợ nần vô số thí chủ nữa thì mình phải trả cách nào đây?”. Hồng Hạnh buông tiếng thở dài thườn thượt, nỗi kinh hoàng bất thình lình xâm chiếm khiến nàng run rẩy toàn thân. Nàng vận dụng hết sức mình để chống trả cơn run, thì chợt mở choàng mắt dậy. Trong giây phút chập chờn mê tỉnh, nàng khắc khoải tự hỏi mình thực sự là ai: cô gái ngây thơ Hồng Hạnh? cô Ba Cháo Gà Hồng Hạnh? hay nhà sư Hồng Hạnh? Chừng định thần lại, thấy mình đang nằm co rúm lạnh buốt da bên cành cây mít gãy, với sợi giây thòng lọng còn quấn ngang cổ, thì nàng mới nhận thức được giờ nầy mình là ai. Trời vừa hừng sáng, tiếng gió lao xao lá mít như điệu nhạc chào mừng, và mấy con gà giò đang nhốt trong chuồng – đáng lẽ đã phanh thây trong nồi cháo, mà thoát nạn – bỗng cất tiếng gáy vang.
Thì ra, khi Hồng Hạnh vừa ngộp hơi thì cành cây chịu đựng không nỗi sức nặng đã gãy lìa, nàng rơi xuống đất, khí trời lạnh ban mai đã giúp nàng lần lần hồi tỉnh. Còn những điều đã phát hiện như chuyện hoang đường trong cơn mê, thực hư thế nào, chính Hồng Hạnh vẫn mơ mơ màng màng phân vân chẳng có câu giải đáp. “?”. “?”.”?”.
Tháng 8.2002
  Lời cuối truyện:
Trước năm 1975, tác giả có đọc tập sách: “Cô Ba cháo gà nói chuyện âm phủ”, trong đó, sư cô Huệ Hiền tục danh Cô Ba Cháo Gà kể chuyện cô chết xuống địa ngục mới được biết kiếp trước cô là một vị hòa thượng trụ trì tại một tổ đình tại vùng Phú Thọ, đã phạm giới thông dâm với gái tơ và lấy của thường trụ nuôi gái. Kiếp nầy cô Ba Cháo Gà đã phải khổ sở phục dịch bảy đời chồng, là bảy đệ tử kiếp trước đã ra công phục vụ cho sư phụ, mà không được sư phụ dạy dỗ đạo pháp... Tác giả xin miễn phê bình về tính chất thực hư, đúng sai của câu chuyện. Tác giả chỉ xin nhắc lại phần ghi trên, phần đã gợi ý tác giả phóng tác thành chuyện Hồng Hạnh nầy.
  Ghi chú:
Câu ca dao nầy có lẽ đã xuất hiện rất sớm, sau khi người Pháp xâm chiếm miền Nam, bọn chạy theo thực dân đã dùng cái quyền lực, cái sang giàu, cái hào nháng bên ngoài (đèn đỏ đèn xanh) để quyến dụ đàn bà con gái nhẹ dạ, khiến có những gia đình phải chịu cảnh tan nát.
Câu ca dao nầy xuất hiện sau câu trên, vào thời điểm mà thực dân đã biến thành phố Saigon thành chốn ăn chơi: cờ bạc, hút xách, đĩ điếm... để làm bạc nhược tinh thần yêu nước của dân Việt. Câu hát nầy thể hiện nỗi lòng của một nàng con gái Việt ngoan hiền đã nhắc nhở anh chồng rằng: Gái Saigon chú trọng đến hào nháng lòe loẹt bên ngoài (đèn xanh đèn đỏ); gái Mỹ Tho chú trọng đạo đức bên trong (ngọn tỏ, ngọn lu); dẫu bị chồng bỏ rơi, nàng vẫn nhu mì; chín, mười năm vẫn đợi chờ chồng.
Cắc: 10 xu
Dòng kệ truyền pháp của tổ Ðạo Mân như sau:
Ðạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Chơn Ðăng Vạn Cổ Truyền.
Tính ra thì chữ Ðạo thuộc thế hệ thứ 31 phái Lâm Tế, chữ Như thế hệ thứ 39, chữ Hồng thế hệ 40, chữ Nhựt thế hệ 41.
5. Cây mít: là loại cây ăn trái mà gỗ thường được dùng để tạc tượng Phật tại các ngôi chùa xưa nên rất gần gũi với cửa Phật ở Việt Nam. Theo Chu quang Trứ (trong Sáng Giá Chùa Xưa), cây mít được người Thiên Trúc gọi là Paramita, âm Hán Việt là Ba la Mật nghĩa là đáo bỉ ngạn, nên ngày nay ở Huế có người vẫn gọi mít là cây Ba la Mật. Chư tổ sư thích trồng cây mít trong khuôn viên chùa, để mỗi khi nhìn thấy cây thì liên tưởng ngay đến thuật ngữ Ba la Mật để thúc liễm thân tâm tu hành.  Theo truyền tụng dân gian thì cây mít trồng trong chùa thường có linh tánh, đặc biệt là tình nghĩa với chư hòa thượng, mỗi khi quý Ôn (hòa thượng) từ trần người ta vẫn cho cây mít để tang Ôn, nếu không cây mít sẽ tủi thân mà chết. 

Xem Tiếp: ----