Buổi sáng,
Chào một ngày mới, một ngày như mọi ngày, hay chỉ khác hơn tối khuya qua trận gió tuyết về tới tấp sao đó mà phiá bên ngoài khung cửa sổ tuyết cao đến gần hai gang tay bám chặt đông cứng trên cửa kính. Bầu trời vẫn xám xịt một màu và gió vẫn chẳng ngưng.
Đưa thằng bé đến trường, hai mẹ con dìu nhau lội trong tuyết mà có những lúc khi đi ngang những khoảng sân trống phải đứng dừng lại vì gió quá lớn, thằng bé úp mặt vào tôi đòi … cõng. Lần từng bước tới được trường thằng bé trước nhiều con mắt nhìn của “ thiên hạ” thì cũng mất hơn nửa tiếng, may mà sáng nay đưa con đi học sớm chứ không thì trễ mất giờ thằng bé rồi. Cũng may hoặc là tôi cõng nó do sức nặng của nó trên lưng tôi lớn hơn nên gió không thổi bay hai mẹ con tôi đi. Thằng bé của tôi năm nay đã 12 tuổi rồi, nó cũng không phải là cậu bé gầy nhom ốm yếu cho nên cõng nó thật khá mệt với cái áo khoác dày của mẹ, của con vào muà đông và trên con đường đôi chỗ trơn trượt. Nhưng dắt tay nó đi thì gió quá mạnh và tuyết cứ táp vào mặt đến tê cứng thì tôi lại không đành lòng khi nghe nó vòi vĩnh
- Mẹ cõng con đi, tuyết cứ cắn mãi vào má con đau lắm"  Con đường đến trường của thằng bé mọi ngày hai mẹ con đi chỉ mất có hơn 10 phút thế mà hôm nay phải hơn nửa giờ mới đưa được thằng bé tới trường. Cậu con trai được tôi cõng gần tới cổng trường thì đòi xuống hoá ra là cậu sợ bạn cười. Hôn vội lên trán con tôi vừa thở vừa nói
-Con vào lớp đi, mẹ đi làm nghe
Cậu con “ bẽn lẽn” cảm ơn tôi rồi nói
- “ Hôm nay mẹ cõng “ người đàn ông của mẹ” mệt lắm phải không?
Câu nói trẻ thơ làm tôi phì cười và cái mệt bay đi đâu mất. Vừa đi vừa như chạy tôi vội ra bến xe cách trường cậu nhỏ 15 phút đi bộ để đón xe đi làm, bến xe buyt vào giờ đi làm, đi học, thiên hạ hối hả chen lấn nhau đến dễ sợ, ai cũng mong lên được xe để khỏi có cảnh chờ đợi nửa giờ dưới trời tuyết lạnh cóng.Người ta quên đi cả việc phải nhường người lớn tuổi hay phụ nữ lên trước. Mà thời buổi này, chẳng ai cần nghĩ đến cái chuyện “ nhường chỗ” như ngày trước nữa. Cho dù trên xe nơi dành riêng cho những người có tật hoặc những ông bà cụ già có đề biển và vẽ hình minh họa, người ta cũng vẫn “ lơ” đi, miễn là lên được xe và kiếm được chỗ ngồi. Theo dòng người đẩy đi, tôi cũng lên được xe, với tay lên thanh ngang phiá trên cho khỏi ngã, xe chật như nêm, người với người và “ hơi với hơi” của đủ thứ loại mùi “ Người” tôi nhìn ra bên ngoài tuyết vẫn mịt mù trắng xoá - Một ngày chẳng lấy gì là sáng sủa
Buổi trưa,
Giai điệu nhạc “ Chiều Matxcơva” bỗng vang lên,( tôi đã chọn bản nhạc này làm tiếng chuông điện thoại) cầm cái máy chẳng thấy hiện số như mọi khi tôi cứ nghĩ là điện thoại quốc tế gọi, lòng chợt nghĩ, “ chẳng biết ai từ đâu gọi cho mình “ nghe hay không nghe? nghe thì tốn tiền lắm đây mà không nghe thì chẳng yên dạ. Cuối cùng cái “ hiếu kỳ” cũng thắng
- Tôi nghe đây
- Người đàn ông của mẹ chào mẹ, chúc mẹ ngày lễ tình nhân vui vẻ
Cậu con trai gọi từ máy điện thoại công cộng miễn phí của trường tới ( thảo nào cái máy cel của tôi không hiện số ) chỉ để chúc tôi “ ngày lễ tình nhân 14/2/2005 “
Tôi nói: - Cảm ơn con trai, làm sao con biết hôm nay ngày lễ tình nhân? “
Cậu con trai thì thầm trong máy “ – Hôm nay trường con có cả một thùng thư ghi chữ đó mà, ai cũng có thể gửi thư và nhận được thư hết mẹ ạ, ngày hôm nay không của riêng ai hết, con chúc mẹ, vì con là con trai mà. Chút nữa con sẽ chúc chị “
Tôi vội nói, chúc mẹ được rồi, đừng gọi chúc chị nữa máy không hiện số chị sẽ không nhận điện thoại con đâu, mà nếu chị nhận điện thoại chị sẽ tốn tiền lắm. Mẹ ngưng điện thoại nghe “đầu giây im lặng một chút, xen lẫn đâu đó tiếng reo hò đuà nghịch của đám trẻ chắc chạy xung quanh cái máy điện thoại công cộng trong hành lang của trường vọng vào máy, tôi đoán chắc cậu con trai buồn lắm khi nghe tôi nói nó đừng gọi cho chị vì sợ tốn tiền.. Cậu con trai lại nói
- 2 giờ chiều con tan lớp mẹ đi đón con nha mẹ
- Được rồi, mẹ sẽ thu xếp việc đi đón con
Buổi chiều,
Lấn cấn mãi cho công việc đầu tuần mãi tới 3h chiều tôi mới dứt khỏi việc để xin phép về sớm đi đón con. Biết chắc thằng bé sẽ đói vì ngồi đợi mẹ trong trường nên trước khi ra khỏi khách sạn nơi công ty tôi có cái văn phòng trên tầng cao nhất, tôi mua vội một phần bánh mì kẹp thịt cho nó ở quầy ăn nhanh trong phòng lớn của khách sạn.
Tuyết bay hắt vào mặt, tôi mới nhớ từ sáng đến giờ tôi chưa ăn gì ngoài café và nước trà buổi sáng. Thế nhưng tôi cũng không thấy đói, đợi mãi mới có xe buýt tới, bây giờ thì tôi không phải "chen “ như hồi sáng nữa, xe buyt rộng đủ để cho tôi có chỗ đứng thoải mái, lác đác trên xe đã thấy những thanh niên nam nữ cầm trong tay đoá hoa nho nhỏ,tay trong tay của ngày lễ tình nhân.
Trời vẫn đầy gió và tuyết, có lẽ hôm nay bão tuyết hay sao đấy mà tuyết vẫn rơi mịt mù mãi không thôi.
Thằng bé của tôi vẫn ngồi chờ mẹ trên dãy ghế nơi hành lang ăn mặc đầy đủ mắt vẫn nhìn ra phiá cổng trường. Nó không biết rằng tôi đi vào trường bằng cổng sau cho gần.
Đi vội về phiá con tôi ôm chầm lấy nó, mắt nó đã rơm rớm nước mắt, nó đã chờ tôi hơn 2 giờ đồng hồ. Xin lỗi người gác trường ngồi đó tôi đưa cái bánh mì ra bảo con ăn tạm rồi hai mẹ con sẽ về, cậu con trai oà khóc, tôi cuống quýt bấn hết cả người tưởng có chuyện gì hay nó đau gì, hoá ra không phải nó nghẹn ngào bảo “
- Con chờ mẹ lâu quá con cứ nghĩ mẹ bị ông già tuyết bắt đi rồi.
Khổ thân con trai của tôi, trong cái đầu non nớt của nó ngoài câu chuyện “ cổ tích” mỗi khi có bão tuyết tức là “ông già tuyết đang nổi giận bắt đi một người nào đó “ mà chị nó bịa ra kể cho nó nghe mỗi khi bên ngoài có tuyết từ cái ngày nào xa lắm khi nó hỏi “ chị ơi tại sao trời cứ đổ tuyết mãi không ngừng như thế “
Tôi ôm con lau nước mắt và nói bằng giọng xin lỗi
- Mẹ xin lỗi “ người đàn ông của mẹ “ mẹ bận quá, bao giờ đầu tuần mẹ cũng rất bận mà, con lại gọi mẹ bất thình lình đi đón, mẹ không thể xin đi ngay được, mẹ xin lỗi, từ mai mẹ sẽ không để “ người đàn ông của mẹ” chờ mẹ nữa nhé. Cậu con trai phụng phịu nhưng cũng bảo “
– “ Người đàn ông của mẹ tha lỗi cho mẹ ngày hôm nay đấy “
Tôi cũng không nhớ từ ngày nào con trai của tôi luôn nói câu “ con là người đàn ông của mẹ “ có lẽ vì cuộc sống của ba mẹ con tôi đã từ rất lâu không hề có sự hiện diện của người đàn ông nào khác trong gia đình chăng? tôi không biết, xong cũng thể đó là nguyên nhân khiến đưá trẻ 12 tuổi như nó có được câu nói ấy. Hoặc nó đã xem từ phim ảnh hay ai đó dạy cho nó nói. Xong mỗi lần nghe nó nói tôi lại bật cười. Phải rồi ngoài nó ra tôi không có người đàn ông thứ 2 trong đời sống của mình và hiện diện bên tôi trong đời sống hàng ngày, những công việc của “đàn ông’ như sửa chữa những cái gì hỏng hóc trong nhà, đóng lại một cái bàn bị hỏng chân, sửa lại vòi nước trong nhà tắm, thay bóng điện tất tật những gì thuộc về công việc " chân tay" của “ thế giới của người đàn ông” tôi đều tự làm, và từ lúc nó nhận thức được mọi chuyện nó vẫn ngồi bên cạnh tôi coi tôi sửa chữa ghi nhớ và hỏi han tôi. Vâng, chỉ có nó là người đàn ông trong nhà. Đôi khi những lúc vui đuà nó và chị nó vẫn nói - “ mẹ ơi, mẹ còn xinh lắm mẹ lấy chồng đi mẹ “ - “ mẹ ơi con tìm chồng cho mẹ nhé". Những lúc ấy tôi thường phải lên mặt làm nghiêm mắng át chị em nó đi. Tôi không biết cuộc sống không có người đàn ông thứ hai sau nó trong gia đình nhỏ này như thế có tốt hay không tốt cho trẻ con của tôi, và cái thiên chức vừa làm mẹ vừa cha của tôi mãi như thế có tốt hay không? Xong với tôi, hạnh phúc chỉ đơn giản khi tôi nhìn thấy nụ cười hàng ngày luôn nở trên môi con gái, con trai của tôi. Nhìn hai chị em nó khoẻ mạnh học giỏi và ngoan thế là tôi thấy mãn nguyện lắm rồi. Và thời gian cứ trôi, tuổi trẻ hay tuổi thanh xuân của riêng tôi, tôi không muốn nghĩ đến. Con gái của tôi cũng đã không làm tôi thất vọng khi nó là một trong sinh viên nhỏ tuổi nhất trong các trường đại học ở đây, 18 tuổi đã học năm thứ ba đại học và học rất giỏi, cũng chỉ còn một năm nữa ra trường tôi không muốn nghĩ đến điều gì khác trong cuộc sống của mình. Tôi chỉ mong rằng tôi có đủ sức khoẻ và đi làm được để có thể cho nó học tiếp lên nữa nghành học mà nó yêu thích đó là nghành kiến trúc ở một đất nước xa xôi mà nó hằng ao ước.
Chiều nay gió tuyết thật lớn, hai mẹ con tôi vẫn lần bước về nhà trong gió tuyết, gió còn mạnh hơn buổi sáng sớm, thằng bé không đòi tôi cõng như buổi sáng mà cứ níu chặt lấy tay tôi, hai mẹ con dìu nhau đi và có những lúc bị gió tuyết thổi ngã, những “ bông “ tuyết không còn mơn man trên má như mọi ngày mà như quất vào mặt đến tê dại, lạnh cóng không còn cảm giác.
Về đến nhà, tôi vội vàng thay đồ và dùng khăn nóng lau mặt xức kem trẻ con cho thằng bé,hoà nước muối vào chậu nước nóng tôi cởi giày tháo vớ bắt nó ngâm chân. đi tới hai cái vớ len trong đôi giày lông mà hai bàn chân thằng bé vẫn đỏ lựng và lạnh cóng, nhìn đôi bàn chân con lòng tôi như có muối xát.
Muà đông nước Nga thật khủng khiếp và cũng không có trận gió tuyết nào như hôm nay trong vòng mười năm đổ lại thế này, ngày trước có những lúc nhiệt độ âm đến 35 độ C trời lạnh cóng và học sinh được nghỉ nhưng cũng không như hôm nay nhiệt độ rất nhẹ chỉ khoảng 8 hay 9 độ C nhưng gió và tuyết thật hãy hùng. Chẳng còn lại vẻ gì của một ngày lễ tình nhân thơ mộng nữa. Cái cảm giác đi giữa buổi chiều muà đông lạnh lẽo tuyết phủ mịt mù và gió thổi ào ạt thô bạo quất lên từng khuôn mặt người, từng khuôn mặt trẻ thơ thật đáng sợ. Nhưng trẻ con vẫn phải tới trường, và người lớn đi làm vẫn cứ phải đi làm. Cuộc sống dường như là thế, giữa những ngày lạnh lẽo của muà đông xứ người, cuộc sống vẫn phải diễn và “ một ngày cũng vẫn như mọi ngày” chỉ khác chăng ý nghĩa của ngày đó với từng người sẽ là thế nào mà thôi.
Buổi tối ba mẹ con tự “ chúc nhau" và thằng bé đã tặng tôi một bông hồng rất đẹp do tự tay nó vẽ với dòng chữ đề tặng “ Yêu Mẹ “
Bên ngoài ô cửa sổ tuyết vẫn đập vào cửa kính và gió vẫn rít lên từng cơn. Nhưng trong căn phòng nhỏ của ba mẹ con tôi tiếng nhạc nhẹ vẫn lan nhẹ trong khoảng đêm đã đưa các con tôi, con gái và con trai " người đàn ông của tôi" vào giấc ngủ ngoan hiền thánh thiện từ lúc nào ….
Một ngày đã trôi qua....
14-02-2005
Ngọc Dung

Xem Tiếp: ----