Phấn son đã điểm trang rồi Mặc cho cát bụi phủ đời Mai Ly Bây giờ than thở làm chi Thân hoa bạc mệnh trọng...khi nghĩa gì! Hơn một tháng, Mai Ly ở nhà Simone mọi sự êm đềm. Mai Ly trả mỗi tháng một ngàn đồng ăn và ờ. Còn dư chút ít tiền, em sắm thêm hai chiếc áo dài màu hồng phấn và màu vàng hột gà, và cái quần và vài bộ đồ ngủ. Em cố gắng làm vài ba tháng nữa là sẽ về thăm má. Đã qua tháng thứ ba, em để dành được ba ngàn đồng, em dấu trong xách áo quần, lại bị ai ăn cắp mất hết. Em không dám nói với ai, vì sợ, nếu nói ra là họ đuổi em đi. Tối đi làm mặt mày em buồn hiu. Bà chủ lấy làm lạ, bà gọi em vô văn phòng, hỏi: - Sao chị thấy Mai Ly buồn quá vậy? Có chuyện gì hoặc có ai hăm dọa gì em, nói cho chị biết để coi chị có thể giải quyết gì cho em không? - Dạ, không có gì hết chị à! - Không có gì mà em muốn khóc kìa. - Để hôm khác em sẽ nói. Thôi, để em ra làm việc. - Ờ, nhớ nghe hôn, nói cho chị nghe, chị giúp cái gì được thì chị giúp, chớ em đừng có sợ ai ở đây. Chị hiểu biết tâm tánh của mỗi cô làm ở đây. Em mới ra đời, còn non nớt, lại trẻ đẹp thì có sự ganh tị là lẽ thường. Thôi, em đi ra làm việc đi. - Dạ, em cám ơn chị nhiều. Làm việc đã hơn ba tháng, Mai Ly đã hiểu biết nhiều, em tập tành nhảy chập chửng vài ba điệu. Tiếp khách và cách nói chuyện rất thu hút, nhứt là khách Mỹ và Tây. Rồi biến cố lật đổ trào Ngô-Đình-Diệm xẩy ra vào tháng mười một, năm 1963. Tất cả phòng trà đều bị đóng cửa. Chỉ còn Snack-bar là cho mở. Lệnh giới nghiêm mười hai giờ khuya, các cô vũ-nữ trở thành chiêu-đãi-viên. Snack-bar mọc lên như nấm, quân đội Mỹ lang tràn khắp miền Nam Việt Nam. Phòng trà "Orchidée-Phong Lan’’ cũng biến chuyển theo thời thế. Mai Ly vẫn còn làm nơi đó, và vẫn cầm cự ở nhà chị Simone. Một thiếu tá Mỹ, tên là Larry Coper thuộc binh chủng Không Quân, trạc tuổi bốn mươi. Người rất lịch sự. Ông đeo đuổi Mai Ly suốt mấy tháng nay. Mỗi lần ông đi bay về, ông thường ghé "Orchidée-Phong Lan’’ cho Mai Ly uống nước trà và luôn luôn có mang quà tặng. Lâu ngày Mai Ly thấy lòng mình có rất nhiều cảm tình với ông. Nhân dịp Tết dương lịch 1963-1964. Larry mời Mai Ly đến nhà ăn Tết dương-lịch. Larry lái chiếc xe Jeep... chạy đến nhà Simone rước Mai Ly. Ông chở Mai Ly chạy thẳng đến một biệt thự thật lớn, ở số... đường Hoàng Hoa Thám (Chi Lăng). Tường cao cổng kín, có dây kẽm gai rào chung quanh và có lính gác, vô ra rất nghiêm nhặt. Lần đầu tiên Mai Ly đến nhà của người Mỹ, quang cảnh trang hoàng theo lối Mỹ. Vì đã qua một tuần lễ Giáng Sinh nên đèn hoa vẫn còn, để tiếp tục ăn Tết dương-lịch. ... Tiệc tưng bừng, nhạc Mỹ ầm ầm. Khách khứa cả trăm người. Nửa đêm khuya họ chúc tụng nhau mừng năm mới. Nhạc bắt đầu nhỏ lại, quan khách từ từ ra về. Ngoại trừ còn những người ở chung nhà. Larry, là người xem như chức vị cao nhứt ở đó. Ông mướn cái biệt thự cùng bốn người sĩ quan, thuộc cấp úy, họ chia tiền nhà và họ mướn bồi, bếp, tài xế, và lính gác. Đêm nay Mai Ly ở lại với Larry... Biển đời lớn rộng mênh mông. Mai Ly như chiếc thuyền con biết bến nào để cặp vào cho yên? Lòng tự nhủ: Đêm nay mình trao thân cho người yêu mình, và mình cũng thấy yêu người. Dù lớn tuổi như người cha, nhưng tình yêu không tuổi tác. Larry sẽ làm người tình và cả người cha của mình, có lẽ mình sẽ được sung sướng và hạnh phúc? Đêm hôm ấy, Mai Ly ngả vào vòng tay yêu thương của Larry. Sau cuộc giao hoan, Larry sợ quá. Vì chàng không nghĩ rằng Mai Ly còn trinh-trắng... Sáng hôm sau, ông đưa Mai Ly vô bệnh viện Mỹ khám Bác sĩ. Sau khi bác sĩ khám xong, ông ra ngoài nói nhỏ với Larry: - Dạ, thưa Thiếu Tá, lần đầu tiên giao hoan, nên cô bị ra máu đấy thôi, chứ không có gì lạ cả, xin Thiếu Tá đừng lo. Nét mặt Larry nửa vui, nửa lo. Vì Mai Ly chưa đủ tuổi. Sau đó, chàng đưa Mai Ly về nhà chị Simone để thanh toán tiền bạc và lấy tất cả đồ đạc trở lại nhà chàng. Chiều vào bàn ăn, Larry giới thiệu hết mấy người ở trong nhà: - Đây là cô Mai Ly, bạn gái của tôi. Kể từ hôm nay, cô được quyền ra vào tự do nơi căn nhà này và cô cũng có quyền nhờ bảo khi cô cần. Larry ra lệnh từ trên xuống dưới. Mọi người đều vui vẻ nhận lệnh. Qua hai ngày sau, Larry tặng cho Mai Ly mười ngàn đồng và một cái đồng hồ có gắn hột xoàng chung quanh. Mai Ly mở ra thấy, em mừng quá và vội vã xin Larry về thăm mẹ. Mai Ly về tặng cho mẹ em năm ngàn đồng và nói: - Má à! Bây giờ con làm khá lương rồi, con sẽ lo cho má đầy đủ, má khỏi làm gì hết. Mỗi tháng má ăn xài bao nhiêu? Bà Hùng châu mày nhìn Mai Ly: - Má có ăn xài gì đâu, má ráng làm bánh cho có chút tiền dư để hậu thân. - Con hiểu rồi. Nhưng má cho con biết rõ để con lo liệu. - À, nếu con muốn... Ối, má ăn xài cao lắm là năm trăm đồng một tháng. - Văy thì con bảo đảm cho má một ngàn rưỡi mỗi tháng, và con ráng cần kiệm có dư, con sẽ cất lại căn nhà này cho có đủ tiện nghi để má ở sướng thân hơn. - À, nè, nè. Cái gì cũng từ từ, chớ con đừng có ráng sức quá rồi sẽ sanh bệnh đó à nghe. - Không đâu má à! Công việc của con cũng nhẹ nhàng chứ không có nặng nhọc đâu, má đừng có lo. Mai Ly vui mừng trò chuyện cùng với mẹ em. Tới xế chiều em trở lại nhà của Larry. Trong một tuần lễ tiệc tùng mỗi đêm. Larry hết phép, chàng phải đi bay. Larry âu yếm dặn dò Mai Ly: - Em cứ an tâm ở đây, anh đi bay tuần sau anh sẽ trở về. Mọi việc gì cần, thì có chú Jo, Bill đây. - Dạ, cám ơn anh. Em sẽ ở đây chờ anh trở về. Chúc anh đi bình an. Tưởng đâu dứt kiếp phong trần Nào ngờ giông bão đến gần đời hoa! Ngày qua ngày trôi chậm, đã hơn mười ngày mà chẳng có tin tức gì của Larry. Mai Ly thấy lòng vừa nhớ, vừa lo cho chàng. Chiều thứ bảy, Jo vừa vô thấy Mai Ly đang đứng ngoài sân. Jo nói: - Cô Mai Ly! Chút nữa Larry sẽ về tới đó. - Thật không? Này, anh Jo! Anh biết tin hồi nào vậy? - Hôm qua. Tôi quên nói lại với cô. Trong lòng Mai Ly mừng vui, vội vàng vô nhà, lên phòng trang điểm sơ lại. Bàn cơm đã dọn sẵn. Mấy cậu cấp úy đã đủ mặt, họ đứng ngồi nâng ly khai vị đợi Larry về ăn cơm chung. Đã hơn tám giờ tối rồi mà vẫn chưa thấy Larry về. Chuông điện thoại reo, Jo nhấc lên: - A-lô! Jo nghe đây! - Al-ô! Jo đó hả? Tôi là Garry Peter đây. - Chuyện gì đó Garry? - Cô Mai Ly có nhà không? - Có, mà chuyện gì, sao mầy không nói? - Rất tiếc, Larry đã bị thương rồi! Jo im lặng vài giây, Garry nói tiếp: - Jo, mầy cho tao nói chuyện với cô Mai Ly. Jo nhìn Mai Ly, cậu hơi ngần ngại, rồi nói: - Cô Mai Ly! Có bạn của Larry muốn nói chuyện với cô. Mai Ly có linh cảm việc không lành, đến cầm điện thoại: - A-lô! Mai Ly đây. - Chào cô Mai Ly! Tôi là Garry bạn của Larry, xin cho tôi báo tin buồn... Larry bị rớt máy bay, nhờ dù bật ra thoát được, nhưng bị gãy một chân, đã đưa gấp về Mỹ rồi. Cô cứ an tâm ở lại đó. Larry có nói với tôi, là tôi sẽ thay thế lo cho cô tất cả. Mai Ly đau điếng người, nghẹn cổ không nói được lời nào, vứt điện thoại xuống, em chạy thẳng lên phòng ôm mặt khóc nức nỡ, và nói một mình: - Thôi hết rồi! Ông trời sao cay nghiệt gieo chi cho đời mình những cảnh tang thương ly biệt như thế này! Trong căn biệt thự sang trọng, không khí chìm lặng, mọi người đều buồn bã, bàn cơm đã nguội lạnh không ai muốn ăn. Jo lên phòng Mai Ly, cậu gõ cửa, gọi: - Cô Mai Ly! Mở cửa, Jo đây! - Cửa không khóa, cứ vô đi. Jo đến gần Mai Ly và an ủi: - Cô Mai Ly à! Cô xuống ăn cơm, cả nhà đang đợi cô đó. Chuyện như vậy rồi, cô có buồn khóc cũng không thay đổi được tình thế. - Vâng! Anh xuống trước đi, tôi sẽ xuống liền. Mai Ly thất thiểu bước chầm chậm từng nấc thang lầu. Vào bàn ăn, em nuốt không trôi, nước mắt cứ tươm ra mãi. Bữa cơm gần xong, giọng nói nghẹn ngào của Mai Ly, em nói: - Bữa cơm cuối cùng đêm nay. Xin chúc tất cả an lành, vì sáng mai tôi sẽ ra đi. Jo vọt miệng: - Cô đi đâu? Garry bảo chúng tôi giữ cô ở lại với bất cứ giá nào. Cô mà đi, tụi tôi sẽbị trách đấy! Làm gì làm cũng phải chờ Garry về, ông sẽ tính sau. Mai Ly cố nén đau thương, nói tiếp: - Jo, Bill... đừng lo, không hề gì đâu. Larry đã bị tai nạn về Mỹ rồi, tôi ở lại đây làm gì? Mong các anh hiểu dùm tôi hơn. Jo xoa hai bàn vào nhau và nói: - Thì cô nán chờ Garry về đây. Chắc mai hay mốt gì nó về đó cô à! Mai Ly tiếp: - Không. Tôi không thể ở lại, tôi đã nhứt quyết rồi. Jo hỏi: - Mà cô đi đâu, ở đâu? - Các anh lo gì. Tôi còn chút tiền, sẽ tìm nhà hay phòng trọ mướn ở, có khó gì đâu. Chào các anh tôi đi ngủ.