ên-tử cư-sĩ (YTCS) là bút hiệu của Bác-sĩ Trần Đại-Sỹ, hiện là Giám-đốc Trung-quốc sự vụ tại viện Pháp-á (Institut Franco-Asiatique) và Giáo-sư trường y khoa Arma (Paris). Ông sinh trong một gia đình nho học. Ông ngoại là một đại khoa bảng của triều Nguyễn. Vì không có con trai, nên cụ theo tục lệ cổ Việt-Nam, nuôi cháu làm con. Cụ nuôi Trần Đại-Sỹ từ nhỏ. Thân phụ là một thẩm phán, học tại Pháp, nhưng rất uyên thâm nho học. YTCS là con thứ ba trong gia đình sáu trai, một gái. Trên ông còn một người chị và một người anh. Hai người em nổi tiếng trong gia đình ông là Võ-sư Trần Huy Phong, và nhà văn, kiêm Võ-sư Trần Huy-Quyền. YTCS được khai tâm học chữ Nho vào năm 5 tuổi, năm 6 tuổi gửi vào trường Pháp trong tỉnh học. Được quy y Tam-bảo học võ với ngài Nam-hải Diệu-Quang năm 7 tuổi. Bản-sư, ông ngoại cũng như phụ thân YTCS đều là những người rất uyên thâm về các khoa học huyền bí Đông-phương như: Tử-vi, Bói dịch, Nhâm-độn, Phong-thủy, Tử-bình... Ba vị nhìn thấy rất rõ thiên mệnh đã dành cho đệ tử, con-cháu mình những gì, nên cả ba đã chuẩn bị sẵn một con đường cho cả đời YTCS. Hãy nghe YTCS tâm sự: « Bấy giờ là thời gian 1950-1954, Nho-học gần như đi vào giai đoạn chót của thời kỳ suy tàn, những vị khoa bảng cổ lác đác như sao mai. Chữ quốc ngữ được quần chúng hóa. Các tiểu thuyết chương hồi của Trung-quốc được dịch sang tiếng Việt. Người Việt thi nhau đọc. Mà các tiểu thuyết của Trung-quốc, viết trong chủ đạo của họ: Vua luôn là con trời sai xuống. Các quan thì luôn là những vì sao trên trời đầu thai, các nước xung quanh Trung-quốc thì Đông là Di, Bắc là Địch, Tây là Nhung, Nam là Man. Bị ảnh hưởng của những tiểu thuyết đó, người Việt đọc rồi tin là thực, thậm chí lập tôn giáo thờ kính những nhân vật đó, tự ty mình là Nam-man! Vì vậy sư phụ, cũng như ông-cha tôi muốn mình phải có mấy bộ tiểu thuyết thuật những huân nghiệp của tổ tiên ta trong năm nghìn năm lịch sử, để người Việt mình hiểu rõ hơn. Các người biết số Tử-vi của tôi có thể thực hiện nguyện ước của các người, vì vậy các người cố công dạy tôi ». Vì vậy YTCS phải chịu một chương trình giáo dục gia đình rất nặng nề. Ta hãy nghe ông tâm sự: « Năm tuổi bắt đầu học Ấu-học ngũ ngôn thi. Sáu tuổi học Bắc-sử, Nam-sử. Bẩy tuổi học Tứ-thư, Ngũ-kinh. Tám tuổi đã học làm câu đối, văn sách, văn tế, chế, chiếu, biểu. Dù phải học nhiều, song nhờ được luyện Thiền-tuệ nên vẫn thu thái dễ dàng. Chín tuổi phải học thuật tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Mười tuổi học 24 bộ chính sử Trung-quốc, Đại-Việt sử ký toàn thư, Việt-sử lược, Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục, Đai-Nam chính biên liệt truyện, và hằng trăm thứ sách khác. Thành ra cả thời thơ ấu, tôi sống với sách vở, với Thiền, chưa từng biết chơi bi, đánh đáo. Bất cứ ai cũng đặt câu hỏi: Làm thế nào tiền nhân tôi lại có thể nhét vào đầu tôi những thứ khô khan như vậy? Sau này lớn lên vào đại học Y-khoa tôi mới biết là nhờ Thiền-tuệ ». Năm 15 tuổi, YTCS đỗ Trung-học, rồi ông ngoại qua đời, một người trong gia đình gây ra thảm cảnh không thể tưởng tượng nổi, khiến YTCS phải rời tổ ấm. Song cơ may đưa đến, ông được nhập học một trường có truyền thống giáo dục cực kỳ chu đáo. Tuy gặp thảm họa, nhưng những gì bản sư, ông-cha đã hoạch định cho cuộc đời, YTCS vẫn cương quyết theo đuổi. Sống xa gia đình, YTCS phẫn uất dồn hết tâm tư vào việc học. Mười bẩy tuổi ông đỗ tú tài 1, mười tám tuổi đỗ tú tài toàn phần. Vào đại học. Năm 25 tuổi ra trường (1964.) Đã có chỗ đứng vững chắc về danh vọng, về tài chánh. Bấy giờ ông mới trở về với gia đình trong vinh quang. Mà...cái người gây ra đau khổ cho YTCS, than ôi, y trở thành một tên lêu bêu, vô học bất thuật, và cho đến bây giờ (2000), y đã đi vào tuổi 66, vẫn là một tên ma-cô, ma cạo. Năm 1968 ông bắt đầu viết những bộ tiểu thuyết lịch sử. Năm 1977, ông làm việc cho Ủy-ban trao đổi y học Pháp-Hoa (Commité Médical Franco-Chinois viết tắt là CMFC) với chức vụ khiêm tốn là thông dịch viên. Nhờ vào vị thế này, ông học thêm, đỗ Tiến-sĩ y khoa Trung-quốc, rồi lại tốt nghiệp Trung-y học viện Bắc-kinh. Dần dần ông trở thành giảng viên, rồi tổng thư ký, và cuối cùng là trưởng đoàn từ 1995 cho đến nay (2000). Sự nghiệp văn học Những tác phẩm đã xuất bản. Dịch Cân Kinh - Thư Viện Việt Nam Ấn Quán xuất bản năm 2003 Giảng Huấn Tình Dục bằng Y Học Trung Quốc (Bộ 3 quyển 900 khổ lớn) Thư-viện Việt-Nam, Cali. USA, xuất bản 2002. Về cuộc khởi nghĩa của vua Trưng, gồm 11 quyển, 3509 trang, do Nam-Á Paris xuất bản: Anh-hùng Lĩnh-Nam, 4 quyển,1318 trang, 1987 tái bản 2000. Động-đình hồ ngoại sử, 3 quyển, 886 trang, 1990, tái bản 2001. Cẩm-khê di hận, 4 quyển, 1305 trang, 1992, tái bản 2001. Về cuộc phá Tống, bình Chiêm thời Lý, gồm 19 quyển, 6634 trang, do viện Pháp-á Paris xuất bản. Sẽ do Thư-viện Việt-Nam, California, Hoa-kỳ tái bản 2001: Anh-hùng Tiêu-sơn, 3 quyển, 907 trang. Thuận-thiên di sử, 3 quyển, 909 trang. Anh-hùng Bắc-cương, 4 quyển, 1254 trang. Anh-linh thần võ tộc Việt, 4 quyển, 1334 trang. Sẽ do Thư-viện Việt-Nam, Cali. USA, tái bản 2003. Nam-quốc sơn hà, 5 quyển, 2230 trang, 1996. (Do viện Pháp-á Paris xuất bản, Đại-Nam Hoa-kỳ ấn hành). Về cuộc bình Mông, do viện Pháp-á Paris xuất bản, Đại-Nam Hoa-kỳ ấn hành.. Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông, 5 quyển, 2566 trang, 1999. Tổng cộng đã xuất bản: 12.709 trang! Đang viết sẽ xuất bản: Anh-hùng Đông-a gươm thiêng Hàm-tử, 5 quyển, khoảng 2500 trang. Về cuộc khởi nghĩa Lam-sơn: Anh-hùng Lam-sơn, 5 quyển, khoảng 2500 trang. Về cuộc khởi nghĩa Tây-sơn: Anh-hùng Tây-sơn, 5 quyển, khoảng 2500 trang. Tính chung, YTCS đã và dự định viết là: 20.209 trang. Sự nghiệp y học Nếu so sánh với sự nghiệp văn học, thì sự nghiệp y học của YTCS rất khiêm tốn. Tốt nghiệp: - Đại-học Y-khoa Cochin Port Royal Paris (Pháp) với luận án Contribution à la bio-bibliographie de quelques Stomatologistes et dentistes français. - Đại-học Y-khoa Thượng-hải, với luận án Trung-y dương ủy biện chứng luận trị (Điều-trị chứng bất lực sinh lý bằng y học Trung-quốc). Sự nghiệp y học của ông có 3: Một là tìm lại được cây Phản-phì, hai là tìm ra phương pháp Điện-phân mỡ, ba là đào tạo được 1422 đệ tử. Tìm lại được cây phản phì. Năm 1982, YTCS cùng phái đoàn CMFC, đã tìm lại được cây Phản-phì, tưởng đã tuyệt chủng. Loại cây này thuộc họ trà, rút bỏ một vài độc chất, chế thành thuốc uống vào có khả năng giảm béo, hạ thấp Cholestérol, Triglycéride trong máu, mà không bị phó tác dụng như các loại thuốc hóa học. Sau đó cây này được gây giống, trồng, chế thành thuốc. Năm 1984 bắt đầu bán trên thị trường châu Âu. Trong chuyến đi này, phái đoàn được tăng cường một nữ tài tử điện ảnh Hương-cảng, và một nữ bác sĩ thuộc Côn-minh làm hướng dẫn viên. Để làm vui lòng hai người đẹp đi trong phái đoàn, thay vì đặt cho sản phẩm này mang tên mình, YTCS đã đặt tên là Hao Ling (Đọc theo Hán-Việt là Hảo Liên). Hảo là nữ bác sĩ Chu Vĩnh Hảo người Vân-Nam. Liên là tên nữ tài tử điện ảnh Hương-cảng, đi theo phái đoàn. Tìm ra phương pháp điện phân mỡ. Khởi đầu từ năm 1978, trong một dịp vô tình, YTCS cùng một số học trò, đã tìm ra phương pháp điện phân mỡ, mà tiếng Pháp gọi la Lypo-électrolyse. Sau đó mười năm, một trong các học trò của ông là Bác-sĩ Nguyễn Thị Dung (Hay Đặng Vũ Dung), đem ra phổ biến trên báo, nên người ta tưởng bà là tác giả. Hiện nay trên thế giới có khoảng 60.000 bác sĩ xử dụng. Phương pháp này có thể làm mất mỡ tại bất cứ khu vực nào trên cơ thể, mà không phải dùng thuốc, hay giải phẫu. Đào tạo học trò. Năm 1977, YTCS bắt đầu đào tạo học trò. Nhận thấy y học Tây-phương thường bó tay trước một số bệnh, mà y học Trung-quốc lại có thể điều trị dễ dàng. Trong khi đó tại Pháp cũng như châu Âu, lại ít người biết đến. Bấy giờ tại Pháp có trường vài trường, dạy cho những bác sĩ đã tốt nghiệp đại học y khoa, học thêm 3 năm về khoa Châm-cứu, chương trình rất giản lược. Ông âm thầm đào tạo 9 bác sĩ người Âu, và 5 bác sĩ người Việt, và một tu sĩ Phật-giáo về khoa Châm-cứu, Bốc-dược, Khí-công rất sâu, đúng như chương trình của đại học y khoa Thượng-hải. Chính đám đệ tử đầu tiên này, sau khi học xong, đều mở trường dạy học, gồm hai trường ở Pháp một trường ở Tây-ban-nha. Chương trình dạy tổng hợp y học Âu-Á bắt đầu. YTCS vừa dạy tại các trường này, vừa làm cố vấn cho các giám đốc trường. Cho đến nay (2000) ông đã đào tạo được 1422 bác sĩ, đang hành nghề khắp châu Âu. Trong đó có 136 bác sĩ Việt-Nam. Kết luận. Viện Pháp-á mời giáo sư Trần Đại-Sỹ giữ chức Giám-đốc Trung-quốc sự vụ vì các lý do sau: 1. Thứ nhất, ông rất giỏi về các khoa huyền bí Á-châu: Tử-vi, Nhâm-độn, Bói dịch, Phong-thủy, Phương-thuật. Ông dùng lý thuyết khoa học để chứng minh các khoa trên không phải là những thứ bói toán dị đoan. Trong các khoa trên, ông nổi tiếng nhất về khoa Phong-thủy (Địa-lý). 2. Ông cùng CFMC dùng hệ thống ADN để chứng minh rằng lãnh thổ tộc Việt bao gồm từ sông Trường-giang xuống tới vịnh Thái-lan. Với công cuộc nghiên cứu này, ông làm đảo ngược tất cả những nghiên cứu cổ cho rằng: Người Việt gốc từ người Trung-hoa trốn lạnh hay trốn bạo tàn di cư xuống; mà người Trung-quốc do người từ Đông Nam Á đi lên hợp với giống người đi từ Bắc-Á đi xuống. 3. Ông đã can đảm dành cả cuộc đời, để viết những bộ lịch sử tiểu thuyết trường giang, ca tụng huân nghiệp giữ nước của tổ tiên ông ; mà từ trước đến giờ chưa ai làm, chưa ai làm được, chưa ai có can đảm làm. Những bộ này ngoài yếu tố lịch sử, còn chứa đựng tất cả hệ thống văn hóa, tư tưởng của tộc Việt. Chúng tôi liệt tác phẩm của ông vào loại tư tưởng. 4. Ông tìm lại được cây phản phì, phát minh ra phương pháp điện phân mỡ. Bác-sĩ Trần-thị Phương-Châu (Gynecology) Giám-đốc Nam-á sự vụ, viện Pháp-á. (Trích tập san Y-học Việt-Nam hải ngoại, số kỷ niệm 2000).