Jul 15, 2004
Vậy là Đoàn Văn Cừ đã ra đi, lặng lẽ cất cánh xa bay vào cõi hư không, gieo tiếc nuối cho nhiều người, vào độ tuổi đời kể ra đã thọ, 92 tuổi, nhưng văn học chưa già, còn năng lực sáng tác. Một vì sao đã rơi rụng ngày 27.6.2004, sau Hoài Chân đúng ba ngày ngắn ngủi. Hoài Thanh và Hoài Chân là đồng tác giả của tập “Thi nhân Việt Nam” xuất bản năm 1942 viết về các nhà thơ đương thời, trong đó có đề cập tới Đoàn Văn Cừ, không ngờ khi sống đã biết nhau, tới khi chết còn kéo theo nhau, thật khăng khít. Hoài Chân tức em ruột của Hoài Thanh, tên thật Nguyễn Đức Phiên sinh ngày 11.4.1914 tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cùng Hoài Thanh [15.7.1909 – 14.3.1982] tên thật Nguyễn Đức Nguyên, biên soạn tập “Thi nhân Việt Nam”. Ngay khi đương thời soạn thảo tác phẩm họ đã không nắm vững gì hơn về ông, đã phải ghi chú: “Khi quyển này đưa in chúng tôi vẫn chưa biết gì thêm về ông Đoàn Văn Cừ tuy đã hỏi rất nhiều người. Vậy xin mạn phép ông trích mấy bài thơ. Ông ở đâu làm ơn cho chúng tôi biết.” Phải chăng vì vậy Thế Phong đã gọi ông là “nhà thơ tìm kiếm” của Hoài Thanh và Hoài Chân. Tuy nhiên cho đến nay những gì viết về ông nhiều tài liệu văn học đều đề cập tới một cách đơn sơ.
Sự thật phải nói rằng ông vốn kín đáo, khiêm nhường nên đã không gửi hình và tiểu sử cho Hoài Thanh và Hoàn Chân khi họ nhắn tin ông trên báo chí hồi đó, hơn nữa khi bấy giờ ông đã dời về Nam Định dạy học, tham gia cuộc biểu tình đòi hỏi chính sách lương bổng, thuế khóa cho được công bằng, không để bị bóc lột tàn bạo của công nhân Nhà máy sợi tại đây và đã bị mật thám Pháp ngày đêm theo dõi gắt gao cho rằêng ông hoạt động chính trị để chống đối sự đô hộ của chính phủ bảo hộ. Hoài Thanh và Hoài Chân mệnh danh ông “nhà thơ đồng quê có ngòi bút dồi dào, rực rỡ”, đúng vậy hình ảnh nông thôn trong thơ ông đã phản ảnh trung thực làng xã của đời thực, từ chuyện gặt hái, ma chay, cưới xin, cháy nhà, bắt cướp, đàn trâu, bác bán thuốc...tới phong tục, tập quán, sinh hoạt. Thời bấy giờ xuất hiện nhiều bài thơ tình mượn cảm hứng từ niềm cô độc, nhớ thương riêng tư, ông trái lại đã sáng tác được nhiều bài thơ xuất sắc, đưa thơ ra đường hội nhập với sự đông đúc, tươi vui như cảnh chợ Tết, đám hội làng. Những ai đã một thời sống ở nông thôn vào những ngày hè về thăm quê hay những ngày khói lửa, tản cư về nông thôn mới cực cảm được sự sinh động và kỳ ảo của ông khi diễn tả cảnh “Đám hội” làng vào mùa xuân có rước kiệu, đấu vật, chơi cờ người, tế lễ, hát bội...đến những trò chơi diễn ra ở khắp các làng quê. Cách nhìn và cảm xúc của ông lai láng hồn quê, phản ảnh mọi mặt đời sống thôn dã trong những vần thơ trữ tình, có thể coi thơ của ông như những tư liệu đáng tin cậy đóng góp vào việc nghiên cứu nông thôn. Chính bởi thế thơ ông đã bị cộng sản cho rằng phản ảnh thiếu trung thực xã hội nông thôn với những mâu thuẫn gay gắt, ý họ muốn thơ ông phải đề cập tới sự đấu tranh giai cấp một mất một còn giữa chủ điền và tá điền, rõ sặc mùi văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa phi nhân bản vậy. Nhà văn Thạch Lam trong Tự Lực Văn Đoàn đã lập luận: “Một lối thơ riêng, rất riêng, đặc biệt nhiều mầu sắc và cảnh sắc.”
Ông sinh ngày 25.3.1913 tại làng Đô Quan, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân, lớn lên đi dạy học, sau trở về tỉnh nhà làm việc, gắn bó với mảnh đất cũ, cho đến những năm cuối cùng của đời người ông hầu như sống đời ẩn dật, không bon chen danh lợi. Thanh Tùng trong "Văn Học Tự Điển" 1973, đã đặt nghi thuyết cho rằng ông sinh tại tỉnh Thái Bình, căn cứ theo một sự kiện năm 1946 khi nhà thơ Vũ Hoàng Chương tản cư về dạy học tại tỉnh Thái Bình có sống với Đoàn Văn Cừ. Ông không những yêu quê hương một cách đơn thuần mà còn khát vọng tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống của người nông dân in sâu dấu vết xưa. Thơ ông được in báo từ những năm 1939 – 1940, nổi tiếng cách đây hơn 60 năm với những bài thơ mang đậm phong vị làng quê và lễ Tết như “Đám cưới mùa Xuân”, “Đám hội”, “Đường về quê mẹ”, “Trăng hè”...mang cùng tâm trạng của những nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên nhớ thương dĩ vãng. Thơ ông được xuất bản bằng các ngoại ngữ Pháp, Tây Ban Nha để giới thiệu với người ngoại quốc.
Hoài Thanh và Hoài Chân nhận định: “Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt. Người xem tranh hoa mắt vì những nét những màu hình như rối rít cả lại; nhưng nhìn kỹ thì màu nào nét nào cũng ngộ nghĩnh vui vui.” Ông sở trường lối thơ tả chân nông thôn kết hợp với suy tư, tưởng tượng, nhiều màu sắc, hình tượng mang tính chất dân tộc và hiện đại, hiện thực và lãng mạn. Đọc bài “Chợ Tết” ông đã ném vào cái ngoại cảnh dồn dập, tươi vui đó một ít cảm xúc của mình, tạo được cái hậu khi kết thúc. Người ta say sưa theo dõi từng đoàn người kéo nhau đi trên đường quê. Từ “ những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”, vài cụ già tay chống gậy tre “bước lom khom” trên đường đất sống trâu, đến những “cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”, đứa bé “nép đầu bên yếm mẹ” và nào “hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu”, theo sau “con bò vàng ngộ nghĩnh” lũ lượt kéo về hướng chợ. Chưa tới chợ không khí đã thấy tươi vui, nhộn nhịp, thậm chí núi đồi xưa nay vẫn im lìm, bỗng dưng nôn nao choàng thức giấc, choàng vội lên người thảm cỏ xanh non, và thoa lên màu son thắm của bình minh. Tới chợ thì người, vật, hàng quán chen lấn, xô bồ, người ta xấn kéo cụ lý đến tung cả khăn quấn đầu, cảnh tượng đó làm họ hoa mắt lên, vậy mà ông còn bình tĩnh nhận thấy:
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Ông có cái nhìn tinh tế, bao quát, thấy từ “con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ”, “anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ”, một thày khóa đang gò lưng “hí hoáy viết thơ xuân”...đến một bà mua gà cầm cẳng con gà sống dốc ngược lên xem, mào thâm như miếng tiết. Trời xuân có khác, thật bát ngát, trên bãi cỏ xanh, một chị đánh đu, ngửa người tít trên không, cụ già mắt hấp háy ngẩng đầu trông theo. Điểm thêm một sắc màu ấm áp cho bức tranh quê, ông phác họa nhiều nét linh hoạt:
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Hay cảnh người chị đứng gào đến khản cổ lũ em bị thôi miên bởi những bức tranh con gà, con lợn. Đàn lợn mẹ và con tượng trưng con đàn cháu đống, thương yêu, đùm bọc nhau qua mọi cơn hoạn nạn. Tranh đàn gà mẹ và con nói lên tình mẹ thương con, đẹp muôn thuở, nuôi nấng con cái, dạy dỗ nên người, bảo vệ, chống đối mọi sự đe dọa của loài diều hâu thường hay lai vãng rình rập. Tranh con gà trống dáng vẻ hiên ngang, biểu tượng chữ tín cao quý của con người, gáy đúng giờ giấc mỗi ngày, không lười biếng, trễ nại, quanh năm suốt tháng là bạn của người nông dân chân lấm tay bùn, làm bạn với con trâu cái cày:
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
Phiên chợ quê họp đến khuya, họ quanh năm chỉ có một ngày để người mua người bán, chuẩn bị sắm sửa cho mấy ngày đầu năm xum họp gia đình. Dù ai buôn ngược bán xuôi ngày Tết đều tìm về bên nhau ôn nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ, hàn huyên về công ăn việc làm trong năm cũ và những vui buồn để đời. Họ loãng tan trên khắp các nẻo đường quê, trở về những làng mạc xa xôi, hẻo lánh, lặng lẽ và buồn hiu. Cảnh vật dường như chia sẻ tâm trạng đó của con người, nắng vàng tắt lịm và lá khô rơi rụng tan tác. Thế giới thực khép kín nhường chỗ cho thế giới mộng hiện ra, cảnh vật thật tan biến, mở ra thế giới mộng, tâm hồn bâng khuâng, man mác như vắng thiếu một cái gì:
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
Đây có thể coi như điển hình cho lối thơ của ông. Người ta thấy hình ảnh Tết được ông ghi nhận một cách sâu đậm, tưởng chừng một thứ kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm trí. Hoài Thanh và Hoài Chân lập luận: “Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng.” Thơ của ông biểu tượng cho những hoạt cảnh rộng lớn người ta có thể tìm gặp bằng cái nhìn khách quan, một đôi bài, chẳng hạn bài “Tết” không gian lại được thu hẹp trong khung cảnh chật hẹp của gia đình, ông ký thác nhiều tâm tình:
Trời lất phất mưa sa
Giờ lâu tràng pháo chuột,
Đì đẹt nổ trên hè,
Con gà mào đỏ chót,
Sợ hãi chạy le te
Cây nêu trồng ngoài ngõ,
Soi bóng dưới lòng ao
Chùm khánh sành gặp gió,
Kêu lính kính trên cao
Từ khi ông tôi mất,
Bà tôi đã qua đời,
Tôi mỗi ngày mỗi lớn,
Nên chẳng thấy gì vui
Ngoài ra ông còn phô diễn được trọn vẹn những kỷ niệm vui buồn thời thơ ấu, làm chứng nhân trước những biến đổi gia đình, những cảnh tử biệt sinh ly đớn đau, tang tóc không ai tránh khỏi một lần trong đời. Hình ảnh ông bà già nua, những cử chỉ chăm nom săn sóc của những cháu chắt, biểu hiện tình thương yêu đậm đà chỉ còn tìm thấy trong xã hội Đông phương nặng mang truyền thống giáo lý ngàn đời của dân tộc:
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Nơi miền quê ngoại của hai thân
Tôi nhớ đi qua những rặng đề
Những dòng sông nhỏ chạy ven đê
Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp
Người xới cà ngô rộn bốn bề
Mẹ hiện ra trong tiềm thức, ngày nào lon xon đuổi theo chân mẹ, trong cảnh quê êm đềm nọ. Thật cao đẹp, son sắt trong nghĩa tình, duyên dáng bởi hình thức. Khuyên vàng, yếm thắm, áo bùn non lồng lộng giữa trời trong xanh, bà thúng cắp ngang hông, đem tạc thành tượng, khắc ghi muôn đời, hình ảnh đẹp của người phụ nữ đoan trang, tiết hạnh:
Thúng cắp ngang hông nón đội đầu
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u như thể thời con gái
Mắt sáng môi hồng má đỏ âu
Tới cảnh “Trăng hè” ở thôn quê có thể nói ông đã đạt tới đỉnh cao của tả chân, tinh vi và sắc sảo. Trong khi nhiều nhà thơ khác tìm cảm xúc từ những lãnh vực triết học, xã hội...ông và Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Anh Thơ - Vương Kiều An - đã tìm về nông thôn tưởng rằng quá quen thuộc, nhưng tạo được những dáng vẻ đẹp chứa đựng những tập tục cổ xưa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trải dài ngót năm ngàn năm lịch sử. Nếu Đoàn Văn Cừ nhìn đồng quê từ cái nhìn bên ngoài, trái lại Anh Thơ diễn tả qua tâm sự của người con gái ở bên trong, thấm đượm tình yêu thương nơi mình sinh ra, lớn lên. Khung cảnh làng quê im lìm dưới trăng vàng, ngoài hiên kẽo kẹt tiếng võng đưa, tiếng ầu ơ của bà mẹ ru con, con chó ngủ lơ mơ nơi đầu thềm. Đêm khuya vắng lặng, ông lão nằm trơ vơ giữa sân:
Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa,
Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ,
Bóng cây lơi lả bên hàng giậu,
Đêm vắng, người êm, cảnh lặng tờ
Ông lão nằm chơi ở giữa sân
Tàu cau lấp lánh ánh trăng ngân,
Thằng cu đứng vịn bên thành chõng,
Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân.
Nói về mình ông phát biểu: “Ngót 60 năm cầm bút tôi chỉ có một ước mơ khiêm tốn: “Trong thơ góp một đường cày – Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa.” Ông giờ đây đã xa lìa cõi thế nhưng những thi phẩm “Thôn quê” 1 – 2, "Việt Nam huy hoàng", "Trần Hưng Đạo anh hùng dân tộc", “Dọc đường xuân”, “Đường về quê mẹ”, “Tuyển tập Đoàn Văn Cừ”...viết theo bút pháp tả thực, sâu đẫm hồn quê tạo được sắc thái đặc thu không dễ mấy ai đã có thể đi vào. Cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời, tuổi cao bệnh nặng, ông vẫn nặng mang một niềm tin về những sắc màu tuyệt diệu của nông thôn, và đúng như ông từng quan niệm: “Những giờ sống đích thực của nhà văn là trên trang viết.” Đó mới chính là chân giá trị của người cầm bút chân chính thực sự phục vụ cho những gì cao đẹp của văn học nghệ thuật vậy.
NHẬT THỊNH

Xem Tiếp: ----