Diễm ơi...
đã lâu không gọi diễm
diễm của tôi ngày xưa
diễm ơi còn trang điểm
bằng chuỗi hạt mưa thưa?
đã lâu không gặp diễm
chắc lạ lẫm nhau rồi
đường xa khôn tìm kiếm
bận rộn đời, chơi vơi
đã lâu...chợt lại nhớ
diễm xưa, một thuở nào
từng nhìn nhau ú ớ
từng chết cùng chiêm bao
(Dzi.)
Hắn quen Diễm trong trường hợp thật bất ngờ, hy hữu. Diễm là con gái lớn của bạn hắn. Người bạn mà hắn quen cùng đơn vị, cùng từng nhau chiến đấu chung một giao thông hào. Chắc các bạn lại nói:" Úi giời ơi, thế thì có gì lạ lẫm, hy hữu chứ! "Vâng lẽ ra thì là chuyện thường,nhưng cái thường ở trong trường hợp của hắn lại chẳng thường chút nào...
Này nhé, nói là bạn cùng chiến đấu chung một giao thông hào, nghe cho có vẻ dao to búa lớn thôi, chứ thiệt ra là họ có cùng một chí hướng khẩu chiến với những người hàng xóm chung quanh, không đồng …., chính kiến, chỉ là thế.
Cái làng chài ven song Cửu này vẫn thế. Hình như không một phút nào yên. Chẳng chuyện con gà nhà này qua bới vườn nhà kia thì cũng con chó nhà nọ qua ị … bậy trước ngõ nhà bên. Tiếng cãi nhau đều như tiếng mưa rơi, dòn như tiếng pháo nổ. Hình như nếu trong ngày không có một cuộc thượng mồm trên, hạ mồm dưới thì hình như xóm chài này buồn lắm, nhất là những ngày biển động, cư dân ngồi ngáp dài nhìn ra biển, bụng cồn cào. Người ta lại muốn gây nhau nhiều hơn, làm như để quên cái bao tử lép kẹp đang thét gào.
Có một hôm thuyền neo nơi bến đỗ. Hắn ngồi ngủ gục bên tay lái. Biển về chiều gió thổi hiu hiu, hắn vứt bỏ tất tật những lo toan hàng ngày xuống đáy nước, hắn quăng tuốt tuột những mộng mơ tình ái vào khoang thuyền tanh mùi cá, ẩm mùi nước mặn. Hắn đánh một giấc vô tư ….Đang mơ màng về những ngày thơ bé, đang mộng du qua những khung trời tuổi nhỏ có cha, có mẹ, có chị, có em …, xum họp bên nồi bánh chưng đêm 30 tết, đang tươi cười bên bếp lửa bập bùng, hắn như đang thoát tục, như lạc vào cõi thiên thai, vì từ lâu rồi hắn chưa bao giờ được vui như thế, thì hắn giật mình tỉnh giấc vì tiếng va chạm gì đó trên khoang thuyền. Hắn mở mắt nhìn quanh, đưa tay lên dụi mắt …Ơ …, một cô gái xinh đẹp quá đang mỉm cười với hắn ở trên bờ cách đó không xa. Hắn đưa tay dụi mắt lần nữa, để tỉnh ra xem có phải nàng cười mí hắn hay là mí ai …Rõ ràng mà, cô gái cười với mình mà. Hắn lẩm bẩm như thế và tự nhiên ngồi ngay ngắn trở lại, rà xét xem mình đã từng quen cô gái này ở đâu, cô ta không phải là cư dân ở đây, điều đó chắc như bắp vì cả gần năm nay khi hắn về tá tấp xóm chài này hắn chưa hề gặp cô bao giờ. Trông cách ăn mặc của cô ta cũng biết rõ cô không thuộc giai cấp thuyền chài tí nào. Hắn đang cố hình dung, tìm tòi trong ký ức nghèo nàn của hắn, để trả lời cho cái …,có vẻ như thân mật của cô gái, thì …trời ạ! Cô gái đưa tay ra vẫy vẫy và hắn nghe thánh thót bên tai:
- Này anh Miên, phẻ hông dị?
Ôi lạy chúa tôi, Hắn kêu khẽ, lại còn biết cả tên mình nữa …Ai vậy cà …Hắn ngơ ngác đáp thiệt nhanh và nhảy xuống nước lội vào bờ:
- Phẻ, phẻ lắm. Mà ủa, ai zậy cà?
Cô gái mỉm cười tinh nghịch:
- Thì là em chứ còn ai. Em con gái chú Út Min đây. Rồi nàng cười thiệt lớn. Tiếng cười dòn tan giữa khoảng mênh mông của biển, dội lại vang vang trong khoang thuyền.
- Dậy sao? Con chú Út mà sao tui không biết kìa.
- Làm sao anh biết được. Em đâu có sinh sống ở đây mà anh đòi biết chứ. Anh biết mới là lạ đấy.
- Mà sao cô biết tôi, hay quá dậy?
- Thì bố em kể về anh hoài mỗi lần ổng biên thư cho em
- Ủa, ổng kể chi dậy?
- Ổng kể là …Anh là đồng chí của ổng. Mỗi lần bố em đôi co với thiên hạ, chẳng cần biết phải trái gì anh đều đứng về phía ổng, gân cổ lên cãi phụ ổng, đúng không?
- Trời đất sao ổng lại kể cái chuyện tầm xàm đó với con gái mình chớ. Ông này thiệt kỳ.
Cô gái lại cất tiếng cười như nắc nẻ, làm hắn sượng sùng. Hắn đưa bàn chân di di trên cát, mắt nhìn ra biển hỏi nhỏ:
- Thế cô tên là gì nhỉ? Cô ở đâu mới về thăm nhà?
- Em tên Diễm, ngoài phố người ta hay gọi em là Diễm xưa, em ở ngoài phố mới dìa, định ăn Tết với gia đình.
Thế là hắn quen Diễm, kể củng hi hữu lắm chứ phải không các bạn
- Vậy chứ …, hồi nào tới giờ bố em không nhắc gì về em với anh sao?
Cô bé vừa hỏì vừa ngúng nguẩy, cái điệu bộ thấy mà …ghét. Hắn cũng khớp quá trước cái bạo dạn của dân thành phố nên ấp úng:
- Không, chưa bao giờ tôi nghe nói về cô cả …Sao chú Út lại giấu tôi chi vậy nhỉ?
Rồi hắn cười gượng gạo:
” Trời …có cô con gái đẹp, văn minh thành thị thế này mà định giấu tôi hen. Cái ông bạn già này. Thiệt tình …”
Diễm xưa cũng bẻn lẻn, đưa bàn tay thon nhỏ lên vén gọn mái tóc đang loà xoà trước mặt, làm duyên trước câu nói thiệt tình của hắn:
- Bộ anh là bạn của bố em sao? Anh còn trẻ qúa mà …
- Thì gọi là vậy đó mà. Những lúc rảnh tôi hay chơi cờ tướng với chú Út, rồi hai chú cháu dô vài xị cho ấm bụng. Chú Út vẫn cứ hay kêu tôi là “người bạn trẻ”, miết rồi tôi tới luôn cũng kêu ổng là “ông bạn già “ hì hì …Xin lỗi cô nghen vì quen rồi.
Và từ đó hắn thân với Diễm. Những ngày Diễm về lại thành phố hắn thỉnh thoảng cũng biên thơ cho Diễm kể lể những chuyện không đâu của cái xóm chài hiu hắt ven sông này và đôi lần hắn cũng thổ lộ với Diễm về những nhớ nhung:
“ Diễm ơi hôm nay nhớ Diễm chi lạ. Biển hôm nay buồn lắm Diễm à, mưa to và gió lớn, sóng gào thét dữ dội át cả tiếng cãi cọ của anh ba Thẹo và chị Tư rỗ. Miên ngồi đây chán đến nỗi chả muốn nhấc tay lên đuổi ruồi nữa, cái con ruồi này lì lợm quá cứ bay vo vo đậu trên mặt Miên hoài.Ngồi đây nhớ Diễm ghê Diễm ơi. Lúc này Diễm đang làm gì? Về quê thuyền chài này chơi đi Diễm. Miên tính đi bộ lên phố thăm Diễm đây, không biết con đường bao xa hả Diễm. Thôi hay để Miên đi vài chuyến biển nữa dành dụm ít tiền đi xe đò lên thăm Diễm cho oai một chút hỉ. …”
Đôi lần hắn cũng nhận được thơ Diễm. Diễm thường viết rất ngắn. Hắn cứ lẩm bẩm:
” Cái cô bé này sao hà tiện cả bút mực. Nhưng mà hà tiện như vậy mới làm giầu được chớ, sau này chung sống với nhau may ra mới tạo dựng được cơ đồ.”
 Hắn cứ làm như là hắn sắp cưới ngay được Diễm làm vợ. Tháng ngày tiếp nối đã nuôi lớn cái giấc mơ cưới Diễm làm vợ của hắn. Tự dưng hắn biết làm đỏm hơn những ngày trước, hắn biết chải lại mái tóc cho gọn gàng, biết ăn mặc áo quần tươm tất hơn và nhất là những người hàng xóm đã nhận ra sự thay đổi nơi hắn ;
- Gớm, cái thằng Miên dạo này thấy bảnh ghê á
- Ừ! Đôi khi còn thấy nó xịt nước hoa nữa đó, thơm phức.
- Hình như nó mê con gái lão Út rồi …Đúng là …hồn bướm mơ tiên mà
- Đâu có …Cái gì mà hồn bướm mơ tiên chớ. Con Diễm thì cũng xoàng thôi, có đẹp gì cho cam mà thím nói dậy chớ …
- Thì ít ra nó cũng là dân thành phố, còn cái thằng Miên chỉ là dân chài quê mùa …Bộ xứng sao
- Xứng chứ sao không xứng. Cái thằng này mà đóng bộ dô hả …, ăn khách lắm đó nha
Chỉ cái chuyện không đâu đó mà mấy thím thuyền chài cũng đã muốn gây gỗ nhau rồi. Hắn thì nghe những lời bàn tán miết rồi quen tai, chả còn vui buồn với những dèm pha trong lúc rảnh rỗi của bàn dân thiên hạ nữa. Mối tình của hắn và Diễm lớn lên theo ngày tháng. Hắn mừng như con nít được kẹo mỗi khi hắn nhận được thơ Diễm:
“ Anh thân thương của em
Dạo này anh thế nào, phẻ hông? Có đi biển nhiều hông? Ừ dành tiền để đi xe đò lên phố thăm em nha, đừng đi bộ xa lắm đó. Nhớ đừng có quen, đừng có nói chuyện mí mấy cô xí xọn, đít bự ở trong nha …Coi chừng em giận à …”
Hắn đọc lại lá thư:
” Bộ cũng biết ghen nữa sao cà”
Rồi hắn cười khúc khích, đứng dậy, vơ một nắm cát thẳng tay quăng xuống biển và nói to:
” Không đâu anh chỉ quen mình em thôi “.
 Hắn hét to quá làm mấy thím đang nhặt cá ở bãi giật mình nhìn lên lẩm bẩm:
- Đồ điên!
Hôm nay chiều 30 tết. Sinh hoạt trong xóm chài có phần bận rộn, nhà nhà đều chuẩn bị đón giao thừa. Hầu như nhà nào cũng nấu bánh tét, khói lên nghi ngút. Những đứa trẻ thì mặc thử những bộ quần áo mới mà mẹ chúng mới đi chợ tết mua về, chạy tung tăng khoe nhau. Có tiếng vài bà mẹ la lớn:
” Mặc thử chút thôi, thay ra đi để mai mồng một tết mới mặc con à “.
 Nhà chú Út có vẻ là ăn tết lớn hơn cả. Hắn thấy thím Út sáng nay đi chợ mua sắm nhiều lắm, gánh một gánh nặng. Còn hắn một thân một mình trơ trọi, tết hay không tết thì cũng thế thôi. Hắn đang nghĩ không biết ngày mai mồng một tết phải làm gì. Đi chúc tết từng nhà, dĩ nhiên. Nhưng sau đó …ngày đầu năm mà nhiều người kiêng cữ lắm chả lẽ mình lại ăn dầm ở dề nhà chú Út, hay giả bộ tới rủ chú Út đánh cờ tướng …,đâu có thể được chớ, ngày tư ngày tết người ta bận rộn xum họp gia đình vui chơi thì giờ đâu mà chơi cờ tướng. Hắn là rảnh rỗi nhất chả nấu bánh tét, chả làm kẹo bánh chi cả. Hắn mơ màng nghĩ tới ngày mai khi gặp Diễm ngày đầu năm mình phải chúc tết cô bé như thế nào nghe cho tình tứ một chút.
Hắn bấm đốt ngón tay, miệng lẩm nhẩm tính:
” Mình đã quen Diễm được hơn một năm rồi, đúng ra là một năm lẻ 4 ngày. Cũng một ngày cuối năm ngoái mình quen cô bé “.
Thời gian qua nhanh như thế mà cái cảnh heo hút của làng biển này vẫn trơ trơ, vẫn những con người quần xăn qua đầu gối, miệt mài với biển, biển thì không thuần khiết, lúc mưa lúc nắng. Con người nơi đây chỉ biết chịu đựng. Cũng có những người đã không kham nổi với cái khắc nghiệt của biển, đã bỏ biển mà đi. Cũng có những người đi chán rồi lại tìm về biển chắc vì cái số của họ ông Trời đã bắt phải gắn liền với biển rồi, thì trốn bỏ đi đâu cho được. Hắn ngồi mà nghĩ lại đời mình, sau ngày 30 tháng tư năm nào gia đình hắn sơ tán, thất lạc mỗi người một nơi. Hắn theo dòng người di tản từ “phố núi cao” tháo chạy về thành phố biển, rồi từ thành phố biển hắn lang thang vào vùng đồng bằng phía Nam này, tất bật lo miếng cơm manh áo mà đổi thay bao nhiêu công việc. Thế rồi một buổi nọ có người bạn rủ hắn về đây theo thuyền đi đánh cá. Được ít lâu sau thì người bạn một lần ra biển đã vĩnh viễn không về nữa, bỏ hắn lạc lõng nơi này một mình. May mà có chú Út Min, vui tính sẵn lòng làm bầu bạn với hắn. Hắn cũng nguôi ngoai phần nào. Hắn mong có được ít tiền về quê để tìm lại người nhà., nhưng dành dụm mãi mà vẫn chưa đủ, đành chịu xa rời cái ước mơ xum họp. Những ngày cuối năm nhất là chiều 30 như hôm nay, không khỏi làm lòng hắn trĩu nặng, xôn xao.
Hắn đang cố nặn óc nghĩ ra một câu chúc tết nào thật ý nhị để chúc tết Diễm ngày mai thì hắn nghe sao có nhiều tiếng ồn ào trong xóm, hình như phát ra từ khu nhà chú Út. Hắn để ý lắng nghe thì đúng là giọng thím Út:
- Con bà nó. Đứa nào, con nào mà ác nhân ác đức, đánh con mèo của tao gãy cẳng thế này?
- Đứa nào ngon, dám vỗ ngực nhận đi, tao thì xé xác mày ra, tao thì đập cho mày cẳng cũng gãy như con mèo. Đồ ác độc.
Hắn chồm ra khỏi nhà chạy về phía đang có tiếng chửi. Hắn chợt thấy thím năm Thu vén quần xông xông lại phía thím Út
- Là tao đấy, mày ngon làm gì tao. Ai bảo mày để con mèo của mày đói đi ăn vụng. Tao chưa đập chết là may, còn to mồm
- Con mèo nhà tao ăn vụng cái gì của nhà mày chứ?
- Ăn vụng nồi cá kho tiêu của nhà tao. Nó ăn tham quá mà, ăn sạch sành sanh luôn. Mày không trông chừng nó có ngày tao đập nó chết luôn á.
- Mày giỏi, mày giỏi.
Thím Út vừa nói vừa xấn lại phía thím năm. Chú Út chạy lại can, kéo thím Út lại
- Thôi mà, nhịn đi, cuối năm rồi cãi nhau chi nữa …
Hắn đi lại bên cạnh Diễm, nói nhỏ:
- Diễm về hồi nào vậy? Thiệt cái xóm mình là vậy đó, không cãi cọ, không yên
Diễm vùng vằng nói nhỏ đủ cho hắn nghe:
- Mạ em cũng thiệt kỳ. Con mèo nhà mình hư thì mình phải nhịn người ta chừ còn chửi nữa …Quê chi mà quê tệ.
- Ý trời ơi. Em đâu có thể nói vậy chứ. Dù sao em cũng phải binh mạ em chứ.
- Binh sao được mà binh …
- Cô Diễm nói đúng. Có lỗi là phải nhận, chứ đừng cãi ngang, kỳ lắm.
Hắn nhìn lên thấy một anh chàng lạ hoắc, mặt mũi coi trắng trẻo, cặp kiếng trắng chễm chệ trên khuôn mặt, trông thiệt xa lạ với dân xóm chài, dù nó có làm tăng cái vẻ thông minh, cái vẻ …bác sỹ của anh chàng. Hắn còn đang ngạc nhiên không biết là ai thì lại chợt nghe:
- Đúng là cô Diễm từ thành phố về có khác. Tánh tình hiền dịu như thiên thần, xinh đẹp như tài tử Hồng Kông, xử sự như những người học thức.
- Anh quá khen.
Diễm e thẹn nói lí nhí, rồi chạy lại kéo mẹ vào nhà. Khi đã vào tới nhà, Diễm nói với mẹ:
- Con đã bảo mạ mà mạ không nghe. Ngày tết đó mạ.
- Chưa tết, ngày mai mới tết
Thím Út vẫn nhất định không chịu thua, không chịu nhịn:
” Con mèo nhà tao mà có mệnh hệ gì thì biết tay tao. “
Diễm vùng vằng bỏ xuống bếp phụng phịu, dỗi hờn. Hắn chạy theo xuống bếp dỗ dành:
- Đừng buồn Diễm à. Cuộc sống nơi đây là vậy đó. Cãi nhau như cơm bữa mà. Không có gì đâu. Ngày mai đâu lại vào đấy …Mà em cũng lạ, dù sao cũng phải binh mạ mình chứ.
Rồi như chợt nhớ ra cái anh chàng đeo kính trắng mới gặp lúc nãy. Hắn ngập ngừng hỏi
” Cái anh chàng hồi nãy là ai vậy Diễm?
- Thì là anh hai Hòn con thím năm Thu chứ ai. Nghe đâu ảnh học gì ở Sài gòn …Mạ em làm em quê với anh ta quá …
- Sao anh nói hoài mà em vẫn không hiểu. Em lại binh kẻ thù của mạ. Em có nghe người ta nói:” Bạn của kẻ thù, thì cũng chính là kẻ thù” không. Bộ em muốn là kẻ “thù” của mạ …!
- Anh nói gì? Thôi đi …
Và thế là hai ý kiến bất đồng, tình cảm hai người xứt mẻ. Hắn lững thững đi về phía biển:
 “Con mẹ nó, cái thằng đeo kiếng cận. Nó khen cô ta một cái là cô ta muốn xoay 180 độ ngay …Thôi thì thôi, đây cũng cóc cần”.
Hắn quyết định một lần nữa đổi nghề. Hắn sẽ xa biển như đã từng xa một vài nơi lúc trước. Hắn muốn xa xóm chài này vì hắn đã mơ hồ nhận ra sự đổ vỡ trong tình cảm của hắn ắt phải xẩy ra, chỉ là sớm muộn mà thôi. Hắn biết đang có kẻ thứ ba xen vào, có thể là một chiều, nhưng thật ra đã lay động một góc hồn nào đó của Diễm. Hắn tự ti để thấy rằng phần thua thiệt đang nằm trong tay hắn.
Ngày mai hắn sẽ ra đi. Ngày đầu năm, ngày mồng một tết, hắn sẽ từ giã những cuộc cãi vã, miết rồi lại thấy là thân thương chứ không là chán ghét. Rồi mai này ở một nơi xa nào đó không còn được nghe, được chứng kiến, được tham dự vào những cuộc đôi co của xóm chài nữa, chắc hẳn hắn sẽ buồn lắm. Ôi cái sinh hoạt rất bình thường của xóm chài này.
Sáng sớm hôm sau khi mọi người còn ngủ yên, có một gã tay xách túi đồ, lầm lũi bước đi. Khi đi ngang qua nhà chú Út Min, gã gọi thầm:
“ Diễm ơi! Diễm xưa ơi!
 … Tiếng pháo đầu năm chợt nổ đì đùng đâu đây.
 

Xem Tiếp: ----