Hàn Mặc Tử, một người rất Tây học, nghiên cứu đủ thứ về văn minh phương Tây lại không chịu tin vào Tây y. Khi biết mình bị mắc bệnh phong, chàng đã đi tìm một nơi hoang vu vắng vẻ để lẩn trốn người quen rồi chạy chữa bằng những thứ thuốc của lang băm. Nguyên nhân khởi phát căn bệnh phong của Hàn Mặc Tử được nhiều sách báo dẫn lại: Một hôm, từ Sài Gòn ra Phan Thiết thăm Mộng Cầm, chàng được Mộng Cầm dẫn đi dạo chơi lầu ông Hoàng. Đến lúc chiều tối trở về, băng qua cánh đồng thì gặp cơn mưa giông. Cả hai chạy vào trú trong một căn chòi bên đường. Mưa mỗi lúc một lớn, trời tối đen như mực. Từ trong căn chòi, hai người nhìn ra bên ngoài thấy có những quả cầu lửa màu xanh dưới đất vùn vụt bay lên. Những quả cầu lửa chớp tắt liên tục. Đồng thời lại nghe tiếng rền vang ầm ầm như ai lăn thùng sắt trên đường đá. Hai người rất hoảng sợ, ngồi ôm nhau run rẩy trong căn chòi. Một lúc trời quang mây tạnh, bước ra khỏi nơi trú mưa thì mới biết mình đang ở cạnh một ngôi mộ ai mới chôn. Trở về Sài Gòn ít hôm, Tử thấy ngứa ngáy khó chịu trong người. Một thời gian thì nổi lên những vết đỏ như đồng xu ở trên lưng, sau lan dần ra khắp người. Căn bệnh phong xuất hiện từ đó. Những thông tin này đăng tải kèm với lời phê phán việc Mộng Cầm bỏ Tử đi lấy chồng trong lúc Tử bị căn bệnh quái ác hành hạ, khiến Mộng Cầm hết sức day dứt. Theo quan niệm dân gian trước nay, thì căn bệnh phong phát ra do nhiễm phải hơi dưới ngôi mộ mới bốc lên trong lúc mưa giông. Nhiều người tin điều đó là có thật nên càng trách Mộng Cầm nhiều hơn, rằng nàng đã gián tiếp đưa chàng đến chỗ bệnh tật rồi lại vội vã bỏ ra đi. Tuy nhiên, ngay từ thời ấy, khoa học đã chứng minh căn bệnh phong do loại vi trùng có tên là Hansen gây ra. Chính khi Hàn Mặc Tử nhập bệnh viện phong Quy Hòa, bệnh viện Quy Nhơn đã làm xét nghiệm cho chàng và tìm ra vi trùng Hansen trong cơ thể chàng. Nhưng có một điều gây khó hiểu cho nhiều người là việc phát bệnh của Tử lại có những chi tiết trùng hợp với quan niệm dân gian nói trên. Nguyễn Bá Tín cho biết, chính Hàn Mặc Tử đã kể với bà mẹ về chuyện mắc mưa giông trong nghĩa địa: "Mẹ tôi linh cảm có chuyện chẳng lành. Bà vặn hỏi mãi thì anh kể chuyện có hôm cùng người bạn đi chơi Phan Thiết, gần tối băng qua cánh đồng, thì gặp phải cơn mưa giông dữ dội...". Ngay cả Mộng Cầm cũng thừa nhận có chuyện như vậy. Đoạn đối thoại giữa Châu Hải Kỳ và Mộng Cầm trên tạp chí Phổ Thông số ra ngày 15/8/1961 ghi lại: - "Như vậy xin lỗi bà, bà có đi lầu ông Hoàng và có gặp mưa không? - Tôi nhận có đi chơi lầu ông Hoàng với Hàn Mặc Tử, có gặp mưa, có ngồi ở nghĩa địa, nhưng không phải vì đó mà Hàn Mặc Tử bị phong như anh Quách Tấn đã viết. Nếu Hàn Mặc Tử bị phong sao tôi không hề hấn gì cả? Hai người cùng ngồi núp mưa một chỗ kia mà!". Song song với câu chuyện trên, có một câu chuyện hoang đường khác cũng liên quan đến căn bệnh phong, được truyền tụng trong dân gian thời ấy. Đó là sự báo thù của những người chiến bại ở thành Đồ Bàn khi xưa. Sự báo thù chỉ nhắm vào những thanh niên đẹp trai, học giỏi. Lời đồn đại này làm cho người dân thành phố Quy Nhơn thời ấy luôn sống trong hồi hộp lo âu. Lâu lâu ở thành Quy Nhơn, thấy vắng bóng một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai là mọi người hiểu anh ta vừa phát bệnh phong, phải đi trốn. Lời đồn này đã có từ xa xưa, trở thành một truyền thuyết lưu truyền qua nhiều thế hệ. Người dân Bình Định, đặc biệt là Quy Nhơn, bao giờ cũng nơm nớp lo sợ sự báo thù ghê gớm của một giống người Hời. Và thật thú vị, cũng chính những truyền thuyết này là chất men sáng tạo cho những nhà thơ điên của thành Quy Nhơn. Chế Lan Viên cùng với Yến Lan thường lang thang bên những tháp Chàm đổ nát để tưởng nhớ về những người Hời huyền thoại đó. Trong bài thơ Trên đường về, Chế Lan Viên viết: "Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi". Hàn Mặc Tử cũng từng viết: "Mà vì đâu những tháp Hời kiêu ngạo Hằng muôn năm sống mãi dưới sương đêm". Chỉ tiếc là sau những tháng ngày lẩn trốn, cho đến cuối cùng, khi đã kiệt quệ sức lực thì thi sĩ mới chịu vào bệnh viện. Và vì thế nên mọi chuyện đã trở nên quá muộn màng.