Ngô Thị Thu Vân:::
Cô Miên
Tôi gặp chị trong một hội nghị văn học, được ban tổ chức xếp ở cùng phòng với nhau. Giống như sự tình cờ, cũng giống như có ai đó sắp đặt trước. Nói rằng chúng tôi đã quen nhau thì không phải, mà không biết nhau cũng không đúng. Bởi cách đây một năm, cũng trong một hội nghị, tôi và chị đã từng "thấy" nhau. Lần đó đoàn của tôi và đoàn của chị ngồi cách nhau một dãy ghế. Hôm nay, ở nơi "xứ lạ quê người" vậy là đủ để tay bắt mặt mừng chị chị em em rồi.
Tên chị là Cô Miên. Nguyễn Thị Cô Miên. Chị giải thích: Cô Miên là ngủ một mình. Cái tên ấy đã vận vào đời chị như một định mệnh. Bốn mươi lăm năm có mặt trên cõi đời này, cộng lại đã có hơn 30 năm chị phải ngủ một mình.

*

Cái đêm đầu tiên ngủ một mình là nỗi kinh hoàng đeo đẳng chị như một ám ảnh. Đó là năm chị vừa tròn sáu tuổi. Là con Miên bé bỏng. Buổi sáng hãy còn hớn hở vui đùa nhìn mọi người tấp nập áo đỏ, áo xanh, tưng bừng nhộn nhịp, ăn uống say sưa. Tối đến, tiệc tan, mọi người lần lượt ra về. Nó ngạc nhiên khi thấy một người đàn bà ở lại nhà nó. Người đàn bà đã nằm đúng vào vị trí của Miên bên cạnh ba trên chiếc giường đôi của hai cha con trong căn phòng quen thuộc. Sáu năm trước, thương Miên phải một mình bơ vơ trong giấc ngủ trẻ thơ, ba đã bế Miên từ chiếc nôi con đem lên giường đặt nằm cạnh ba. Người đàn ông vụng về, loay hoay, xoay trở mãi tới sáng cũng vừa lúc chỉ còn đúng một chỗ khô trên chiếu để con nằm. Sáu năm sau, cũng chính tay ba bế Miên từ chiếc giường ấy mang ra phòng ngoài đặt lên chiếc giường đơn sắt lạnh. Ba hôn lên trán Miên trước khi quay đi, lần đầu tiên Miên nghe hơi thở ba nặc nồng mùi rượu.
Cái bóng đèn cà na nhuộm màu đỏ suộm gắn trên vách tỏa ra một thứ ánh sáng nặng nề khó chịu. Miên nhắm mắt lại. Nỗi sợ hãi làm nó muốn ngợp thở. Nó nghe hai chân mình trơn lạnh. Có một cái lưỡi dao đỏ tươi và nhớp nháp đang từ từ liếm láp từ chỗ bàn chân dần lên tới gối. Nó muốn nhấc chân lên, muốn co người lại. Nhưng tất cả đều không thể, nó nằm bất động, mồ hôi vã ra rồi đuối sức thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, nó ngửi thấy mùi ngai ngái, tanh nồng của con ma da hút máu rút ruột người. Nó nghe chỗ cuống họng đau điếng. Nó dùng hết sức lực còn lại la thật lớn: "Ba ơi, cứu con!". Đèn bật sáng, người đàn bà kia bước vào, ngồi xuống cạnh Miên. Mùi phấn thơm trên người bà ta trộn lẫn với mùi tanh nồng của con ma da làm Miên buồn nôn. Nó quay mặt vào vách. Nhưng rồi lại quay ra. Dẫu sao sự có mặt của bà ta vào lúc này cũng làm nó đỡ sợ. Nó hỏi: "Ba đâu?". "Ba mệt, có dì ở đây Miên ngủ đi". Rồi hình như bà ta còn nói gì nữa. Miên không hơi sức đâu để nghe, để giận, để ghét, để buồn, để tủi. Miên thiếp đi mê man.
- Nghi tắt máy lạnh đi, mở cửa sổ ra giùm chị.
- Chị Miên lạnh hả?
Chị không trả lời tôi. Giọng chị xa vắng miên man như từ cõi nào.
- Không ai chết vì ngủ một mình. Cho nên chị vẫn sống đến bây giờ...
Ngày đầu tiên đến trường, Miên dậy từ rất sớm. Ba đi công tác chưa về. Dì lui cui dưới bếp chuẩn bị bữa ăn sáng cho Miên. Dì nhỏ nhắn, nước da đen tái. Hàm răng đều và trắng quá làm đôi môi thêm thâm xì mỗi bận dì cười (mặc dù dì rất ít khi cười). Thấy Miên xuống, dì nhìn Miên vẻ thân thiện. Miên liếc xéo, giậm chân thình thịch đi lại chỗ sàn nước. Đã thấy dì để sẵn kem và bàn chải ở đó. Miên vừa đánh răng, rửa mặt vừa vẩy nước tung tóe ra sàn nhà...
Dì có tài nấu ăn rất ngon và khéo. Cứ nhìn thấy cái trứng ốp la nằm gọn trong chiếc đĩa sứ màu trắng thì biết. Quả trứng tròn vành vạnh, xung quanh rìa vàng tròn. Bên trong màu trắng đục. Ở giữa lòng đỏ được ôm gọn mô lên phập phồng, bóng nhảy. Trông như cái nón rộng vành của chú chệt mua ve chai ngoài đầu hẻm. Đó là món ăn mà Miên rất thích. Nhưng lần nào ngồi vào bàn ăn Miên cũng đều giãy nảy, khua đũa, quăng dao để rồi lần nào Miên cũng ăn hết một cách ngon lành (khi dì biết ý bỏ đi nơi khác). Điều đó không qua được mắt dì nên cứ vài hôm lại: "Miên ráng ăn trứng cho có dinh dưỡng mà học giỏi...". Trong khi Miên ăn, dì lặng lẽ lấy giẻ lau khô chỗ nước ban nãy Miên cố tình vung vẩy. Rồi dì đưa Miên đi học. Nói là đưa chứ thật ra dì chỉ lẽo đẽo theo Miên. Từ nhà đến trường chưa đầy một cây số. Hôm ấáy vào đợt bão. Gió lao rao mang hơi nước lành lạnh. Bầu trời oằn xuống nặng trĩu. Không gian phủ lên vạn vật một màu khói lam huyền ảo. Miên tha thẩn nhìn những cánh phượng cuối mùa sau một hồi chao liệng ngả nghiêng trong gió ban mai lã chã rơi chạm khẽ xuống mặt đường nằm chỏng chơ tội nghiệp. Những cánh phượng như những cánh bướm già nua bèo nhèo nhuộm đỏ cả một quãng đường. Một chiếc xe buýt trờ tới. Anh lơ xe vỗ vào thùng xe xèng xèng, miệng hô lớn: "Dô...dô...". Con bé đi bên cạnh Miên níu tay mẹ sợ hãi. Từ phía sau dì bươn bả chạy tới nắm lấy tay Miên. Miên giằng tay ra nhìn dì vẻ bình thản rồi nhìn sang con bé bên cạnh bĩu môi: "Vậy cũng sợ"'. Rồi mải miết đi không ngoái lại.
Bất chợt chị quay sang tôi:
- Ngày đầu tiên đi học của Nghi như thế nào kể chị nghe với.
Tôi ậm ừ. Biết kể sao bây giờ. Đó là một ngày nắng dịu dàng và gió cũng dịu dàng. Ba cõng Nghi trên lưng băng qua mấy quãng đồng trong văng vẳng tiếng trống khai trường. Mẹ theo sau hai cha con tay xách cặp, vai đeo lủng lẳng cái bình nước bằng nhựa hình con gấu trúc. Ngày đó đọng lại trong ký ức của Nghi bây giờ là mùi mồ hôi nồng nàn trên lưng ba. Ánh mắt dịu dàng động viên của mẹ. Và nụ cười xinh xắn của cô giáo...
- Nghi ngủ rồi à?
Tôi giật mình:
- À chưa! Nghi đang nhớ lại ngày đi học đầu tiên. Nhưng chẳng nhớ được gì rõ ràng để kể lại cho chị Miên nghe. Đầu óc Nghi tồi tệ quá...
Hồi bằng tuổi Nghi bây giờ chị từng được xem là một cô gái thông minh, mạnh mẽ. Chỉ một mình chị biết là chị yếu đuối, kém cỏi. Nhưng thôi, mọi người đã nghĩ như vậy thì chị cứ hãy thông minh, mạnh mẽ. Để làm được điều đó chị phải gắng sức. Ở nhà, chị tự chăm sóc cho mình, tự làm thêm mọi công việc có thể: may vá thêu thùa, kết hoa vải, may thú nhồi bông... để kiếm tiền đóng tiền học, mua sắm quần áo, sách vở. Đến trường, chị tự đề ra mục tiêu phải học thật giỏi. Sinh hoạt Đoàn phải cừ. Quả thật, suốt mấy năm trung học chị đều làm cán bộ lớp, cán bộ Đoàn. Mà đã là "sếp" lại càng phải tỏ ra "mạnh mẽ".
Công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Ba bận rộn túi bụi cả ngày ở công ty. Họa hoằn lắm hai cha con mới có dịp ngồi ăn chung với nhau một bữa cơm. Những lần như vậy ba thường hay hỏi: "Miên học hành ra sao? Có cần tiền không? Có thiếu gì không? Dì cháu vui vẻ chứ?...". Lần nào chị cũng trả lời ba: "Tất cả bình thường. Miên không cần gì, không thiếu gì. Dì đối với Miên rất tốt". Lần cuối cùng ba hỏi chị những câu đại loại như vậy và chị cũng trả lời ba đại loại như vậy. Đó là năm chị sắp hết lớp 12. Ba xoa đầu chị: "Vậy là tốt rồi. Ba rất mừng khi thấy Miên của ba là một cô gái mạnh mẽ, biết tự lập...". Rồi ba buông đũa lên lầu. Chị nhìn theo ba ứa nước mắt. Miếng cơm nghẹn trong cổ. Chị đứng dậy. Dì nhìn chị ái ngại. Dì bây giờ trông đầy đặn hơn xưa nhưng vẫn ít nói ít cười. Vẫân rụt rè trước sự "mạnh mẽ" của chị. Vẫn thỉnh thoảng "Miên ráng ăn trứng cho có dinh dưỡng mà học giỏi''. Suốt những năm tuổi thơ, những lời thậm thụt của mấy bà hàng xóm kiểu như: "Mấy đời bánh đúc có xương..." khiến chị luôn luôn cảnh giác với dì. Chị như con nhím cố xù gai để đối phương không dám đụng vào mình. Nhưng sự cam chịu, nhân nhượng, nhẫn nại, khoan dung độ lượng của dì làm chị dần dà cảm thấy đó không phải là cách. Nhưng phải thay đổi thế nào thì chị lại không nghĩ ra. Thành thử, tình cảm giữa dì và chị không thừa lạnh nhạt nhưng cũng không đủ mặn mà.
Dì không sinh nở được, đó là cái cớ để ba dần dần thờ ơ với dì. Ba thường xuyên vắng nhà vì công việc. Còn chị, ngoài giờ học ở trường chị đi sinh hoạt Đoàn, đi diễn văn nghệ, đi học ngoại ngữ, đi dạy kèm. Hầu như chị chỉ về nhà ăn tối và đi ngủ. Dì trở thành cái bóng lặng lẽ trong ngôi nhà mênh mông, quạnh vắng. Ba bây giờ thỉnh thoảng mới về nhà ở với dì một ngày, ngủ với dì một đêm để dì đừng quên dì là đàn bà có chồng.
Giải nhì toàn quốc môn văn năm cuối cấp III là cái vẻ ưu tiên để chị bước vào cánh cổng Trường Đại học Tổng hợp mà không cần thi cử. Nhưng như vậy thì trong lúc bạn bè tất bật luyện thi, chị biết làm gì. Vậy là chị lại nạp hồ sơ thi thêm hai trường nữa. Kết quả chị đỗ cả hai trường. Có một trường đạt điểm tuyệt đối. Đối với gia đình và bạn bè, việc chị thi trượt mới là chuyện lạ. Còn đỗ đại học dù là thủ khoa mấy trường đi nữa cũng được xem là bình thường. Đối với xã hội, chị không đủ "chuẩn" để được tuyên dương trên báo đài vì chị không khuyết tật, không ở nhà rách, không bán khoai lang... Thành thử chỉ có mình chị là tự biết mình đã phải nỗ lực như thế nào để có được kết quả ấy.

*

Chuông điện thoại di động vang lên giai điệu rộn ràng của bài hát Lambada. Chị với tay lên đầu giường cầm điện thoại lên tắt máy.
- Ông xã chị gọi đấy.
- Sao chị không nghe?
Chị trở mình vặn vẹo. Những khớp xương kêu răng rắc. Giọng chị càng về khuya càng đục khàn:
- Ở đời người ta có thể ngộ nhận nhiều thứ nhưng đừng ai dại dột mà ngộ nhận tình yêu. Cái giá phải trả cho nó có khi là cả một cuộc đời Nghi ạ!
Dì ngã bệnh. Ba hay tin về đôn đáo đưa dì đi khắp nơi tìm thầy chạy thuốc. Tây y, đông y, thầy bùa, thầy ngải, cô đồng, cậu bóng, không ai gọi ra được tên con bệnh của dì. Dì không nóng sốt, không đau đớn, không lú lẩn chỉ mỗi tội không ăn, không ngủ được. Dì như ngọn nến chập chờn vơi dần từng giọt sáp. Lần cuối cùng chị đến thăm dì, nhìn mảnh hình hài teo tóp, chỉ còn ánh mắt dì nhìn chị là còn một chút mầm sống. Chị thương quá ôm lấy dì, áp khuôn mặt mình vào ngực dì xương xẩu. Nghe hơi thở dì gấp gáp, chị bất chợt gọi khẽ: "Má!". Dì mỉm cười, hai giọt nước cuối cùng trong cái thân hình khô đét kia tứa ra ở hai bên khóe mắt. Dì nhẹ nhàng thanh thản ra đi trong tay chị.
Sau đám tang dì, ba lại mang về một người đàn bà. Chị không còn là con bé Miên sáu tuổi bé bỏng yếu đuối năm xưa. Một đứa con gái thông minh, mạnh mẽ phải biết đối đầu với hoàn cảnh. Chị ôm quần áo, sách vở vào ký túc xá.
Ngày hè, ký túc xá vắng tênh, lũ bạn cùng phòng đã lần lượt về quê. Còn lại một mình chị. Tắm khỏi phải xếp hàng. Đêm đêm khỏi phải ngắm nhỏ Lan mặc váy cũn cỡn thoải mái vô tư trèo lên tầng trên đến xốn mắt. Khỏi phải mất ngủ bởi tiếng thì thào chút chít của nhỏ Giang với "anh trai miền sơn cước" đằng sau tắm riđô mỏng lét. Khỏi phải chứng kiến cảnh chúng nó ngồi lê mách lẻo, gây gổ om sòm. Nhưng chỉ được vài hôm, chị cảm thấy cô đơn trống trải lại thèm được cái không gian ồn ào, bừa bộn cũ. Chiều, nắng oi nồng, chị tha thẩn bên gốc phượng già ở cuối sân, nhặt nhạnh những bông phượng đỏ thắm xếp thành một đàn bướm. Phượng đỏ làm chị nhớ xiết bao cái ngày dì lẽo đẽo theo sau đưa chị đi học buổi đầu tiên. Nỗi buồn trĩu nặng làm chị ứa nước mắt. Tiếng con trai sau lưng:
- Nghỉ hè sao đằng ấy không về?
- Không có chỗ về - chị giật mình - Còn đằng ấy?
- Không có tiền về.
Cả hai cùng cười. Rồi anh kể cho chị nghe về quê anh, dải đất cù lao mấp mé nước sông Tiền. Ở đó có những ngày gió chướng bông so đũa nở trắng, cá lòng tong lũ lượt kéo về từng bầy. Có những đêm mưa, ếch ngoài đồng mở hội có đôi như chợ tình Sa Pa. Có những ngày nắng đi ngoéo cua đồng về cho má nấu canh bồ ngót. Chị ngồi nghe say sưa thấy cái gì cũng lạ, cũng hay, cũng gợi trong chị niềm khát khao về một gia đình đầm ấm. Cứ thế, mỗi ngày, mỗi ngày anh lấp đầy khoảng trống cô đơn trong chị bằng một chút nắng, chút mưa, chút gió mùa trăn trở. Chị gom góp lại, ngộ nhận nó là tình yêu. Ba chê anh thằng con trai tỉnh lẻ, không sự nghiệp công danh. Chị lặng lẽ xách vali theo anh về quê, không xe hoa pháo cưới.
Từ ngày bắt đầu biết nhìn nhận sự việc xung quanh, chị chưa hề thay cuộc đời này hào phóng ban tặng chị một thứ gì dầu chỉ là một chút. Để có được điều gì đó cho mình, chị luôn phải nỗ lực gắng sức. Lần này cũng vậy, để thích nghi được với sự cách biệt thành thị - nông thôn, chị cũng đã phải gắng hết sức bằng tất cảá thiện chí của mình. Nhưng với anh, chị hoàn toàn không thể...
Khi chị bị cuộc đời và gia đình anh (với hơn mười con người lớn bé) vùi dập, hiếp đáp, chị ước gì anh có một chút mạnh mẽ, dám đứng về phía chị. Khi nghèo khổ, khốn khó, chị ước gì anh có một chút tự tin, năng lực và chuyên cần để đưa gia đình vươn tới ấm no. Khi chị buồn vui, chị ước gì anh biết quan tâm, chia sẻ để chị có thể tựa vào anh mà bước đi trên đường đời thênh thang. Những thứ chị không ao ước thì anh lại có thừa. Anh thừa tính gia trưởng độc đoán. Anh biết rõ mình kém cỏi hơn chị nhưng không có dũng khí nhìn nhận sự thật. Anh càng cố chứng tỏ mình càng làm cho cuộc sống trở nên tồi tệ. Anh không công nhận vai trò "thống lĩnh" gia đình của chị mặc dù anh biết rất rõ anh không đủ năng lực để đảm nhiệm nó một cách hoàn hảo.
Không ai muốn mình trở thành một người đàn bà mạnh mẽ theo cái nghĩa phải đương đầu hứng chịu dông bão cuộc đời, nếu nơi ấy có người đàn ông dang tay ra gánh vác. Sự mệt mỏi chán chường cùng với ngồn ngộn những công việc ở cơ quan và gia đình làm chị suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác. Lấy cớ để chị giữ gìn sức khỏe và có thời gian yên tĩnh làm việc, anh dọn ra ngủ ở phòng ngoài. Thế là chị lại bắt đầu những giấc cô miên một lần nữa trong đời và lần này thì mãi mãi. Chị không buồn, trái lại điều đó làm chị đỡ cảm giác ngán ngẩm. Cho đến một đêm, khi nỗi khát khao đàn bà trong chị trỗi dậy, chị đưa tay sờ lên ngực mình lạnh giá. Chợt nhớ hình như đã từ lâu lắm tiếng gõ cửa phòng chị thỉnh thoảng vào lúc nửa đêm đã không còn. Chị linh cảm về một điều gì đó mơ hồ, cứ tròng trành như con thuyền trôi trong sương đêm.
Nếu còn một chút gì đó để chị hãnh diện về anh thì đó chính là tính thật thà không biết quanh co, ngụy biện. Nên chẳng khó khăn gì, chỉ vài câu hỏi "nghiệp vụ", chị đã được anh thú nhận về cái "chương trình" mà anh đang "hân hạnh được tài trợ" ở bên ngoài. Chị lắng nghe anh, bình thản đến lạnh lùng. Chị có thói quen không khóc trước mọi đau khổ. Ngươi đàn bà mạnh mẽ thì không nên để rơi nước mắt...

*

- Không còn yêu nhau sao chị không chọn giải pháp ly dị? - Tôi rụt rè hỏi chị với một chút tò mò.
Chị cười buồn:
- Suy cho cùng, chị có yêu anh đâu mà còn với hết. Ly dị ư? Ở tuổi chị bây giờ, mọi sự xáo trộn trật tự sẵn có trong cuộc sống đều không cần thiết. Nó không mang ý nghĩa giải phóng cuộc đời. Bởi vì từ lâu lắm rồi chị có bị ràng buộc bởi điều gì đâu. Chị tự do đi đứng, quan hệ. Tự do một mình trong căn phòng bừa bộn bên những trang viết thâu đêm suốt sáng và một mình với những giấc ngủ không giờ giấc, không đầu không cuối.

*

Giọng chị nặng như ướt nước:
- Nghi biết không! Đã hơn mười hôm rồi chị không gặp con gái. Sau chuyến đi Hồng Kông một tuần về ra tiếp Điện Biên. Hôm nay lại tiếp tục qua đây. Chị nhớ nó lắm. Chắc nó cũng đang mong chị. Là một người đàn bà, chị cũng có những mong muốn bình thường như bao người đàn bà khác: được tự tay chăm sóc chồng con, đảm đang việc nhà. Có những lúc buồn tủi, chị cũng thèm được khóc, thèm được dỗ dành. Những lúc bị đời vùi dập, phũ phàng, chị cũng thèm được an ủi, chở che. Đôi khi thấy mình yếu đuối kém cỏi chị cũng cần được bảo ban, dìu dắt. Không có người đàn bà mạnh mẽ; chỉ có người đàn bà cố giấu đi sự yếu đuối của mình Nghi ạ!
Chị khóc, mới đầu là thút thít, sau đó cứ rưng rức từng cơn. Rồi như không nén được nữa, chị khóc ngằn ngặt, bao nhiêu nước mắt bấy lâu bị nuốt ngược vào trong nay có dịp tuôn ra. Tôi cảm thấy bối rối. Tôi siết chặt đôi tay mềm mại, nồng ấm của chị như một chia sẻ muộn mằn.
Không biết đêm đã qua chưa?!

Xem Tiếp: ----