Lời giới thiệu của dịch giả: Sinh năm 1959, lớn lên tại Texas, từng sống một thời gian ở Pháp và Mexico. Hiện sống tại Prague, CH Czech. Ông đã có một thời là phóng viên cho nhật báo tại các tiểu bang miền nam nước Mỹ, hoạt động nghiệp đoàn, làm trong một nhóm nghiên cứu nhưng đều không vừa lòng. Truyện ngắn Kẻ móc túi viết khi ông sống ở Paris và bị các tạp chí Mỹ từ chối in, nhưng được giải nhất trong cuộc thi viết văn của đại học Sorbonne và Transcontinental Paris năm 1995.
Kẻ móc túi (The Pickpocket) trích trong The Best American Mystery Stories 2003, do Michael Connelly tuyển chọn và giới thiệu, nhà xuất bản Houghton Mifflin phát hành năm 2003 tại Boston.
______________________
Tên tôi là Christian Richelieu. Nhìn chung là cái tên tốt, nổi tiếng cả họ lẫn tên, dù cả hai chẳng ảnh hưởng đáng kể gì đối với đời tôi.
Tôi không nói mình không tin Đấng cứu thế. Khái niệm Chúa cứu thế cứu vớt chúng ta khỏi cô đơn và thất vọng khiến tôi thích thú, nếu không nói là thương hại. Nhưng nhìn vẻ cầu khẩn thành thật hằn trên các bộ mặt lo lắng ngoài phố, tôi không cười.
Ông hồng y ít ra là dân Pháp như tôi, và là một chính trị gia và người thực tế, ông tìm niềm an ủi trong đời này chứ không đợi. Có lẽ ông ta tìm thấy. Biết đâu đấy? Dù vậy, trước tiên ông là một nhà đạo đức lớn, rồi là một kẻ có tội không mệt mỏi, khác với tôi.
°
Tôi là kẻ móc túi từ nhỏ, lúc được Moses Marchant truyền nghề. Là dân Algiers, Moses hồi đó đã xế chiều. Ông là dân ở lậu còng lưng, di cư sang Paris ngay sau chiến tranh, sống trong cùng tòa nhà đổ nát với cha mẹ tôi gần Place d’Italie. Ông có mùi hoắc hương, ợ mùi tỏi và hút ống vố đất hôi rình. Ông lẩm bẩm luôn miệng.
Moses sống ở tầng trên. Tôi thường nhìn ông trong thang lầu, vừa lê chân lên các bậc thang giữa đám khói thuốc vừa lầm bầm cả hai thứ tiếng Ả Rập và Pháp không ai hiểu nổi. Cha mẹ tôi còn trẻ và ông bà tôi đã mất, vì thế Moses là hình ảnh lụ khụ của tuổi già, khó hiểu đối với tuổi trẻ. Dù trong nhà hay ngoài ngõ, ông luôn đội cái mũ đuôi seo rách rưới đỏ tía.
Năm tôi mười lăm hay mười sáu, Moses chú ý tới tôi. Bệnh đục mắt làm hỏng thị giác ông, lại thêm khập khiễng vì chứng phong thấp khiến ông phải bỏ nghề, nhưng ông là người thầy giỏi, rất chu đáo và khắt khe. Đôi khi, nếu tôi tỏ vẻ chỉ trích cách cư xử của thiên hạ dạo này, đó là vì Moses đã dạy tôi rằng niềm hãnh diện nghề nghiệp sẽ mang lại kết quả trong một thế giới bị cả Chúa lẫn loài người từ bỏ. Ông giảng giáo lý đó không chán, và tôi chưa bao giờ thấy lý do nào để bất đồng ý kiến với ông.
Hồi đó dân trong nghề bọn tôi tôn trọng nghề nghiệp của mình. Theo tiếng lóng, chúng tôi tự xưng là voleurs à la tire, nghĩa là “bọn xoáy”. Gặp nhau ngoài đường, chúng tôi lặng lẽ nghiêng đầu chào nhau. Chúng tôi lịch sự. Hồi đó thế giới văn minh chưa bắt đầu xuống dốc. Ngay cả một tay móc túi cũng hãnh diện với nghề nghiệp của mình. Hắn đạt được tài năng qua gian khổ. Nó đòi hỏi kỷ luật bản thân. Nhập môn có giá của nó, và đòi hỏi tận tụy. Thành thật mà nói, chúng tôi coi nghề mình là một nghệ thuật.
Thoạt đầu, Moses bắt tôi thực tập trong căn chung cư của ông. Ngày qua ngày, tôi trốn trường, học bí quyết trên một hình nộm làm bằng bộ vía cũ nhồi chăn. Rồi Moses lôi ra cái áo hút thuốc nhung đỏ tôi chưa từng thấy - nó có mùi mốc và long não - và tôi thực tập trên ông. Việc cứ lặp đi lặp lại, rất khắt khe. Moses rất khắt khe và tát tai tôi mỗi khi tôi lơ đãng. Ông chửi:
- Phải học cách tập trung! Ai điều khiển được đầu mình sẽ làm chủ số mạng mình.
Hiển nhiên điều này khó. Đầu óc một đứa mới lớn như ngựa hoang. Nhưng tôi cố và với thời gian tai tôi bớt nhạy cảm. Ý nghĩ làm chủ số mạng mình lôi cuốn tôi. Ngay cả lúc này, sau suốt bằng ấy năm, nó vẫn còn hấp dẫn.
Sau sáu tháng, Moses bắt đầu cho tôi thực tập ngoài công chúng. Ông bảo tôi móc túi ông ở Métro, trong chợ, tại góc đường. Cuối cùng ông cho phép móc thật. Ông gọi đó là lễ thử lửa đầu tiên.
Tôi móc ví một gã to xác vụng về ở ga St. Lazare trong giờ cao điểm. Gã chạy vội tới xe lửa, Moses bước chắn trước mặt. Gã trượt ngã, chửi bới. Tôi giúp gã đứng lên, gã giận dữ đẩy tôi ra. Trong cầu tiêu tôi mở ví thấy sáu trăm franc, tấm hình mờ của vợ gã, số điện thoại mấy cô điếm liệt kê cùng với giá cả, và một bao cao su. Tôi giữ hết, ngoại trừ cái ví và tấm hình, dù vợ gã coi không tới nỗi tệ với lọn tóc vàng và nụ cười buồn.
Chuyện đó lâu rồi. Tháng sau tôi tròn sáu mươi ba tuổi. Công việc đòi hỏi nhiều, nhưng không làm ta kiệt quệ như lao động thể xác hay trò đấu đá trong văn phòng. Tôi có thể về hưu bây giờ nếu muốn. Tôi thận trọng chuyện tiền bạc, chắc chắn là cẩn thận hơn kẻ khác.
Kể chuyện đời tôi sẽ dài lắm. Vả lại, phần lớn nhàm chán, cũng giống đời bất cứ ai. Tôi lập gia đình, nhưng chúng tôi cãi nhau và ly dị. Hai con tôi giờ đã lớn. Chúng có cuộc sống bình thường, tôi vẫn gặp chúng, nhưng chúng có những nỗi lo riêng. Tôi sống trong chung cư. Tôi đã bị phản bội trong tình trường và cũng có cư xử tệ. Tôi khá ích kỷ. Tôi nghỉ hè ở bờ biển, giữ cho không mập, ăn cá thay vì thịt, và tập thể dục bằng cách đi bộ trong Vườn Luxembourg. Sức nặng gây khó chịu và lưng dưới tôi đau. Tuyến tiền liệt có vấn đề, với tuổi tôi chuyện này chả có gì lạ. Tôi sống một mình nhưng có con nhân tình hay càu nhàu và vài bạn thân. Tôi thích rượu vang ngon và âm nhạc. Tôi sống một đời lặng lẽ. Tôi không trông đợi nhiều ở người khác và không thất vọng. Vì thế, như tôi đã nói, đó là một cuộc sống bình thường trong hầu hết mọi lãnh vực.
Đáng chú ý là công việc - công việc của tôi. Hiển nhiên nó có vẻ lãng mạn riêng. Không cấp trên, không giờ giấc nhất định. Nhiều thời giờ suy nghĩ hay mơ mộng. Sống bằng tài nghệ của mình là một thử thách thật sự. Dù vậy, nó vẫn là công việc. Trong nghề tôi, sinh kế của tôi, đầy những đòi hỏi như mọi nghề khác. Tôi không cho phép mình quên điều đó. Kẻ nào quên, trở nên lười biếng, hành nghề theo thói quen, sẽ vào tù. Hắn trở thành nạn nhân của chính mình.
Dù vậy, sinh kế của tôi làm thiên hạ tò mò. Họ muốn biết chi tiết, càng lạ càng hay. Tôi có nghe những nạn nhân bị móc túi khoe chuyện xui xẻo của họ để thấy khoái lây. Nhưng cũng như mọi nghề, các biến cố đặc biệt xảy ra không nhiều. Giữa các biến cố đặc biệt là khoảng thời gian dài tạm lắng, thậm chí đơn điệu.
Làm sao tả nghề nghiệp của tôi một cách vô tư? Có lẽ kể lại ba tình tiết tôi thích nhớ thì dễ hơn. Mỗi tình tiết, bằng một cách riêng, miêu tả đúng việc tôi làm hơn bất cứ điều gì khác tôi có thể kể.
°
Tình tiết đầu tiên liên quan tới những thứ thiên hạ mang theo. Phần lớn tôi thấy trong ví có mấy thứ thông thường: thẻ tín dụng, hình ảnh, cuống vé, hóa đơn. Nếu đó là tiêu chuẩn đánh giá thì đời sống trung bình khá dung tục, thậm chí tầm thường hơn cả cuộc đời tôi. Chả trách nhiều người thấy hiếu động! Cái túi cũng chứa vô số thứ tôi chẳng bao giờ lấy - thông hành, bật lửa, viết máy. Giá làm kẻ trộm thì chắc tôi đã thành triệu phú. Thiên hạ bất cẩn với chìa khóa một cách đáng ngạc nhiên.
Nhưng thỉnh thoảng có thứ làm tôi bất ngờ. Trong cái ví ở ga Lyon mới tuần rồi tôi thấy một gói ma túy nhỏ. Một lần ở Musée Picasso tôi sửng sốt thấy mình đã móc thẻ nhân viên của mật vụ FBI. Hắn đi chung với nhóm du khách Mỹ. Tôi lập tức rời viện bảo tàng, nghe đủ thứ chuyện để tránh xa tụi cao bồi đó. Lần khác trên thang cuốn ở Les Halles tôi thò vào một cái túi thấy khẩu súng. Lại chuồn đúng lúc. Tôi biết tính toán rủi ro chứ. Bạo động thì tôi không thích.
Mọi thứ - trừ tiền mặt - đều vô thùng rác an toàn gần nhất. Moses véo tai tôi bữa ra nghề ở ga St. Lazare lúc tôi giữ số điện thoại gái mãi dâm và cái bao cao su. Ông hỏi:
- Mày tưởng tụi nó sẽ vô tù thăm mày hả? Nghĩ ngợi chút coi!
Nổi sùng, ông lấy phần tiền của ông rồi liệng hết. Ông ấy quên lửa nhục dục ngày đêm trào lên trong thằng bé. Thử nghĩ ba trăm franc có thể dập tắt bao nhiêu ngọn lửa! Nhưng tôi đã học được bài học. Trừ tiền mặt, còn lại là rác hết. Tôi biết đó là nguyên tắc đáng tiếc. Kẻ mất ví gặp phiền phức kinh khủng. Tìm lại giấy tờ và thẻ tín dụng là chuyện bực mình. Dù vậy đây vẫn là quy luật tuyệt đối và một phần kỷ luật bản thân. Để cho lòng thương cảm lấn át điều tất yếu này chính là rước họa vào mình.
Tất nhiên, phần nhiều tụi trong nghề hồi này giữ và dùng thẻ tín dụng. Vài năm sau khi Moses mất, thẻ tín dụng trở thành phổ biến, tôi cũng dùng. Nhưng bây giờ trò lừa gạt đó là chuyện làm ăn lớn. Bọn trong ngành đó có vẻ không đứng đắn. Tụi nó làm ăn có băng đảng và không tin được. Đám ăn cắp đó không có danh dự. Tôi tránh tụi nó. Nghe thì có thể kỳ, nhưng mỗi khi tụi ăn cắp tổ chức lại, chúng sẽ băng hoại. Làm ăn một mình vẫn hơn.
Tình tiết tôi có trong đầu xảy ra ở Centre Georges Pompidou mấy năm trước. Ban quản trị tổ chức triển lãm tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Brassaï mà tôi vốn hâm mộ. Lúc rời phòng triển lãm, tôi đụng một gã và móc túi quần gã theo phản xạ. Bữa đó tôi đâu có hành nghề. Trong cầu tiêu tôi thất vọng thấy không tới hai chục franc. Nếu móc túi cần cố gắng thì bấy nhiêu chả bõ. Nhìn tình trạng cái ví, tôi nghĩ hắn hoặc không chú ý bề ngoài hoặc xui xẻo tận mạng.
Không rõ vì sao tôi ngó thêm. Nhét cẩn thận trong góc ví là tờ giấy gấp. Tôi mở ra. Đó là bức thư viết từ năm trước trên giấy bệnh viện. Tôi đọc. Bức thư của vợ hắn. Rõ ràng bà ta viết trước khi chết. Bà ta không nói nhưng có vẻ như bị ung thư. Bà gửi lá thư tình cuối cùng cho chồng.
Bà viết rất cảm động. Bà tả mối tình của bà đối với hắn, và nói tình cảm của hắn làm đời đáng sống. Cũng tình cảm sâu đậm đó bây giờ làm cái chết dễ chịu. Bà đã rất đau đớn, hình như hiển nhiên. Những tuần cuối là cực hình. Bà tiếc là đã chết trẻ. Bà lo lắng về những khuyết điểm. Còn quá nhiều thứ chưa xong, quá nhiều thứ bà trì hoãn. Nỗi đau thể xác bà chỉ nhắc qua. Nhưng bà kể lần đầu tiên gặp chồng, và nhớ nụ hôn âu yếm đầu tiên của họ. Bà nhắc tới một kỳ nghỉ ở bãi biển Tây Ban Nha. Bà lặp lại tình cảm dâng hiến trong mỗi đoạn thư. Người đàn bà sắp chết này thậm chí tìm cách đùa cợt: “A! Anh biết em chỉ nói đùa!”.
Người đàn bà lặp đi lặp lại nỗi âu lo cho chồng. Bà khuyên hắn can đảm, và cam đoan dù ở đâu sau khi chết bà vẫn bên cạnh hắn. Hắn sẽ không bao giờ cô đơn. Bà viết tình yêu của họ sẽ chiến thắng cái chết. Có lẽ tình cảm sáo nhàm, nhưng trong thư bà dường như đáng tin. Tuy tôi có ý kiến riêng trong mấy chuyện này, tôi thấy tin bà. Ai có can đảm khước từ một người đàn bà sắp chết? Nếu bà là vợ tôi, tôi sẽ đồng ý hết. Chữ ký của bà khó đọc, nguệch ngoạc yếu ớt.
Đọc xong thư, tôi tràn ngập ăn năn. Tay tôi bắt đầu run rẩy. Tôi ngồi bên tủ ngăn kéo nhìn đăm đăm chữ ký của bà. Rồi tôi khóc. Tôi biết phải trả lại lá thư cho chủ nó. Tôi thận trọng gấp lại và cất vào ví mình.
Chuyện đáng lẽ đơn giản lại trở thành phức tạp. Hắn không còn ở địa chỉ Montparnasse ghi trong ví. Tôi đóng vai một người bạn, và láng giềng của hắn cho tôi địa chỉ mới của hắn gần ga L’Est trong một khu lụp xụp. Nhưng hắn cũng đã dọn khỏi đó. Cuối cùng người giữ cửa cho một địa chỉ khác, và tôi gặp hắn trên tầng bốn trong khu ổ chuột ở Aubervilliers. Mỗi lần dọn, hắn tìm chỗ ở rẻ hơn trong tòa nhà đổ nát hơn. Tôi đoán từ khi vợ mất, hắn rơi vào tình trạng xuống dốc chỉ vì đau buồn không thể tưởng.
Lúc hắn mở cửa tôi vội vã giải thích. Tôi kể mình thấy lá thư trên ghế xe buýt. Tôi nói bức thư có vẻ quan trọng, và rất riêng tư. Tôi bắt đầu toát mồ hôi và giọng ấp úng. Rõ ràng, cách này hay cách khác, tôi bị cuốn trong cảm xúc sâu đậm của lá thư đó. Trong một thoáng tôi mất trí, và thậm chí nói vợ tôi đã chết vì ung thư trước đó không lâu. Nói bừa như vậy, chắc là tôi định giải thích lý do cho những khó khăn của mình. Hiển nhiên, việc tôi cất công đi tìm người đàn ông này có vẻ kỳ lạ và đáng ngờ.
Nhưng hắn không phản ứng như thế. Thay vào đó, hắn cầm lá thư và bật khóc. Hắn còn trẻ, ăn mặc tồi tàn. Hắn áp tờ giấy lên ngực. Hắn thốt, cám ơn, cám ơn, cám ơn. Hắn nức nở, sụt sùi như đứa trẻ. Giữa tiếng nức nở và rên rỉ, hắn chùi mũi vào tay áo.
Tôi đứng ở bậc cửa, cảm thấy khá lúng túng. Trong khi lá thư của vợ hắn làm tôi cảm động, nỗi buồn không biết xấu hổ của hắn lúc đó khiến tôi thấy thương hại. Vợ hắn, người sắp chết, đã yêu cầu hắn can đảm. Nhưng hắn hoàn toàn không có chút nghị lực, một gã nhu nhược.
Lúc đó tôi thấy hắn rất gầy, những nếp nhăn khốn khổ của tuyệt vọng ăn sâu vào khuôn mặt choắt; căn chung cư bừa bộn tối tăm đầy rác và hôi mốc.
Không nói thêm một lời, tôi quay đi. Tôi lao đi, nhảy từng ba bậc thang. Tôi cần khí trời.
Sau đó, tôi hiểu tại sao nguyên tắc tống hết mọi thứ vô thùng rác là đúng. Cái thiên hạ mang theo là chuyện riêng của họ.
°
Như bạn cũng rõ, tôi thường hành nghề ở trạm Métro. Gã bán hàng có lãnh thổ của hắn, tôi có chỗ của tôi, và mỗi lãnh thổ có điểm đáng nản của nó.
Thành phố ngầm không giống như bên trên. Tất nhiên, Métro là một chỗ không vui. Các toa xe xuyên qua đường hầm như những con giun khổng lồ căng phồng, bụng đầy hành khách, nhả ra ngốn vào ở mỗi trạm. Người ta lặng lẽ và dửng dưng, cảm giác của họ đần độn vì đám đông, tiếng ồn và chuyển động liên tục. Không gian tối tăm, ẩm thấp, một thế giới của những cái bóng rỗng và mệt mỏi phi nhân, và có mùi như ống cống. Tụi nhóc cả ngày rao báo ở đó trông như chuột. Những cặp mắt nhợt nhạt trên khuôn mặt cùng quẫn ở đó nhìn lén lút và quỷ quyệt. Những sinh vật ghê tởm đó nhốn nháo từ xe này sang xe khác tìm mồi. Hành khách nhấc chân tránh chúng.
Có lẽ tôi quá khắt khe. Thật ra nhiều khi một số trạm Métro có cảnh hội hè như đám rước. Âm nhạc vui tươi và ầm ĩ vang vọng suốt hành lang và tưng bừng cầu thang. Đàn ac-coóc-đê-ông, ghi-ta, xắc-xô, trôm-pét, đủ cả. Đạo sĩ Hồi gốc Bắc Phi mời coi bói. Chỉ thêm vài franc nữa họ sẽ cải thiện đời tình ái và cường dục của bạn. Thanh niên phẫn nộ thuyết giảng về nạn đói, hạn hán, chiến tranh, thất nghiệp. Người múa rối trình diễn. Chân giậm, tình nhân âu yếm. Ăn mày què lúc lắc chén ở trạm.
Và bọn bán rong! Hàng đoàn bán rong chào mời lạc, hoa và nữ trang rẻ tiền. Những di dân buôn bán này ôm mộng lớn. Từ không khí dưới hầm của bọn ăn xin và đời du mục không có hướng nào khác ngoài đi lên. Ở Métro các doanh nhân tương lai làm quen với trộm đạo và hủ hóa, chốn huấn nghệ tốt cho sự nghiệp trong ngành thương mại.
Nói chung, thế giới lúc nhúc và huyên náo này không khác cảnh cục cằn trong đám hỗn loạn điên rồ của Dickens hay Hugo ở Court de Miracles. Mỉa mai thay, rất ít bạo động. Hối lộ vặt ngăn ngừa tội ác nghiêm trọng, tay cảnh sát nào cũng biết. Bạo động ít xảy ra đến nỗi thậm chí một tay cực đoan cứng rắn nhất cũng sửng sốt.
Bất luận thế nào, đám xiếc dưới hầm này hiện hữu và tôi hành nghề ở đó. Trong một thời gian ngắn rất lý thú. Nó quyến rũ một cách ngoan cố, như tuồng hát kỳ dị hay một phim buồn. Dù đáng ghét, ta không thể không nhìn. Tất nhiên, từ lâu nó không còn mới lạ với tôi nữa. Bây giờ nó bắt đầu làm tôi khó chịu, khi mắt tôi mỗi lúc mỗi kém và làn da cảm thấy ẩm lạnh, tôi thích ánh mặt trời. Hồi này tôi hành nghề ở phố Hữu Ngạn và khu du khách.
Nhắc tới các nhạc công Métro làm nhớ một tình tiết đặc biệt tôi muốn nói đến. Như bọn bán rong, các nhạc công này khắp nơi - ở trạm, hành lang, trên toa. Một số xuất sắc. Tôi nhớ ông già lịch sự chơi vĩ cầm ở trạm Châtelet, hay thiếu phụ u sầu mặc áo dạ hội xanh với cây thụ cầm ở St. Michel.
Dĩ nhiên cũng có bọn dở. Một gã chơi trôm-pét có lần lên tuyến Số 4 tra tấn mọi người từ St. Placide tới Les Halles. Thiên hạ bịt tai phàn nàn. Họ xuống xe trốn. Trên cùng tuyến, một bà tóc vàng cao lớn môi đỏ chót diễn ban nhạc một người. Bà đi giầy cao gót, tóc đội lưới. Bà vừa chơi ac-coóc-đê-ông và hát vừa thổi ác-mô-ni-ca, sáo kazoo và còi sắt. Lục lạc treo trên một cánh tay, vòng chuông om sòm dưới cổ chân. Bà ta dễ sợ nhưng thiên hạ hoan hô sinh lực của bà, vì thế ví bà ngập tiền thưởng.
Nhưng các nhạc công tôi ghi nhớ là nhóm da đỏ Nam Mỹ thường xuất hiện ở trạm Montparnasse. Họ chơi nhạc quái dị như gió thổi ở Andes. Hai sáo trúc, một ghi ta, một mandolin, trống, và quả bầu sột soạt. Họ luôn luôn diễn vào giờ tan sở, lúc tiền vô nhiều nhất. Băng nhạc họ bán năm mươi franc. Họ gọi tên ban là “Gió Andes”.
Thoạt tiên tôi nghe họ từ cầu thang trong trạm. Âm nhạc dịu dàng không thể tả, cả vui lẫn buồn, đơn giản đồng thời phức tạp. Âm thanh mời gọi. Không cưỡng nổi, tôi tìm tới. Cuối cùng tôi gặp họ gần thang cuốn chính, bảy anh tươi cười, thấp, chắc bè bè, da sạm và tóc đen dầy. Có người choàng tấm poncho dệt sặc sỡ, kẻ khác mặc áo vải xâu hạt. Tôi đứng dựa tường lắng nghe. Chẳng mấy chốc tôi như bị thôi miên.
Làm sao có thứ âm nhạc khiến một người cảm thấy vui buồn cùng lúc? Những khúc ca Andes đó như thế. Tôi choáng ngợp vì u sầu nhưng cũng cảm thấy hoàn toàn thanh thản. Dù bản tính tôi không sướt mướt, thỉnh thoảng nỗi u uất thấm thía có tác dụng tẩy uế. Tôi lắng nghe hơn một giờ.
Cuối cùng, tôi rời bức tường tới trước đám đông, thật gần các nhạc công. Tôi tắm trong vẻ rạng rỡ tinh tế bùng vỡ từ họ trôi vào thính giả. Thật phi thường. Thùng đựng đàn ghi ta đầy bạc cắc và tiền giấy trên sàn ngay chân họ. Thoạt tiên tôi để tờ hai mươi franc, rồi một tờ nữa.
Ban nhạc rốt cuộc nghỉ một lát. Một trong những anh thổi sáo, một tay lực lưỡng tóc dài cột đuôi ngựa, len qua đám đông nhận tiền thưởng và bán băng nhạc. Lúc anh thối tiền, tôi thấy anh mang một nắm trong túi trái áo khoác xâu hạt. Anh ngừng gần tôi.
Trong cơn thôi thúc, tôi trò chuyện với anh và nói nhạc dường như rất đặc biệt. Tôi nói nó như kiếp sau, thiên đàng, thậm chí huyền bí. Tôi thấy bối rối vì nhiệt tình của mình, nhất là những lời tầm thường nhưng thành thật của tôi, và anh đồng ý rất tự nhiên làm tôi thoải mái. Tôi thấy lúc đó mặt anh toát ra vẻ bình lặng sâu thẳm, trầm tư như âm nhạc vang vang trong lồng ngực tôi. Khi anh nhìn tôi đăm đăm, dường như trong một thoáng giữa chúng tôi có điều gì siêu phàm. Trong đời tôi chưa có biến cố nào như thế. Rồi có người đụng cánh tay anh và anh quay đi.
Tôi chìm vào đám đông và bước đi. Tôi đi một đoạn dài xuống Rue de Rennes và dọc theo St. Germain, vẫn nghe giọng trầm bổng lâng lâng của cây sáo vang dội trong đầu. Cảm giác lạ lùng đó ở trong tôi lâu nhất.
Khi ghé quán Tunisia ăn món bột mì với thịt hầm, tôi vào cầu tiêu đếm tiền. Một cú đáng kể gần ngàn franc.
Tôi tự hỏi chàng nhạc công trầm lặng có mất bình tĩnh không. Hy vọng là không. Nhưng anh ta thật bất cẩn, và cám dỗ quá lớn. Ngay cả nghệ sĩ cũng nên tỏ ra có chút trách nhiệm.
°
Tình tiết cuối cùng gắn liền với tình trạng hiện nay của nghề tôi. Xin miễn chấp nếu tôi càu nhàu. Tôi lo lắng nhìn bọn trong nghề hôm nay, nhất là tụi trẻ. Chúng vụng về và thiếu chuẩn bị. Chúng không tự trọng.
Chúng chẳng bao giờ nghĩ tới tập dượt, bọn mới vô nghề càng khỏi nói. Chỉ cần nhìn chúng hành nghề. Buổi sáng chúng quyết định ra nghề móc túi, chiều hôm đó chúng chộp ví. Bọn giả danh này không biết cần gì. Chúng thiếu tinh tế. Thay vì tay nghề, chúng cậy vào bạo lực. Nếu nạn nhân chống cự, chúng rút dao hay dao cạo. Chúng móc túi người già, phụ nữ độc thân. Chúng làm đêm. Tất nhiên vố nhỏ, vì thế chúng cố gắng gấp đôi. Chả mấy chốc mọi người sợ hãi.
Theo ý kiến tôi, tình trạng thoái hóa này song song với sự suy đồi trong văn hóa. Nước Pháp chúng tôi có nền văn hóa dân chủ xây dựng trên hình thái quí tộc. Hugo đã cảnh cáo về sự xói mòn, Spengler đã tiên đoán. Có ai nghe đâu? Bây giờ mất tư cách trở thành trò đùa, một căn bệnh nhập cảng. Chúng tôi gửi mặt trời sang phía tây, nó gửi bóng tối trở lại.
Tất nhiên có người sẽ tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe một kẻ móc túi than thở về sự mất phẩm giá, dẫn chứng Hugo và Spengler. Hoài nghi đó chỉ phản ảnh sự suy thoái tôi vừa nói. Đời nay chúng ta giả định chỉ có giới trí thức và tầng lớp trên có văn hóa, nhưng tôi rất nghi ngờ tầng lớp trên. Trước kia không hẳn như thế. Trong thế hệ tôi, ngay cả bọn trộm cắp và ma cô cũng đọc sách, xem hát, nghe Mozart cũng như Piaf. Tôi biết một tay trộm là thi sĩ. Mèo hoang trở thành tác giả lừng danh. Thành kiến thế đủ rồi.
Nhưng thỉnh thoảng một tay móc túi trẻ tuổi làm tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Tôi nhớ một hôm sau khi làm việc xong với đám du khách trên Hữu Ngạn. Du khách phần lớn dễ ăn, nhất là Mỹ. Tôi biết dân Mỹ cất ví ở đâu. Hắn sờ ví rất thường. Đến Kinh đô Ánh sáng hắn hào hứng tới nỗi phấn chấn quên nghĩ. Mấy tờ quảng cáo căn dặn hắn, nhưng hắn không chịu cảnh giác.
Hắn là một sinh vật ngây thơ lạ lùng, anh chàng Mỹ này. Hắn ngạc nhiên trước mọi thứ. Hắn tỏ ra rất lạc quan dù liên tiếp phải thất vọng. Hắn coi bi quan là yếu đuối. Nhưng hắn rất có tổ chức. Về mặt đó hắn vượt cả một tay Đức. Một quan niệm như thế mâu thuẫn với quan điểm chính thống, nhưng đúng.
Hôm tôi vừa kể, tôi kiếm rất khá. Mùa du lịch đang ở cao điểm. Vỉa hè dọc Rue de Rivoli đông đúc. Ví nhảy khỏi túi. Ngón tay tôi lanh lẹ chưa từng thấy. Gần Louvre, tôi đi từ vố này sang vố khác, như hái nho. Tới một mức tôi về nhà dốc túi ra, rồi trở lại đường phố.
Tới giữa chiều tôi bỏ một giờ trong quán cà phê. Mọi chuyện xuôi chèo mát mái, tôi trở nên nôn nóng và cần bình tĩnh lại. Tôi trở lại hành nghề và thấy không gì thay đổi. Tôi đang lúc ngon ăn. Không có gì an toàn. Ngón tay tôi có mắt.
Thông thường tôi ngó kỹ tụi cớm chìm. Tụi đó dễ nhận ra như xe cảnh sát không dấu hiệu. Tuy vậy vẫn phải ngó. Một số láu cá chuyên núp sau cột hay lối cửa. Bữa đó tôi tự tin đến nỗi khi thấy một gã đứng gần Hotel Meurice, tôi thả sau hắn và móc ví hắn.
Xấc láo! Táo gan! Tôi chưa từng dám, nhưng cứ phởn phơ như một tay đánh gôn đi từ lỗ này sang lỗ khác. Điều đáng tiếc duy nhất là tôi không thể lảng vảng để nhìn hắn khám phá ra mình mất ví. Tôi muốn tới gần hắn hỏi đổi tiền để xem mặt hắn. Nhưng tôi biết lẽ phải và cưỡng lại. Niềm vui đã có rồi. Lý do gì lại chờn vờn với số mạng?
Ở giao lộ Rue de Rivoli và Place des Pyramides tôi thấy một đứa móc túi vụng về. Con mồi là gã du khách Đức lực lưỡng mặc quần rộng và sơ mi Hawaii. Gã băng qua đường lúc đèn còn đỏ và giật bàn tay thằng nhóc. Lỗi đó chứng tỏ thằng này là tay mới vào nghề. Không bao giờ trông đợi con mồi cư xử như tiên đoán. Gã Đức nhảy lui vào hè đường và la hét, chỉ vào đám đông.
Nhưng thằng nhỏ đã biến mất. Cú đó nó biểu diễn đáng nể. Tôi theo sau nó dọc vỉa hè vài khối nhà. Nó quẹo phải vào Rue d’Alger, dựa lưng vào bức tường trát vữa mồi điếu thuốc. Tay nó còn run.
Khi tôi tới gần, nó hầu như bỏ chạy. Nó nghĩ tôi là cớm chìm. Nó chối hết, nói rằng cả ngày không tới gần Place des Pyramides. Nó khăng khăng. Ít nhất như thế cũng đúng. Nó có lý do để sợ. Nó vô tù dễ dàng.
Tôi hút với nó điếu thuốc. Nó bình tĩnh lại. Chúng tôi trò chuyện. Nó là đứa bé đẹp trai, tóc đen, mắt xanh, lông mi dài. Vẻ xương xương mảnh khảnh trẻ con, hình như nhiều bà thích đàn ông như thế. Đồng thời, tác phong nó toát ra niềm tự tin dày dạn nào đó lôi cuốn tôi. Tai trái nó đeo khuyên.
Hóa ra thằng bé từ Lyon vừa tới Paris, nhất quyết không làm việc văn phòng chán ngấy. Tôi dắt nó tới Au Chien Qui Fume trên Rue du Pont Neuf và bao nó ăn tối. Rõ ràng nó đói đã khá lâu.
Sau đó chúng tôi vào Jardin du Tuileries, và tôi chỉ mấy mánh cho nó. Căn bản trong nghề: làm sao nhận diện cớm chìm, đừng ra tay trên thang máy không lối thoát, không bao giờ hành nghề chung một chỗ hai ngày liền. Mấy thứ này tôi học Moses hồi xưa. Với tôi trở thành bản năng thứ hai. Nhắc lại làm nhớ tới những kỷ niệm vui với Moses, và tôi bắt đầu coi thằng nhỏ - tên nó là Sebastien - như học trò tập sự, giống Moses đã làm với tôi.
Nhưng điều Sebastien nói làm tôi đổi ý. Nó nói nó định làm giàu nhanh và về Corsica trước tuổi ba mươi. Nó rất thành thật. Nó muốn sống trên thuyền và nằm dưới ánh mặt trời cả ngày nhấp rượu anise.
Mối nguy hiểm lớn nhất trong nghề tôi là tham lam. Một đứa tham sẽ mạo hiểm vô lý, thường xuyên đặt mình vào chỗ nguy hiểm. Chắc chắn nó sẽ bị tóm. Trước khi bị tóm, nó có khuynh hướng đả thương kẻ khác. Nó quá vội. Tham vọng và tuổi trẻ luôn là nguyên do nóng vội. Nhưng tham vọng có thể quá lớn, và tuổi trẻ có thể không bao giờ trưởng thành. Hỗn hợp nguy hiểm đó là sư yếu kém tôi thấy ở Sebastien. Cuối cùng, tôi không nói và chúc nó may mắn. Chúng tôi chia tay cạnh cổng vườn ở Place de la Concorde và tôi về nhà.
Bữa đó trôi qua tuyệt vời. Chưa bao giờ tôi hành nghề chính xác hay cảm thấy thiện nghệ như thế. Còn Sebastien, tôi không để nỗi lưu luyến quá khứ lôi cuốn mình. Tôi đã quyết định đúng. Tôi huýt sáo suốt đường về. Tới nhà tôi để bản hoà tấu vĩ cầm của Bach, mở chai La Bacholle Gamay, đốt thuốc, và duỗi dài trên sô pha.
Thoải mái xong, một cảm giác rất lạ tràn đến. Tôi ngồi dậy đi tới chỗ áo khoác phủ trên lưng ghế. Tôi thò vào túi nơi cất số tiền kiếm được buổi chiều. Túi trống rỗng.
Bạn chỉ cần hẩy tay là tôi ngã. Tôi choáng váng, quên thở, bước ngang một bước, lảo đảo, trấn tĩnh. Khi tĩnh lại, tôi đâm nổi nóng. Tôi đi tới lui chửi bới. Tôi đấm nắm tay và vỗ đùi giận dữ. Thật đáng tức! Tôi chửi Sebastien, rồi chửi mình. Tôi đá cánh cửa, sô pha, mấy cái ghế. Thậm chí tôi cắn nắm tay như thằng điên. Thật là một cảnh đáng coi, chỉ không có ai xem thôi.
Rốt cuộc, tôi bình tĩnh lại. Tôi đứng hồi lâu cạnh cửa sổ lắc đầu không tin. Tôi nhìn khách bộ hành dưới đường. Tôi hút thuốc, rồi điếu nữa.
Rồi tôi bắt đầu cười. Thật phi thường. Nó quả thật đã lừa được tôi, thằng nhóc đó, một cú biểu diễn đáng kể.
Cuối cùng, tôi nằm ngửa trên sô pha, uống cốc vang và nghe nhạc Bach.
Tôi mất đứt món tiền nửa ngày làm việc. Nhưng biết làm sao được? Thế gian đầy kẻ cắp.

Xem Tiếp: ----